Kỳ trước: Buối tối dừng quân nghỉ đêm, B2 Xề là người bị thương được anh em cáng đi bỗng mất tích khi anh em để anh dưới con dốc nằm chờ sẽ trở lại tìm cách khiên anh lên con dốc.

Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Tổng Thống VNCH 1972 

 

Trương Duy Hy

TRIỆT THOÁI RA KHỎI CĂN CỨ HỎA LỰC 30 (Tiếp theo)

…Trời chưa sáng rõ, tôi đã đánh thức TSI Lục, TS Đổng và các anh em đi tìm B2 Xề… Lần này, TSI Lục hướng dẫn 20 Pháo thủ, trang bị súng AR15 và M79 xuống chỗ cũ lục soát thật kỹ. Vẫn không tìm ra B2 Xề. Cả toán lại tiến sâu xuống suối, và ngạc nhiên thấy cái bóp của B2 Xề vứt bên này suối!? Đoạn đường từ suối lên chỗ Xề nằm đâu có gần. Nhất là đối với một người bị thương nặng như Xề! Lúc qua suối, Xề còn được khiêng trên cáng, cái bóp ở túi quần làm sao có thể rơi ra được? Một lần nữa, anh em chia nhau cố gắng tìm.

Sau 30 phút vẫn không dò ra một tí vết tích nào khác, TSI Lục đành phải hướng dẫn anh em về, tường thuật tất cả chi tiết trên và giao cho tôi cái bóp của Xề.

Đau khổ hơn bao giờ cả, tôi đăm ra cau có, gắt gỏng với tất cả mọi người. Thật vô lý! Lân nhăn tôi hoài, khuyên tôi mãi, nhưng hình bóng B2 Xề vẫn ám ảnh ray rứt, làm cho tôi không thể quên được.

7g30 chúng tôi tiếp tục lên đường, trẩy theo hướng 2400 ly giác.

Mặt trời càng lên cao, ánh nắng càng gay gắt phút chốc mồ hôi chảy thấm cả áo giáp… Trước sau, tôi uống hết 3 bi-đông nước mà vẫn cứ khát. Hầu như các binh sĩ đi gần tôi đều được tôi “chiếu cố” xin nước! Anh em khuyên tôi không nên uống nước nhiều, đi mệt. Nhưng tôi không thể chịu được cơn khát xé nát cổ họng mặc dầu tôi biết uống vào thì mồ hôi toát ra dầm dề. Ấy vậy mà không tài nào tôi nhịn được.

Dọc theo lộ trình sáng nay, chúng tôi đi qua một ngã tư đường mòn, chằng chịt dây điện thoại mới giăng, móc trên cây rừng ở hai bên đường.

Có lẽ Cộng quân thiết lập hệ thống liên lạc hữu tuyến này, ngay sau khi chúng tôi chiếm đóng Căn cứ Hỏa Lực 30 (?)… Các binh sĩ Dù vừa đi vừa cắt từng đoạn…

Qua khỏi ngã tư, chúng tôi đi xéo về hướng Nam để tránh đường mòn… nhưng sau đó lại gặp một đường mòn khác, cũng có dây điện thoại. Mặt đường nhẵn thín, chứng tỏ Cộng quân sử dụng tối đa con lộ này. Tôi nhẫm tính từ đây đến Căn cứ Hỏa Lực 30 chúng tôi không quá 1500 thước đường chim bay mà hệ thống liên lạc hữu tuyến của địch đầy dẫy như thế, hẳn chúng đã có một kế hoạch thanh toán chúng tôi từ lâu, nhưng chúng chưa thực hiện được đó thôi.

Những dốc đứng lần lượt hiện ra trước mắt chúng tôi, hết dốc này nối tiếp dốc kia, độ dốc cao hơn triền núi chiều hôm qua! Tất cả anh em đều mệt ngất và thỉnh thoảng nhắc tôi:

– Giá hôm nay còn anh Xề cũng không biết làm sao khiêng cho nổi.

Hình ảnh Xề lại hiện đến với tôi!

