TÌNH DỤC TRONG TỤC NGỮ CA DAO

Tình dục thuộc bản năng sinh tồn. Các sinh vật từ cây cỏ, muông thú đến con người đã tồn tại qua thời gian, hết thế hệ này đến thế hệ khác, là do từ bản năng này. Đối với con người, tình dục không phải là một sự xa lạ nhưng người ta tránh nói đến hay biểu lộ công khai vì nó dễ kích thích và không phải là những hình ảnh và cử chỉ thanh nhã mà ngược lại, là những sự việc thô tục không nên biểu lộ trước mặt mọi người.

Từ ngàn xưa, các tôn giáo và phong tục cấm kị việc nói đến tình dục với mục đích làm giảm đi và giới hạn nó trong một khuôn khổ chặt chẽ để bảo vệ đạo đức, luân lý và trật tự xã hội. Lịch sử Đông, Tây còn ghi lại những cảnh hoang dâm của các vua chúa làm cho đất nước suy tàn, triều đại sụp đổ, luân thường, đạo lý đảo ngược. Ở Việt Nam là vua Lê Ngọa Triều vì qúa hoang dâm làm cho nhà Tiền Lê bị chấm dứt. Về sau Trịnh Sâm say mê Đặng thí Huệ làm cho nhà Chúa suy tàn. Ở Do Thái vào thời đại cổ, vị vua đầu tiên của dân tộc này là David đã ăn ở vụng trộm với người vợ của một chiến binh đang ngoài mặt trận. Khi người đàn bà có thai, vua David kêu người chồng về. Người chồng về biết việc vợ ngoại tình và không nhìn nhận cái thai là con mình thì David ngầm sai người tìm cách giết đi để bưng bít việc làm bất chính của mình. Cái thai ấy sau sinh ra là vua Salomon kế ngôi David. Lịch sử Trung Hoa có vô vàn những câu chuyện tương tự từ sự loạn dâm của hoàng hậu Võ tắc Thiên đời Đường đến chuyện Đường minh Hoàng cướp Dương quí Phi là vợ Thọ Mao vương con trai thứ 18 của ông vua này . . .  

Mấy chục năm gần đây, Phương Tây với xã hội cởi mở đã phản ứng lại với những hạn chế của tôn giáo và phong tục tập quán, người ta công khai nói đến sex (tình dục) trong sách vở, phim ảnh … Ở Mỹ vào những năm 1960, 1970 các tiệm sách công khai bày bán sách báo khiêu dâm như Playboy, PlayGirl, vật dụng, phim ảnh… Nhưng rồi vì tội phạm tình dục gia tăng, sau đó người ta qui định chỉ cho bán những thứ này ở những nơi riêng biệt như hiện nay.

Tục ngữ ca dao là loại văn chương nói rất thực về tất cả mọi khía cạnh của xã hội và tất nhiên trong đó có tình dục, nhưng không có ý phơi bày hay kích thích mà diễn tả khách quan như một sự kiện sinh hoạt trong xã hội. Đối với vợ chồng thì chuyện ăn ở với nhau là chuyện bình thường, không có gì đáng chê trách:

Đương khi bếp tắt cơm sôi,

Con ngồi khóc đói, chồng đòi tòm tem.

Bây giờ bếp đã cháy lên,

Cơm đà sắp chín, tòm tem thì tòm.

Hoặc sự buồn nản và ao ước của một người vợ muốn có con trong tình trạng không thể được :

Con nhạn xanh chắp cánh bay chuyền,

Chồng em lẩy bẩy như Cao Biền dậy non.

Sớm có chồng nhưng em muộn có con,

Hẩm hiu duyên số em còn đứng không.

Khốn nạn thay em ăn ở với chồng!

Nhưng chúng ta đề cập đến khía cạnh này chủ yếu vì phong tục tập quán xưa đã đưa đến những vấn đề xã hội không mấy tốt đẹp.

Thứ nhất là tục tảo hôn tức lấy vợ, lấy chồng sớm. Trong đất nước nông nghiệp, người ta cần nhân công để cày cấy, chăn bò, trông em, có khi trông cả chồng cho cha mẹ chồng đi làm:

Cái bống cõng chồng đi chơi,

Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng .

Chú lái ơi! tôi mượn chú cái gầu sòng,

Tôi tát, tôi múc cho chồng tôi lên!

Ngày xưa có những nhà cưới vợ cho con từ chín, mười tuổi mà thường vợ hơn chồng vài ba tuổi để lấy người làm việc.

“Gái hơn hai, trai hơn một” là câu tục ngữ nhưng trên thực tế có khi chồng mới mười ba, mười bốn mà vợ mười bảy, mười tám… tạo ra một khoảng cách tình dục, vì con trai vốn phát triển (về tình dục) chậm hơn con gái:

Tham giàu em lấy thằng bé tỉ ti,

Làng trên, trại dưới thiếu gì trai tơ.

Em đem thân cho thằng bé nó giày vò,

Mùa đông tháng giá nó nằm co trong lòng.

Cũng đa mang là gái có chồng,

Chín đêm trực tiết, nằm không cả mười.

Nói ra sợ chị em cười,

Má hồng bỏ quá, thiệt đời xuân xanh.

Em cũng liều mình về thằng bé trẻ ranh,

Đêm nằm rờ mó quẩn quanh cho đỡ buồn.

Buồn tình, em lại bế thằng bé nó lên,

Nó còn bé mọn đã nên cơm cháo gì.

Nó ngủ, nó gáy tì tì,

Một giấc đến sáng còn gì là xuân.

Chị em ơi, hoa nở mấy lần!

Ngược lại, đôi khi chồng tuổi hơn vợ, chê vợ bé dại không chịu ăn nằm :

Lấy chồng từ thuở mười lăm,

Chồng chê tôi bé không nằm cùng tôi.

Đến khi mười tám, đôi mươi,

Tôi nằm dưới đất, chồng lôi lên giường.

Một rằng thương, hai rằng thương,

Có bốn chân giường gãy một còn ba.

Ai về nhắn nhủ mẹ cha,

Chồng tôi nay đã giao hòa cùng tôi.

Về phương diện nhân đạo, tập tục tảo hôn không chấp nhận được vì chủ đích của tảo hôn là bóc lột sức lao động của trẻ thơ, một thứ mua người ở để không phải trả công.  Phần lớn hôn nhân loại này bị đổ vỡ vì khi lớn lên hai bên không hợp nhau, nhất là người vợ vì hơn tuổi chồng cộng thêm với sinh nở và lam lũ mau già nên thường bị người chồng duồng dẫy. 

Về phương diện chủng tộc, một người mẹ sinh con ở tuổi vị thành niên, chưa phát triển đủ về thể chất để sinh ra những đứa trẻ khoẻ mạnh và chưa đủ hiểu biết để nuôi và dạy con cái nên người.  Trong bài cao dao Quả Cau Nho Nhỏ chúng ta thấy một người mẹ vừa đúng tuổi thành niên (18 tuổi) đã có tới năm con:

Qủa cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân,

Nay anh học gần, mai anh học xa .

Anh lấy em từ thuở mười ba,

Đến năm mười tám, thiếp đà năm con .

Ra đường người nghĩ còn son,

Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng (!) . . .

Vì vậy, luật pháp từ lâu đã cấm tảo hôn .

Thứ hai là vấn đề vợ cả, vợ lẽ.  Một người chồng có thể có một hay vài ba người vợ lẽ (vợ lẽ vua thì gọi là cung phi, cung nữ …)  Địa vị của người đàn bà làm vợ lẽ cũng là một loại làm mướn không công.

Người ta mua hay cưới những người đàn bà sống trong hoàn cảnh nghèo khó, hoặc kém nhan sắc, hoặc lỡ làng về làm vợ lẽ, tỳ thiếp hầu hết với mục đích phục vụ tình dục và bóc lột sức lao động của những người đàn bà khốn khổ, nên tục ngữ có câu: Chết trẻ còn hơn lấy lẽ. 

Nữ sĩ Hồ xuân Hương đã từng trải qua cuộc sống này:

Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng,

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.

