ĐỒI 30 HẠ LÀO - PHẦN 3 & PHẦN 4

 

Đồi 30 Hạ Lào - Phần 3

Trương Duy Hy

Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Tổng Thống VNCH 1972

 —oOo—

Khái niệm Căn Cứ Hỏa Lực, Fire Suppport Base do Lục quân Đức phát minh trên chiến trường Nga, được quân đội Pháp áp dụng lần đầu tiên tại Hòa Bình, sau đó ở Nà Sản. Nhiều căn cứ gộp lại thì thành một Tập đoàn Cứ điểm, như ở Điện Biên Phủ. Hoa Kỳ vẫn áp dụng tại A-Phú-Hãn.

Tuy nhiên, cách thực thi có khác: Quân Đức yểm trợ Căn Cứ Hỏa Lực bằng các Xa đoàn Thiết giáp. Quân Pháp trông cậy vào chính hỏa lực pháo binh của căn cứ giúp phòng thủ. Riêng Hoa Kỳ chủ yếu oanh kích. Nhưng nếu Khe Sanh là một chiến thắng, thì ngược lại, Hạ Lào là một thất bại.

Nhiều nguyên nhân. Với mục đích tiêu hủy kho tàng Bắc-Việt trên đất Lào, Lam Sơn 719 được thiết kế như một Raid. Nhưng là một Raid cấp quân đoàn, khác với mô thức thông thường của Raid là small format. Raid, trên mặt hành quân phải là một Operational Warfare Mission, tức phải bất ngờ, ngắn hạn và thần tốc. Cả 3 yếu tố trên không hội tụ ở Hạ Lào.

  • Phía Bắc-Việt biết trước kế hoạch.
  • Việc thiết lập nhiều Căn cứ Hỏa lực dọc trục tiến quân khiến cuộc hành binh kéo dài quá lâu trên một tháng (từ 8 tháng 2 đến 23-3-1971), khiến Lê Trọng Tấn đủ thời gian tập trung 5 sư đoàn chính quy 2, 304, 308, 320, 324 phản công.
  • VNCH dùng duy nhất 1 Liên đoàn Biệt Động Quân với vỏn vẹn 2 tiểu đoàn để bảo vệ cạnh sườn phía Bắc. Một lá chắn quá mỏng. Ngay cả nếu Lam Sơn 719 đã diễn ra thật nhanh, tấn công vũ bão rồi rút về tức khắc bằng trực thăng, lá chắn này vẫn mong manh. Trong thực tế tiến quân khá chậm đã khiến mạn Bắc trở nên vùng nguy hiểm, nơi phát xuất các đợt tấn công biển người của Lê Trọng Tấn nhắm vào sư đoàn Dù.

Sau hết, chính áp lực Hoa Kỳ muốn mua thời gian rút quân khỏi Nam-Việt đã khiến Quân lực VNCH, thay vì phòng ngự với tất cả ưu thế, phải phiêu lưu sang đất Lào, trên một trận địa rừng rậm bất lợi, phụ thuộc hoàn toàn vào không trợ của Hoa Kỳ. Lam Sơn 719, ngay từ đầu, đã mang mầm của thất bại.

Hồi ký “Tôi Tham Chiến Tử Thủ Căn Cứ Hỏa Lực 30” của Đại úy Trương Duy Hy ghi lại những ngày này, với ưu điểm: Giúp nhìn thấy hoạt động hàng ngày, thậm chí từng giờ của một đơn vị VNCH vào sâu trong đất Lào, trên một cao điểm 727 thước, với tất cả hiểm nguy của nhiệm vụ. Tuy không đề cập đến khía cạnh chiến lược như đã tự xác định trong Thay Lời Tựa, Đại úy Hy vẫn cho cái nhìn toàn cảnh chung quanh Đồi 30. Với chương thứ nhì Vượt Biên Giới, người đọc bắt gặp những ưu tư của Đại úy Hy buổi sáng đầu tiên nhận vị trí và tuy vô cùng khó khăn, Pháo đội C của Tiểu đoàn 44 Pháo binh chỉ mất 2 tiếng rưỡi từ lúc trực thăng Skycrane thả đại bác cho đến khi sẵn sàng khai hỏa. Nói lên khả năng, kỷ luật, cùng nhiệt tâm của binh sĩ.

—oOo— 

Trương Duy Hy

VƯỢT BIÊN GIỚI

Rạng ngày 8-2-1971, ngày Lịch sử của cuộc vượt biên Lào-Việt.

6g00 sáng, tôi ra lệnh thu xếp hành trang gọn gàng, 6 khẩu đại bác xếp hàng cẩn thận và phân phát mỗi quân nhân 4 ngày lương khô. Giao Trung Úy Lân cùng các Sĩ quan Trung Đội Trưởng ở lại cắt đặt việc móc súng, móc hàng.

Đúng 8g00, tôi nghe đài phát thanh Sài Gòn lên tiếng về cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 do chính Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hạ lệnh tấn công sang Hạ Lào. Đồng thời Tổng Thống long trọng xác nhận : “…đây là cuộc hành quân có giới hạn trong thời gian lẫn không gian với mục tiêu duy nhất và rõ rệt là phá vỡ hệ thống tiếp liệu và xâm nhập của Cộng Sản Bắc Việt trên phần đất Ai-Lao mà chúng đã chiếm đóng và xử dụng từ nhiều năm nay để tấn công vào VNCH chúng ta. Ngoài ra, VNCH không có một tham vọng đất đai nào tại Ai-Lao và không khi nào xen vào nội bộ chính trị của vương quốc Ai-Lao vì VNCH luôn luôn tôn trọng nền Độc Lập và sự vẹn toàn lãnh thổ của Vương quốc Ai-Lao…”

Một tiếng đồng hồ sau đấy, tôi và 4 nhân viên gồm có Trung sĩ (TS) Lương, Hạ sĩ Nhất (HSI) Bách, TS Ngân, TS Quá ra phi trường trực thăng cùng với Toán Tiền Thám của Pháo đội C của Tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù (PĐC/3 Dù) và Bộ Chỉ huy  Tiểu đoàn 2 Nhảy dù (BCH/TĐ2 Dù).

9g00, trực thăng bốc chúng tôi vượt biên giới.

Ngồi trên trực thăng nhìn xuống, Quốc lộ số 9 thu nhỏ dần, nhỏ dần… thành một đường ngoằn ngoèo khuất lấp, ẩn hiện kéo dài về hướng Tchépone, mất hút ở cuối tầm mắt… Núi rừng trùng điệp, không một thôn xóm, làng mạc… Sau 25 phút bay, chúng tôi được thả xuống một ngọn đồi toàn lau lách, chứ không có cây cao rậm rạp. Nhìn vào bản đồ, đối chiếu địa thế chung quanh và phối hợp với sự quan sát của phi công, chúng tôi xác định được điểm đứng trên tọa độ XD 599-465 với cao độ 727 thước, cách biên giới Lào-Việt cũng như cách Quốc lộ 9 khoảng hơn 8 cây số đường chim bay. Nơi này được đặt tên là: “CĂN CỨ HỎA LỰC 30”.

Trong lúc vạch cỏ lau quan sát địa thế, về mé Nam, có một cái hầm ai đã đào sẵn, vết đất từ hầm vứt lên trên có vẻ mới khoảng không quá 1 tháng trở lại. Hầm vuông, mỗi bề 5 tấc, sâu vừa đứng đến ngực. Tôi thầm nghĩ có lẽ là Tổ báo động phi cơ của Cộng quân đặt tại đây.

Loay hoay trên đồi, tôi, Trung Úy Trí và Trung Úy Thạch phân chia vị trí. Trí chiếm từ đỉnh đồi thẳng xuống triền phía Tây. Pháo Đội chúng tôi từ đỉnh đồi dọc xuống hướng Đông. Giữa vị trí của tôi và Trí, theo mé triền hướng Nam, Trung Tá Thạch chọn đặt BCH/TĐ2 Dù.

10g30, Sky-Crane lần lượt câu súng lên. Tôi đốc thúc và cố gắng hết mình, mong đốt giai đoạn thực hiện khẩn cấp việc gióng hướng cho khẩu đại bác 155 ly đầu tiên đặt xuống đồi. Nhưng vô hiệu! Lần đầu tiên trong đời binh nghiệp, đây quả là một lần cho tôi kinh nghiệm.

Thật vậy, trước lúc di chuyển, tôi ra lệnh nhân viên đài Tác xạ phải thiết lập trước xạ bản, cụ bị đầy đủ vật dụng dùng trong việc thuyết trình, đến nơi đặt giác bàn gióng hướng ngay… Nghĩa là tôi cẩn thận xếp đặt công việc không để xảy ra một sơ sót mảy may nào cho công tác chiếm đóng vị trí mới, hầu có thể tác xạ khẩn cấp – ấy vậy mà rồi ra, công sắp đặt trước hóa thành công cóc! Máy bay Sky-Crane với sức quạt quá mạnh của chong chóng, hết chiếc này đổ vật dụng đến chiếc khác đổ đại bác… kèm theo, các trực thăng tải quân hạ cánh liên tục chuyển đến đồi toàn bộ Tiểu Đoàn 2 Dù (xem hình phần cuối sách)… Đất, sỏi tung lên mù mịt. Một vài đám lau cháy dở do pháo binh, phi cơ oanh kích dọn bãi đáp, nay được Sky-Crane quạt cho, thôi thì tha hồ bốc thành ngọn lửa cháy lan cả đồi. Phần lo tiếp nhận súng, phần lo chữa lửa, chẳng còn ai rảnh tay để thu xếp vật dụng. Nhờ quân nhân trong Pháo Đội trực thăng vận tiếp theo sau tới khoảng 30 phút, nhào đến kịp thời dập tắt lửa. Nếu không, không biết làm sao chu toàn công việc.

Cho dù lúc bấy giờ không có lửa cháy lan, chúng tôi cũng không thể thực hiện việc gióng hướng súng trước sức mạnh của gió do Sky-Crane tạo ra. Đất núi tại chỗ đáp mà còn bị gió cào, bốc lên, thì làm sao ngồi ở càng súng để nhìn vào máy gióng hướng! Tôi lo ngại! Riêng Trung Úy Lân vẫn bình tĩnh góp ý rằng: Hãy đợi đến lúc tiếp nhận đủ súng rồi gióng hướng luôn một lần.

Mãi đến 13g00, 6 đại bác 155 ly của tôi mới “an tọa” tại vị trí quá hẹp, tôi phải sắp xếp vất vả lắm mới có chỗ mở càng.

Tôi hết sức bực mình ngay từ phút đầu. Vì trên nguyên tắc, toán tiền thám của tôi có nhiệm vụ chọn vị trí thuận lợi cho việc thiết lập vị trí Pháo Binh. Nhưng chúng tôi lại được thả ngay trên một ngọn đồi do Thượng Cấp định sẵn – dù muốn, dù không tôi cũng không thể xin đổi dời chỗ khác được. Phương chi, lúc thả toán tiền thám của tôi, lại thả luôn BCH/TĐ2 Dù… Chỉ một việc lo cắt đặt các Đại Đội này, đã làm cho Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 Dù không còn thì giờ hội ý kỹ với chúng tôi về vị trí đại bác nữa.

Trung Úy Trí thích cao địa, nhất là mặt phía Tây dốc rất đứng, địch khó đột kích. Tôi an phận của kẻ tăng phái vậy.

Hướng bán chính thức của Pháo Đội, sẽ theo sự phối trí hỏa lực pháo của Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Dù và PĐC/3 Dù khi có lời yêu cầu. Song trên thực tế, Trung Úy Trí bàn với tôi, dành cho tôi tác xạ hướng Tây và Nam, còn Trí tác xạ hướng Tây và Bắc. (Hướng Bắc là hướng hai căn cứ Ranger North và Ranger South của Biệt Động Quân, hướng Tây về Tchépone và Nam là hướng A-Lưới).

6 khẩu đại bác 155 ly của tôi đặt thành hình cung nửa vòng tròn từ Nam lên Bắc theo thứ tự khẩu 5 do TS Ngân Khẩu Trưởng, Khẩu 6 TS Đợi, Khẩu 1 TS Nhơn, Khẩu 3 TS Hóa, Khẩu 2 TS Thìn và Khẩu 4 HSI Cũ.

Riêng Khẩu 6 và Khẩu 1 hai móng càng chỉ cách nhau 50 phân! Tóm lại, vị trí pháo tại căn cứ hỏa lực 30 thật là bất lợi vì quá chật hẹp. Hầm ngủ của nhân viên khẩu và các hầm đạn khẩu không thể nào làm xa nhau được.

Về phần cán bộ, tôi cắt đặt nhiệm vụ rõ ràng cho từng người:

– Trung Úy Lân phụ tá tôi và kiểm soát tác xạ.

– Thiếu Úy Ngân đặc trách đài tác xạ, theo dõi và làm yếu tố tác xạ cho từng mục tiêu, ghi chú điểm đứng Tiền sát viên từng phút một.

– Thiếu Úy Thiện phụ trách về đại bác, Sĩ quan an ninh tác xạ kiêm đạn dược.

– Thiếu Úy Toại đặc trách thu dọn tiếp liệu phẩm của các loại 1 đến 4.

– TSI Bình nuôi ăn và chu toàn nhiệm vụ của một Thường Vụ Pháo Đội.


 

Đồi 30 Hạ Lào - Phần 4

Trương Duy Hy

Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Tổng Thống VNCH 1972

—oOo—

Trương Duy Hy

TÁC XẠ  THIẾT LẬP CĂN CỨ HỎA LỰC 31 VÀ A–LƯỚI.

Trong lúc vừa làm vị trí, Pháo Đội lại phải thi hành tác xạ ngay. Ngoài việc yểm trợ cho Tiểu Đoàn 2 Dù đưa hai Đại Đội tiến chiếm ngọn đồi hướng Đông Nam cách căn cứ Hỏa Lực 30 khoảng 1500 thước, chúng tôi còn tác xạ 100 quả đạn nổ vào tọa độ XD 526-470 để dọn sạch cho BCH Lữ Đoàn 3 Dù thiết lập căn cứ Hỏa Lực 31.

…Bấy giờ vào khoảng 19g00, Đại Đội 321 trên đường tiến lên hướng Đông Nam, gặp ngay một toán nhỏ Việt Cộng án ngữ. Bọn chúng đánh rời rạc rồi bỏ chạy. Trời tối dần, vị Đại Đội trưởng của Đại Đội này gọi máy về xin BCH/TĐ2 Dù cho tạm dừng nghỉ mệt để sáng hôm sau sẽ tiến lên đồi. Nhưng Trung Tá Thạch hạ lệnh phải chiếm cho bằng được đỉnh đồi ngay trong đêm ấy. Thế là cả Đại Đội hì hà hì hục tiến lên.

Bị đột kích bất ngờ, Cộng quân trên đồi bỏ chạy. Đại Đội 321 lượm được một ít vũ khí không đáng kể. Nhưng khi lục soát hết ngọn đồi mới cảm thấy ê người! Ngay giữa cây cao cành lá rậm rạp, Cộng quân đang thiết lập một đài quan sát vững chắc, chằng bằng những dây cáp sắt to như ngón tay cái! Địa thế ở đây rất thuận lợi cho việc quan sát cả một vùng rộng lớn, nhứt là đỉnh đồi cao hơn căn cứ Hỏa Lực 30. Với viễn vọng kính tốt, chúng có thể đếm được từng người tại căn cứ Hỏa Lực 30, quan sát được cả căn cứ Hỏa Lực 31 và A Lưới!

Sự kiện này làm cho tôi thán phục Trung Tá Thạch về việc ước lượng địch tình nhanh chóng, giàu kinh nghiệm, thể hiện bằng quyết định khẩn cấp tối hậu khi ra lệnh cho Đại Đội thi hành lúc sẩm tối…

Suốt ngày 9-2-1971, 6 khẩu đại bác đều thi hành tác xạ. Các Tiền sát viên gọi máy xin bắn ơi ới! Nhất là Tiền sát viên 331, 332 của Tiểu Đoàn 3 Dù. Đôi khi mục tiêu chỉ cách vị trí chúng tôi không quá 5, 6 cây số, nhưng các Tiền sát viên cứ đòi cho bằng được chúng tôi bắn. Tôi phải đích thân vào máy liên lạc và giải thích: Tôi không tiếc đạn, cũng không tiếc công, nhưng với những mục tiêu ấy có tầm bắn gần, các bạn hãy xin PĐC3 Dù 105 ly bắn. Vì lẽ đạn của chúng tôi khá nặng, mỗi quả cỡ đến 45 ký. Nay phải bắn quá nhiều những mục tiêu gần như thế, thì mai đây, khi các bạn đi xa hơn, các Pháo thủ thấm mệt làm sao thỏa mãn hoàn toàn cho các bạn được. Tôi yêu cầu các bạn nghĩ cho điều đó mà xử dụng khả năng 105 ly.

Mặc dù tôi giải thích trên máy PCR-25 – hẳn nhiều nơi sẽ nghe – nhưng các Sĩ quan Tiền sát vẫn khư khư đòi hỏi:

– Chúng tôi biết các anh vất vả, nhưng tiếng nổ 155 ly cùng sức tàn phá của nó mới làm cho Việt Cộng khiếp sợ. Các anh bắn chính xác 100%, bọn tôi đở điều chỉnh. Các anh hãy giúp chúng tôi đi…

Thật là vinh dự cho Pháo Đội tôi! Tin rằng những lời đối đáp giữa chúng tôi qua máy vô tuyến chắc là không giấu được ai!

Khoảng 10g00 hơn, một toán nhỏ thuộc Tiểu Đòan 2 Dù lục soát ven căn cứ, tịch thu được một ba lô tài liệu, báo hiệu cho chúng tôi biết rằng địch đang theo dõi sát chúng tôi, dầu chúng tôi mới đến chưa quá 30 tiếng đồng hồ. Hoặc cũng có thể chúng tôi đã đóng vị trí ngay vùng địch đang tập trung.

Tôi ra lệnh cho binh sĩ phải cố gắng làm hầm vững chắc khi rỗi rảnh và bắt buộc phải mặc áo giáp, đội nón sắt suốt cả ngày.

Đến 17g00, Tiền sát viên 331 báo về, kết quả yểm trợ của chúng tôi lúc 16g45, anh em đã tiến vào mục tiêu ở Tây Bắc căn cứ 31 lục soát và thu được:

– 12 súng cối 82 ly

– 3 mặt nạ chống hơi độc

– 2 bản đồ

– 5 tên chết tại chỗ.

Cả hai ngày qua, nước chưa được tiếp tế, số nước dự trữ ở mấy ống nạp buộc theo càng súng, giờ đây đã cạn ráo! Một số binh sĩ xuống đồi tìm nước, nhưng nước quá hiếm, vài vũng nhỏ cạn như lòng nón sắt phủ đầy lá mục, múc hết ca nước phải ngồi chờ cho nước rỉ ra. Mùi nước hôi hám khó chịu, lại đục ngầu! Chỉ trông qua đủ ngán! Suối thì quá xa, nếu muốn đến ít ra phải tốn 1 buổi.

Tôi khẩn cấp đánh điện về BCH/TĐ xin ưu tiên tiếp tế nước. Riêng lương khô 4 ngày mọi người đã nhận rồi, kèm theo đấy lúc ra đi, chúng tôi có mang theo 6 ngày thực phẩm tươi. Do đó việc ăn được điều hòa không có gì trở ngại. Duy có vấn đề nước uống – phải nói là một vấn đề đã làm cho tôi lo lắng nhất.

Với quân số 75 người kể cả tôi, mỗi ngày tiêu thụ tối thiểu một móc hậu nước! Chưa hết, còn phải tu bổ đại bác hàng buổi sáng và sau mỗi lần tác xạ, đòi hỏi một lượng nước không phải là ít, làm tôi điên cả đầu.

Tối lại, tôi đi quanh ven rào xem cách bố phòng của binh sĩ Tiểu Đoàn 2 Dù. Một lần nữa, tôi thầm thán phục cách tổ chức chiến đấu vô cùng chu đáo của binh chủng này. Hầu hết các hầm cá nhân, các công sự đều có mái che, dùng cây rừng có đường kính từ 20 phân tây hoặc lớn hơn làm đòn tay, bên trên phủ vài lớp bao đất và đổ đất dày hơn 50 phân.

Hỏi ra tôi mới biết, Tiểu Đoàn 2 Dù cũng như bất cứ Tiểu Đoàn Dù nào, họ đều có mang theo máy cưa, ít ra là 2 cái. Riêng cá nhân có người đem theo lưỡi cưa, đến nơi họ dùng cây căng ra, biến chế thành một cái cưa thật tốt để xử dụng hạ cây.

Bên ngoài công sự, hàng rào kẽm gai và concertina được trải dày. Mìn claymore tự động đặt xa bên ngoài concertina và sát nhau. Mìn định hướng claymore điều khiển đặt cách các công sự không quá 20 thước, ngụy trang rất khéo.

Với cách bố phòng như thế, tôi chắc mẫm Việt Cộng có là mình đồng da sắt tưởng cũng không thể nào đột kích được.

…Theo yêu cầu của Sĩ quan liên lạc Lữ Đoàn 3 Dù với danh hiệu 330, chúng tôi chia thời gian bắn quấy rối suốt đêm, tạo một vòng đai an ninh, an toàn cho hai Đại Đội 331 và 332 hoạt động bên ngoài căn cứ Hỏa Lực 31.

6g00 sáng ngày 10-2-71, tôi thức dậy xét lại việc làm của Đài Tác xạ. Một vài điều bất như ý đến với tôi, trong cơn nóng giận tôi đã đánh TS C… một tác tai, TS mà tôi thương yêu nhất Pháo Đội, đã có lần tôi phê điểm: “Hạ Sĩ quan có khả năng ngoại hạng rất tốt…”. Với tôi, dầu có giỏi mấy đi nữa, nhưng thiếu thiện chí làm việc trong lúc cần thiết cấp bách, hoặc làm chưa xong đã nghỉ, để dành giờ sau mới làm tiếp thì tôi không bao giờ tha thứ. Mọi nỗ lực của Pháo Đội lúc bấy giờ, tôi thường nhắc đi nhắc lại là chỉ dành cho tác xạ và tu bổ công sự chiến đấu cũng như hầm ngủ khẩu đội, nhân viên. Tôi chỉ đòi hỏi ở quân nhân thuộc quyền tôi có từng ấy điều, nếu ai vô tình hoặc hữu ý không thi hành đứng đắn, tôi trừng phạt tức khắc.

Với tôi, đời sống tinh thần binh sĩ cũng như vật chất, tôi lo liệu từng ly từng tí. Tôi đã hai lần thề trước Pháo Đội: một lần tại đồi 37 Đại Lộc, một lần tại vị trí chiếm đóng tạm thời gần Cam Lộ rằng: Nếu tôi có tham nhũng của lính một tơ hào, một hột gạo, tôi sẽ bị chết vì quả đạn pháo kích đầu tiên của địch bắn vào vị trí. Bởi vậy, tôi cương quyết không tha thứ cho bất cứ nhân viên nào trong Pháo Đội làm việc lơ là tắc trách. Nhất là đối với vấn đề gia đình binh sĩ, tôi đã luôn luôn đặt tâm lưu ý giúp đỡ, lúc thì tiền bạc, lúc thì phép tắc, lúc thì bàn ghế… đó là chưa kể đến tổ chức tại Pháo Đội mà chén bát, đũa dĩa, ly tách của tôi và sĩ quan dùng thế nào thì binh sĩ dùng thế ấy.

Tôi tự tin, rất tự tin vào việc làm trong sạch của tôi để đổi lấy hiệu năng đáng kể của binh sĩ trong công tác do Pháo Đội giao phó. Đôi lúc tôi tự hãnh diện về việc làm của tôi, cho dù một số sĩ quan Tiểu Đoàn chế diễu tôi là “quân tử Tàu”…

Chỉ nội cái việc nóng tính của tôi sáng nay mà sau đó tôi hối hận cả buổi, tính tôi lại lắm mâu thuẩn đến thế!

Để tránh bực bội, tôi bước ra khỏi Đài Tác Xạ đi quanh các khẩu, nhắc nhủ anh em tu bổ và thực hiện gấp nắp các hầm đạn, hầm nạp ven bìa súng.

Nhìn về phía BCH/TĐ2 Dù, chiếc xe ủi đất đã đào xong các hầm chỉ huy, hầm thuyết trình, bệnh xá… Tôi đến gặp Trung Tá Thạch xin xử dụng xe ủi đất làm ụ súng đào vài cái hầm đựng nạp và đạn cho Pháo Đội. Trung Tá Thạch thuận cho mượn, nhưng phải chờ sau khi công binh làm xong hầm cho Pháo Đội C/3 Dù của Trung Úy Trí. Tôi ra về với ý nghĩ “con nuôi” đành chịu vậy.

14g30, hơn 10 chiếc Chinook tiếp tế cho Pháo Đội 1000 quả đạn 155 ly, một móc hậu nước. Cùng lúc một mặt nhân viên phải tác xạ yểm trợ, một mặt lo tiếp đạn và nước, vất vã không thể tưởng tượng được.

Tại hậu cứ Khe Sanh, Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng vào máy bắt tôi phải thu xếp với bất cứ giá nào để tất cả lưới và móc hậu nước cùng 6 dây câu súng gởi trả lại Khe Sanh trong chuyến tiếp tế cuối cùng trước 17g00. Nếu không, Trung Tá Phi (ở Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Dù) sẽ đề nghị cho tôi ở lại Lào 6 tháng chiến đấu, không phép tắc gì ráo! Tôi bực mình hết sức! Tôi thầm nghĩ: Hóa ra ở BCH hành quân chẳng có ai hiểu nỗi khó khăn, vất vã của kẻ đang chiến đấu ngoài tiền tuyến. Đối với Pháo Đội 105 ly Dù, nếu họ có tiếp nhận 20 kiện hàng, chỉ trong vòng 1, 2 tiếng đồng hồ sau, họ có thể dọn sạch bãi đáp. Chứ với Pháo Đội 155 ly của tôi, mỗi quả đạn nặng không dưới 43 ký, lại được kết 8 quả trên cùng một palette, niền bằng thép! Không có xe Wrecker bốc hàng thì làm sao có thể rở hết với một thời gian ngắn thế được.

Tôi ngao ngán nhìn đống đạn, nạp, lắc đầu! Thiếu Úy Thiện, Toại cùng TSI Lục được đặc trách về vấn đề này hì hục đốc thúc anh em công tác.

Lại thêm một khó khăn nữa là đạn, nạp, đầu nổ, hỏa tiêu chẳng bao giờ được tương ứng. Phải mất một thời gian kiểm kê mới có được con số chính xác để báo cáo. Ấy vậy mà Chinook chưa kịp thả đạn xuống bãi đáp đã nghe BCH/TĐ3 PB Dù đóng tại căn cứ Hỏa Lực 31 và BCH/TĐ gọi tôi đi báo cáo số lượng tiếp nhận ngay.

Nhờ nỗ lực tối đa, từ 14g30 đến 17g00, nhân viên Pháo Đội lặn ngụp trong bụi mù do Chinook khuấy lên, chúng tôi hoàn tất thu góp từng đống lưới, buộc chặt lại để nhờ chuyến Chinook cuối cùng câu về. Nhưng phi công trên chuyến Chinook thích thì làm, không thích thì thôi. Họ chỉ câu móc hậu nước còn lưới đạn lại lơ đi! — Dù lúc bấy giờ Thiếu Úy Thiện dang tay ra thủ hiệu cho chúng móc lên, song không được chúng đáp lại, vù vù bay về hướng Đông Nam!

Trở lại BCH/TĐ2 Dù than phiền với Trung Tá Thạch, Trung Tá cũng tỏ ý bất bình vì hậu cứ không có “Quan sát viên” tại chỗ để thông cảm nỗi khó khăn của chúng tôi!

…Nghe chúng tôi vừa nhận thêm đạn, thôi thì các Tiền sát viên xin tác xạ! Đã mệt vì công việc vừa làm, bây giờ lại phải bắn, chẳng rảnh được tí nào. Tôi khích lệ anh em bằng những lời giải thích chân thành và phân phối thêm trái cây, lương khô cho anh em ăn “khuya”. Thật tình tất cả chúng tôi, mọi người như một đều chấp nhận những nỗi gian khổ đó, tích cực tác xạ trong niềm vui hãnh diện vì những lời khen ngợi của Tiền sát viên về hiệu quả chính xác của đại bác, đạn Pháo Binh.

Rạng ngày 11-02-1971, từ 6g00 chúng tôi đã nhận được điện văn của Sĩ quan liên lạc 330 gởi về, trong đó yêu cầu chúng tôi sẵn sàng yếu tố tác xạ T.O.T. (1) vào tọa độ XD 510-500 khi có lệnh. [(1) T.O.T. viết tắt chữ “Time On Target” – Tác xạ này được các Pháo đội, các Trung đội Pháo binh tính kỹ về thời đạo, thời cổ (nếu có) để đưa quả đạn đến nổ tại mục tiêu cùng một lúc].

Thiếu Úy Ngân đặc trách yếu tố, khẩn cấp bắt tay vào việc cùng TS Toại, Lương, Chất, HSI Bách, Vinh. Sở dĩ tôi chỉ thị Thiếu Úy Ngân chuyên trách về các điểm tập trung đã bắn, vì hàng trăm điểm tiên liệu thay đổi hàng buổi rất khó khăn dễ nhầm lẫn.

Đúng 8g30 Pháo Đội bắt đầu khai hỏa. Hàng loạt đạn bay vào mục tiêu, tiếng nổ rền cả một vùng, bụi đất tung lên quyện theo các cột khói cao, lan rộng ra dần… Từ vị trí Pháo Đội có thể nhìn thấy bằng mắt trần, vì khoảng cách không quá 9 cây số.

Sau khi bắn hết 50 quả đạn nổ, chúng tôi được lệnh ngưng tác xạ; tức khắc 2 Đại Đội Dù cùng với Tiền sát viên 331-332 nhào vào mục tiêu lục soát, và thu được một số quân dụng đáng kể: 1 B40, 1 dàn hỏa tiễn 122 ly, 14 súng cối 82 ly, 6 xe Molotova đầy nhóc tiếp liệu phẩm, 30 bao gạo.

10g30 chúng tôi quay 2 khẩu về hướng Đông Nam, yểm trợ cho Đại Đội 321 của Tiểu Đoàn 2 Dù nhích dần… nhích dần… sâu về hướng Nam lục soát. Kết quả thu được 2 súng phòng không của Cộng quân tại đây.

Chiều lại, chúng tôi tiếp tục nhận thêm 600 quả đạn, nạp và móc hậu nước. Số lưới, dây câu súng gởi trả về Khe Sanh ngay khi tiếp nhận móc hậu nước đầu tiên. Thật nhẹ cả người! Dầu vậy, cả 10 lưới đạn còn tại bãi đáp đã đặt chúng tôi trước một “vấn đề” mới!

May là hôm nay BCH/TĐ2 Dù chọn làm bãi đáp trực thăng về hướng Đông, cách vị trí Pháo Đội tôi khoảng 50-100 thước, chúng tôi tránh được nạn gió lốc do chong chóng của Chinook tạo ra.

Bãi đáp có chiều rộng 50 thước đó thật lý tưởng, chúng tôi không còn bị uy hiếp bởi bụi mù, đất, sỏi tràn ngập khắp vị trí nữa.

Sau bữa cơm tối, tôi đích thân thảo một công điện “lịch sử” — Tôi dùng chữ “lịch sử” với sự đồng ý của các Sĩ quan hiện diện tại hầm — gởi về BCH/TĐ44 PB với nội dung:

Trân trọng kính trình Quý BCH:

Thứ I: Việc yểm trợ cho các đơn vị bạn thu đạt nhiều kết quả tốt. Có nhiều uy tín với các đơn vị Dù. Sự chính xác đạt 100%. Tiền sát viên Dù không cần điều chỉnh tác xạ.

Thứ II: Vì kết quả đó nhiều mục tiêu không quá 5 cây số đối với Pháo Đội Tiền sát viên Dù không chịu xin 105 ly tác xạ mà đòi Pháo Đội (155 ly) tác xạ cho bằng được, Pháo Đội rất vất vả.

Thứ III: Pháo Đội thành thật cám ơn Thiếu Tá TĐT và các Sĩ quan Tham Mưu  đã lo cung cấp đầy đủ nhu cầu thiết yếu.

Thứ IV: Khẩn xin BCH đặc biệt lưu ý cung cấp thường xuyên mỗi ngày một móc hậu nước như đã thực hiện trong mấy ngày qua.

Hết.

 Theo nội dung công điện này, anh em Sĩ quan chúng tôi ngồi đấu láo mỗi người một ý:

Lân: Chắc Thiếu Tá và các Sĩ quan tham mưu không khỏi cười lời văn trong công điện!

Thiện: Đúng là công điện “lịch sử” tự “ca” mình rồi cuối cùng chỉ xin có mỗi một đặc ân “nước uống”! Khôi hài là ở chỗ đó.

Ngân: Đại bàng có làm thế ở nhà mới biết mình cần nước như thế nào!

Toại cười mỉm chi, ít nói nên cũng không buồn phát biểu ý kiến.

Ngày 12-2-71 nhân xe ủi đất “thất nghiệp”, tôi xin dùng công tác cho Pháo Đội. Sự thật, với một vị trí Pháo Binh, ngay từ lúc chưa đặt súng, nếu đã không dùng xe ủi đất làm ụ súng thì sau khi đặt súng, việc làm ụ súng bị cấn cái, khó khăn, nhất là vị trí quá hẹp như vị trí căn cứ Hỏa Lực 30 này. Lại nữa, thời gian 4 ngày qua vì sinh mạng của pháo thủ, tôi không thể chờ xe ủi đất để thực hiện các hầm ngủ cho anh em. Do đó, dầu cho bận rộn, mệt nhọc mà pháo thủ phải quần quật làm việc suốt ngày đêm, tôi đã bắt thực hiện bằng tay hầu hết các hầm ngủ, hầm đạn, hầm nạp, hầm chỉ huy, đài tác xạ, truyền tin…

Bây giờ có xe ủi đất, tôi chỉ xử dụng ủi quanh những chỗ nào có thể ủi được để bảo vệ súng. Khẩu 6 và khẩu 1 chung một ụ! Trường hợp hy hữu có một không hai trong “nghề pháo thủ” mà chính tôi chứng kiến, thực hiện! Sau đấy, tôi đào thêm được 4 hầm chứa nạp và đạn ven bãi đáp trực thăng. Nhờ đó mà sau này Pháo Đội tránh được tai nạn khủng khiếp, cơ hồ có thể hủy diệt trọn vẹn Pháo Đội tôi.

Thật ra, Cộng quân chưa hề pháo kích vào Căn cứ 30 – kể đến phút này – nhưng tiên liệu đến những nguy hiểm có thể xảy ra đối với một vị trí quá chật hẹp nên tôi quyết định cho đào hầm đạn và hầm nạp đạn xa như thế. Hẳn nhiên, trong tương lai pháo thủ phải vác đạn dài đường, vất vả, nhưng tôi không thể nào có một quyết định khác. Nhờ có 4 hầm này, chúng tôi có thể tồn trữ tại mỗi hầm ít nhất 600 quả đạn hoặc 800 ống nạp.

Hoàn tất công tác, Trung Tá Thạch tỏ ý hài lòng lắm. Ông gọi tôi qua cho bao cát, PSP để tu bổ thêm các hầm ngủ.

Khoảng 10g00, Trung Tướng Dư-Quốc-Đống Tư Lệnh Nhảy Dù, đến viếng thăm Tiểu Đoàn 2 Dù. Tướng Đống không vào hầm chỉ huy, ngồi xổm ở bãi đáp trực thăng, trải bản đồ trên đất, nghe Trung Tá Thạch trình bày diễn tiến về chiến đấu của các Đại Đội tiền đồn.

Tình cờ tôi đi ngang chỗ ngồi của Trung Tướng. Tôi đứng nghiêm chào. Trung Tướng nhìn tôi:

– Anh làm gì ở đây?

Có lẽ vì tôi mặc bộ quân phục Thủy Quân Lục Chiến. Tôi trả lời:

– Thưa Trung Tướng, tôi làm Pháo Đội Trưởng Pháo Đội C thuộc Tiểu Đoàn 44 Pháo Binh.

Nhân tiện, tôi chụp được một “pose” khi Trung Tướng nhìn vào ống kính. Xong, tôi đến đứng cạnh Trung Tá Thạch nhìn xuống tấm bản đồ có nhiều sắc xanh đỏ ghi chú bằng bút chì mỡ do Sĩ quan Ban 3 Tiểu Đoàn 2 Dù thực hiện.

Trung Tá Thạch tường trình diễn tiến các hoạt động thường nhật một cách tỉ mỉ. Bỗng tôi thấy Trung Tướng hơi cau mặt hỏi:

– Việt Cộng đâu mà nhiều thế? Tại sao anh không cho con cái lục soát rộng ra? Cứ dậm chân một chỗ thì còn làm ăn gì được? …đã 4 hôm rồi mà!…

– Trình Trung Tướng, chiều hôm qua tôi có cho một thằng con nhích xuống phía Nam (Vừa nói, Trung Tá Thạch vừa đưa tay trỏ về hướng tiền đồn)… nhưng mới xuống lưng chừng triền núi, bị chúng ám ngữ thụt B40 và 57 ngay. Còn phía Tây tiền đồn Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn địch đóng. Nếu dốc hết con cái xuống đồi, tôi e bọn chúng bọc lên chiếm tiền đồn, mình khó đẩy lui. Vả lại tiền đồn bên kia cao, có lợi thế… Chính chúng tôi đã khám phá ở đó một đài quan sát kiên cố, hôm đặt chân xuống căn cứ này…

Những điều trình bày của Trung Tá Thạch tuy đúng sự thật, song xem ý Trung Tướng Đống vẫn không bằng lòng. Tôi thưa tiếp:

– Trình Trung Tướng, không biết lực lượng chúng bao nhiêu, nhưng lúc tôi cho trực xạ qua bên triền núi kia thì thấy xác Việt Cộng tung lên, đứng phía BCH/TĐ quan sát rõ lắm…

Lời giải thích của tôi, không biết có đáp ứng sự cần thiết để biết rõ địch tình quanh căn cứ Hỏa Lực 30 cho Trung Tướng hay không, nhưng sau đó, Trung Tướng không đề cập đến nữa.

Trước khi ra về, Trung Tướng bắt tay tôi và khích lệ:

– Ông pháo binh cố gắng mà bắn nghe! Kết quả tốt lắm đó…

Chiều, chúng tôi tiếp nhận cả 1000 quả đạn nữa. Thấy đạn thả xuống bãi đáp mà hết muốn ăn uống gì cả, vì quá mệt trong các cuộc tác xạ liên tục. Đạn nhận nhiều bao nhiêu bắt buộc chúng tôi phải tác xạ nhiều bấy nhiêu. Trong lúc đó, nước tiếp tế cho chúng tôi lại có hạn: mỗi ngày một móc hậu!

Việc phân phối nước cũng khó khăn không kém. Hễ mỗi lần móc hậu nước được thả xuống bãi đáp, lập tức Thiếu Úy Thiện và Thiếu Úy Toại phải túc trực tại chỗ với “lon lá” đầy đủ để giữ nó. Nếu chậm chân anh em Dù sẽ đến xin ngay! Mặc dù Pháo Đội C3 của Tiểu Đoàn 2 Dù cũng được tiếp tế nước bằng móc hậu như Pháo Đội tôi. Nhưng việc tiếp tế không đều đặn, bữa có bữa không. Riêng Pháo Đội tôi nhờ có sự tận tâm giúp đỡ trực tiếp của Thiếu Tá Nguyễn Văn Tự Tiểu Đoàn Trưởng, Đại Úy Phan Quang Thông Trưởng Ban 3, Đại Úy Phạm Ngọc Diệm và toàn thể Sĩ quan Tham mưu đóng ở Khe Sanh lo cho hàng ngày, nên có chuyến tiếp tế là Pháo Đội tôi có nước.

Trong lúc khan hiếm nước như thế, BCH/TĐ 2 Dù còn phải lo cho Đại Đội đóng tiền đồn hướng Đông Nam! Mỗi ngày, tôi phải cung cấp 40 ống nạp không để Trung Tá Thạch chứa nước tiếp tế. Do số lượng nước của Tiểu Đoàn 2 Dù không còn đủ dùng cho BCH, đa số binh sĩ Nhảy Dù phải tự túc đi tìm nước, tìm rất xa và nước rất bẩn, độc, phải nhờ vào thuốc lọc mới dám dùng.

Bắt đầu từ đây, cá nhân tôi mang theo tất cả những hình ảnh vị tha đẹp đẽ nhất của anh em binh sĩ Dù…

Đúng là chiều nay, khi móc hậu nước được kéo ra từ bãi đáp vào vị trí, tôi mặc áo giáp, đội nón sắt ra “giữ” nước! Tuyệt đối không cho bất cứ một ai xin, dù là pháo thủ của tôi. Tôi ra lệnh tất cả các khẩu đội, nhân viên Truyền tin, Tác xạ, linh tinh… vác đến bên tôi mỗi toán 5 ống nạp. Lần lượt tôi phân phối với lời “rao”:

– Mỗi toán xử dụng 5 ống nước trong một ngày. Riêng mỗi khẩu thì 3 ống dùng để thong nòng đại bác, lau buồng đạn, 2 ống để nấu nước uống và nấu nước đổ vào gạo sấy làm cơm. Khẩu nào, toán nào dùng nước để tắm rửa, giặt giũ, tôi sẽ phạt nặng và cúp phần nước vào ngày mai…

Tôi chua xót nhìn Pháo thủ tôi với đôi mắt sáng rực lên vì thấy nước! Sự thèm thuồng hiện rõ trên nét mặt! Nhưng làm sao bây giờ? Tôi không thể cấp phát cho mỗi người một ống nước!

Loay hoay phân phối nước, một binh sĩ của Tiểu Đoàn 2 Dù khệ nệ vác một ống nạp đến, nhẹ nhàng đẩy vào vòi nước. Tôi khóa vòi lại và hỏi:

– Sao bên anh có tiếp tế mà anh lại không xin?

– Xin không được, nước còn để dành tiếp tế tiền đồn.

– Thì xin Pháo Binh Dù?

– Sức mấy họ cho! Ở đây mà Đại Úy quý nước hơn người!…

Tôi lại phải giải thích dài dòng:

– Đấy, các anh thấy, mỗi buổi sáng, mỗi khẩu đại bác phải có 6 người mới thông nòng nổi. Và mỗi lần thông sạch một cái nòng, tốn ít nhất 2, 3 ống nước. Đó là chưa kể sau mỗi lần bắn phải đổ nước lau buồng đạn. Súng bắn có tốt cho các anh hay không còn do sự tu bổ. Hiện tại thì nước rất cần thiết để tu bổ. Anh phải thông cảm thế…

Cuối cùng, tôi vẫn nhất quyết không cho, mặc dầu anh ta lãi nhãi trách oán tôi. Tôi nghĩ, nếu cho anh ta được, tất tôi phải cho hết 3 Đại Đội Dù thì còn nước đâu mà tu bổ đại bác. Anh ấy hằn học lắm, song tôi đành cắn răng nhận những lời hờn trách đó. Không phải tôi so sánh, cùng binh chủng với anh ta còn không cho nước thay huống hồ là tôi! Nhưng sự thật vì tác xạ quá nhiều, bụi đất do tác xạ, do phi cơ tiếp tế đáp xuống bãi đáp hàng ngày đã làm cho các Khẩu Đội tốn rất nhiều nước. Điều đó hiển nhiên xảy ra trước mắt mọi người. Vả lại, việc tu bổ súng cũng chỉ có mục đích để giữ gìn súng tốt hầu tác xạ yểm trợ cho chính các đơn vị Dù của anh ấy…

Khoảng xế chiều, Đại Đội 321, 322 chạm địch tại tiền đồn, chúng tôi ra sức bắn yểm trợ tối đa với nạp 3. Chỉ trong chốc lát, chúng tôi được báo kết quả:

– Tịch thu: 9 trung liên, 2 CKC, 7 B40, 33 AK, 1 bản đồ, 30 Cộng quân chết tại chỗ.

Tối lại, Đại Tác xạ nhận nhiều điểm bắn quấy rối, các khẩu chia nhau thay phiên tác xạ, từng đầu giờ một… (Còn tiếp)

TDH, 1971

Kỳ sau: CÁNH THƯ NHÀ.

Trần Vũ đánh máy lại tháng 10-2018 từ bản in của Nxb Đại Nam 1980.  

(*) Lexique: Tiểu Đoàn (TĐ), Bộ Chỉ Huy (BCH), Pháo Binh (PB), Pháo đội C (PĐC), Trung Sĩ Nhất (TSI), Trung Sĩ (TS), Hạ Sĩ Nhất (HSI), Hạ Sĩ (HS).

(**) Ảnh minh họa sưu tập từ Beaufort County Now, Dòng Sông Cũ, Hoàng Sa, Pinterest, Cherrieswriter, vuhmai.blogspot, Getty Images, Militaria, Nam magazine và vnaf. 


No comments: