ĐỖ LỆNH DŨNG - CHƯƠNG 14 (HẾT)

         Lê Thiệp                                       

                                                        

CHƯƠNG 14

 

Như tất cả những người HO khác, cuộc sống gia đình tôi là bỡ ngỡ, là hoang mang. Xã hội Mỹ xa lạ, cái gì cũng phải học, phải mò mẫm. Tôi may mắn chỉ hai tuần lễ sau đã kiếm được việc làm tại tiệm hình CPI trong khu thương xá tấp nập tại Tyson Corners nhờ những kiến thức trong phòng tối.

Hai đứa nhỏ thích hợp nhanh, có lẽ vì đầu óc còn trong trắng. Vợ tôi sau nhiều cuộc thảo luận của đại gia đình đã cắp sách trở lại trường. Cái bức xúc của đời sống mới khiến tôi không có thì giờ thừa như ở Việt Nam. Tất cả như một cuộc chạy đua, chung quanh tôi đời sống quay cuồng. Sam Graves theo tôi từng chút, luôn luôn khuyến khích tôi vượt mọi khó khăn, nhưng lần nào nói chuyện, cái nhức nhối Việt Nam vẫn là đề tài chính. Khoảng hơn một năm khi đặt chân đến Mỹ, tôi đi xa lần đầu – xuống tận Indiana để như lời Sam nói, gặp gỡ gia đình anh, bởi những gì anh nói với vợ con về tôi khiến tôi trở thành một ám ảnh “ai cũng muốn gặp Trung úy Dũng”. Sam còn hứa là đến Indiana, anh sẽ dành cho tôi một ngạc nhiên lớn.

Nước Mỹ mênh mông nhưng một khía cạnh nào đó, tôi không thấy chênh lệch giữa chỗ này chỗ khác. Khi từ Sài Gòn xuống Cà Mau hay ra ngược Thanh Hóa, cảnh trí, thiên nhiên và ngay cả người dân khác biệt nhau rõ rệt như đập vào mắt không chối cãi được. Nhưng tôi không có cái cảm giác đó ở xứ Mỹ. Đâu cũng thế. Hay tại tôi vẫn chỉ là kẻ đứng bên lề , một công dân hạng hai hay ba, một HO lớ ngớ?

Khi bước vào nhà ông cựu cố vấn Mỹ thì tôi thực tình xúc động. Lá cờ mặt trận giải phóng với những vệt máu khô được đóng khung treo giữa phòng khách. Đúng là một ngạc nhiên lớn. Sam nói với tôi:

– Lúc chia tay ở bệnh viện Cộng Hòa, anh đưa tôi lá cờ này. Tôi treo nó ngay ở chỗ trang trọng nhất trong nhà và tôi đã kể lại sự tích của nó cho mọi người hay. Hễ nhìn thấy lá cờ là tôi nghĩ ngay đến Việt Nam, đến Phước Long và Phước Lộc…

Tôi ngây người nhìn lá cờ và lùng bùng trong lỗ tai là tiếng bom, tiếng đạn, trong trí tôi là cảnh người dân gồng gánh chạy loạn, cảnh máu đổ, thịt rơi. Cái quá vãng chiến tranh sau hơn một thập niên vẫn còn nguyên đó, tươi roi rói trong tôi. Tôi còn nhìn thấy nó ngay cả ở Sam và ngay giữa xã hội Mỹ thanh bình.

Những lần lái xe đi làm, những buổi trưa hè êm dịu, tôi thấy những người Mỹ lui cui cắt cỏ, dọn dẹp garage thảnh thơi tự tại. Những bãi cỏ xanh ngắt, những đứa bé hớn hở cầm vòi xịt nước cười đùa như nắc nẻ làm tôi lại nhớ đến những vô lý của cuộc sống. Những người Mỹ vô tư đó, những gia đính Hoa Kỳ coi thể thao là mối quan tâm hơn cả, bàn chuyện ciné hoặc thời trang hàng ngày, bỗng đâu phải lo lắng, quan tâm đến một người thân ở tận xó xỉnh xa xôi như Việt Nam với cái chết luẩn quẩn trong suy nghĩ. Nếu là tôi thì liệu tôi có phản chiến, có chống đối chiến tranh chăng? Nhất là cuộc chiến đó xa lạ, và có vẻ như không lối thoát? Cái gì đã khiến những thanh niên Mỹ như Sam Graves cầm súng bên tôi ở Việt Nam?