Năm thì, mười họa hay chăng chớ,

Một tháng đôi lần có cũng không.

Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm,

Cầm bầng làm mướn, mướn không công.

Thân này ví biết nhường này nhỉ,

Thà trước thôi đành ở vậy xong.

( Hồ xuân Hương, Làm lẽ)

Trong xã hội công nhận cho người đàn ông có nhiều vợ, hay còn gọi là chế độ đa thê, nhân phẩm của phụ nữ bị hạ thấp khi hai, ba người đàn bà giành nhau một người chồng:

Anh ơi ngoảnh mặt vào trong,

Mai em mua bún với lòng anh ăn.

Anh ơi ngoảnh mặt ra ngoài,

Mai em nấu chè mật khoai mài anh ăn.

Người ta cho rằng:

Chồng chung, vợ chạ,

Ai khéo hầu hạ thì được chồng riêng.

Văn chương bác học của bà Hồ xuân Hương và văn chương bình dân diễn tả như nhau về thân phận của người làm vợ lẽ:

Lấy chồng làm lẽ khổ thay,

Đi cấy, đi cày chị chẳng kể công.

Đến tối chị giữ lấy chồng,

Chị cho manh chiếu nằm không nhà ngoài .

Đêm đêm những gọi bớ hai,

Trở dậy nấu cám, thái khoai, đâm bèo!

Nếu có những người vợ lẽ an phận, thì ngược lại có những người bất mãn với hoàn cảnh của mình:

Thân em làm lẽ chẳng hề,

Có như chính thất mà lê giữa giường.

Tối tối chị giữ mất buồng,

Cho em manh chiếu nằm suông chuồng bò.

Mong chồng, chồng chẳng xuống cho,

Đến cơn chồng xuống, gà o o gáy dồn.

Cha mẹ con gà kia sao mày vội gáy dồn,

Mày làm cho tao thất vía kinh hồn về nỗi chồng con!

Văn chương bác học ngày xưa, khi nói về tình dục phần nhiều nói bóng bảy cho người đọc tự hiểu.  Trong Chinh Phụ Ngâm tả  người chinh phụ nhớ chồng:

Và tiếng dế, mưa rơi trước nóc,

Một hàng tiêu gió thốc ngoài hiên.

Lá màn lay ngọn gió xuyên,

Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm.

(Chinh Phụ Ngâm, Phan huy Ích dịch, Minh Tâm xb 1954, trg 22)

Nhưng cụ Nguyễn Du và bà Hồ xuân Hương dùng lối tả chân khi nói về tình dục:

Khi nàng Kiều tắm:

Rõ ràng trong ngọc trắng ngà,

Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên.

Và lúc nàng Kiều phải ăn nằm với Mã giám Sinh:

Tiếc thay một đóa trà mi,

Con ong đã tỏ đường đi lối về.

Một cơn mưa gió nặng nề,

Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hoa.

Bà Hồ xuân Hương tả thiếu nữ ngủ ngày:

Đôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm,

Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông .

Tục ngữ ca dao cũng nói về tình dục bằng lối tả chân:

Gái đâu có gái lạ lùng,

Chồng chẳng nằm cùng, ném chó xuống ao.

Hay:

Khum khum gọng vó,

Chẳng nó thời ai.

Thè lè lưỡi trai,

Chẳng ai thời nó.

Hai vị thi hào, một tả thân thể nàng Kiều trước mặt anh chàng lái buôn mê gái họ Thúc “Một tỉnh mười mê”; một tả thân thể thiếu nữ hồn nhiên ngủ ngày làm cho đấng quân tử “Đi thì cũng dở, ở không xong“. 

Đơn thuần nói về tình dục thì con người không khác cầm thú là bao. Nhưng may mắn là con người nhờ sự phát triển của lý trí và tình cảm đã biết nâng tình yêu và lòng chung thủy lên trên tình dục để xây dựng hạnh phúc gia đình của riêng mình và đặt nền móng cho việc xây dựng xã hội văn minh, thoát khỏi đời sống hoang dã từ lâu.

 Phạm hy Sơn

No comments: