Tuesday, March 24, 2020

TƯỞNG NIỆM CỐ THIẾU TƯỚNG LÊ MINH ĐẢO

Cố Thiếu Tướng Lê Minh Đảo trong lần tham dự hội ngộ Sư Đoàn 18 ở Little Saigon năm 2015. (Hình: Văn Lan/Người Việt)


Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, vị Tướng bất tử


Ông Lê Minh Đảo và con gái Bích Phượng


Bài NGUYỄN QUANG DUY


Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, vừa qua đời ở tiểu bang Connecticut, Hoa Kỳ, ngày 19 tháng 3, 2020, hưởng thọ 87 tuổi.
Xin chia sẻ suy nghĩ về một vị tướng lừng danh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, lãnh 17 năm tù cộng sản vẫn không ngừng vận động để dân Việt thoát ách cộng sản.

Vị tướng gần dân…

GẦN 6 năm, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng tỉnh Chương Thiện và sau đó là tỉnh Định Tường, ông nổi tiếng là người thương lính và gần dân.
Năm 1979, tôi sống trong vùng Đồng Tiến, An Giang, một hôm chủ nhà nhắc chuyện cũ, ông chỉ về chỗ tôi đang ngồi rồi nói, “Hồi đó ông Tướng Đảo có ghé thăm nhà mình, ổng mặc áo thung, quần đùi ngồi (nhậu) ở chỗ Bảy nó đang ngồi đó (tôi thứ bảy trong gia đình nên ông chủ nhà gọi tôi là Bảy), ổng thương dân lắm, ổng nói bà con kêu ổng bằng anh Tư, giờ nghe nói ổng bị tù ở tận miền Bắc, thương ổng lắm, bà con mình thương ổng lắm…”

Vị Tướng và tôi…

Cuối năm 2004, Tướng Đảo cùng phái đoàn Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa sang thăm Úc, có ghé thủ đô Canberra, vào Quốc Hội Úc vận động nhân quyền, sau đó có gặp bà con trong Cộng Đồng tại Canberra, ở một quán ăn, để chia sẻ tâm sự.
Tôi đến quán đúng lúc Tướng Đảo tới, tôi gặp ông ngay cửa quán ăn, ông đứng thẳng chào tôi theo Quân Cách rồi hỏi, “Chiến hữu thuộc đơn vị nào?”
Tôi hơi bỡ ngỡ trả lời ông, “Thưa Thiếu Tướng thế hệ tiếp nối,” xong tôi đưa tay ra xin bắt tay ông và mời ông vào quán ăn.
Hôm đó, ông nhắc nhở mọi người đừng quên những tội ác cộng sản đã gây ra, đừng quên nhưng không thù, vì thù oán không giải quyết được vấn đề, đừng quên để nhớ trách nhiệm của tập thể chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vẫn chưa hoàn tất, đó là bảo vệ người dân khỏi ách cộng sản.

Vị Tướng và 9 người con…

Tướng Đảo có chín người con, hai trai và bảy gái, khi cộng sản chiếm miền Nam tất cả đều ở lại Việt Nam, đều chịu chung số phận tù đày với đồng bào, cho đến năm 1979 mới vượt biên sang đến Mỹ.
Cô Lê Bích Phượng, con gái thứ sáu trong gia đình Tướng Đảo, hiện làm phóng viên cho đài SBTN, có phỏng vấn Tướng Đảo tại sao ngày 30 tháng 4, 1975 có điều kiện cho gia đình di tản sang Mỹ nhưng ông không thực hiện.
Ông trả lời chiến hữu của ông cũng có con cái, họ đều phải ở lại Việt Nam, nếu ông cho các con di tản, giờ con cái chiến hữu của ông sẽ chỉ vào mặt các con ông mà nói, “Ba mày không chạy trốn, nhưng cho chúng mày chạy trốn.” Biết vậy, để giữ danh dự cho cả gia đình nên ông không cho các con di tản.
Tướng Đảo còn nói, mà cũng nhờ mấy năm sống với cộng sản các con mới hiểu, vì sao ba chiến đấu bảo vệ miền Nam, các con mới hiểu mà thương cho đồng bào vẫn chưa thoát được ách cộng sản như các con.


Vị Tướng thương dân…

Được BBC tiếng Việt phỏng vấn, Tướng Đảo cho biết, "Vợ tôi có hỏi tôi tại sao anh thương dân miền Bắc hơn dân miền Nam. Tôi cho bà ấy biết, dân miền Bắc đáng thương lắm, họ đau khổ lắm, họ đau khổ hơn mình, họ đau khổ nhiều hơn mình, hơn 20 năm trong chế độ cộng sản.”
Tướng Đảo cho biết một người cộng sản đã nói với ông rằng, “Các anh có biết, tại sao các anh thua không? Không phải tại Mỹ bỏ đâu, là tại các anh không dám cầm súng các anh bắn vô dân. Còn tụi tôi có chuyện [cần] làm chúng tôi vẫn phải bắn...”


Tướng Lê Minh Đảo

 
Vị Tướng thương cả địch quân

Tướng Đảo cũng từng chia sẻ, bộ đội miền Bắc nhiều người còn rất trẻ chỉ 16 hay 17 tuổi, họ được mang thẳng từ miền Bắc vào, họ thiếu kinh nghiệm chiến trường, nên chết rất nhiều, tội nghiệp họ lắm, họ cũng là nạn nhân cộng sản.
Ông cho biết Đức, Đại Hàn, Tàu cũng chia thành hai miền, nhưng chỉ có cộng sản miền Bắc là mang quân đánh miền Nam.
Miền Bắc hy sinh 2 hay 3 triệu những đứa con ưu tú của Việt Nam, miền Nam cũng hy sinh hằng triệu người, lỗi cũng tại những người cầm quyền miền Bắc quá tin vào chủ nghĩa cộng sản và quyết đánh chiếm miền Nam.

Vị Tướng anh hùng…

Đầu tháng 4/1975, khi quân đội miền Bắc vượt vĩ tuyến 17 tràn xuống miền Nam, Tướng Đảo chỉ huy Sư Đoàn 18 Bộ Binh tại mặt trận Xuân Lộc, Long Khánh.
Lực lượng Bắc Việt do Tướng Hoàng Cầm chỉ huy đông gấp 3 đến 5 lần hơn lực lượng của Tướng Đảo, có nơi hơn gấp 10 lần, nhưng đã bị chặn lại 12 ngày tổn thất nặng nề, cộng sản cho Tướng Trần Văn Trà lên thay và cho đổi hướng tiến quân.
Xuân Lộc không còn là địa thế chặn quân miền Bắc, Tướng Đảo được lệnh rút quân, vào tối ngày 20/4/1975 ông rút khỏi Xuân Lộc mang theo được mọi vũ khí, cả pháo, cả đến thương binh và tử sĩ.
Tướng Đảo đi bộ theo đoàn quân, ông đốc thúc binh sĩ hàng ngũ trật tự và nhanh chóng rút quân, đến sáng hôm sau phía cộng sản mới biết.
Trận Xuân Lộc và cuộc rút quân tạo cho Tướng Đảo biệt danh “người hùng Xuân Lộc,” một biệt danh ông không muốn nhận.
Ông cho biết trong suốt 25 năm, chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vừa phải chiến đấu để bảo vệ an ninh cho dân, vừa phải xây đường xá, xây cầu cống, xây trường học, xây nhà thương, xây nhà ở, xây làng xóm cho dân.
Không một Quân Đội nước nào mà các binh sĩ đã có những đóng góp tích cực như vậy, vì thế theo ông mỗi chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đều là một anh hùng.

Vị Tướng với thế hệ tiếp nối…

Trong lần hội luận do SBTN Úc châu tổ chức, được đồng hương hỏi ông nghĩ sao về một Chính Phủ ở hải ngoại, Tướng Đảo trả lời, sau biến cố 30/4/1975, Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa không còn tồn tại, nhưng tinh thần Việt Nam Cộng Hòa theo ông thì bất diệt.
Tinh thần Việt Nam Cộng Hòa không chỉ được lưu truyền ở hải ngoại cho các thế hệ thứ hai, thứ ba, mà còn được lưu truyền trong nước khi các thế hệ tiếp nối biết được quá trình giữ nước và dựng nước của ông cha. Bởi vậy chúng ta phải nói, nói cho con em chúng ta hiểu rõ.

Những vị Tướng bất tử…

Ở tiểu học, tôi được dạy tấm gương của hai vị Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu tuẫn tiết khi quân Pháp chiếm thành Hà Nội năm 1873.
Biến cố 30/4/1975 tôi biết thêm năm vị Tướng tuẫn tiết là Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Chuẩn Tướng Lê văn Hưng, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, và Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ.
Sau gần 45 năm, có thêm Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, với 17 năm tù cộng sản, không ngừng hy sinh vận động cho một Việt Nam không cộng sản.
“Anh hùng tử, khí hùng bất tử.” Họ là những tấm gương một lòng vì nước vì dân, họ là những vị Tướng bất tử.

(Melbourne, Úc Đại Lợi, 21/3/2020)

Sunday, March 22, 2020

NHỮNG CỘT TRỤ CHỐNG GIỮ PHƯƠNG NAM



(Hình: tvvn.org)

Để nhớ 5/5/1992,
Thành Kính Tưởng Niệm.
Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai, Chỉ huy trưởng Biệt Động Quân
Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh SĐ 18 Bộ Binh
Thiếu Tướng Huỳnh Bá Di, Tư Lệnh SĐ 9 Bộ Binh
Chuẩn Tướng Lê Văn Thân, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn II
Nhân lần Tướng Quân Lê Minh Đảo Về Trời, 19/3/2020

Thơ PHAN NHẬT NAM


Quả đáng sợ,
Bốn Người Lính chịu đủ 17 năm,
5 ngày tù mất nước
Quả kính phục,
Bốn Tướng Lãnh gánh khối nặng vô lường thấm nhục
Thay mặt toàn phần Quân Lực Miền Nam!


Thế giới phương Tây hãy nhìn xuống đây...
Việt Nam!
Nơi, thương khó quy hàng,
Quê hương Miền Nam trả giá máu
Hòa Bình-An Ninh toàn cầu thắng lợi!
Cơn khổ lụy Mười Bảy Năm
Khởi từ 1975...
Đằng đằng không được nói
Hai mươi-lăm triệu người Nam, Sài Gòn lây lất ...
Thêm bao nhiêu khốn khổ bên bờ Bắc héo hon ...
Bao nhiêu gia đình thuộc “diện sĩ quan”
Chồng cải tạo, vợ con nát thân vượt biên di tản,
Bao nhiêu người “học tập” ra đi?
Bao nhiêu “cải tạo” trở về?
Hồi kết cuộc
Bốn Người Lính uống lượng đắng cuối cùng
âm thầm bền bĩ
Bốn Tướng Lãnh
Vô vàn võ công
Khiêm nhường vị trí
Đời dài áo lính
Nghiệp nặng chiến tranh
Buổi Miền Nam uất hận nhân phận cùng đành
Thân trói chặt
Cảnh hàng binh vong quốc!


Mười Bảy Năm- Năm ngày tù kể từ giờ mất nước
Cũng “Sáu Ngàn Hai Trăm Mười đêm não nề đếm được
Tướng Quân tận tịch nhiên
Thanh thản nhân hậu nụ cười
Với tiếng nhạc, nốt trầm cao, thoát đi từng giờ vây hãm (1)
Mặc gió bão ĐẢO điên.
Cuốn trôi rác rưởi, bọt bèo, phiền muộn
Vững THÂN tùng bách DI qua lần khổ nạn
Khắc khoải mười-bảy năm
Từ hiểu nghĩa bi thương
GIAI do tiền định lẽ thường
Yên Bái
Hà Nam
Chốn ngặt Hàm Tân cuối trời vây hãm (2)
Xiên qua thân nỗi thống nhục thất trận,
bại tướng gãy cờ
Cùm xích siết đau
Luôn ngỡ giấc mơ
Buổi mất nước
Một phút giờ không THẬT!
Sôi uất hận
Cào xé gan
Bật vỡ toang tim cật
Sống từng ngày cào cấu
Chết khắc khoải lần qua đêm
Từng đêm...
Trời Tây-Bắc dằng dặt trăng sao
Rờn rợn máu ối tanh, trăng đỏ lưỡi liềm xao xác
Tiếng chim cú Trại 5 (3)
Khu đồi chè căm căm nhịp thở
Tướng Quân nghiến răng nuốt xuống
Gờn gợn xiết ngang đường thở
Tầng tầng thống khổ không nói nên lời
Ngật ngật đớn đau dội tiếng thét về trời
Soi bóng xuống đất đen tăm tối
Tướng Tù Binh !
Mười bảy năm
Trí nảo, mạch tim nhận vô vàn cơn đau thắt ruột
Bóng tối ơi... Hãy cuốn trọn một lần...


Buổi Tháng Tư,
Tướng ở lại với quân, vững tay súng vùng rừng Miền Đông (4)
Khi tập đoàn cấp cao đồng vắng mặt nhanh săm sắp
Người Lính ngừng lại trên giòng kinh Rạch Chiếc ngầu đen
Soi bóng điêu tàn chập lá cờ Vàng trên
nóc kho Tân Cảng
Nơi x Thủ Đức, Biên Hòa..
Ầm ầm pháo Bắc quân đổ sập

...
Người Chỉ Huy Biệt Động cuối cùng ở lại,
Một mình nơi doanh trại trống trơn
Phòng sở điêu tàn, tấm soái kỳ rũ xuống
Âm ẩm lạnh giọt mưa đầu mùa thấp thỏm
Ba mươi năm chinh chiến để thua trận một lần này
Trại Đào Bá Phước săn sắt trùng vây (5)
Cuộn giây kẽm gai rối bời gầm gầm đe dọa
...

Một thân còn lại (6)
Đơn độc trên chiếc trực thăng võ trang hết đạn
Dưới kia Sài Gòn bốc cháy thấp thoáng đoàn lũ xe tăng
Người nghe đau,
Nhịp tim đập rõ nhanh
Lệnh đầu hàng gớm ghê ...
Có THẬT  không? ...
Mất nước?!
Cánh mi mỏng nôn nao khẽ chớp
Giọt máu nóng nào hình như sẵn trào căng
Bay về đâu? ...
Bên phương trời tây, bắc, nam, đông ...
Nghe rõ đau xuyên THÂN
Giây phút đồ hình đóng đinh con CHÚA
....

Người không còn ai...
Trông ra hai nhánh sông ầm ầm nước cuốn
Chín cửa Rồng ứa thẩm
Sài Gòn đã thành sự dối lừa
Chiến hữu thiết thân cùng đường bức tử
Không còn ai?
Một mình trùng vây vũng lửa
Hứng toàn phần,
Tận đủ
Nghĩa đầu hàng, giải phóng giao quân
Đè xuống một lần
Tướng lãnh hàng đầu Vùng Bốn Chiến Thuật tàn binh (7)
Trần Bá Di.


Mười bảy năm,
Cánh Phượng Hoàng  giữa vây khốn tên, cung
Bốn Tướng Quân dựng nên khối Tượng Tiếc Thương vô hình ...
Trong tâm thức tấm lòng người Nam nhớ nước (8)
Vạn triệu nhân quần trên hành tinh mấy ai biết được
Một trăm bốn bảy thành viên Liên Hiệp Quốc
Có ai hay?
Nào có một ai hay?
Thế giới Đông-Tây hòa hoãn yên lặng hôm nay
Từ mỗi bóng xương Việt Nam,
Hằng bốn mươi năm xuất huyết (9)
Với đội quân hai mươi-lăm năm chịu lời khinh miệt (10)
Bốn Tướng Lãnh ...
17 năm lâm nạn ngày đêm gánh đủ
Nếm cạn đáy đọa đày trên đất nghiệt xa xăm
Cách giết người yên lặng
Không đội hành hình
Không máy chém, cắt cổ, phanh thây
Của Chủ Nghĩa Sát Nhân, tận đời Mạt giáo
Kỹ thuật giết người siêu đẳng ...
Học tập - Cải tạo - Tập trung
Thế giới nơi nơi
Chắc hẳn không ai hiểu thấu?!
Hai Mươi Thế Kỷ
Loài người không khả năng biết tận
Người Lính sống
Cũng là nên chứng nhận
Từ con NGƯỜI, hẳn Sức Mạnh Siêu Nhân
Từ con NGƯỜI, hiển hiện LỰC THÁNH THẦN
Người vượt SỐNG
Sự ÁC gớm ghê phải cuối cùng tận diệt ...
...

Ôi cảm động Nguồn Ân Linh Siêu Việt
Vâng, kính tạ Lòng Độ Trì Thánh Triết
Nung vàng ròng dậy lửa
Nên dẫu gớm ghê đọa đầy máu ứa
Người về đây
Người đã thật về đây
Một buổi Tháng Năm
Miền Nam Vàng rực sắc mây
Tướng Quân về Sao Mai một ngày mọc muộn
Bốn vì Sao soi giữ bốn hướng trời gai góc
Triệu quân ta hôm nay nên một lần bật khóc
Như giờ Cờ Vàng Ba Sọc lừng lững lên cao
Giữa mù sương xứ Huế sáng Xuân nào (11)

Viết lại, 20 Tháng Ba, 2020

Ghi Chú:
(1) Tướng Đảo, Tướng Thân kết thành ban nhạc song tấu cho bạn tù nghe dịp cuối tuần
(2) Yên Bái, Hà Nam, Hàm Tân: Những trại tù giam cấp Tướng từ 1975-1992
(3) Trại 5, Liên Trại I, Hoàng Liên Sơn, Yên Bái nơi nhốt tù binh cấp Tướng
(4) Miền Đông, Xuân Lộc, Long Khánh –Trận chiến cuối cùng với Tướng Lê Minh Đão
(5) Trại Đào Bá Phước: Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân với Tướng Đỗ Kế Giai
(6) Tướng Lê Văn Thân bị bắt sáng 30/4//75 khi dùng trực thăng dự định xuống Vùng IV với Tướng Khoa Nam
(7) Tướng Trần Bá Di, Tư Lệnh Sư Đoàn 9 (Vùng IV) được lệnh của Tướng Nguyễn Khoa Nam đại diện bàn giao cho cộng sản sau 30/4/75
(8) Tượng Tiếc Thương: Công trình điêu khắc của Nguyễn Thanh Thu dựng trước
Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa
(9) Chiến tranh Việt Nam (1945-1975)
(10) Quân Đội Quốc Gia-Quân Lực VNCH (1951-1975)
(11) Mậu Thân Huế, 1968 – Đại Tá Lê Văn Thân Tư Lệnh Phó Sư Đoàn I Bộ Binh, đơn vị chủ lực của mặt trận Huế

Monday, March 2, 2020

NHỮNG NGƯỜI LÍNH BỊ BỎ QUÊN !


Huy Phương/Người Việt
Suốt mấy chục năm trường, Cộng Sản Bắc Việt nung nấu bởi nghĩa vụ quốc tế, với súng đạn của hậu phương XHCN quyết tâm thôn tính miền Nam bằng mọi giá.
Miền Nam vừa lo hạnh phúc cho dân, vừa đoàn kết chống sự xâm lược của miền Bắc và hàng trăm nghìn chiến sĩ đã nằm xuống cho một miền Nam no ấm, thịnh vượng và giữ được bờ cõi suốt hai mươi năm.
Nhưng không như các dân tộc văn minh khác, như sau cuộc nội chiến tại Hoa Kỳ, khi thất trận những người lính miền Nam phải gánh chịu tất cả sự trả thù đê tiện, hèn hạ của miền Bắc. Họ bị cầm tù, tước đoạt quyền làm người, bị hạ nhục và bị truy sát đến ba đời, ngay cả con cái cũng không sao có thể trở thành một người dân yên bình được!
Những gì tiêu biểu cho hình ảnh người lính miền Nam đều bị tiêu diệt, triệt hạ đến tận cùng, từ trong sách vở, thi ca, đến hình ảnh tượng đài đều bị giật sập, băm nát.
Những người Cộng Sản ngày nay chủ trương phá đổ hình tượng Lenin, nhưng chừa lại một khoảng tôn kính trong các nghĩa trang quân đội, trong khi chỉ trong ngày đầu tiên vào Sài Gòn, quân Bắc Việt đã chủ trương giật sập tượng đài Tiếc Thương ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, ghi lại hình ảnh người lính miền Nam, dù chỉ là hình ảnh một người lính đã gác súng.
Trước tiên, với sự hung hãn, hăm hở với cả sự hận thù tàn sát, Cộng Sản đã hành quyết những người thua trận đã đầu hàng, với những vũ khí thô sơ như dao, rựa, mã tấu và với mọi phương cách dã man như thời trung cổ với lối tùng xẻo, dội nước sôi. Cũng không hề khoan nhượng với người chết, quân Bắc Việt đã chủ trương đào mồ những người chết đem ra chợ cho nổ cốt mìn, và chỉ ba ngày sau khi thắng trận, nhẫn tâm cày nát rồi san bằng nghĩa trang Quân Đội Hạnh Thông Tây, Gò Vấp!
Quân Bắc Việt muốn xóa hết hình tượng của những người lính VNCH trong lòng nhân dân, bằng thủ đoạn bôi xấu dĩ vãng, kỳ thị lý lịch, xếp hạng công dân, đưa quân đội miền Nam vào những nhà tù tập trung ở những nơi rừng thiêng, nước độc trong khi con cái và gia đình được xỉ danh là những gia đình “có nợ máu với nhân dân!”
Họ có thể hòa hợp với nước Mỹ, đã từng được gọi là “đế quốc xâm lược,” nhưng với người lính VNCH thì không, Cộng Sản đày đọa những người lính này cho đến tận cùng, từ người sống thất trận lạc loài không còn khả năng chiến đấu, đến người tử sĩ nằm trong nghĩa trang, và kỳ thị ngay với những thương binh bất hạnh, què cụt sống bên lề xã hội.
Sau chiến tranh, hài cốt của những người lính Mỹ, “kẻ cựu thù,” được xem như những món “quốc bảo,” dành để mua bán, đổi chác, mặc cả với phía Hoa Kỳ.
Trên đất nước Việt Nam, không thiếu những nghĩa trang đẹp đẽ, được nhang khói chăm sóc tận tình. Mỉa mai thay, đó chính là nơi chôn cất quân Trung Cộng xâm lược vào biên giới tổ quốc, ngày nay được Cộng Sản Bắc Việt vinh danh như là những chiến sĩ, anh hùng. Chỉ dọc theo quốc lộ xuyên Việt từ Nam ra Bắc, đã có bao nhiêu nghĩa trang đồ sộ, san sát bia mộ của những “anh hùng, liệt sĩ” sinh Bắc, tử Nam, “đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc!”
Nhìn lại, phía thua trận, hài cốt của “những người anh em,” trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa bị phong tỏa, cấm di dời, đổi tên, để dân sự hóa một nghĩa trang quân đội thành một bãi đất tha ma dân sự, xóa hết một di tích lịch sử, để đời sau không còn ai biết đến nữa!
Hình ảnh của người lính miền Nam thất trận trong cuộc nội chiến của Hoa Kỳ từ Tháng Tư, 1861, đến Tháng Tư, 1865, là Tổng Thống Liên Minh Miền Nam Jefferson Davis, Tổng Tư Lệnh Liên Minh Robert E. Lee và Tư Lệnh Phó Thomas Jackson, hơn một thế kỷ qua, vẫn còn sừng sững trên núi đá Stone Mountain, Georgia; hay hài cốt của 30,000 binh sĩ thất trận của miền Nam vẫn còn nằm chung với người thắng trong Confederate Section của Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington của một đất nước Hoa Kỳ bao dung và vĩ đại!
Nhưng những người lính miền Nam thua trận trong cuộc chiến kéo dài 20 năm thì không!
Từ một quân đội hùng mạnh đứng hàng thứ tư thế giới, phải chăng những người lính miền Nam ngày nay là những người lính bị quên lãng.
Tháng Ba lại về! Tháng Ba của những trận lui binh máu đổ, cát biển miền Trung thấm máu người. “Tháng Ba Gãy Súng” của những người lính can trường không khuất phục được cả một số mệnh đất nước, chết trong lãng quên, sống trong lưu lạc. Tháng Ba, ai còn thắp một nén hương cho những người lính đã một thời xả thân để giữ vững miền Nam.
Nhưng ngày nay, qua thời gian, hình ảnh người lính bị tước vũ khí, ngậm ngùi trước số phận của đất nước, tuy bị lăng mạ, xuyên tạc, chôn vùi bởi thế lực của kẻ cầm quyền, nhưng chưa bao giờ hết, qua cuộc biển dâu, qua thời gian gạn lọc vàng thau, hình ảnh người lính của miền Nam vẫn sống trong lòng dân tộc, như là biểu tượng của lòng dũng cảm của người trai giữ nước. Đó là những bia mộ muôn đời hiện hữu trong lòng người, mà không phải ai cũng có được!
Từ hơn bốn mươi năm nay, những người Việt Nam tị nạn Cộng Sản, bỏ quê hương ra đi, có mặt trên những vùng đất tự do của thế giới, đã mang theo hồn nước và quê hương, trong đó có hình ảnh của người lính VNCH. Do đó nhiều tượng đài khắc ghi hình ảnh người lính đã được xây dựng, biểu tượng của lòng biết ơn cũng như là nơi thờ tự thiêng liêng của người Việt lưu vong.
Mỗi người Việt lưu vong, mỗi đứa trẻ nước Việt lớn lên sẽ phải hiểu người lính miền Nam là ai, đã sống và chiến đấu cho ai, trong một hoàn cảnh nghiệt ngã nào đã phải ngậm ngùi thua trận.
Có những thứ chúng ta nghĩ rằng nó đã chết, hay bị người ta vùi dập, tìm cách chôn nó đi, mà nó vẫn còn sống!
Xin đốt một nén hương lòng cho anh linh những người lính miền Nam, nhân ngày lui binh ngày này của Tháng Ba, bốn mươi lăm năm về trước! (Huy Phương)