Tuesday, July 23, 2019

NHỮNG CHUYỆN BÊN LỀ HIỆP ĐỊNH GENÈVE

Trần Gia Phụng


Nội dung hiệp định Genève đã được viết và nói nhiều. Bài nầy xin trình bày những chuyện bên lề hiệp định Genève.
 
1) Đầu tiên, hội nghị tứ cường Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Liên Xô khai mạc tại Berlin ngày 25-1-1954. Đại diện Liên Xô là ngoại trưởng Mikhailovich Molotov đề nghị mời thêm Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (tức Trung Cộng) cùng họp. Ngày 26-4-1954, hội nghị gồm tứ cường và có thêm Trung Cộng, khai mạc tại Dinh Quốc Liên (Palais des Nations) ở Genève, một ngày bàn về Triều Tiên và một ngày về Đông Dương.
 
2) Phái đoàn Anh do ngoại trưởng Anthony Eden lãnh đạo. Phái đoàn Hoa Kỳ do ngoại trưởng John Foster Dulles dẫn đầu. Đứng đầu phái đoàn Pháp là ngoại trưởng Georges Bidault. Qua tháng 7-1954, thủ tướng kiêm ngoại trưởng Mendès-France thay thế. Phái đoàn Liên Xô do ngoại trưởng Vyacheslav Mikhailovich Molotov lãnh đạo và phái đoàn Trung Cộng do thủ tướng kiêm ngoại trưởng Châu Ân Lai dẫn đầu.
 
3) Khi gặp Châu Ân Lai ở phòng Giải lao Dinh Quốc Liên, John Foster Dulles không bắt tay xã giao Châu Ân Lai và bỏ ra khỏi phòng ngay tức khắc. (Ural Alexis Johnson và Jef Olivarius McAllister, The Right Hand of Power, New Jersey, Nxb. Prentice Hall, 1984, tr. 204.) Foster Dulles rời Genève, thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Bedell Smith thay thế.
 
4) Trong phiên họp ngày 2-5-1954, Liên Xô đề nghị mở rộng thành phần tham dự, mời thêm các nước trong hai phe lâm chiến ở Đông Dương. Hội nghị chấp thuận. Như thế, về vấn đề Đông Dương, ngoài ngũ cường, hội nghị Genève có thêm Quốc Gia Việt Nam (QGVN), Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) tức Việt Minh, Lào và Cambodge (Cambodia hay Cao Miên). Chín phái đoàn bắt đầu họp ngày 8-5-1954, một ngày sau khi kết thúc trận Diện Biên Phủ (7-5-1954).
 
5) Phái đoàn QGVN do ngoại trưởng Nguyễn Quốc Định làm trưởng phái đoàn. Một tuần sau, từ 14-5-1954, phó thủ tướng Nguyễn Trung Vinh được cử qua làm trưởng phái đoàn thay Nguyễn Quốc Định, nhưng ông Định vẫn ở lại trong phái đoàn. Khi Ngô Đình Diệm được quốc trưởng Bảo Đại cử làm thủ tướng, chính thức cầm quyền từ ngày 7-7-1954 (Song thất), thủ tướng Diệm cử tân ngoại trưởng Trần Văn Đỗ qua Genève thay thế Nguyễn Trung Vinh. Phạm Văn Đồng, phó thủ tướng VNDCCH, thay Hoàng Minh Giám, giữ chức bộ trưởng Ngoại giao từ ngày 29-4-1954, dẫn đầu phái đoàn VNDCCH. Phoui Sananikone, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại giao và Nội vụ, lãnh đạo phái đoàn Lào; trong khi Tep Phan, bộ trưởng Ngoại giao, dẫn đầu phái đoàn Cao Miên. (Trần Văn Tuyên, Hội nghị Genève, hồi ký, Sài Gòn: Nxb. Chim Đàn, 1964, tt. 21-23.)
 
6) Trước hội nghị Genève, Châu Ân Lai cùng với Hồ Chí Minh đến Moscow ngày 1-4-1954 để thảo luận lập trường của khối CS. Ông còn đến Moscow thêm hai lần (6-4 và 20-4) để tìm hiểu và dung hợp lập trường giữa hai nước CHNDTH và Liên Xô trước khi qua Genève. Trong các cuộc thảo luận giữa Châu Ân Lai với giới lãnh đạo Liên Xô, đều có Hồ Chí Minh tham dự. (Tiền Giang, Chu Ân Lai dữ Nhật-Nội-Ngõa hội nghị [Chu Ân Lai và hội nghị Genève] Bắc Kinh: Trung Cộng đảng sử xuất bản xã, 2005, bản dịch của Dương Danh Dy, tựa đề là Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954, chương 5 “Dốc sức lên kế hoạch”. (diendan@diendan.org.)
 
7) Từ khi hội nghị Genève khai mạc (8-5) cho đến khi hội nghị chấm dứt (21-7), vào đầu mỗi phiên họp, các phái đoàn CS sắp hàng một, đi vào hội trường. Đi đầu là phái đoàn Liên Xô do Molotov dẫn đầu; sau đến phái đoàn Trung Cộng do Châu Ân Lai dẫn đầu và cuối cùng là phái đoàn Việt Minh do Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Sau mỗi phiên họp, các phái đoàn CS cũng sắp hàng đúng thứ tự trên, ra khỏi hội trường và dầu trễ, các phái đoàn CS đều vào họp riêng rồi mới giải tán. (Trần Văn Tuyên, sđd. tt. 24. Lúc đó Trần Văn Tuyên là một thành viên trong phái đoàn QGVN, chứng kiến việc nầy.) Kiểu họp nầy CS gọi là “họp giao ban”.
 
8) Sau hơn một tháng họp hành chưa có kết quả, hội nghị tạm nghỉ ngày 20-6 và dự tính sẽ họp lại ngày 10-7. Các phái đoàn về nước tham khảo ý kiến. Trong thời gian nầy, xảy ra ba sự kiện quan trọng là:
a) Ngô Đình Diệm được quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm làm thủ tướng toàn quyền dân và quân sự Quốc Gia Việt Nam. Thủ tướng Diệm đề cử tân ngoại trưởng Trần Văn Đỗ làm trưởng phái đoàn QGVN tại Genève.
b) Mendès France lên làm thủ tướng ở Pháp. Điều trần trước quốc hội Pháp, Mendès France tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề Đông Dương trong vòng bốn tuần lễ (khoảng một tháng.) Mendès France chính thức nhận chức ngày 21-6-1954. Nếu tính thêm bốn tuần lễ thì vào 20-7-1954.
c) Châu Ân Lai mời Hồ Chí Minh qua Liễu Châu (Liuzhou), tỉnh Quảng Tây (Kwangsi), hội đàm từ 3-7-1954. Châu Ân Lai báo cho Hồ Chí Minh và phái đoàn CS biết rằng có ba cách để đối phó với tình hình mới: 1) Thượng sách là hòa. 2) Trung sách là đánh rồi hòa. 3) Hạ sách là đánh tiếp. Châu Ân Lai khuyên Hồ Chí Minh chấp nhận thượng sách là hòa, để tránh mở rộng chiến tranh, vì nếu tiếp tục mở rộng chiến tranh, Hoa Kỳ có thể sẽ can thiệp. Châu Ân Lai còn bàn thêm rằng, sau khi chia hai Việt Nam, Việt Minh rút quân về phía bắc, nhưng cài người và cất giấu võ khí ở lại. Hồ Chí Minh và phái đoàn chấp nhận kế hoạch nầy của Châu Ân Lai.
 
9) Khi hội nghị tái nhóm, Mendès France đích thân đến Genève, hội đàm với ngoại trưởng Liên Xô Molotov ngày 10-7, và ngoại trưởng Trung Cộng Châu Ân Lai ngày 12-7. Ba nước Pháp, Liên Xô và Trung Cộng thỏa thuận giải pháp chia hai nước Việt Nam. Pháp đòi chia hai Việt Nam ở vĩ tuyến 18; Trung Cộng đề nghị vĩ tuyến 16, rồi đổi vĩ tuyến 17. Tối 12-7, Châu Ân Lai gặp Phạm Văn Đồng, áp đặt ý định của các cường quốc. Phạm Văn Đồng tuy đòi chia ở vĩ tuyến 16, nhưng cuối cùng đành chấp nhận vĩ tuyến 17, dọc theo sông Bến Hải. Đại biểu QGVN là bác sĩ Trần Văn Đỗ phản đối việc chia cắt đất nước bất cứ nơi đâu.
 
