Tuesday, May 28, 2019

44 NĂM SAU, NHÌN LẠI MỐI ĐAU

Phan Nhật Nam

 


Người dân miền Nam Việt Nam đào những tuyến hào chống xe tăng nhằm bảo vệ thị trấn Phú Giáo khỏi cuộc tấn công có thể xảy ra từ miền Bắc. Thị trấn Phú Giáo nằm trong tỉnh Bình Dương, cách Sài Gòn khoảng 25 dặm về phía Bắc. (Hình: Flickr manhhai)

 

  Kính gởi tất cả

Người Việt còn sống hay đã chết (1975-2019) 
Dẫn Nhập 
Mỗi người, mỗi tập thể, mỗi dân tộc có một đời sống, lần chết với định mệnh riêng. Dân tộc Việt cảm nhận, thấy ra sự huyền nhiệm kia qua con Số Ba: Lễ thờ cúng với phẩm vật Tam Sanh; nhà Ba Gian; Ba Miền Bắc, Trung, Nam; Cờ Quẻ Ly; Cờ Vàng Ba Sọc…
Người Việt thấu hiểu cốt lõi cấu trúc siêu hình, lẽ huyền vi kia qua Nỗi Đau và Cơn Thống Khổ vô lường với thân phận của mỗi người trên quê hương điêu linh qua những Tháng Ba của năm 1972,  1975. Người Việt hải ngoại vừa qua Tháng Ba, đang ở Tháng Tư, 2019, những thời điểm khiến nhớ lần vỡ trận Ban Mê Thuộc, 10 Tháng Ba, 1975, khởi đầu bi kịch nước mất nhà tan năm mươi lăm ngày sau, 30 Tháng Tư, 1975.
Nay 44 năm sau 1975, thời gian đủ để nhìn lại sự việc của quá khứ từ đó nhận ra những tất yếu của lịch sử. Những điều tất yếu mà dân tộc Việt buộc phải nhận lãnh từ phận nghiệp điêu linh. Những thế hệ người Việt sinh nơi miền Nam, lớn lên sau 1975 phần đông trên đất Mỹ có thể ngạc nhiên với thắc mắc: Tại sao một miền Nam có đủ tất cả những ưu thế so với với miền Bắc, cụ thể thuộc về phe dân chủ-tự do được Mỹ và Tây Âu yểm trợ, giúp sức. Vậy thì từ đâu, vì sao, VNCH chỉ một sớm một chiều sụp vỡ một cách nhanh chóng sau 55 ngày do Bắc Việt Cộng Sản tấn công? Tại sao? 
Một.
Tháng Ba mở đầu mùa Hè khốc liệt 1972; và Tháng Ba sau ký kết Hiệp Định Tái Lập Hòa Bình 27 Tháng Giêng, 1973, mà hai tháng sau 27 Tháng Ba, 1973, là hết thời hạn thi hành giai đoạn bốn bên, và miền Nam bắt đầu nhận chịu số phận khốn đốn khi tỉnh Phước Long bị Cộng Sản lấn chiếm, Tháng Mười Hai, 1974, cùng lúc viện trợ Mỹ bị cắt giảm toàn diện, Hạm Đội 7 quay mũi về Trung Đông. Qua đầu Xuân Tháng Ba, 1975, thêm một lần miền Nam phải giáp mặt với câu hỏi… Bao giờ Cộng Sản tấn công? Cộng Sản sẽ tấn công ở đâu? Không ai ở Sài Gòn có câu trả lời chính xác.
Đầu năm 1975, phía Cộng Sản Bắc Việt đã nối được con đường từ Cao Nguyên Trung Phần xuống đồng bằng Quảng Nam, Quảng Ngãi, lộ rõ ý định cắt đôi miền Nam theo trục quốc lộ 19 nối Bình Định – Pleiku như đã thực hiện trong chiến tranh 1946-1954. Và đây là tiền đề của cuộc Tổng Công Kích 1975 mà Hà Nội đã quyết thực hiện bước cuối cùng để tiến chiếm miền Nam?
Bây giờ thì ai cũng thấy ra như thế, nhưng lúc ấy, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham Mưu ở Sài Gòn, cụ thể với Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh Quân Đoàn II ở Pleiku, lúc ấy không thể có quyết đoán cụ thể nào khi từ năm 1972, phần cực Bắc của Cao Nguyên Trung Phần, cứ điểm Đắk-tô, quận lỵ Tân Cảnh, dãy Căn Cứ 5, 6, các trại lực lượng đặc biệt đã thuộc về vùng kiểm soát của binh đội miền Bắc.

Phi trường Long Xuyên. (Hình: Flickr manhhai)

Đầu năm 1975, Bộ Chính Trị, Trung Ương Đảng Cộng Sản, Bộ Tổng Quân Ủy quân đội Bắc Việt chuẩn bị tấn công miền Nam sau khi rút kinh nghiệm thất bại từ Mậu Thân 1968, do đã quá phân tán lực lượng trên mục tiêu trải dài qua 40 tỉnh, thành phố miền Nam. Cụ thể trong Tổng Công Kích Xuân – Hè 1972, cuộc tấn công đã không hoàn tất mục tiêu chiến lược là đánh sụp toàn bộ hệ thống quân sự-chính trị-hành chánh của VNCH, để yểm trợ chính trị cho Hội Nghị Ba Lê đang ở thời điểm quyết định trước khi ký kết (27 Tháng Giêng, 1973). Quan trọng hơn hết, vào Tháng Ba, 1975, người Mỹ đã thực sự rút chân ra khỏi Việt Nam.

Cũng không phải đợi năm 1975 mà từ những năm 1972, và cũng chẳng phải là chuyên viên quân sự-chính trị chiến lược cao cấp, chỉ người có lưu tâm đến thời cuộc, chiến cuộc cũng có thể nhìn thấy tình hình quân sự nguy ngập của miền Nam.
Từ sau trận chiến mùa Hè 1972 một phần cực Bắc của Cao Nguyên Trung Phần, gồm cứ điểm Darkto, quận lỵ Tân Cảnh, dãy Căn Cứ 5, 6, các trại lực lượng đặc biệt đã thuộc về vùng kiểm soát của Cộng Sản miền Bắc. Có nghĩa Bắc quân đã nối được con đường từ Cao Nguyên Trung Phần xuống đồng bằng Quảng Nam, Quảng Ngãi, lộ rõ ý định cắt đôi miền Nam theo trục quốc lộ 19 Bình Định – Pleiku như một lần thực hiện trong chiến tranh 1946-1954.
Nhưng không chỉ có thế, năm 1975 Bộ Chính Trị, Bộ Tổng Quân Ủy Đảng Cộng Sản Việt Nam đã điều quân dưới Nghị Quyết chiến lược số 21 (Nghị quyết nầy được Trung Ương Cục Miền Nam phổ biến với bí số 12).
“Cuộc tấn công toàn diện ở miền Nam Việt Nam phải được thực hiện đồng loạt và tràn ngập, liên kết ba mũi, chủ động cả ba mặt trên khắp ba vùng…” Ba mũi là tấn công quân sự, tấn công chính trị, tấn công binh vận. Ba mặt, diện quân sự, diện chính trị, diện ngoại giao. Ba vùng gồm vùng Cộng Sản đã kiểm soát được; vùng tranh chấp (xôi đậu); và vùng Việt Nam Cộng Hòa.
Với chỉ đạo chiến lược nầy, Cộng Sản Bắc Việt lập kế hoạch tấn công lật đổ chế độ VNCH sau khi đã rút kinh nghiệm từ Mậu Thân 1968, và trận chiến Xuân-Hè 1972, để năm 1975 có đủ ưu thế vượt trội về quân sự cùng an toàn tuyệt đối về chính trị. Chúng ta cùng đi tiếp lần sụp vỡ miền Nam bắt đầu từ Tháng Ba, 1975. 
Hai.
Mặt Trận B3 là bí danh quân sự phía Cộng Sản Bắc Việt chỉ Vùng Cao Nguyên Trung Phần của VNCH. Trong ngày 10 Tháng Ba, Sư Đoàn F10 dưới quyền chỉ huy của các tướng Bắc Việt Hoàng Minh Thảo,Vũ Lăng đồng loạt tấn công Ban Mê Thuộc.
Cuộc tấn công được tăng cường Sư Đoàn 320 là đơn vị cơ hữu đã có mặt từ trước nơi vùng B3 này, thêm Sư Đoàn 316 từ miền Bắc mới xâm nhập, và Sư Đoàn 341 tổng trừ bị. Sư Đoàn 316 rời miền Bắc vào Nam từ 1974 để chuẩn bị chiến trường cho Tướng Văn Tiến Dũng, nhân vật số 2 của quân đội miền Bắc. Tướng Dũng đã vào Nam từ ngày 5 Tháng Hai, 1975, bằng một chiếc máy bay Antonov 24 nhưng mãi đến Tháng Tư, CIA Mỹ mới khám phá ra. Lực lượng Cộng Sản đánh Ban Mê Thuộc gồm khoảng 25,000 người có pháo binh, chiến xa phối hợp yểm trợ.
Đối lại tại thị xã Ban Mê Thuộc, phía VNCH chỉ có khoảng 1,200 quân gồm lính hậu cứ của Sư Đoàn 23 Bộ Binh, lực lượng Địa Phương Quân Tiểu Khu Đắk-Lắc, và Liên Đoàn 22 Biệt Động Quân. Tức tỷ lệ 20 đánh 1. Thế nên từ 2 giờ sáng ngày 10 Tháng Ba, giờ mở lệnh tấn công (mà Tướng Dũng ước tính mặt trận Ban Mê Thuộc sẽ chấm dứt sau một tuần) chỉ đến 5 giờ 30 chiều cùng ngày 10, thị xã Ban Mê Thuộc phần lớn đã bị quân Bắc Việt chiếm đóng, cho dù Biệt Động Quân, Sư Đoàn 23 Bộ Binh vẫn tiếp tục chiến đấu.

Chiến đấu bảo vệ miền Nam. (Hình: Flickr manhhai)
 
Với tỷ lệ 20 đánh 1 có pháo binh, chiến xa yểm trợ (chỉ không có phi cơ) phía cộng sản làm sao không đánh thắng? Chưa hết, năm 1975 Hà Nội đánh chiếm miền Nam với  hai lợi điểm, phải nói hai ưu thế quyết định: Sự bất ngờ tình báo được bảo đảm toàn hảo và cái ô chính trị tuyệt đối an toàn.

Khi Cộng Sản quyết định tiến chiếm thị xã Ban Mê thuộc cực Nam của vùng Cao Nguyên Trung Phần, nơi tương đối bình an của Vùng II, mục tiêu không hề được tính đến trong suốt mười-lăm năm chiến tranh khởi đi từ 1960. Thế nên từ 2 giờ sáng ngày 10 Tháng Ba, giờ mở lệnh tấn công (mà Tướng Dũng ước tính mặt trận Ban Mê Thuộc sẽ chấm dứt sau một tuần) chỉ đến 5 giờ 30 chiều cùng ngày 10, thị xã Ban Mê Thuộc phần lớn đã bị quân Bắc Việt chiếm đóng, cho dù Biệt Động Quân, Sư Đoàn 23 Bộ Binh vẫn tiếp tục chiến đấu. Tướng Dũng cứ tưởng như là giấc mơ.
Tướng Dũng cũng không thể nào tin khi được báo cáo: Quân Đoàn II tháo chạy! Bởi vì ông không biết trong cuộc họp ngày 14 Tháng Ba, 1975, ở Cam Ranh, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã không nói rõ ràng về ý niệm điều quân: “Nếu có thể thực hiện triệt thoái khỏi Pleiku, Kontum thì cũng có thể chiếm lại Ban Mê Thuộc?!”
Những người cầm đầu Cộng Sản ở Hà Nội cũng không nghe tới tính toán: “Ngày trước với một tỷ rưỡi đồng đô la thì giữ được bốn vùng, bốn quân khu. Nay với 700 triệu thì chỉ giữ được hai Quân Khu III và IV.” Họp xong, ba ông tổng thống, thủ tướng, và tổng tham trưởng, ba tướng lãnh quân đội trở lại Sài Gòn. Tướng Tư Lệnh Phạm Văn Phú bay về Nha Trang. Để lại trách nhiệm chỉ huy toàn bộ cuộc di tản cho tướng lãnh được vinh thăng cuối cùng của Quân Lực VNCH, Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất.
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, quốc gia tên gọi “Việt Nam Cộng Hòa” bắt đầu “chết” từ điểm tắt thở này. Đây là cuộc hành quân di tản toàn Vùng Cao Nguyên, một Quân Khu II trên một đoạn đường  228 cây số mà 10 năm nay không được sử dụng (trên bản đồ quân sự đoạn Hậu Bổn (Cheo Reo) đến Sơn Hòa chỉ màu XANH, chỉ đoạn đường KHÔNG SỬ DỤNG ĐƯỢC).
Nguy hại hơn nữa, cuộc hành quân rút lui KHÔNG CÓ LỆNH HÀNH QUÂN điều hành, thống nhất chỉ huy! Cũng bởi Tướng Phạm Duy Tất, chỉ huy trưởng Biệt Động Quân Quân Khu II, chỉ thực sự chỉ huy những đơn vị Biệt Động Quân thuộc quyền của. Đêm 16 Tháng Ba, 1975, các đơn vị quân đội âm thầm bất ngờ triệt thoái được êm xuôi. Nhưng đến sáng hôm sau, dân chúng hay được, hoang mang, hốt hoảng vội vã ùa chạy theo đoàn quân với bất cứ phương tiện di chuyển nào kể cả chạy bộ. Quân Cộng Sản bắt đầu đuổi theo, nã pháo thẳng vào đoàn di tản.
Trời cao nguyên buổi tàn Xuân gây gây rét vào sáng, càng về trưa nắng cao và nóng khô khan, đường bụi mù tung đỏ bám vào thành xe, nòng pháo, khí cụ, tóc và da mặt ngưi, vạn tròng mắt đỏ rực. Những tròng mắt mệt mỏi lo âu, tuyệt vọng. Phía sau lưng, thị xã Pleiku bốc lửa ngọn, khói đen đặc ngật ngật bay lên cao hơn đỉnh núi Hàm Rồng. Lửa lóng lánh ánh sáng kinh dị trong mắt những người lính Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân, thành phần hậu vệ đoàn di tản.
Pleiku, thị trấn thủ phủ của miền Cao Nguyên, luôn trĩu lặng sương mù nay oằn thân vật vã trong màu lửa địa ngục. Lửa từ đống kim loại, khí giới, từ những kho quân nhu, quân cụ soi loang loáng chập chờn những đường dốc hun hút lẫn khuất dưới tàng thông. Tất cả đồng nhóm lên màu đỏ chói. Màu của máu. Đoàn di tản qua được một ngày bình an. Bình an sống sót qua đói, khát, nhục nhằn và lo âu. Lính gục trên mũi súng, đàn bà, con trẻ nằm rũ lên hành lý, thành xe, đất cát. Được sống, được ngủ là hạnh phúc quá lớn hở tri? Còn biết kêu vào đâu? Với ai?
Bình an của ngày đầu tiên này không kéo dài được lâu, bởi phía Cộng Sản trong ngày 16 đã tìm ra đáp số cho câu hỏi: Quân Đoàn II đang tính gì sau chấn thương ngày 10 Tháng Ba tại điểm bất ngờ Ban Mê Thuộc? Qua máy dò tìm làn sóng, Bộ Tư Lệnh Mặt Trận B3, tổng quát hơn chiến dịch tấn chiếm miền Nam, chiến dịch mang bí số 275, choáng người vì thắng lợi quá mau chóng, quá lớn, Quân Đoàn II đang tháo chạy!
Dần dần họ khám phá vài phi cơ C47, C130 xuất phát từ phi trưng Cù Hanh (Pleiku) đi Nha Trang không có lượt bay về. Viên chuẩn úy nằm vùng trong Sư Đoàn 2 Không Quân, người đã điều chỉnh pháo binh chính xác từ bao ngày qua, người quan sát các phi xuất di tản đã đến hồi lộ mặt không ngần ngại – Anh ta báo cáo bằng bạch văn! Sự kiện đã trút gánh nặng âu lo “phía cộng hòa có thể điều quân tái chiếm” ra khỏi đầu Văn Tiến Dũng.
Tướng Dũng mắng thẳng và đe dọa Kim Tuấn, viên tư lệnh Sư Đoàn 320: “Nếu đồng chí để vuột mất đoàn di tản thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.” Bởi, Kim Tuấn đã từng cam kết: “Một đơn vị cơ giới với chiến xa, pháo binh nặng không thể nào đi qua đường 7B được…”
Quả thật, ông Nguyễn Văn Thiệu ít ra cũng lừa được một người cũng như trong mười điều sai ông cũng có một điều đúng với câu nói: “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói…” Sư Đoàn 320 được lệnh băng rừng truy kích đoàn di tản và Sư Đoàn 968 trên đường bôn tập từ Lào về Pleiku cũng được lệnh đâm ngang từ ngã ba Thanh An, chuyển hướng hành quân dài theo Tỉnh Lộ 7 về đồng bằng.

Sài Gòn năm 1968 tại Ngã Tư Lê Lợi-Công Lý, bên trái là nhà hàng Kim Sơn góc Lê Lợi-Nguyễn Trung Trực (Hình: Flickr manhhai)

Văn Tiến Dũng thở phào nhẹ nhõm… Vậy là không có phản công tái chiếm như sau lần bỏ Khe Sanh (1968), chịu mất Quảng Trị 1972, lần bốn mươi thành phố miền Nam bị tấn công Tết Mậu Thân. Lần này quân Cộng Hòa, “bọn ngụy quân” đã bị bẻ gãy ngay xương sống. Ngày 16 Tháng Ba, một Chủ Nhật điêu linh tan nát dọc con đường đỏ sẫm đất núi và máu rây. Đoàn di tản bị chận ở phía Đông Củng Sơn, bị cắt rời ở quận Phú Túc, bị đuổi đập từ Tây quận lỵ Phú Bổn.

Xe tăng cán ngang lên GMC, xe GMC hất xe đò xuống vực thẳm, cũng hất luôn những xe jeep của thành phần thuộc các đơn vị yểm trợ, chuyên môn của quân đoàn, tiểu khu Pleiku, cán qua những chiếc xe Dodge4 của địa phương quân chất đầy người già, trẻ em tan nát. Chiếc vespa của một gia đình chạy lông lốc, xiêu vẹo trên sưn đồi, đứa con, người vợ rơi tơi tả, người chồng, người cha rơi cuối cùng với chiếc xe vỡ toang trên mỏm đá!
Súng nổ…105, 155 pháo binh, XM72 của phía Cộng Hòa; 130 ly, 122 ly, B40, B41 Cộng Sản tất cả cùng hòa vào nhau thành một luồng hỗn âm tan tác làm rung rinh sắc núi mờ đục ánh nắng. Mặt tri bị chìm khuất trong khói xám. Có xác bà già ngồi dựa bờ đất lên bề đường, người khô quắp, không vết thương. Dấu hiệu sự chết chỉ được nhận biết nơi ổ mắt, mũi, miệng… Đám kiến rừng bò lúc nhúc quay quắt đánh hơi. Ba đứa trẻ mắt lạc thần ngồi nhìn đoạn đường hỗn loạn không cảm giác. Bé trai nhỏ nhất gục đầu trên gối chị ngủ lay lắt. Có tiếng bắn đi của sơn pháo thật gần.
Sư Đoàn 320 Điện Biên bắn thẳng xuống đoàn di tản không sai trật một viên đạn. Lính còn rõ phản ứng trú ẩn, chống cự, người dân chỉ biết đưa mắt nhìn lên nơi đặt súng, nơi có những tiếng nổ khô, ngắn trước khi bị bùng vỡ phá toang. Xác người tung lên theo đất bay bay. Cái chết không đơn giản, mau chóng bởi súng đạn. Chết còn bị nhận chìm từ từ trong lòng chiến xa khi chiếc xe tăng chúc đầu xuống đầu cầu nổi bắc qua sông Ba.
Chiếc cầu bắc vội mỏng manh không thể nào chứa nỗi sức nặng vạn con người, vạn chiếc xe… Chiếc tăng M48 như khối đá ấn mạnh xuống lòng chén nứt vỡ. Trong lòng xe có tiếng hét nghẹn, trên pháo tháp có đầu người ngoi ngóp. Người đạp lên đầu, lưng, vai người để được thở, được sống thêm vài giây ngắn. Chiếc xe chìm xuống im lặng, kéo theo, mang theo, đè xuống rất nhiều thây xác. Xích sắt điên cuồng đào xoáy giòng sông máu sẫm làm quẫy lên, tung tóe những tay, chân kẹp dính đâu dưới lườn xe.
Cuộc di tản lớn quá, quá lớn nên người ta không còn sức đâu nghĩ đến lần rút lui của Liên Đoàn 32 Biệt Động Quân và lực lượng địa phương thuộc Tiểu Khu Bình Long trấn đóng tại An Lộc, cũng trong ngày 1 Tháng Ba.
An Lộc, cách Sài Gòn một trăm cây số đường chim bay. Chiến tích lớn của năm 1972, nơi Lữ Đoàn I Nhảy Dù, Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân, Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Liên Đoàn 81 Biệt Kích đã đẩy lui những trận cường tập của các trung đoàn thuộc ba công trường 5, 7, 9 (sư đoàn bộ binh thuộc quyền chỉ huy của bộ tư lệnh lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam có cán bộ người Bắc làm khung cơ ở) và trung đoàn thiết giáp T54 phối hợp tăng cường, được ym trợ trực tiếp bởi pháo 130 ly hạng nặng.
Chiến tích An Lộc được mua bởi giá máu của ngàn con người ấy, bởi niềm tin, ý chí chiến đấu của miền Nam được thể hiện nay chỉ là một tiền đồn thụ động nằm trong tầm tác xạ của một dàn pháo cối đặt dầy xung quanh. Tồi tệ hơn nữa, cửa ngõ phía Nam của An Lộc, khu đồn điền Xa Cam bị quân Cộng Sản đóng chốt. Đường về Chơn Thành, phải qua tử huyệt này. Và khi An Lộc với Liên Đoàn 32 Biệt Động, Chơn Thành với Liên Đoàn 31 bị nhổ đi, bị xé lẻ ra Phan Rang, đến Tây Ninh, lui về tận Hố Nai thì từ căn cứ Lai Khê với Bình Dương-Sài Gòn, đoạn đường quá ngắn chỉ cần một ngày di chuyển với đôi chân. Nhưng bởi vết thương của Tỉnh Lộ 7 kéo dài theo hơn hai trăm cây số đường núi. Vụ triệt thoái An Lộc, Chơn Thành đành phải quên. Phải quên, dẫu cơn hấp hối từ, của trái tim sắp gần kề. Sài Gòn – Lai Khê đâu khoảng ba-mươi cây số, nửa giờ xe hơi.
Cuối cùng, đoàn di tản về đến Tuy Hòa ngày 25 Tháng Ba do Tiểu Đoàn 58 Biệt Động dẫn đầu. Trăm ngàn dân theo lính chạy loạn từ Kon Tum, Pleiku nay còn khoảng sáu chục ngàn người nơi trại tạm cư Đèo Rù Rì. 100,000 trừ đi 60,000 vậy đã chết bao nhiêu? Không ai có thể tính chính xác được số dân thiệt mạng. Người chỉ biết và đau với trưng hợp từng người thân, của mỗi gia đình, của chính thịt da mình.
Trên chiếc trực thăng từ phi trường Đông Tác (Tuy Hòa) về Nha Trang, viên thiếu tá ngồi ôm đứa con nhỏ, gục đầu nín thinh khi đứa bé chợt nhớ…  Bà nội đâu hở ba? Trong đêm khuya nơi trại tạm cư Đèo Rù Rì, nghe những lời than vãn rời rạc lẫn tiếng khóc nấc nghẹn ghìm ghìm. Bãi biển Nha Trang từng khối người ngồi chập choạng dưới trăng khuya. Nha Trang cũng mất vào tay quân Cộng Sản vài ngày sau, 30 Tháng Ba, 1975, dẫu đơn vị chính quy Cộng Sản chưa kịp vào đến thành phố. Nếu kể thêm bi thảm của Huế, Đà Nẵng ở phía Bắc thì đã mất một nửa quê hương miền Nam chưa hết một Tháng Ba!


Băng rôn chống Cộng Sản tại Đà Nẵng năm 1966: “Đả đảo Cộng Sản và tay sai đang quấy rối hậu phương.” (Hình: Flickr manhhai)

Ba.
Lần sụp vỡ Vùng II gây nên phản ứng dây chuyền vô cùng nguy hại đối với Vùng I/VNCH với thành phố lớn thứ hai sau Sài Gòn, thành phố Đà Nẵng, bản doanh Quân Đoàn I/Quân Khu I VNCH.
Đà Nẵng cũng là nơi Mỹ đổ quân, cũng một ngày Tháng Ba, 1965, nhằm mở rộng chiến cuộc trên toàn miền Nam, khắp vùng Đông Dương. Quân Khu I gồm Quảng Trị, Huế, Thừa Thiên, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Tính, Quảng Ngãi. Vùng đất lửa đối đầu với miền Bắc không khoan nhượng qua những thời điểm đẫm máu Mậu Thân 1968, Hạ Lào 1971, Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.
Mới gần đây, còn nguyên dấu vết hung tàn ngọn lửa từ đầu hè 1972. Huế quả thật đã nhiều phen nếm sâu sự chết. Nhưng Huế vẫn sống. Huế luôn vượt sống.Thật ra Huế, Thừa Thiên vẫn sống được bởi sức nâng, nguồn bảo vệ từ một người anh em khốn khổ, người anh em chung cấu tạo đặc thù mà phải tinh tế lắm mới nhận ra âm sắc tiếng nói khác nhau qua con sông không đầy một trăm thước, sông Mỹ Chánh ngăn ranh Quảng Trị-Thừa Thiên, với hai thị xã đúng chiều dài bảy mươi cây số, Huế và Quảng Trị.
Vùng đất dựa núi và nằm cạnh biển với cửa Tùng, cửa Việt qua Thạch Hãn, sông Bồ, Mỹ Chánh, Hương Giang… Hai nơi khốn khổ, tội nghiệp nầy đã nâng nhau qua chiến tranh. Quảng Trị đã chịu phần thua thiệt đến đỗi bàng hoàng. Thành phố đã trở nên đống gạch vỡ vụn sau cơn địa chấn Xuân-Hè 1972. Tuy nhiên  trong trận chiến Xuân-Hè 1972, Tướng Ngô Quang Trưởng đã có đủ quân số gồm các Sư Đoàn 1, 2, 3 Bộ Binh và hai sư đoàn tổng trừ bị Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến để trấn giữ vùng lãnh thổ trách nhiệm đã phản công thành công tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị.
Nhưng bây giờ, 1975 không phải là năm 1972 khốc liệt ấy nữa, người Mỹ đã rút đi cùng bộ máy chỉ huy, tiếp vận tác chiến khổng lồ kể từ 27 Tháng Giêng, 1973, theo điều khoản ấn định bởi Hiệp Định Ba Lê. Và vấn đề xử dụng lại không quân với B52 dội bom cường tập như đã thực hiện suốt mùa Hè 1972 không thể  nào tái lập với Tổng Thống Ford đã bị quốc hội đảng Dân Chủ kiểm soát, khóa tay. Chính phủ Mỹ hoàn toàn tê liệt sau vụ án chính trị Watergate.
Ngày 18 Tháng Ba, sau khi gặp Tướng Phú ở Nha Trang, ông thủ tướng “khôn ngoan nhất” của miền Nam Trần Thiện Khiêm bay ra Đà Nẵng gặp tướng Trưởng để truyền lại lịnh của tổng thống “Sẽ rút sư đoàn Dù; còn sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến sẽ trả lại cho Sài Gòn sau đó.” Tướng Trưởng không có gì tăng cường. Không còn gì hết. Tướng Trưởng cố gắng lần cuối. Ông bay về Sài Gòn ngày 19 Tháng Ba, họp cùng với các ông Thiệu, Khiêm, Viên và cả phó Tổng Thống Hương. Ông cam đoan có thể giữ được Huế, Đà Nẵng, nếu đừng lấy đi những lữ đoàn Dù, Thủy Quân Lục Chiến còn lại.
Ông Thiệu tỏ vẻ ngần ngại trước quyết định sẽ rút một phần nào về Vùng I. Để cụ thể thêm cho ý niệm trên, ông chuẩn bị đọc một bài diễn văn với ngôn từ mạnh mẽ tỏ rõ quyết tâm bảo vệ Huế. Nhưng khi Tướng Trưởng vừa trở lại Đà Nẵng, ông nhận tin Huế đang bị đánh mạnh. Ông gọi về Tướng Viên; ông Viên đẩy qua ông Thiệu. Tướng Trưởng đành phải nói thật “…Tổng thống nên hoãn lại bài diễn văn… Huế không thể giữ được.” Thật ra ông Thiệu hiểu rõ hơn ai hết khả năng cố thủ của Huế. Ông ta muốn dành viên đạn ân huệ cho chính tự tay Tướng Trưởng.

Huế, Tháng Tư, 1968. (Hình: Flickr manhhai)

Cùng ngày 18 Tháng Ba, phó Đại Sứ Lehmann gởi điện văn về Tòa Bạch Ốc, nhờ chuyển bản tường trình đến Đại Sứ Martin đang chữa bệnh ở Bắc Carolina. Lehmann báo tin về khả năng phía VNCH có thể bỏ Huế với dấu hiệu chiến xa, thiết vận xa đang rút về Nam và Thủy Quân Lục Chiến bỏ Quảng Trị. Ông đại sứ biết được – đã đến lúc chính ông, không ai khác, phải chịu mối “khổ nhục kế” của quốc gia ông nơi xa. Tóm lại, thế trận được đặt trên tuyến phương trình kỳ cục: “Người Mỹ không biết ông Thiệu đang tính toán những gì. Sài Gòn thì hoàn toàn mù tịt về những gì đang xảy ra ở Hà Nội.” Nên không biết được rằng Hà Nội đã chấp thuận đề nghị của Văn Tiến Dũng (sau thành công quá lớn ở mặt trận Tây Nguyên) – Đánh rộng ra toàn miền Nam, khai triển thuận lợi từ Ban Mê Thuộc và Pleiku
Từ Ban Mê Thuộc, Sư Đoàn F10 tiếp tục hành quân về đồng bằng theo quốc lộ số 21, Sư Đoàn 320 cắt miền Trung tại Tuy Hòa, đâm xuống Nha Trang. Nha Trang sẽ là điểm hẹn của hai sư đoàn này trước khi tiến về Nam, hướng Sài Gòn. Riêng tại vùng I, Tướng Trưởng bị tấn công một lúc từ cả hai hướng Bắc và Nam. Trên nguyên tắc, sau Tháng Mười, 1973, khi Hà Nội, cục R phát lệnh đánh trả và ông Thiệu ra chỉ thị “Tái tổ chức, phối trí” từ hạ tầng cơ sở hành chánh và quân đội… Lính nghĩa quân được đôn thành địa phương quân, lính địa phương tập trung lại thành tiểu đoàn chủ lực và các sư đoàn diện địa phải cơ động trong khu, vùng trách nhiệm.
Nhưng đấy chỉ là lý thuyết và hoàn toàn là lý thuyết. Người lính địa phương quân của Tiểu Khu Quảng Trị, Thừa Thiên không hề được chuẩn bị, trang bị để đương cự lại những sư đoàn chính quy Bắc Việt, thế nên khi Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến, cùng với liên đoàn Biệt Động Quân vừa rút khỏi Quảng Trị, dân chúng ùa đi theo. Tỉnh trưởng Quảng Trị khuyên công chức cho gia đình di tản. Tất cả tràn về Huế, và Huế sau dấu ấn Mậu Thân 1968 và nỗi khiếp sợ từ 1972… Theo luồng cuồng nộ bi thảm này chạy về Nam, vượt đèo Hải Vân.
Ngày 25 Tháng Ba, sáu giờ, Tướng Trưởng ra lệnh bỏ Huế. Lính Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động, Sư Đoàn I đồng tập trung tại Vĩnh Lộc, nơi cửa biển Thuận An, Đông-Nam Huế. Đề đốc Chung Tấn Cang gởi một số vận tải hạm ra cửa Thuận An đón đoàn quân cùng đám dân chạy loạn. Nhưng muốn đến bờ biển, lên tàu lớn, đoàn người di tản phải qua phà Thuận An, và tại đây lại một lần tái lập cảnh tượng địa ngục nơi Sông Ba, Tuy Hòa mười ngày trước. Thật sự chỉ đúng một tuần. Điều đau đớn này xảy ra như một chuyện tất nhiên.
Trong tất cả các hình thái hành quân, rút lui là một loại chiến thuật khó khăn nhất, bởi lẽ tự nó vốn đã mang yếu tố thất bại, thua cuộc. Không thể có một giải đáp tốt cho vấn đề đã vốn xấu, thế nên không hề có được một cuộc rút lui thắng lợi. Nếu có được một cuộc rút lui tương đối thành công của quân sử thế giới thì đấy là lần di tản 350,000 lính đồng minh từ mõm Dunkerque qua Anh năm 1940. Nhưng Dunkerque là một cứ điểm phòng thủ với yếu tố thuận lợi do hệ thống sông, lạch chia cắt với đất liền và bin vây kín trước mặt. Cuộc triệt thoái với hơn nghìn tàu đủ loại của Anh và Pháp điều động, chỉ huy bởi những sĩ quan, tướng lĩnh kỳ tài của hai đạo quân có truyền thống và tổ chức cao. Hai quân đội kia còn có một thời hạn tương đối đủ (từ giữa Tháng Năm đến Tháng Tư Tháng Sáu, 1941) và một hậu phương nước Anh kiên định vững vàng.  

Người lính miền Nam cũng vấp phải tình thế không thể nào xoay trở, trước mũi súng anh chỉ thấy nhấp nhô trùng điệp vạn đầu tóc rối chạy loạn... (Hình: Flickr manhhai)

Tháng Ba, 1975, ở Đà Nẵng, Việt Nam, Tướng Ngô Quang Trưởng chỉ có một vài giờ, một hai ngày và những lệnh, phản lệnh từ Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham Mưu. Những người lính, dân tại cù lao Vinh Lộc, tại cửa Thuận An lại càng khốn khổ hơn.

Bắt đầu là vô tổ chức, tiếp tới hỗn loạn và sau cùng là… bạo loạn. Công binh không thể bắc phà qua sông, tàu lớn không vào sát bờ, người di tản trong cơn khiếp đảm khi cái chết dâng đầy, tràn ngập phải vùng vẫy tuyệt vọng từng giây phút ngắn tranh sống. Tiền sát viên pháo binh Cộng Sản điều chỉnh mục tiêu không phí một quả đạn.
Đoàn người trần trụi trên dòng sông dưới đạn pháo. Sông là nhánh chảy ra phá Tam Giang, dòng nước đã soi bóng lửa thu ở rất lâu. Từ năm 1946, năm vỡ mặt trận Việt Minh chống Pháp. Năm nay, 1975, người Cộng Sản bắn vào ai? Chống ai?
Cảnh bi thảm không phải chỉ bày ra nơi cù lao Vinh Lộc, cửa Thuận An. Một trăm cây số đường từ Huế vào Đà Nẵng dày đặc xe và người chạy loạn. Lúc đầu người ta sử dụng xe vận tải, xe du lịch, GMC… những xe động cơ bốn bánh, hai bánh. Tất cả đều chất cứng đồ đạc và lăn từng thước, từng chục thước đưng.
Quân Cộng Sản không hề chậm chạp, lập ngay những chốt chặn ở những vùng núi đèo Phú Gia, Phước Tượng, ở Cầu Hai, Nong, Truồi… Bất cứ nơi nào thuận lợi cho việc phục kích. Lính Sư Đoàn 1 Bộ Binh, đơn vị đã từng giữ vững Bastogne, Checkmate… Đơn vị đã nhảy xuống Tchépone Hạ Lào, những tiểu đoàn bộ binh hàng đầu của quân lực miền Nam, đại đội trinh sát lừng lẫy Hắc Báo, tất cả đều bị đám thân nhân, gia đình binh sĩ cồng kềnh rối rắm, tan nát, âu lo bó tay. Người lính nào chiến đấu được với con trên lưng, vợ đang cơn nguy khốn?! Thế nhưng đoàn người vẫn phải lần từng bước đường về Nam, hướng đèo Hải Vân. Và khi xe hơi bị tắc nghẽn trong vũng lửa, chiếc honda đổ nhào xuống hố vực, người bế con lên tay, đầu gục xuống cất từng bước...

Con tui hắn chết rồi! Tui biết làm chi bây chừ “en” ơi! (Hình: Flickr manhhai)

Đèo Hải Vân đây rồi! Những người đã chạy từ Quảng Trị, Mỹ Chánh, Phong Điền, An Lỗ chen chân lên đường đèo ngầy ngật khói đen dày. Vẫn còn những đơn vị lính Cộng Hòa giữ vững tay súng, Tiểu Đoàn 8 Thủy Quân Lục Chiến nhận bàn giao từ Lữ Đoàn I Nhảy Dù, trấn giữ đèo Hải Vân, ngăn quân Cộng Sản ở mặt bắc Quảng Nam-Đà Nẵng. Nhưng một tiểu đoàn trong chiến tranh buổi tàn cuộc có là bao?!
Năm 1944, quân đội đồng minh muốn giữ vững Bastogne giữa vòng vây Đức phải có một đơn vị sư đoàn – Sư Đoàn 82 Nhảy Dù Mỹ do viên sĩ quan ngoại hạng, Maxwell Taylor chỉ huy. Tiểu Đoàn 8 Thủy Quân Lục Chiến nay đối diện với ba sư đoàn bộ binh nặng, một lực lượng gồm các trung đoàn, tiểu đoàn Cộng Sản địa phương, một vùng đất dài từ chân đèo, xã Lăng Cô cuối tỉnh Thừa Thiên ra đến sông Thạch Hãn, Quảng Trị, vùng đất bị lực lượng Cộng Sản lấn chiếm từ Mùa Hè 1972.
Và xa hơn là Cửa Việt, Gio Linh, sông Bến Hải, vùng “giải phóng” đã được thâu đoạt, củng cố từ 1972, 1973. Cuối cùng, xa hơn nữa, rộng hơn nữa – một miền Bắc xã hội chủ nghĩa “hậu phương lớn” của “tiền tuyến lớn miền Nam.” Nhưng hẳn chỉ ngừng lại ở đây, tăng cường, trợ lực cho Cộng Sản Bắc Việt còn có nước Trung Hoa mênh mông, Liên Bang Xô Viết vĩ đại, khối thành trì của phe xã hội chủ nghĩa đang luôn chờ đợi, luôn chực sẵn cánh tay kéo dài xuống phương Nam – giấc mộng bền bỉ dài lâu của các chủng tộc người Hoa, Mãn, Slave… Tiểu Đoàn 8 Thủy Quân Lục Chiến QLVNCH không thể nào đương được như một lý đương nhiên.
Người lính miền Nam cũng vấp phải tình thế không thể nào xoay trở, bởi trên đường đèo, trước mũi súng anh chỉ thấy nhấp nhô trùng điệp vạn đầu tóc rối chạy loạn, tràng âm thanh thấp thỏm bi thương…  “En” lính Cộng Hòa ơi! “En” lính Cộng Hòa ơi! Tiếng kêu một lần anh nghe được từ Mậu Thân, từ Mùa Hè Đỏ Lửa 72. “En” ơi… Con tui hắn chết rồi! Tui biết làm chi bây chừ “en” ơi! Người mẹ quê thất sắc, mắt lạc thần, giở vạt áo dài, đứa con nhỏ say nắng, bầm tím, chết ngạt từ bao lâu. Người đàn bà ngồi xuống lề đường trên đá núi, gục đầu vào xác thân nhỏ bé sâm sấp tử khí gây gây. Chẳng phải người lính, đến Thượng Đế chắc cũng phải bật khóc gào lên.
Đà Nẵng không chỉ bị ép từ phía Bắc, mà cả từ phía Nam, vùng đất Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi đã bị cắt đứt ra từng mảnh nhỏ và người dân từ những nơi này tràn về Đà Nẵng để tìm một chỗ xuôi Nam. Và địa ngục tăng thêm cường độ nơi bến tàu, nơi chân cầu Trịnh Minh Thế, bến cá chợ Hàn, căn cứ Hải Quân Tiên Sa. Người ta dùng lưới để móc những kiện hàng quái dị…
Đám người tan tác rền rĩ khóc la khản đặc. Nhưng dẫu có bị móc đi bằng lưới hoặc giành được một chỗ trên phi cơ (dân hoặc quân sự, kể cả máy bay Mỹ), những người rời xa Đà Nẵng cũng còn thở được hơi dài… Đã thoát khỏi chết. Đã thoát khỏi Việt Cộng. Thoát khỏi một thành phố tràn ngập tiếng động từ những kho hàng bị cướp phá, người bị cướp, bị giết kêu cứu… Đám tù quân phạm từ những trại quân lao tràn ra, trả thù những năm tháng giam giữ với cách phát triển bản năng ác độc từ lâu ức chế với cách thức thú vật hung tàn.

Máy bay cất cánh với chân, tay người thò ra nơi khoang chứa bánh đáp! (Hình: Flickr manhhai)

Cơn hấp hối của Đà Nẵng không kéo dài. Ngày 27 Tháng Ba, pháo binh Cộng Sản bắt đầu bắn thăm dò vào Đà Nẵng từ những vùng lân cận vừa lấn chiếm. Bộ Tư Lệnh mặt trận Bình-Trị-Thiên phối hợp với mặt trận B2, Quảng Nam-Đà Nẵng quyết định dùng Sư Đoàn 324 và 325C từ mạn Bắc chiếm đèo Hải Vân đổ xuống; từ hướng Nam và Tây Nam hai Sư Đoàn 407 và 711 đánh lên.
Chiến trận được hai trung đoàn pháo và thiết giáp yểm trợ. Hỏa lực của pháo binh Cộng Sản tập trung vào Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I và căn cứ Hải Quân Tiên Sa, các địa điểm thực hiện kế hoạch di tản. Nhưng thực tế không còn kế hoạch nào nữa, bởi vì các điểm, căn cứ đã là những vị trí hỏa tập.
Đặc công Cộng Sản trà trộn vào đám đông điều chỉnh từng quả đạn nổ chính xác giữa những thân người chen chúc. Ngoài khơi Đà Nẵng một hạm đội chực sẵn gồm tàu Việt Nam Cộng Hòa, Đại Hàn,  Đài Loan, Úc, Anh, Phi Luật Tân… Và lẽ tất nhiên có tàu hải quân và dân sự Mỹ. Nhưng bởi Mỹ là nước “cam kết” tôn trọng thực hiện Hiệp Định Paris, nên Tổng Thống Ford đã ra lệnh cho tàu Mỹ không được vào hải phận Việt Nam.
Do thái độ “nghiêm chỉnh” của Mỹ và đồng minh phe tự do, người tị nạn phải đội con lên đầu, cõng mẹ sau lưng lần từng bước, dò đáy biển tiến ra khơi! Thây người mắc vào gềnh đá trôi sâm sấp. Qua ngày 28, bãi biển đã thành một nghĩa địa bồng bềnh xê dịch. Người sống sót rẽ thây chết đi ra phía trùng dương mờ đục khói. Khói sóng và khói đạn pháo binh, hỏa tiễn.
Nhiều trường hợp xác chết biến thành cái phao để người “chưa chết” bám víu vẫy vùng, cố sống. Cố gắng sống thêm vài phút ngắn. Trong đám người tan vỡ này có Tướng Ngô Quang Trưởng. Ông bơi ra một chiếc xuồng rồi lên một tàu của Hải Quân Việt Nam do trợ lực của một sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến. Chiếc tàu đã biến dạng bởi binh sĩ đã ngồi tràn lên cả cột cờ, ụ súng. Trông giống như tổ kiến khổng lồ trôi dạt trên sóng biển. Tình cảnh trên những tàu dân sự ngoại quốc càng tồi tệ hơn. Gần mười  ngàn người chồng chất lên nhau trên một chiếc tàu chở hàng với vài chục thủy thủ. Ngàn con người không nước uống, không thức ăn cào xé nhau dưới hầm tàu nghẹn thở hoặc trên boong sắt bốc hơi nóng dưới mặt trời đầu Hè của miền Trung.
Tàu Victoria chở người di tản ghé Cam Ranh. Người cha bế đứa con bước xuống bãi cát trắng. Cát nóng sôi lúc nhúc những đầu người cuống quýt. Không một tiếng động lớn, không ầm ĩ ồn ào, chỉ khẽ rít nhỏ rầm rì giữa những cánh môi khô nẻ, trắng bọt xám… Nóng quá!! Khát quá!! Chiếc tàu họ vừa rời khỏi đã là một nghĩa địa di động, nhưng khốn khổ hơn những lò thiêu người Do Thái ở Auschwitz, Birkenau, bởi hơi nóng của vỏ, sàn tàu dưới mặt trời không đủ nhiệt để đốt cháy da thịt người.
Trên sàn, dưới hầm lềnh kênh những thây chết chưa đúng nghĩa… Những người ngộp thở vì bị đè, ép, dẫm lên. Người già và trẻ em chiếm phần lớn. Những sinh vật vô tội và vô hại đối với bất cứ chế độ chính trị nào, bất cứ lực lượng vũ trang nào. Các cuộc tấn công quân sự của lực lượng Cộng Sản khởi đi từ Tháng Ba đã biến những xác chết này nên thành chứng cớ của tội lỗi. Và họ phải chịu cơn hấp hối từ rất lâu trước khi “được” chết để đền xong mối tội. Tội đã sinh và sống nơi vùng “tạm chiếm của bọn ngụy quân, ngụy quyền” – Tội làm người nơi nước Việt, ở miền Nam.
Nha Trang cùng lâm cơn hấp hối với Đà Nẵng. Người Nha Trang bị dồn ép, bị đuổi siết bởi những người chạy loạn từ Pleiku, Phú Bổn xuống; từ Tuy Hòa, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi ùa vào… Tất cả lại chuẩn bị lên xe, hướng phía Nam, Phan Thiết, Bình Tuy… Sài Gòn.
Sài Gòn, như kẻ phụ tình cay đắng cuối đi không thể rời bỏ. Và cảnh cũ của Bến Cá, phi trường Đà Nẵng lập lại tầng tầng bi thảm nơi Cầu Đá, phi cảng Nha Trang. Máy bay cất cánh với chân, tay người thò ra nơi khoang chứa bánh đáp! Dọc đường Số 1 những chiếc trực thăng chở khẳm chòng chành rơi vãi những thân người tan tác theo luồng gió và cánh quạt động cơ đùa đi. Và biển Đông lại nhận thêm được những tặng phẩm khốn cùng mới mẻ…
Những thây người vào ra sâm sấp theo triều sóng ngậm ngùi. Tượng Thánh Mẫu Thiên Y từ đỉnh cao Tháp Bà đầu cầu xóm Bóng, Nha Trang một đêm bất ngờ, vô cớ rơi xuống! Hàng triệu sâu bọ từ mạch đất sâu bật tung bò ra lềnh đặt hơn cây số đưng từ Cam Ranh đi Phan Rang. Đoàn người chạy loạn dẫm lên nghe nhầy nhầy, sừng sực như đạp phải thây chết. Chẳng ai để ý.
Tất cả đã quen với cái chết. Con người đang chết. Sự chết toàn diện của lần tận diệt. Mùa Chúa chịu nạn giải cứu thế gian diễn ra cùng lần bức tử miền Trung. Khởi đầu buổi Đồng Tế tàn cuộc miền Nam. Bắt đầu từ ngày 10 Tháng Ba ở Ban Mê Thuộc. Không cần đủ hết Tháng Ba.

Tình hình quân sự miền Nam hoàn toàn suy sụp, Mỹ quyết định chấm dứt sự dính líu đến VNCH! (Hình: Flickr manhhai)
Bốn.

Tháng Ba, 1975, ở Mỹ có nhiều ý kiến về Việt Nam. Điển hình với người công dân Milliard E. Crane ở Fonda, New York, trong lá thư gởi ban biên tập báo Newsweek viết nên lời thống thiết: Tinh Thần 76 đâu rồi? Hôm nay nước Mỹ đứng yên nhìn Cambodia, tiếp đến Việt Nam lần lượt rơi vào nanh vuốt bọn xâm lược.
Và như quân bài domino dần tan rã, phải chăng lần tới sẽ là Thái Lan, rồi đến Nam Hàn, Trung Hoa Dân Quốc với Đài Loan và tiếp tục nữa chăng? Những dân tộc này đã và đang chiến đấu cho những lý tưởng quan yếu như chúng ta hằng chống lại đế quốc Anh.
Chúng ta đốt pháo bông ăn mừng khi hỏa tiễn dày xéo tự do ở nơi bên kia thế giới được chăng? Chúng ta nên cần một Patrick Henry nung nấu dòng máu và một George Washington giữ thẳng xương sống chúng ta.
Nhưng hòa bình lại không do từ những con người trên, hòa bình đến bởi Kissinger, người phải ngậm cục kê vào miệng – giải thưởng Nobel Hòa Bình để không thể nói một lời gì khác ngoài việc phải hô hào bảo vệ cho kỳ được nền “hòa bình trong danh dự” mà ông ta đã phải xoay trở mãi từ 1968 đến Tháng Giêng, 1973, mới ráp nối được.
Hòa bình đó đã tồn tại đến những hai năm, hai tháng cho dù đôi khi lâm bệnh ngặt nghèo với vụ lấn chiếm Tống Lê Chân và Phước Long.
Nếu “Hòa Bình” phải cơn hấp hối như hôm nay (Tháng Ba, 1975) thì ắt phải do… Nguyễn Văn Thiệu “một người tuyệt vọng đến độ phát hoảng” và dù cho miền Nam có mệnh hệ nào thì “Việt Nam cũng không phải là tận cùng thế giới” và đây cũng là lỗi của Quốc Hội – nơi đảng Dân Chủ kiểm soát Hạ lẫn Thượng Viện, với Kennedy, Johnson đã đưa cuộc diện Việt Nam vào bãi lầy nên phải cậy đến khôn ngoan rất mực của ông ta mới tìm ra lối thoát.  Mà việc này ông đã “hoàn tất một cách xuất sắc” với giải Nobel Hòa Bình cao quý!
Tóm lại, chỉ còn đôi lời cam kết giữa hai tổng thống Nixon và Nguyễn Văn Thiệu! Cũng không có gì khó, sẵn vụ năm anh Cuba đột nhập vào tòa nhà Watergate của đảng Dân Chủ, lục túi thấy một đống đô la vừa tiền mặt, vừa tín phiếu, và sỗ ghi các điện thoại. Truy tầm một hồi thì thấy ngay xuất xứ của số tiền, các tín phiếu này (dù qua một hệ thống nhiều ngân hàng của Mỹ và Mễ Tây Cơ) vốn từ quỹ vận động bầu cử Tổng Thống Nixon!  Chạy thế nào thoát.
Hai ký giả Bernstein và Woodward của báo Washington Post vớ phải ngay một “ông nằm vùng, bí danh Deep Throat” từ đâu trong Bạch Cung. Ông này hằng tuần hẹn hò trên trang 20 báo Post dò hỏi cách gặp gỡ.  Và nếu khẩn cấp thì gọi nhau, cho ám hiệu. Thế là, ông Nixon chửi thề như thế nào, ông John Mitchell nói cái gì, cố vấn Haldeman thở than với vợ ra làm sao… Tất cả đâu đó đã sẵn để hai ông nhà báo lựa chọn, ra tin.

Chỉ một Tháng Ba, 1975, miền Nam mất $700 triệu chiến cụ. (Hình: Flickr manhhai)

Giằng co một hồi đến 8 Tháng Tám, 1974, thì Tổng Thống Nixon buộc phải từ chức! Ai hứa với ai gì nào? Tổng thống kế nhiệm Gerald Ford khi đến Palm Spring, California, chơi golf bị ký giả truy hỏi về tình hình Việt Nam; vừa chạy vừa cười tươi. Chiến tranh Việt Nam đã là dĩ vãng! Đến một lúc sau khi nói chuyện với doanh nhân, nhân viên chính quyền cao cấp ở San Diego ông mới nói thật…
“Tình hình quả thật bi thảm và chúng ta cần một ý nghĩa mới về đoàn kết quốc gia tại thời điểm đau buồn, hỗn loạn này…” Nhưng ông cũng không quên yêu cầu Quốc Hội chuẩn y phần viện trợ khẩn cấp. Sự cố gắng của tổng thống Hoa Kỳ được hiện thực. Quân cảng Vũng Tàu, Tân Cảng cầu xa lộ Sài Gòn được tiếp nhận thêm một số quân trang, quân cụ, vũ khí mới…  Súng 105 đời Thế Chiến Thứ II, nón sắt, ống nhòm, và súng colt và xe GMC. Chỉ một Tháng Ba, 1975, miền Nam mất $700 triệu chiến cụ đến nỗi một viên chức Ngũ Giác Đài phải ngao ngán thốt lên: “Tốt hơn hết chúng ta nên chuyển thẳng cho Hà Nội, như thế khỏi phải bị hư hao…”
Khi bị chất vấn về 58,000 quân nhân Mỹ tử trận ở Việt Nam, vị tổng thống không do đấu tranh, bầu cử mà nên chức phận, đã ngậm ngùi than vãn: “Chúng ta quả thực không thực tế một chút nào vì đã quá trịnh trọng cam kết tại hội nghị khi đã chấm dứt tranh đấu ở Việt Nam.” Và nếu có đôi chút thành thật họa chăng là lời thú nhận cay đắng của Phó Tổng Thống Nelson Rockefeller… “Tôi e rằng một số người Việt đang dần chết… Trong khi, chúng ta vẫn tiếp tục sống…” Nói như thế kể ra cũng đủ gọi là thành tâm!
Trong ngày đầu Tháng Tư, 1975, cựu Bộ Trưởng Thông Tin Chiêu Hồi Hoàng Đức Nhã lúc ấy giữ chức vụ cố vấn riêng của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã có mặt tại Tân Gia Ba theo lời mời của Thủ Tướng Lý Quang Diệu.
Thủ Tướng Lý mời Cố Vấn Nhã đến để trao gởi một nguồn tin quan trọng. Ông vào thẳng vấn đề: “Đừng để mất thì giờ vô ích, tôi mời ông tới đây bởi kết thúc ở Việt Nam sắp xảy ra, đang phải đến.” Thủ Tướng Diệu nói rõ: Phó Tổng Thống Mỹ Rockefeller vừa hỏi ý kiến ông cũng như những vị lãnh đạo Á Châu khác là: “Liệu chúng ta có cách gì để đưa ông Nguyễn Văn Thiệu ra đi hay không.” Hóa ra chuyến viếng thăm không chính thức các nước Đông Nam Á của Phó Tổng Thống Rockefeller nhân dịp viếng lễ tang Thống Chế Tưởng Giới Thạch vừa qua tại Đài Loan vào ngày 5 Tháng Tư là để thông báo một điều quan trọng: Đã đến lúc chính phủ Mỹ cần thay người cầm quyền ở Nam Việt Nam.
Ông Hoàng Đức Nhã liền thông báo cho Tổng Thống Thiệu nguồn tin chẳng mấy phấn khởi này, một phần ông cũng đã hiểu ra thực tế: Giới quân nhân, những tư lệnh các quân khu qua tình hình chiến sự đã không còn tin tưởng Tổng Thống Thiệu vốn là một tướng lãnh quân đội.
Cuộc rút bỏ Tây Nguyên vào ngày 15 Tháng Ba tiếp theo lần di tản Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang… vào cuối Tháng Ba với chuỗi thảm cảnh kinh hoàng của dân và lính vượt khỏi tất cả những dự kiến, làm tan vỡ sức chiến đấu, phá hủy quân trang cụ, vũ khí của hai Quân Khu I và II đã bày ra điều cùng cực phi lý và tàn nhẫn: Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống Việt Nam Cộng Hòa đã không kiểm soát đượcc tính hình chính trị lẫn quân sự của miền Nam. Hơn thế nữa lời thông báo của Phó Tổng Thống Rockefeller không là ý kiến riêng của người lãnh đạo ở Tòa Bạch Ốc nhưng là phản ảnh thực tế về quyết định của chính giới Mỹ đối với tình thế chung cho toàn vùng Đông Nam Á. Đấy là Mỹ rút ra khỏi vùng này theo thỏa thuận với Trung Cộng từ thông cáo Thượng Hải ký năm 1972 giữa Châu Ân Lai và Nixon. Tổng Thống Thiệu làm sao không biết thì ai biết tới kết thúc này? Không biết chính xác lúc nào mà thôi!
Ngày 12 Tháng Tư, Nam Vang, Cambodia, thất thủ, tất cả bộ trưởng của nội các Long Boret chỉ trừ một người thuận di tản theo đề nghị của Tòa Đại Sứ Mỹ, tất cả đồng ở lại với đất nước và đã là những nạn nhân bị hành quyết đầu tiên bởi cách hành hình man rợ của đám đao phủ Khmer Đỏ.

Chủ Tịch Thượng Viện Trần Văn Lắm từ Hoa Thịnh Đốn trở về với tin sét đánh: “Không những không có $300 triệu quân viện bổ sung mà có thể không còn viện trợ quân sự nữa!” (Hình: Flickr manhhai)

Điển hình là vị cố vấn chính trị Sirik Matak của Tổng Thống Lon Nol đã có lá thư tuyệt mệnh gởi đến Đại Sứ Mỹ Dean John với lời lẽ khẳng quyết bi tráng như sau: “Kính gởi ngài đại sứ và các bạn… Tôi chân thành cảm ơn lá thư ngài chuyển tới với đề nghị giúp tôi phương tiện đi đến vùng tự do. Nhưng hỡi ơi, tôi không thể bỏ đi một cách hèn hạ như thế được. Xin ngài cứ ra đi, và tôi cầu chúc ngài cùng đất nước Hoa Kỳ có được nhiều điều hạnh phúc dưới cõi trời này. Nếu tôi có phải chết thì cũng chết trên đất nước mà tôi vô cùng yêu quý dẫu cho đấy là điều bất hạnh, nhưng chúng ta ai chẳng sinh ra và một lần mất đi. Tôi chỉ phạm một lỗi lầm là đã tin vào ngài và tin vào những người bạn Mỹ.”
Từ tình cảnh của Cambodia hiểu ra tình thế của miền Nam khi tình hình quân sự hoàn toàn suy sụp, và Mỹ quyết định chấm dứt sự dính líu đến VNCH!
Ngày 8 Tháng Tám, 1974, Tổng Thống Richard Nixon từ chức, Phó Tổng Thống Ford lên kế vị, vốn là một chủ tịch Hạ Viện được kế vị do hiến định nên khoán trắng vấn đề đối ngoại, an ninh quốc gia cho Cố Vấn kiêm Ngoại Trưởng Henry A. Kissinger.
Số phận Việt Nam được quyết định với viện trợ kinh tế bị cắt khoảng 50% (theo đề nghị của Thượng Nghị Sĩ Kennedy), và viện trợ quân viện được xác nhận ở số $625 triệu, có thể chỉ là $500 triệu (tức cắt đến 60%).
Tháng Mười Hai, 1974, tỉnh lỵ Phước Long bị mất, Tổng Thống Ford, Ngoại Trưởng Kissinger đã không có hành động đáp ứng cụ thể nào như đã hứa hẹn, cam kết. Tổng Thống Gerald Ford lại bị trói buộc toàn diện bởi Nghị Quyết Sử Dụng Vũ Lực Chiến Tranh đã được Quốc Hội Mỹ phê chuẩn từ Tháng Mười Một, 1973. Nghị quyết này hiện thực đạo luật cắt bỏ quỹ “Hoạt Động Tác Chiến” vốn được dùng để yểm trợ cho chiến cuộc Đông Dương trước Hiệp Định 1973.
Tổng Thống Ford cố làm yên lòng Tổng Thống Thiệu bằng cách cử một phái đoàn do Thứ Trưởng Quốc Phòng Clements sang Sài Gòn; ông Thiệu chỉ định Đại Sứ Trần Kim Phượng, Bộ Trưởng Vương Văn Bắc sang gặp Tổng Thống Ford. Tổng thống Mỹ hứa cứu xét đến quân viện bổ sung $300 triệu để phục hồi lại $1 tỷ như hoạch định. Cần nhắc lại những số liệu để so sánh: 1/Giai đoạn 1966-1970: Mỹ tiêu $25 tỷ/năm bởi có 500,000 quân Mỹ và đồng minh đang tham chiến. 2/1970-1971: $12 tỷ/năm vì đang rút quân. 3/Sau khi Mỹ rút hết quân thì: 31/Tài khóa 1973: $2.1tTỷ; Tài khóa 1974: $1.4 tỷ; Tài khóa năm 1975: $700 triệu. Vậy nếu có được $300 triệu bổ sung thì quân viện năm 1975 cũng chỉ được $1 tỷ.
Khi quân Cộng Sản miền Bắc khởi đầu tấn công Ban Mê Thuộc trong ngày 10 Tháng Ba; Chủ Tịch Thượng Viện Trần Văn Lắm từ Hoa Thịnh Đốn trở về với tin sét đánh: “Không những không có $300 triệu quân viện bổ sung mà có thể không còn viện trợ quân sự nữa!”
Như thế, $300 triệu (dự trù bổ sung) vào ngày 13 Tháng Ba, 1975, đã trở thành “Số Không” vì đảng Dân Chủ kiểm soát cả Hạ lẫn Thượng Viện đã bỏ phiếu với đại đa số: Chống bất cứ viện trợ nào cho Việt Nam kèm theo lời tàn nhẫn: “Viện trợ di tản thì cho, chứ một xu (viện trợ quân sự) cho Thiệu thì không.”
Trong cùng lúc: “Từ 1974 qua 1975, miền Bắc đã đưa vào Nam một số lượng quân trang cụ, vũ khí là 823,146 tấn – gấp 1.6” lần số lượng đã vận chuyển của 14 năm qua (kể từ 1960, năm bắt đầu thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, 19 Tháng Mười Hai, 1960).
Người lính VNCH ở chiến trường không biết những số liệu trên, họ chỉ biết: Trước “Hiệp Định Ngưng Bắn Tái Lập Hòa Bình Tại Việt Nam, 27 Tháng Giêng, 1973” trên chiến trường, trước khi xung phong vào mục tiêu họ được phi, pháo yểm với số lượng không hạn chế nếu như đụng địch.
Nay năm 1974, 1975, một mục tiêu chỉ còn “Bốn (4) viên đạn 105 ly cho một lần đụng trận.”
Người lính cũng không biết thực tế: Nếu không có biến cố Tháng 30 tháng Tư thì cũng chỉ đến khoảng Tháng Sáu, 1975, đạn tồn kho sẽ hết, và đến tháng 8 là hết sạch.
Báo cáo của Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận Trung Tướng Đồng Văn Khuyên lên Đại Tướng Cao Văn Viên Họ cũng không biết trong Chiến Dịch Hồ Chí Minh tấn công vào Sài Gòn cuối Tháng Tư: “Toàn thể quân đội miền Bắc đang có mặt ở miền Nam! Lúc ấy chỉ cần một Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ là có thể chiếm hết miền Bắc.” Người tuyên bố câu tán thán này không ai lạ, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Henri Kissinger!

