Saturday, September 30, 2023

SỰ THẬT Ở ĐÂU ?

 Phan Nhật Nam

Daniel Ellsberg (ảnh: Owen Franken/Getty Images)

Lời Người Viết:

Vốn là người không hề sinh hoạt đảng phái chính trị trong quá trình quân ngũ ở Việt Nam trước khi đến Mỹ Tháng Mười Một 1993, sau ba mươi năm ở Mỹ, nay với tư cách Công Dân Mỹ gốc Việt bình thường, quả thật (cũng) không thể (có khả năng) nói lên điều đơn giản: Đã hiểu thế nào là Người/Việc (ngoại giao-chính trị-xã hội) của, từ Liên Bang Hoa Kỳ.

May thay, vô tình trong câu chuyện gần đây với một người bạn trẻ (so với tuổi 80 của người viết) – một người Mỹ có tư cách, nghề nghiệp đáng tin cậy – Giáo sư Peter Zinoman (chuyên về sử học/lịch sử Việt Nam) của Đại Học Berkeley (CA) cho thấy: Bi kịch Việt Nam có một đầu mối: “Dĩ Mỹ Vi Trung/Tất cả do từ, của, với quan điểm: Mỹ là Trung Tâm”. Phải, từ chủ điểm cốt lõi nầy, người viết (có thể) tìm hiểu, giải thích (với bản thân): Từ đâu? Tại sao có Bi Kịch/Chiến Tranh Việt Nam – suy ra (cho cùng) cũng thấy/hiểu thêm về tình trạng toàn cầu hỗn loạn hiện nay – cũng từ, tại, với Mỹ. Không sai.  

Một.

Ngày 16 Tháng Sáu vừa qua, nhân vật tiếng tăm trong giới truyền thông, báo chí Mỹ từ thập niên 1960 tên Daniel Ellsberg từ trần ở tuổi 92 (sinh 1931). Đây là một chuyên viên phân tích quân sự/quốc phòng Mỹ; từ kinh nghiệm phản chiến (chiến tranh Việt Nam trong giai đoạn 1964, 1965…) đã có một quyết định táo bạo (và “can đảm”): Cho tiết lộ 7,000 trang tài liệu về sự “dối trá lịch sử” của, từ (chính quyền, Quốc hội Mỹ) qua điều hành chiến tranh và thất bại (chắc chắn đã thấy tại 1975-Pnn) ở Việt Nam.

Cuộc chiến khiến nước Mỹ bị chia rẽ, tổn thương với hậu quả, hệ quả kéo dài trên nhiều mặt đến hôm nay, thế kỷ 21. Sự kiện xẩy ra vào năm 1971. Năm 1973, Daniel Ellsberg ra tòa vì tội vi phạm Đạo Luật 1917/Tội Gián Điệp có thể bị kết án đến 115 năm tù. Được bào chữa bởi một dàn luật gia thượng thặng của Trường Luật Harvard, Ellsberg (hẳn nhiên) được trắng án. Từ đấy, ông nổi danh là người hoạt động cho “Quyền Tự Do Báo Chí/Nhân Quyền”.

Ellsberg được trao tặng giải “Right Livelihood Award/Quyền Sống (của) Con Người” năm 2006. Năm 2018, tiếp được Giải Olof Palme (tên thủ tướng Thụy Điển bị ám sát 1986) do thành tích, ”chiến đấu can đảm cho, vì con người một cách sâu sắc”. Danh tính Daniel Ellsberg được sử dụng để nói về “lòng can đảm, tính trung trực” của giới trí thức, báo chí, truyền thông (thiên tả Mỹ). Sẽ trở lại chi tiết ở phần sau bài viết.

Cũng trong Tháng Sáu, theo tin báo The New York Times (ngày 23 Tháng Sáu): Jack Smith thẩm phán đặc biệt yêu cầu tòa liên bang dời ngày xử “Công Dân Hoa Kỳ/Cựu Tổng thống Mỹ tên Donald Trump” từ Tháng Tám đến Tháng Mười Một vì tội cất giấu 64 thùng hồ sơ “mật” nơi buồng tắm qua lần lục soát năm 2021 đã khám phá ra.

