Wednesday, February 28, 2018

LẠI TẾT MẬU THÂN HUẾ 1968 ! THẢM SÁT ! RỒI TƯỢNG ĐÀI, TRAI ĐÀN ! ?

Lê Thiên (Danlambao) - Sau bài “50 năm - Mậu Tuất (2018) uất nghẹn Mậu Thân (1968)”, tôi tính không viết gì nữa về biến cố tang thương hồi đó, vì nhiều tác giả đã cập nhật nhiều chi tiết giá trị về mặt lịch sử. Nhưng hôm nay ngày 26/2/2018 (dương lịch) nhằm ngày 11 Tháng Giêng Âm lịch, ngày này hồi Mậu Thân 1968 vẫn còn là một trong những ngày tang tóc hãi hùng nhất của con dân cố đô Huế, tôi lại tiếp tục viết về Huế, Tết Mậu Thân 1968.

Hoàng Phủ Ngọc Tường
Qua "lời cuối cho câu chuyện quá buồn" do Nguyễn Quang Lập phổ biến ngày 10/2/2018, Hoàng Phủ Ngọc Tường (HPNT) đã “tự thú” nhưng lại hàm ý phân bua, chối tội như sau: “Để chứng tỏ mình là người trong cuộc, tôi đã dùng ngôi thứ nhất- “tôi”, “chúng tôi” khi kể một vài chuyện ở Huế mậu thân 68. Đó là những chuyện anh em tham gia chiến dịch kể lại cho tôi, tôi đã vơ vào làm như là chuyện do tôi chứng kiến….Ở đây tôi là kẻ mạo nhận, một việc rất đáng xấu hổ, từ bé đến giờ chưa bao giờ xảy ra đối với tôi…. Điều quan trọng còn lại tôi xin ngỏ bầy ở đây, với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân."
Nhà bình luận Nguyễn Văn Lục đã có bài Hỏi Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Ai là ‘Quân nổi dậy’?” (DCVOnline 14/02/2018). Có lẽ chẳng cần biện luận đối đáp gì với HPNT về lời phân bua của y. Y là gương mặt trí thức Huế do VNCH đào tạo. Nhưng do mù quáng chạy theo cái bã hư danh trong hàng ngũ CS, HPNT trở nên hèn hạ, đốn mạt, bẩn thỉu và gian ác đến giết người không gớm tay như mọi người đều biết...
Chính HPNT bộc lộ, cho tới sau năm 1981, Tường vẫn cứ nghĩ mình sẽ được đãi ngộ xứng đáng, nên càng ra sức tâng công, tự đánh bóng mình, đem cái tôi ra mà phủ lấp cái tối, cái tồi và cái tội của y, tưởng đâu được chiếu cố! Nào ngờ! “Chỉ vài năm sau tôi đã nhận ra sai lầm của mình.” Nhưng trong cái sự nhận ra ấy của HPNT, người ta thấy y vẫn ngoan cố quanh co chạy tội, trốn tội, gán tội cho người khác dầu y có quả quyết “không thể lấy tội ác của Mỹ để che đậy những sai lầm đã xảy ra ở Mậu Thân 1968”. Những sai lầm của CS mà HPNT nói ở đây là gì nếu không phải là tội ác của quân CS?

Nguyễn Đắc Xuân
Trên BBC ngày 12/2/2018, qua bài “Ông Nguyễn Đắc Xuân: Nên tưởng niệm tất cả nạn nhân Huế” người ta lại đọc thấy lời tường thuật của Xuân như sau: “Đêm 30 rạng sáng 31/1/1968, pháo binh Bắc Việt đồng loạt công phá thành phố, mở màn cho cuộc tấn công vào Huế… Đó là dịp Tết, hưu chiến. Chỉ có một số điểm quân sự, như ở mấy cửa thành, thì có đội giữ cửa thành."
Nguyễn Đắc Xuân (NĐX) nhìn nhận 3 điều: 
1. CS tấn công VNCH đúng dịp Tết, vào giờ hưu chiến! Cuộc hưu chiến như vậy rõ ràng đã được hai phe tham chiến đồng thuận để cho binh lính hai bên an tâm buông súng vui xuân cùng vợ con, gia đình. 
2. Trong tinh thần đó, phía VNCH cho quân lính nghỉ ngơi để ăn Tết với gia đình, nên ở Huế “chỉ có một số điểm quân sự, như ở mấy cửa thành, thì có đội giữ cửa thành."
3. Bất ngờ, Huế bị phía CS Bắc Việt và Việt Cộng cho pháo binh “công phá thành phố” ngay từ giờ phút đầu khi chúng mở cuộc tấn công.
Rõ ràng chính NĐX xác nhận CS đã dùng pháo binh công phá thành phố Huế ngay từ giờ phút đầu của cuộc tiến công. Rồi y lại khoe: “Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa bị bất ngờ. Dân chúng Huế cũng vậy. Dân chúng Huế tới sáng mai ngủ dậy thấy chúng tôi đi đầy trong thành phố, chỗ nào cũng có mặt."
Cộng quân “đi đầy trong thành phố, chỗ nào cũng có mặt.” Còn dân chúng Huế thì sao? Có “nổi dậy” xuống đường hùa theo kẻ chiến thắng mà hoan hô, tiếp tế, ủng hộ, làm bia đỡ đạn cho chúng không mà bảo là dân chúng nổi dậy
Không thấy NĐX mô tả hình ảnh “quân nổi dậy” xuống đường hoan hô đả đảo như thế nào, mà chỉ nghe y lặp đi lặp lại điệp khúc tuyên truyền: “dân chúng nổi dậy”! Nếu quả dân chúng Huế nổi dậy và giá VNCH phản công, thì hẳn dân đã chết vô số kể… Như vậy không cần ai khác, chỉ mỗi mình Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường và Hoàng Phủ Ngọc Phan vốn là những tay viết lách bịa chuyện chuyên nghiệp hẳn đã dư sức viết ra hàng pho sách kể tội “Mỹ-ngụy” và rồi phía CS sẽ lấy đó là chứng liệu lịch sử tung ra cả thế giới, to hơn chuyện lính Mỹ bắn chết dân Mỹ Lai hay chuyện Tướng Loan bắn tên CS nằm vùng Ba Lém.
Đằng này Nguyễn Đắc Xuân lại tự thú: “Lúc ban đầu, phía Việt Cộng áp dụng chiến thuật lẫn vào trong dân, khiến Mỹ không biết lực lượng là bao nhiêu. Mặt trận Giải phóng không dàn quân. Đánh là đánh bí mật, giấu quân chứ không đứng hàng ngang tiến lên. Tuy nhiên, sau khi bị lộ diện, quân Cộng sản đã bị hỏa lực đối phương tấn công dữ dội.” 
Lẫn vào dân! Đánh bí mật! Giấu quân! Có dân hậu thuẫn! Thế thì tại sao phía VNCH và Mỹ lại nhận diện ra được Cộng quân để mà truy kích khiến Cộng quân tháo chạy tất tưởi, phải vội chôn sống người dân vô tội trong các hố chôn tập thể? Vậy, ta có thể khẳng định, CS thua trận Tết Mậu Thân 1968 là do nghịch lòng dân trước khi bị phản công bởi hỏa lực của VNCH và Mỹ, không phải chỉ ở Huế mà tại khắp các thị thành của Miền Nam Việt Nam, trong đó có Thủ đô Sài Gòn.
Đi thực tế sao không nhìn thực tế???
NĐX quanh co: “Sau khi chúng tôi rút chạy sang bên Lào, lực lượng của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã đào bới lên tất cả những xác chết, những hầm chôn người. Họ nói là mấy ngàn người, một con số lớn. Họ nói rằng đó là những đồng bào Huế bị Mặt trận Giải phóng giết. Nhưng mà khi tôi đi thực tế và theo tôi hiểu, thì chôn tập thể là bởi khi đó việc chôn một người đã là khó rồi. Cho nên có những hố bom đào lên, hay có cái gì đó có thể chôn được thì tất cả những người chết được cho xuống đó hết."
Rõ ràng Nguyễn Đắc Xuân đốt sử chứ không dốt sử. Y khoe mình “đi thực tế”, song không dám nhìn thẳng vào thực tế để nói lên sự thật, mô tả sự thật tai nghe mắt thấy. Y lại ỡm ờ rằng “theo tôi hiểu”. Phải chăng y cố tình đánh tráo khái niệm “thấy” và “hiểu”, cố tình chối bỏ mặt khách quan (thấy), thay vào bằng ý niệm chủ quan (hiểu) hầu trốn chạy sự thật! Rồi từ đó, NĐX thú nhận: “Có cái gì đó có thể chôn được thì tất cả những người chết được cho xuống đó hết!" Cả những người sống gây trở ngại cho cuộc tháo chạy cũng chôn nốt! Ghê gớm chưa?
Phải chăng NĐX bị ám ảnh bởi những hố chôn tập thể người dân Huế hồi Tết Mậu 1968 khiến đến nay y vẫn chưa thoát ra khỏi cơn mù lòa của lương tâm y? 
Riêng người dân Huế sau 1968 vẫn còn bị đè nặng bởi cơn ác mộng kinh hoàng của cuộc Thảm sát Tết Mậu Thân, đến nỗi 7 năm sau, vào năm 1975, khi Cộng quân đánh vào Huế, dân chúng hốt hoảng tất tưởi bỏ nhà cửa, đất đai, ruộng vườn và vô số tài sản quý giá… ùn ùn chạy theo quân đội VNCH, thà chết đường chết sá, chết biển, chết rừng còn hơn để mình rơi vào tay Cộng quân cùng bọn đao thủ giết người không gớm tay!