Tướng Lê Minh Đảo và những người lính đang giữa trùng vây của lửa ở mặt trận Long Khánh.  (Hình minh họa: Flickr manhhai)
Năm.


Tỉnh Long Khánh với thị xã Xuân Lộc trải rộng lên vùng rừng miền Đông Nam Bộ, tả ngạn sông Đồng Nai, nằm trên ngã ba của quốc lộ 20 đi Đà Lạt và quốc lộ I, đường đi ra Hàm Tân, Phan Thiết.
Sau thành công đánh chiếm Cao Nguyên Trung Phần thuộc Vùng II, và Vùng I Chiến Thuật do sự rút bỏ hỗn loạn của quân đội miền Nam trong Tháng Ba; qua Tháng Tư Bộ Tổng Quân Ủy quân đội miền Bắc quyết tâm tiêu diệt miền Nam bằng các áp dụng chiến thuật tập kích tấn công từ một điểm xong mở rộng ra, tránh giao tranh nếu gặp kháng cự mạnh để tất cả đồng nhất tiến về Sài Gòn.
Bí Thư Lê Đức Thọ người được giải Nobel Hòa Bình rời Hà Nội với quyết định của Bộ Chính Trị: “Phải đoạt thắng lợi, chỉ trở về với chiến thắng.” Vào đến miền Nam, Lê Đức Thọ với tư cách là chính ủy chiến dịch Hồ Chí Minh cho phổ biến công điện 37/TK đến với tất cả lực lượng vũ trang đang có mặt tại miền Nam bao gồm 15 sư đoàn quân chính quy Cộng Sản Bắc Việt.
Tướng Lê Minh Đảo và những người lính đang giữa trùng vây của lửa ở mặt trận Long Khánh. Tiếng gọi là một sư đoàn nhưng Tướng Đảo chưa hề có đủ lực lượng thuộc quyền cơ hữu để điều động trong một cuộc hành quân quy mô cấp sư đoàn.
Đầu Tháng Ba, 1975, Trung Đoàn 48 của Sư Đoàn 18 lại tăng phái cho Sư Đoàn 25 để trách nhiệm mặt trận Tây Ninh, vùng Tây Sài Gòn. Thế nên khi trận chiến Long Khánh bắt đầu vào ngày 9 Tháng Tư, thì Tướng Đảo trong thực tế chỉ có Chiến Đoàn 43 do Đại Tá Lê Xuân Hiếu chỉ huy.
Chiến Đoàn 43 có nhiệm vụ phòng thủ nội vi thị xã Xuân Lộc hợp cùng các đơn vị của Tiểu Khu Long Khánh do Đại Tá Phúc làm chỉ huy trưởng. Phần Chiến Đoàn 52 của Đại Tá Ngô Kỳ Dũng gồm các đơn vị trinh sát, thiết giáp, pháo binh trấn giữ dọc quốc lộ 20 nằm về phía Bắc-Tây Bắc Long Khánh từ Kiệm Tân là cứ điểm chận đường từ Đà Lạt xuống đến Ngã Ba Dầu Giây. Đây là giao điểm của hai quốc lộ I và 20, nút chận về Biên Hòa, nơi đặt bản doanh của Quân Đoàn III, Sư Đoàn 3 Không Quân cách Sài Gòn 30 cây số về hướng Bắc.
Trước khi trận chiến bùng nổ lớn, Thiếu Tướng Đảo khẩn thiết yêu cầu Tư Lệnh Quân Đoàn III, Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn hoàn trả lại Trung Đoàn 48 từ Tây Ninh về. Nhận lại được trung đoàn này, Tướng Đảo sử dụng trấn giữ mặt đông của thị xã Xuân Lộc, đường đi vào quận Tánh Linh thuộc tỉnh Bình Tuy.
Cũng nói thêm về một đơn vị tăng phái đặc biệt. Đấy là Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân Biên Phòng của Thiếu Tá Vương Mộng Long. Nguyên Tiểu Đoàn 82 vốn thuộc Quân Khu II, khi mặt trận Ban Mê Thuộc bị vỡ, Thiếu Tá Long vừa đánh vừa rút lui xuống đồng bằng.

Những phi cơ A37 và F5 từ phi trường Biên Hòa được gọi đến chỉ sau ít phút cất cánh, và trên đồng trống, giữa những khu rừng cao su đội hình của toán quân Cộng sản trở nên thành mục tiêu lộ liễu, trần trụi. (Hình minh họa: Flickr manhhai)
 
Từ Ban Mê Thuộc, Thiếu Tá Long đưa đơn vị vượt Cao Nguyên Di Linh băng rừng đi bộ về Bảo Lộc, xong tiếp tục cắt rừng theo hướng Tây-Nam để về Long Khánh. Tướng Đảo đã dùng trực thăng bốc toán quân 200 người sống sót còn lại của đơn vị này về phòng thủ Long Khánh. Với quân số như kể trên, Sư Đoàn 18 Bộ Binh quả thật đã gánh một nhiệm vụ quá khổ dẫu trong thời bình yên chứ chưa nói về tình thế khẩn cấp của Tháng Tư, 1975.


Cần nhắc lại rằng trước 1972 để phòng thủ vùng Long Khánh-Biên Hòa đã phải tăng cường một lữ đoàn thuộc lực lượng Hoàng Gia Úc-Tân Tây Lan, Lữ Đoàn 11 Chiến Xa Hoa Kỳ cùng những đơn vị Bộ Binh, Nhảy Dù Mỹ. Ngoài ra còn có Sư Đoàn Mãng Xà Vương Thái Lan tăng phái, trách nhiệm vùng Long Thành, dọc quốc lộ 15, đường đi VũngTàu.
Tướng Lê Minh Đảo nắm quyền chỉ huy Sư Đoàn 18 từ sau trận chiến mùa Hè 1972, và ông đã mau chóng tạo nên sự biến đổi thần kỳ cho đơn vị với bản lãnh của một võ tướng là Sống-Chết cùng Binh Sĩ-Đơn Vị. Đối mặt binh đội của Tướng Đảo là Quân Đoàn IV Cộng Sản BắcViệt do Trung Tướng Hoàng Cầm chỉ huy. Sau trận mở màn chiếm đóng Phước Long cuối năm 1974 với chứng tỏ phía Mỹ hoàn toàn im lặng. Cũng tương tự như phản ứng thụ động của Hạm Đội 7 Hoa Kỳ để mặc Hải Quân Trung Cộng chiếm đóng Hoàng Sa, tấn công tiêu diệt Hạm Đội Việt Nam trong Tháng Giêng, 1974.
Để đánh Long Khánh, Tướng Hoàng Cầm được cả một bộ chính trị đảng Cộng Sản Hà Nội trực tiếp chỉ đạo, yểm trợ, bao gồm: Văn Tiến Dũng, tổng tham trưởng quân đội miền Bắc; Phạm Hùng, bí thư Trung Ương Cục Miền Nam; Lê Đức Thọ, bí thư Trung Ương Đảng giữ nhiệm vụ chính ủy chiến dịch. Tất cả đồng có mặt tại Lộc Ninh, nơi chỉ cách chiến trường Long Khánh, Xuân Lộc hơn 100 cây số đường chim bay.
Ngoài ra sau này khi thắng lợi nghiên về phía quân Cộng Hòa, bộ tư lệnh mặt trận Cộng Sản đã tăng cường thêm Sư Đoàn 325, đơn vị tổng trừ bị quân đội miền Bắc, là lực lượng nỗ lực chính đánh chiếm Nha Trang, Phan Rang và Trung Đoàn 95B biệt lập từ vùng châu thổ Sông Cửu Long kéo lên tăng cường. Cuối cùng nâng tỷ số tác chiến lên thành 8 đánh 1.
Lúc 5 giờ 40 sáng 9 Tháng Tư, 1975, chiến dịch đánh chiếm Xuân Lộc bắt đầu với một trận mưa pháo 2,000 quả đạn từ nhiều vị trí cùng đổ xuống trung tâm thị xã Xuân Lộc như đã từng tàn sát An Lộc trong mùa Hè 1972. Đúng 6 giờ 40, tám xe tăng được lính Trung Đoàn 165, đơn vị tiền phong của Sư Đoàn 7 Cộng Sản tùng thiết xông vào trung tâm thị xã Xuân Lộc, nơi đặt Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 18.
Lính Cộng Sản ngỡ rằng sau đợt pháo hung hãn, và đội hình ào ạt với những chiếc T54, thế nào cũng sẽ tràn ngập mục tiêu dễ dàng như đã xẩy ra ở Vùng I và II của Tháng Ba vừa qua. Nhưng hoàn toàn không phải là như thế.
Những xe tăng này mắc kẹt giữa bãi mìn của một hệ thống tám lớp kẽm gai và mìn bẫy mà Thiếu Tướng Đảo đã sẵn bố trí. Không chỉ thế, những phi cơ A37 và F5 từ phi trường Biên Hòa được gọi đến chỉ sau ít phút cất cánh, và trên đồng trống, giữa những khu rừng cao su đội hình của toán quân Cộng Sản trở nên thành mục tiêu lộ liễu, trần trụi dưới hỏa lực phi pháo của quân ta.
Mặt Đông của thị xã, dọc quốc lộ I, Trung Đoàn 209 cũng của Sư Đoàn 7 Cộng Sản số phận cũng không mấy khả quan hơn. Bởi đơn vị Cộng Sản gặp phải Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân của Thiếu Tá Vương Mộng Long. Lính Biệt Động quyết đánh địch để trả hận lần lui quân bi thảm của tháng trước từ mặt trận Ban Mê Thuộc. Hai tiểu đoàn của Trung Đoàn 209 bị chôn chân trước tuyến phòng thủ của Tiểu Đoàn 82 Biệt Động và Tiểu Đoàn 3 thuộc Trung Đoàn 48 của Tướng Đảo.
Chiều tối 9 Tháng Tư, phía Cộng Sản lại dụng tâm gây căng thẳng bằng cách pháo vào khu vực thị xã với khoảng 2,000 quả đạn trên khắp các vị trí, kể cả khu vực dân chúng, nhà thương, nhà chùa, nhà thờ là những nơi dân chúng chạy vào ẩn núp với hy vọng tội nghiệp là Cộng Sản sẽ nương tay…

Khi Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo thấy thấp thoáng bức tượng Tiếc Thương tạc hình Người Lính Chờ Đợi in hình trong không gian mờ khói đạn. (Hình minh họa: Flickr manhhai)

 
Đến 5 giờ 30 sáng ngày 11, đợt tấn công thứ hai bắt đầu. Kết quả cũng tương tự như ngày 9, quân Cộng Hòa giữ chắc vị trí, có khác chăng thêm một số chiến xa bị bắn hạ trên tuyến phòng ngự và một số tù binh bị bắt. Tướng Đảo không quên ra lệnh xuất kho quân tiếp vụ để nuôi số tù binh mới mẻ này.

Những ngày thất bại này được Hoàng Cầm viết lại trong Lịch Sử Quân Đội Nhân Dân: “Trong ba ngày đầu tiên của chiến dịch, Sư Đoàn 7 bị tổn thất 300 chiến sĩ; Sư 341 thiệt hại 1,200 bộ đội… Tất cả pháo 85 và 57 ly đồng bị phá hủy.”
Cùng ngày Không Quân VNCH cũng góp thêm vào chiến thắng qua hủy diệt hơn 100 xe quân sự tăng viện cho mặt trận.
Ở Sài Gòn, không khí lạc quan bừng lên, Tổng Thống Thiệu thúc giục Tướng Toàn cố gắng giữ vững Xuân Lộc để có thế đảo ngược tình thế… Để “B52 có thể trở lại!” Tướng Toàn sử dụng Lữ Đoàn 3 Thiết Kỵ của Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi từ Trảng Bom cố mở đường tiếp cận với cánh quân Xuân Lộc, nhưng lực lượng thiết kỵ không thành công trong việc phá chốt ở Ấp Hưng Lộc, Biên Hòa.
Không thành công trong việc dùng chiến xa để giải tỏa áp lực Cộng Sản tại Xuân Lộc, Tướng Toàn sử dụng một thành phần hữu hiệu hơn. Đấy là Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù gồm bốn tiểu đoàn 1, 2, 8 và 9 được Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Dù trực tiếp yểm trợ. Cuộc hành quân không vận lớn nhất của trận chiến thực hiện trong hai ngày 11, 12 đưa đơn vị tổng trừ bị cuối cùng của miền Nam vào trận.
Sự xuất hiện của lực lượng nhảy dù tại trận địa đặt nên vấn đề nghiêm trọng đối với bộ tư lệnh chiến dịch Cộng Sản. Chiều 11 Tháng Tư, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ và Trung Tướng Trần Văn Trà – bộ trưởng Quốc Phòng của tổ chức gọi là Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam – thay thế Tướng Hoàng Cầm duyệt soát lại kế hoạch tấn công theo chiều hướng mới.
Bộ Tư Lệnh Cộng Sản quyết định mở một mặt trận giả nhằm đánh lạc hướng quân đội Cộng Hòa bằng cách chuyển hướng tấn công theo đường đi vòng Xuân Lộc để thực sự tiến thẳng về Sài Gòn. Lực lượng Cộng Sản dần rút đi theo kế hoạch mới của họ nên Tướng Đảo lập tức ra lệnh cho các đơn vị chiếm lại những vị trí bị địch chiếm giữ, tiếp nhận thực phẩm, quân trang, đạn dược và tải thương.
Cũng quả thực ông không biết được sự thay đổi quan trọng về kế hoạch mới của Trung Ương Cục Miền Nam chỉ đạo từ Hà Nội. Nhưng ông làm được gì hơn với chức vụ tư lệnh một sư đoàn bộ binh trong giờ phút nguy nan nhất của cuộc chiến khi người Mỹ sắp xếp lại một trật tự mới trên toàn thế giới qua liên hệ với Trung Cộng bằng cách giải quyết hy sinh miền Nam.
Hai trái bom CBU 55 “Daisy Cutter” nặng 15,000 cân Anh rơi xuống từ lòng chiếc C130 phá toang một vùng rộng lớn trong phòng tuyến của quân Cộng Sản dọc quốc lộ 20 tăng cường thêm sự quyết tâm giữ vững Long Khánh của phía quân Cộng Hòa, nhưng cũng chính là màn khói vô tình giúp cho lần rút đi theo kế hoạch mới của phía Cộng Sản để lại 235 xác bộ đội đếm được trên trận địa.
Không một ai trong Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III ở Biên Hòa, nơi Phòng Hành Quân Tổng Tham Mưu Sài Gòn ước tính được ý niệm hành quân của phía Cộng Sản là sẽ siết chặt Biên Hòa-Sài Gòn với hai gọng kềm theo hai hướng Bắc và Đông bằng cách cắt quốc lộ I ở Dầu Giây và quốc lộ 15 ở Long Thành.
Tòa Đại Sứ Mỹ phấn khởi trước chiến thắng Long Khánh cố nài Quốc Hội Mỹ chuẩn chi $722 triệu quân viện khẩn cấp cho Việt Nam. Nhưng trong phiên họp ngày 17 Tháng Tư, Ủy Ban Quân Sự Thượng Viện đã bác bỏ thẳng thừng qua câu nói bất cận nhân tình của hai Thượng Nghị Sĩ Jacob Javits và Edmund Muskie: “Cho tiền để lo việc di tản thì bao nhiêu cũng được chứ một xu cho ngân sách quân sự cho Thiệu cũng không có.”
Cuối cùng, ngày 20 Tháng Tư, Tướng Toàn tư lệnh và Đại Tá Thọ, trưởng Phòng Hành Quân Quân Đoàn III, đích thân đến giao cho Tướng Đảo một lệnh mơ hồ như vô cùng kích động: “Lệnh của Tổng Thống Thiệu Sư Đoàn 18 rút bỏ Xuân Lộc về bảo vệ mặt trận Sài Gòn.”
Tướng Đảo chỉ có đúng nửa ngày để hoàn tất một kế hoạch rút quân bao gồm lực lượng một sư đoàn cơ hữu cùng các đơn vị tăng phái và yểm trợ, chưa kể thành phần diện địa của Tiểu Khu Long Khánh. Nhưng như một phép lạ, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo đã hoàn tất cuộc lui binh về Bà Rịa, bảo toàn đơn vị, vũ khí, thậm chí đến hai khẩu pháo 175 ly hạng nặng cũng giao lại đủ cho quân đoàn.
Cũng một phần, lực lượng giữ nhiệm vụ hậu vệ đoàn di tản là Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù do Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh chỉ huy. Trung Tá Đỉnh là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 6 Dù. Tiểu đoàn 6 là đơn vị đã giải tỏa An Lộc trong trận đánh ngày 8 Tháng Sáu, 1972, mà đơn vị Cộng Sản đóng chốt ở Xa Cam, Nam An Lộc chỉ còn đúng một người bị bắt làm làm tù binh tên gọi là Nguyễn Văn Tiền.
Một điều cần ghi thêm là Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng, tư lệnh Sư Đoàn, dù đã bất chấp lệnh của tổng tham mưu, nên đã gởi một đơn vị nhảy dù khác là Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù do Trung Tá Nguyễn Lô, đơn độc đưa quân đi ngược Tỉnh Lộ 2 từ Bà Rịa lên Long Khánh đón đoàn quân di tản. Tiểu Đoàn 7 Dù là đơn vị cuối cùng chận giặc nơi Cầu Xa Lộ, cửa ngõ chính của Sài Gòn ở hướng Bắc trong buổi sáng 30 Tháng Tư.
Khi Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, buông súng, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo dừng quân trên xa lộ Biên Hòa, nhìn về hướng Trường Bộ Binh Thủ Đức, Long Thành, Bà Rịa, và xa kia là Xuân Lộc, Long Khánh, gần hơn Trung Liệt Đài của Nghĩa Trang Quân Đội Long Bình… Ông thấy thấp thoáng bức tượng Tiếc Thương tạc hình Người Lính Chờ Đợi in hình trong không gian mờ khói đạn…
Người lính cuối cuộc chợt thoáng nhớ những lời thơ ngắn: “Vì anh là lính áo rằn/ Ra đi nào biết mấy trăng mới về…” Những câu thơ của em ông, Cố Trung Tá Lê Hằng Minh, tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến “Trâu Điên,” người lính đã ra đi từ một ngày Hè năm 1966 nơi chiến trường Thị Thiên, ở chân cầu Câu Nhi Phường.
Phường Câu Nhi, quận Phong Điền, Thừa Thiên là những nơi đâu? Rất nhiều Người Lính đã ra đi, không trở về từ những vùng đất không hề biết.
Hôm ấy, sáng 30 Tháng Tư, 1975, rất nhiều người lính không còn chốn trở về – Những Người Lính Mất Quê Hương.
Cali, 15 Tháng Tư,
Ngày mất Phan Rang, 1975,
Mùa Chúa Thương Xót 2019.
 Phan Nhật Nam

Monday, May 6, 2019

NHÌN LẠI THỜI VÀNG SON CỦA GIÁO DỤC VIỆT NAM CỘNG HÒA TRƯỚC NĂM 1975

Sau 44 năm 30/4 :
  
  
   Phạm Cao Dương

(Lời giới thiệu của Phạm Trần: Tôi xin chân thành cảm ơn  Giáo sư, Tiến sỹ Lịch sử Phạm Cao Dương đã có nhã ý gửi cho bài nghiên cứu không những chỉ có giá trị về lịch sử mà còn ghi lại những giá trị văn hóa truyền thống không thay thế được của nền Giáo dục thời Việt Nam Cộng hòa.

Với kinh nghiệm bản thân của một Nhà mô phạm nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam từ trước năm 1975 và ở Hoa Kỳ,sau 1975, Giáo sư  đã đưa chúng ta về với quá khứ để chứng minh chỉ có một nền giáo dục dựa trên nền tảng của “dân tộc, tự do, dân chủ và khai phóng”  mới đem lại thành công.

  Chúng tôi xin trân trọng chia sẻ cùng bạn đọc.”)

     ========

  Bồng bồng mẹ bế con sang,
 Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo.
 Muốn sang thì bắc cầu kiều,
  Muốn con hay chữ thì yêu lấy thày.
   (Ca dao Việt Nam)

 “Tôi là Carnot đây, thày còn nhớ tôi không?”

 Quốc Văn Giáo Khoa Thư Lớp Dự Bị (Thời Pháp Thuộc)

 “... Có một điều người ta phải để ý và thận trọng khi nói tới cách mạng và đặc biệt khi “làm cách mạng vì cách mạng” …nhất là khi cách mạng không bắt nguồn từ truyền thống và duy của chính dân tộc mình.”   (PCD)

TÂM TÌNH CỦA NGƯỜI VIẾT  

Sau 44 năm người Cộng sản gọi là “giải phóng miền Nam” (1975-2019), không  ai có thể phủ nhận thành tựu trong Giáo dục là một trong những thành công  quan trọng nhất và rõ rệt nhất, đồng thời cũng là một nét vàng son  đáng trân quý trong nếp sống và sinh hoạt ở Miền Nam thời trước năm 1975.  Có nhiều nguyên nhân và một trong những nguyên nhân này là sự liên tục trong lịch sử trong quan niệm cũng như trong tổ chức và cách thức sinh hoạt của nền văn hóa này. 

Nói như vậy không có nghĩa là trong chiều dài của hơn 20 năm lịch sử này (1954-1975), miền đất của tự do và nhân bản cuối cùng mà những người Quốc Gia còn giữ  được, không trải qua xáo trộn.  Cuộc chiến giữa Quốc gia và Cộng sản, dưới hình thức này hay hình thức khác luôn luôn tồn tại, tồn tại thường trực, tồn tại hàng ngày, đồng thời có những thời điểm người ta nói cả tới các chế độ độc tài hay quân phiệt và luôn cả cách mạng.  Tuy nhiên, ngoại trừ những gì liên hệ tới chế độ chính trị, quân sự hay an ninh quốc gia, sinh hoạt của người dân vẫn luôn luôn diễn ra một cách bình thường, người nào việc nấy, người nào trách nhiệm nấy và được tôn trọng hay tôn trọng lẫn nhau.  Sự liên tục lịch sử do đó đã có những nguyên do để tồn tại, tồn tại trong sinh hoạt hành chánh, tồn tại trong sinh hoạt tư pháp, trong văn chương và nghệ thuật và tồn tại đương nhiên trong sinh hoạt Giáo dục. 

Trong bài này tôi chỉ nói tới Giáo dục và đặc biệt là Giáo dục công lập.  Đây không phải là một bài khảo cứu mà chỉ là một bài nhận định và những nhận định được nêu lên chỉ là căn bản, sơ khởi, nhằm mục tiêu gợi ý cho các nhà nghiên cứu và tất nhiên là không đầy đủ.  Mỗi độc giả có thể có những nhận định riêng của mình.  Một sự nghiên cứu kỹ càng, có phương pháp hơn và đầy đủ hơn là một điều cần thiết. 

NỀN TẢNG CỦA GIÁO DỤC

Vì vậy tôi chỉ xin được trình bày năm đặc tính mà tôi gọi là cơ bản.  Năm đặc tính này là:

Thứ nhất: Giáo dục là của những người làm giáo dục
Thứ hai: Tôn chỉ và mục đích nhằm hướng tới quốc gia dân tộc và con người dựa trên những truyền thống cổ truyền
Thứ ba: Liên tục trong phạm vi nhân sự
Thứ tư:   Hệ thống tổ chức, tổ chức thi cử và chương trình học vẫn giữ được những nét chính của chương trình Pháp và chương trình Hoàng Xuân Hãn thời Chính Phủ Trần Trọng Kim năm 1945 và Phan Huy Quát thời Chính Phủ Bảo Đại sau đó
Thứ năm: Một xã hội tôn trọng sự học và tôn trọng người có học

Sau đây là các chi tiết:


Thứ nhất: Giáo dục là của những người làm giáo dục

Giáo dục công lập ở Việt Nam đã có từ lâu đời và tùy theo nhận định của các sử gia, định chế này đã tồn tại trên dưới mười thế kỷ.  Mục đích của nó là để đào tạo nhân tài cho các chế độ, nói riêng, và cho đất nước, nói chung. 

Các vua chúa Việt Nam thời nào cũng vậy, cũng coi trọng việc học. Có điều coi trọng thì coi trọng, các vua, nói riêng và các triều đình Việt Nam, nói chung, chỉ vạch ra những đường nét chung và những mục tiêu chung, kèm theo là tổ chức các kỳ thi để tuyển chọn người tài mà không trực tiếp can dự vào sinh hoạt giảng dạy của các trường, hầu hết là các trường tư do tư nhân lập ra ở rải rác khắp trong nước.  Sinh hoạt này hoàn toàn do các thày ở các trường do các thày đồ hay các danh sĩ trong vùng đảm trách, với sự đóng góp của người dân.  Giáo dục là của người dân và của những người làm giáo dục, và cho đến khi người Pháp sang, nó là của giới trí thức đương thời, đúng hơn là của các nhà Nho với tất cả những học thuyết, những nguyên tắc căn bản của giới này.

Sang thời Pháp thuộc, do nhu cầu, đồng thời cũng là sứ mạng truyền bá văn minh và văn hóa của họ, người Pháp đã lập ra một nền giáo dục mới, nhưng việc điều hành, việc soạn thảo chương trình vẫn được giao cho các nhà giáo, được huấn luyện chuyên môn hay ít ra là lựa chọn nghề dạy học với tinh thần quí trọng kiến thức, yêu mến nghề dạy học và hạnh phúc với sứ mạng làm thày, về phía người Pháp cũng như về phía người Việt.  Người Pháp mở các trường Sư phạm để huấn luyện giáo chức chuyên nghiệp, lập ra các trường học thuộc đủ các cấp, có quy mô rộng lớn, có đủ tiêu chuẩn để ngay trong những ngày đầu tiên mới độc lập, thời Chính Phủ Trần Trọng Kim, đã có thể có ngay nột chương trình học riêng cho một nước Việt Nam mới, tồn tại lâu dài cho đến ngày nay vẫn còn và sẽ còn mãi mãi nếu người ta gìn giữ và bảo vệ nó.

Đặc tính kể trên đã liên tục được tôn trọng trong suốt thời gian miền Nam tồn tại và luôn cả trước đó, từ thời Chính Phủ Quốc Gia của Cựu Hoàng Bảo Đại cho đến Đệ Nhất rồi Đệ Nhị Cộng Hòa.  Chức vụ Bộ trưởng hay Tổng trưởng giáo dục có thể là do các chính trị gia hay những người thuộc các ngành khác đảm nhiệm, nhưng trong việc lựa chọn nhân sự điều hành trong bộ, ngoại trừ các chức vụ có tính cách chính trị như Đổng lý văn phòng, Chánh văn phòng, Bí thư tức Thư ký riêng của bộ trưởng... tất cả các chức vụ chỉ huy khác trong Bộ, từ Thứ trưởng, Tổng thư ký, Tổng giám đốc, Giám đốc cho tới các Hiệu trưởng các trường và đương nhiên là các giáo sư, giáo viên, đều là những nhà giáo chuyên nghiệp, không có đại diện đảng phái chính trị ở bên cạnh.   

Lý do rất đơn giản:  Vì họ là những người vô tư, biết việc, rành công việc và có kinh nghiệm, chưa kể tới sự yêu nghề.  Chính trị đối với họ chỉ là nhất thời, tương lai của cả một dân tộc, hay ít ra là của những thế hệ tới, mới là chính và thực sự quan trọng.

Trong phạm vi Lập pháp thời Việt Nam Cộng hòa (VNCH), rõ hơn là ở Quốc hội, các chức vụ đứng đầu các ban hay tiểu ban giáo dục, dù là Thượng viện hay Hạ viện đều do các Nghị sĩ hay Dân biểu gốc nhà giáo phụ trách.  Ngoại trừ ở những vùng mất an ninh, những gì thuộc phạm vi chính trị nhất thời đã dừng lại trước ngưỡng cửa của học đường. Thầy cô giáo là nhân viên của Bộ giáo dục, do Bộ giáo dục bổ nhiệm, trực thuộc vị Hiệu trưởng của trường sở tại, hay các nha sở của Bộ giáo dục ở trung ương chứ không trực thuộc các Quận hay Tỉnh trưởng.  Việc giảng dạy ở trong lớp là hoàn toàn tự do, nhất là ở bậc Đại học, chính quyền không hề theo dõi.  Chưa hết, để cố vấn cho chính phủ, một Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục cũng được thành lập với đa số hội viên là các nhà giáo.

Về tên các trường,  tất cả các trường Trung, Tiểu học đều được gọi bằng tên của các danh nhân hay anh hùng dân tộc thời trước, được mọi người từ lâu công nhận như: Trưng Vương, Ngô Quyền, Chu Văn An, Đoàn Thị Điểm, Gia Long, Petrus Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Lê Ngọc Hân, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…không hề có tên nào là của các lãnh tụ đương thời dù đó là Bảo Đại, Ngô Đình Diệm hay Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, kể cả Trần Văn Hương gốc nhà giáo.

Tất nhiên với những tên trường hoàn toàn xa lạ, từ sau ngày 30/04/1975, như Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám…hay, tệ hơn nữa, là ngụy tạo, không có thật, đối với quảng đại quần chúng miền Nam là “ngoài giáo dục”.


Thứ hai: Tôn chỉ và mục đích nhằm hướng tới quốc gia, dân tộc và con người, dựa trên những truyền thống đã có từ lâu đời.

Nói tới ba nguyên tắc căn bản, đồng thời cũng là tôn chỉ và mục đích tối hậu của nền giáo dục của miền Nam trước năm 1975, có người tỏ ý không thích ba nguyên tắc này.  Lý do có lẽ, tôi chỉ đoán như vậy, là vì ba nguyên tắc này phần nào đã được người Cộng Sản Việt Nam nêu lên trong Đề Cương Văn Hóa 1943 của họ.

Ba nguyên tắc đó là : Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng, sau này là Nhân Bản, Dân Tộc và Khoa Học trong khi trong Đề Cương Văn Hóa của Đảng Cộng Sản Việt Nam thì là Dân Tộc, Đại Chúng và Khoa Học.

Ở đây người viết không đi sâu vào khía cạnh này vì dù không thích, không đồng ý, ba nguyên tắc Dân Tộc, Nhân Bản và Khai Phóng này vẫn đã trở thành căn bản của nền giáo dục của miền Nam mà ai cũng biết.  Chúng ta, những người Việt thời VNCH, đã giúp cho nền giáo dục này giữ được những truyền thống cơ bản của dân tộc và phát triển một cách vững vàng từng bước một để theo kịp với đà tiến triển của cả nhân loại mà không chạy theo những gì của thời thượng để trở thành lai căng, mất gốc, đồng thời cũng không bị gán cho là bảo thủ, lỗi thời… Tính cách liên tục lịch sử của nền giáo dục của miền Nam sở dĩ có được, phần nào là dựa trên những nguyên tắc này, đặc biệt là nguyên tắc Dân Tộc.  Nó cho phép người ta đề cao và bảo tồn những truyền thống dân tộc trong học đường, dù đó là những truyền thống thuần túy Việt Nam hay những truyền thống của Khổng Giáo và ở bất cớ thời nào, kể cả thời người ta đua nhau cổ võ cho phong trào toàn cầu hóa hay thế giới đại đồng trước kia. 
Đôi câu đối được khắc trên cổng chính của một trong những trường trung học lớn nhất của miền Nam là trường Petrus Trương Vĩnh Ký sau đây là một trường hợp điển hình:

Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt
Tây Âu khoa học yếu minh tâm

Trong khi đó thì nguyên tắc khai phóng đã giúp người ta thường xuyên cởi mở, khoáng đạt để sẵn sàng đón nhận những gì mới mẻ từ bên trong, cũng như từ bên ngoài, từ đó theo kịp đà tiến bộ chung của cả nhân loại.  Sinh hoạt giáo dục ở vùng Quốc Gia và ở miền Nam Việt Nam trong thời gian tồn tại mỗi ngày mỗi sinh động hơn, mỗi phong phú hơn và nhân bản hơn là nhờ nguyên tắc này thay vì trở nên nghèo nàn, sơ cứng, hay ít ra không hấp dẫn đối với những thế hệ mới.

Cuối cùng cũng nên nói sơ qua về nguyên tắc đại chúng.  Nguyên tắc này tuy không được kể trong ba nguyên tắc căn bản của nền giáo dục của miền Nam nhưng vẫn được mọi người tôn trọng, trái với thực tế đã xảy ra trước năm 1975 ở miền Bắc và trên toàn quốc sau năm này.  Lý do là vì khi nói tới nguyên tắc này, người ta nghĩ ngay tới hai chữ “dân chủ”, từ đó đưa đến những nhận định quen thuộc là do dân, vì dân và cho dân.  Ở đây là do đại chúng, của đại chúng và phục vụ đại chúng thay vì chỉ do một thiểu số cầm quyền và giàu có.  Một trong những gì mà nền giáo dục của miền Nam đã đem lại cho đại chúng là tính miễn phí, hay gần như miễn phí từ tiểu học đến đại học và cũng ít ra là ở các trường công lập, bất kể đất nước còn đang ở trong tình trạng chiến tranh và nghèo nàn và ngân sách dành cho giáo dục là rất thấp so với các nước Á Châu khác.  Người ta chỉ cần đậu xong bằng tú tài là có thể ghi danh hay thi vào các trường đại học hay cao đẳng.  Học phí rất thấp, hầu như chỉ vừa đủ cho thủ tục hành chánh, giấy tờ.  Sinh viên ra trường hầu như không nợ nần gì cả, chưa kể tới các trường đại học hay cao đẳng chuyên môn, sinh viên được cấp học bổng để sống và theo đuổi việc học toàn thời gian và sau khi ra trường khỏi phải trả nợ. 

Các trường tư cũng được tự do, coi như để bổ khuyết cho khả năng giới hạn của các trường công do số học sinh mỗi ngày một đông, trường công không đáp ứng được đầy đủ.  Sự thành công của các trường tư dựa trên sự tín nhiệm của các phụ huynh và có thể cả chính các học sinh lựa chọn căn cứ vào sự giảng dạy của các thày và kết quả của các kỳ thi.  Trong phạm vi này các tôn giáo đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng.  Ngoài các trường trung và tiểu học, tôn giáo lớn nào cũng có trường đại học:  Công Giáo có trường Đà Lạt, Phật Giáo có trường Vạn Hạnh, Hòa Hảo có trường Long Xuyên,  Cao Đài có trường Tây Ninh, chưa kể tới các trường Minh Đức, Cửu Long… 
Thứ ba: Liên tục trong phạm vi nhân sự
Nhân sự ở đây không ai khác hơn là các nhà giáo, căn bản là các nhà giáo chuyên nghiệp. Người viết muốn nói tới các nhà giáo tốt nghiệp từ các trường sư phạm, những người ngay từ thuở thiếu thời đã chọn nghề dạy học làm lý tưởng cho mình và chỉ sống bằng nghề dạy học, vui với nghề dạy học, hãnh diện với vai trò làm thày, làm cô của mình, dù đó là Sư Phạm cho bậc tiểu học,  Cao Đẳng Sư Phạm hay Đại Học Sư Phạm cho bậc trung học.  Một nghề bị coi là “bạc nghệ”, là bị xếp sau so với các nghề khác:

Dưa leo ăn với cá kèo,
Cha mẹ anh nghèo, anh học “noọc-man”.

Hai câu bề ngoài có vẻ tự ti, than vãn, nhưng không phải là không mang thâm ý ngược lại nếu người ta nghĩ tới trường hợp của không ít con em các nhà giàu được gửi sang Tây học và không mang được bằng cấp gì về cho cha mẹ, trừ bằng “nhảy đầm”.   Anh nghèo nhưng anh học giỏi và làm nên sự nghiệp.

Khởi đầu là các vị tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội hay các vị tốt nghiệp các trường đào tạo giáo viên tiểu học.  Tất cả các vị này đã hành nghề trong suốt thời Pháp thuộc, đã âm thầm góp phần vào việc Việt hóa nền giáo dục quốc gia thời Bảo Đại - Trần Trọng Kim, rồi thời Chính Phủ Quốc Gia.  Sau này, khi đất nước bị qua phân, từ miền Bắc đã di cư vô Nam hay vẫn ở lại miền nam, các vị đã tiếp tục dạy ở các trường trong Nam khi các trường này được mở cửa trở lại sau một thời gian chiến tranh bị tạm đóng cửa, bên cạnh các trường được gọi là Bắc Việt di chuyển như Ngô Quyền, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Trưng Vương, Hồ Ngọc Cẩn, Trần Lục... không hề bị gián đoạn, kể cả trong thời kỳ chuyển tiếp từ Pháp thuộc sang độc lập. 

Mặt khác, chính các giáo chức chuyên nghiệp này cũng là những giảng viên cơ bản trong các trường huấn luyện giáo chức thuộc thế hệ mới. Từ phong thái đến cách giảng dạy, từ cách vào lớp, cho phép học trò ngồi, tới cách viết bảng và xóa bảng, cách chấm bài hay phê bài, các vị này đã để toát ra một sự chừng mực và vô cùng thận trọng của những nhà sư phạm lành nghề và yêu nghề.  Học đường do đó đã tránh được nạn chánh trị hóa, tránh được nạn cán bộ chánh trị xâm nhập như ở miền Bắc trước 1975 và trên cả nước sau đó. 

Nhiều vị vào những lúc tình thế vô cùng tế nhị cũng vẫn  giữ được thế vô tư và độc lập, nghiêm chỉnh của học đường và tư cách của nhà giáo.  Cũng cần phải nói thêm là trong thời gian này nhiều vị xuất thân là cử, tú, kép, mền, luôn cả tiến sĩ của thời trước, những người tinh thâm Nho học, vẫn còn có mặt ở các học đường, đặc biệt là các Đại Học Văn Khoa ở Saigon và Huế như Tiến Sĩ Nguyễn Sĩ Giác, Cử Nhân Thẩm Quỳnh, Tú Tài Kép Vũ Huy Chiểu... mà không ai là không quý trọng. 


Thứ tưHệ thống tổ chức, tổ chức thi cử và chương trình học vẫn giữ được những nét chính của Chương Trình Pháp và Chương Trình Hoàng Xuân Hãn, Phan Huy Quát dù có sửa đổi

Đây là một trong những đặc tính căn bản của nền giáo dục của miền Nam trong suốt thời kỳ nền giáo dục này tồn tại.  Những gì người Pháp thiết lập không những không bị hủy bỏ, coi như tàn tích của chế độ thực dân, đế quốc mà còn được thận trọng giữ gìn, song song với việc bảo tồn truyền thống văn hóa cổ truyền và đạo đức của dân tộc.  Người Việt ở miền Nam trong tinh thần cởi mở và tự do đã biết phân định những gì là kìm kẹp và những gì là hay đẹp mà một chế độ chính trị đem lại, thay vì cứ nhắm mắt đập bỏ để sau này hối hận.  Các nhà làm giáo dục ở miền Nam đã tỏ ra vô cùng thận trọng trong mọi quyết định.  Những gì gọi là cách mạng vội vã, nhất thời dường như không được chấp nhận.  Họ chủ trương cải tổ để thích ứng với hoàn cảnh mới và cải tổ từ từ, kể cả khi thế lực và ảnh hưởng của người Mỹ, từ đó áp lực của họ đã trở nên rất mạnh. 

Hệ thống giáo dục do người Pháp từ tiểu học cho đến đại học đã tồn tại dưới hình thức Việt hóa bắt đầu từ thời chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945, với chương trình Hoàng Xuân Hãn, vị bộ trưởng giáo dục đương thời, sau này là Phan Huy Quát thời Quốc Gia Việt Nam mới được thành lập.  Nó cho phép người ta, từ thày đến trò, dễ dàng chuyển sang một nền giáo dục mới của một quốc gia độc lập không hề có chuyện trục trặc.  Ngay từ cuối niên học 1944-1945, trong rất nhiều khó khăn, từ giao thông, vận chuyển đến thông tin, liên lạc, người ta đã tổ chức được những kỳ thi ở bậc tiểu học bằng tiếng Việt mà không hề có chuyện than phiền, khiếu nại.  Điều nên nhớ là Chính Phủ Trần Trọng Kim chỉ tồn tại có vẻn vẹn bốn tháng hay hơn một trăm ngày, vô cùng ngắn ngủi, với những phương tiện giao thông và liên lạc hết sức nghèo nàn.  Sau này khi gửi sinh viên ra ngoại quốc du học, miền Nam đã không gặp phải những khó khăn trong việc đối chiếu bằng cấp, hệ thống học, học trình và khả năng của các đương sự, không phải chỉ riêng cho những ai muốn sang du học bên Pháp mà luôn cả cho những ai muốn sang các quốc gia khác, kể cả Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc, Nhật... vì đó là một hệ thống giống như các hệ thống khác thuộc thế giới tây phương, một hệ thống gần với hệ thống chung của quốc tế với 12 năm dành cho bậc tiểu học và bậc trung học.

Duy trì mối liên tục lịch sử cũng cho phép người ta sử dụng được các sách giáo khoa của người Pháp và những sách giáo khoa về lịch sử và văn chương Việt Nam do chính người Việt soạn thảo từ thời trước năm 1945 và sau đó là từ năm 1947 đến năm 1954 ở những vùng đất của người Quốc gia.  Điển hình là các sách toán và khoa học bằng tiếng Pháp, do các tác giả Pháp soạn và xuất bản ở bên Pháp nhưng đã được không những các thày mà luôn cả các trò sử dụng làm tài liệu hay để tự học mà cho tới nay nhiều cựu học sinh các trường trung học miền Nam vẫn còn nhắc tới và nhắc tới như là những kỷ niệm đẹp. 

Trong phạm vi văn chương, những sách của Dương Quảng Hàm, đặc biệt là hai cuốn Việt Nam Văn Học Sử Yếu và Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển đã được dùng rất lâu dù cho nhiều sách giáo khoa khác đầy đủ hơn đã được soạn thảo.  Cũng vậy, trong phạm vi sử học với cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim.  Về nội dung, đặc biệt là trong văn học, người ta cũng thấy nền giáo dục của miền Nam vẫn giữ được tinh thần tự do, cởi mở.  Các tác giả được đem dạy hay trích dẫn đã được lựa chọn căn cứ vào giá trị của các công trình của họ thay vì gốc gác và sự lựa chọn chế độ của họ, thay vì căn cứ vào chuyện họ ở miền Bắc hay ở miền Nam trong thời gian này.

Trường hợp của các Tác giả gốc Cộng sản như Thế Lữ, Xuân Diệu, Thanh Tịnh, Nguyễn Tuân, Tô Hoài... là những trường hợp điển hình.

Trong phạm vi thi cử, các kỳ thi được thiết lập từ thời Pháp hay có ở bên Pháp vẫn được duy trì, đặc biệt là hai kỳ thi tú tài.  Ở bậc đại học hệ thống tổ chức cũng tương tự. Ảnh hưởng của người Mỹ chỉ được chấp nhận một cách từ từ với nhiều thận trọng, mặc dầu người Mỹ đã bỏ ra nhiều tiền bạc và nhân sự qua các chương trình viện trợ khiến cho nhiều người Mỹ đã tỏ vẻ bất bình.  Hình thức thi trắc nghiệm áp dụng cho các kỳ thi tú tài chỉ được thực hiện rất trễ về sau này và dư luận đã đón nhận nó với những nhận định khác nhau, đặc biệt là danh xưng “Tú Tài ABC Khoanh” đã được dùng để chỉ các kỳ thi này.  Tiếc rằng chỉ vài năm sau Miền Nam đã không còn nữa.

Trong phạm vi tổ chức thi cử, người ta có thể thấy không riêng gì quan niệm, cách tổ chức, cách coi thi và chấm thi cũng như cách cho điểm, định kết quả và công bố kết quả hãy còn chịu ảnh hưởng nhiều của người Pháp mà còn luôn cả những thời quân chủ trước đó nữa.  Quyền uy của các giám khảo, các chánh phó chủ khảo, các giám thị đã luôn luôn được tôn trọng và nhiều vị chủ khảo đã tỏ ra vô cùng can đảm giữ thế độc lập cho mình hay biết khôn ngoan né tránh cho mình và cho các đồng nghiệp của mình khi phải lãnh nhiệm vụ ở những vùng xa thủ đô Saigon, an ninh và giao thông không bảo đảm.  Nên nhớ là trong thời gian này hệ thống trung ương tập quyền vẫn còn tồn tại. 

Việc ra đề thi, in đề thi và gửi đề thi về địa phương với tất cả sự bảo mật cần thiết là vô cùng khó khăn, tế nhị và phức tạp.  Về phía chính quyền thì từ trung ương đến địa phương hầu như không hề có sự trực tiếp can thiệp.  Báo chí, các cơ quan truyền thông vẫn luôn luôn hiện diện và sẵn sàng phanh phui mọi chuyện. 

NHỮNG TƯỚNG-TÁ ĐI HỌC
Ngay cả trường hợp các thí sinh là những sĩ quan cao cấp trong quân đội hay trong các lực lượng an ninh.   Điển hình nhất là trường hợp của Đại Tướng Cao Văn Viên.  Tướng Viên lúc đó là Tổng Tham Mưu Trưởng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.  Ông là một người ham học nên mặc dù vô cùng bận rộn với quân vụ, ông vẫn ghi danh theo học trường Đại Học Văn Khoa Saigon, ban Pháp Văn.  Trong kỳ thi cuối năm Chứng Chỉ Văn Chương và Văn Minh Pháp, ông đã đậu kỳ thi viết nhưng bị đánh rớt phần vấn đáp. Đây là một trong những chứng chỉ tương đối khó, nhiều khi kết quả được công bố: không ai đậu, ngay từ phần thi viết.  Tướng Viên đã đậu phần thi viết.  Điều này chứng tỏ khả năng viết và sự hiểu biết của ông, ít ra là về môn học được hỏi trong phần này, vì bài làm của thí sinh luôn luôn bị rọc phách trước khi giao cho giám khảo chấm.  Trong phần vấn đáp, thày trò trực tiếp đối diện với nhau và vị giám khảo là người Việt, không phải người Pháp, còn trẻ, ở tuổi quân dịch.  Ông đã bị chính vị giám khảo người Việt này đánh hỏng nhưng trong suốt thời gian sau đó mọi việc đều an lành, không có gì đáng tiếc xảy ra cả.  Đây là một trong những điểm son rực rỡ cho cả hai phía, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và Trường Đại Học Văn Khoa Saigon nói riêng và nền giáo dục của miền Nam nói chung thời trước năm 1975. 

Tưởng cũng nên nói thêm là cũng trong thời gian này, Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm, Giám Đốc Nha Động Viên Bộ Quốc Phòng cũng theo học Ban Sử ở trường này.  Sang Mỹ, ông ghi tên học ở đại học Mỹ và đậu thêm bằng Cao Học.  Cũng vậy, chuyện chuẩn tướng chào chuẩn úy trước.  Lý do là vị chuẩn tướng này đã theo học lớp văn hóa buổi tối để dự thi tú tài do sự khuyến khích của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và người chuẩn úy trước khi nhập ngũ là một giáo sư trung học dạy lớp buổi tối.  Hai người gặp nhau một buổi sáng khi cùng đưa con đi học.  Nhưng cũng chưa hết, trong thời gian này Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị cũng là được người ta biết tới như một ông “Tướng Văn Hoá”. 

Cuối cùng và vẫn chưa hết là trường hợp của một vị trung tá cũng thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, trình một tiểu luận cao học ở ban Sử của trường Đại Học Văn Khoa Saigon.   Bình thường, khi đã được phép trình, thí sinh được kể như là đã đậu.  Vị trung tá này đã bị đánh rớt.  Lý do là ông đã không sửa lại tiểu luận của mình mặc dầu đã được khuyến cáo trước đó và để nguyên những lỗi lầm bị cho là căn bản.  Cũng nên biết là trước khi trình vị trung tá này đã đặt tiệc trà ở phòng giáo sư ở ngay lầu dưới để sẽ ăn mừng cùng với bạn bè và gia đình sau khi được chấm đậu.  Người ta có thể trách cứ ban giám khảo là quá nghiêm khắc nếu không nói là nghiệt ngã, nhưng vì tiểu luận cao học cũng như luận án tiến sĩ thời này được trình trước công chúng, ai vào nghe cũng được, sau đó ai cũng có thể mở xem được.  Người ta có thể đánh giá nhà trường căn cứ vào phần trình bày và phẩm chất của tiểu luận hay luận án mà thí sinh đệ trình.  Có điều vì thí sinh này là một trung tá của Quân Đội VNCH nên nhiều người tỏ ý lo ngại cho các giám khảo.  Cũng giống như Đại Tướng Cao Văn Viên, ông có thể không làm gì, nhưng đàn em của ông thì sao?  Tướng Viên có thể không làm nhưng thuộc hạ của ông làm sao ông kiểm soát được?  Nên nhớ Tướng Viên trước đó là Tư Lệnh Lực Lượng Nhảy Dù.  Lính của ông sống nay, chết mai, chuyện gì họ cũng có thể làm được.  Nhưng cuối cùng thì mọi chuyện đều đâu vào đó, an lành, không có gì xảy ra cả.  Đó là những điểm son của cả nền giáo dục của miền Nam lẫn của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà trước khi miền đất được coi là tự do không còn nữa, người viết xin được nhắc lại.


Thứ nămMột Xã hội tôn trọng sự học và những người có học

Đây là một trong những đặc tính cơ bản của văn hóa Việt Nam mà xã hội Miền Nam nói chung và nền giáo dục Miền Nam nói riêng thời trước năm 1975 được thừa hưởng.  Đặc tính này đã được biểu lộ không riêng qua tinh thần “tôn sư trọng đạo” mà còn được coi như một giá trị và là một giá trị đứng đầu trong mọi giá trị.  Sự học là một giá trị và giáo dục là một giá trị.  Sự học hay giáo dục làm nên con người chứ không phải là những yếu tố khác, dù đó là quyền uy và tiền bạc.

Được xã hội tôn trọng nhưng ngược lại xã hội cũng trông đợi rất nhiều ở các thày.  Điển hình là chuyện “giáo sư mà cũng đi ăn phở”.  Câu chuyện này do Giáo Sư Nguyễn Ngọc Cư kể lại.  Giáo Sư Nguyễn Ngọc Cư là một trong những vị cựu sinh viên trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội thời Pháp thuộc, một trong những vị giáo sư nổi tiếng là nghiêm túc còn lại của trường này.  Ông dạy ở trường Thành Chung Nam Định, sau là Đại Học Sư Phạm Saigon.  Một trong những học trò cũ của ông sau này là Ngoại Trưởng của Cộng Hoà Xã Hội Chủ nghĩa CSVN Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch.

Câu chuyện xảy ra khi Giáo Sư Cư xuống chấm thi ở Mỹ Tho khi mới từ Hà Nội di cư vào Nam hồi sau năm 1954 vào một buổi sáng khi các vị giám khảo rủ nhau đi ăn phở trước khi nhập trường và khi người dân quanh vùng nhìn thấy các thày trong tiệm phở.  Cũng nên nhớ là hồi đó các giáo sư trung học, nhất là các vị dạy ở cấp tú tài là rất hiếm và kỳ thi tú tài là một biến cố lớn ở trong vùng.   

Cũng nên để ý là, khác với ở miền Bắc, nơi thày cô thời trước gọi học trò bằng anh hay chị, trong Nam học trò được thày gọi bằng trò và thường tự xưng là trò.  Quan niệm chính danh ở đây được thấy rõ, từ đó sự trông đợi tư cách phải có của người thày.   Cho tới nay, người ta không rõ danh xưng em trong học đường Việt Nam về sau này đã được sử dụng từ bao giờ.  Có thể từ thời có Phong Trào Thanh Niên Thể Dục Thể Thao của Hải Quân Đại Tá Ducoroy thời Thống Chế Pétain ở bên Pháp và Đô Đốc Decoux ở Đông Dương, nhưng cũng có thể do ông Hồ Chí Minh thời năm 1945.  Nói như vậy vì trong thư gửi các học sinh hồi đầu niên khóa 1945-1946, Hồ Chí Minh đã mở đầu bằng câu “Các em học sinh, Các em hãy nghe lời tôi…” và tiếp theo bằng ba tiếng “lời của một người anh lớn..” mặc dù lúc đó ông đã 55 tuổi và thư là gửi cho những thiếu niên, những học sinh trung và tiểu học chỉ đáng tuổi cháu nội, cháu ngoại của ông. 

Lối xưng hô này đã không được một số thày cô trong Nam chấp nhận.  Nhiều người vẫn ưa thích lối xưng hô cổ truyền hơn và ngay ở bậc đại học, nhiều sinh viên, đặc biệt là các nữ sinh viên, đã xưng con với các thày của mình mặc dù thày trò hơn nhau chỉ có vài tuổi.  Một vị Hiệu trưởng một trường nữ trung học lớn, nổi tiếng của Saigon đã chỉnh học sinh của mình khi người này xưng em với bà: “Thưa Cô, Con chứ! sao lại Thưa Cô, Em!”  Tưởng ta cũng nên nhớ là, thày và con, cô và con, từ cả hai vị thế, từ trách niệm đến bổn phận và cung cách đối xử khác nhau nhiều lắm. 

Ngoài xã hội cũng vậy, các phụ huynh học sinh luôn luôn gọi các thày cô của con mình bằng thày và cô luôn, với tất cả mọi sự tin cậy khi đặt trách nhiệm dạy dỗ con mình vào tay họ, đặc biệt là các thày cô tiểu học.  Điều này giải thích tại sao sau năm 1975, các giáo viên từ miền Bắc vô Nam ưa dạy các học sinh gốc miền Nam hơn các học sinh mới từ miền Bắc theo chế độ mới vào.   

Trở lại với thành ngữ “Tôn sư trọng đạo”.  Thành ngữ này thường được dùng như một phương châm dành cho các học sinh và phần nào luôn cả các phụ huynh tương tự như các câu “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thày”, hay “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hoặc thành ngữ “quân sư phụ.” Đối với một số không nhỏ các nhà giáo thành ngữ này cần được hiểu là bao gồm hai phần: phần thứ nhất là “tôn sư” và phần thứ hai là “trọng đạo”.  Tôn sư là dành cho học trò và trọng đạo là dành cho người thày theo đúng quan niệm chính danh của Khổng Giáo.  Thày phải ra thày trước khi đòi hỏi trò phải kính trọng thày.  Đây là một vấn đề khác có tính cách chuyên môn và khá phức tạp. Tôi sẽ xin trở lại trong một bài khác.


Tạm thời kết luận

Bài này được viết vào lúc những tin tức về những tệ hại trong nền giáo dục hiện tại ở Việt Nam thời Xã hội Chủ nghĩa Cộng sản chiếm một phần không nhỏ trong sinh hoạt truyền thông quốc tế cũng như quốc nội.  Ngoài những tin tức, những bài nhận định có những hình ảnh của các kỳ thi đi kèm.  Tất cả đã xảy ra hàng ngày và đã chiếm những phần quan trọng trong thời lượng phát thanh hay phát hình hay trên các trang báo, đặc biệt là vào những thời kỳ bãi trường hay khởi đầu của một niên học.  Mọi chuyện đã liên tiếp xảy ra từ nhiều năm trước và người xem, người nghe có thể đoán trước và chờ đợi mỗi khi mùa hè và sau đó là mùa thu đến.

Nhiều người còn dùng hai chữ “phá sản” để hình dung tương lai của nền giáo dục này và nhiều người tỏ ý nuối tiếc quá khứ mà họ cho là rất đẹp của nền giáo dục ở miền Nam thời trước năm 1975. 

Trong khi đó ở Hải Ngoại, giới trẻ Việt Nam, ở đây tôi chỉ nói tới những người xuất thân từ các học đường ở miền Nam, đã thành công rực rỡ và được các thày cô và các cơ quan truyền thông khen ngợi, nếu không nói là ca tụng.  Nhiều người không những vẫn tiếp tục làm nghề cũ, kể cả những ngành mà tiêu chuẩn quốc tế rất chính xác, rõ ràng mà họ học được ở các trường đại học hay cao đẳng ở Việt Nam.  Rất nhiều người đã trở thành những chuyên viên cao cấp, những cố vấn, hay những giáo sư đại học bản xứ với những công trình nghiên cứu có giá trị cao và ở mức độ quốc tế.   Ở đây, như đã nói trong phần mở đầu, người viết chỉ vắn tắt ghi nhận một số những dữ kiện căn bản.  Nhiều công trình nghiên cứu qui mô hơn và kỹ càng hơn còn cần phải được thực hiện bởi nhiều người, trước khi người ta có thể khẳng định những nhận xét này.

Tuy nhiên có một điều người ta phải để ý và thận trọng khi nói tới cách mạng và đặc biệt khi làm “cách mạng vì cách mạng” và hệ quả của nó có thể làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của dân tộc, theo chiều hướng đi xuống, nhất là khi cách mạng không bắt nguồn từ truyền thống và tư duy của chính dân tộc mình.  Người ta có thể xóa bỏ một chế độ chính trị bằng cách mạng, từ đó đoạn tuyệt với quá khứ nhưng người ta không thể theo đà đó mà làm cách mạng trong những phạm vi sinh hoạt khác, xóa bỏ và làm lại tất cả, trong đó có giáo dục.  Cách Mạng Mỹ không làm như vậy, Cách Mạng Pháp cũng không làm như vậy…vẫn duy trì những truyền thống cũ.  Nhận định này có thể bị coi là bảo thủ, nhưng đó là một sự thật và một sự thật bắt đầu bằng kinh nghiệm.  Có điều vì bằng kinh nghiệm nên khi biết được sự thật thì đã quá muộn.  Nhiều khi người ta phải từ bỏ cách mạng để trở về với truyền thống của cha ông vì cha ông của chúng ta cũng là người, cũng thông minh, cũng khôn ngoan, sáng suốt, cũng nhạy cảm như chính chúng ta, ngoại trừ các Cụ sống ở thời của các Cụ, mỗi Cụ chỉ sống một thời gian ngắn, còn truyền thống thì có từ lâu đời.

Phải có lý do truyền thống mới được tôn theo, được duy trì và từ đó tồn tại.  Lịch sử do đó đã luôn luôn liên tục vì không liên tục là đổ vỡ, là mất quân bình và xáo trộn, là thụt lùi hay ít ra là bất khả tiến bộ.

    Khởi viết, tháng 9, 2006,
    Sửa lại trong Mùa Lễ Tạ Ơn của Hoa Kỳ 2016
   Cập nhật hóa và bổ khuyết, Tháng Tư, 2019
  

 Phạm Cao Dương