Thursday, December 23, 2021

GIÁNG SINH XƯA VÀ NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM CỘNG HÒA

Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

Cho đến nay, dẫu đất nước Việt Nam Cộng Hòa, đã bị bức tử, nhưng hình ảnh của những lần đón mừng Lễ Giáng Sinh xưa và Người Lính Việt Nam Cộng Hòa vẫn không bao giờ phai nhạt.

Người Lính Việt Nam Cộng Hòa, với hình ảnh oai hùng trên khắp sa trường, đối diện với những nguy nan, xem thường tử sinh nơi chiến địa; nhưng hình ảnh Người Lính vẫn thật đẹp, thật lãng mạn với hình ảnh trong những lúc dừng quân, Người Lính lại viết thư:

“Đồn anh bên sông cạn, và hoàng hôn ướt đẫm đáy sông thưa; Nhiều tên trong đơn vị gọi đùa anh chiến sĩ của mộng mơ; Thường khi hai ba thằng, chiều chiều ra bờ vắng ngắm mông lung. Một thằng nhớ em, để một thằng nhớ thêm. Còn mình tìm hình lén xem.


Thư của lính không xanh màu trời như mơ ước đâu em. Thư của lính không thơm nồng hương, không nét hoa đa tình. Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay
Nhưng thư của lính ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy”.

Và nơi “Tiền đồn heo hút, tinh tú quây quần nghe Anh kể chuyện đời Lính”. Rồi người Lính lại ngồi lại với nhau, để đọc những “Bức tâm thư”:

“Hôm qua hành quân dừng chân trên dãy đồi sim

Anh vui nhiều hơn vì đọc thêm lá thư em

Lời thư đẹp quá, đọc đã bao nhiêu lần, mà lòng vẫn còn thương”

Và rồi, mùa Đông lại đến, Giáng Sinh lại về, trên những tiền đồn, hay những Căn Cứ xa xôi, Người Lính không thể trở về phố thị, để sum họp bên mái ấm gia đình, nên Người Lính đành phải đón mừng Giáng Sinh với tất cả những gì có thể làm, có thể tạo ra những hình ảnh Giáng Sinh, với những Hang Đá “dã chiến”, để cùng nhau, tay súng, tay đàn, hát những bài ca yêu thích, để cùng nhau san sẻ những niềm vui đời Lính Chiến.

Một lần nữa, người viết xin trích lại một bài viết của chính mình, về những mùa Giáng Sinh xưa:

“Đêm nay, đêm Giáng Sinh - Đêm Thánh Vô Cùng - Đêm chia hai lịch sử của nhân loại. Mọi người ở trên mặt địa cầu này, dù có tin Chúa hay không; nhưng mỗi lần đặt bút xuống, để ghi lại một ngày tháng nào đó, dù là ngày vui hay là một ngày buồn, thì chính họ, mặc nhiên công nhận: đó là ngày đánh dấu niên lịch của sự kiện Chúa Cứu Thế đã Giáng Sinh.”

Cùng giao hòa với sự đổi thay của đất Trời, để nhân loại có một niên lịch vĩnh cửu như hôm nay; chúng ta, những người Việt đang sống đời vong quốc ở khắp bốn phương Trời; hồi tưởng về những năm tháng cũ của một thời chinh chiến; đặc biệt, với những chàng thư sinh đã từng tình nguyện xếp bút nghiên theo việc đao binh, từ giã mái trường cùng bè bạn thân yêu, lên đường tòng quân, với nguyện ước để bảo vệ đồng bào, bảo vệ miền Nam Tự Do, vì đó là bổn phận của người thanh niên giữa thời đất nước đang lâm vào cơn nguy biến.

Những ngày tháng đầu tiên nơi “Thao trường đổ mồ hôi, Chiến trường bớt đổ máu”; lần đầu tiên khoác chiến y, trở thành người Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa, những “Đoạn Đường Chiến Binh” đầy thử thách, nhưng với chí nam nhi các anh đều vượt qua tất cả, để làm tròn trách nhiệm: Đem sinh mạng của chính mình, để bảo vệ non sông.

Từ những năm tháng ấy, gót chinh nhân đã từng lưu dấu trên khắp Bốn Vùng Chiến Thuật, mà có khi cả năm, các anh không được một lần về phép, để sum họp cùng người thân bên mái ấm gia đình. Cho đến khi những đám mây đen vần vũ trên khắp đầu non, và những ngọn gió Đông giá buốt xoáy vào những chốn rừng sâu, ở các đơn vị nơi biên phòng giới tuyến, thì các anh bỗng nhớ đến rằng: Mùa Vọng và Giáng Sinh lại trở về giữa chốn núi rừng hoang lạnh, thế rồi, với những đôi tay khéo léo như một nghệ nhân của các anh - các chị - các cô Chiến Sĩ Tâm Lý Chiến của đơn vị, đã gom góp những tấm cạt-tông, những tờ giấy xi-măng được tách ra, những cọng cỏ, rơm khô, những nắm đất sét mềm mại vàng nâu, những viên đá, viên sỏi… những cục nhựa đặc biệt mềm và dẻo của loại cây Sưng (sâng) có một mầu vàng trong suốt… và để có những sắc mầu trang trí cho Hang Đá, thì các anh đã lấy mầu vàng từ cốt nước của loại lá Dung, mầu đỏ từ cốt nước của thân cây Vang ở ven rừng… rồi pha thêm thành nhiều mầu khác, sau đó, đem trộn lẫn với một chất keo chiết từ lá khoai lang, cộng thêm với những nhánh Thạch Thảo, thế là đã đủ, để các anh-các chị-các cô Chiến Sĩ Tâm Lý Chiến cứ vừa hát vừa biến tất cả thành những chiếc Hang Đá thật tự nhiên, tái hiện một Hang Bê-Lem của từ nghìn năm trước, và được đem đặt ở một nơi trang trọng nhất của đơn vị, có nơi là một Phòng Văn Khang; để đêm về người Chiến Sĩ quỳ bên máng cỏ, hoặc ở một nơi nào đó của đơn vị và cất tiếng hát giữa đêm thâu những bài Thánh Ca hoặc những bản nhạc viết về Giáng Sinh như: Đêm Thánh Vô Cùng, Bài Thánh Ca buồn…

Những Người Lính tiền đồn đón Noel bằng vật liệu tác chiến sẵn có. Nào ống phóng lựu M72 làm trụ, đạn đại liên M60 làm lá thông, đạn M79 làm dây đèn trang trí cùng với 5 quả đạn súng cối, trên đỉnh làm ngôi sao và vài thùng đạn làm đế cây phía dưới. Thật tuyệt, một hình thức trang trí đón mừng Giáng Sinh của Lính.

Còn đây, là những hình ảnh của Người Lính Việt Nam Cộng Hòa đã đón Giáng Sinh ở những doanh trại, tiền đồn, hay các Căn Cứ xa xôi:

 

Các quân nhân Sư Đoàn 7 BB đang trang trí hang đá trong đơn vị

 

Ngày nay, Người Lính Việt Nam Cộng Hòa, dẫu không còn được tay súng, tay đàn như những ngày hào hùng, thân ái cũ. Có những Người Lính đã vĩnh viễn ra đi!

Người còn ở lại, bùi ngùi, rưng rưng tiếc nhớ những năm tháng được sống trong “Tình Huynh Đệ Chi Binh”. Người Lính không bao giờ quên những giờ phút đã từng sát cánh bên nhau giữa các chiến hào, say mùi thuốc súng, đối đầu với quân giặc, để rồi thốt lên câu:

“Những người muôn năm cũ; Hồn ở đâu bây giờ?!”

Người Lính Việt Nam Cộng Hòa, với những chiến công lẫy lừng, với những trận địa nổi danh trong Quân Sử: Mùa Hè Đỏ Lửa, Quảng Trị, Bình Long, An Lộc…

Đặc biệt, trong trận chiến Mậu Thân, 1968, vì đã “tin” cái “Thỏa ước  hưu chiến ba ngày cho đồng bào ăn Tết” do chính Cộng sản xâm lăng Bắc Việt “đề xướng”, nên một nửa quân số của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã được phép về ăn Tết với gia đình.

Lịch sử sẽ mãi mãi khắc ghi: Giữa đêm Giao Thừa Mậu Thân, 1968, thì “Giặc từ miền Bắc vô đây, bàn tay nhuốm máu đồng bào”. Quân xâm lăng Cộng sản đã tấn công vào các thành phố, máu đổ, đầu rơi, bao xác dân lành ngã đổ, khói lửa lan tràn, quyện giữa làn khói hương nghi ngút trên bàn thờ gia tiên của đồng bào miền Nam!

Thế nhưng, dẫu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, với quân số, chỉ còn phân nửa, nhưng Cộng sản Bắc Việt gồm có sự tiếp tay đắc lực của Nga, Tàu và cả những tên lính Bắc Hàn đã cải trang thành “bộ đội Bắc Việt”, (Sau này, Bác Hàn đã sang Việt Nam đem xương cốt của chúng về nước, thì người ta mới biết).

 Và vì đã không được “chiến” vào trận đánh cuối cùng.

Chính vì thế, nên Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không hề có “bại”

Tạm kết:

Qua những hình ảnh của Người Lính Việt Nam Cộng Hòa, từ lúc xếp bút nghiên, lên đường tòng chinh. Người Lính luôn tâm niệm: Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm cho đến giây phút cuối của cuộc đời. Người Lính không cho phép mình đón Giáng Sinh, hoặc vui Xuân cho riêng mình, khi đất nước còn chìm trong lửa khói của quân xâm lăng.

“Em nghe không ngoài kia, Trời Đông đã lên rồi, bao lớp người đi, đầu mây chân gió, vai nặng gánh sông hồ, còn bao lâu nữa, xin em thôi hờn dỗi.

.................

Đây gói hành trang xếp lại cho tròn để anh đi nhé. Xin chớ u buồn vì trong những ngày dài anh vắng bên em. Nhưng xin em đừng quên, từng đêm súng vang về trong giấc ngủ say, là khi anh đã dâng nguồn sống cho đời, và cho đôi lứa đẹp ước mơ…”

Người Lính Việt Nam Cộng Hòa, là tất cả những gì cao quý, hào hùng, đẹp nhất trên đời, khi các Anh đã dâng hiến đời mình cho Tổ Quốc và Dân Tộc.

Hôm nay, và mãi mãi cho đến ngàn sau, dẫu có “hái ngàn sao” trên Trời, hay “gom hết sóng nước của đại dương”, cũng không sánh bằng những hy sinh vô bờ bến của Người Lính Việt Nam Cộng Hòa trong suốt hơn hai mươi năm, đã góp máu xương trong đại cuộc chung: Bảo Quốc - An Dân!

Hậu thế, cần phải ghi nhớ: Quân xâm lăng Cộng sản Bắc Việt được Nga, Tàu tiếp tế súng đạn, vũ khí hùng hậu, và điêu ngoa quỷ quyệt khi đã trắng trợn bội ước hưu chiến trong cuộc “Tổng Công Kích Tết Mậu Thân, 1968”, là như thế; nhưng vẫn không thắng nổi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, thì nếu vào thời điểm trước và sau 30/04/1975,  nếu không bị bức tử, và nếu được đánh một trận thư hùng cuối cùng, thì chắc chắn Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phải thắng!

Giáng Sinh 2020

Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

Friday, November 26, 2021

VĂN HỌC MIỀN NAM : MỘT GÓC NHÌN

 

Đỗ Trường

 Vào năm 2007, ở trong nước tái bản một số tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu. Rồi gần đây nhất, người ta cho in lại Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng và đọc một số truyện ngắn của Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn trên Radio làm cho bác Nguyễn hàng xóm, tiến sĩ ngôn ngữ học Đức, ghé tai tôi: Dường như người ta đang rón rén hồi sức cấp cứu để Văn học miền Nam (giai đoạn 1954-1975) sống dậy, sau mấy chục năm truy sát, đốt phá, tưởng chừng đập chết ăn thịt ngay thì phải? Sống ở nước ngoài đã quá nửa thế kỷ, nhận xét được như bác Nguyễn, quả thực cũng không có nhiều người. Tuy nhiên, tôi vẫn phải cự lại: Nhìn cái vỏ thì bác nói có phần đúng. Nhưng khi tìm tòi, nghiên cứu ta có thể thấy, Văn học miền Nam không cần phải (hồi sức cấp cứu) như vậy. Bởi, tuy bị bức tử, song cũng như âm nhạc, sức sống của nền văn học ấy vẫn mãnh liệt lắm. Nó không chỉ âm thầm đi sâu vào lòng người ở ngay đó, mà còn sinh sôi nảy nở ngoài cương thổ, nơi có mấy triệu người Việt nữa kìa!

Có lẽ, không hoàn toàn đồng ý với những suy nghĩ của tôi chăng? Nên bác Nguyễn hơi nhíu mày, máy mắt. Nhưng chưa tìm ra lý lẽ bắt bẻ, nên bác đành phải lắc gật, lắc gật… Thật vậy, có được sức sống lâu dài ấy, cũng bởi Văn học miền Nam chứa đựng những giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Hai giá trị cơ bản của văn học này, dường như ta rất ít gặp ở những tác phẩm ngoài Bắc trong cùng giai đoạn chiến tranh 1954-1975. Bởi, tính tuyên truyền đã bóp nghẹt những giá trị ấy. Dù miền Bắc có rất nhiều nhà văn tài năng. Gần đây ở trong nước nảy nòi ra một cụm từ mới: Văn học đô thị miền Nam. Nghe hơi bị giả giả, sến sến. Vậy thì giai đoạn 1954-1975 miền Nam còn có văn học nông thôn, rừng núi với những tác giả: Anh Đức, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thi, hay Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Bạch Đằng…nữa chăng? Không! Dứt khoát không có cái gọi văn nghệ đô thị, văn nghệ nông thôn như vậy. Bác hàng xóm tiến sĩ ngôn ngữ chém tay phầm phập, khẳng định cứ như đinh đóng cột. Bởi với ông, Văn nghệ giải phóng, giải pheo gì đó, cùng các tác giả này, đều là cánh tay nối dài của văn nghệ tuyên truyền, định hướng miền Bắc mà thôi. Lần này, có lẽ bác hàng xóm có lý, tôi cứng họng không cãi được câu nào. Do vậy, cũng theo ông, từ con Sông Bến Hải trở vào chỉ có một nền Văn học miền Nam duy nhất (chứ không có văn học đô thị, đô thẹo gì ở đây cả).

Thật vậy, dù đánh tráo khái niệm, hay khoác cho một chiếc áo, một tên gọi mới, thì thực chất Văn học miền Nam không hề bị méo mó, đổi thay. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ đi sâu vào cái giá trị hiện thực, và nhân đạo của Văn học miền Nam (trong chiến tranh) dưới ngòi bút của những nhà văn người lính mà thôi.

*Giá trị hiện thực.

Hiệp định Genève cắt đôi hình đất nước, kéo theo gần một triệu người di cư, trốn chạy từ Bắc vào Nam, với qui mô chưa từng có, kể từ ngày lập quốc. Và trong dòng người ấy, có rất nhiều văn nhân, nghệ sĩ tài năng như: Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Vũ Bằng, Nguyễn Sĩ Tế… Họ đã mang theo văn hóa đặc trưng vùng, miền làm cho ngôn ngữ Văn chương miền Nam thêm phong phú, đa sắc. Tuy chưa đến độ hoàn hảo, nhưng cánh cửa tự do đã mở cho văn học, cũng như báo chí miền Nam lúc đó. Chính vì vậy, sự tiếp nối Văn học tiền chiến, cùng tiếp cận, giao thoa với văn hóa phương Tây đã cho Văn học miền Nam một sắc thái, diện mạo mới, như một lẽ tự nhiên vậy.

Có thể nói, chiến tranh tuy tàn khốc, nhưng đã sản sinh ra một loạt các nhà văn, nhà thơ tài năng xuất thân từ những người lính: Dương Nghiễm Mậu, Thế Uyên, Thảo Trường, Tô Thùy Yên, Lữ Quỳnh, Trần Hoài Thư, Luân Hoán, Phan Nhật Nam, Nguyên Vũ, Nguyễn Bắc Sơn, Linh Phương, Trần Dzạ Lữ… Những tác phẩm còn nguyên mùi khói thuốc, vang tiếng đạn bom của họ như một luồn gió mới làm thức tỉnh, và giải tỏa sự bế tắc của Văn thơ miền Nam đang gà gật lúc đó. Và những tác phẩm ấy gắn liền với hiện thực của xã hội, sự tàn khốc chiến tranh, cũng như thân phận người lính. Cái bi ai, cùng với tương lai mịt mù của những thế hệ trẻ bị ném vào chiến tranh, như lời thán ca vọng lên trong thơ, Trần Hoài Thư đã chia sẻ sự cảm thông, hay cho người đọc một nỗi đau nhức nhối ở trong lòng:

“Thế hệ chúng tôi mang đầy vết sẹo

Vết sẹo ngoài thân và vết sẹo trong hồn

Không phạm tội mà ra tòa chung thẩm

Treo án tử hình ở tuổi thanh xuân

Thế hệ chúng tôi loài ngựa thồ bị xích

Hai mắt buồn che bởi tấm da trâu

Quá khứ tương lai, tháng ngày mất tích

Đàn ngựa rũ bờm, không biết về đâu“ (Thế hệ chiến tranh)

Sự đói khát, gian nan ấy được Tô Thùy Yên đưa vào trong thơ một cách chân thực. Đọc lên, có lẽ ai cũng phải rùng mình cảm thương cho thân phận người lính: “Trên người bạn gục đạn mươi viên/ Di tản khó – sâu dòi lúc nhúc/ Trong vết thương người bạn nín rên/ Người chết mấy ngày chưa lấy xác/ Thây sình mặt nát lạch mương tanh…”(Qua Sông). Cùng thời điểm đó, nếu đọc Văn chương miền Bắc, ta bắt gặp cái không khí hân hoan trái ngược hẳn với hiện thực sầu bi nơi bom đạn chết chóc. Sự thần thánh hóa chiến tranh và con người mang tính tuyên truyền như vậy, thì giá trị của nó chỉ (nhất thời) ở thời điểm đó mà thôi:“Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.” (Phạm Tiến Duật). Thật vậy, chỉ có hiện thực mới làm nên giá trị văn học. Và bút ký Những Ngày Gãy Vụn là một trong những tác phẩm như vậy của Phan Nhật Nam. Cái hiện thực ấy, được ông tái hiện lại dưới ngòi bút tài hoa của mình. Những trang văn rùng rợn, bi thương đó, đọc lên ai cũng phải bùi ngùi, xúc động:

“Thoạt đầu còn e ngại nhưng đến xác thứ tư thứ năm lớp thịt nhũn của xác chết tiếp xúc với bàn tay hóa thành quen. Đi từ nơi để xác trở vào rừng, tôi không dám nhìn vào hai bàn tay của mình, thịt da người chết đã phết một lớp dầy trên da tay. Hai giờ chiều, xác chết đã nhặt được hết, tôi chà tay xuống mặt đất như muốn bóc hẳn lớp da. Thèm điếu thuốc lá nhưng không dám đưa bàn tay lên môi …trời miền Nam bắt đầu vào mùa mưa, đất đỏ từ lối đi vào đến nơi chứa xác lầy lội tưởng như có pha máu người. Thân nhân người chết than khóc, lăn lộn trên lớp bùn non, áo sô trắng lấm đất đỏ như dấy máu. Hơi đất, hơi người sống, người chết, mùi hương đèn lẫn lộn ngây ngấy nồng nặc, choáng váng…“.

Nếu Phan Nhật Nam bước vào cuộc chiến bằng bút ký, thì ở mặt trận Phong Điền, người lính Trần Dzạ Lữ trải nỗi đau đó vào những trang thơ của mình. Và Bữa Cơm Ngoài Chiến Trường một bài thơ ngũ ngôn mộc mạc, giản dị được Trần Dzạ Lữ viết cách nay đã nửa thế kỷ, song đọc nhiều lần vẫn cho ta sự ám ảnh với những cảm xúc ban đầu. Hình ảnh cùng cực của người lính với sự tàn khốc của chiến tranh này, không chỉ có giá trị văn học, mà nó còn là chứng tích của lịch sử:

“bốn năm thằng lơ láo

áo quần rách tả tơi

ăn cơm bên xác người

tay bốc tay cầm súng

ăn xong múc nước ruộng

uống đại cho qua ngày

quê nhà em có biết

chinh chiến thân lưu đày

ăn được là điều may

có khi hai ba ngày

không ăn chẳng có uống

ta nằm với cỏ cây…”

Đạn bom, gian khổ nơi chiến trường chưa hẳn là điều đáng sợ, bởi nó không thể giết chết niềm tin, lẽ sống của người lính. Song chính cái khối ung nhọt ở nơi hậu phương mới giết chết linh hồn, khát vọng của họ. Khi người lính nhận ra, sự hy sinh cả một thế hệ để phục vụ cho những kẻ lãnh đạo không lương thiện, thiếu tài năng. Và cũng chính những con sâu ở giới lãnh đạo thượng tầng, hay những ông vua tôn giáo này, góp phần không nhỏ dẫn đến sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Hiện thực và sự chán chường đó đã được nhà văn, người lính Phan Nhật Nam đưa vào tác phẩm Dấu binh lửa, một cách sinh động. Có thể nói, nếu không có sự can đảm của nhà văn thì chắc chắn không thể có những trang viết chọc thẳng vào cái ung nhọt của thượng tầng xã hội như vậy. Và chính nó đã làm nên một tác phẩm có giá trị lâu dài:

“Chúng tôi rời Sài Gòn trong thở dài nhẹ nhõm, một tháng ở Thủ Đô đủ để tạo thành sụp đổ tan hoang trong lòng, đủ thấy rõ sự phản bội của hậu phương, một hậu phương lừa đảo trên máu và nước mắt của người lính. Một tháng đủ để chúng tôi hiểu ti tiện hèn mọn của loại lãnh tụ ngã tắt, những anh hùng đường phố, những ông vua biểu tình theo ngẫu hứng, vua tôn giáo đầy thù hận và dục vọng… Một tháng “vỡ mặt” lính non cũng như lính già. Chúng tôi bây giờ biết rõ: Máu và đời sống của mình đã đổ ra cho một xã hội lừa lọc.“ (Dấu binh lửa)

Gian khổ, khốc liệt đưa đến cái bi quan chán chường của người lính là vậy, nhưng ở đâu đó sau trận chiến, ta vẫn sự hồn nhiên sảng khoái của họ, dưới ngòi bút của các văn nhân, thi sĩ: “Ta chắt cho nhau giọt rượu sót/ Tưởng đời sót chút thiếu niên đây/ Giờ cất quân, đưa tay bắt/ Ước cõi âm còn gặp để say.“ (Tô Thùy Yên). Ở giai đoạn này, các nhà văn, nhà thơ viết và khai thác tâm lý người lính một cách chân thật. Bởi vậy, hình ảnh họ với rượu chè, gái gú ngang tàng, cùng những khẩu ngữ trần trụi làm cho những tác phẩm văn học ấy sinh động, mới lạ, gần gũi và chân thực hơn: “Mai ta đụng trận ta còn sống/ Về ghé Sông Mao phá phách chơi/ Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm/ Đốt tiền mua vội một ngày vui…Nếu ta lỡ chết vì say rượu/ Linh hồn chắc sẽ thành mây bay” (Nguyễn Bắc Sơn). Những khẩu ngữ trần trụi, đôi khi được cho là tục tĩu chẳng có tí tẹo gì liên quan đến thi ca thơ phú cả, (đại kỵ với văn thơ truyền thống, bác học) nhưng khi được đặt đúng trong văn cảnh, nó trở nên hay đến bất ngờ cho người đọc. Và Hành Quân là một bài thơ như vậy của Linh Phương: “Chiều qua sém chết vì viên đạn/ Du kích bên sông bắn tỉa hù /Cũng may gặp phải thằng cà chớn/ Thấy mặt ta ngầu bắn đéo vô”. Có thể nói, Linh Phương là nhà thơ tài năng, một gương mặt tiêu biểu Văn học miền Nam. Để Trả Lời Cho Một Câu Hỏi được ông viết vào năm 1970 là một trong những bài thơ hay và bi thương nhất của nền Văn học Việt Nam. Ngay sau khi ra đời, bài thơ đã được Phạm Duy phổ thành bản nhạc: Kỷ Vật Cho Em. Cái thân phận mỏng mảnh, và bi thảm của người lính trong thơ làm cho ta phải lặng người, xúc động khi đọc. Song có lẽ, nó chỉ mới nói lên được phần nào sự rùng rợ, tàn khốc của cuộc chiến mà thôi:

“Em hỏi anh bao giờ trở lại

Xin trả lời mai mốt anh về

Không bằng chiến trận Plei Me

Hay Đức Cơ – Đồng Xoài – Bình Giã

Anh trở về hàng cây nghiêng ngả

Anh trở về hòm gỗ cài hoa

Anh trở về bằng chiếc băng ca

Trên trực thăng sơn màu tang trắng…”

Giai đoạn chiến tranh (1954-1975) Văn học miền Nam dường như không có nhiều tác phẩm viết về đề tài nông thôn, nơi hậu phương? Ngoài những cuốn: Sông Sương Mù, và Những Cơn Mưa Mùa Đông của Lữ Quỳnh, Sợi Khói Bay Vòng của Phạm Ngọc Lư… Và gần đây tôi được đọc Địa ngục có thật của Dương Nghiễm Mậu. Đọc nó, ta không chỉ hiểu được văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền, và mối quan hệ, tình làng nghĩa xóm, mà còn thấy sự chết chóc, tàn nhẫn của chiến tranh ở đây không kém nơi chiến trường. Nếu ta đã đọc Dải khăn sô cho Huế của Nhã Ca, thì chắc chắn sẽ trấn tĩnh hơn, và giảm bớt được nỗi kinh hãi khi đọc bút ký Địa ngục có thật của Dương Nghiễm Mậu. Có thể nói, không chỉ truyện, mà bút ký của Dương Nghiễm Mậu cũng có lời văn sáng, và rất đẹp. Cùng với Phan Nhật Nam, bút ký của ông mang đến cho tôi nhiều cảm xúc nhất khi đọc. Dù bút pháp, văn phong của hai nhà văn này hoàn toàn khác nhau. Chẳng vậy, mà bác tiến sĩ ngôn ngữ hàng xóm bảo, đọc Địa ngục có thật, đêm ngủ cứ giật mình thon thót, bởi ám ảnh. Vâng, đó mới chỉ là một phần của sự thật được Dương Nghiễm Mậu đưa lên trang viết. Và còn bao nhiêu cái chết, với những hố chôn người tập thể nữa, mà nhà văn chưa tìm bới ra được: “Người ta chỉ cho chúng tôi đi tới nữa, con đường hơi vòng, qua chiếc cầu sắt chúng tôi kinh hoàng với khung cảnh trước mắt: trên khoảng đất trống ven sông một nhà sạp chạy dài, trong đó hơn mười chiếc quan tài đủ cỡ để song song với nhau sau những bàn thờ, quanh đó những người mặc áo, đội khăn tang, trong đó có xác một học sinh đệ nhị, một ông già 68 tuổi… Người ta vẫn còn tiếp tục tìm xác, chỉ mới có 32 xác được tìm thấy… Còn những ai nữa sẽ được nhận ra. Còn những ai nữa nằm trong những cái hố nhỏ chất bẩy tám người chỉ cần lấy tay moi nhẹ là thấy. Những đau khổ không nói thành lời. Những sự việc không có lời giải thích. Tại sao vậy? Tại sao vậy?” (Địa ngục có thật)

Thành thật mà nói, nếu văn thơ không đi thẳng vào đời sống xã hội, một cách trung thực nhất, đó chỉ là những trang viết chết. Do vậy, đọc và nghiên cứu sâu về Văn thơ miền Nam, ta có thể thấy, tuy chưa thật hoàn hảo, nhưng giai đoạn 1954-1975 các nhà văn miền Nam đã không chịu sự kiểm soát, và áp đặt của quyền lực. Sự thật, công lý cho người dân là nơi ngòi bút của họ hướng tới. Cho nên, hiện thực là một trong những giá trị làm nên nền Văn học miền Nam (sống) là vậy.

*Giá trị nhân đạo

Nếu không có thơ văn đích thực, thì chúng ta và các thế hệ sau này chắc chắn sẽ không hiểu sự thật về bản chất của cuộc chiến này, cũng như tâm trạng người lính với những năm tháng tang thương đó. Văn học như một chiếc cầu nối lịch sử đến với con người vậy. Và chính những nhà văn người lính đã nối những nhịp cầu ấy. Thật vậy, giữa sự sống và chết rất mỏng manh nơi chiến trường, vậy mà ta vẫn thấy tính nhân bản của con người chợt hiện lên, đi vào những câu thơ có tính sảng khoái, nhẹ nhàng làm nguội đi cái không khí nghẹt thở đó: “Nhớ hôm bắt được em Việt Cộng/ Xinh đẹp như con gái Sài Gòn/ Ta nổi máu giang hồ hảo hán/ Gật đầu ra lệnh thả mỹ nhân” (Linh Phương). Và cái tình người ấy, dường như xuyên suốt trang thơ của người lính. Một ngày ngưng chiến (1972), nhà thơ người lính Phan Xuân Sinh ngất ngưởng bên ly rượu cùng người lính phương Bắc. Tình đồng loại ấy đã cho Phan Xuân Sinh cảm hứng viết nên tác phẩm: Uống rượu cùng người lính phương Bắc hay đến nghẹn ngào. Trước đây mấy năm, khi viết chân dung nhà văn Trần Hoài Thư, đọc đến: Một Ngày Không Hành Quân, tôi cứ ngỡ đó là bài thơ độc nhất vô nhị của Văn học miền Nam. Và nó đã làm cho những giọt nước mắt của tôi rơi ngay trên bàn phím này: “Tôi rót mời một người lính Bắc/ Hắn nằm banh thây dưới hầm bí mật/ Trên người vẫn còn sót lại bài thơ/ Trên đồi cao mây vẫn xanh lơ/ Có con bướm vàng dịu dàng dưới nắng/ Tôi với hắn đâu có gì thống hận/ Bài thơ nào cũng viết để yêu em”. Nhưng tôi đã lầm. Do vậy, khi gặp bài Uống rượu cùng người lính phương Bắc của Phan Xuân Sinh, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Nó vẫn cho tôi cảm xúc nghẹn ngào ban đầu. Và tôi nghĩ, cũng như Trần Hoài Thư, khi Phan Xuân Sinh viết: Uống rượu cùng người lính phương Bắc, đã dứt bỏ hoàn toàn mọi áp lực xung quanh, chỉ còn lại trái tim đa cảm, bao dung đang rung lên của người nghệ sĩ. Và ngay từ năm 1972, Phan Xuân Sinh đã nhận ra, cuộc chiến này bạn và ta (những người lính hai phía) cùng nhân dân đều bại:“Ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu/ Chỉ có bạn, có ta là thua cuộc”. Dường như, với ý tưởng này Phan Xuân Sinh người lính phương Nam, để cho Nguyễn Duy người lính phương Bắc sau này viết ra những câu thơ: “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh. Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Và cái tư tưởng nhân bản ấy của người thi sĩ đã xóa nhòa lằn ranh giới của chém giết, hận thù:

“Hãy rót cho ta thêm cốc nữa đi

Ngồi với bạn hôm nay làm ta hứng chí…

Những thằng lính thời nay không mang thù hận

Bạn hay thù chẳng một lằn ranh

Thôi hãy uống. Mọi chuyện bỏ lại sau

Nếu có thể ta gầy thêm cuộc nhậu

Bày làm chi trò chơi xương máu

Để đôi bên nuôi mầm mống hận thù

Ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu

Chỉ có bạn, có ta là thua cuộc…” (Uống rượu cùng người lính phương Bắc)

Không chỉ khi hưu chiến, mà ngay trên chiến trường đẫm máu, lòng nhân đạo, tính vị tha hiện lên đầy ăm ắp trang viết của người lính. Buổi dừng chân của nhà văn Lê Bá Lăng là một trong những bút ký điển hình như vậy. Chưa biết nhiều về Lê Bá Lăng, song đọc một số bút ký, truyện ngắn của ông, tôi thấy, cái nào cũng thấm đẫm tình người. Là một sĩ quan ngày cũng như đêm hành quân tác chiến, Lê Bá Lăng hiểu hơn ai hết nỗi đau của người lính ở cả hai phía. Do vậy, sự cảm thông với người lính như một nguyên tắc bất dịch trong ông:

“Thì cái vụ thằng chả bữa hôm ở Lang Xá Bàu đó, ông đừng đưa vội lên Đại Bàng thì tụi tui giàu to biết mấy. Chỉ cần hai thùng nước lã là nó chỉ, nó khai hết…Tôi nói, thôi dẹp cha chuyện đó đi, khai thác tù binh là bổn phận của tiểu đoàn, đâu phải quyền tao. Tụi mày than phiền mãi, chán phèo…

-…Ông nhân đạo quá. Đ.M…Việt Cộng nó giết mình như ngóe mà bắt được thằng nào ông cũng cấm đánh đập…” (Buổi dừng chân- Lê Bá Lăng)

Dường như, Thái Luân (Nguyễn Hồng Phúc) bước vào chiến tranh bằng trái tim của người nghệ sĩ. Cho nên, không chỉ với người lính, sự bao dung, lòng nhân ái của ông đến với cả mọi tầng lớp người trong xã hội. Thi tập Vùng tủi nhục ra đời năm 1966 gây tiếng vang trên văn đàn, song mang nhiều phiền lụy đến cho Thái Luân. Đứng về phía những cô gái làm cái nghề được cho là đi ngược lại đạo đức của xã hội, trong lúc nước sôi, lửa bỏng như vậy, ngoài sự cảm thông, tôn trọng, ta còn thấy lòng can đảm của Thái Luân. Và Lời cám ơn bar, là một bài thơ được ông viết trong hoàn cảnh ấy. Nó đã phá vỡ tư tưởng cổ hủ, và bóc trần bộ mặt thật của con người, xã hội lúc đó. Có một điều đặc biệt, bài thơ có tính khẩu ngữ trần trụi này, nếu tách ra, nó chỉ là những câu nói thường nhật. Nhưng ghép lại, nhìn tổng thể, nó trở thành bài thơ rất mới, lạ ở thời điểm đó:

“Xin cám ơn những cô gái bán bar nhỏ con

Đã gồng mình chịu đựng

Vì cuộc sống

Của các cô

Và của Việt Nam.

Thưa thầy giáo, thưa công chức:

Xin đừng vênh vênh cái mặt đạo đức

Chửi người ta

Con gái Huế bây giờ đi bán bar!” (Thái Luân- Lời cám ơn bar)

Tuy là một sĩ quan trực tiếp cầm súng ngoài mặt trận, nhưng cái tư tưởng chán ghét chiến tranh, khinh bỉ những kẻ gây ra cuộc chiến đầy ăm ắp trong thơ Thái Luân. Mượn sân khấu hề chèo, Thái luân chọc thẳng vào cái ung nhọt của xã hội. Thông qua bài thơ: Bi hài kịch với những hình ảnh ẩn dụ, Thái Luân cho ta thấy, một sự mỉa mai, châm biếm rất sâu cay về hiện thực cuộc sống:

“Đạo diễn đưa tay lên,

Đạo diễn đưa tay xuống,

Bi hài kịch còn dài

Bi hài kịch chưa thôi.

Diễn viên và khán giả

Ai cũng buồn như ai!” 

Tuy nhiên, Bi hài kịch, hay Lời cám ơn bar chưa hẳn là những bài thơ hay của Thái Luân, khi nó nằm trong mạch của bài viết, mà tôi lấy làm dẫn chứng. Nhắc đến Thái Luân (Nguyễn Hồng Phúc) người đọc sau này biết nhiều hơn với những tác phẩm rất hay như: Nửa Hồn Xuân Lộc, Tháng Tư, lính không cần hớt tóc, hay Mặc kệ ai bỏ làng bỏ nước… dưới bút danh Nguyễn Phúc Sông Hương.  

Có thể nói, những nhà văn miền Nam (1954-1975) không chịu ảnh hưởng, chi phối bởi bất kể thế lực, đảng phái nào. Cái tôi, và tự do tư tưởng, sáng tạo của họ đã được coi trọng, phát triển. Với tư tưởng như vậy, nên nền Văn học miền Nam được hình thành bởi những giá trị hiện thực, và nhân đạo là điều hiển nhiên. Với tôi đó chính là một nền văn học đích thực.

Tuy nhiên, khi đi sâu vào đọc, nghiên cứu, ta có thể thấy miền Nam không phải không có một bộ phận văn thơ tuyên truyền, tâm lý chiến phục vụ cho chiến tranh. Thứ văn thơ tuyên truyền, tâm lý chiến thời vụ này, đã ngỏm củ tỏi ngay sau khi nó ra đời. Sách báo miền Nam vẫn còn kiểm duyệt, và đục bỏ những trang viết có thể gây quá bất lợi cho cuộc chiến, khi in ấn, xuất bản. Những lý do, việc làm này đã dẫn đến hạn chế và nhược điểm không nhỏ cho Văn học miền Nam ở giai đoạn này.

Leipzig ngày 15-11-2021

Đỗ Trường

Monday, November 1, 2021

TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ 5 NĂM VÀNG SON 1955 - 1960

 

Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cựu tổng trưởng Kế Hoạch VNCH

Từ trên cao nguyên Tây Tạng con sông Cửu Long cuồn cuộn chảy như thác lũ xuống phía Nam qua tỉnh Vân Nam, tới Lào, Thái Lan, Cambodia, rồi Việt Nam trước khi ra Biển Đông.
May cho miền Nam Việt Nam là có hồ lớn Tonle Sap ở Cambodia hút đi một phần lớn lượng nước từ thượng nguồn, cho nên từ đây dòng sông lại uốn khúc hiền hòa chảy vào. Tới gần biên giới thì con sông chia ra làm tám nhánh. Nhưng con số “9” được coi là may mắn cho nên phải tìm ra cho được một nhánh nữa, tuy là rất nhỏ (dài khoảng 10 dặm) để cộng lại thành ra chín nhánh, gọi là Cửu Long Giang. Dòng sông Chín Con Rồng uốn mình tưới nước cho vùng đồng bằng Nam Bộ màu mỡ, phì nhiêu, trở thành vựa lúa của cả nước. Người nông dân nơi đây chỉ cần trồng mỗi năm một vụ là cũng đủ ăn, lại còn dư thừa để tiếp tế ra miền Bắc và xuất cảng.

Tổng Thống Ngô Đình Diệm (phải) hội đàm với Tổng Thống Lý Thừa Vãn ngày 14 Tháng Mười Một, 1958 khi nhà lãnh đạo Nam Hàn thăm Việt Nam. (Hình minh họa: Keystone/Getty Images)
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Nhưng trong 10 năm chiến tranh loạn lạc, trên một phần ba đất trồng trọt đã bị bỏ hoang, nhường chỗ cho những bụi rậm và cỏ dại lan tràn. Một phần lớn hệ thống kênh rạch cũng bị khô cạn hay sình lầy. Hệ thống bơm nước, thoát nước cũng bị hư hại. Bởi vậy, sản xuất thóc gạo của miền Nam trong 10 năm trước 1955 bị giảm đi đáng kể. Ngoài ra, các phương tiện giao thông như đường bộ, đường sắt, cầu cống và các cơ sở công kỹ nghệ như đường trắng, rượu bia, sợi bông cũng đều bị hư hại. Cho nên vào năm 1955, khi “Một Quốc Gia Vừa Ra Đời,” như báo chí Mỹ tuyên dương, thì quốc gia ấy phải đối diện với bao nhiêu khó khăn khôn lường.

Ngân sách của Pháp để lại thì thật eo hẹp. Kỹ sư, chuyên viên trong mọi lãnh vực đều hết sức hiếm hoi vì Pháp đã rút đi hầu hết, để lại một lỗ hổng lớn cho cả nền kinh tế lẫn hành chánh, giáo dục, y tế.

May mắn là trong năm năm đầu, từ mùa Thu 1955 tới mùa Thu 1960, miền Nam có được năm năm vàng son, vừa có hòa bình lại được đồng minh Hoa Kỳ hết lòng yểm trợ vật chất và kỹ thuật, cho nên thu lượm được nhiều kết quả có thể nói là vượt bực. Hồi tưởng lại thời gian ấy, nhiều độc giả chắc còn nhớ lại cái cảnh thanh bình khi các em học sinh mặc áo chemise trắng, quần xanh, các nữ sinh với những chiếc áo dài trắng tha thướt ngày ngày cắp sách đến trường.

Cha mẹ, anh em thì lo công việc làm ăn. Giàu có thì chưa thấy nhưng hầu hết đủ ăn đủ mặc, xã hội trật tự, kỷ cương. Tuy có nhiều bất mãn khó tránh về chính trị, tôn giáo và xã hội, nhưng tương đối thì chúng ta phải công nhận rằng đây là thời gian hào quang nhất của VNCH.

Định cư gần 1 triệu người di cư từ miền Bắc

Công việc đầu tiên và khẩn cấp nhất là phải định cư tới gần 1 triệu người – trong đó có gia đình tác giả, tương đương 7% dân số miền Bắc di cư vào Nam. Đoàn người này hoàn toàn “tay trắng.” Chúng tôi gọi là đoàn người “bốn không:” Không nhà cửa, không đất đai, không tiền bạc, và không có ngành nghề chuyên môn ngoài nghề nông.

Làm sao tìm được nơi ăn, chỗ ở, tạo dựng lại được công ăn việc làm, đào giếng nước, xây nhà thương, bệnh xá, trường học cho con em để đáp ứng nhu cầu? Ngoài việc hành chính, lại còn tìm đâu ra bác sĩ, y tá, thầy dạy cho con em.

Sau này khi nói về thành công của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Tổng Thống John F. Kennedy của Mỹ viết cho ông nhân ngày Quốc Khánh 26 Tháng Mười, 1961 như sau:

“Kính thưa tổng thống,
Thành tích mà ngài đạt được để đem lại niềm hy vọng mới, nơi cư trú và sự an ninh cho gần một triệu người lánh nạn cộng sản từ miền Bắc nổi bật như một trong những nỗ lực đáng được tán dương nhất và được điều hành tốt nhất trong thời kỳ hiện đại.”

Tái thiết và phát triển nông nghiệp

Ưu tiên của công việc tái thiết và phát triển phải là nông nghiệp vì đại đa số nhân dân làm nghề nông. Đồng bằng Cửu Long là vựa lúa của cả nước, nhưng sản xuất đã giảm đi đáng kể trong 10 năm ly loạn.

Thời tiền chiến, sản xuất lên tới 4.2 triệu tấn (1939). Tới 1954 chỉ còn 2.5 triệu tấn. Năm 1939 xuất cảng gạo là gần 2 triệu tấn, năm 1954 còn 520,000 tấn.

Tại vùng đồng bằng, trong tổng số 7 triệu mẫu đất trồng trọt có tới 2.5 triệu mẫu (trên một phần ba) bị bỏ hoang. Lúa gạo là mạch máu của người dân cho nên công việc đầu tiên là phải đưa diện tích này vào canh tác. Đây là một cố gắng vượt mức vì không những nó đòi hỏi phải tốn phí nhiều tiền bạc, công sức, để sửa chữa lại hệ thống thủy lợi, vét nạo kênh rạch, lại còn làm sao xây dựng được quyền sở hữu đất đai và phương tiện sản xuất cho người nông dân.

Cải cách điền địa: Khó khăn và giải pháp thành công

Người khôn của khó. Lo lắng chính của người dân là làm sao có được một mảnh đất để sinh sống. Nếu như mảnh đất ấy lại nằm gần nước thì là vàng. “Đất nước tôi:” Đất và nước. Chỉ có người Việt Nam chúng ta mới dùng hai chữ “đất” và “nước” để chỉ quê hương, tổ quốc mình, vì tấc đất là tấc vàng.

Các biện pháp cải cách ruộng đất bắt đầu vào năm 1955 với biện pháp giới hạn địa tô (tiền thuê đất) và những biện pháp giúp cho tá điền có được sự yên tâm về quyền sử dụng đất.

Cải cách điền địa là công việc rất khó khăn của các chính phủ Châu Á, nhưng ở miền Nam Việt Nam thì nó là khó khăn nhất. Làm sao mà lấy ruộng của người này chuyển cho người khác, nhất là khi đất canh tác lại tập trung vào một số rất nhỏ đại điền chủ? Họ là những người nắm thực quyền tại địa phương và gián tiếp, tại đô thị. Ở đồng bằng sông Cửu Long, sự tập trung quyền sở hữu đất vào một số điền chủ là cao nhất ở vùng Đông Nam Á: Chỉ có 2.5% điền chủ sở hữu tới một nửa diện tích canh tác, trung bình mỗi điền chủ có hơn 50 mẫu đất. Khi chúng tôi vừa mới di cư từ Bắc vào Nam thì đã nghe câu “nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa.” Đây là tứ đại gia, tuy họ ở Sài Gòn, Chợ Lớn, nhưng là những ông đại diền chủ của vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long.

Trước tình huống ấy, Tổng Thống Diệm phải đối mặt với một khủng hoảng xã hội tiềm ẩn về chương trình cải cách điền địa. Tuy vậy, ông vẫn đặt vấn đề này là ưu tiên số một của chính sách kinh tế, bắt đầu ngay từ 1955, bằng việc cải tổ quy chế tá điền.

Để hỗ trợ cho nông dân được yên tâm khi chồng cày vợ cấy, điền chủ phải ký hợp đồng với tá điền về những điều kiện thuê đất: Tiền thuê đất, thời hạn thuê, triển hạn khế ước, giảm tô trong trường hợp mất mùa.

Kết quả về nông nghiệp trong năm năm là khả quan: Sản xuất cây lương thực tăng 32%, vượt qua tất cả mức sản xuất thời tiền chiến. Năm 1959, sản xuất gạo lên 5.3 triệu tấn, cao nhất trong lịch sử kinh tế miền Nam cho tới thời điểm đó. Về xuất cảng, với tổng xuất cảng là 340,000 tấn, năm 1960 cũng đánh dấu mức xuất cảng cao nhất.

Phát triển công kỹ nghệ và áp đặt quy chế “Quốc tịch Việt”

Dưới thời Pháp thuộc, kỹ nghệ và tài nguyên hầu như không được phát triển vì người Pháp chia ra hai vùng rõ rệt: Miền Bắc tập trung vào kỹ nghệ và khai thác hầm mỏ, miền Nam tập trung vào nông nghiệp và một số sản phẩm tiêu thụ như nhà máy bia, diêm quẹt, thuốc lá, độc quyền thuốc phiện. Bởi vậy, từ 1955, miền Nam bị cắt đứt tiếp liệu về than và khoáng sản. Chuyên viên kỹ thuật, kỹ sư lại thật ít ỏi vì Pháp đã rút đi hầu hết.

Từng bước, chính phủ bắt đầu khai thác tài nguyên với ba dự án chính: Mỏ than Nông Sơn, thủy điện Đa Nhim, và mỏ phốt phát tại Hoàng Sa – Trường Sa. Lúc ấy thì chưa biết là có dự trữ dầu lửa lớn ở những quần đảo này.

Một chuyện ít người biết là việc đổi quốc tịch

Nhiều người lên án hành động của Tổng Thống Diệm là độc tài khi ông đưa ra quy định vào mùa Hè 1955, căn bản là nhắm vào các thương gia người Hoa (đa số sinh sống ở Chợ Lớn): Nếu muốn làm ăn ở Việt Nam thì phải đổi sang quốc tịch Việt Nam.

Chúng tôi nghiên cứu thì mới biết lý do thầm kín của biện pháp này. Đó là vì thời gian ấy, cơ sở kỹ nghệ ở miền Nam căn bản là thuộc quyền sở hữu của người Pháp. Cho nên khi Tổng Thống Diệm quyết tâm đẩy người Pháp ra khỏi miền Nam thì ông tiên liệu trước và mở đường để người Hoa nhập quốc tịch Việt Nam, với mục đích là để cho họ (vì có nhiều vốn liếng) sẽ có thể mua lại những cơ sở kỹ nghệ của người Pháp. Há miệng mắc quai: Khi bị chỉ trích là áp đặt, độc tài thì ông đành phải cam chịu trong yên lặng. Mặt khác, biện pháp này còn có cái lợi là đưa cộng đồng người Hoa vào khuôn khổ luật pháp của Việt Nam để có thể kiểm soát những kinh doanh có chiều hướng làm lũng đoạn nền kinh tế. Người Hoa nắm giữ tất cả các hệ thống phân phối trên thị trường, cho nên dễ đầu cơ tích trữ.

Một kích thích kinh tế nổi bật khác là chính sách cởi mở, ưu đãi đối với các nhà đầu tư ngoại quốc: Bảo đảm về chiến tranh, cam kết không tịch thu hay quốc hữu hóa tài sản của người ngoại quốc, ưu đãi về thuế má và cho phép chuyển tiền lời ra ngoại quốc.

Hạ tầng cơ sở

Tái thiết mạng lưới giao thông bị hư hại trong thời chiến và xây dựng thêm nữa là đòi hỏi tiên quyết cho việc phát triển kinh tế và xã hội. Tới năm 1960, hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy và các tuyến hàng không đã được cải thiện và mở rộng đáng kể. Hệ thống vận chuyển hiện đại bao gồm đường sắt, một mạng lưới các đường quốc lộ, liên tỉnh lộ, hương lộ, đường thủy, và đường hàng không.

1-Đường bộ: Tới đầu thập niên 1960, trong khoảng 9,000 dặm đường thì đã có hơn 2,000 dặm là bê tông nhựa, 3,000 dặm đường có cán đá, và khoảng 4,000 dặm là đường hương lộ.

2-Đường sắt: Năm 1955 giao thông đường sắt cũng bắt đầu được sửa chữa và canh tân. Tới 1959 toàn thể hệ thống bao gồm 870 dặm, gồm một tuyến đường chính chạy từ Sài Gòn đến Đông Hà, nối kết toàn bộ các tỉnh dọc miền duyên hải (nhiều khúc bị cắt đứt trong 12 năm chiến tranh). Một chi nhánh đường sắt (có móc để leo đồi) đi từ Phan Rang lên Đà Lạt, và một chặng nối với mỏ than Nông Sơn. Một khúc ngắn về phía Đông Bắc, đi từ Sài Gòn tới Lộc Ninh.

3-Hàng không: Hãng hàng không quốc gia Việt Nam – Air Vietnam – được thành lập lúc đầu để bay trong nước. Ngoài phi trường Tân Sơn Nhất, các phi trường được sửa chữa lại và xây dựng thêm gồm Huế, Đà Nẵng, Nha trang, Qui Nhơn, Biên Hòa, Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Pleiku, Hải Ninh, Cần Thơ, và Phú Quốc. Ngoài ra, còn những phi đạo nho nhỏ do các đồn điền Pháp xây dựng. Từ nội địa, Air Vietnam bắt đầu bay tới Phnom Penh, Siem Reap, Bangkok, Vientianne, và Savannakhet. Đường bay quốc tế phần lớn được các hãng Air France, Pan American, World Airways, British Airways, Royal Dutch, Cathay Pacific, và Thai Airways đảm trách.

Ngân hàng và tiền tệ

Thiết lập được một ngân hàng trung ương và một hệ thống ngân hàng thương mại để thay thế cho Banque de L’Indochine và các ngân hàng thương mại Pháp ở Sài Gòn là một thành quả lớn lao của thời Đệ Nhất Cộng Hòa, nhưng nó cũng là nguồn gốc của sự căm phẫn của giới tư bản Pháp, cho nên họ chống đối ông Diệm kịch liệt.

Ngay từ Tháng Giêng, 1955, Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam được thành lập để phát hành đồng tiền Việt Nam và thực hiện các nghiệp vụ của một ngân hàng trung ương tân tiến.

Giáo dục và đào tạo

Xét đến cùng, con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển kinh tế lâu dài. Trong thời kỳ 1955-1960, miền Nam Việt Nam phát triển giáo dục rất nhanh.

1-Tiểu học: Năm 1960, miền Nam có tới 4,266 trường tiểu học công và 325 trường tiểu học tư thục. Tổng số học trò lên tới gần 1,200,000.

2-Trung học: Các trường trung học công lập tăng từ 29 lên 101 trường. Thí dụ như trường Gia Long, số học sinh tăng từ 1,200 lên tới 5,000.

3-Đại học: Trước năm 1954, miền Nam không có đại học. Muốn học cử nhân phải ra Hà Nội. Năm 1955 chính thức thành lập Đại Học Sài Gòn, rồi tới Đại Học Huế, Đại Học Đà Lạt. Tới năm 1962 số sinh viên lên tới 12,000.

Xem như vậy, thành quả của “Năm Năm Vàng Son 1955-1960” là thời gian trân quý nhất của VNCH.

Nhân ngày Quốc Khánh 26 Tháng Mười, 1960, Tổng Thống Dwight Eisenhower của Mỹ viết cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm như sau:

“Kính thưa tổng thống,
Trong năm năm ngắn ngủi kể từ khi thành lập nước Cộng Hòa, nhân dân miền Nam đã phát triển đất nước của mình trong hầu hết các lĩnh vực. Tôi đặc biệt ấn tượng qua một thí dụ. Tôi được thông báo rằng năm ngoái hơn 1,200,000 trẻ em Việt Nam đã có thể đi học trường tiểu học, như vậy là nhiều hơn gấp ba lần so với năm năm trước đó. Điều này chắc chắn là một yếu tố hết sức thuận lợi cho tương lai của Việt Nam.”

Hòa bình là một điều kiện tiên quyết cho xây dựng và phát triển. Nhân dân miền Nam đã có được năm năm vàng son để làm ăn, sinh sống trong hoàn cảnh tương đối là thanh bình.

Tuy còn nghèo nhưng mỗi ngày lại thêm một bước tiến. Bao nhiêu độc giả cao niên còn nhớ lại những kỷ niệm êm đềm về thời gian ấy. Thí dụ, quý vị có thể đi bất cứ nơi nào một cách tự do từ Cà Mau ra tới tận Đông Hà. Mờ sáng lên xe buýt ra Vũng Tàu tắm biển hay buổi chiều đến ga xe lửa gần chợ Bến Thành mua vé đi Đà Lạt. Chỉ trong chốc lát, con tàu bắt đầu phun khói, còi tàu rít lên trước khi khởi hành. Khi mặt trời mọc lên thì tàu chạy ngang bờ biển cát trắng Phan Rang, rẽ trái rồi ỳ ạch leo tuyến đường sắt có móc để trèo dốc lên Đà Lạt. Cái thú vui khi rời ga Đà Lạt (đẹp nhất Đông Nam Á) để mau tới “Café Tùng” hay “Phở Bằng” thưởng thức một ly cà phê sữa nóng thì khó có thể diễn tả được.

***

Với sự thông minh, cần cù của người dân Việt thì chỉ cần có hòa bình là tiến bộ trông thấy. Người dân lam lũ vất vả nhưng luôn vui với cuộc sống. Người nông phu không quản ngại thức khuya, dậy sớm để cày sâu cuốc bẫm, chờ đợi cho tới ngày lúa vàng.

Tâm tư ấy luôn được phản ảnh trong thơ văn, âm nhạc miền Nam trong thời gian này. Trời mùa Hè oi ả, nóng nực, nhưng đêm đêm tiếng hát của ca sĩ Thái Thanh vọng ra từ những chiếc radio transistor nho nhỏ vẽ lên hình ảnh đồng quê thanh bình, đem lại luồng gió mát làm cho lòng người lắng dịu:

“Mùa màng năm nay, gạo tròn ta xay
Đêm đêm thức giấc lúc gà chưa gáy
Vì đời an lành, nên lúa đa tình
Hứa cho đôi mình kiếp sống thanh bình.”

Và khi thanh bình, con người lại đối xử với nhau cho hài hòa thì mọi việc – dù là tát cạn Biển Đông – cũng đều có thể ước mơ, như trong bài “Vợ chồng quê” của nhạc sĩ Phạm Duy:

“Hỡi em tát nước bên ngòi,
Nàng ơi, Biển Đông ta tát cạn,
Nàng nàng ơi, cho đời thuận nhau.”

Tuy các kết quả phát triển kinh tế xã hội đó thật là nhỏ nhoi theo tiêu chuẩn ngày nay, nhưng đáng kể so với các nước láng giềng thưở ấy, như ngay cả Nam Hàn, dưới thời Tổng Thống Lý Thừa Vãn. Miền Nam Việt Nam thực sự đã đặt được những viên gạch đầu tiên trong các năm 1955-1960 cho mô hình phát triển sau này của chính Nam Hàn dưới thời Tổng Thống Phác Chính Hy, như chúng tôi đã đề cập trong cuốn sách “Khi Đồng Minh Nhảy Vào” (Chương 13).

Xây dựng và phát triển trong hòa bình đã đưa miền Nam tới chỗ vươn lên – kinh tế học gọi là điểm cất cánh (take-off) để trở thành một cường quốc tại Đông Nam Á.

Buổi bình minh của nền Cộng Hòa do Tổng Thống Ngô Đình Diệm khai phóng thật là huy hoàng rực rỡ. Nhiều quan sát viên ngoại quốc cho rằng đây chính là “một cuộc cách mạng đã bị mất đi” (the lost revolution) của miền Nam Việt Nam. [đ.d.]

 

 https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/tt-ngo-dinh-diem-va-5-nam-vang-son-1955-1960/

Saturday, October 9, 2021

NGUỒN GỐC QUỐC KỲ NỀN VÀNG 3 SỌC ĐỎ VIỆT NAM CỘNG HÒA

 Năm 1890, vua Thành Thái xuống chiếu thay đổi quốc kỳ chữ Hán (Long Tỉnh Kỳ) bằng quốc kỳ mới. Lá cờ nền Vàng Ba Sọc Đỏ lần đầu tiên được cấu tạo và được dùng làm cờ nước và được đặt tên là ĐẠI NAM QUỐC KỲ.

Lá cờ mới có nền vàng với ba vạch nằm ngang màu đỏ ở giữa tượng trưng cho 3 vùng Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ vốn đang bị chia cắt lúc đó (Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp còn Bắc Kỳ và Trung Kỳ là xứ bảo hộ của Pháp). Để qua mặt thực dân Pháp, ông giải thích rằng biểu tượng trên lá cờ là quẻ "càn" (☰) trong kinh dịch vốn tượng trưng cho Trời. Thực dân Pháp dù rất tức giận nhưng không thể làm gì được. Lá cờ này được coi như là "quốc kỳ" thực sự đầu tiên trong lịch sử Việt Nam..
* Quốc kỳ với nền Vàng Ba Sọc Đỏ được dùng trong hai triều đại Kháng Pháp dưới sự lãnh đạo của vua Thành Thái (1890) và vua Duy Tân (1920).
Có một số người Việt Nam lại không biết rằng lá cờ vàng 3 sọc đỏ là Quốc kỳ của QUỐC GIA VIỆT NAM được
Quốc trưởng Bảo Đại dùng lại từ năm 1948 đến năm 1955, và đã được người dân Hà Nội chào đón Quốc trưởng Bảo Đại khi ngài đến thăm Hà Nội năm 1954 trước khi chia đôi đất nước... 

Đến năm 1955, VIỆT NAM CỘNG HÒA chế độ kế tục QUỐC GIA VIỆT NAM.

Cờ vàng ba sọc đỏ ở Hà Nội, miền bắc trước 1954. Có phủ chủ tịch và các dân tộc thiểu số miền bắc khi Quốc trưởng Bảo Đại đến thăm Hà Nội

Friday, September 17, 2021

SÀI GÒN, KABUL VÀ NỒI CANH CHUA CỦA MÁ

Minh Lý

  • 2 tháng 9, 2021

Má tôi nấu canh chua cá kho tộ ngon nhất đời… chúng tôi. Ăn gì ăn, đi đâu đi, rồi cũng lại thèm canh chua cá kho Má nấu. Má là “dân miền Nam” thứ thiệt, con gái Long An, lấy chồng Sài Gòn, sống nửa đời ở Sài Gòn rồi qua nửa vòng Trái đất đến Sài Gòn Nhỏ (Little Saigon) sống ở miền Nam California tới giờ.

Mà ở đâu Má cũng nấu canh chua.

Canh chua cũng là món Ba chúng tôi ưa thích. Hồi trước 1975, mỗi lần nghỉ phép về lại Sài Gòn, ông sĩ quan ấy chỉ mong sà vào mâm cơm của vợ với món canh chua nóng hổi ngào ngạt, sà vào cái tình gia đình chồng vợ ấm áp giữa tháng năm chiến tranh sống chết điêu linh. Tháng Tư năm 1975, ông đã từ chối những cơ hội di tản mà một sĩ quan cấp tá như ông có thể có được. Ông nghĩ đến cha mẹ anh em dòng họ, người Mỹ bỏ đi nhưng mình làm sao bỏ đi, nhà mình đây, vợ con mình đây, canh chua cá kho mình đây…

Ngày 30 Tháng Tư chúng tôi ngơ ngác trước những ồn ào thay đổi ngoài đường, nhưng trong nhà lại vui vì đã có Ba về. Ba về hẳn. Chúng tôi luôn thèm Ba, những đứa con của lính trận xa nhà luôn thèm có Ba. Tôi đi theo hít hà mùi áo Ba. Ba mặc áo sơ mi quần tây, đeo mắt kính, nhìn như thầy giáo, đó cũng là mơ ước lớn nhất của ông, sẽ có ngày được giảng dạy ở trường quốc gia hành chánh.

Ngày 30 Tháng Tư 1975 đó, chúng tôi đã không ra đi, khi người Mỹ cuối cùng rút khỏi Sài Gòn.

Ngày 30 Tháng Tám 2021 này, Má ngồi trước màn hình tivi ở nhà đứa con trai út ở North Carolina, như hàng tỷ người trên thế giới đang theo dõi những giờ phút cuối cuộc rút quân “khó khăn và đau đớn” của quân đội Mỹ ở sân bay Kabul. Chiến dịch quân sự kéo dài 20 năm của quân đội Mỹ tại Afghanistan đã kết thúc với hình ảnh Thiếu tướng Christopher Donahue trong quân phục dã chiến, xách súng carbine M4, bước lên chiếc vận tải cơ C-17 cuối cùng rời sân bay Kabul lúc 15:29 ngày 30 Tháng Tám.

Chín năm trước, con trai út của Má, Trung tá Nhựt Lý, cũng từ sân bay Kabul này rời Afghanistan, sau chín tháng đóng quân ở đây. Chín năm trước, má cũng tiễn con đi và đón con về từ chiến trường Afghanistan bằng bữa cơm canh chua cá kho của Má. Còn Má trong chín tháng con trai ở Afghanistan đó, bà chỉ ăn chay, và niệm Phật hàng đêm. Để cầu mong con và đồng đội của con được nguyên vẹn trở về.

Cựu trung tá Nhựt Lý (ảnh gia đình tác giả cung cấp)

Nên hôm nay khi nhìn những người lính Mỹ cuối cùng rời sân bay Kabul, Má nhớ ngay cái cảm giác của chín năm trước. Má đã mừng tủi thế nào khi nhận được tin Nhựt đã trở về Mỹ an toàn, vào cái năm thứ 12 của cuộc chiến đã lấy đi sinh mạng của 2,000 lính Mỹ ở thời điểm ấy. Ngày hôm đó, Má đến trước tấm ảnh Ba, thầm thì: Anh à, con đã về!

Ba chúng tôi đã vĩnh viễn không thể về ăn những tô canh chua Má nấu sau ngày hòa bình, khi tiếng súng đã ngưng. Ông nằm lại trong một gò đất hoang vu ở một nơi rất xa Sài Gòn, trên giải đất hình chữ S đã được nối liền. Bảy năm sau đó, má con tôi cũng phải ra đi khỏi giải đất hình chữ S thân thương ấy, vì không thể nào tiếp tục sống ở đó. Bởi tôi chắc chắn không bao giờ vào được đại học với cái lý lịch “nguỵ quân” xếp hạng tận cùng thứ 15, thằng út em tôi có những ngày bị đói đến lả người. Má tôi gầy gò như một nhánh cây khô trĩu nặng năm đứa con thơ tương lai mờ mịt. Nước Mỹ, sau cuộc chiến 20 năm ở Việt Nam, đã đón nhận chúng tôi, vợ con một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa.

Nước Mỹ hôm nay, một lần nữa, lại vừa rút ra khỏi cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan, cuộc chiến được coi là dài nhất lịch sử Mỹ. Cũng trong những ngày cuối Tháng Tám, chúng tôi nhìn lên màn ảnh tivi, nhìn những gương mặt người trong cơn di tản, những cột khói bốc lên, những chuyến bay cuối cùng rời khỏi đường băng,

nhớ 30/4,
nhớ Ba,
nhớ cả hành trình của gia đình,
nhớ cả oan khiên của dân tộc.

Má bây giờ vẫn nấu canh chua cho thằng Út, một trung tá quân đội, trong những bữa cơm chiều ở nhà nó. Thằng Út của Má ngày 30 Tháng Tư 1975 chỉ mới vừa ba tuổi. Lúc Ba chúng tôi mất, nó còn chưa kịp có ký ức nào về Ba ngoài cái trụ sở Ủy ban phường ngày nó theo Má lên đó nhận giấy báo tử. Thế rồi sang đây nó lại theo nghiệp nhà binh. Nó học rất giỏi, vừa đi lính vừa lấy bằng đại học về ngôn ngữ rồi lấy bằng bác sĩ. Nó hiền như củ khoai, chưa bao giờ nghe nó nói một lời thù hận nào, không biết nó có còn nhớ cái Ủy ban phường đó không, bởi không thấy nó nhắc gì trong những lần về Sài Gòn cùng đoàn thiện nguyện “Project Vietnam” có ghé thăm nhà cũ ở khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật…

Người Mẹ (ảnh tác giả cung cấp)

Năm tháng qua đi, những cuộc chiến qua đi, chỉ còn lại Má tôi, với nồi canh chua, ngồi lại. Cuộc chiến Việt Nam, rồi cuộc chiến Afghanistan, bà đều tiễn chồng rồi tiễn con đi vào nơi khói lửa, với nồi canh chua ấy. Cái dáng cần mẫn gọt bạc hà, lặt ngò ôm, dằm me, rửa cá… chuẩn bị cho nồi canh chua trong bữa cơm đưa tiễn của một người vợ, một người mẹ – giá mà tôi có thể vẽ lại được, tạc lại được. Như tạc về một thân phận Việt Nam trong cơn biến loạn lịch sử từ cuối thế kỷ trước đến đầu thế kỷ này.

Người Mẹ (bìa trái) trong bữa cơm với canh chua trước ngày cựu trung tá Nhựt Lý (áo thun trắng) sang Afghanistan- Tháng Ba năm 2012 (ảnh gia đình tác giả cung cấp)

May mắn là tôi đã kịp lưu lại tấm ảnh chụp bữa cơm gia đình trong ngày tiễn Nhựt chuẩn bị sang Afghanistan (Tháng Ba 2012) từ Yahoo Blog. Tô canh chua giữa mâm, bàn tay cầm đũa của Nhựt, và mái tóc trắng phau của Má nơi góc bếp, ở đó, mãi đó.

Nguồn: https://saigonnhonews.com/muon-neo-duong-doi/sai-gon-kabul-va-noi-canh-chua-cua-ma/

Tuesday, August 31, 2021

TÁI CHIẾM CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ NGÀY 16 THÁNG 9 NĂM 1972

 MX Ngô Văn Định


Trước khi đề cập tới ngày tái chiếm cổ-thành Quảng-Trị. Ngược lại dòng thời-gian khởi sự ngày 1 tháng 5-72.
Tin tình báo cho biết quân BV sẽ tác xạ 10 ngàn quả đại bác 130 ly vào cổ-thành và Thị-xã Quảng-Trị ngày 1 tháng 5-72.
Để tránh tổn thất nhân mạng nếu cuộc pháo kích xẩy ra. Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai TL SĐ3/BB cho lệnh các đơn-vị di-tản để tránh pháo.
Cuộc di-tản này lại trở nên một cuộc lui binh hỗn-loạn về hướng Mỹ-Chánh. Dọc đường các đơn vị này cũng bị các đơn-vị Bắc-Việt pháo và chận đánh lẻ tẻ trên đường rút.
Sự việc trên đã đưa đến hậu-quả là thành-phố và cổ-thành Quảng-Trị bỏ ngỏ và đã bị quân-đội Bắc-Việt chiếm kể từ ngày 1-5-72.
LĐ 369 do Đại-Tá Phạm-Văn-Chung LĐT lúc này đang trách-nhiệm án-ngữ tuyến sông Mỹ-Chánh đã chỉ-huy các Tiểu-Đoàn TQLC ngăn chặn được lực lượng địch tại sông Mỹ-Chánh phía Nam Hải Lăng 15 cây số, và đánh tan các đơn-vị Việt-Cộng có ý-định di-chuyển về hướng Nam theo Quốc-Lộ 1. Nhờ vậy nên các đơn-vị trực-thuộc SĐ3-BB đã được an-toàn khi về tới Mỹ Chánh.

Trong suốt tháng 5-72, nhiều cuộc tấn-công cấp Trung-Đoàn có chiến-xa tùng-thiết của cộng sản vào khu-vực bố-trí quân của LĐ 369 tại Mỹ-Chánh, nhưng đều bị TQLC và BĐQ đánh tan hoặc đẩy lui.
Cũng thời-gian này, nhiều cuộc hành-quân thăm dò vào khu-vực quận Hải-lăng đã được tổ-chức. Có những cuộc HQ trực-thăng-vận, Hành-Quân Thủy-Bộ vào khu-vực bờ biển Mỹ-Thủy và đã có nhiều cuộc đụng-độ với cấp Trung-Đoàn quân chính-quy Bắc-Việt ở khu-vực “Đường Phố Buồn Hiu” tức hương-lộ 555.

Ngày 4-5-72, Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng được bổ-nhiệm chức-vụ Tư-Lệnh Quân-Đoàn 1 thay thế Trung-Tướng Hoàng-Xuân-Lãm.
Thời gian này cũng là khúc quanh quan-trọng trong Binh-Chủng TQLC, Đại-Tá Bùi-Thế-Lân TLP/SĐ được bổ-nhiệm giữ chức-vụ Tư-Lệnh Binh-chủng TQLC thay thế Trung-Tướng Lê-Nguyên-Khang.

Lúc này Quân-lực Mỹ đã chấm dứt tất cả những cuộc hành-quân trên bộ, chỉ còn lại một số Sĩ-Quan cố-vấn để liên-lạc yểm-trợ về vấn-đề phi-pháo xuất-phát từ các hạm-đội ở ngoài khơi Thái-Bình-Dương, cùng các phi-vụ B52 từ Guam và Thái lan.
Tuyến sông Mỹ-Chánh lúc này trở thành tuyến đầu của QĐ1 do Đại-Tá Phạm-Văn-Chung LĐT- LĐ369/TQLC trách-nhiệm.

Ngày 28-6 giai-đọan hành-quân tái-chiếm Quảng-Trị được bắt đầu.
Các đơn-vị Dù, TQLC vượt-tuyến xuất-phát Mỹ-Chánh tiến về Quảng Trị. ND phía tây QL1, TQLC phía Đông QL1. Trung-tướng Ngô-Quang-Trưởng giao cho ND vinh-dự tái-chiếm cổ-thành và thị-xã Quảng-Trị là hai mục-tiêu nằm trên trục tiến quân của TQLC.
Có lẽ Trung-tướng Trưởng muốn dành vinh-dự đó cho SĐ-ND, là đơn vị gốc của ông!

Ngày 11 tháng 7, TĐ1-TQLC được trực thăng vận vào vùng thôn Bích La Nam, đông bắc thị-xã Quảng-Trị chừng 2 cây số. Đây là một vị-trí quan-trọng, nếu chiếm được sẽ làm dễ dàng hơn cho việc tái chiếm Quảng Trị.

Một đoàn gồm 32 chiếc trực thăng đủ loại, 17 chiếc loại CH53 mới nhất của Quân-Đội Hoa Kỳ (1972) chở dược 60 người, 15 chiếc Chinook CH46 chở 20 người được dùng để di-chuyển TĐ1/TQLC đến mục-tiêu. Khi tới bãi đáp, một trực-thăng đã bị hỏa-tiễn SA7 bằn trúng làm nổ tung, đa số quân trên máy bay đều tử-nạn. Trong số 32 chiếc trục-thăng xử-dụng thì đã có 29 chiếc bị trúng đạn phòng-không, 1 nổ tung ở bãi đáp, 2 chiếc bị rớt (1 rớt xuống biển)

TĐ1/TQLC do Thiếu-Tá Nguyễn-Đăng-Hoà chỉ-huy đã bị tổn-thất nặng. Tiểu Đoàn phải đương đầu với lực-lượng hùng-hậu của đối-phương nhưng vẫn cố-thủ dược vị-trí và chống-trả được những cuộc tấn-công của Quân Bắc-Việt.

Sau gần 1 tháng ND và TQLC đã tiến gần đến Quảng Trị, thời gian này cũng có nhiều cuộc đụng-độ mạnh hàng ngày và tổn-thất nhiều.

Nhiều yếu-tố chính-trị liên-quan đến hiên-tình đất nước như VN hoá chiến-tranh, hoà-đàm Ba-Lê, phong-trào phản-chiến ở Mỹ khiến Tổng-Thống và Quốc-Hội Hoa-Kỳ làm đủ moị cách để rút quân đội Mỹ ra khỏi cuộc chiến VN.

Tổng-Thống Thiệu muốn mau chóng chiếm lại Quảng Trị, nơi mà bọn CS có ý định muốn dùng Quảng-Trị để ra mắt chính phủ MTGPMN.

Tôi không hiểu vì lý do gì mà ngày 27-7-72, TQLC được lệnh thay thế ND để tái-chiếm Quảng-Trị. Khi nhận lệnh thì mọi cấp chỉ-huy có những suy nghĩ khác nhau, nhưng cũng chẳng có thì giờ để hỏi tại sao.

Tướng Bùi-thế-Lân nhận-lãnh nhiệm-vụ khó khăn và quan-trọng này trên vai ông, ông cũng vừa mới nhận chức vụ TL/SĐ được một thời gian ngắn. Nhưng Tôi nghĩ ông cũng hãnh-diện và hậu-quả cuả cuộc HQ này sẽ có ảnh-hưởng đến đời binh nghiệp của ông. Sau khi họp bàn và thiết-kế, ông quyết định dùng LĐ 258 do Đại-Tá Ngô-Văn Định (Đồ Sơn) chỉ huy gồm 5 TĐ tác-chiến 1,2,5,6,9 và 1 TĐ Pháo Binh 105 ly TQLC để thay thế vào khu vực của LĐ2/ND do Đại-Tá Trần-Quốc-Lịch chỉ-huy ở phía Tây-Nam cổ thành và LĐ-147 do Đại-Tá Nguyễn-Năng-Bảo (Bắc Ninh) chỉ-huy gồm 3 TĐ tác chiến 3,7, 8 và 1 TĐ pháo binh TQLC làm lực-lương tấn-công ở phía đông cổ thành. LĐ 369 do Đại-Tá Nguyễn-thế-Lương (Lâm Thao) chỉ-huy làm thành phần trừ bị cho Sư-Đoàn.

Mục-tiêu Cổ-Thành được chia làm 2, LĐ 258 nửa Tây-Nam, LĐ 147 nửa Đông-Bắc. Chúng Tôi cũng rất hãnh diện được tham dự vào cuộc HQ có tính cách vô cùng quan trọng này, nhưng chúng tôi cũng có nhiều lo âu suy-nghĩ.  Sự lo âu đây là lo âu chắc chắn là sẽ có tổn-thất lớn lao về nhân-mạng. Mục tiêu là một vị trí trọng yếu được BTL/SĐ3 tổ chức phòng thủ rất kiên-cố trước khi VC chiếm.

Tôi đã có dịp vào họp tại Cổ thành trước ngày 1-5-72. Xung quanh là tường thành cao và có hào nước sâu bao bọc chung quanh.

Lực-lượng địch trong khu-vực lại hơn ta gấp 4 lần có ưu-thế về Pháo-Binh tầm xa, 2 Trung-đoàn chiến-xa, nhiều đơn vị phòng không. Chúng lại có một kho tiếp vận vũ-khí và đạn-dược ở Đông-Hà, hàng ngày có nhiều tầu chở tiếp-liệu vào cảng Cửa-Việt để đưa chiến-cụ và vũ-khí vào cho các đơn vị của chúng ở Quảng-Trị.

Bên ta có ưu-thế về Không-quân chiến-lược, chiến-thuật và Hải pháo.

Công tâm và trung thực mà nói thì cuộc tái chiếm Quảng Trị là một cuộc chiến kinh-hoàng nhất và tổn-thất nhiều nhất cho cả 2 bên trong chiến-tranh VN.

Cũng có một số người vì lý do này hay lý do kia không công-bằng khi nói tới chiến thắng này. Quảng-Trị hàng ngày có mưa bom, mưa pháo không ngừng nghỉ, địa-thế lúc nào cũng rung chuyển như là đang có động đất.

Để đo lường được thế nào là cuộc chiến kinh-hoàng nhất thì phải dựa theo sự tổn-thất. Sau 52 ngày kể từ ngày thay thế SĐ/ND (27-7-1972) đến ngày hoàn-thành nhiệm-vu, đã có trên 3500 quân-nhân TQLC hy-sinh, nhiều ngàn người bị thương.

Trong khi đó về phía quân-đội Bắc-Việt thì các SĐ 308, 304, 325 và các Trung-Đoàn chiến-xa đã bị tổn-thất nặng nề; Riêng hai Trung-đoàn Triệu Hải phòng-thủ trong cổ-thành và Trung Đoàn 48 phòng thủ trong Thị xã coi như bị xoá sổ: 5542 quân BV bị chết tại trận, 83 bị bắt sống làm tù binh, vũ khí tịch thu được đủ loại chất thành đống.

Tất cả 9 TĐ-TQLC đều trực-tiếp tham-chiến, được luân-phiên điều động lên tuyến đầu (xem phóng đồ)

Giai đoạn 1 từ 27-7 đến 29-8

Phóng đồ hành quân của SĐ TQLC khi thay thế SĐ Nhảy Dù tại Quảng Trị 27/7/1972

Giai đoạn 2 từ 29-8 đến 9-9

Phóng đồ hành quân của Lữ Đoàn 258 tại Quảng Trị từ 29/8 đến 9/9/1972

Giai đoạn 3 từ 9-9 đến 16-9-72

Phóng đồ hành quân từ ngày 9/9/1972 đến ngày 16/9/1972

Do đó TĐ3 và TĐ6 đã vào được cổ thành và cùng cắm cờ Vàng 3 sọc đỏ lên tường thành ngày 15-9-1972. Nhưng lễ thượng kỳ chính thì được tổ-chức vào hồi 12 giờ 45 ngày 16-9-72.

     Tiểu Đoàn 6 TQLC                                                                                                    Tiểu Đoàn 3 TQLC

Theo Tôi nghĩ thì vì cũng không có nhiều thời giờ chuẩn bị nên Sư Ðoàn đã chỉ định TÐ6 dựng cờ vì phái đoàn báo chí Ngoại quốc hiện có mặt ở nơi đó gần với TÐ6 thuận tiện để họ chụp hình dựng cờ. Nếu mà ngày hôm dựng cờ mà có được mỗi TÐ đề cử 1 người thì hợp tình hợp lý, vì bên LÐ 258 một mình TÐ6 không thể nào vào được Cổ Thành Quảng Trị nếu không có sự hỗ tương yểm trợ từ các TÐ 1, 2, 5 và 9 đã rất khó khăn mới hoàn toàn kiểm soát được Thị xã. Về phiá LÐ 147 thì Tiểu Ðoàn 7 và 8 cùng hợp lực với góp sức với TÐ3 tấn công vào Cổ Thảnh ở Phiá Ðông bắc. Ba Tiểu Ðoàn Pháo Binh TQLC yểm trợ hoả lực rất hữu hiệu trong suốt muà hè đỏ lửa, các đơn vị Yểm trợ khác như Thiết giáp và Thiết Quân Vận tăng phái yểm trợ hỏa lực và tản thương. Còn 1 đơn vị mà nếu không có sự cố gắng của họ thì chúng ta cũng bó tay, không có quân số chiến đấu, tôi muốn nói đến những anh em đi tuyển mộ.

Tin SĐ/TQLC đã tái-chiếm Quảng-Trị được báo cáo về Saigon. Tổng-Thống Nguyễn-Văn-Thiệu đã triệu-tập khẩn-cấp thành-phần chính-phủ để gửi điện khen-ngợi đến Chuẩn-tướng Bùi-thế-Lân TL/TQLC và toàn thể Sĩ-Quan HSQ và Binh sĩ TQLC đã lập chiến-công oanh-liệt nhất trong cuộc chiến và cho biết sẽ ra thăm tất cả các anh em tại Quảng-Trị.

Ngày 20 tháng 9 năm 1972, Tổng-Thống đã đến thị xã Quảng Trị thăm TQLC, trong khi đại bác 130 ly của CSBV vẫn còn nổ vang.

Sau đây là thư của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu khen ngợi nồng nhiệt và khâm phục vô biên của Tổng Thống và Chính Phủ.

Tôi trận trọng yêu cầu Đại Tướng chuyển đến Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn 1, Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC cùng toàn thể đơn vị và chiến sĩ TQLC đã đánh tan quân Cộng Sản xâm lược ra khỏi Thị Xã và Cổ Thành Quảng Trị, lời ngợi khen nồng nhiệt nhất, đồng thời lòng khâm phục vô biên của Tôi và toàn thể chánh phủ họp tại dinh Độc Lập sáng hôm nay 16-9-72
Bốn ngày trước khi đúc kết chiến dịch 3 tháng thừa thắng xông lên tái chiếm lãnh thổ và sau những tuần lễ đầy hy sinh gian khổ, toàn thể các đơn vị thuộc mọi Quân binh chủng vùng địa đầu giới tuyến đã ghi thêm những nét vàng son sáng chói vào Quân Sử hào hùng của Dân Tộc
Mưu đồ của bọn Cộng Sản xâm lược muốn biến Quảng Trị thành một Bình Long anh dũng, một Kontum kiêu hùng của chúng, đồng thời bám lấy một địa danh tâm lý và chánh trị để lừa bịp dư luận đã bị toàn thể anh em đánh tan ra mây khói.
Một lần nữa, Tôi nhiệt liệt khen ngợi toàn thể anh em đã chiến thắng, Tôi kính cẩn nghiêng mình trước những chiến sĩ hy sinh cho đại nghĩa dân tộc.
Và Tôi sẽ đến thăm anh em
Ký Tên
Tổng Thống VNCH
Nguyễn Văn Thiệu.


Trung Tướng Ngô Quang Trưởng Tư Lệnh Quân Đoàn 1 Quân Khu 1 gửi thư điệp đến Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC ( Nguyên văn đính kèm )

Gửi Chuẩn Tướng
Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến
Tôi đã nhìn Quốc Kỳ tung bay trên nền trời Quảng Trị chỉ ít lâu sau khi những bàn tay kiêu dũng của anh em kéo lên từ trong Cổ Thành hôm 16-9-72.
Tôi đã muốn thấy tại chỗ chiến thắng của anh em để ngay tại chiến trường, tự cảm thấy hãnh diện được chỉ huy Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến trong một chiến dịch qui mô nhất của Quân Đội
Từ Bến Hải đến Cà Mâu, gót chân người chiến sĩ TQLC đã trải qua bao nhiêu thử thách, gian khổ và chiến thắng. Nhưng phải nói rằng đây là lần đầu tiên Sư Đoàn đã chiến đấu trong một hoàn cảnh đặc biệt, đối đầu với nhiểu khó khăn nhất, với một kẻ thù đông gấp bội.
Vì thế chiến thắng Quảng Trị, đánh tan quân Địch, giải phóng thị xã, là chiến thắng lớn nhất lẫy lừng nhất.
Đầu tháng 5 năm 72, khi Quảng Trị bị mất vào tay Địch, Sư Đoàn đã trấn giữ được tuyến Mỹ Chánh và đã góp công đầu, cùng với các đơn vị của Sư Đoàn Nhẩy Dù và Sư Đoàn 1 Bộ Binh trong nhiệm vụ giữ Huế. Hàng trăm ngàn dân Trị Thiên đã phải di tản về Nam trước áp lực của Địch, nhưng tại tuyến Mỹ Chánh anh em đã ngăn được sức tiến của quân thù.
Những cuộc tấn kích hạn chế, sau đó đã được tổ chức trong vùng Hải Lăng để dành lại thế chủ động và lũng đoạn các kế hoạch tiếp tục tiến công của giặc. Sóng Thấn 5 ngày 13 tháng 5 tại Hải Lăng và Đa Nghi. Sóng Thần 6 ngày 24 tháng 5 tại Mỹ Thủy, Sóng Thần 8 vượt tuyến Mỹ Chánh ngày 8 tháng 6 đã đánh vào đầu Địch những đòn nặng, tai hại cho kế hoạch tấn công của Địch, và đã chuẩn bị cho cuộc phản công của quân ta ngày 28-6-1972 là ngày chiến dịch Lam Sơn 72 bắt đầu.
Thủy Quân Lục Chiến và Nhẩy Dù đã gây được một bất ngờ kỳ thú ngay cho cả Địch quân cùng với các Quân binh chủng khác và với một tỷ lệ quân số bạn Địch 1/4, anh em đã đẩy lui được Địch, tiêu diệt một phần lớn tiềm năng chiến đấu của chúng
Và trận chiến gay go nhất đã khởi diễn từ 27-7-72 khi Sư Đoàn tiếp nhận khu vực Thị xã Quảng Trị từ Sư Đoàn Nhẩy Dù. Chiến sĩ TQLC sau 51 ngày tiến chiếm từng tấc đất, từng ngôi nhà, đã dành lại được toàn bộ Thị Xã Quảng Trị, diệt được trên 14 ngàn tên Địch, thu 4350 vũ khí, hủy hay thu 71 khẩu pháo, 73 chiến xa tính từ đầu tháng 5 năm 72 .
Giặc đã dùng lực lượng của 4 Sư Đoàn chủ lực để giữ Thị Xã Quảng Trị, những Sư Đoản đã lừng danh với những chiến thắng ở Bắc, Trung Việt và nhất là ở Điện Biên Phủ 308, 312, 325. Sư Đoàn TQLC đã đương đầu với chúng, nhẫn nại hơn chúng, dũng cảm hơn chúng và đã chiến thắng chúng, những “ anh hùng Điện Biên Phủ một thời “
Chiến thắng ấy đã được xây dựng với nhiều xương máu của chiến sĩ, với sức chịu đựng vượt mức của anh em. Nhờ sự khéo léo và tài ba của Chuẩn Tướng và các Sĩ Quan.
Tôi muốn qua thư này tỏ lòng khâm phục của Tôi đối với Sư Đoàn TQLC, với những hy sinh vô bờ của anh em, và lập lại sự hãnh diện được chỉ huy anh em trong một cuộc thử thách lớn nhất, trong một chiến dịch quy mô nhất của Quân Đội
Tôi cũng yêu cầu Chuẩn Tướng chuyển lời khen ngợi của Tôi đến tất cả Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan và Binh Sĩ của Sư Đoàn
Trung Tướng Ngô Quang Trưởng
Tư Lệnh Quân Đoàn 1 Quân Khu 1
( Ký Tên )

Tôi được vinh dự đã lái xe đưa Tổng-Thống đến thị xã đổ nát, có Trung-Tướng Tư-Lệnh QĐ1 và Chuẩn-Tướng Tư-lệnh TQLC tháp-tùng. Trên đường di chuyển, theo chương trình dự trù chạy qua nhà thờ La Vang, lúc này hoàn toàn đổ nát, Tôi ngừng xe và Tổng Thống Thiệu xuống quỳ gối cầu nguyện. Bức hình Tồng Thống Thiệu quỳ tại thánh đường La Vang đã trở thành 1 poster lịch sử được phổ biến toàn quốc và cả thế giới.

Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu đang cầu nguyện tại Vương Cung Thánh Đường La Vang ngày 20 tháng 9 năm 1972

Nhân dịp viếng thăm này, Tổng-Thống đã ân thưởng Ðệ Tam Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm theo Anh Dũng Bội Tinh với nhành Dương Liễu cho Chuẩn Tướng Bùi Thế Lân, Ðại Tá Ngô Văn Ðịnh và Ðại Tá Nguyễn Năng Bảo, Tổng Thống cũng ân-thưởng huy-chương và thăng-cấp cho nhiều quân-nhân trong Sư-Ðoàn.

Sau cuộc chiến tái-chiếm Quảng-Trị, quân Bắc-Việt đã bị thiệt-hại nặng.
Nếu LĐ/369/TQLC gồm TĐ2, TĐ5, TĐ9 và TĐ1 Pháo Binh TQLC đã không chặn được các lực-lượng quân BV ở Tuyến Mỹ-Chánh thì có thể cuộc hành-quân tái chiếm Quảng-Trị đã không xẩy ra và chúng có khả năng tiến thẳng đến Huế và Đà-Nẵng từ đầu tháng 5 /1972.
Những gì sẽ xẩy ra thì không thể lường trước được.
Nhờ chiến-thắng Quảng-Trị mà Miền Nam VN được an-bình thêm 3 năm.

Cựu Trung-Tá Gerald H. Turley là cố vấn TQLC rời Quảng Trị sau cùng trước khi Quảng Trị lọt vào tay cộng quân vào ngày 1-5-72. Sau khi về Mỹ Ông được thăng cấp Ðại Tá và đãm nhiệm chức phụ-tá Bộ-Trưởng Quốc-Phòng HK, ông đã viết cuốn sách tựa dề là "The Easter Offensive". Trong đó Ông hết lời ca-tụng cấp chỉ-huy và quân-nhân TQLC các cấp đã chiến-đấu rất anh-dũng, trong những điều-kiện gian-khổ khó-khăn đã đánh bại quân xâm-lăng Bắc-Việt được trang bị tối tân. TQLC-VN chiến-đấu giỏi không thua bất cứ binh-chủng TQLC nào trên thế-giới.

Ngoài ra, Tôi có đón đọc được bài viết sau đây của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích có liên quan tới Binh chủng TQLCVN. Ðọc bài này chúng ta cũng hãnh diện là TQLCVN.

Trong hai ngày 17 và 18 Tháng Ba năm 2006, Trung Tâm Việt Nam ở Ðại Học Texas Tech (Lubbock, TX) đã tổ chức một hội nghị chuyên đề về “Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa: Nhìn lại và tái thẩm định sau 30 năm” (“ARVN: Reflections and Reassessments After Thirty Years”). Nhân dịp này, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đã được mời đọc bài diễn văn quan trọng ở bữa ăn trưa (“luncheon keynote speech”) ngày đầu hội nghị. Dựa vào nhiều tài liệu mới được tiết lộ gần đây, không trừ tài liệu từ miền Bắc và các văn khố ở Mạc Tư Khoa, Hoa Thịnh Ðốn và Trung Cộng, bài diễn văn này đã trả lại được danh dự cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và đem cuộc chiến lên một tầm nhìn mới. Trong bài diễn văn Ông nói: " ngay cả khi Hoa kỳ bỏ cuộc như vậy, quân lực VNCH vẫn tiếp tục chiến đấu anh dũng, đẩy lui được ba mũi dùi lớn của quân Bắc Việt thọc vào miền Nam trong vụ Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972. Thủy quân lục chiến VN đã viết nên những trang sử oai hùng nhất trong lịch sử quân sự ở VN khi vào Tháng 9 năm ấy, họ đổ xương máu ra để chiến đấu lấy lại từng tấc đất một của tỉnh Quảng Trị (cuộc chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị phải xem là một trận Iwo Jima của VN)

Trận Quảng-Trị đã làm hao-tổn nhiều xương máu nhất trong Quân-sử QLVNCH và Binh chủng TQLC VN. Riêng tôi, lúc nào cũng hãnh-diện đã là một sĩ quan TQLC Việt Nam được tham dự trận tái chiếm Thị Xã và Cổ thành Ðinh Công Tráng năm 1972. Tôi rất may mắn vẫn còn được mang niềm hãnh diện Quảng Trị trong tuổi cao niên hiện nay. Không bao giờ tôi quên được 3,500 Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam đã hy sinh, nhiếu ngàn người bị thương. Hầu hết còn rất trẻ.

Những gì mà chúng ta đang hưởng trên đất Mỹ, phần lớn là do những hy-sinh của những anh-hùng vô-danh đó. Chúng ta có bổn-phận phải tiếp tục chiến-đấu và phải làm tất cả những gì để cho thế-hệ con em chúng ta biết về chiến-công oanh-liệt của TQLC tại Quảng-Trị ngày 16-9-72, một ngày phài được ghi vào Quân-sử của QLVNCH.

San Jose ngày 16 tháng 9 năm 2003
MX Ngô Văn Định

Nguồn : http://s113345672.onlinehome.us/chiensu/cs-taichiem-cothanhQT.htm