Như thế là thế nào? Một nhân viên chính quyền cao cấp của Bộ Quốc Phòng/Công dân Ellsberg cho phổ biến 7,000 trang hồ sơ (TUYỆT MẬT- Không những chỉ liên quan đến Chiến tranh Việt Nam, mà còn tiết lộ về chiến lược sử dụng bom nguyên tử) được đánh giá là hành vi hợp hiến (Tu Chính Án số 1) – Quyền thông báo đến quần chúng với tư cách là một công dân – Tuyên bố ngày 28 Tháng Sáu 1971 tại Văn Phòng Biện Lý Liên Bang Quận Massachusetts, Boston. Trong khi ấy “Công dân/Cựu Tổng thống Trump” lại bị (tội): “cất giấu hồ sơ “mật” nơi buồng tắm và không chịu hoàn trả đủ! – Vi phạm Nguyên Tắc (Đạo Đức) Pháp Lý – Không Ai Có Quyền Đứng Trên Pháp Luật!

Hai.

Từ 1964 (năm xảy ra biến cố Vịnh Bắc Bộ, 2 Tháng Tám 1964), thời điểm khởi đầu chiến cuộc Việt Nam (theo quan điểm của hầu hết giới học giả, chính khách, báo chí truyền thông thiên tả Mỹ) cho đến lần sụp vỡ miền Nam 30 Tháng Tư 1975), Daniel Ellsberg với tư thế một nhân viên cao cấp Bộ Quốc Phòng Mỹ, chuyên viên phân tích tình hình chính trị-quân sự-ngoại giao thuộc Tổ hợp RAND, canh cánh trong lòng mối ư tư…

Thoạt tiên, “nếu” (chắc chắn chứ không phải “nếu”-Pnn) chiến tranh Việt Nam là một “xung đột”, thì ông phải có nhiệm vụ giải quyết; nhưng khi thấy (đã) là một “bế tắc” (là nhân viên chính quyền cao cấp) thì (bản thân Ellsberg) phải tìm ra giải pháp (đưa nước Mỹ thoát ra) mà không phương hại đến quyền lợi quốc gia; nhưng khi thấy (rõ) ra là một “tội ác” (chữ của Ellsberg) thì (người trí thức đạo đức, cấp tiến Ellsberg –Pnn) phải chấm dứt ngay lập tức!

Chiều 1 Tháng Mười 1969, Ellsberg sáng suốt quyết định phải tìm cho ra lẽ với 7,000 trang hồ sơ (được) quyền nghiên cứu và chụp lại trong đêm tại nhà riêng. Ellberg chuyển 7,000 trang hồ sơ quốc phòng “tuyệt mật” cho báo The New York Times. Năm 1971, vụ án chính trị hình sự “Hồ Sơ Ngũ Giác Đài/The Pentagone Papers” nên thành. Năm 1973, Ellsberg ra tòa, (tất nhiên) được trắng án.

Ba mươi năm sau, 2002, Ellsberg thấy ra “The Pentagon Papers” chưa (đúng ra càng không-pnn) đủ vì: Không những chỉ chống đối chiến tranh (như đã xẩy ra 1964, 1968, 1972… để có ngày 30 Tháng Tư 1975) mà chiến tranh (tệ hại, xấu xa-pnn) nơi xứ sở gọi là Việt Nam ấy cần phải tìm hiểu hơn: Cuốn Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers được viết nên, tổ hợp xuất bản Viking Penguin Group, US, phát hành, phổ biến.

Để tìm “cho ra lẽ cuộc chiến” gây nhiều vấn nạn tai họa tại Việt Nam (1964-1975); từ quan điểm của cuốn Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers, nhà phân tích quân sự-chính trị Daniel Ellsberg dựng lại (chi tiết) biến cố “tàu Mỹ bị tàu Bắc Việt tấn công” xẩy ra dưới quyền Tổng thống Johnson, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara [tại thời điểm Tháng Tám 1964, Ellsberg cũng đã dự phần (lớn) phụ trách].

Đấy là tối Chủ Nhật 2 Tháng Tám 1964, Hạm trưởng John J. Herrick chỉ huy khu trục hạm Maddox đang ở 60 hải lý ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, thuộc hải phận quốc tế, báo cáo bị ba tàu phóng ngư lôi Bắc Việt tấn công. Tàu Maddox bắn súng cảnh cáo, tàu Bắc Việt đáp lại bằng phóng ngư lôi và bắn súng đại liên. Cuộc giao tranh xẩy ra (hoàn toàn) trong bóng tối, chỉ do radar hướng dẫn; một máy bay từ hàng không mẫu hạm USS Ticonderoga được phóng lên yểm trợ. Kết quả trận đánh, ba tàu phóng lôi của Bắc Việt bị hư hại, bốn thủy thủ thiệt mạng, cùng với sáu người khác bị thương (tài liệu Hà Nội); không có thương vong về người hay thiệt hại vũ khí quan trọng của phía Mỹ. Tàu Maddox “vô sự” ngoại trừ một lỗ đạn duy nhất do đại liên 14.5.

Khuya rạng ngày 4 Tháng Tám 1964, hai khu trục hạm USS Turner Joy, USS Maddox tiếp tục nhiệm vụ kế hoạch DESOTO (Kế hoạch do thám, theo dõi các hoạt động của Trung Cộng, Bắc Hàn, Bắc Việt thành hình từ 1950 do Hải quân Mỹ thực hiện ngoài khơi vùng biển quốc tế).

Bản thân Ellsberg giữ nhiệm vụ ghi nhận các công điện tại văn phòng Bộ Quốc Phòng, Washington DC. Công điện gởi từ Đài Chỉ Huy Maddox/Hạm trưởng Herrick chuyển đến Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương/Đô Đốc Sharp (ở Hawaii), từ đây chuyển về Mỹ. Công điện đầu tiên được nhận gởi lúc 9:42 pm/giờ địa phương/USS Maddox – Tức 10:42 am/Washington DC – cách nhau 13 giờ được gởi bằng ưu tiên “Flash/Hỏa Tốc”. Công điện dồn dập được báo cáo (trực tiếp) từ Herrick: “Ngư lôi (của cộng sản) bị trượt… Một cái khác đang nhắm vào chúng tôi… 5 cái… 6 cái…”.

Cũng như trận chiến ngày 2 – Tất cả chỉ diễn ra trong bóng tối được theo dõi/điều động bằng radar; máy sonar. Cuộc giao tranh kéo dài hơn một giờ có phi cơ từ hàng không mẫu hạm lên yểm trợ. Đến chiều, Hạm trưởng Herrick gởi về Bộ Quốc phòng (ở Mỹ nhận lúc 1: 27 pm/giờ Washington DC) một công điện yêu cầu thực hiện tuần thám (khoảng 3, 4 giờ) bằng phi cơ trong ban ngày để tìm xem vết dầu loang, mảnh vỡ của thuyền phóng ngư lôi (của cộng sản) nhằm xác nhận (kết quả) cuộc giao tranh trong ngày 4 Tháng Tám có thật hay không?

Đến chiều (16:00/giờ Washington DC), Herrick với sự cẩn thận, nguyên tắc của một sĩ quan hạm trưởng nhận định: “Các chi tiết nhận được từ hoạt động (máy bay) cho thấy một bức tranh khó hiểu (về sự kiện ngày 4 Tháng Tám), mặc dù chắc chắn rằng cuộc phục kích ban đầu (ngày 2 Tháng Tám) là có thật.”

Tất cả đã quá đủ. Nửa đêm ngày 4 Tháng Tám (5 Tháng Tám ở Việt Nam), Tổng thống Johnson ra lệnh ngưng hệ thống truyền hình quốc gia để đọc một thông báo, qua đó Tổng thống Mỹ trình bày: “Một cuộc tấn công của các tàu Bắc Việt Nam nhắm vào hai tàu chiến Maddox và Turner Joy của Hải quân Hoa Kỳ”. Tổng thống Johnson yêu cầu chính quyền (phải) thực hiện một phản ứng quân sự. Ông nhấn mạnh cam kết với người dân Hoa Kỳ và chính phủ VNCH. Ông cũng nhắc nhở người dân rằng, Mỹ không mong muốn có chiến tranh.

11: 37 am, Tổng thống Johnson phát lệnh tấn công. Trong thực tế máy bay từ hàng không mẫu hạm Ticondegora đã xuất kích từ 11:20 Am (Đô Đốc Sharp thông báo với Bộ Trưởng McNamara. D.E. Secrets, p. 12). Chiến tranh Việt Nam như thế được/bị khởi động từ sự kiện ngày 2 và 4 Tháng Tám 1964 nơi Vịnh Bắc Việt được hợp thức hóa bởi lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua Nghị Quyết 1145 (7 Tháng Tám 1964) đồng thuận với số phiếu gần như tuyệt đối (Hạ Viện: 416-0; Thượng Viện: 88-2) cho phép Tổng thống Johnson toàn quyền hành động, mở rộng chiến tranh trừng phạt cộng sản Bắc Việt, cứu nguy miền Nam, giữ vững Đông Nam Á.

Tóm lại – Nói vậy nhưng KHÔNG phải vậy (chỉ về phía Mỹ). Bài viết chuyển qua một phía khác – Cũng để tìm cho ra lẽ.