Tất nhiên đã có những danh từ đẹp đẽ tôi từng được nghe nhiều lần để biện minh cho cuộc chiến từ ở cả phía bên này lẫn bên kia. Bên này là Tiền Đồn của Thế Giới Tự Do, bên kia là Mũi Xung Kích. Bên này là tự do khai phóng nhân quyền, bên kia là giải phóng, là tiến tới thế giới đại đồng, là vô giai cấp. Giữa đó là hai cực quyền lực và đằng sau đó là quyền lợi của phe nhóm. Những suy nghĩ đó bao giờ cũng đưa đến những kết luận chua chát. Chỉ khi vượt ra, ngoảnh lại mới thấy sự phi lý tột cùng của chiến tranh và thương cho dân mình.

REPORT THIS AD

Lá cờ Mặt Trận Giải Phóng treo ở phòng khách của ông Đại Tá Sam Graves nay chỉ là dấu tích của một lừa dối. Nó bị xé tan ngay khi Hà Nội đạt được mục tiêu. Nó chỉ là giai đoạn và tôi đã bỏ cả mạng sống mình để chiếm lấy nó, và Sam thì quí nó như một bảo vật. Tôi chua xót nhìn những vệt máu khô có chỗ đã mờ nhưng có những vệt còn thẫm màu lốm đốm.

Nhưng giữa cảnh đạn bom có những bông hoa đã nở và cái tình bạn của Sam Graves với tôi là bông hoa đẹp nhất trong đời. Mẹ anh, vợ con anh đối đãi với vợ chồng tôi thân thiết, cởi mở và luôn luôn nhắc tôi và Thu “feel at home” – coi nhau như người nhà.

Sam Graves nay đã lên tới chức Đại tá trong Lữ Đoàn Yểm Trợ 88, nhưng Sam không bao giờ cư xử với tôi như một Đại tá. Sam luôn luôn gọi tôi là Trung úy Dũng – bằng tiếng Việt hẳn hoi. Những năm tháng tham chiến ở Việt Nam là niềm hãnh diện lớn của một quân nhân Mỹ và là kho tàng bất tận để kể lại cho người chung quanh. Đủ thứ, từ món ăn cho đến muỗi nhiệt đới, từ các trận đánh cho đến các phong tục lạ lẫm. Sam nhớ rất nhiều và nhớ chính xác nhũng chi tiết mà tôi đã quên mất từ lâu. Sam nhắc đến những đồng đội của tôi như Đại úy Cảnh, như Chuẩn úy Sao. Ừ nhỉ, thế ông Đại úy đẹp trai của tôi với ca sĩ Thanh Tuyền có thoát được không? Còn ông Chuẩn úy Sao người gốc Miên của Phước Long, ông ta sống hay chết, có phải đi học tập không?

Tan tác đã nhiều. Cuộc sống của mỗi chúng tôi đã bị dập vùi, đã bị cuốn trôi theo những dòng chảy khác nhau. Hơn một thập niên sau cuộc chiến, chúng tôi vẫn chưa có dịp nhìn lại nhau, có dịp ôn lại các quá khứ súng đạn và tình chiến hữu, thậm chí còn không biết gì về số phận của nhau. Ngồi trong căn nhà êm ả rộng rãi ở Indiana, tôi quặn lòng nhớ bạn, nhớ đồng đội. Đầu óc tôi lơ mơ, bồng bềnh như trôi dạt trong khoảng ký ức mênh mông.

Hơn một tuần lễ ở Indiana, tôi tưởng tôi có thể cùng Thu trốn được cuộc sống quay cuồng, vội vã, làm việc không ngơi nghỉ của sinh hoạt cơm áo hàng ngày, những câu chuyện với ông cựu cố vấn và những người Mỹ mới quen đẩy tôi ngược về với những cái mà tôi cố né tránh từ lâu. Đến lúc nào thì chiến tranh, bom đạn thôi ám ảnh tôi?

Đời sống gia đình tôi mỗi ngày một ổn định. Thu sau những cố gắng miệt mài đã hoàn tất chương trình bốn năm tại đại học George Mason và kiếm được việc làm trong một công ty tài chánh. Hai đứa nhỏ càng ngày càng lớn cũng đã hoàn tất chương trình trung học. Phần tôi, công việc đã đưa đẩy từ chỗ này đến chỗ khác nhưng vẫn là công việc trong nghề nhiếp ảnh. Đây là điều mà tôi thấy lạ. Tuổi thanh xuân của tôi đã cống hiến cho chiến tranh và khi đến đất Mỹ với hai bàn tay trắng, tôi đối phó với cuộc sống mới không nghề ngỗng hay như kiểu Mỹ vẫn thường bảo:”no skill”. Nỗi đam mê nhiếp ảnh và cái kiến thức tự mò mẫm của một nhiếp ảnh gia tài tử đã giúp tôi kiếm được miếng cơm manh áo. Kỹ thuật phòng tối của tôi ở Việt nam là kỹ thuật sơ đẳng, cổ lỗ. Tôi đã phải vừa làm vừa học, học nhiều hơn cả làm, học ở sách, ở sở, ở bạn bè. Trong nỗ lực tìm tòi đó, tôi gặp thêm rất nhiều bạn bè cùng sở thích để rồi chúng tôi cùng nhau sinh hoạt hàng tuần. Đi chụp hình cùng nhau vào những ngày nghỉ. Thảo luận với nhau về cách áp dụng computer trong phòng tối. Những sinh hoạt đó đẩy đến quyết định cùng nhau lập Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn. Chúng tôi mở lớp dạy các em nhỏ và cả những người lớn muốn cầm máy. Đây là một niềm vui vì hội hoàn toàn bất vụ lợi, và moi người hăng say xây dựng một tập hợp nhỏ những người có cùng sở thích, cùng giúp đỡ nhau học hỏi. Đất Mỹ là đất của cơ hội. Câu này đúng với tôi trong cái nghĩa chật hẹp nhất. Tôi đã tìm lại được quân bình trong đời sống như một người bình thường nhất. Hiện nay tôi đã có một căn nhà nhỏ, ngày ngày đi làm, tối về lo kèm hai đứa nhỏ, coi tivi hoặc nhâm nhi lon bia. Một cuộc sống giản dị, bình thường nhưng là mơ ước không với tới trong đời tôi kể từ ngày vào quân trường Thủ Đức cho đến ngày ra khỏi trại tù cải tạo. Xem ra cái hạnh phúc nhỏ nhoi bình thường đó không dễ dàng gì đạt đến. Ít ra thì ở nước Mỹ ngày nay tôi cũng có cái yên tâm rằng hạnh phúc tôi đang có là của tôi, của gia đình tôi và không ai có toan tính hoặc âm mưu gì cướp đoạt nó đi.

Khi ông Sam Graves gọi cho tôi hay rằng ông sẽ về hưu và ngỏ ý mời tôi đến dự lễ “rửa tay gác súng” tôi hoan hỉ nhận lời, nhất là khi ông lại bảo sẽ dành cho tôi một ngạc nhiên lớn. Với Sam, lúc nào cũng vậy, không bao giờ cho biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng ông cũng cẩn thận dặn tôi ăn mặc cho nghiêm chỉnh và nên soạn sẵn một bài ngăn ngắn để đọc trong buổi lễ. Hiện ông ta đang giữ chức Đại tá Chỉ Huy Phó Liên Đoàn Yểm Trợ 88 nên hay lên họp ở Ngũ Giác Đài và lần nào cũng vậy, hai đứa đều hẹn nhau đi ăn cơm và hàn huyên. Sam cho hay sau thời quân ngũ, ông sẽ dành hết thì giờ vào nghề phát thanh, nghề radio, một đam mê từ khi còn nhỏ. Ông tỏ ra rất hào hứng khi trút bỏ được bộ quân phục để lao vào cái ước mơ của thời thanh xuân.

Trời tháng hai ở Indiana không lạnh lắm và buổi lễ diễn ra ngay trong doanh trại Liên Đoàn Yểm Trợ 88 thật vô cùng long trọng. Lâu lắm rồi tôi mới có dịp sống lại không khí nhà binh, đắm mình trong những bản quân hành. Các lễ nghi quân cách được cử hành vô cùng long trọng với các quân nhân mặc lễ phục. Tôi không nhớ có bao nhiêu vị tướng có mặt trên lễ đài trong buổi lễ giải ngũ của Đại tá Sam Graves, bởi tôi còn nhẩm đi, nhẩm lại bài nói chuyện bằng tiếng Anh đã thủ sẵn trong túi áo. Các diễn giả lên tiếng đều là người vai vế từ Đề Đốc, Trung Tướng đến các vị chức sắc. Họ nói về quá trình binh nghiệp của Đại tá Graves, về khả năng lãnh đạo chỉ huy, về thành tích trong quân ngũ, tựu trung đều là những lời ca ngợi vị đại tá về hưu này. Tôi thật sự băn khoăn. Phải thú thật tôi hơi run khi nghĩ mình bước lên bục diễn đàn để nói trước cả ngàn người trong cái không khí nghiêm trang như thế này. Nhưng thật may, không ai mời tôi lên và tôi bảo Thu:

– May quá, họ không bắt anh lên. Chắc ông Sam thấy để một anh Mít nhà quê lên dọc diễn văn trong khung cảnh này không hợp tí nào.”

Thu gục gặc bảo tôi:

– May cho anh đó.

Sau lễ nghi quân cách mọi người tựu lại trong những lều lớn bày đủ thứ bánh trái, nước uống. Ai nấy như quen nhau từ lâu, cười nói rổn rảng. Vợ chồng tôi là người ngoại quốc duy nhất lạc vào thế giới này và có lẽ vì là “của lạ” ai nấy đều gật đầu chào, nhất là ông Sam thì luôn giới thiệu “Trung úy Dũng” với tất cả nhiệt tình.

Tôi hiểu là buổi tối sẽ có một dạ tiệc nữa, nhưng thực sự cũng thấy việc không phải bước lên diễn đàn như trút được gánh nặng nên hoan hỉ đi dự tiệc. Trước khi đi, bà vợ Sam bảo tôi rằng buổi tối mới vui. Vợ chồng tôi cũng nghĩ vậy vì cho rằng đây là bữa tiệc nhỏ chia tay thân mật đối với một cấp chỉ huy về hưu.

Nhưng bữa tiệc không nhỏ chút nào. Hội trường rộng mênh mông với những chiếc bàn phủ khăn trắng trên bày dĩa, muổng, tách ly, ly bóng lộn và rất nhiều hoa. Những sĩ quan trẻ mặc đại lễ đeo găng tay trắng đứng từ cửa vào tiếp tân. Họ ân cần hỏi tên họ và dẫn từng vị khách vào bàn. Mỗi sĩ quan đều cầm một quyển sổ ghi tên từng vị khách và khi vợ chồng tôi được tiếp, họ lật sổ. Không thấy tên Đỗ Lệnh Dũng. Vợ chồng tôi đứng sượng trân trong khi mẹ và cả gia đình Sam Graves đứng quanh tụi tôi lúng túng không biết chuyện gì xảy ra. Có thể lắm chứ. Đại tá Sam Graves vì quá bận bịu lo tổ chức buổi lễ đã quên béng, không ghi tên vợ chồng bạn Trung úy Đỗ Lệnh Dũng. Những viên sĩ quan tự chạy lăng xăng hỏi han nhau về ông bà khách Mít dấm dớ, còn vợ chồng tôi lóng ngóng không biết xử sự ra sao. Giữa lúc đó, một viên Trung úy tiến tới lịch sự:

– Xin Trung úy và phu nhân theo tôi tới bàn đặc biệt.

Giọng nói của viên sĩ quan đầy vẻ nghiêm trang và hơi có quá phần trọng vọng. Tôi nhẹ cả người dắt Thu đi theo. Khi đến gần tôi đâm hoảng. Hai bàn đặc biệt phủ khăn đỏ nổi bật ngay sát khán đài, đã có dăm ba người đang ngồi. Người Trung úy giơ tay chỉ chỗ bên bàn phía phải. Tất cả khách đều đứng dậy chào đón vợ chồng tôi và ai nấy đều biết tôi là Trung uý Dũng. Tôi lịch sự bắt tay, xưng tên với họ và liếc nhìn. Đa số là Đại tá. Vừa yên chỗ thì có tiếng hô lớn và nhạc quân hành cử lên để tiếp một vị Tướng khác. các vị Tướng huy chương đầy ngực đều tiến về hai chiếc bàn đỏ, dành cho khách danh dự. Đến giờ này tôi đã hiểu sự ngạc nhiên Sam hứa dành cho tôi. Vợ chồng tôi là một trong số khách danh dự của buổi tiệc.

Suốt đời lính tôi đã trông thấy nhiều vị tướng như các ông Lý Tòng Bá hay cả Đại Tướng Trần Thiện Khiêm. Nhưng chỉ là trông thấy từ xa trong các lễ lạc và thường tôi phải ôm súng đứng nghiêng ngóng cổ mà ngó. Nhưng hôm nay, giữa đất Mỹ, tôi bỗng ngồi ngang hàng với Đề Đốc, với Thiếu Tướng, Trung tướng Mỹ thì quả là một vinh dự lớn. Ngồi ngay sát tôi là Trung tướng Wayne M.Erch, Chỉ huy Trưởng đơn vị Yểm Trợ 88. Ông ân cần thăm hỏi tôi về Việt Nam, về đời sống hiện nay. Đai Tá Sam Graves là phụ tá cho ông nên chắc ông đã có dịp nghe Sam kể về chiến tranh Việt Nam và mối liên hệ giữa chúng tôi. Ông bảo:

– Tôi được nghe về trận Đồng Xoài và những hành động đầy dũng cảm của người lính Việt Nam.

Hình như ai ở bàn cũng muốn nghe chuyện về tôi, chuyện đi trên con đường mòn Hồ Chí Minh và bỗng nhiên tôi trở thành đề tài của mọi câu chuyện trong bàn. Rồi buổi tiệc cũng bắt đầu với chủ đề tuyên dương những anh hùng Mỹ Quốc.

Khởi đầu là Tướng William Sherman của khóa West Point 1838. Vị tướng này đã lừng danh trong cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ, nhưng nơi đây mọi người tựu lại để nhớ đến một đức tính vô cùng tiêu biểu cho một quân nhân nơi ông. Tướng Sherman rời chức vụ quân ngũ và đứng ra lao vào ngành ngân hàng Ông đã đầu tư tổng cộng 130 ngàn Mỹ kim của các bạn đồng đội và như lời vị tướng đã quá vãng này viết cho vợ: “West Point chắc chắn không thể đào tạo được những nhà nông nghiệp, những chuyên viên ngân hàng hay những nhà buôn giỏi.” Ông đã thất bại, khoản đầu tư 130 ngàn ra mây khói. Nhưng ông đã cố gắng hoàn lại cho toàn thể các bạn đồng đội số tiền mà họ gửi gấm ông. Bản tuyên dương được đọc nói rõ chính vì hành vi này ông và gia đình đã khánh tận, nhưng hành vi giữ chữ tín xứng đáng khiến tướng Sherman được vinh danh là Anh Hùng Mỹ Quốc.

Người thứ nhì là trung sĩ Samnel Graves Jr. Trung sĩ Samnel Graves phục vụ trong quân đội thời đệ nhị thế chiến, bị bắt làm tù binh. Khi sắp bị lính Đức Quốc Xã hành hình thì “như một cơ may do lời nguyện cầu Thượng Đế” ông được thả và dẫn đi tới trại tù. Ông sống lây lất khổ cực và khi được quân đội đồng minh cứu thoát,ông sụt 100 pounds. Với lòng tin và lới hứa khi suýt bị bắn, cố Trung sĩ Samnel Graves Jr. khi giải ngũ đã trở thành mục sư và cống hiến trọn đời cho Thượng Đế. Với hành vi này ông được vinh danh là Anh Hùng Mỹ Quốc.

Hai người vừa kể nay đã quá vãng. Hai người nữa đều là cựu chiến binh Mỹ phục vụ tại Việt Nam. Đại tá James Saboc khi phục vụ ở Việt Nam mới chỉ là Trung úy. Trong một cuộc hành quân tại đồng bằng Sông Cửu Long, trung đội của ông có nhiệm vụ phục kích đêm và đụng lớn với một đơn vi Cộng sản quân số trội hẳn với hỏa lực M 79 và rất nhiều AK 47. Cuộc chạm súng trong đêm khiến tám người trong Trung đội bị thương. Nhờ lòng can đảm bình tĩnh, đơn vị do ông chỉ huy đã đẩy lui đơn vị địch. Trung úy James Saboc đã được tưởng thưởng Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Đồng và nhành Dương Liễu. Chính vì những thành tích tham dự cuộc chiến tại Việt Nam, hôm nay ông được tuyên dương là Anh Hùng Mỹ Quốc.

Kế tiếp là chuyện của Trung Úy Vic Bandini. Ông là phi công trực thăng phục vụ Lực Lượng Đặc Biệt. Trong một phi vụ cứu các toán nhảy ở biên giới Lào, phi cơ của ông trúng phòng không địch những 2 lần, nhung do bình tĩnh, ông đã cứu được 4 trong 10 binh sĩ nhảy toán và trở về căn cứ an toàn. Khi vừa đáp xuống hậu cứ, một vị Tướng của Thủy Quân Lục Chiến chờ sẵn với rất nhiều huy chương. Trung úy Vic kể lại:

– Tôi được gắn Ngôi Sao Bạc. Vậy đó, không giấy tờ chính thức, không có gì ghi trong quân bạ. Bởi vì trên thực tế chính phủ Mỹ không bao giờ công khai nhận đã gửi những toán đặc biệt nhảy xuống đất Lào.

Chính vì phi vụ sống chết này, hôm nay Trung úy Vic Bandini được vinh danh là Anh Hùng Nước Mỹ.

Tôi ngồi đó vừa nhâm nhi ly bia, vừa nghe những bản tuyên dương lòng thanh thản cho đến khi một vị sĩ quan trẻ trong ban tiếp tân nói khẽ với tôi:

– Trung uý sửa soạn để lên diễn đàn.

Tôi đớ người ra, sờ vội trong túi. May quá vẫn còn đem theo bài nói chuyện đã thủ sẵn. Nhưng tôi khựng lại khi ông bạn Sam lên tiếng:

– Chúng ta hãy cùng đứng dậy chào đón một vị anh hùng của nước Mỹ, Trung úy Đỗ Lệnh Dũng.

Mọi người nhất loạt vỗ tay và tôi mặt đỏ tía tai, lúng túng đứng dậy cúi chào.

Một sĩ quan lên đọc một bản diễn văn khá dài về trận Đồng Xoài và sau đó là cảnh tôi bị tù đày.

Tôi nghe, vừa cảm động, vừa ngượng trước những danh từ đầy hoa mỹ. Cuối bản đọc có ghi “Những hành vi vô vị lợi, sẵn sàng đem mang sống của mình ra bảo vệ đất nước Việt Nam, Trung úy Đỗ Lệnh Dũng đã nêu cao truyền thống bất khuất của quân lực Việt Nam Cộng Hòa và cũng là của Quân Đội Hoa Kỳ. Chính vì vậy, nay tuyên dương Trung úy Đỗ Lệnh Dũng là Anh Hùng Mỹ Quốc.”

Giữa những tràng vỗ tay, tôi bước lên diễn đàn. Tôi quá xúc động để nói và nội dung bài viết sẵn xem ra không thích hợp với không khí trong hội trường. Tôi chỉ còn biết lắp bắp:

– Tôi rất xúc động và bao nhiêu điều tôi muốn nói cùng với Đại tá Sam Graves, vị cố vấn cũng là bạn thân của tôi, cũng như những lời đúng ra phải nói cùng các quí vị nay không cần thiết nữa. Trong sự xúc động tận cùng, vợ chồng và các con tôi xin được nói tiếng Cảm ơn đến tất cả mọi ân tình mà cá nhân Sam Graves bạn tôi và toàn thể quí vị dành cho tôi.

Tối hôm đó, khi khép cánh cửa buồng lại, tôi nhìn vào tấm bảng tuyên dương với chữ ký của nhiều vị chức sắc trong quân đội Mỹ, lòng bâng khuâng.

Tôi nhìn Thu buột miệng:

– Anh đâu có muốn làm anh hùng.

Vợ tôi cười:

– Thế anh muốn làm gì?

– Anh chỉ muốn làm anh hiền. Anh chỉ muốn một đời sống giản dị, bình thường, không bắn giết, không súng đạn. Ước ao đó từ nhỏ nhưng rồi cả đời anh là trận chiến, là tù đày, là khổ nhục. Làm anh hùng để làm gì?

Vợ tôi ôm tôi, ghé tai nói rất khẽ.

– Anh là anh hùng của riêng em.

 

– HẾT –

 

Bạt

 

Tác giả xin chân thành tri ân nhân vật chính của câu chuyện: Đỗ Lệnh Dũng.

Ông đã kiên nhẫn trong nhiều tháng trời trả lời mọi câu hỏi liên quan đến cuộc đời thăng trầm của ông, đã chia sẻ với tác giả những chi tiết riêng tư thầm kín nhất, kể cả những chi tiết mà ông nói “cố quên để còn nhìn được về phía trước”. Không có sự cộng tác chân thật của ông, tác phẩm chắc chắn khó có thể thành hình.

Mặc dầu được xây dựng trên cuộc đời có thật với những dữ kiện có thật, tác phẩm Đỗ Lệnh Dũng không thể coi là một cuốn tiểu sử hay tự truyện. Đa số tên tuổi trong tác phẩm là những người có thật, nhưng trộn lẫn trong đó vì những lý do tế nhị, có những tên tuổi đã được thay đổi.

Vì tác phẩm dựa trên các biến cố của cuộc chiến mà hậu quả vẫn còn ray rứt trong chúng ta, hẳn là quan điểm của tác giả có thể không đồng thuận với tất cả mọi người. Tác giả nhận hoàn toàn những sai lầm có thể có và những sai lầm đó không hề do lời kể của nhân vật chính.

Tác giả xin cảm ơn chị Giang Hữu Tuyên và anh Uyên Thao, hai người bạn đã kiên nhẫn chịu đựng những thay đổi bất thường của tác giả, khuyến khích thúc dục để tác phẩm sớm hoàn thành.

Một số bạn bè của tác giả đã đọc bản thảo, đóng góp ý kiến, giúp tác giả sửa chữa những sai sót. Xin cảm ơn quí anh Đỗ Đình Duyệt, Hoàng Xuân Trường, Vũ Ánh, Nguyễn Tuyển, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Mạnh Tiến về những đóng góp của quí anh.

Hai người trẻ tuổi Nguyễn Kỳ Phong và Phan Lê Dũng đã giúp tìm tài liệu và góp phần đánh máy bản thảo. Xin cảm ơn Phong và Dũng.

Tác phẩm sẽ không bao giờ hình thành nếu thiếu tình yêu thương, lòng bao dung và sự hỗ trợ của Phương Mai cùng các con tôi – Tin, Na, Bé.

Tác Phẩm này trước hết nhằm ghi lại một số hình tượng sống trong một giai đoạn tràn ngập thảm cảnh của người dân Việt Nam và kế tiếp để dành tặng Mai và các con với ước vọng một ngày nào đó cả nhà sẽ có thể về lại quê hương sống như một gia đình Việt Nam bình thường.

 

Virginia 7/2/2006
LÊ THIỆP


1 comment:

Unknown said...

Có những điểm không đúng: Trực thăng Cobra không có mang 64 hoả tiễn TOW, không có đại liên tám nòng. Khi 4 trực thăng HU1A rơi, chưa thâý cứu phi công, B52 đã rải thảm...