Saturday, November 5, 2022

TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ BÌNH MINH HUY HOÀNG CỦA CỘNG HÒA VIỆT NAM


           Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng

Con đường tới Điện Biên Phủ trên vùng thượng du Bắc Việt lại nối dài sang tới tận Geneva bên Thụy Sĩ. Sau khi Pháp thất trận ngày 7 Tháng Năm, 1954, Mỹ khuyên Pháp chớ có điều đình trong chiến bại. Pháp không nghe, nhất định đưa vấn đề Đông Dương ra thương thuyết tại Hội Nghị Geneva (nhóm họp với mục đích giải quyết vấn đề Triều Tiên). Thấy khả năng phân chia lãnh thổ Việt Nam là cao, Quốc Trưởng Bảo Đại mời ông Ngô Đình Diệm từ tu viện Công Giáo Maryknoll, Lakewood, New Jersey, sang thẩm vấn.

Tổng Thống Ngô Đình Diệm (hàng đầu, trái) duyệt hàng quân danh dự bên ngoài Ngũ Giác Đài, Virginia, Hoa Kỳ, ngày 16 Tháng Năm, 1957. (Hình minh họa: Keystone/Getty Images)

Trong quá vãng, ông Bảo Đại đã mời ông Diệm làm thủ tướng tới ba lần. Lần thứ nhất là vào năm 1949. Sau khi ông Diệm đóng góp vào việc đưa ông Bảo Đại từ Hồng Kông về làm quốc trưởng, ông được mời làm thủ tướng. Hai lần sau là vào năm 1951 khi ông Diệm còn đang ở Mỹ. Cả ba lần ông Diệm đều từ chối cho rằng ông không thể làm được việc gì khi người Pháp còn dính líu vào chính trị Việt Nam.

Bây giờ, vì Quốc Hội Pháp đã thông qua Hiệp Ước Độc Lập (Treaty of Independence) ngày 4 Tháng Sáu, 1954, ông Bảo Đại hy vọng ông Diệm sẽ thay đổi thái độ.

Trong hồi ký Con Rồng Việt Nam, ông Bảo Đại ghi lại bối cảnh và lý do chỉ định ông Diệm làm thủ tướng như sau:

“Trước đây đã dùng Diệm, tôi biết ông ta vốn khó tính. Tôi cũng biết ông ta rất cuồng tín, và tin vào đấng Cứu Thế. Nhưng trong tình thế này, không còn có thể chọn ai hơn. Thật vậy, từ nhiều năm qua, người Mỹ đã biết ông, và rất hâm mộ tính cương quyết của ông. Trước mắt họ, ông là nhân vật đủ khả năng đối phó được với tình thế, vì vậy Washington sẵn sàng hỗ trợ ông ta. Nhờ thành tích cũ, và nhờ sự có mặt của em ông (là Ngô Đình Nhu) đang đứng đầu Mặt Trận Đoàn Kết Cứu Quốc, ông lại được nhiều nhà quốc gia cuồng nhiệt ủng hộ, các vị này từng làm đổ chính phủ (Nguyễn Văn) Tâm và chính phủ Bửu Lộc.”

Ngày 16 Tháng Sáu, 1954 khi chỉ định ông Diệm, thoạt đầu thì ông Diệm đã từ chối. Ông Bảo Đại viết về câu chuyện này:

-“Cứ mỗi khi mà tôi cần thay đổi chính phủ, tôi lại phải gọi đến ông. Ông thì lúc nào cũng từ chối. Nay tình thế rất bi đát, đất nước có thể bị chia cắt làm đôi. Ông cần phải lãnh đạo chính phủ,” Quốc Trưởng Bảo Đại nói với ông Ngô Đình Diệm

-“Thưa hoàng thượng, không thể được ạ,” ông Diệm đáp. “Tôi xin trình ngài là sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã quyết định. Tôi định đi tu…”

-“Tôi kính trọng ý định của ông. Nhưng hiện nay, tôi kêu gọi lòng ái quốc của ông. Ông không có quyền từ chối trách nhiệm của mình. Sự tồn vong của Việt Nam buộc ông như vậy.”

Sau một hồi yên lặng, cuối cùng ông đáp:

-“Thưa hoàng thượng, trong trường hợp đó, tôi xin nhận sứ mạng mà ngài trao phó.”

Như vậy, giây phút ấy – ngày 16 Tháng Sáu, 1954 – là giây phút quyết định số mệnh của ông Ngô Đình Diệm. Ông muốn từ quan – không phải là để “lên non tìm động hoa vàng” – nhưng là…để đi tu. Khi Quốc Trưởng Bảo Đại nại đến sự tồn vong của đất nước và không cho ông được phép từ quan, ông mới lĩnh nhận sứ mạng, một sứ mạng đưa đến cho ông bao nhiêu nguy hiểm, gian lao ngay từ đầu, để rồi tiếp tục cuộc hành trình chông gai đi tới cuối đường, nơi tử thần đứng sẵn để chờ đợi ông.

Bước gian truân ban đầu

Khi chỉ định ông Diệm, Quốc Trưởng Bảo Đại chỉ hỏi ý kiến Ngoại Trưởng Foster Dulles của Mỹ, chứ không phải là “Mỹ đưa ông Diệm về Việt Nam làm thủ tướng” như dư luận hay nói đến. Vì biết rõ uy tín của ông Diệm ở Việt Nam nên Mỹ rất ủng hộ ý kiến của ông Bảo Đại.

Nhưng sự ủng hộ cũng không kéo dài được bao lâu. Chỉ nội trong 10 tháng, Thủ Tướng Diệm cố gắng để thành lập một chính phủ trong hoàn cảnh rối ren 1954 của Sài Gòn, Mỹ đã muốn thay thế ông. Lý do chính yếu là sự vận động thành công của Pháp để loại trừ ông vì biết thành tích chống Pháp của gia đình Ngô Đình Khả.

Mỹ đã nghe những lời khuyến dụ của Tướng Paul Ely (tư lệnh Pháp ở Đông Dương) đánh giá ông Diệm không đủ khả năng lãnh đạo và không được dân chúng miền Nam ủng hộ. Ely lại là bạn đồng liêu của Tướng John Collins của Mỹ trong Thế Chiến II. Bây giờ ông Collins là đặc ủy (rồi đại sứ) của Tổng Thống Dwight Eisenhower tại miền Nam. Đầu Tháng Tư, 1955, Tướng Collins đề nghị rõ ràng về năm bước để loại bỏ ông Diệm (xem Khi Đồng Minh Nhảy Vào, Chương 11).

Và ông Collins đã thành công. Cuối Tháng Tư, 1955, Washington có chỉ thị tối mật: Thay thế Thủ Tướng Diệm. Nhưng nhờ cơ may, ông Diệm lật ngược được thế cờ trong khoảnh khắc và Washington hủy mật lệnh này.

Với cái thế mạnh sau Tháng Tư, 1955, Thủ Tướng Diệm đẩy được người Pháp ra khỏi Việt Nam, thu hồi được độc lập cả về chính trị, quân sự lẫn kinh tế, tài chánh, hoàn thành được giấc mộng mà gia đình Ngô Đình Khả nuôi dưỡng từ khi còn làm quan triều Nguyễn.

Hiệp Định Geneva (Tháng Bảy, 1954) chỉ là để phân chia ranh giới rút quân. Quân đội Liên Hiệp Pháp rút về bên dưới vĩ tuyến 17 chứ không phải là rút khỏi Việt Nam.

Ngày 20 Tháng Năm, 1955 là cái mốc lịch sử vì hôm đó quân đội Pháp rút khỏi khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn. Tới Tháng Bảy, số quân đội Pháp từ 175,000 xuống chỉ còn 30,000. Ông Diệm yêu cầu là cả quân đội lẫn huấn luyện viên người Pháp đều bắt buộc phải rời khỏi miền Nam vào mùa Xuân, 1956.

Ông Diệm đã thật vất vả và chấp nhận nhiều nguy hiểm khi đi tới quyết định này. Sau cùng, vào Tháng Tám, 1955, Pháp đồng ý đóng cửa cơ quan quản lý thuộc địa, gọi là “Bộ Các Quốc Gia Liên Kết.”

Về phía Mỹ thì Đại Sứ Collins, người nghe lời Tướng Pháp Paul Ely vốn đã muốn lật đổ Thủ Tướng Diệm, cũng bị thuyên chuyển. Ngày 14 Tháng Năm, 1955, ông rời Việt Nam sang nhận trách nhiệm mới tại NATO. Đại Sứ G. Frederick Reinhardt sang thay ông Collins. Tân đại sứ liền tuyên bố ngày 27 Tháng Năm: “Tôi tới đây với chỉ thị là thi hành chính sách của Hoa Kỳ ủng hộ chính phủ hợp pháp của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm.”

Sang mùa Thu 1955 uy tín của Thủ Tướng Diệm lên cao. Đối nội, ông nối kết lại được một quốc gia đang bị phân tán nặng nề, khuất phục được sự chống đối của Tổng Tham Mưu Quân Đội (thân Pháp) Nguyễn Văn Hinh, chấm dứt được sự đe dọa của cảnh sát, quân đội quốc gia đã tuân lệnh ông quét sạch lực lượng Bình Xuyên rồi được đại hội các đoàn thể chính đảng nhất mực ủng hộ. Thêm nữa, ông có hậu thuẫn mạnh mẽ của gần 1 triệu người di cư.

Đối ngoại thì ông Diệm cương quyết chống trả và khuất phục được mưu đồ của Pháp và kế hoạch dẹp tiệm của cặp Ely-Collins, bây giờ lại được Washington nhất mực ủng hộ. Nhiều nhà quan sát quốc tế bình luận: “Ông Diệm đã làm được những việc như phép lạ.”

Với cái thế ấy, ngày 26 Tháng Mười, 1955, Thủ Tướng Diệm tuyên bố thành lập nền Đệ Nhất Cộng Hòa, và trở thành tổng thống đầu tiên. Tên chính thức của nước Việt Nam đổi từ “Quốc Gia Việt Nam” sang “Việt Nam Cộng Hòa,” nhưng bài quốc ca và quốc kỳ không thay đổi.

Quốc Hội đầu tiên: Tháng Ba, 1956

Ngày 4 Tháng Ba, 1956, cột trụ của chính thể cộng hòa được xây dựng. Nhân dân miền Nam đi bầu một Quốc Hội Lập Hiến. Với dân số là 12 triệu người, gần 80% số người được đi bầu đã thực sự tham gia để chọn 123 Dân Biểu trong số 405 ứng cử viên. Dù tới gần một phần ba số ứng cử viên được chính phủ đề cử không trúng cử, đa số những người được bầu là “thân chính.”

Tuy không phải là một cuộc bầu cử lý tưởng, vì chắc chắn đã có những vận động, sắp xếp không chính đáng, hoặc gian lận, như các phe đối lập tố cáo, nó cũng là bước đi đầu tiên của một hành trình lâu dài để xây dựng nền cộng hòa. “Res Publica,” quan niệm của nhà triết học Plato từ thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên, có nghĩa là “sự việc hay cơ chế của nhân dân,” chúng ta dịch là “Cộng Hòa.” Nòng cốt của cơ chế này là một thể chế đại diện cho nhân dân để làm ra luật pháp. Mục đích của Quốc Hội năm 1956 là soạn thảo một hiến pháp. Với sự cố vấn của ông J.A.C. Grant, một chuyên gia hiến pháp người Mỹ, một hiến pháp thành hình, đặt nặng nguyên tắc phân quyền giữa hành pháp, lập pháp, và tư pháp giống như Hiến Pháp Hoa Kỳ, ít nhất là về mặt lý thuyết.

Bầu xong Quốc Hội Lập Hiến, vào mùa Hè 1956, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ gửi một Bản Ghi Nhớ cho tổng tham mưu liên quân thông báo “ý định của Tổng Thống Dwight Eisenhower, các cơ quan có thẩm quyền về quân sự phải cổ võ giới quân sự Việt Nam để làm một kế hoạch song song và phù hợp với kế hoạch dựa trên căn bản chính sách của Hoa Kỳ để đối phó với những tấn công của Cộng sản. Và một cách kín đáo, phải thông báo cho họ biết rằng Hoa Kỳ sẽ yểm trợ nước Việt Nam tự do để đương đầu với bất cứ sự tấn công nào từ bên ngoài vào.”

Tổng Thống Eisenhower hết mực ủng hộ. Riêng đối với Ngoại Trưởng Dulles thì sau chuyến viếng thăm Tổng Thống Diệm vào ngày 14 Tháng Năm, 1956, ông lại càng thêm tin tưởng. Điều trần tại một ủy ban Thượng Viện Hoa Kỳ sau ngày trưng cầu dân ý, ông Dulles khẳng định:

“Ông Diệm đã làm được một việc quá tốt đẹp, dĩ nhiên là với sự yểm trợ của chúng ta, là quét sạch được các lực lượng phe phái…và quyền bính của ông bây giờ được đại chúng chấp nhận. Ông được Hoa Kỳ yểm trợ để đào tạo và võ trang một quân đội quốc gia, và quân đội ấy đã chiến đấu một cách trung thành và hữu hiệu, mang được quyền bính của trung ương tới mọi nơi trong nước tới mức độ thật ngạc nhiên…

“Nhân dân miền Nam đã có được một cuộc trưng cầu dân ý khoáng đại. Ngày tôi rời Việt Nam, họ bắt đầu có những cuộc họp để sửa soạn cho bầu cử  một quốc hội đầu tiên, như vậy nền móng đã được đặt xuống để xây dựng một chính phủ đại diện cho quốc dân.

“Ông Bảo Đại đã bị loại bỏ đi rồi và nhân dân Việt Nam hiện có khả năng xây dựng một chính thể chống cộng mạnh mẽ và hữu hiệu tại một nơi mà đã có lúc coi như sắp bị tan rã vì hai lý do: Hậu quả của việc Pháp thất bại tại Điện Biên Phủ, và những điều khoản bất lợi của một hiệp định đình chiến (Hiệp Định Geneva).”

Ngày 26 Tháng Mười, 1956 Quốc Hội Lập Hiến trở thành Quốc Hội Lập Pháp sau khi Hiến Pháp được ban hành (và năm 1959, Quốc Hội được bầu lại lần thứ hai).

“Một quốc gia tự do vừa ra đời”

Tháng Năm, 1957, Tổng Thống Eisenhower mời tân tổng thống nước Cộng Hòa Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ ba tuần. Ông gửi máy bay riêng Columbine III sang tận Honolulu, Hawaii, để chở Tổng Thống Diệm tới Washington, DC, một hành động rất hãn hữu. Khi máy bay hạ cánh xuống phi trường National Airport (bây giờ là phi trường Ronald Reagan Washington National Airport) thì chính Tổng Thống Eisenhower có mặt để đón chào. Đây là lần thứ hai trong suốt hai nhiệm kỳ tổng thống mà ông Eisenhower đích thân ra tận phi trường để đón quốc khách. Lần đầu là đón Quốc Vương Saud của Saudi Arabia.

Sau khi trao đổi với Tổng Thống Eisenhower và Ngoại Trưởng Dulles tại Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Diệm được cả Thượng Viện và Hạ Viện Hoa Kỳ mời tới Quốc Hội để diễn thuyết. Thượng nghị sĩ, dân biểu cả lưỡng đảng đều có mặt đầy đủ. Cho tới lúc ấy thì chưa có lãnh đạo Á Đông nào có cái vinh dự này. Những tràng pháo tay nổ ran khi ông Diệm nói tới “ước nguyện của nhân dân Việt Nam chỉ là được sống trong hòa bình, tự do và họ sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ tự do và độc lập của mình, chỉ yêu cầu nhân dân và chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ cho họ về phương tiện và vật chất.” Một cách gián tiếp, ông muốn gửi thông điệp là chúng tôi chỉ cần sự yểm trợ vật chất, các ông chớ có mang quân vào Việt Nam.

Rồi ông nhấn mạnh đến quyền lợi hỗ tương của cả hai nước dựa trên căn bản miền Nam là tiền đồn của thế giới tự do. Ông nói thẳng bằng tiếng Anh chứ không qua thông dịch viên. Theo một người bạn chúng tôi lúc ấy làm ở đài VOA (bác Trịnh Văn Chẩn) được cử đi làm phóng sự, ông Diệm nói với âm hưởng Huế, có câu các dân biểu, thượng nghị sĩ không hiểu rõ, nhưng cứ đứng lên vỗ tay vang vang thật lâu, và đứng lên nhiều lần.

Tại New York, Thị Trưởng Robert Wagner tổ chức một cuộc diễn hành để chào mừng vị tổng thống đầu tiên của Việt Nam. Ít quốc khách nào được đón tiếp như vậy. Dù ít người ở thành phố này biết ông Diệm, nhưng dân chúng đổ xô ra đường phố để hoan hô. Từ các cao ốc, những cánh hoa đủ mầu sắc được rắc xuống chiếc xe limousine mở mui chở ông Diệm đi qua. Báo chí đồng loạt ca tụng, nói đến “Một quốc gia tự do vừa ra đời.” Nhật báo New York Times gọi Tổng Thống Diệm là “một người giải phóng Á Châu,” tuần báo Life: “Con người cứng rắn và như phép lạ của Việt Nam” (A tough miracle man of Vietnam). Sau này Phó Tổng Thống Lyndon Johnson (thời Tổng Thống John Kennedy) còn gọi ông Diệm là “Churchill của Á Châu.”

Phản ứng tại Quốc Hội Mỹ hết sức thuận lợi. Các nhà lập pháp thay nhau khen ngợi. Thượng Nghị Sĩ Jacob Javits (Cộng Hòa-New York) tuyên bố: “Ông là một trong những anh hùng của thế giới tự do.” Thượng Nghị Sĩ Mike Mansfield (Dân Chủ-Montana), người ủng hộ ông Diệm trong những giờ phút nguy hiểm, giờ đây hết sức vui mừng, ca ngợi Tổng Thống Diệm là con người có quyết tâm, can đảm, trong sạch và chính trực, “một người đã chứng tỏ khả năng rất cao trước những khó khăn thật là to lớn.” Thượng Nghị Sĩ John F. Kennedy (Dân Chủ-Massachusset), tổng thống tương lai của Mỹ lúc đó, còn tuyên dương Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Diệm: “Việt Nam là nền tảng của thế giới tự do ở Đông Nam Á, là đỉnh vòm của vòng cung (keystone to the arch), là ngón tay trên con đê (finger in the dyke).”

Cuối mùa Hè 1957, những hình ảnh tiếp đón Tổng Thống Diệm linh đình tại thành phố New York và thủ đô Washington, DC được chiếu thật lớn trên màn ảnh tại các rạp chiếu bóng ở Sàigòn cũng như các đô thị, sau phần tin tức nhộn nhịp về thể thao. Bầu không khí lúc ấy thật là phấn khởi. Sinh viên, học sinh chúng tôi hết sức vui vẻ “xuống đường” liên tục, chăng biểu ngữ đi tuần hành để “chào mừng tổng thống đầu tiên, ủng hộ Quốc Hội Lập Hiến.”

Mỗi buổi sáng, tiếng kèn trống của ban quân nhạc oang oang trên đài phát thanh cử hành lễ chào cờ, tiếp theo là bài tung hô Ngô Tổng Thống: “Bao nhiêu năm từng lê gót nơi quê người….”

Ngày 28 Tháng Tư, 1956, những người lính Pháp cuối cùng rời Việt Nam.

Sự chiếm đóng của quân lực Pháp từ Hiệp Ước Patenotre do triều đình Huế ký với Pháp năm 1884 tới đây đã hoàn toàn chấm dứt trên thực tế.

Buổi bình minh của nền Cộng Hòa thực là huy hoàng rực rỡ. [đ.d.]


https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/tt-ngo-dinh-diem-va-binh-minh-huy-hoang-cua-cong-hoa-viet-nam/

Wednesday, September 7, 2022

NGÔN NGỮ NAM KỲ BỊ MẤT TỪ TỪ.

 

Bàn về cái sân bay Tân Sơn Nhứt thiệt nhức đầu!

Năm 1920 Pháp giải tỏa gần hết cái làng Tân Sơn Nhứt, thuộc quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định làm sân bay, phần đất còn lại không đủ tiêu chuẩn lập làng riêng, nên hiệp với làng Chí Hòa thành làng Tân Sơn Hòa.
Cái thuở đó tên sân bay tiếng Pháp là aérodrome. Tân Sơn Nhứt là sân bay duy nhứt và đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương thời đó.
Người Nam Kỳ mình gọi tên tục là “sân bay” và “máy bay”. Cái gì vù lên trời là bay hết, thí dụ chim bay.
Do người Tàu kêu sân bay là 機場 (cơ trường) nên người Nam Kỳ khai sanh chánh thức sân bay là phi trường, máy bay là phi cơ.
Nhắc lại tập tánh dân Nam Kỳ mình nè.
Xưa nay cái gì chạy dưới nước kêu là tàu, cái nào chạy trên lộ (đường) là xe, cái gì bay trên trời là máy bay (phi cơ, phi thuyền).
Trước 1975 tên sân bay Tân Sơn Nhứt là “Phi cảng Tân Sơn Nhứt” mà không là “Phi trường Tân Sơn Nhứt”.
Cảng trong văn hóa Việt xưa rày là 港 (cảng) là cửa sông, cửa biển, nhánh sông cho tàu bè đậu, như: “hải cảng” 海港, “thương cảng” 商港, “quân cảng” 軍港...
 Tỉ dụ như Hương Cảng 香港 là cảng thơm (Hongkong).
Vì sao ở miền Nam trước 1975 tên sân bay Tân Sơn Nhứt là “Phi cảng Tân Sơn Nhứt” mà không là “Phi trường Tân Sơn Nhứt”?
Cũng là những người Bắc Kỳ 54 trong chánh quyền VNCH cố tình sửa chữ “áp đặt” Nam Kỳ, còn các quan Nam Kỳ thì quá hời hợt, ai làm gì cũng im re, nín khe.
Sau 1975 cộng sản Bắc Việt vô chiếm Miền Nam thì áp đặt thô bạo luôn, họ sửa luôn tên làng Tân Sơn Nhứt thành Tân Sơn Nhất.
“Phi cảng Tân Sơn Nhứt” thành “Cảng hàng không Tân Sơn Nhất”.
Cảng của tàu, ghe, thuyền giờ qua tới cảng… máy bay???
Vui và ngộ, tức cười cái là máy bay, phi cơ 飛機 biến thành “Tàu bay”, lên máy bay nghe mấy cô tiếp viên Bắc kỳ “Mời anh lên tàu bay” mà thấy quê mùa thịt chó mắm tôm gì đâu á!
Cái này trong văn hóa Miền Bắc nhà quê từ xưa lận.
Người Bắc Kỳ khá ngược ngạo khi kêu cái hỏa xa (火車) là tàu hỏa trong khi dân Nam Kỳ kêu là xe lửa.
Nên nhớ xe lửa Saigon-Mỹ Tho là có đầu tiên ở Nam Kỳ nha!
Tại sao tàu thuyền lại chạy trên mặt đất?
Họ kêu máy bay là tàu bay, kêu phi thuyền là “tàu vũ trụ”, nghe “Phở tàu bay” là biết của ai bán rồi hén?
Nhiều người lý giải rằng chữ “cảng hàng không” là dịch từ chữ airport (Anh), aéroport (Pháp), có chữ port là cảng hết ráo.
Rồi airship là khí cầu, có chữ ship là... tàu hết ráo.
Nói như vầy là đánh tráo khái niệm.
Vậy chứ cái xe lửa tiếng Anh, Pháp là train có chữ ship hay port nào đâu mà Bắc Kỳ cũng kêu là “tàu hỏa” đó.
Hán Việt nó có quy tắc của nó, người Nam Kỳ xài chính xác, từ rất đẹp không có gì phải sửa tùm lum, rồi xọ từa lưa.
Chữ 艚 (Tào) người Nam Kỳ đọc là Tàu có nghĩa là “thuyền”, còn chữ 漕 tào này cũng là vận tải đường thuỷ mà thôi.
Tỉ dụ như bài thơ:
“Phi cơ đáp xuống một chiều
Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa
Dài hơi hát khúc thương ca
Thân côi khép kín trong tà áo đen”
Nếu đổi lại thành “Tàu bay đáp xuống một chiều” thì... coi như đem quăng vô thùng rác nguyên bài thơ.
“Tàu bay” là một từ nhà quê, của những người trong hốc bà tó người ta nói mà thôi.
Người Bắc toàn sanh sau đẻ muộn thời hiện đại ở Việt Nam nhưng bản chất thích sửa lưng và áp đặt.
Rõ ràng là “anh cả” Bắc Kỳ cố tình sửa chữ ép “em út” Nam Kỳ khi cho ngôn ngữ mình là chánh thống, đúng tiêu chuẩn thống nhứt chung.
Đây là ý đồ chánh trị rõ ràng.
Nhưng Bắc Kỳ cũng không thống nhứt chữ “tàu bay” và “cảng hàng không”.
Thí dụ bài nhạc “Chiều trên bến cảng” của một nhạc sĩ Miền Bắc có câu:
“Một chiều mùa hè gặp nhau trên bến cảng
Ta chia tay nhau
Trong lòng bao lưu luyến
Anh đi ra khơi theo mùa cá biển”
Và:
“Khi chia tay anh dạo trên bến cảng
Biển một bên và em một bên”
Đọc xong ai cũng biết mặc định cảng là phải có sông hoặc biển.
Rồi mới đây vụ rớt phi cơ chiến đấu thì báo chí Việt Nam ghi là “Máy bay Su 22 gặp nạn: Các anh đều là phi công giỏi”.
Ngộ ta? Sao không ghi là “tàu bay Su 22” và có hai “tàu công” hy sanh?
 
Nguyễn Gia Việt

July 29, 2018

Nguồn: https://www.facebook.com/conduongthienly/posts/642034856167951


 

Monday, August 8, 2022

CON NGƯỜI & CÁI CHẾT CỦA TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG

(qua Ghi Chép Của Một Tình Báo Mỹ)

Tác Giả: Lý Minh Hào trích dịch   

Không chê người đáng khen. 

Không khen người đáng chê


James E Parker Jr, tác giả cuốn sách «Last Man Out – A Personal Account of the Vietnam War»  là một giới chức tình báo của CIA rời khỏi Việt Nam cuối cùng vào ngày 01/05/1975 sau 10 năm phục vụ, giai đoạn đầu với vai trò một quân nhân, và giai đoạn sau trong ngành tình báo Hoa Kỳ. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, tác giả tự hào là «I was among the first men in and I was the last man out» và cuốn sách trên được Đô Đốc Elmo Zumwalt, vị Tư Lệnh Hải Quân Hoa Kỳ trẻ tuổi nhứt trong lịch sử hiện đại đánh giá là «sống động và thuyết phục ... Một bổ sung quan trọng cho nền văn học kỷ nguyên Việt Nam». Được biết thêm, Đô Đốc Elmo Zumwalt trong thời kỳ cuộc chiến Việt Nam leo thang là chỉ huy trưởng Chiến Dịch SEALORDS (Southeast Asia Lake Ocean River and Delta Strategy) phát xuất từ Căn Cứ Năm Căn (Cà Mau). Và qua thời «Việt Nam hoá Chiến tranh», ông đề xuất và thi hành kế hoạch ACTO (Accelerate Turnover to the Vietnam) nhằm chuyển giao và trang bị quân cụ hải quân nhanh chóng cho Việt Nam (Theo « Tự Điển Chiến Tranh Việt Nam» của Nguyễn Kỳ Phong).     

 Đặc biệt trong «Last Man Out» rải rác trong nhiều chương, tác giả đề cập qua ghi chép và nhận xét đến nhiều nhân vật quân sự tên tuổi mà ông có nhiều cơ hội và thời gian làm việc chung như Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Hồ Ngọc Cẩn. Tác giả mô tả tướng Nguyễn Khoa Nam điềm đạm, làm việc mẫn cán, chu toàn trọng trách tướng chỉ huy... Tướng Trần Văn Hai thâm trầm, khép kín, hút thuốc nhiều và có vẻ ít nhiều định kiến với các cố vấn, giới chức Mỹ. Nhưng vị tướng này có tài quân sự, đã cho tác giả biết trước vào ngày 22/04 là Sàigòn đã bị Cộng Sản bao vây rồi sẽ «mất trong 7 ngày» sau đó, căn cứ theo sự thẩm định và ước đoán tình hình quân sự và những biến chuyển chính trị rất xấu cho miền Nam vào lúc bấy giờ. Tướng Hai nghiêm mặt, nâng cao ly cà phê được đặt trong chiếc bình giữ ấm, mời tác giả cụng ly để cầu nguyện cho những chiến sĩ đã hy sinh và chúc lành cho nhau... Tác giả dành cho Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn (trong sách in là Canh, có lẽ tác giả quên cách viết chữ Cẩn) sự cảm mến nồng hậu. Trước khi làm tỉnh trưởng Chương Thiện, Đại Tá Cẩn đã nổi tiếng với những chiến công, nhứt là những trận đánh giải vây cho An Lộc và một phần bên mặt bị thương, dù đã giải phẫu chỉnh hình vẫn còn để lại vết sẹo dài dọc theo hàm. Tác giả nhận xét Đại Tá Cẩn là «lính của lính, can trường và thanh liêm» (he was a soldier’s soldier, brave and incorruptible). Riêng Tướng Lê Văn Hưng, tác giả James E Parker, Jr ghi lại nhiều chi tiết hơn. 

Trong suốt thời gian về làm việc tại vùng châu thổ Cửu Long (Vùng 4), chủ yếu tại Cần Thơ và các tỉnh lân cận, tác giả do vai trò «case officer» trong ngành CIA nên luôn có dịp gặp Tướng Hưng. Ngày đầu tiên diện kiến ông Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh, tác giả «hơi lấy làm lạ» về cách đánh giặc và điều quân của Tướng Hưng là «thủ nhiều hơn công» khi đôi bên trao đổi và thảo luận về kế hoạch quân sự trong vùng. «Tại sao lại đánh một trận chiến đang thua?» tác giả thắc mắc thì Tướng Hưng cười và hỏi lại: «Tôi còn có những lựa chọn gì nữa đâu?» rồi chậm rãi nói tiếp «Đây là đất nước của tôi».           

Sau nhiều tháng liên tục làm việc để lập mạng lưới tình báo tại vùng châu thổ, tác giả ghi nhận Tướng Hưng dành rất nhiều thời giờ cho việc trận mạc: Sáng sớm thường đáp trực thăng đi thị sát và trao đổi với các đơn vị trưởng địa phương. Trở về họp tổng kết tại Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn và thỉnh thoảng họp khẩn về đêm. Càng về sau tác giả mới hiểu ra thêm tổng quan (outlook) của một ông tướng Việt Nam trong cuộc chiến giữa những người Việt Nam ngay trên quê hương của mình. Tướng Hưng tin rằng sự chiến đấu thực sự cho vùng châu thổ đang diễn tiến ở những nơi khác, có thể trong các cuộc họp hành ở Sài Gòn. Vả lại, là một người theo đạo Phật, ông tin vào định mệnh, những gì xảy ra với những hậu quả gì đem đến đều là sự an bài, xếp đặt trong vạn vật cả.           

Tuy nhiên, tháng 02/1975, theo đòi hỏi của cấp trên từ Cần Thơ và Sài Gòn, Tướng Hưng đã phát lệnh tấn công một lực lượng quân sự trọng yếu của Cộng Sản tại mạn đông của tỉnh Chương Thiện, nằm trong một mật khu lâu đời thuộc rừng U Minh.  Theo tác giả, đây là chiến dịch động binh lớn nhứt và khổ cực nhứt của Tướng Hưng với những điều kiện khó khăn và phương tiện hạn hẹp. Chỉ còn cách tấn công địch theo lối «liệu cơm mà gắp mắm» thiếu hụt đủ thứ: Phi vụ không quân hạn chế nên không vận chuyển kịp thời các quân cụ, khí giới nặng, điều động nhanh các đơn vị chiến đấu tấn kích thần tốc. Quân đội Hoa Kỳ tuy để lại nhiều súng đại bác nhưng thiếu đạn, còn nhiều mìn claymore nhưng không có đủ bộ phận khởi động (activators), còn nhiều loại đạn dược nhưng ngòi nổ đã tịt! Tuy vậy nhờ sự chỉ huy tài giỏi, sự can trường và thiện chiến của quân lực Việt Nam Cộng Hoà, lực lượng cộng sản Bắc Việt đã bị đẩy lùi sâu vào rừng U Minh khi kết thúc chiến dịch. Trận đánh lớn như vậy hẳn nhiên chiến trường tàn cuộc phải tang tóc, sự chết chóc và thương tật cả đôi bên phải nhiều. Tác giả ngậm ngùi ghi chép tâm trạng Tướng Hưng trong hoàn cảnh tàn cuộc chiến đó: General Hưng was not sure if he had, in fact, secured the net advantage. He had used much of his limited resources. For what? ... He suffered extensive casualties (Tướng Hưng không biết chắc là trong thực tế mình có thắng lợi thực sự hay không. Ông ta gần như đã xả láng những gì còn có trong tay. Để cho gì đây? Ông đã chịu đựng bao thứ tai ương.  

  

Trong con người võ tướng còn có một văn nhân. Tác giả đã sống với Tướng Hưng những buổi chiều đằm thắm: Hỏi thăm chuyện gia đình, bàn chuyện nước Mỹ, chuyện thời sự, thảo luận văn chương. Kiến thức ông tướng uyên bác, nhiều nhà văn và tác phẩm văn chương Mỹ ông đề cập phần tác giả còn chưa đọc tới dù rằng là «mọt sách» đọc không dưới hai ba cuốn sách mỗi tuần. Còn Tướng Hưng ưa kể chuyện lịch sử Việt Nam và Chiến tranh Đông Dương. Ông ăn nói cân nhắc, từ tốn, luôn tươi cười, ngay cả những khi tranh luận các vấn đề quan trọng. Tướng Hưng có được những nét tự tin đặc biệt và quanh người ông như toát ra vẻ thanh thản, trầm tĩnh. Tánh tình khả ái, rất dễ gây được cảm tình của mọi người từ ông tướng đã thu phục «con tim» của một điệp viên Mỹ, tạo thành tình bạn thân thiết giữa hai người.  Và tác giả đã dành riêng phần lời bạt (Epilogue) để kể lại cái chết bi tráng, thương cảm của Tướng Lê Văn Hưng. Dưới đây là phần dịch của Lời Bạt.           

Ngày 30/04/1975, đúng lúc 7 giờ tối, Tướng Hưng, Cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và cũng là người bạn của tôi đã nhắn gọi vợ ông đến văn phòng làm việc tại Cần Thơ. Tướng Hưng cho vợ biết là có 10 người dân địa phương đến thỉnh cầu ông đừng chống trả với lực lượng Việt Cộng đang tiến quân vô thành phố. Họ nói bọn Cộng Sản sẽ pháo kích nát Cần Thơ thành đống gạch vụn và gây thương vong cho nhiều dân lành. Tướng Hưng nói với vợ rằng ông hiểu rõ chuyện đó và đồng ý sẽ không để thành phố Cần Thơ biến thành một bãi chiến trường tuyệt vọng. Ông cũng cho biết kế hoạch khẩn cấp rút lui cùng một số thuộc hạ vào một mật khu xa xôi vùng châu thổ đã hẹn trước, nơi sự sống khó tồn tại. Đầu hàng giặc không phải là một giải pháp lựa chọn.           

Tướng Hưng cũng không hề nghĩ tới việc diện kiến và thảo luận với một quan chức Việt Cộng trách nhiệm trong vùng, Thượng Tá Hoàng Văn Thạch để bàn giao vùng Châu thổ Nam Bộ cho Cộng Sản. Ông không bỏ nước để thoát thân. Ông có một trách nhiệm với những quân nhân đã dành mạng sống của họ ở lại vị trí trấn thủ. Ông đã ở lại bằng một lựa chọn vinh dự. Ông phải tự quyết định sinh mạng của mình.   Vợ của Tướng Hưng bật khóc và năn nỉ ông hãy suy tính lại. «Tại sao mình không thể bỏ ra ngoại quốc giống như những người khác?», bà hỏi chồng.   Tướng Hưng lập lại lần nữa với vợ về trách nhiệm riêng đối với xứ sở và binh lính. Ông ôn tồn và chậm rãi nối tiếp: « Mình đừng để anh bị mất lòng kiên định. Giờ đây cứ đánh tiếp cũng chỉ đem lại rắc rối và mất mát không những cho gia đình và bà con mình mà còn cho binh lính và dân lành nữa. Và anh không muốn thấy mặt thằng Cộng Sản nào hết».  Rồi Tướng Hưng đứng dậy, ôm vợ vào lòng và rớt nước mắt. Sau cùng, ông nói cùng vợ: «Lẹ lên đi mình, tới mời Má và dẫn các con vô đây gặp anh».   Khi người Má vợ và các con bước vô văn phòng làm việc của ông rồi, Tướng Hưng nói lời chia tay và cúi xuống hôn từng đứa con. Bên ngoài văn phòng, nhiều sĩ quan và binh lính thuộc cấp lần lượt kéo tới, đứng sắp hàng ngoài sân, chờ đợi lệnh.           

Tướng Hưng tuyên bố việc chiến đấu đã chấm dứt. Ông nói, nước đã mất là do lãnh đạo kém tại Sài Gòn và xin thuộc cấp tha thứ lỗi cho ông nếu như cá nhân ông đã có những lỗi lầm nào đó. Bầu không khí xung quanh nặng nề. «Tôi xin chấp nhận cái chết. Vĩnh biệt các anh em», Tướng Hưng dứt câu.   Tướng Hưng đưa tay lên chào và đưa tay bắt từng người một. Ông yêu cầu mọi người ra về.  Một vài quân nhân vẫn đứng tại chỗ không chịu lui bước nên Tướng Hưng buộc lòng phải bước tới đẩy và giục họ về. Rồi ông bảo vợ đừng có nài nỉ thêm điều gì nữa và chỉ một mình bước vô văn phòng làm việc.   Chỉ trong khoảnh khắc sau đó vang lên một tiếng súng nổ. Tướng Hưng đã tự sát bằng súng (Hết trích) .          

Sau phần Lời Bạt và xếp cuối trang sách «Last Man Out», James E Parker Jr đã chọn bài thơ của một chiến binh Mỹ ẩn danh (Làm tại Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam khoảng năm 1969). Từ và ý bài thơ hoa mỹ, lãng mạn và phảng phất siêu thoát, nhưng dứt bằng một câu thơ đầy hào khí tang bồng hồ thỉ như khí tiết của những chiến sĩ, hiệp khách Đông Phương:  

Do not stand by my grave and weep:I am not there. I do not sleep ... I am a thousand winds that blowI am the diamond’s glint on snowI am the sunlight on ripened grainI am the gentle autumn’s rainWhen you awake in the morning’s hushI am the swift uplifting rushOf quiet birds in circle flight Do not stand by my grave and cry :  I am not there . I did not die .       

Tạm dịch nghĩa:          

Đừng đứng bên mộ anh và nhỏ lệ:Anh không ở trong mộ này. Anh không ngủ đâu em.Anh là ngàn ngọn gió thổi khắp phương trờiAnh là kim cương lấp lánh trên tuyết lạnhAnh là ánh nắng nhuộm vàng hạt lúa chínAnh là giọt mưa của trời thu êm ảKhi em thức giấc lúc ban mai thinh lặngAnh là lực xua đàn chim vụt bay caoNhững cánh chim lặng lẽ lượn những đường vòngĐừng đứng bên mộ anh và khóc lóc:Anh không ở trong mộ này. Anh không chết đâu em.  

Bài thơ không tựa và tác giả ẩn danh trên, tác giả James E Parker Jr xếp liền ngay sau phần mô tả cái chết của Tướng Hưng để xem như vòng hoa tang cho một ông tướng cốt cách hào hoa. Bởi vì trong đời thường và trong quân ngũ, Tướng Hưng vẫn không giấu được ngay cả dưới lớp quân phục những nét nho nhã và dáng hào hoa của một người đàn ông. Nhiều người nhận xét Tướng Lê Văn Hưng “có tướng quan văn hơn là võ tướng», chẳng qua ông quan văn này phải khoác chiến y, áo giáp đỡ đạn trong thời chiến và trên chiến trường mà thôi! Tướng Hưng cũng có tiếng là “người chịu chơi», nhứt là thời còn trai trẻ, sĩ quan còn mang lon cấp uý, cấp tá, nhiều phen “quậy tới bến» sau chiến trận được về lại hậu cứ nghỉ ngơi . Ôi, đó là những năm anh còn trẻ của một người trai thời ly loạn sống nay chết mai. Thiết nghĩ không ai quá khắt khe đối với ông tướng.  Nhưng rồi ông tướng không mấy năm sau đó cũng có cơ hội, gặp thời thế để trả nợ chí trai và làm đẹp non sông: Khí tiết Lê Văn Hưng đã thăng hoa giữa chiến trường Bình Long và hoa anh hùng Lê Văn Hưng đã nở đẹp tại phòng tuyến An Lộc. Và rồi hấp hối theo vận nước, phút cuối Lê Tướng Quân đã chọn cái chết bi hùng để trở thành bất tử trong lịch sử và quân sử Việt Nam. 

Với dụng ý vinh danh và tưởng niệm tướng Lê Văn Hưng, nơi trang cuối của tác phẩm «Last Man Out», tác giả James E Parker, Jr chính vì vậy đã xếp bài thơ không tựa, không tên tác giả với câu thơ chấm dứt: I am not there. I did not die.  Và sau chót, một câu lập ngôn được xem như quân huấn của Danh Tướng Douglas MacArthur: «Duty, Honor, Country».  

Lý Minh Hào trích dịch 

«Last Man Out» của James E Parker Jr.

Thursday, July 7, 2022

CUỘC CHIẾN UKRAINE : XE TĂNG ĐÃ ĐẾN 'NGÀY TÀN' ?

 

  • Frank Gardner
  • Phóng viên An ninh của BBC
Theo ước tính Nga đã mất 700 chiếc xe tăng tính từ đầu năm đến nay Nguồn hình ảnh, Getty Images
 
 
 
Hình ảnh xe tăng Nga - trơ khung, tháp pháo gãy, nòng súng cháy đen, hướng lên bầu trời một cách vô dụng - đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng trong cuộc chiến tranh Ukraine. Điều này đã khiến một số người hỏi là liệu các vũ khí chống tăng hiện đại đã khiến xe tăng trở nên vô dụng trên chiến trường hay không.

"Đây là chuyện xuất hiện mỗi khi một xe tăng bị hạ gục," David Willey, giám tuyển và người hướng dẫn tại Bảo tàng Xe tăng (Tank Museum) ở Bovington, Dorset (Anh Quốc) nơi trưng bày những chiếc xe tăng lớn nhất thế giới. "Bởi vì xe tăng là một biểu tượng sức mạnh, khi nó bị đánh bại thì mọi người đưa ra kết luận là ngày tàn của xe tăng đã tới."

Chúng tôi xem một chiến xe tăng T72 do Liên Xô thiết kế, được cải tiến động cơ, kêu lạch cạch khi đang di chuyển tới một điểm nạp nhiên liệu trước khi tập dợt để trưng bày.

Căn bản thì đây là mẫu xe tăng giống như loại đã lăn bánh qua biên giới Ukraine vào tháng Hai và hàng trăm chiếc đã bị những chiếc drone do lực lượng bộ binh Ukraine vận hành phá hủy, như Javelin và Vũ khí Chống tăng Hạng nhẹ Thế hệ nối tiếp (Next Generation Light Anti-tank Weapons (Nlaws).

"Điều quan trọng là không rút ra những bài học sai lầm từ những gì chúng ta đã chứng kiến trong vòng vài tháng qua,", Trung tướng Quân đội Mỹ về hưu, Ben Hodges cho biết, ông gần đây đã chỉ huy lực lượng trên đất liền của Mỹ ở Châu Âu.

"Những xe tăng Nga thuộc diện cần xem xét là những chiếc được sử dụng không hiệu quả, không được hỗ trợ bởi lực lượng bộ binh đã suy yếu, và không hưởng được lợi ích gì từ một quân đoàn sĩ quan không được ủy nhiệm (NCO), có thể thấy trong quân đội Mỹ hoặc Anh. Vì vậy, lực lượng phòng vệ Ukraine đều không mấy khó khăn để tiêu diệt được số xe tăng này."

Chiếc xe tăng T72 này là quà của Quân đội Ba Lan dành tặng Bảo tàng Xe tăng (Tank Museum) ở Bovington, Anh Quốc. Nguồn hình ảnh, Getty Images

Quan điểm của Trung tướng Quân đội Mỹ Ben Hodges được Ben Barry, Thiếu tướng về hưu của Quân đội Anh hưởng ứng, ông hiện là nhà nghiên cứu cấp cao về chiến tranh trên đất liền tại Viện nghiên cứu International Institute for Strategic Studies (IISS).

"Nga thất bại ở Kyiv cho thấy điều gì xảy ra khi xe tăng bị một lực lượng vận hành một cách không chuyên nghiệp, không thể tiến hành chiến tranh vũ trang kết hợp (kết hợp xe tăng với bộ binh, pháo binh và máy bay) và hậu cần kém cỏi.

"Một nhóm tác chiến mạnh của Nato sẽ đẩy lùi bộ binh để ngăn chặn xe tăng bị phục kích."

Xe tăng - một trong những biểu tượng của nền chiến tranh hiện đại - bị chỉ trích lẫn bảo vệ. Trong cuộc chiến tranh Nagorno-Karabakh năm 2020, xe tăng của Armenia đã bị những drone do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo và Azerbaijan sở hữu tiêu diệt. Ở Libya, những chiếc drone tương tự, TB2 Bayraktar đã gây nên các tổn thất nghiêm trọng đối với lực lượng của Tướng Haftar, trong khi ở Syria, những xe tăng chính phủ cũng trở thành con mồi cho những chiếc drone của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh Ukraine, những tên lửa dẫn đường chống tăng hiện đại, do Anh, Mỹ và các nước khác cung cấp đã trở thành nhân tố thay đổi cục diện, đẩy lùi dòng xe thiết giáp của Nga khỏi miền bắc thủ đô Kyiv. Trong khi đó, vào giai đoạn thứ hai, tại Donbas, số lượng đạn pháo lớn của Nga đã trở thành nhân tố thay đổi cục diện, sử dụng sức mạnh phá hủy của đạn pháo để từ từ bắn phá và tiến về phía trước.

Cho đến năm nay, theo ước tính, Nga đã mất hơn 700 xe tăng - một số bị phá hủy, một số bị bỏ lại. Những xe tăng này, theo hình ảnh, được bao phủ bằng vỏ giáp tự vệ (reactive armor) - trông như một chiếc hộp hình chữ nhật lớn. Xe tăng được thiết kế có thể kích hoạt một vụ nổ nhỏ khi tên lửa đánh trúng để giảm tác động phải gánh chịu.

Thế nhưng nguồn drone do Phương Tây cung cấp và các tên lửa chống tăng đã nhắm vào điều này, phần lớn bắn vào xe tăng từ trên cao, nhằm vào tháp pháo, nơi lớp vỏ giáp mỏng nhất.

"Cuộc chiến này đã trở thành cơ hội của drone," ông Brig Barry nói. "Nó cho chúng ta thấy cần có drone để phòng vệ, không để những chiếc drone của kẻ thù tấn công. Cần có hệ thống phòng không tầm thấp cổ điển gồm tia laser và gây nhiễu điện từ."

Các tên lửa Javelin do Mỹ chế tạo đã phá hủy hàng chục xe tăng Nga. Nguồn hình ảnh, Getty Images

Một nhân tố có thể kéo dài tương lai của xe tăng là Hệ thống Bảo vệ Chủ động (Active Protection System - APS). Đây là một cách để tránh được bất kỳ tác nhân nào tấn công xe tăng của bạn trước khi bạn bị đánh trúng.

"Có hai dạng APS, dạng tiêu diệt mềm và cứng," David Willey từ Bảo tàng Xe tăng (Tank Museum) ở Bovington giải thích.

Ông dừng lại tại chiếc xe tăng T72, một món quà từ quân đội Ba Lan, bị bám khói xanh và hướng khẩu súng khổng lồ 125 mm thị uy về hướng chúng tôi.

"Tiêu diệt mềm có nghĩ là xung điện từ có thể đánh chặn tên lửa đang bay đến. Tiêu diệt cứng có nghĩ là phóng thứ gì đó chuyển động, như một loạt đạn."

 Thường thì quân đội Israel đã nghiên cứu rất toàn diện khu vực này, đặc biệt từ năm 2006 khi xe tăng của họ bị đánh bại do thiết bị điện tử thông minh (IED) của lực lượng Hezbollah và những tên lửa chống tăng được triển khai tinh nhuệ tại Lebanon.

Israel đã phát triển Hệ thống Bảo vệ Chủ động gọi là Trophy. Nguyên tắc hoạt động là sử dụng radar để dò tìm các mối đe dọa sắp xuất hiện - tên lửa hay drone - sau đó một hệ thống phóng xoay từ tháp pháo phóng một loạt vật thể gây nổ, vô hiệu hóa chúng trước khi chúng có thể rơi trúng xe tăng. Trophy, hay một biến thể của nó, có thể trở thành tiêu chuẩn cho nhiều loại xe tăng mới nhất của Phương Tây.

"Bước tiến trong các biện pháp chống drone sẽ giảm mức hiệu quả của drone hiện nay dường như di chuyển xung quanh chiến trường, truy tìm các mục tiêu dễ dàng," Tướng Hodges nói.

Phần trên của một chiếc xe tăng là phần ít được bảo vệ nhất, và là mục tiêu của các tên lửa hiện đại. Nguồn hình ảnh, Getty Images

Thế thì xe tăng còn có tương lai không? Hoặc như một số người dự đoán, sẽ bị tàn lụi trong bãi phế liệu?

"Sẽ luôn có nhu cầu về hỏa lực di động và mang tính bảo vệ," Tướng Hodges nói. Ông dự đoán về một tương lai, không xa, khi các xe tăng không người lái, điều khiển từ xa - căn bản là loại drone thiết giáp - sẽ cùng nhau di chuyển xuyên qua chiến trường với các đoàn xe tăng nhằm tăng hỏa lực trong khi giảm rủi ro mất đi sinh mạng.

"Tôi là một binh sĩ bộ binh và tôi không bao giờ muốn tham gia bất kỳ cuộc chiến nào tại bất kỳ địa hình nào mà không được hưởng lợi ích từ sức phá hủy di động và mang tính bảo vệ," ông nói.

Justin Crump, cựu một chỉ huy xe tăng Quân đội Anh và hiện là CEO của công ty tình báo quốc phòng Sibylline đồng ý. "Xe tăng có sức phá hủy, di động và sức kháng cự mà bộ binh không có. Đây là một nền tảng linh hoạt có thể hoạt động ngày và đêm, đạt được mục tiêu và khiến kẻ thù bị sốc. Ukraine sẽ không tái thiết lực lượng xe tăng của mình khi xe tăng không có tầm quan trọng mang tính sống còn. Họ đã yêu cầu hơn gấp 2 lần số lượng xe tăng mà Anh Quốc có."

David Willey đã hướng dẫn Quân đội Anh và gần đây là đến thăm các binh sĩ Ukraine. "Không phải là loại xe tăng tốt nhất là quan trọng nhất mà là đội ngũ tốt nhất," ông nói. "Bộ vũ khí đắt tiền nhất không phải lúc nào cũng đồng nghĩa bạn sẽ chiến thắng. Niềm tin vào chính nghĩa của bạn mang tính sống còn, và người dân Ukraine tin vào chính nghĩa của mình." 

Nguồn : https://www.bbc.com/vietnamese/world-62074202

Friday, April 22, 2022

TRỞ LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA

Nguyễn Công Khanh                                                                                                          

Hai vị dũng tướng, Marcel Bigeard của quân đội Viễn Chinh Pháp và tướng Ngô Quang Trưởng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, cùng bại trận trong hai cuộc chiến mà lần nào cũng làm thay đổi vận mệnh của Việt Nam. Hai ông cùng có ý nguyện cuối cùng là sau khi qua đời, tro của mình sẽ được đem về rải tại chiến trường xưa. 

*

Tướng Marcel Bigeard (Getty Images

Tướng Marcel “Bruno” Bigeard (1916-2010) là một sĩ quan Pháp đã tham dự ba cuộc chiến tranh: Thế chiến Thứ Hai, Chiến tranh Đông Dương, trong đó có trận Điện Biên Phủ và trận chiến Algeria. Ông xuất thân từ lính động viên binh nhì, 30 năm sau qua các chiến trận, hoàn thành binh nghiệp ở cấp tướng. Ông đã được chỉ định làm Tổng trưởng Quốc phòng một thời gian, sau đó giải ngũ và ông được bầu là dân biểu trong Quốc hội Pháp. Ông có 16 tác phẩm liên quan đến chiến tranh, đặc biệt nhất là chống du kích.

Năm 1945, lần đầu ông được phái đến Đông Dương, trong đó có nhiệm vụ huấn luyện dân quân Thái tại biên giới Lào chống lại sự xâm nhập của Việt Minh. Ba năm sau ông trở lại Việt Nam lần thứ hai để chỉ huy tiểu đoàn Thái, sau đó là tiểu đoàn Đông Dương vùng cao nguyên. Ông đã tham dự nhiều trận đánh tại Bắc Việt.

Tháng 11 năm 1953, ông chỉ huy Tiểu đoàn Nhẩy Dù tham dự trận mở màn Điện Biên Phủ. Tháng 3 năm 1954, Tiểu đoàn Dù của ông trở lại, để tăng cường cho các căn cứ đang bị bao vây. Lòng quả cảm, tài mưu lược của ông đã giúp chặn lại nhiều cuộc tấn công vũ bão của đối phương. Ông được thăng Trung tá tại mặt trận. Nhưng cuối cùng ngày 7 tháng 5 năm 1954 Điện Biên thất thủ, ông đã cùng mười ngàn đồng đội bị bắt cầm tù. Ba tháng sau ông được hồi hương.

Ông mất ngày 18 tháng 6 năm 2010, và là một trong những người được tặng huân chương nhiều nhất. Ý nguyện cuối cùng là tro của ông sẽ được rải xuống Điện Biên Phủ, nơi ông thất trận bỏ lại những đồng đội đã ngã gục nằm ở đó trong bao lâu nay.

Theo tài liệu của Wikipedia là một trong những tài liệu có thể tin cậy, những con số liên quan đến trận Điện Biên Phủ về phía Pháp gần như chính xác, còn con số về phía Việt Minh không được tiết lộ và chỉ là ước lượng. Trong trận này Pháp vận dụng gần 16,000 quân, tử trận và mất tích khoảng trên 4,000, bị bắt làm tù binh 10,998, trong số này có 4,436 là thương binh. Những tù binh này đã phải lội bộ 400 km mới đến được trại giam,và trong thời gian bị giam cầm, khoảng hơn 5,000 tù binh đã chết. Số tù binh Pháp và lính thuộc địa hồi hương chỉ còn lại 3,290. Số tù binh lính địa phương Việt Nam và Thái là 3,013 người, không biết số phận họ ra sao. Về phía Việt Minh, theo nhiều nguồn tin, nhưng chắc chắn là con số gấp nhiều lần hơn của Pháp, Việt Minh đã vận dụng khoảng 50,000 quân chính quy và 50,000 dân công trong việc tiếp vận cho chiến trường. Tổng số binh sĩ tử trận và dân công chết vì bệnh tật lên tới trên 30,000. Con số thương binh không được tính, thường gấp nhiều lần. Rất nhiều binh sĩ hai bên đã mất tích vì bị bùn lầy vùi lấp trong các chiến hào đã không được tìm kiếm. Hiện nay có 4 nghĩa địa tại Điện Biên an táng 4,000 lính Việt Minh. Về phía Pháp chỉ có hai tượng đài nhỏ do các cựu chiến binh Pháp xây để tưởng niệm các đồng đội của họ. Chiến tranh chấm dứt, Việt Nam chia đôi. Gần một triệu người di cư từ Bắc vào Nam đi tìm tự do.

Buổi sáng hôm đó, trời trong xanh, đúng vào ngày Điện Biên Phủ thất thủ, ngày 7 tháng 5, một máy bay nhỏ giống như máy bay thám thính T28 hồi đó xuất hiện, bay nhiều vòng trên thung lũng lòng chảo Điện Biên, và từ từ xuống thấp. Sau đó, có những đám bụi từ phi cơ được tung xuống. Bỗng nhiên có những âm vang, nghe như hòa lẫn của những hồi kèn thúc quân với lời ngân của bài ca Hồn Tử Sĩ.  Rồi một cơn lốc xoáy từ đâu bốc lên đỡ những đám bụi đó cuốn đi và chạy vòng trong thung lũng qua các cứ điểm quân sự ngày xưa: Anne Marie, Isabelle, Gabrielle, Beatrice, Dominique, Hugette, Claudine, Elaine… Chiếc máy bay lượn quanh thêm một vài vòng nữa, sau đó khuất dần về phía chân trời. Thung lũng yên lặng trở lại. Tưởng như trong giây phút đó, trong những nghĩa trang bao la với những dãy mộ sơn trắng, những chiến binh Việt Minh chợt tỉnh từ giấc ngủ ngàn thu, cùng trở dậy chào mừng những vong hồn tử sĩ phía bên kia đã một thời tranh sự sống chết với mình, nay có một chủ tướng đã xuống nằm cùng với đồng đội.

Đoạn rải tro trên chỉ là một sự tưởng tượng, ý nguyện cuối cùng của tướng Bigeard đã bị từ chối cùng thời gian Tổng trưởng Quốc phòng Pháp sang thăm Việt Nam năm 2010. Nhà cầm quyền Hà Nội không muốn đó là một tiền lệ không hay cho họ.

*

Tướng Ngô Quang Trưởng(Getty Images)

Vị tướng thứ hai là Trung tướng Ngô Quang Trưởng (1927-2007). Sinh tại Kiến Hòa, ông xuất thân là một sĩ quan tốt nghiệp Khóa 4 Thủ Đức năm 1954. Ngay sau khi  ra trường, ông gia nhập binh chủng Nhẩy Dù cho đến năm 1966, từ cấp Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng  rồi Tham mưu trưởng của Sư đoàn Dù. Sau đó binh nghiệp của ông đã gắn liền với miền Trung, vùng địa đầu giới tuyến cho đến khi triệt thoái, qua các chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ Binh, Quân Đoàn 1, Quân khu 1. Những lần được thăng cấp của ông đều dựa vào công trận. Ông có 3 tác phẩm ghi lại các kinh nghiệm trong chiến tranh Việt Nam được tàng trữ trong Trung Tâm Quân Sử Quân Lực Hoa Kỳ (U.S. Army Center of Military History).
Ông đã được gọi là Người Hùng Quảng Trị, một vị tướng thanh liêm. Sau 1975, ông đến Hoa Kỳ, sống lặng lẽ tại tiểu bang Virginia cho tới khi qua đời. Ý nguyện cuối cùng là tro của ông sẽ được đem về rải trên đỉnh đèo Hải Vân, và gia đình ông đã làm tròn ý nguyện đó. 

Hãy tưởng tượng một lần nữa, buổi sáng hôm đó, một chiếc xe van chạy từ phía Đà Nẵng leo lên đèo Hải Vân. Lúc lên tới đỉnh, đến một chỗ đậu sát bên đường, gần chỗ tháp canh cổ được xây từ thời vua Minh Mạng. Phía dưới là rừng xanh, xa là biển rộng. Cả gia đình gồm một bà mẹ và mấy người con xuống xe. Trên áo họ còn đeo một mảnh vải đen, dấu hiệu của tang chế. Một người con, có lẽ là con cả, hai tay ôm một chiếc bình gốm. Họ đi đến một mỏm đất cao, nhìn ra biển Thái Bình bao la. Một người con khác thắp hương, đưa cho mỗi người một nén. Họ bắt đầu đọc kinh, Kinh Bát Nhã. Tiếng kinh của họ thoảng bay trong gió. Bài kinh được đọc xong. Người con cả đưa hũ tro đến cho mẹ và các em. Mỗi người bốc một nắm nhỏ, ngần ngừ như lưu luyến, rồi họ tung ra phía biển. Tiếng kinh lại thầm thì vang lên quyện vào với khói hương trầm như những tiếng gọi vong hồn tử sĩ.  Một cơn lốc từ đâu thổi đến, mang theo những âm vang từ lòng đất, cơn lốc đã cuốn khói hương và tro của tướng Ngô Quang Trưởng bay về phía giới tuyến, nơi mà ông đã nhiều lần hành quân, lội bộ, ngồi quân xa hay trên trực thăng cùng các chiến hữu trong những trận chiến khốc liệt mà bao nhiêu đồng đội của ông gục ngã. Hôm đó ông đã trở về với họ.

Trung tướng Ngô Quang Trưởng gắn huy chương cho một đơn vị binh sĩ Mỹ (Getty Images)


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cũng theo Wikipedia, tổn hại trong chiến tranh Việt nam của ba phía là: Hoa Kỳ lính chết 58,272, bị thương 153,000, mất tích nay còn là 1,687, và 866 tù binh hồi hương. Nguồn tin từ chính phủ miền Bắc cho biết, tử trận 1.1 triệu lính, trong đó có 849,000 lính Bắc Việt và 251,000 lính Việt Cộng miền Nam, 300,000 binh sĩ mất tích, số bị thương không được biết. Phía Việt Nam Cộng Hòa, 266,000 tử trận, các con số khác không có nguồn tin. Về phía dân chúng khoảng trên 2 triệu người chết.

Nếu có dịp đi xe lửa xuyên Việt Bắc Nam, người ta sẽ thấy có rất nhiều nghĩa trang lính Cộng sản nằm dọc hai bên đường sắt, với những hàng mộ trắng thẳng tắp và kỳ đài tưởng niệm được chăm lo chu đáo. Trong khi đó không còn thấy đâu nghĩa trang của những người lính Cộng Hòa Miền Nam. Bức tượng người lính an nghỉ Tiếc Thương và cả nghĩa trang Biên Hòa cũng bị phá nát. Quốc hội Mỹ đã thu hồi 1 triệu đô la trợ giúp kỹ thuật giúp tìm các binh sĩ hai bên  mất tích trong trận chiến tranh vừa qua, vì nhà cầm quyền Việt Nam đã từ chối không chịu tìm những binh sĩ miền Nam.

Nhìn lại thế giới, các cuộc nội chiến như Bắc-Nam của Mỹ, Đông và Tây Đức sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, họ giải quyết khá nhanh, không gây những di hại hận thù dai dẳng. Ngay như giữa Mỹ và Nhật trong Thế Chiến Thứ Hai, cả hai cùng đập nhau những đòn chí tử, nhưng chẳng bao lâu kẻ thua người thắng sát lại với nhau, khiến cho Nhật Bản trở lại vai trò cường quốc. Như cái tinh thần thượng võ của hai võ sĩ quyền Anh, cùng ra sức giáng những cú đấm thôi sơn lên mặt nhau, dù rằng mắt mũi sưng vù, nhưng sau trận đấu họ thường lại đến ôm lấy nhau. Chắc đó hẳn là cái văn hóa chiến tranh của phương Tây.

Việt Nam đến nay, đã gần 50 năm rồi, thù hận giữa thắng và bại vẫn chưa xong.  Bắc Hàn, Nam Hàn không biết đến bao giờ, Cam-Bốt đã giải quyết gần xong. Có thể đó là do ảnh hưởng độc hại của “Văn Hóa Cầm Quyền” Trung Hoa. Luôn luôn nuôi thù hận giữa các triều đại, bằng cách tru di tam tộc, nhổ cỏ nhổ tận gốc, phân chia giai cấp, bần cố nông đấu tố địa chủ, v.v... Cái bóng ma Trung Quốc vẫn còn phủ trùm lên các chư hầu Á Châu, không những họ đã không thoát ra được, mà các chư hầu này còn đi xa hơn cái văn hóa thâm độc đó, bằng những từ ngụy quân ngụy quyền, cải tạo, diệt tư sản, đẩy người ra biển để trục lợi. Cam Bốt lại còn đi quá xa bằng cách diệt chủng, hai triệu người vô tội đã chết một cách dã man…

Cuộc chiến tranh triền miên vừa qua là một cuộc nội chiến tàn hại nhất trong lịch sử Việt Nam. Bao nhiêu người đã chết, hận thù vẫn chưa tiêu. Hai bên đều bị hai thế lực bên ngoài trực tiếp hay gián tiếp thúc đẩy để tương tàn, sát hại lẫn nhau. Chiến thắng Điện Biên Phủ tưởng sẽ đem lại cho miền Bắc hạnh phúc ấm no, trái lại người dân vẫn bị trầm luân trong cảnh đói khổ bao cấp suốt hơn hai mươi năm trời kế tiếp. Rồi đến, Đại Thắng Mùa Xuân, đất nước thống nhất, đói khổ trầm luân vẫn tiếp tục và biết bao nhiêu thảm cảnh mới lại tiếp tục xẩy ra, hàng trăm ngàn sĩ quan miền Nam bị đưa đi tù đầy cải tạo, gia đình ly tán. Triệu người vượt biển đi tìm tự do và hàng trăm ngàn mạng người đã vùi thân dưới biển sâu. Phải đợi đến hai mươi năm sau khi lệnh cấm vận được bãi bỏ, đất nước mới có cơ hội thay đổi và phát triển, nhưng đồng thời lại gây nên bao tệ trạng xã hội trầm trọng, không thuốc chữa và vẫn không thoát khỏi nguy cơ Bắc thuộc, mất đất mất biển.

*

Ảnh: ante-samarzija-unsplash
Tướng Ngô Quang Trưởng đã trở về cùng với các đồng đội của ông. Tro tàn của ông hẳn đã bay đến bên các nấm mộ của các binh sĩ, các dũng tướng anh hùng đã tuẫn tiết trong giây phút cuối cùng. Tro của ông chắc cũng đã bay đến bên những nấm mộ của các sĩ quan tàn lụi trong các trại cải tạo. Cùng nhau họ đã viết một thiên bi hùng ca cho những người lính thất trận miền Nam. 


Nguyễn Công Khanh

* Bài viết có tham khảo bài Trải Tro Theo Gió của nhà văn Nguyễn Tường Thiết thuật lại việc rải tro tướng Ngô Quang Trưởng vào mùa Hè 2008