Đỗ Duy Ngọc
Người
ta có thể đập bỏ một di tích đã hơn 100 năm, người ta cũng có thể phá
nát một ngôi chùa cổ, và người ta cũng có thể đốn hạ những hàng cây cổ
thụ rợp bóng ký ức của nhiều người, xóa sạch những dinh thự, những kiến
trúc đã hiện diện ở miền Nam này suốt cả thế kỷ.
Tất
cả sẽ biến mất nhường lại cho những khối bê tông đồ sộ, những dãy nhà
chọc trời. Năm, mười năm sau, thế hệ trẻ lớn lên sẽ không biết, không
nhớ những di tích đã bị tiêu diệt. Nhiều thành phố sẽ bị đánh mất ký ức
về những kiến trúc, những hàng cây, và khi những người già mất đi, sẽ
còn ai nhớ đến chúng. Có chăng chỉ còn là những hình ảnh trên bưu ảnh,
trong những cuốn sách ảnh đã ố vàng phủ bụi thời gian.
Nhưng
văn chương, hội hoạ, thơ ca, âm nhạc thì không thế. Bởi đó là văn hóa
của một vùng đất, là hơi thở của một quãng đời. Nhà thờ, dinh thự, hàng
cây có thể bị đánh mất và lụi tàn trong tâm khảm của nhiều người, nhưng
văn hóa thì không. Miền Nam Việt Nam trải qua hai mươi năm chiến tranh
và trong khoảng thời gian ấy tồn tại một nền văn hóa văn nghệ không thể
phủ nhận. Nó là tiếng nói, là suy nghĩ của một thời đại được phản ánh
trong văn học nghệ thuật. Nó mang hơi thở của chiến tranh nhưng đầy ắp
tính nhân văn và cũng không thiếu những tình tự dân tộc. Và chính điều
đó làm cho nó tồn tại dù đã bị nhiều lần vùi dập.
Tại
sao chiến tranh đã chấm dứt gần bốn mươi lăm năm rồi, văn hóa, văn nghệ
của miền Nam thất trận vẫn được người dân yêu thích và tán dương. Và
không chỉ ở miền Nam, những người đã từng đọc, từng nghe, từng thấy
trong suốt cuộc chiến tranh mà cả người miền Bắc sau cuộc chiến cũng bị
thu phục.
Lúc cuộc chiến đang diễn ra, nhạc đỏ, văn chương, thơ ca của miền Bắc có nhiệm vụ hô hào, kích động và cổ vũ chiến đấu.
Khi
hòa bình, văn nghệ tung hô lại trở thành lạc lõng, không còn hợp thời
và chính điều đó khiến cho những tác phẩm đó không còn được yêu thích và
ưa chuộng. Nó trở thành dĩ vãng, kỷ niệm của một thời đã đi qua. Người
ta nhắc lại nó, trình diễn nó trong những buổi lễ kỷ niệm, những lễ lạt.
Và chúng không còn khán giả.
Tất
nhiên khi không còn hoặc quá ít người thưởng thức thì không có nhà đài
nào, nhà xuất bản nào trong thời buổi kinh tế như thế này dám dùng nó để
kiếm tiền. Bởi văn hóa văn nghệ thời nay cũng chỉ là một cách để kinh
doanh. Không ai làm kinh doanh để nhận lấy lỗ trắng tay cả.
Và
văn hóa, văn nghệ miền Nam trước 1975, không phải tất cả đều có giá
trị, không phải tác phẩm, tác giả nào cũng hay. Thế nhưng đa số nó mang
nỗi lòng của con người, của mỗi cá nhân. Nó mang tình cảm thật của một
thế hệ, không lên gân, không hô hào.
Ca
nhạc miền Nam không phải chỉ có nhạc Boléro, chẳng qua là suốt hơn bốn
mươi năm, âm nhạc của thời đại không có gì nổi bật để hấp dẫn quần chúng
nên họ tìm về cái cũ, cái mang tình người, tính nhân văn, thể hiện được
tình cảm của họ.
Câu trích dẫn của Ray Bradbury (DOB) "You don't have to burn books to destroy a culture. Just get people to stop reading them."
Âm
nhạc của miền Nam còn có Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng, Phạm Thế Mỹ, Anh
Việt Thu, Y Vân, Y Vũ, Dương Thiệu Tước, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An,
Ngô Thụy Miên, Hoàng Thi Thơ, Từ Công Phụng, Ngô Mạnh Thu, Nguyễn Đức
Quang, Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Phạm Mạnh Cương, Lê Uyên Phương,
Trần Thiện Thanh, Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang... và nhiều nhiều nữa
không kể hết, nhạc của những nhạc sĩ này đâu chỉ có điệu Boléro, nhưng
vẫn là những bài hát tiêu biểu của miền Nam, mang tình tự dân tộc, mang
hơi thở cuộc sống và nỗi niềm riêng của mỗi con người về tình yêu, về
thân phận, về cuộc đời. Không ai có thể xóa được.
Một cảnh đốt sách thật tang thương tháng 05/1975 ở Sài Gòn
Thế
mà ở hội nghị giao ban quý III/2019 của Hội đồng lý luận phê bình văn
học, nghệ thuật TP. HCM ngày 10/11, nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên nhận
định sáng tác văn học, nghệ thuật đang xuống thấp một cách không tưởng
và ông phát biểu:
"Giữ
chế độ này là giữ thành quả cách mạng, nhưng giờ bỏ qua hết, chạy theo
giải trí, game show… Trong khi để kế thừa cái đã có thì làm không tốt,
mà lại ca ngợi boléro của chế độ cũ thì chính là ca ngợi luôn đời sống
của giai đoạn đó… Cũng từ khi đi vào thị trường, hội nhập, chúng ta lại
quên đi biến động vô cùng phức tạp. Chương trình Âm nhạc Việt Nam -
Những chặng đường trên VTV không biết chủ trương của Bộ Chính trị hay
của ai, vì cái này ca ngợi nhạc của Sài Gòn cũ bằng những lời có cánh”
Đồng
thời, Nhạc sĩ Trần Long Ẩn với tư cách Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn
học Nghệ thuật TPHCM cũng cho rằng, nói chua cay, mỉa mai như báo chí
thì nhạc cách mạng hiện nay gần như đã “rút lui vào hoạt động bí mật”.
Các chương trình chính thống muốn lên đài truyền hình vào giờ vàng thì
khó lắm.
Cũng
theo ông Ẩn, nhạc ca ngợi Việt Nam Cộng hòa mà giờ cũng cho là ca ngợi
nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì không được:
“Chúng
tôi đề xuất phải hết sức thận trọng với trang sử đen tối của miền Nam
Việt Nam lúc bấy giờ là bị xâm lược. Văn học, nghệ thuật độc hại của nó
xuyên tạc đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ở miền Nam và hiện nay
không thể tẩy xóa. Vậy mà đồng thời, phong trào cách mạng ở miền Nam
trong văn học, nghệ thuật rất dữ dội, rất lớn thì không biểu dương,
không tôn vinh, không học tập, không nhân rộng mà lại đòi xóa nhòa không
còn khái niệm âm nhạc cũ trước giải phóng nữa”. (Trích báo Phụ Nữ)
Đó
là những quan niệm quá lạc hậu và lỗi thời. Và theo ý ông Liên và ông
Ẩn thì không nên phổ biến và nên xóa sạch loại văn hóa độc hại của miền
Nam trước 1975.
Sau
75, chế độ mới đã phát động đốt sạch cái họ gọi là văn hóa đồi trụy,
phản động. Hàng ngàn tấn sách đã bị đốt, nhưng không đốt được văn hóa
trong tim của người miền Nam. Đó là điều bất khả thi, vì những thứ mà
các ông cho là độc hại đó là tinh hoa của miền Nam đã thấm đẫm trong
lòng người, mà như trên đã nói, có thể xóa bỏ một ngôi chùa, một dinh
thự, một con đường, đập phá nát bia mộ, lăng tẩm, chứ không thể xóa bỏ
được một nền văn hóa.
Người
nào kêu gọi và thực thi việc xóa nhòa, tẩy sạch một nền văn hóa thì kẻ
đó đi ngược lại với lịch sử, là kẻ mọi rợ, là kẻ vô văn hóa.
Đã
qua rồi thời đốt sách, đã không còn là thời đấu tố, đã không còn có thể
cấm hát, cấm đọc. Bởi cấm cũng không được khi lòng người còn luyến tiếc
mà chẳng có gì để thế chỗ.
Đừng
dao to búa lớn làm chi, nếu các ông có những sáng tác hay hơn cái cũ
của miền Nam thì tất nhiên cái cũ đấy sẽ bị lãng quên, chẳng cần chi kêu
gào xóa sạch làm gì.
Nhưng các ông lại không đủ tài năng để làm điều đó.
Đỗ Duy Ngọc
No comments:
Post a Comment