Ba.

Trích dẫn từ Đèn Cù (Người Việt Books, CA, US 2014) của Trần Đĩnh (1930-2022), cán bộ trung ương đảng viết báo Nhân Dân/cộng sản Bắc Việt từ 1950. Trần Đĩnh kể: “Ngày 1 Tháng Mười 1949 nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa thành hình sau khi Hồng Quân Trung Quốc chiếm xong Hoa Lục. Hơn hai tháng sau “bác Hồ” (đã là chủ tịch nước VNDCCH từ 2 Tháng Chín 1945) bí mật len qua vùng địch (vùng Pháp kiểm soát –Pnn) ở Phục Hòa, Cao Bằng đi Trung Quốc”.

Ông Hồ qua Tàu làm gì? Trần Đĩnh giải thích: “… Ông cụ sang kiểm thảo với Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai. Kiểm thảo xong, Lưu Thiếu Kỳ nhận xét, góp ý kiến…

– Sao lại kiểm thảo?

– Là một chi bộ của quốc tế. Phải xin quốc tế cho nhận xét chứ!

Đĩnh kể tiếp và phân tích cặn kẻ: “… Nhưng hệ lụy đã nằm sâu bên trong vô thức đảng viên cộng sản Việt Nam: Vị trí đàn em, bên dưới, yên phận, biết ơn!”

Xuân Trường (Ủy viên trung ương đảng, thập niên 1950, 1960, 1970-Pnn) thêm nhận xét: “… Bác nhà mình chủ động khẳng định với Bác Mao quan hệ môi răng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bác tự động nhận mình chỉ nêu được có tác phong, còn tư tưởng, lý luận thì để cho Mao Chủ Tịch. Điều lệ thêm câu: Lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam…

Đĩnh kết luận: “Từ 1951, tuần nào báo Nhân Dân cũng có vài mẩu của CB (tức cụ Hồ) phổ biến mọi mặt của Trung Quốc… Dần dà đảng viên cộng sản Việt Nam lại tìm ra chỗ để tự hào được làm em của hai nước vĩ đại: Liên Xô anh cả và Trung Quốc anh hai!” (Đèn Cù, trang 47-51).

Từ 1951 đã là vậy huống gì đến năm 1954 với yểm trợ của Trung Cộng từ bát ăn cơm, bánh lương khô, đến khẩu pháo kéo vào trận địa, nên dẫu đã thắng lợi trận Điện Biên Phủ, 8 Tháng Năm 1954, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đã đích thân đến Liễu Châu nhận lệnh của Mao qua tám lần họp trong ba ngày (3-5 Tháng Bảy 1954). Cuộc họp đưa đến quyết định trọng đại về số phận Việt Nam dưới chủ trì của Châu Ân Lai nhận lệnh trực tiếp từ Mao Trạch Đông: Chia đôi đất nước Việt Nam, 20 Tháng Bảy 1954.

Nội dung Hội Nghị Liễu Châu (3- 5 Tháng Bảy 1954) đến nay chưa hề được công bố, chỉ biết đã tác động, quyết định trực tiếp đến Hội Nghị Genève để chiếc kim đồng hồ của phòng hội chính được giữ yên ở số 12 đêm 20 rạng ngày 21 Tháng Bảy 1954 đúng với lời hứa của Thủ tướng Mendès France trước Quốc hội Pháp là sẽ giải quyết xong vấn đề Đông Dương sau một tháng nhậm chức. Hội nghị cũng kết thúc với điểm then chốt là xác định đường ranh giới chia cắt hai miền Nam-Bắc Việt Nam tại vĩ tuyến 17, dọc theo sông Bến Hải, bắc thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Sở dĩ Thủ tướng Pháp Mendes France có cam kết cụ thể trên vì từ 20 Tháng Sáu (ngày nhậm chức) ông đã rất nhiều lần gặp riêng Thủ tướng Châu Ân Lai tại thủ đô Thụy Sĩ; cụ thể trong phiên họp ngày 17 Tháng Bảy (còn lưu giữ đoạn thâu băng), Thủ tướng Châu xác nhận: “Tất cả những gì chúng ta (Trung Cộng, Pháp) quan tâm là “hòa bình” trong khu vực (Đông Dương-Pnn). Nhưng nếu Mỹ cố kết vùng Đông Nam Á bao gồm ba nước Đông Dương vào trong một hiệp ước thì tất cả sự hợp tác giữa chúng ta trở thành vô ích” – Tức là: Đừng để cho Mỹ có cớ vào Đông Dương mà Việt Nam/Miền Nam Việt Nam sẽ là một đầu cầu rất thuận tiện.

Từ Tháng Bảy 1954 đến nay, Tháng Bảy 2023 là 69 năm – Tất cả vấn đề của Đông Nam Á/Ba nước Đông Dương/Nam-Bắc Việt Nam – Là Mỹ và Trung Cộng (đã/đang/sẽ) ứng xử với nhau như thế nào? Làm sao? Với ai?

Vấn đề/Vấn nạn vừa kể ra trong năm xa xôi 1954 kia không hiểu những nhân sự cỡ Eisenhower, Kennedy (lúc ấy) có thấy ra không? Nhưng những kẻ gọi là “Tổng thống Mỹ” cỡ Bush con, Clinton, Obama, Trump, Biden hiện tại chắc chắc hoàn toàn bù trất! Hỏi thử chuyên viên phân tích tình hình của Tổ hợp RAND Daniel Ellsberg cho dẫu đậu đến hết bằng cấp cao nhất của Harvard, năm ấy vừa qua 20 tuổi biết được những gì? Mấy ông thầy của “cậu Daniel” xa xưa kia cũng chỉ chịu ú ớ! Nhưng khổ thay: Dĩ Mỹ Vi Trung – Người trí thức tiến bộ Daniel Ellsberg phải “can đảm/sáng suốt” cứu nước Mỹ – Pentagon Papers/Hồ Sơ Ngũ Giác Đài được giương lên ngất ngất với Nghị quyết Vịnh Bắc Việt/Tonkin Gulf Resolution 1145.

Kết Luận:

Sau lần ký hiệp định ngưng chiến 20 Tháng Bảy 1954, đảng cộng sản Việt Nam đã “tạo cớ” cho Mỹ vào thế chân quân đội Pháp tại Đông Dương. Và kẻ được hưởng lợi lớn nhất lại là Trung Cộng vì bấy giờ đã có thể nói chuyện với siêu cường Âu-Mỹ trên thế mạnh.

Vào Việt Nam, nhưng chỉ sau mấy năm, Chính phủ Mỹ đã không giấu nổi nôn nóng khi tình hình xã hội trở nên hỗn loạn qua biến cố Phật Giáo ở miền Trung (Tháng Mười Một 1963), gây nên hậu quả (tất nhiên) khiến hình quân sự trở nên xấu trong năm 1965. Cuối cùng, khi người lãnh đạo miền Nam bị thanh toán qua đảo chính 1 Tháng Mười Một 1963; Mỹ không còn trở ngại trong việc mở rộng chiến tranh tại Việt Nam. Để chính thức hóa lần can thiệp quân sự, Toà Bạch Ốc “đã nại” đến biến cố vịnh Bắc Việt như Phần Một đã trình bày.

28 Tháng Ba 1965 đổ quân lên Đà Nẵng, tuy nhiên từ 15 Tháng Tư 1967 đã thành hình cuộc biểu tình phản đối chiến tranh lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ với hàng trăm ngàn người xuống đường nơi khu Manhattan, New York; 23 Tháng Mười 1967 biểu tình lan rộng tới trước Ngũ Giác Đài, đối mặt Tòa Bạch Ốc với cờ của Mặt Trận Giải Phóng, ảnh Hồ Chí Minh và tấm bảng buộc tội Tổng thống Mỹ: “Johnson War Criminal”.

Chiến dịch/đúng ra là chiến lược gọi là “phản đối chiến tranh (ở Việt Nam)” không chỉ tác động về mặt xã hội-văn hóa trong quần chúng Mỹ nhưng là (lại) nguồn mối/hậu quả/hệ quả của một chiến lược lớn: Thông cáo Thượng Hải 1972 được ký kết giữa Nixon và Châu Ân Lai hiện thực nền tảng ngoại giao cho tám đời Tổng thống Mỹ (bất kể Cộng Hòa hay Dân Chủ). Năm 1995, tại Hà Nội, cựu Bộ trưởng Quốc phòng McNamara than vãn với Tướng Giáp: “Tôi (đã) sai. Tôi sai quá sức/Wrong, terribly wrong”. Hóa ra – Vào cũng bởi Mỹ/Ra cũng với Mỹ – Chết đến 58,220 Người Lính. Đến khổ! Không phản chiến (cũng) không được?!

___________

Tháng 7, 2023 – 69 năm sau Hiệp Định Genève (20 Tháng Bảy 1954-2023)

Chia đôi đất nước Việt Nam