10) Cuối cùng, hiệp ước đình chỉ chiến tranh được ký kết sau 12 giờ đêm 20-7, qua sáng 21-7-1954 trong lúc kim đồng hồ tại dinh Quốc Liên (Palais des Nations), vẫn được giữ nguyên ở vị trí 12 giờ đêm 20-7-1954, cho đúng với lời hứa của Mendès-France khi nhận chức thủ tướng Pháp ngày 21-6-1954.
 
11) Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (Hiệp định đình chiến Genève) ký kết ngày 20-7-1954 chỉ là một hiệp định thuần tuý quân sự, chia hai Việt Nam ở vĩ tuyến 17, và nói về việc mỗi bên rút quân, tập trung quân, thời hạn chuyển quân, mà hoàn toàn không đề cập đến một giải pháp chính trị nào cho tương lai Việt Nam.
 
12) Ngày hôm sau (21-7), các phái đoàn họp tiếp và “thông qua” bản “Tuyên bố cuối cùng ngày 21-7-1954 của Hội nghị Genève về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương”. (Déclaration finale du 21 juillet 1954 de la conférence de Genève sur le problème du rétablissement de la paix en Indochine). Đây chỉ là lời tuyên bố, không có phái đoàn nào ký tên vào bản tuyên bố nầy. Khi chủ tịch phiên họp là Anthony Eden (ngoại trưởng Anh) hỏi từng phái đoàn, thì bảy phái đoàn là Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Cộng, VNDCCH, Lào và Cambodge trả lời miệng rằng “đồng ý”. Hai phái đoàn QGVN và Hoa Kỳ không đồng ý, không ký tên vào bản tuyên bố, và đưa ra tuyên bố riêng của mình.
 
13) Bản tuyên bố nầy gồm 13 điều, trong đó điều 7 ghi rằng: “Để cho việc lập lại hòa bình tiến triển đến mức cần thiết cho nhân dân Việt Nam có thể tự do bày tỏ ý nguyện, cuộc Tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7-1956 dưới sự kiểm soát của một Ban Quốc tế gồm đại biểu những nước có chân trong Ban Giám sát và Kiểm soát Quốc tế đã nói trong Hiệp định đình chỉ chiến sự. Kể từ ngày 20-7-1955 những nhà đương cục có thẩm quyền trong hai vùng sẽ có những cuộc gặp gỡ để thương lượng về vấn đề đó.” Bản tuyên bố nầy không có chữ ký của các phái đoàn, chỉ có tính cách dự kiến tương lai, thì về pháp lý, không có tính cách cưỡng hành nghĩa, là không bắt buộc thi hành.
 
14) Chính phủ QGVN dưới quyền quốc trưởng Bảo Đại và thủ tướng Ngô Đình Diệm lo thi hành hiệp định Genève, tập trung và rút toàn bộ lực lượng của mình về miền Nam vĩ tuyền 17 đúng thời hạn và đúng theo quy định của hiệp định Genève. Điều nầy chẳng những báo chí lúc bấy giờ đã trình bày, mà cho đến nay, không có tài liệu sách vở nào cho thấy là chính phủ QGVN vi phạm hiệp định Genève. Như thế, trong việc thi hành hiệp định Genève, chính phủ QGVN đã thi hành đầy đủ và đúng đắn hiệp định.
 
15) Trong khi đó, chủ tịch nhà nước VNDCCH là Hồ Chí Minh (HCM) hội họp với thủ tướng Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa hay Trung Cộng là Châu Ân Lai tại Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Cộng) từ 3 đến 5-7-1954, quyết định bí mật lưu cài cán bộ đảng viên và chôn giấu võ khí ở lại NVN, trường kỳ mai phục, để chuẩn bị tiếp tục chiến tranh. Trong số cán bộ được cài lại, có Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiến… Như thế, nhà nước VNDCCH đã có kế hoạch vi phạm hiệp định, và quyết định tiếp tục chiến tranh trước khi ký kết hiệp định.
 
16) Thế mà cộng sản Bắc Việt Nam tức Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lấy điều 7 của bản “Tuyên bố cuối cùng…” ghép vào hiệp định Genève, rồi khăng khăng buộc tội Nam Việt Nam tức Việt Nam Cộng Hòa không tôn trọng hiệp định Genève. Đây là một vụ “đánh lận con đen”, bóp méo lịch sử, vì hiệp định Genève hoàn toàn không quy định việc tổ chức tổng tuyển cử. Như thế, việc Bắc Việt Nam đưa ra lý do Nam Việt Nam không tôn trọng hiệp định Genève về việc tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước, hoàn toàn không đúng với nội dung hiệp định Genève.
TRẦN GIA PHỤNG
(DALLAS, 20-7-2019)

Friday, July 5, 2019

ĐỒI MỚI CHÍNH TRỊ ĐỂ HÒA GIẢI DÂN TỘC

Nguyễn Quang Duy

Chuyện tưởng chừng mọi người đều biết nhưng lời phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long: Việt Nam “xâm lược” và “chiếm đóng” Campuchia, đụng phản ứng dữ dội của phía Hà Nội.


(2)       
Đại tá Hải quân Hoa Kỳ Nguyễn Từ Huấn được vinh thăng Phó Đề đốc, trở thành vị tướng thứ 4 của Quân lực Hoa Kỳ, cho biết gia đình ông gồm 7 người, nhỏ nhất chỉ 2 tuổi, bị cộng sản xử tử trong biến cố Mậu Thân 1968.Gần đây có hai sự kiện đáng để chúng ta suy ngẫm:
(1)       Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố Hà Nội “xâm lược” và “chiếm đóng” Campuchia; và

Phép thử lòng tin chiến lược…
Ngày 15/11/2018, bế mạc Thượng đỉnh ASEAN thường niên tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long chia sẻ đã đến lúc ASEAN phải chọn giữa Mỹ-Trung.
ASEAN hình thành với 5 nước nhỏ vào năm 1967 nhằm chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản, Hà Nội chính là nỗi đe dọa của các nước này.
Chuyện tưởng chừng mọi người đều biết nhưng lời phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long: Việt Nam “xâm lược” và “chiếm đóng” Campuchia, đụng phản ứng dữ dội của phía Hà Nội.
Điều này cho thấy Hà Nội đã hòa hợp trở thành một thành viên ASEAN, nhưng chưa muốn nhìn nhận và hòa giải với quá khứ lịch sử.
Như thế sự đoàn kết ASEAN khó có thể được duy trì khi phải chọn giữa Mỹ-Trung, chuyện đối đầu hay phong tỏa lẫn nhau sẽ dễ dàng xảy ra.
Như một phép thử lòng tin, Thủ tướng Lý Hiển Long một chính trị gia lão luyện, nhìn xa trông rộng, mới 3 lần nhắc thẳng chuyện cũ, đáng buồn Hà Nội chưa nhận ra vấn đề.
Năm 2013, cũng tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, báo chí ca ngợi cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng về bài phát biểu xây dựng “lòng tin chiến lược” trong Khối ASEAN.
Nhưng thực tế cho thấy Hà Nội chưa hòa giải, chưa chấp nhận sự thật để tạo niềm tin với các quốc gia khác, chiến lược như vậy chỉ là lời nói đầu môi.

Hà Nội sa bẫy và sa lầy…
Phản ứng của phía Hà Nội còn cho thấy họ chưa học được bài học đã sa vào bẫy của Trung cộng và sa lầy tại Campuchia.
Thời nội chiến Bắc Nam, Hà Nội cũng đã từng đu dây giữa hai nước đàn anh Nga Sô và Trung cộng, nhưng cuối cùng phải phụ thuộc vào Nga.
Có bằng chứng cho thấy Trung cộng đã gởi hằng chục ngàn cố vấn sang Campuchia trong thời gian 1975-79 để đối đầu với Việt Nam. Họ tham mưu Khmer đỏ quấy rối biên giới Việt Nam và cố vấn cho Khmer đỏ rút quân về biên giới Thái Lan để Việt Nam sa vào bẫy và sa lầy tại Campuchia.
Nhiều quốc gia cấm giao thương với Việt Nam và cô lập Việt Nam. Liên Hiệp Quốc liên tục làm áp lực để Hà Nội rút quân.
10 năm dân Việt phải gánh chịu khó khăn phục vụ chiến tranh. Thanh niên thiếu nữ Việt phải ra chiến trường làm nghĩa vụ quốc tế và nhiều người đã chết hay bị thương trên đất Campuchia, Lào và cả ở Thái Lan.
Khi Khối Cộng sản Đông Âu và Nga Sô sụp đổ, Hà Nội lại quay về với Bắc Kinh ký kết Hiệp ước Thành Đô 1990, rút quân khỏi Campuchia và chịu ảnh hưởng của Trung cộng từ đó đến nay.
Quan điểm Việt Nam “xâm lược” và “chiếm đóng” Campuchia được hình thành từ thực tế và đã trở thành một quá khứ lịch sử.
Hà Nội dễ dàng mang quân chiếm lãnh thổ Campuchia nhưng không lấy được lòng dân.
Đa số dân Campuchia xem Việt Nam là đội quân "xâm lược" với tham vọng bá chủ Đông Dương, hằng triệu người Campuchia phải bỏ nước ra đi.
Hà Nội cũng đã thống nhất Bắc-Nam, nhưng sau 44 năm cai trị vẫn chưa thống nhất được lòng dân, hòa hợp nhưng không hòa giải.

Hà Nội theo Mỹ?
Việc Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc tay giương cao cờ Mỹ ngay giữa thủ đô Hà Nội, việc các phái đoàn Mỹ-Việt liên tục viếng thăm nhau, việc Mỹ viện trợ cho Hà Nội, bán vũ khí và mở rộng giao thương cũng chỉ là những dấu hiệu hòa hợp hay hợp tác.
Còn hòa giải lịch sử và hòa giải ý thức hệ tự do và cộng sản vẫn chưa được tiến hành.
Mỹ vẫn công khai xem Việt Nam là một quốc gia cộng sản, đàn áp tự do nhân quyền, một quốc gia phi thị trường phụ thuộc vào Trung cộng.
Chiến tranh nếu xảy ra và giả sử Hà Nội có đứng về phía Hoa Kỳ, Việt Nam lại một lần nữa bị động, sụp bẫy, sa lầy để trở thành bãi chiến trường như đã xảy ra trong chiến tranh lạnh Mỹ-Tàu-Nga trước đây.

Quá khứ đau thương…
Vào Tết Mậu Thân 1968, Chuẩn tướng Tư lệnh Cảnh sát Quốc Gia Nguyễn Ngọc Loan dùng súng ngắn bắn vào đầu một tù binh cộng sản mặc thường phục hai tay đang bị trói.
Cuộc xử tử tù binh Bảy Lốp nhanh chóng được nhiếp ảnh gia Eddie Adams chụp lại và hình ảnh được phổ biến cho thấy sự tàn khốc chiến tranh Việt Nam.
Hình xử tử tù binh Bảy Lốp được phe cộng sản và phản chiến sử dụng gây phẫn nộ dư luận và dẫn đến chiến thắng của cộng sản Bắc Việt 30/4/1975.
Nhưng ít ai biết chính tù binh Bảy Lốp, Nguyễn Văn Lém, trước đó vài giờ đã xử tử cả gia đình Trung tá thiết giáp Nguyễn Tuấn vì ông từ chối không cộng tác với cộng sản.
Ông Tuấn bị chặt đầu, vợ ông bà Từ Thị Như Tùng và sáu người con bị bắn bằng tiểu liên, nhỏ nhất mới 2 tuổi, chỉ một bé trai lên 6 tuổi may mắn được cứu sống.
Trong lễ kỷ niệm 55 năm ngày Đồng Minh tham chiến tại Việt Nam, Đại tá Hải quân Nguyễn Từ Huấn xác nhận ông chính là cậu bé 6 tuổi được cứu sống trong khi toàn thể gia đình bị cộng sản xử tử.
Ông Huấn cho biết gia nhập Quân Đội Hoa Kỳ để theo con đường cha Cố Đại Tá Nguyễn Tuấn, tiếp tục góp phần cho một Việt Nam tự do.
Ông cho biết chính nhờ công của các chiến binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà cộng sản đã bị ngăn chặn ở Việt Nam và bị giải thể tại Đông Âu và Nga Sô.
Ngày nay cộng sản chỉ còn tồn tại vài nơi và ông tin ngày chiến thắng đã cận kề.
Như vậy hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa có được 4 vị tướng hiện dịch trong Quân Lực Hoa Kỳ.
Cùng lúc là tin chuẩn tướng Lục Quân Lập Thể Flora được đề cử thăng cấp thiếu tướng.
Với người Việt Nam Cộng Hòa thì 30/4/1975 là ngày miền Bắc xâm chiếm miền Nam. Hà Nội đã thống nhất Bắc-Nam, nhưng chưa hòa giải, chưa thống nhất được lòng dân.
Trên 2 triệu người bỏ nước ra đi, ½ triệu người chết trên đường tìm tự do là phản kháng tiêu biểu nhất của người dân.
Người Việt hải ngoại nay đã hội nhập vào và đã có khả năng ảnh hưởng đến chính trị các quốc gia tự do. Ở Mỹ đã có dân biểu trong Quốc Hội cả liên bang lẫn tiểu bang.
Tổng thu nhập GDP của người Việt hải ngoại ước tính hơn cả GDP của toàn Khối ASEAN, chưa kể đến khối tài sản mà họ tư hữu.
Nhiều người có trình độ khoa học kỹ thuật, chuyên môn cao, có kinh nghiệm làm việc ở các quốc gia tân tiến và có tấm lòng mong ước ngày Việt Nam tự do để góp phần phục hưng đất nước.

Miền Nam mến yêu…
Miền Nam trước đây là miền đất tự do dân chủ, chính sách cải cách ruộng đất đã hoàn tất, quyền tư hữu ruộng vườn đã thuộc về nông dân.
Sau 30/4/1975, người miền Nam trở thành người bị trị, quyền tự do ứng cử và bầu cử bị tước đoạt, tài sản, nhà cửa, đất đai, ruộng vườn bị chiếm đoạt.
Miền Tây vựa lúa miền Nam, giàu có biết bao, ngày nay dân không đủ sống phải tha hương cầu thực…

Đổi mới chính trị để hòa giải dân tộc…
Sức mạnh của một quốc gia dựa trên lòng dân đồng thuận.
Sự đồng thuận chỉ có thể có khi tiếng nói mọi công dân được tôn trọng và chỗ đứng mọi người đều ngang nhau, một xã hội tự do, dân chủ, thượng tôn luật pháp.
44 năm đã quá đủ để chứng minh chế độ cộng sản chọn sai đường không mang lại đồng thuận dân tộc.
Tham nhũng cường hào ác bá tràn ngập khắp nơi.
Dân nghèo khó, quan chức giàu có, đất nước kiệt quệ.
Đã đến lúc Hà Nội phải trao trả các quyền tự do cho dân, trả lại tư hữu ruộng đất cho dân, chuyển đổi từ một thể chế cộng sản sang một thể chế tự do, dân chủ.
Thay đổi thể chế chính trị, Hà Nội cũng chứng tỏ đã hòa giải với khuynh hướng cải cách ngay trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam.
Chính Ủy viên Bộ Chính Trị đảng Cộng sản ông Trần Xuân Bách vào năm 1989 đã cố vấn cho Bộ Chính Trị như sau:
“Có nước tự cho mình không cần đổi mới, đã bị bục vỡ.
“Có nước coi đổi mới kinh tế phải làm nhanh, còn đổi mới chính trị thì chầm chậm cũng bục chuyện.
“Có nước chỉ đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị, đã bục to.
“Có nước làm cả hai, nhưng không nhịp nhàng, gặp khó khăn.
“Hai lãnh vực này phải nhịp nhàng, không chân trước chân sau, không tấp tểnh đi một chân.”
Đổi mới kinh tế như hòa hợp, còn đổi mới chính trị chính là hòa giải.
Lẽ ra đổi mới chính trị phải làm trước, người dân phải được quyền quyết định con đường phát triển và quyền giám sát việc nhà nước quản trị quốc gia.
Đến nay hòa giải vẫn chưa được tiến hành, đổi mới chính trị vẫn bị đình trệ.
Ông Trần Xuân Bách từng là Phó Chính ủy Bộ chỉ huy tối cao cuộc tấn công vào Campuchia và sau đó làm trưởng Ban B68 chỉ huy bộ máy hành chính của Campuchia nên chắc đã hiểu rõ những thảm bại của dân tộc trong cuộc chiến tại Campuchia.
Trước đe dọa bành trướng và chiến tranh của Bắc Kinh, việc cải cách chính trị, hòa giải và tìm đồng thuận dân tộc là việc làm hết sức cần thiết và quan trọng.
Chưa quá trễ để đảng Cộng sản thay đổi thể chế, giảm thiểu đau thương và thiệt hại cho dân tộc.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
13/06/2019
Mời xem lời phát biểu của Đại tá Hải quân Hoa Kỳ Nguyễn Từ Huấn: