Thursday, July 7, 2022

CUỘC CHIẾN UKRAINE : XE TĂNG ĐÃ ĐẾN 'NGÀY TÀN' ?

 

  • Frank Gardner
  • Phóng viên An ninh của BBC
Theo ước tính Nga đã mất 700 chiếc xe tăng tính từ đầu năm đến nay Nguồn hình ảnh, Getty Images
 
 
 
Hình ảnh xe tăng Nga - trơ khung, tháp pháo gãy, nòng súng cháy đen, hướng lên bầu trời một cách vô dụng - đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng trong cuộc chiến tranh Ukraine. Điều này đã khiến một số người hỏi là liệu các vũ khí chống tăng hiện đại đã khiến xe tăng trở nên vô dụng trên chiến trường hay không.

"Đây là chuyện xuất hiện mỗi khi một xe tăng bị hạ gục," David Willey, giám tuyển và người hướng dẫn tại Bảo tàng Xe tăng (Tank Museum) ở Bovington, Dorset (Anh Quốc) nơi trưng bày những chiếc xe tăng lớn nhất thế giới. "Bởi vì xe tăng là một biểu tượng sức mạnh, khi nó bị đánh bại thì mọi người đưa ra kết luận là ngày tàn của xe tăng đã tới."

Chúng tôi xem một chiến xe tăng T72 do Liên Xô thiết kế, được cải tiến động cơ, kêu lạch cạch khi đang di chuyển tới một điểm nạp nhiên liệu trước khi tập dợt để trưng bày.

Căn bản thì đây là mẫu xe tăng giống như loại đã lăn bánh qua biên giới Ukraine vào tháng Hai và hàng trăm chiếc đã bị những chiếc drone do lực lượng bộ binh Ukraine vận hành phá hủy, như Javelin và Vũ khí Chống tăng Hạng nhẹ Thế hệ nối tiếp (Next Generation Light Anti-tank Weapons (Nlaws).

"Điều quan trọng là không rút ra những bài học sai lầm từ những gì chúng ta đã chứng kiến trong vòng vài tháng qua,", Trung tướng Quân đội Mỹ về hưu, Ben Hodges cho biết, ông gần đây đã chỉ huy lực lượng trên đất liền của Mỹ ở Châu Âu.

"Những xe tăng Nga thuộc diện cần xem xét là những chiếc được sử dụng không hiệu quả, không được hỗ trợ bởi lực lượng bộ binh đã suy yếu, và không hưởng được lợi ích gì từ một quân đoàn sĩ quan không được ủy nhiệm (NCO), có thể thấy trong quân đội Mỹ hoặc Anh. Vì vậy, lực lượng phòng vệ Ukraine đều không mấy khó khăn để tiêu diệt được số xe tăng này."

Chiếc xe tăng T72 này là quà của Quân đội Ba Lan dành tặng Bảo tàng Xe tăng (Tank Museum) ở Bovington, Anh Quốc. Nguồn hình ảnh, Getty Images

Quan điểm của Trung tướng Quân đội Mỹ Ben Hodges được Ben Barry, Thiếu tướng về hưu của Quân đội Anh hưởng ứng, ông hiện là nhà nghiên cứu cấp cao về chiến tranh trên đất liền tại Viện nghiên cứu International Institute for Strategic Studies (IISS).

"Nga thất bại ở Kyiv cho thấy điều gì xảy ra khi xe tăng bị một lực lượng vận hành một cách không chuyên nghiệp, không thể tiến hành chiến tranh vũ trang kết hợp (kết hợp xe tăng với bộ binh, pháo binh và máy bay) và hậu cần kém cỏi.

"Một nhóm tác chiến mạnh của Nato sẽ đẩy lùi bộ binh để ngăn chặn xe tăng bị phục kích."

Xe tăng - một trong những biểu tượng của nền chiến tranh hiện đại - bị chỉ trích lẫn bảo vệ. Trong cuộc chiến tranh Nagorno-Karabakh năm 2020, xe tăng của Armenia đã bị những drone do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo và Azerbaijan sở hữu tiêu diệt. Ở Libya, những chiếc drone tương tự, TB2 Bayraktar đã gây nên các tổn thất nghiêm trọng đối với lực lượng của Tướng Haftar, trong khi ở Syria, những xe tăng chính phủ cũng trở thành con mồi cho những chiếc drone của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh Ukraine, những tên lửa dẫn đường chống tăng hiện đại, do Anh, Mỹ và các nước khác cung cấp đã trở thành nhân tố thay đổi cục diện, đẩy lùi dòng xe thiết giáp của Nga khỏi miền bắc thủ đô Kyiv. Trong khi đó, vào giai đoạn thứ hai, tại Donbas, số lượng đạn pháo lớn của Nga đã trở thành nhân tố thay đổi cục diện, sử dụng sức mạnh phá hủy của đạn pháo để từ từ bắn phá và tiến về phía trước.

Cho đến năm nay, theo ước tính, Nga đã mất hơn 700 xe tăng - một số bị phá hủy, một số bị bỏ lại. Những xe tăng này, theo hình ảnh, được bao phủ bằng vỏ giáp tự vệ (reactive armor) - trông như một chiếc hộp hình chữ nhật lớn. Xe tăng được thiết kế có thể kích hoạt một vụ nổ nhỏ khi tên lửa đánh trúng để giảm tác động phải gánh chịu.

Thế nhưng nguồn drone do Phương Tây cung cấp và các tên lửa chống tăng đã nhắm vào điều này, phần lớn bắn vào xe tăng từ trên cao, nhằm vào tháp pháo, nơi lớp vỏ giáp mỏng nhất.

"Cuộc chiến này đã trở thành cơ hội của drone," ông Brig Barry nói. "Nó cho chúng ta thấy cần có drone để phòng vệ, không để những chiếc drone của kẻ thù tấn công. Cần có hệ thống phòng không tầm thấp cổ điển gồm tia laser và gây nhiễu điện từ."

Các tên lửa Javelin do Mỹ chế tạo đã phá hủy hàng chục xe tăng Nga. Nguồn hình ảnh, Getty Images

Một nhân tố có thể kéo dài tương lai của xe tăng là Hệ thống Bảo vệ Chủ động (Active Protection System - APS). Đây là một cách để tránh được bất kỳ tác nhân nào tấn công xe tăng của bạn trước khi bạn bị đánh trúng.

"Có hai dạng APS, dạng tiêu diệt mềm và cứng," David Willey từ Bảo tàng Xe tăng (Tank Museum) ở Bovington giải thích.

Ông dừng lại tại chiếc xe tăng T72, một món quà từ quân đội Ba Lan, bị bám khói xanh và hướng khẩu súng khổng lồ 125 mm thị uy về hướng chúng tôi.

"Tiêu diệt mềm có nghĩ là xung điện từ có thể đánh chặn tên lửa đang bay đến. Tiêu diệt cứng có nghĩ là phóng thứ gì đó chuyển động, như một loạt đạn."

 Thường thì quân đội Israel đã nghiên cứu rất toàn diện khu vực này, đặc biệt từ năm 2006 khi xe tăng của họ bị đánh bại do thiết bị điện tử thông minh (IED) của lực lượng Hezbollah và những tên lửa chống tăng được triển khai tinh nhuệ tại Lebanon.

Israel đã phát triển Hệ thống Bảo vệ Chủ động gọi là Trophy. Nguyên tắc hoạt động là sử dụng radar để dò tìm các mối đe dọa sắp xuất hiện - tên lửa hay drone - sau đó một hệ thống phóng xoay từ tháp pháo phóng một loạt vật thể gây nổ, vô hiệu hóa chúng trước khi chúng có thể rơi trúng xe tăng. Trophy, hay một biến thể của nó, có thể trở thành tiêu chuẩn cho nhiều loại xe tăng mới nhất của Phương Tây.

"Bước tiến trong các biện pháp chống drone sẽ giảm mức hiệu quả của drone hiện nay dường như di chuyển xung quanh chiến trường, truy tìm các mục tiêu dễ dàng," Tướng Hodges nói.

Phần trên của một chiếc xe tăng là phần ít được bảo vệ nhất, và là mục tiêu của các tên lửa hiện đại. Nguồn hình ảnh, Getty Images

Thế thì xe tăng còn có tương lai không? Hoặc như một số người dự đoán, sẽ bị tàn lụi trong bãi phế liệu?

"Sẽ luôn có nhu cầu về hỏa lực di động và mang tính bảo vệ," Tướng Hodges nói. Ông dự đoán về một tương lai, không xa, khi các xe tăng không người lái, điều khiển từ xa - căn bản là loại drone thiết giáp - sẽ cùng nhau di chuyển xuyên qua chiến trường với các đoàn xe tăng nhằm tăng hỏa lực trong khi giảm rủi ro mất đi sinh mạng.

"Tôi là một binh sĩ bộ binh và tôi không bao giờ muốn tham gia bất kỳ cuộc chiến nào tại bất kỳ địa hình nào mà không được hưởng lợi ích từ sức phá hủy di động và mang tính bảo vệ," ông nói.

Justin Crump, cựu một chỉ huy xe tăng Quân đội Anh và hiện là CEO của công ty tình báo quốc phòng Sibylline đồng ý. "Xe tăng có sức phá hủy, di động và sức kháng cự mà bộ binh không có. Đây là một nền tảng linh hoạt có thể hoạt động ngày và đêm, đạt được mục tiêu và khiến kẻ thù bị sốc. Ukraine sẽ không tái thiết lực lượng xe tăng của mình khi xe tăng không có tầm quan trọng mang tính sống còn. Họ đã yêu cầu hơn gấp 2 lần số lượng xe tăng mà Anh Quốc có."

David Willey đã hướng dẫn Quân đội Anh và gần đây là đến thăm các binh sĩ Ukraine. "Không phải là loại xe tăng tốt nhất là quan trọng nhất mà là đội ngũ tốt nhất," ông nói. "Bộ vũ khí đắt tiền nhất không phải lúc nào cũng đồng nghĩa bạn sẽ chiến thắng. Niềm tin vào chính nghĩa của bạn mang tính sống còn, và người dân Ukraine tin vào chính nghĩa của mình." 

Nguồn : https://www.bbc.com/vietnamese/world-62074202