Quân Giải phóng: nông dân… ngu muội?
NĐX lại phân bua: “Trình độ những người lính Giải phóng phần lớn là những người nông dân mới ngoài 20 tuổi, đi vô trong một thành phố như thế này, họ đâu hiểu hết thành phố đó như thế nào." Đến hành động vô nhân tính giết chết 3 Bác sĩ thiện nguyện người Đức cùng một phụ nữ, vợ của một trong ba vị trên, NĐX cũng tìm cách chối từ trách nhiệm và đổ lên đầu những “nông dân” đang thuộc phe y: "Họ [quân Giải phóng – đám nông dân] thấy người phương Tây là cho rằng là người Mỹ hết. Và bởi trong chiến tranh, nên khi cho là Mỹ là họ bắn thôi. Đã xảy ra việc các giáo sư người Đức, người đã làm nên Đại học Y khoa hiện nay... bị những người lính Giải phóng tưởng là người Mỹ, nên bắn chết hết."
Người lính Giải phóng là ai? Bọn chui rúc trong rừng (trong bưng) thôi hay gồm cả bộ đội Bắc Việt? Người CS Bắc Việt lúc nào cũng dương dương tự đắc về kỷ luật sắt của “bộ đội cụ Hồ” trong khi Quân Giải phóng cũng được tung hô là “anh giải phóng quân” kỷ luật nghiêm minh, sáng tạo, vì dân, cho dân, kính già yêu trẻ, đến cây kim sợi chỉ của dân cũng chẳng đụng, vân vân và vân vân! Bây giờ NĐX lại bảo họ “phần lớn là những người nông dân mới ngoài 20 tuổi… đâu hiểu hết thành phố đó như thế nào!”
Lời biện bạch của NĐX nghe không ổn. Xuân bênh vực hay đổ lỗi cho “người lính Giải Phóng” là quyền của Xuân. Nhưng cách Xuân bênh vực chẳng hàm ý đổ lỗi cho nguồn gốc nông dân của lính Giải phóng hành xử theo cung cách “người rừng”, thú rừng sao? Theo cách nói của NĐX, quân Giải phóng là bọn ngu, dốt, ác nên mới có hành động bất nhân là vậy.
Thực ra, nông dân Miền Nam Việt Nam thời đó có thể do hoàn cảnh chiến tranh phá hoại của CS khắp vùng nông thôn nên một số người trẻ tại một số vùng nông thôn xôi đậu rơi vào thất học, nhưng xã hội Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ đã nung đúc những mẫu người nông dân ấy thành những con người mẫn cán và hiền lành chứ không thất đức điêu ngoa và hung tợn như loại nông dân bị đưa vào rừng để bị nhồi sọ tẩy nào thành những tên lính Giải phóng điên cuồng thích “lột da chặt đầu” hay “uống máu quân thù”, không biết phân biệt đúng sai, phải trái gì cả! 
Như tôi đã trình bày trong bài “50 năm - Mậu Tuất (2018) uất nghẹn Mậu Thân (1968)”, chính sách của CS là “giết lầm hơn bỏ sót”, là “nhổ cỏ, nhổ tận gốc…” thì việc “người nông dân” trong hàng ngũ cộng quân ra tay sát hại người dân lành vô tội, không phải là bởi “chất nông dân” trong người họ, mà là phát xuất từ ý thức hệ CS điên cuồng do Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… đầu độc!
Nguyễn Đắc Xuân sống ở Huế, trải qua nhiều thời kỳ khác nhau của xã hội Miền Nam Việt Nam. Nếu NĐX bình tĩnh nhìn lại những gì Miền Nam Việt Nam đã cưu mang trước 1975 và những gì CS đã mang đến cho Miền Nam Việt Nam sau Tháng Tư 1975, ắt Xuân nhận ra ngay sự khác biệt giữa nền văn minh của Miền Nam VN thời VNCH hoàn toàn đối lập với sự dốt nát man rợ của chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc du nhập vào Nam. Chính vì vậy mà tại Miền Nam Việt Nam sau 1975 cái xấu nhanh chóng soán ngôi những thói quen và cách hành xử tốt, văn minh trước đây. 
Nguyễn Đắc Xuân có thấy không chính y đã và đang góp phần trách nhiệm vào việc tạo nên cái hỗn loạn tâm lý và nếp sống hỗn đôn trên mọi miền đất nước Việt Nam hôm nay? 
Người ta thấy những phần tử a dua như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân… có lúc đã lên tiếng thú nhận lỗi lầm, nhưng chỉ thú nhận nửa vời, hoặc vừa thú nhận vừa đổ lỗi cho kẻ thất thế, thay vì can đảm mở lời sám hối.
Trai đàn chẩn tế: Sáng kiến tân kỳ của NĐX?
Điều khôi hài nữa là việc NĐX đề nghị “tổ chức minh oan cho những người đã chết” và hô hào: "phải làm tượng đài. Người dân Huế dù cho họ thuộc Việt Nam Cộng hòa hay theo cách mạng, hay không theo bên nào, nếu họ đã chết cho cuộc chiến thắng này thì phải tưởng niệm họ. Phải có trai đàn chẩn tế để thanh minh, giải oan cho những người bị uất ức, những người đã làm nên chiến thắng này."
Xây tượng đài! Tưởng niệm! Lập trai đàn chẩn tế! Nhân bản lắm! Nhưng tượng đài thờ ai? Tưởng niệm ai? Chay đàn chẩn tế cho ai? Nguyễn Đắc Xuân đã có câu trả lời chắc nịch: “Cho những người đã chết cho cuộc chiến thắng này! Cho những người đã làm nên chiến thắng này!” Thì ra thế! NĐX lại giở giọng tuyên truyền thay vì nhìn vào sự thật! 
Tuy nhiên, cũng xin nói rõ ở đây, ý tưởng của NĐX về một “Trai đàn Chẩn tế” chẳng phải là sáng kiến gì độc đáo mới mẻ gì đâu! Vở tuồng “Trai đàn Chẩn tế”, Đảng và Nhà nước Cộng sản VN đã cho trình diễn từ lâu rồi! 
Người ta không quên năm 2007 Thích Nhất Hạnh từ Pháp về Việt Nam dựng Trai đàn Chẩn tế từ nam chí bắc dưới sự giám sát chặt chẽ và lèo lái khéo léo của Đảng và Nhà Nước CSVN, tại chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn, (16-18/3/2007); tại chùa Diệu Đế, Huế, (02-04/04/2007); tại Học Viện PGVN Sóc Sơn, Hà Nội, (20-22/04/2007). 
Rồi vào năm 2014, nhân lễ hội “Sóng nước Tam Giang” ở tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 30/04/2014 tại bến đò Cồn Tộc, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, Đảng và Nhà nước CSVN lại ồn ào tổ chức Đại lễ Trai đàn Chẩn tế. Hình ảnh tên Thứ Trưởng Ngoại giao CSVN Nguyễn Thanh Sơn nổi bật trong lễ này đủ nói lên điều gì khi y mặc quần gin, áo ca-rô, chắp tay khấn vái, mà hợm hĩnh như tay giang hồ đi xem một trận đá gà! Người ta không quên Sơn đã từng một thời gây hoạt náo ở Mỹ với nghị quyết 36, chiêu dụ “kiều bào hải ngoại (?)” đẩy mạnh chính sách “hòa hợp hòa giải” bịp!
Nguyễn Thanh Sơn mặc quần gin, áo ca-rô, chắp tay khấn vái.

26/2/2018
Lê Thiên
danlambaovn.blogspot.com

Sunday, February 25, 2018

VÌ SAO VIỆT NAM ÍT ĐỀ CẬP ĐẾN TẾT MẬU THÂN 1968

Saigon ngày 31/01/1968 trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân. Ảnh tư liệu AFP

Theo tác giả Bennet Murray trên trang Politico, năm mươi năm sau bước ngoặt của cuộc chiến tranh Việt Nam, chính quyền cộng sản vẫn dập tắt các cuộc tranh luận về những kỷ niệm đau thương này.

Ngọc Đại là một người lính quân đội nhân dân 23 tuổi, đang chiến đấu chống lại người Mỹ gần căn cứ Khe Sanh bị bao vây, khi đơn vị ông nhận được một mệnh lệnh gây phấn khích. Họ sẽ ra khỏi rừng rậm, “giải phóng” cố đô Huế ở miền Trung và khởi động một cuộc nổi dậy trên toàn quốc.
Đó là ngày 30 tháng Giêng năm 1968, ba năm sau khi tổng thống Lyndon B.Johnson ra lệnh gởi 125.000 quân Mỹ đến Việt Nam để ngăn không cho cộng sản chiếm được miền Nam, và phần còn lại của Đông Nam Á.
Đại và các đồng chí của mình nhìn sự kiện này theo kiểu khác: với lòng tự hào dân tộc, họ có sứ mệnh thống nhất Việt Nam, tung ra cuộc tấn công bất ngờ vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Mỹ, mà nay được biết đến với tên cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (Tet Offensive).
Ông Đại, năm nay 73 tuổi, khi trả lời phỏng vấn tại nhà ở Hà Nội vào tháng Giêng đã nói: “Lòng căm thù của người lính miền Bắc là rất lớn. Tất cả các chiến sĩ đều tin rằng chúng tôi sẽ giải phóng được toàn bộ đất nước”.
Nguyễn Quý Đức, năm đó mới 9 tuổi, có kỷ niệm khác hẳn về dịp đầu năm 1968. Đức về thăm gia đình nhân dịp Tết nguyên đán, ngày lễ quan trọng nhất của người Việt. Cha của anh là một tỉnh trưởng, đang cố gắng duy trì tình hình có vẻ bình thường, tại miền Nam đang bị chiến tranh hoành hành.
Lệnh ngưng bắn đã được thỏa thuận trong dịp Tết, với đa số quân nhân VNCH được về phép. Có nghĩa là một tuần lễ được nghỉ xả hơi trong thời chiến. Nhưng khi đang ngủ trong nhà của người ông, Đức bị những tiếng súng nổ đánh thức vào lúc một giờ sáng. Những người lính có nhiệm vụ bảo vệ gia đình đã biến đâu mất, xung quanh là những người đàn ông nói giọng miền Bắc.
“Mẹ tôi ra cửa và nói: “Tôi có hai cháu nhỏ ở đây”. Người bộ đội trả lời: “Chúng tôi sẽ bắn bất kỳ ai trông thấy, nếu bà không nói với chúng tôi về tất cả mọi người trong nhà”. Đức kể lại như thế, trong một nhà hàng hiện ông đang sở hữu ở Hà Nội. Đức nhìn thấy người cha bị dẫn đi và tin rằng ông sẽ bị sát hại, trong khi những người còn lại trong gia đình chen chúc dưới một căn hầm suốt nhiều ngày, cho đến khi được lính Mỹ và VNCH cứu thoát.
 

Tranh luận ở Mỹ, im lặng tại Việt Nam
Vào dịp kỷ niệm 50 năm, cuộc tiến công Tết Mậu Thân tại Huế và nhiều nơi khác được tranh luận và mổ xẻ trên báo chí, sách vở ; các cuộc hội nghị, chương trình truyền hình và triển lãm được tổ chức trên toàn nước Mỹ, nơi mà sự kiện này đã khiến cho dư luận trở nên chống đối chiến tranh. Nhưng tại Việt Nam, việc kỷ niệm thời điểm lịch sử - diễn ra trong dịp Tết năm nay vào ngày 16/2 - lại khác, nếu không nói là hoàn toàn khác. Và việc các ông Đại và Đức chấp nhận chia sẻ những kỷ niệm là khá hiếm hoi, trong một đất nước mà sự kiện này hiếm khi được công khai thảo luận.
Mặc cho những cải cách dần dà về thị trường của Hà Nội, và tình hữu nghị đang tăng lên với Hoa Kỳ, những chia rẽ lâu nay giữa miền Bắc và miền Nam còn khá sâu đậm ở Việt Nam. Đối với hàng triệu người miền Nam vẫn coi mình là bên thua cuộc trong chiến tranh, cùng với một số ít người miền Bắc nuối tiếc chế độ cộng sản, dịp kỷ niệm này là lời nhắc nhở đau thương về một quá khứ đau buồn.
Politico nhận định, những ai đã từng sống qua Tết Mậu Thân đều e ngại nói ra, trong một đất nước mà điều luật mơ hồ về tuyên truyền chống Nhà nước có khung hình phạt đến 20 năm tù. Hàng loạt vụ thanh trừng đã xảy ra tại Huế -thành phố nằm trong số những chiến trường đẫm máu nhất - nhưng chính quyền tránh không đề cập đến : chủ đề người Việt giết người Việt quá nhạy cảm.
Khởi đầu cho dịp kỷ niệm 50 năm tổng tấn công Tết Mậu Thân, có rất ít dấu hiệu được tuyên truyền rộng rãi. Thay vào đó, các áp-phích ở Hà Nội, vốn là nét đặc trưng trên khắp các đường phố, lại chào mừng 88 năm ngày thành lập Đảng 3/2. Lễ kỷ niệm chính thức Tết Mậu Thân 1968 diễn ra dưới dạng một bữa tiệc linh đình dành cho các cán bộ cao cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh, với các màn trình diễn văn nghệ.
Theo ông Nguyễn Quang A, 72 tuổi, một doanh nhân về hưu và cựu đảng viên đã trở thành một nhà ly khai ở Hà Nội, ký ức về Tết Mậu Thân chỉ được công khai nói đến bằng những từ ngữ mơ hồ. “Tôi nghĩ rằng Đảng muốn chôn vùi mọi kỷ niệm cũ, vì nó làm suy yếu tính chính danh của họ”.
Còn ông Đức, mà người cha là viên chức dân sự đã bị cầm tù 12 năm và không hề được xét xử, nói rằng thảm kịch không được biết đến rộng rãi này là hết sức đáng đau buồn. “Thật đau khổ khi đi một vòng, gặp gỡ nhiều người, đặc biệt là những người trẻ, mà họ không hề hay biết về những gì đã xảy ra”.
Hầu hết những câu chuyện về trận đánh và các vụ thanh trừng ở Huế, chỉ được chia sẻ một cách an toàn bên ngoài Việt Nam. Nhưng trong những tuần lễ gần đây, tác giả bài viết đã tìm được một ít nhân chứng lớn tuổi, chấp nhận kể lại một cách thẳng thắn. Đặc biệt là họ chưa bao giờ thổ lộ về những kỷ niệm đẫm máu năm 1968.
Trận đánh Huế, rất dữ dội từ ngày 30 tháng Giêng cho đến tận đầu tháng Ba, là trung tâm của cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân. Trong khi những thành phố khác được tái chiếm sau vài ngày, Huế lại bị chiếm đóng hầu như toàn bộ, chỉ có những nhóm nhỏ thủy quân lục chiến Mỹ và lính VNCH chống chọi với quân Bắc Việt trong trận chiến khốc liệt kéo dài cả tháng trời.

Huế và khói nhang Mậu Thân
Trong trận tiến công Huế, có 216 quân nhân Mỹ, hầu hết là thủy quân lục chiến, đã bị tử trận khi giành giật từng căn nhà một. Quân cộng sản chiến đấu kịch liệt, theo chiến thuật “nắm thắt lưng địch mà đánh”, tức tiến sát phòng tuyến của Mỹ để tránh bị dội pháo. Quân Bắc Việt có 2.400 người chết, còn phía VNCH có 452 quân nhân tử trận. Dù quân cộng sản buộc phải rút khỏi Huế, nhưng khả năng giữ được thành phố lâu như thế đã ảnh hưởng đến tuyên bố của chính quyền Johnson là chiến thắng sắp đến gần.
Ông Đức nhắc nhở rằng dù nhiều người Huế không hài lòng về sự hiện diện của người Mỹ tại Việt Nam, nhưng đã hoan nghênh việc quân Mỹ tham dự vào trận đánh và truy quét quân Bắc Việt, cho đến khi họ quay lại vào năm 1975.
Các vụ quân cộng sản giết hại hàng loạt thường dân Huế bị che giấu tại Việt Nam. Chính quyền chỉ mơ hồ nhìn nhận một số “sai lầm” trong trận chiến, và nhất quyết không chịu công nhận tính chất “thảm sát” như bên ngoài đều gọi. Những tin tức đầu tiên về các vụ sát hại này là từ các nghiên cứu của Mỹ, được tiến hành ngay sau trận chiến. Các hố chôn tập thể được phát hiện xung quanh thành phố. Nhiều người bị trúng đạn hoặc là nạn nhân của những quả bom đã san bằng Huế, những người khác bị trói và bị hành quyết, và một số trường hợp rõ ràng là bị chôn sống. Theo ước tính chính thức của VNCH, có 4.856 người bị sát hại tùy tiện ; còn theo Douglas Pike, một viên chức ngoại giao Mỹ nghiên cứu về trận đánh Huế, thì con số này là 2.800 người.
Ông Mark Bowden, tác giả cuốn “Huế 1968: Bước ngoặt cho cuộc chiến Mỹ tại Việt Nam” xuất bản năm 2017, cho Politico biết ông ước tính khoảng 2.000 người đã bị sát hại trong một kế hoạch “thanh trừng” đã được định sẵn đối với những người làm việc cho chế độ miền Nam, cho dù ông tin rằng con số thực sự sẽ không bao giờ được biết đến. Bowden nói: “Chắc chắn là mỗi người mà tôi phỏng vấn, từ Việt Cộng, bộ đội Bắc Việt cho đến dân sự, không ai chối cãi những gì đã diễn ra. Điểm tranh cãi duy nhất là có bao nhiêu người đã chết”.
Ông Trương Văn Quý, một người dân Huế 74 tuổi, sống bằng nghề dạy đàn ghi-ta, là một phóng viên trẻ của báo VNCH trong trận chiến Tết Mậu Thân. Khi tin tức về vụ tấn công lan ra, ông đã từ Saigon ra Huế, và tận mắt thấy thảm cảnh. Trong khi gia đình ông vốn làm việc cho người Mỹ, đã chạy trốn được an toàn, nhiều người láng giềng không có được cái may mắn ấy. Ông Quý nhớ lại: “Tôi thấy những xác người được đưa ra khỏi hố chôn tập thể, họ đã bị chôn sống”.
Ông Đại, người bộ đội miền Bắc, nay là nhà soạn nhạc và nằm trong số tương đối ít các công dân Việt Nam công khai kêu gọi chấm dứt chế độ độc đảng, nhớ lại đã thấy có những người bị bắt và đẩy lên xe. Cấp trên nói với ông là những người này làm việc cho chính phủ VNCH, còn những người đi lùng bắt thuộc một “đơn vị bí mật”. Đại không biết số phận những người tù này ra sao, nhưng các đồng đội ông được lệnh: “Đưa ra xe, những người này cần phải được đưa đi cải tạo”… “Tôi nghe sơ qua từ những bộ đội khác là họ có nhiệm vụ đào một hố chôn tập thể”.
Ông Đức, đã di tản sang California năm 1975 và nhập quốc tịch Mỹ, trở về Việt Nam năm 2006, cố tránh đến Huế trong những ngày này. Nêu ra thuật ngữ trong văn hóa Việt, vốn tin tưởng sâu sắc vào những hiện tượng siêu nhiên, ông nói rằng các “hồn ma” vẫn vất vưởng trên thành phố. “Bạn đến một góc nào đó trên đường phố, và bạn nhớ ra rằng có một ngôi mộ ở đây vào năm 1968”.
Nhà sư Trần Viết Mẫn, 54 tuổi, trụ trì chùa Viên Quang ở Huế nói, những ký ức về Huế vẫn sống động, tục lệ thờ cúng tổ tiên thấm đẫm trong xã hội Việt Nam. Các thành viên trong gia đình của người quá cố hiện vẫn yên lặng cúng bái người thân tại nhà. Ông Mẫn nói rằng người dân Huế đã có được “hòa bình”, nhưng vẫn chưa đạt được “thái bình” trong tâm tưởng. “Chiến tranh đã kết thúc, nhưng hòa bình vẫn chưa hoàn toàn đến”.
Nhà ly khai Nguyễn Quang A so sánh sự e dè của chính quyền Việt Nam trong việc nhìn nhận quá khứ, với thời kỳ hòa giải kéo dài sau cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Ông nhấn mạnh, việc hàn gắn vết thương cần có thời gian, ngay cả trong các xã hội dân chủ “vẫn còn là vấn đề” giữa các tiểu bang miền Bắc và miền Nam nước Mỹ.
Theo Politico, các nỗ lực hòa giải hầu như không hiện hữu tại Việt Nam. Nửa thế kỷ sau tổng tiến công Tết Mậu Thân, đảng Cộng Sản vẫn khăng khăng là không có nội chiến. Bày tỏ quan điểm khác dễ bị chụp mũ là “phản động”, với hậu quả là từ thất nghiệp cho đến những bản án tù lâu dài.
Ông Đức giải thích: “ Theo luận điệu tuyên truyền thì đảng đã lãnh đạo cuộc chiến chống Mỹ. Nhưng nói rằng không có nội chiến, là làm ngơ việc ba triệu người Việt đã ngã xuống khi cầm súng bắn lẫn nhau, điều đó làm tôi đau khổ và phẫn nộ”.

NGUỒN : http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180221-vi-sao-viet-nam-it-de-cap-den-tet-mau-than-1968

Wednesday, February 7, 2018

1968 : MỒ TẬP THỂ ĐẦU TIÊN BÊN SÔNG HƯƠNG

Người dân chạy nạn trở về Huế sau khi binh lính Mỹ và VNCH tái chiếm thành phố (hình chụp 13/3/1968)
Bản quyền hình ảnh Getty Images

Vào đêm 30/1/1968, quân đội Bắc Việt và lực lượng Việt Cộng bất ngờ tổng tấn công trên toàn miền Nam Việt Nam.
Huế bị các lực lượng phe cộng sản tấn công và chiếm giữ.
"Kẻ thù đã rất dối trá, lợi dụng thời gian hưu chiến trong dịp Tết để gây kinh hoàng tới mức tối đa ở Nam Việt Nam, đặc biệt là ở những vùng đông dân," Tướng Westmoreland, Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam, giận dữ nói.

Các bản tin khi đó dồn dập tình hình chiến sự.
"Kẻ thù đã xâm nhập vào Huế với lực lượng đáng kể, và nay đã chiếm được một phần thành phố," một tường thuật trên đài tuyên bố.

Xác chết khắp nơi

"Mỹ không kích Huế. Dân thường phải gánh chịu những tổn thất to lớn," nội dung trong một bản tin khác.
"Cộng sản không thể duy trì được quyền kiểm soát thành phố. Nhưng Mỹ và các đồng minh không đẩy được đối thủ ra nếu không phá nát thành phố cổ kính xinh đẹp này."


Lính thủy quân lục chiến Mỹ tại Huế, 23/2/1968

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Phil Gioia khi đó 21 tuổi, là trung úy Sư đoàn Dù số 82, được gửi tới Việt Nam để tăng viện cho lực lượng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và quân lực Việt Nam Cộng hòa trong cuộc chiến giành lại Huế.
"Có những xác người trên sông; có những xác người trên các con kênh. Cả nơi đó ngập mùi tử khí và mùi gỗ cháy," Gioia nhớ lại.
"Chúng tôi không được huấn luyện để giao chiến tại địa hình toàn là khu dân cư như vậy. Chúng tôi được đào tạo để đánh nhau trên các cánh đồng, trong rừng rậm. Chúng tôi phải đi qua từ nhà này sang nhà khác, từ vườn nhà này sang vườn nhà khác, giống như là phải tự nghĩ ra cách đánh đó."

"Thời tiết thay đổi thất thường liên tục. Có hôm trời mưa, lạnh thấu xương. Ngày hôm sau lại nắng, nóng hầm hập. Cả khu vực cứ như một nhà tắm hơi."
"Bên ngoài địa bàn Huế là cây cối trên các ngọn đồi. Chúng tôi phải di chuyển sang phía tây thành phố khoảng 2,5 km, từ bên ngoài di chuyển vào."
"Xuôi dọc bờ bắc Sông Hương là nơi có lăng tẩm các vị vua Việt Nam - những ngôi chùa lớn đầy cây nhiệt đới rậm rạp và khỉ, ở đó có các vị sư."
"Tôi lúc đó kiếm được một cậu học sinh người Pháp, và đó là cách duy nhất để tôi nói chuyện được với các vị sư, để hỏi họ xem họ có thấy bất kỳ lính Việt Cộng hay lính Bắc Việt nào không. Tất nhiên là họ luôn nói không, không, 'không có kẻ thù ở đây'."

Nấm mồ tập thể

"Chúng tôi khi đó vừa mới dọn sạch một trong những ngôi chùa lớn đó rồi di chuyển dọc theo các cánh đồng, nơi chúng tôi gặp một khu vực khá bằng phẳng dọc theo bờ bắc của con sông. Mùi tử khí đậm đặc."
"Một trung sĩ dưới quyền tôi, tên là Ruben Torrez, nói, 'ở đây có cảm giác rất chết chóc.' Anh ấy thấy có một thứ nhô lên từ mặt đất. Ban đầu anh ấy nghĩ đó là rễ cây."
"Thế nhưng thứ đó đã bị mặt trời thiêu đốt mấy hôm, và đó là khuỷu tay của một xác chết, nhô lên từ lớp đất phủ sơ sài."
"Khi tới gần hơn, anh ấy nhận ra đó là gì, và gọi tôi tới gần. Tôi nhìn rồi nói, 'chúng ta cần đào lên xem sao' bởi chúng tôi nghĩ đó có thể là những người lính đối phương."

"Nếu kẻ thù chôn cất người của họ, thì trong các xác chết đó chúng ta có thể tìm được những thông tin đáng giá. Họ có thể mang theo nhật k‎ý, bản đồ chẳng hạn. Cho nên nếu đưa các xác chết đó lên và lục soát - tất nhiên, tôi biết điều đó thật là ghê tởm - thì chúng tôi có thể tìm được những tin tức tình báo có giá trị."
"Nhưng lần này hóa ra không phải vậy. Đó là một người phụ nữ, và có rất nhiều xác người khác trong rãnh chôn này. Càng đào thêm, chúng tôi càng phát hiện ra thêm các xác chết."
Đó không phải là một mồ chôn bình thường. Các nạn nhân bị trói tay ra phía sau. Họ đã bị xử tử.
"Họ đều bị giết chết tại hố này," Phil Gioia nói. 
D.R. Howe băng bó cho binh nhì D.A. Crum từ đại đội H, tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 5 trong trận giành lại Huế ngày 6/02/1968
Bản quyền hình ảnh NATIONAL ARCHIVES/AFP/Getty Images

"Một số người bị bắn chết, một số không bị bắn. Tôi chỉ hy vọng là những người không bị bắn đã bất tỉnh trước khi bị hất đất lên người."
"Đó là những người đàn ông và những người đàn bà, chừng 100 người, và có cả trẻ nhỏ. Từ trẻ sơ sinh cho tới tôi đoán là khoảng 10-12 tuổi, cả con trai lẫn con gái. Thật tàn nhẫn."
Sau đó, Phil và những người lính của ông được cho biết về những xác chết mà họ tìm thấy.
"Điều chúng tôi nghe thấy sau khi bên tình báo điều tra những gì chúng tôi tìm được, các loại giấy tờ, là Việt Cộng hoặc lực lượng Bắc Việt đã lên danh sách, để khi chiếm được Huế là họ dồn tất cả những người họ cho là mối đe dọa - bất kỳ ai thuộc quân lực Việt Nam Cộng hòa hoặc làm việc trong cơ quan công quyền của thành phố," Phil nói.

"Người phụ nữ với cánh tay nhô lên mà chúng tôi tìm thấy là một giáo viên. Như vậy là họ đã dồn những người mà họ cho là không được để cho sống, và đưa tới các chỗ khác nhau trong thành phố. Đây chỉ là một trong những nấm mồ tập thể được phát hiện ra, nhưng là nấm mồ đầu tiên," Phil nói.

Nạn nhân

Hơn 10 mồ chôn tập thể được phát hiện ở quanh Huế. Ước tính tổng số người bị giết trong thời gian quân Bắc Việt và Việt Cộng làm chủ thành phố là từ hàng trăm cho tới hàng ngàn người.
Hầu hết các nạn nhân là người Việt, nhưng cũng có một số người châu Âu và người Mỹ.
"Khi chỉ huy đại đội của tôi gọi radio về tổng hành dinh, họ đã không thể tin những gì được báo cáo. Khá nhanh sau đó, có rất nhiều người tới chỗ chúng tôi. Các sỹ quan cao cấp và một, hai vị tướng cùng trợ lý cũng tới," Phil nói.
"Chúng tôi phải đeo mặt nạ khí khi khai quật các tử thi. Cảnh tượng rất ghê rợn."
"Tôi chưa từng nhìn thấy điều gì như thế. Thành thật mà nói là cả những người lính của tôi cũng vậy. Và chúng tôi phải chuyển sang một khu vực khác, phải tẩy trùng vì toàn bộ quân phục, giày ủng, quần áo của chúng tôi, tất cả những gì trên người chúng tôi đều bị dính vương các mảnh xương thịt người chết."
"Chúng tôi là lính chuyên nghiệp dày dạn, không phải lính dự bị, vậy mà những người lính trẻ của tôi đã cảm thấy rất kinh sợ. Ai cũng kinh hoàng trước những gì nhìn thấy."
Vụ tìm ra các nấm mồ tập thể trở thành hàng tin chính ở miền Nam Việt Nam.
Một số người chỉ trích nói rằng con số các vụ xử tử hàng loạt đã bị phóng đại hoặc chỉ là chiến dịch tuyên truyền.
Tuy nhiên, tin tức về những vụ giết người ở Huế đã gây tác động rõ rệt.
Trở về nhà sau trận chiến tại Huế
Bản quyền hình ảnh Terry Fincher

Khi quân Bắc Việt mở cuộc tấn công cuối cùng tiến tới thống nhất đất nước hồi 1975, hàng trăm ngàn dân thường ở miền Nam Việt Nam đã bỏ chạy. Dường như trong tâm trí nhiều người, câu chuyện về "những vụ thảm sát ở Huế" vẫn còn đậm dấu ấn.
"Tôi không nghi ngờ gì rằng cơn hoảng loạn đã đeo bám họ, ám ảnh họ với những gì họ đã nhìn thấy, đã nghe được, và đọc được trên báo chí, truyền thông hồi 1968," Phil Gioia nói.
Tất nhiên, những vụ thảm sát ở Huế, dù chưa được phía Cộng sản thừa nhận, không phải là sự tàn bạo duy nhất của cuộc chiến, một cuộc chiến đã giết chết chừng 3 triệu người Việt Nam.
Phil Gioia phục vụ hai nhiệm kỳ tại Việt Nam và bị thương hai lần. Ông nay sống tại San Francisco, Mỹ.Cuộc phỏng vấn Phil Gioia bằng tiếng Anh mang tựa đề 'Mass Graves in Hue, Vietnam' đã được đăng tải trên kênh BBC World Service 10/2015. 

 NguỒn : http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42919333

Monday, February 5, 2018

TÌNH YÊU ĐỒNG ĐỘI


Hồn Nhiên (Danlambao) - Người đàn ông gầy gò, khuôn mặt xương xẩu, khắc khổ với làn da sạm nắng. Bước chân khệnh khạng vì còn một chân, còn chân kia đã bị cụt, được gắn chân giả. Đôi tay chai sần nứt nẻ, vì những năm tháng tìm kiếm, đào xới đất cát ở những nơi từng xảy ra giao tranh để mong tìm thấy hài cốt của những người bạn đồng đội mình khi xưa. Anh làm công việc này âm thầm, lặng lẽ, và bí mật, vì anh sợ nếu đến tai bọn chính quyền địa phương thì những ngôi mộ ấy chắc khó tồn tại. Một điều để anh dễ dàng nhận ra hài cốt của đồng đội đó là những tấm thẻ bài. Những tấm thẻ bài như biết nói, nó như xoáy vào tim anh như hối thúc, như nhắc nhở anh từng ngày, từng giờ.
Chiến tranh đã kết thúc cách đây hơn 40 năm. Nhưng chiến tranh trong lòng người vẫn day dứt, dai dẳng. Những đôi mắt ghẻ lạnh, những hành động trả thù, và con cái của các cựu quân nhân bị cấm cửa ở các cổng trường Đại Học (giai đoạn năm 1976-1999). Rồi “kinh tế mới”, rồi đổi tiền, rồi “cải tạo công thương nghiệp”, rồi “thanh niên xung phong”, những đòn thù này giáng xuống gia đình của các quan chức của chế độ VNCH, đó chính là nguyên nhân khiến những cuộc chiến tranh trong lòng người bùng nổ. Thế hệ của chúng tôi thời đó liên tiếp bị giáng những đòn thù chí mạng, trở nên mất sức đối kháng. Nhìn gia đình mình mỗi ngày một sa sút, những vật dụng trong nhà từ từ đội nón ra đi không có ngày trở lại, tôi mới thẩm thấu được cái tiểu nhân, cái hèn mạt của chế độ mới này. Thời đó, tuổi trẻ chúng tôi nhìn cuộc đời với cái nhìn phẫn hận, và nhiều gia đình sau khi đi “kinh tế mới” về nhà cửa bị cướp mất, ruộng vườn cũng không còn, bèn vay mượn bà con họ hàng chút ít tiền rồi dắt díu nhau xuống tàu vượt biên. 
Trở lại với người đàn ông gầy gò. Anh tên là Võ Phùng Dương, lúc vc vào chiếm miền Nam, anh còn đang chữa trị tại quân y viện SG, chúng đang tâm bắt anh đi tù với vết thương còn tóe máu. Sau 5 năm, anh trở về từ nhà tù cs. Từ đó, anh vất vả với một chân còn lại của mình, đi tìm kiếm thu gom hài cốt của các đồng đội, sắp xếp lại và đắp cho họ những ngôi mộ tươm tất. Những ngôi mộ tử sĩ này rất nhiều người có tên tuổi, số quân, đơn vị và sư đoàn, với những tấm bia ghi tên tuổi đầy đủ, rồi hương khói phụng thờ, “cho ấm lòng chiến sĩ”, anh nói vậy. Đây là một việc làm rất ý nghĩa, đầy tính nhân văn mà anh đã miệt mài hơn 30 năm qua, bằng tất cả kinh phí mà anh có được. Anh không tơ hào đến một đồng của bất cứ ai, chỉ miệt mài, chăm chỉ, cần mẫn, ngày này qua ngày khác, tiền anh kiếm được bằng vào sức lao động của anh, anh làm bất kỳ công việc gì có thể để có tiền cho công việc đào xới, tìm kiếm này. Đến nay, anh đã hoàn tất được cho BĐQ 61 mộ, 81 mộ cho sư đoàn 18 BB. 11 mộ nhảy dù, 25 mộ cho sư đoàn 5, và 18 mộ vô danh khác, cũng là lính VNCH. 

Tôi thật sự không cầm được nước mắt khi nghe anh chia sẻ từng nỗi vất vả, gian truân trên con đường tìm kiếm này. Và cũng vô cùng kinh ngạc khi được anh chia sẻ những thành quả mà anh đã đạt được trong từng ấy năm. Phải là người có một tình yêu đồng đội sâu sắc lắm, anh mới không quản ngại khó khăn để làm việc này mà không có sự trợ giúp của bất cứ Mạnh Thường Quân nào. Thốt nhiên, trong đầu tôi nảy sinh hình ảnh, một bên là các “đồng chí” tranh ăn, tranh gái đẹp, sẵn sàng triệt hạ nhau bằng những trò “bắn-vào-đầu-tự-tử-từ-phía-sau”, “đút cũi vào lò”, và một bên là những sẻ chia từng điếu thuốc, từng bidong nước. Hai hình ảnh này tương phản nhau quá. 
Hy vọng qua bài viết này, tôi muốn nhắn gởi đến những thân nhân của các tử sĩ VNCH, xin hãy đồng hành cùng với anh Võ Phùng Dương, một người lính BDQ ngày cũ đã bị cụt một chân, đang làm một công việc rất ý nghĩa cho người thân của họ. Nếu quý vị nào nhận ra người thân được nêu tên trong những tấm hình trên đây, xin hãy đến thắp cho họ một nén nhang, nhân ngày Tết Thanh Minh này. Hãy quét dọn mồ mả để những linh hồn người thân của quý vị cùng đón Tết với chúng ta mà không phải tủi lòng. Mong lắm thay!
4/2/2018