Tôi cố gắng hết sức, chống gậy đi trước Lân. Có những dốc cao chắn ngang bằng những rễ cây… phải đu cả người, chúi đầu về đằng trước làm điểm tựa rồi nhờ anh em đi sau đẩy mới lên được!…

Đến trưa, có lệnh tạm nghỉ. Nước đã hết không còn một giọt… Vài anh em móc bao gạo sấy, lần từng nắm bỏ vào mồm nhai rôm rốp… trong lúc binh sĩ Dù có nhiều anh em vẫn còn nước đổ vào gạo sấy làm cơm trưa.

Tôi và Lân mệt lả, không biết đói, chỉ có khát nước thôi. Tôi lấy trong túi áo hai thẻ bánh do anh em Dù cho — nguyên bánh này tịch thu được trong túi các chiến binh Cộng sản, mà Lân đã chứng kiến xác họ la liệt ở bãi đáp! Lân e ngại bảo tôi:

– Để khi nào thật đói hãy ăn.

– Chứ bây giờ anh còn no sao? Hay anh gớm vì tịch thu bánh này trên xác địch?

Lân cười không đáp.

Tôi bốc lớp giấy bên ngoài, bẻ nửa thẻ nếm thử. Bánh vừa mặn lại vừa ngọt, khi nước bọt thấm hết vào bánh, tôi có cảm giác deo dẻo, có mùi thơm của đậu xanh pha lẫn mùi nếp… Khi anh em Dù cho tôi, anh em có bảo tôi:

– Mỗi binh sĩ địch đều có mang theo vài thẻ bánh này để cầm thực. Ăn một thẻ như thế có thể no một ngày.

Còn một thẻ rưỡi, tôi gói cẩn thận cất vào chỗ cũ.

…Nghỉ được một tiếng đồng hồ, chúng tôi lại tiếp tục lên đường.

Mãi đến 17g00, chúng tôi đi ngang qua một triền núi bị phát quang bởi B52 và Pháo Đội tôi đốt cháy bằng đạn khói trước đây… Tất cả mọi người đều ngụy trang nón, những nón chưa được vẽ rằn ri, xanh đỏ, phải ôm trước ngực để khỏi lộ mục tiêu vì chói sáng.

Tôi với Lân lo quá! Khoảng trống quá rộng, tại đây tôi quan sát rõ căn cứ Hỏa Lực 30 và tất cả cảnh trí ven căn cứ ở mặt Nam, Tây và Đông. Những chướng ngại vật thiên nhiên do đỉnh đồi cao 727 thước với triền núi dốc… đã làm cho Cộng quân mệt lả khi bò lên đến sát rào phòng thủ, còn sức đâu đánh với đấm!

Tôi ê người khi nghĩ đến sự liều lĩnh của Cộng quân, thí mạng vượt qua tất cả triền núi vừa cao vừa dài như thế để tấn công chúng tôi… Điều thất bại hẳn đã thấy rõ! Vậy mà các cấp chỉ huy của chúng lại có thể điên cuồng thực hiện các cuộc xung phong!

Sau khi vượt qua quãng đường trống trải nguy hiểm này, chúng tôi tiến lên ngọn đồi thấp đằng trước. Thiếu Tá Mạnh cho lệnh dừng quân. Các Đại Đội lập tức chia nhau đóng xa BCH/TĐ, đặt các tổ báo động, các tổ chiến đấu…

Đến phút này, hầu hết mọi người không ai còn một giọt nước. Anh em chia nhau, kẻ đốn cây, người đào công sự tạm, số còn lại tung ra tứ phía đi tìm nước.

Một tiếng đồng hồ sau, các pháo thủ đem về cho tôi hai nón sắt đầy nước. Tôi cùng Lân uống đến no. Sau đó, tôi phân phối nhân viên nghỉ tạm quanh tôi và Lân. Giao TSI Lục cắt đặt việc canh gác, đốc thúc anh em đào hầm trú ẩn để tránh pháo kích địch.

Trong suốt thời gian di chuyển, có vài lần tôi nhờ máy của Thiếu Úy sĩ quan Liên lạc 320, liên lạc với Đại Úy Vẹn ở A Lưới và Thiếu Tá Hằng ở Phú Lộc, song tôi từ chối trả lời hướng di chuyển cùng tọa độ điểm đứng vì sợ lộ, địch kiểm thính được sẽ thực hiện cuộc tấn công bất thần hoặc phục kích chận đường, nhất là vùng này đối với chúng quá quen thuộc, sự điều động binh sĩ của chúng hẳn là nhanh chóng, dễ dàng… Trong lúc chúng tôi di chuyển hoàn toàn nhờ vào bản đồ và địa bàn, vượt suối leo đồi chứ không theo một đường mòn nào cả.

Tôi biết Thiếu Tá Hằng và Đại Úy Vẹn rất lo, cũng như không mấy bằng lòng tôi, song tôi không thể làm hơn được. Tôi nghĩ: Với hệ thống liên lạc vô tuyến của BCH/TĐ2 Dù và Bộ Tư Lệnh Dù ở Khe Sanh, sẽ cho Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng của tôi những tin tức xác thực về cuộc di chuyển mà chúng tôi đang thực hiện.

Từ sáng đến giờ, lai rai tôi uống có đến 10 viên Anacine nhưng lại không có lấy một miếng cơm trong bụng. Xót ruột một cách kỳ lạ.

BI Một mang lại cho tôi một bịch gạo sấy loại nhỏ đã ngâm nước lạnh với một lon thịt gà hộp… Cùng với Lân, chúng tôi xúc mỗi đứa một muỗng, chắp miệng không biết bao nhiêu lần, nhưng cơm vẫn không muốn trôi vào cổ!

Bấy giờ, đằng sau tôi khoảng 5 thước, một binh sĩ Dù cầm lại cho tôi một ca cơm mới nấu nóng hổi trộn lẫn với canh bí đao. Anh bảo tôi:

– Đại Úy dùng ca cơm tôi mới nấu này… Cơ khổ, Đại Úy ốm yếu thế mà ăn như vậy nữa thì làm sao đi nổi?…

Tôi cầm ca cơm, nhìn Lân ứa nước mắt! Chính binh sĩ này đã hơn một lần, tôi từ chối không cho nước. Sau đó, vì tôi báo cáo vụ tháo gỡ dù trong đạn chiếu sáng trên Căn cứ Hỏa Lực 30, anh đã thọ phạt trước mặt tôi ngay tại BCH/TĐ2 Dù. Giờ đây, chính anh ta lại mang cơm đến cho tôi ăn! Có thể thế được ư?…

Tôi ngập ngừng hỏi anh:

– Anh không giận tôi báo cáo để anh bị phạt hôm trước? Anh cũng không giận vì tôi đã không cho anh nước hôm còn ở trên căn cứ sao?

– Thưa Đại Úy, việc Đại Úy giữ nước để tu bổ súng, tuy hôm đó, tôi có bực mình thật, nhưng nghĩ lại, súng có tốt, Đại Úy mới yểm trợ giúp đỡ cho anh em tôi hiệu quả… Còn việc tôi bị phạt là tại tôi chứ phải vì Đại Úy đâu?… Lính mà Đại Úy!… Tiểu Đoàn tôi bây giờ phạt thế là nhẹ nhất rồi đấy!…

Anh nói rồi cười ha hả, xem như những gì đã qua, không đáng cho anh để ý nữa.

Hành động của anh, thêm một lần nữa làm cho tôi thầm phục Tiểu Đoàn 2 Dù. Những tiếng “Lính mà Đại Úy” cho tôi ý niệm về hành động vô tư, có thể bất cứ binh sĩ nào của Tiểu Đoàn này cũng có. Nó vô thưởng vô phạt, vì ý thức “thiện” không phải là không có khi hành động, nên những lầm lỗi của họ đáng mến hơn là đáng trách.

…Cũng như đêm qua, đêm nay, Lân và tôi ôm nhau nằm trên đá sỏi, màn trời chiếu đất – đúng nghĩa màn trời chiếu đất!

Khoảng 24g30, vài quả đạn rơi gần các tổ chiến đấu, mảnh văng vào chỗ chúng tôi nằm, tiếng nổ chát tai, có lẽ là đạn 57, 75 ly của Cộng quân. Tuy vậy, không ai bị thương, cũng không có tiếng súng phản ứng.

Rạng ngày 5 tháng 3-1971, Thiếu Tá Mạnh gọi tôi đến bảo:

– Anh khỏe chưa? (vừa cười, Thiếu Tá tiếp)… tôi chìu ý anh, xin được phương tiện triệt thoái hết các thương binh và Pháo Binh của anh cùng Biệt Động Quân rồi. Tôi đã ra lệnh chốc nữa dọn bãi đáp sẵn để đón trực thăng.

– Cám ơn Thiếu Tá. Trong hai ngày qua theo chân Thiếu Tá, tôi mệt quá. Ước gì đừng đau ốm, tôi cũng không ngán… ngặt cái chân đau và bệnh kiết không dứt.

– Có các anh đi theo, bọn tôi thêm lúng túng, tôi chỉ mong các anh về càng sớm càng hay, để bọn tôi rảnh tay chiến đấu. Dầu sao bọn tôi quen lội bộ, đánh bộ hơn các anh.

– Thiếu Tá bảo rất đúng. Tôi nghĩ Thiếu Tá và Đại Úy Hạnh thật tình lo cho chúng tôi hết mình… Về lại Khe Sanh chuyến này, không biết sau này khi trang bị lại đại bác, có còn yểm trợ trực tiếp cho Tiểu Đoàn 2 Dù nữa không? Tôi mong sao lần sau, có dịp cùng chiến đấu với Thiếu Tá và anh em Dù trong Tiểu Đoàn này. Tôi cũng thành thật tỏ bày với Thiếu Tá – Đây là lần đầu tiên tôi phải tăng phái cho Dù – và nhờ chuyến đi này, Pháo Đội tôi học được nhiều kinh nghiệm hơn bao giờ hết…

Tôi trở về với Lân, thuật lại lời Thiếu Tá Mạnh, xong tôi cho lệnh gom anh em lại một chỗ và chia ra thành nhiều toán nhỏ, mỗi toán 8 người. Kẻ bị thương sắp trước, người mạnh kế tiếp… ngồi dọc một hàng thật trật tự.

Trong số anh em Biệt Động Quân còn lại, có một TSI Trưởng toán, nghe triệt thoái bằng trực thăng liền tìm đến tôi.

– Thưa Đại Úy, Pháo Binh và Biệt Động Quân hôm nay được trực thăng bốc hả?

– Tôi vừa nhận lệnh đây, Dù sắp dọn bãi đáp, có lẽ chốc nữa trực thăng sẽ đến. Anh lo sắp hàng cho anh em đi là vừa.

– Đại Úy cho bọn em theo với. Mấy anh em bị thương trông thảm quá.

– Tôi biết nỗi khó khăn phải cõng, phải dìu thương binh… nó sờ sờ ra đấy ai mà không thấy… Anh em tập trung số thương binh ra phía trước, sắp chung với số thương binh của Tiểu Đoàn 2 Dù và các thương binh của tôi cho dễ kiểm soát… Bây giờ chỉ có lệnh triệt thoái thương binh, Pháo Binh và các anh thôi. Còn anh em Dù vẫn tiếp tục chiến đấu theo lệnh mới… Các anh nên cố gắng giữ trật tự kẻo bị Thiếu Tá la và nhất là phi công nó sợ, nó không dám bốc…

Anh ta cám ơn tôi, đi cắt đặt các toán ngồi song song với Pháo Binh.

Từ hai hôm nay, tuy chúng tôi không còn một ai trên Căn cứ Hỏa Lực 30 nữa, tại đây chỉ có bãi mìn tự động bao quanh, thế mà địch vẫn tiếp tục pháo kích! Thỉnh thoảng tiếng ầm ầm vang vọng từ căn cứ do đạn pháo kích địch rót vào, bụi đất tung lên… làm cho chúng tôi thầm nghĩ: Có lẽ Cộng quân đã “ê răng, ê càng” vì sau 7 ngày đêm tấn công liên tục, dồn dập, với những trận mưa pháo kích và nhất là kho đạn phát nổ giữa lòng căn cứ… chúng vẫn không áp đảo nổi chúng tôi – hẳn chúng phải tởm, không dám xua quân lên chiếm nữa! Và có lẽ chúng đinh ninh rằng lực lượng ta còn cố thủ vị trí?!…

Sáng nay cũng thế, tiếng đạn pháo kích của địch vẫn nối tiếp vang vọng cả núi rừng để uy hiếp một “Căn Cứ Bỏ Ngõ”!

…Chuẩn Úy Long, chỉ huy một Trung Đội Dù – thoạt trong, tôi có cảm tưởng Long lớn tuổi hơn tôi vì bộ râu quai nón khá rậm và dài, chứng tích của những ngày tử thủ tiền đồn Đông-Nam Căn cứ Hỏa Lực 30… đang tiến về phía tôi, trên tay cầm một ca cà phê nóng hổi. Long đến bên cạnh tôi tâm sự:

– Khi nãy, thấy Đại Úy vác cái cuốc ở dưới dốc đi lên, trông thiểu não quá! Đại Úy bị bệnh chăng?

– Tôi bị bệnh cả tuần nay, song không can gì, ngặt có chứng sưng khớp xương làm tôi đau đớn nhất. Tôi đã chạy chữa 18 năm nay, nhưng “tiền mất, tật còn”… giờ phải lội bộ, leo núi theo các anh em, nên nó tái phát nhức lắm!

Long trao cho tôi ca cà phê, mời tôi uống… nể lời, tôi chỉ hớp một hớp vì sợ bệnh kiết sẽ nặng hơn chăng! Tiếp đó, tôi chuyền ca cà phê qua Lân. Ba anh em cùng uống chung ca cà phê nấu bằng nước suối. Hương vị thật ngọt ngào dễ dỗ chúng tôi liên tưởng đến những phòng trà, quán giải khát ở chốn phồn hoa đô thị… Sau đó, Long mời tôi xuống phía dưới, nơi anh và Trung Đội của anh đang tạm trú.

Ngồi trên miệng hầm có gát cây rừng, bên trên phủ một lớp cây dày, Long bảo tôi:

– Nếu có gì trục trặc không về được hậu cứ hôm nay, Đại Úy đến ở chung với tôi cho bảo đảm.

– Cám ơn anh, tôi còn hơn 30 nhân viên, thành phải ở đằng ấy cho chúng yên tâm.

Nồi cơm sáng bốc hơi nghi ngút. Tôi và Lân được Long mời dùng cơm cùng với binh sĩ của Trung Đội anh. Lân ăn rất thật tình, riêng tôi vẫn cứ ngại ngại bởi chứng kiết chưa dứt, không dám bắt kịp Lân – dù tôi đói và thèm cơm kinh khủng!

Sau bữa cơm, chúng tôi ngồi phì phà rít thuốc lá… TSI Bang nhìn thấy tôi, vội chạy lại xin cái bi-đông và cái địa bàn. Tôi bảo:

– Tôi biếu anh đấy, nhưng nếu tôi về không được thì xin anh trả lại cho tôi để tôi đựng nước… và nhắm hướng mà đi…

– Đại Úy yên trí, tôi sẽ trả lại Đại Úy ngay, nếu Đại Úy còn kẹt… À này, tôi biếu Đại Úy 10 đồng Hồ Chí Minh… tôi tịch thu được của Việt cộng trên căn cứ hôm trước… Đại Úy giữ làm kỷ niệm…

Vừa nói, Bang vừa móc trong túi áo, trao cho tôi tờ giấy bạc 10 đồng có in hình Hồ Chí Minh bên góc.

Chúng tôi đợi mãi đến 13g00 hơn mới có trực thăng đến. Tại bãi đáp, khuất trong đám cây cao và rậm, Đại Úy Hạnh hướng dẫn phi cơ đáp xuống bãi… nơi đó có lựu đạn khói màu đánh dấu.

Chiếc trực thăng đầu tiên hạ thật thấp, xô vội các thùng đạn, tiếp nhận tất cả vũ khí cá nhân và cộng đồng — chiến lợi phẩm tịch thu của địch trong đêm 2 tháng 3-1971 — trận đánh cuối cùng trước khi chúng tôi rời căn cứ. Số chiến lợi phẩm này khá nhiều, chở đầy một trực thăng.

Chiếc thứ nhì… thứ ba… cũng như chiếc trước, sau khi vứt các kiện đạn, liền tiếp nhận toán thương binh.

Nhìn Lân và các thương binh được lên trực thăng, tôi mừng quá! Tôi bước đến cạnh Đại Úy Hạnh hỏi vài điều… Chiếc thứ năm bắt đầu triệt thoái Pháo Binh và Biệt Động Quân. Tôi không thể lên được, phi công không chịu hạ thấp — phải chăng phi hành đoàn thấy toán sau này đều khỏe mạnh cả? Không một ai bị băng bó nên cứ lơ lửng trên không!… Chàng xạ thủ đại liên ngồi bên hông trực thăng hờm sẵn cây thông nòng đại liên, giới hạn chở một số người vừa sức cho trực thăng bốc lên. Một số pháo thủ của tôi, một vài binh sĩ Biệt Động Quân về được chuyến này.

Trong lúc chờ chiếc thứ năm và thứ sáu, tôi gỡ bọc vải ngụy trang nón sắt để lộ 3 mai vàng, sơn trước nón… Tôi hy vọng các phi công sẽ bình tĩnh hơn khi thấy có Sĩ quan hướng dẫn. Tôi đã nghĩ đúng! Khi tiến từ từ đến trực thăng, phi công ngoài nhìn tôi và cho trực thăng hạ thật thấp — Tuy chân trực thăng không chấm đất, nhưng vừa tầm cho tôi co chân bước lên. Ngay khi đó, xạ thủ đại liên, một tay nắm giá súng, một tay nắm chặt vai tôi, lôi mạnh vào trong trực thăng. Tất cả cử động này được thực hiện chớp nhoáng.

Kết quả, trong hai chuyến đi này, trực thăng bốc được 16 nhân viên vừa Pháo Binh vừa Biệt Động Quân.

Ngồi trên trực thăng, tôi nhìn lại Căn cứ Hỏa Lực 30 với một tầm xa không quá 2500 thước, khói lửa mịt mù hòa lẫn với tiếng nổ kinh hồn do bom trên các phản lực cơ dội xuống!… Nhiều tiếng nổ phụ tiếp theo… Nơi đó, chỉ còn một địch quân mà chúng tôi nghi ngờ là “Pathet Lào” do binh sĩ Dù bắt được hôm 3 tháng 3-1971. Binh sĩ này không được chúng tôi mang theo, vì ngay cả thương binh của chúng tôi cũng vất vả khó khăn lắm mới di tản được, huống hồ là một thương binh của địch. Nhưng thật sự, lúc bấy giờ, phương tiện tản tương là một vấn đề nan giải! Dù chúng tôi phải chua xót để một thương binh địch lại căn cứ! Tôi còn nhớ rõ, hình ảnh các chiến sĩ Dù khiêng hắn ta đặt ngay giữa hầm bệnh xá, bên trên có PSP và vài lớp bao cát — Đó là cái hầm duy nhất còn mái che, với hy vọng, một hy vọng mong manh, nó sẽ có thể sống sót sau khi chúng tôi rút khỏi căn cứ, nhờ đồng đội chúng bò lên mang đi cứu chữa!…

Giờ đây, Căn cứ Hỏa Lực 30 bị hủy diệt hoàn toàn! Chắc chắn sẽ không còn một tí gì sót lại để Cộng quân xử dụng, và không biết số phận của thằng bé “Pathet Lào” ấy sẽ ra sao?…

Để tỏ lòng biết ơn chàng xạ thủ đại liên, tôi biếu anh ta tấm giấy bạc 1 đồng và 1 huy hiệu Sĩ quan Cộng quân, do tôi thu được trên bãi trực thăng ở Căn cứ Hỏa Lực 30 sáng ngày 27 tháng 2. Anh ta tỏ vẻ mừng lắm, gỡ vội nón đang đội trên đầu đặt xuống cạnh ghế, trườn người lại hỏi chuyện tôi…

(Còn tiếp)