CHIẾN THUẬT QUÂY XE LÀM THÀNH CỦA NGƯỜI CHĂM

Năm 1754, chúa Nguyễn Phúc Khoát hưng sư tấn công Cao Miên. Sau khi hạ thành Nam Vang, năm 1755, Chấn Long Hầu được cử đi Tầm Trầm Xiêm chiêu dụ người Côn Man ở Thuận Thành làm quân tiếp ứng. Người Côn Man Thuận Thành chính là người Chăm ở tiểu vương quốc Panduranga, nay là địa giới 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.
Sau đó, lực lượng Côn Man được lệnh xuất xe cộ từ Ca Tùng về đóng đồn ở Bình Thanh. Số tráng đinh trong đoàn quân này là hơn 1 vạn, khi đi đến xứ Vô Tà Ân thì bị 7 vạn quân Cao Miên truy đuổi. Quân Côn Man đã kết xe làm luỹ để chống cự. Nguyễn Cư Trinh tự đốc suất 5 đội gấp đến cứu viện. Quân Cao Miên không dám giao chiến. Cư Trinh đón được hơn 3 vạn người Côn Man cả nam cả nữ (như vậy tập quán viễn chinh người Chăm thời này thì cứ 1 binh thì có 2 thân quyến hoặc phu đi cùng để phục vụ) về trú ở dưới chân núi Bà Đinh (Đen?).
Trên thế giới, chiến thuật kết xe làm thành đã được vận dụng rộng khắp từ cổ chí kim, đặc biệt khi phe thủ là lực lượng viễn chinh, cần xe cộ hậu cần đông đảo, nặng nề, chậm chạp, còn phe công kích thì có lợi thế sân nhà, trang bị gọn nhẹ, hành tung chớp nhoáng. Dẫu vậy, để thực hiện chiến thuật này vẫn cần sự phối hợp rất ăn ý và địa hình phù hợp.
Minh hoạ: xe trâu thế kỷ 19, 20 của người Chăm ở Ninh Thuận. Có thể đây chính là loại xe được dùng kết làm luỹ trong trận Vô Tà Ân. Xe này rất cao to, thành xe cao hơn đầu người, rất phù hợp làm rào chắn. Quân thủ bên trong có thể dùng thương giáo hoặc nỏ, súng bắn qua các kẽ hở dưới gầm xe, trên thành xe, hoặc có thể dựng các lá chắn trên thành xe để đứng trên xe chiến đấu.
Cre: Đông Nguyễn

No comments: