ĐỖ LỆNH DŨNG - CHƯƠNG 8

 Lê Thiệp

                                                                     

CHƯƠNG 8

 

Ông Chuẩn úy Kiệt và tôi bị tách ra ngay buổi tối hôm đó. Họ dẫn ông ta đi đâu? Tôi chơ vơ trong căn nhà, lúc nào cũng có du kích ôm AK đứng ở cửa. Phải đến mãi sau này tôi mới nghiệm ra rằng khoảng hơn một tuần lễ bị nhốt ở Đồng Xoài là thời kỳ “hạnh phúc” nhất trong hơn một thập niên tù tội của tôi trong cả chục trại tù khác nhau từ Bắc chí Nam.

Khi thì lương khô, lúc thì cơm nóng, tôi được ăn mỗi ngày hai bữa và nhất là không ai hành hạ hoặc hỏi han gì. Ngay cái chuyện được ăn cơm gạo trắng cũng đáng suy nghĩ. Có thể Đồng Xoài chỉ mới lọt trong tay họ chưa đầy một tháng nên thóc gạo còn đủ để nuôi thêm cả thứ tù tôi như tôi chăng? Câu nói đầu lưỡi của dân chúng miền Bắc là ” hạt gạo cắn làm đôi “. Nửa là để ăn còn nửa là để tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Nhưng hình như đôi khi một hạt gạo cũng không có mà cắn!

Thú thật đầu óc tôi trống rỗng không suy nghĩ được gì. Kỹ thuật đối phó với tù binh là không cho biết đương sự biết cái gì xảy ra vào ngày mai. Những người du kích, bộ đội và ngay cả chính trị viên không bao giờ nói năng gì với tôi cả. Một đôi lần tôi hỏi bao giờ cũng được câu trả lời y như nhau “chờ cấp trên quyết định”. Tôi nghĩ chính họ cũng không biết tôi sẽ được “điều” đi đâu chăng?

Hai bàn chân tôi đã dịu xuống, không còn bị sưng đỏ nữa. Và quai hàm cũng không còn hành hạ tôi như mấy hôm đầu. Từ trong căn nhà đóng cửa im ỉm, những tiếng động của sinh hoạt hàng ngày từ ngoài đường vẫn vọng vào. Có người dân Đồng Xoài nào biết cái căn nhà bên vệ đường rất bình thường này trở thành nhà giam?

Một buổi sáng rất sớm, trời còn mù mờ, một người bộ đội bước vào bảo: “anh sửa soạn đi”. Tôi có gì để sửa soạn. Vậy mà cũng phải mất mười phút sau tôi mới xong. Tôi đã vớ được một cái mùng cũ mèm ngả mầu nâu và rách tả tơi. Tôi xé nó ra và quấn vào chân. Người lính bên kia đứng đó nhìn tôi chờ đợi không nói nửa lời. Đi được đâu độ bốn năm căn nhà, tôi thấy Chuẩn úy Kiệt đứng với một người mặc bộ đồ mầu cứt ngựa. Đây là lần chót tôi rời khỏi Chi khu Đồng Xoài và sẽ không bao giờ trở về nơi đó nữa để thấy lại đất đỏ, cây cao su, những căn nhà lụp xụp và nhất là những khuôn mặt câm nín của người dân, những người chưa đủ thấm chính sách của Đảng và Bác để xấu hổ đứng lên buộc tội ác cho Ngụy quân như tôi và ông Kiệt.

Có những điều có thể hiểu được nhưng có những điều trái khoáy đến không ngờ. Áp tải hai sĩ quan Ngụy là hai người bộ đội, sau này tôi mới rõ một là bảo vệ viên và một là cán bộ. Bộ đội và cán bộ khác nhau ra sao về cấp bậc tôi không rõ nhưng cán bộ là người chỉ huy, là người quyết định. Chúng tôi lầm lũi đi trong sương sớm hướng về rừng, không ai nói với ai câu nào, người cán bộ đi trước, hai đứa tôi ở giữa và người lính đi sau. Đến cỡ độ khoảng bốn năm giờ chiều chúng tôi tới một buôn Thượng. Hai đứa tôi bị trói dưới gầm một căn nhà sàn . Người bảo vệ viên còn rất trẻ có lẽ cũng mệt phờ sau một ngày lội bộ ôm súng dựa vào một cây cột gần đó. Tên anh ta là Cam, nhìn tụi tôi và bỗng hỏi một câu làm tụi tôi ngớ ra:

– Sao các anh nhiều tiền vậy?

– Tụi tôi đâu có tiền, bao nhiêu nộp cho Cách Mạng hết rồi.

Anh ta vỗ vỗ vào cái ba lô cười:

– Tư trang của các anh ở đây chứ ở đâu.

Cái mà Cam bảo là tư trang sau này tôi mới rõ là tất cả các vật dụng cá nhân như đồng hồ, dây chuyền vàng, tiền bạc tôi móc ra đưa cho chính trị viên khi bị bắt. Lúc đó họ có lẽ khai ra và bắt tôi ký nhận. Ký nhận thì ký nhận nhưng tôi không bao giờ nghĩ là nay những thứ đó lại nằm ở trong cái ba lô chỉ cách tôi có vài sải tay. Ông Kiệt thông minh hơn tôi nhiều và hỏi ngay:

– Thế tụi tôi xài tiền đó có được không?

Anh ta ngần ngừ rồi bảo:

– Để em trình.

Đây là lần đầu tiên “hai phe” nói chuyện cởi mở với nhau và phe thắng lại xưng “em” nữa. Tôi nghĩ đó là phản ứng tự nhiên vì người lính canh giữ chúng tôi còn trẻ quá, đúng như sau này Cam thú thật mới có mười chín tuổi vào bộ đội được hai năm.

Khi Cam quay trở lại, khuôn mặt có vẻ tươi tỉnh hẳn:

– Cấp trên đồng ý nhưng các anh phải ký nhận.

Ông Kiệt nhanh như cắt:

– Tôi thấy ở đầu buôn có cái tiệm bán đồ anh mua cho tụi tôi được không? Có được quyền mua thuốc lá không?

– Hay để em dẫn các anh ra chỗ đó muốn mua gì thì mua, nhưng phải có giới hạn.

Khoản tiền của tôi và ông Kiệt khá lớn gần 40.000 đồng – lương tháng mới lãnh chưa kịp tiêu – và giấy 500 màu xanh tươi còn mới tinh. Tiệm bán hàng ở buôn Thượng này lèo tèo đến nỗi muốn mua cả tiệm chắc chỉ độ dăm bảy ngàn.

Tụi tôi mua được hũ kẹo lỉnh kỉnh đủ thứ, sáu gói thuốc Ruby quân tiếp vụ dáng đã mốc meo. Khi trở lại chỗ gầm nhà sàn, tôi bàn và ông Kiệt đồng ý ngay. Tôi phân mọi thứ ra làm hai phần và nói với Cam:

– Đây là phần anh và cán bộ, tụi tôi chỉ xin giữ một nửa.

Cam ngần ngừ bảo:

– Để em hỏi.

Khi quay trở lại, anh ta nói:

– Cấp trên không nhận.

– Vậy anh cứ giữ lấy chỗ đã chia cho tụi tôi vui.

Quả là không chỉ chúng tôi vui mà từ sau vụ phân chia sòng phẳng này, Cam có vẻ cởi mở hơn. Tôi cũng chú ý quan sát và thấy rõ “cấp trên” không nhận phần chia thẳng từ tụi tôi nhưng có lẽ đã được Cam đưa cho một cách kín đáo hơn. Suốt khoảng mười ngày gần gũi, mỗi khi đến chỗ nghỉ đêm, Cam trói chúng tôi lại, nhưng ngồi sát để nói chuyện. Đúng ra là hỏi chuyện. Chuyện Ngụy. Chuyện Sài Gòn. Chuyện ăn uống, tất cả chuyện gì có thể cho người lính trẻ tuổi một cái nhìn mù mờ về đời sống, sinh hoạt của phần đất anh ta đang hăm hở giải phóng. Từ Cam, chúng tôi lần đầu tiên được nghe chữ “Tem Phiếu” “Quốc Doanh” “Quản Lý Chặt” và dù Cam cố gắng giảng giải hai đứa tôi vẫn cứ ngớ ra, không tưởng tượng được dân miền Bắc Chủ Nghĩa Xã Hội sống ra sao. Ngược lại Cam cũng nửa tin nửa ngờ về cái chuyện dân Sài Gòn nhà nào cũng có truyền hình, muốn mua gạo trắng, gạo thơm thì cứ ra tiệm gạo mà mua, mua bao nhiêu cũng có. Cam lắc lắc cái đầu khi được biết người dân miền Nam muốn ở đâu thì ở không cần trình với Công An và khi nghe nói về con gái Sài Gòn thì cười tở mở. Cam đã yêu cầu tôi cho xem chiếc đồng hồ “hai cửa sổ”- và tôi ngớ người ra cho đến khi được giải thích. Cam tối nào cũng lôi cái đồng hồ có dạ quang ra mân mê ngắm nghía. Khi tôi bảo tôi sẵn sàng biếu anh ta cái đồng hồ đeo tay đó thì anh ta nhìn tôi tròn mắt ngạc nhiên. Sau này tôi vẫn tiếc không thể cho Cam, Nhất là khi chiếc đồng hồ Seiko đó bỗng biến hình thành một cái đồng hồ quái quỉ gì đó của nước Xã Hội Chủ Nghĩa anh em. Nhưng đó là chuyện sau.

Tôi đã thì thầm với ông Kiệt mưu chiêu hồi Cam, nhờ anh ta dắt đường trốn nhưng suy đi tính lại, chúng tôi thấy giải pháp đó không tưởng. Thứ nhất liệu Cam có dám đào ngũ theo tụi tôi? Nếu Cam đồng ý, liệu anh lính Bắc Việt non choẹt đó có thông thạo địa hình địa vật để thoát? Nhưng cái đáng sợ nhất là chân của tụi tôi. Sau mấy ngày lội bộ trong rừng, chân chúng tôi như chân người khác lết không nổi. Mỗi bước là một cực hình cho đến nỗi có lần ông Kiệt ì ra không đi nữa khiến cả bọn phải ngủ lại giữa rừng.

Tôi thấy rõ người cán bộ thành thạo đường đi và biết phải đi bao lâu trong ngày thì có chỗ có thể cho nghỉ ngơi. Có hôm tụi tôi bị đánh thức từ bốn giờ sáng để lên đường nhưng có khi tới gần trưa mới khởi hành. Lần nào cũng vậy cỡ mặt trời vừa lặn là đến đúng ngay chỗ có thể ngủ lại, lúc là buôn Thượng, khi thì là một trạm liên lạc, khi thì là mộ cái “láng “. Đây là tiếng gọi của những người vượt Trường Sơn, chỉ một chỗ dừng chân có lều, có nhà tranh và có giường tre để ngả lưng, có nguồn nước để nấu nướng. Tóm lại mọi lộ trình đã được lượng ước trước.

Hai đứa tôi đã trải qua hai ngày trong hoảng loạn khi nghỉ ngơi ở một cái láng mà tôi gọi là Láng Điên. Nó đã ám ảnh tôi và có thể còn tiếp tục ám ảnh tôi suốt đời.

Khẩu hiệu của binh sĩ Bắc Việt là “Nhổ một trồng hai“. Nhổ là nhổ khoai nhổ sắn. Khi nhổ một bụi sắn, một dây khoai lên, lính Bắc Việt được lệnh trồng lại hai bụi để cho toán quân đến sau có cái mà ăn ! láng đa số chỉ trồng khoai và sắn, hoặc thêm một ít rau..

Khi tới Láng Điên, tụi tôi được Láng Trưởng “Chào Mừng” bằng một tràng AK chỉ thiên ròn rã, và một bài diễn văn:

– Địt mẹ mấy thằng Ngụy, Ông thì bắn chết cả nhà mày.

Sau câu chửi Láng Trưởng quay ngang súng chĩa vào tụi tôi như sắp sửa bóp cò. Hai người áp tải tù nhìn không can thiệp, lẳng lặng bỏ đi lo cơm nước. Chính ông Láng Trưởng thân chinh lôi tụi tôi lại chỗ gốc cây ở một gò đất cao và trống trải, trói tụi tôi vào đó, mồm thì lải nhải chửi. Trước khi bỏ tụi tôi lại ông Láng Trưởng còn lớn tiếng:

– Tụi mày mà rục rịch ông cho mỗi thằng một viên. Ông ở đây chín năm rồi không về Bắc chỉ vì tụi Ngụy nhà chúng mày

Lúc đó trời đã chạng vạng và tôi giật bắn người khi thấy có hai người lính mặc đồ và đeo phù hiệu sư đoàn 5 đang lui cui làm việc trong ruộng sắn. Họ đi botte de saut!

Khi Cam mang cơm cho tụi tôi, anh ta ngồi xuống bên cạnh nhỏ nhẹ:

– Hai anh đừng sợ. Thằng cha này được tuyên dương là anh hùng Trường Sơn vì thề là sẽ giữ láng cho đến ngày miền Nam giải phóng, mới về lại Bắc. Nó một mình giữ cái láng này chín năm trời, bộ đội qua đây đều biết nó. Rau và khoai sắn chỗ này lúc nào cũng nhiều, chắc nhờ đất tốt cũng có, nhờ nó chăm sóc cũng có. Có điều nó ở một mình lâu quá hóa rồ rồi.

Tôi hỏi:

– Sao có lính Ngụy ở đây?

– À, đó là hàng binh được cải tạo ít lâu rồi cho về.

Hàng binh? Như vậy họ khác với tù binh như tụi tôi. Hôm sau tôi được nói chuyện với họ – có lẽ có sự đồng ý của cấp trên ! Họ cho hay họ là lính, nhưng là lao công chiến trường. Đây là thành phần đặc biệt trong cơ cấu tổ chức của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Những người này là đào binh bị bắt, là những người nhất định trốn tránh nghĩa vụ quân sự nhiều lần bị bắt. Họ bị tòa án xử phải làm Lao Công Chiến Trường, đi theo những những đơn vị hành quân để phục vụ việc vặt, nhất là để khuân vác.

Họ cho hay là đã ra hàng và được liệt vào thành phần giác ngộ. Họ được cải tạo độ ba tháng và sau đó thả trở về với gia đình. Khi thấy tôi tỏ vẻ nghi ngờ, một người bảo tôi:

– Em nói thật với Trung úy, em không muốn cầm súng giết người. Em không theo Việt Cộng nhưng em cũng không thích đi lính Cộng Hòa. Em chỉ muốn yên thân làm ăn. Em đã bị đi lao động lần này là lần thứ hai. Lần trước em ra hàng, phải ở trong rừng học tập ba tháng, xong mấy anh ấy dẫn em về tới tận Gò Vấp, đưa cho em 2000 đồng bảo đi xe ôm về nhà. Lần này ra hàng, em lao động ở đây hơn hai tháng, chắc sắp được về rồi.

Tôi hỏi:

– Các đơn vị qua đây có đông không?

– Em không được phép nói .

Tôi thấy rõ ngay là họ đã được sửa soạn trước nên không hỏi han gì thêm. Nhưng ông Láng Trưởng thì luôn luôn coi tụi tôi như món hàng để giải trí để phát tiết chín năm ẩn ức.

Nửa đêm đang ngủ tụi tôi choàng dậy vì đạn AK nổ điếc tai. Ông Láng Trưởng cởi trần trùng trục ôm súng chĩa vào hai đứa tôi chửi đủ thứ tục tằn và cuối cùng hét:

– Ông thì cho mỗi đứa một viên là xong đời nhà chúng mày. Vì chúng mày mà ông ở cái xó này chín năm chưa gần đàn bà. Ngữ chúng mày chỉ có đoàng một cái giống như ông giết con gà con chó vậy.

Tôi dựa vào gốc cây giương mắt nhìn ông ta trong ánh trăng và có cảm tưởng mình đang nhìn một con quỉ sắp lên cơn thèm máu. Tôi nghĩ “Nếu nó bắn thì kể như xong”.

Hai ngày trời bị trói ở cái gốc cây trên gò đất có lẽ ông Láng Trưởng phí với tụi tôi hơn một chục băng đạn AK và chi ra không biết cơ man nào ngôn ngữ đặc sệt của một người miền Bắc thất học, cái ngôn ngữ chanh chua đầu đường xó chợ tôi chưa được nghe.

Ông Kiệt nói với tôi:

– Chín năm chắc tôi cũng điên như nó.

– Nhưng nó là anh hùng Trường Sơn. Khi rời khỏi láng , tiếng AK và tiếng chửi vẫn đuổi theo tụi tôi một quãng khá xa. Không hiểu ông Láng Trưởng Anh Hùng Trường Sơn đó có thủ dâm không? Tôi mỉm cười về ý nghĩ này và dám lắm vì trông ông ta béo nục nịch mà da thì xanh bủng, dám là vụ đó hàng ngày.

Khi đi được một quãng khá xa, Cam nói với tụi tôi:

– Mình kẹt ở láng hai ngày vì vấn đề an ninh, các anh phải nhanh lên cho kịp thời gian.

Tôi cũng chẳng biết kịp thời gian để đến đâu và làm gì nên cũng chẳng hỏi lại. Bỏ lại đằng sau ông trưởng Láng Điên, tụi tôi lại được áp tải băng rừng băng suối cho đến một hôm bỗng thấy đang đi trên đường quốc lộ tráng nhựa hẳn hòi. Quốc lộ 1 thì phải vì tôi nhìn thấy một tấm bảng chỉ đường đã bị bắn bể nát nhưng vẫn còn nhận ra chữ Nam Vang và mũi tên chỉ hướng. Bộ tụi tôi được áp tải sang Miên, sang Cam-bốt?

Thỉnh thoảng dọc đường chúng tôi gặp một hai người dân. Họ tò mò thoáng nhìn hoặc cúi xuống hoặc quay mặt đi. Tôi thầm nghĩ chắc trông tôi và ông Kiệt thê thảm, không giống con giáp nào, đến nỗi những ngụy dân cũng không muốn thấy chăng? Hay là họ không muốn nhìn cảnh sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa tả tơi hoa lá trong tay bộ đội Bắc Việt?

Chúng tôi không phải ngủ bờ ngủ bụi trong hai ba ngày. Tối đến chúng tôi ở nhà dân. Càng đi, tôi càng nghiệm ra, càng ngày dân chúng không còn tò mò, có lẽ đối với họ, chuyện tù bình chả có gì đáng để ý nữa.

Một lần ở trong căn nhà dân, chúng tôi được nghe chuyện tù binh Mỹ. Có thể những người trong nhà cố ý nói chuyện to để tụi tôi nghe thấy. Họ kể với nhau du kích mới bắt được ba biệt kích Mỹ. Ba người này “đầu tóc râu ria lông lá trông như con vượn” vì đã sống ở dưới hầm tối mấy tháng. Họ được người Stieng che chở, giấu ở hầm nhưng cuối cùng cũng bị lộ. Nghe nói họ có máy truyền tin nhưng bị hư không cách gì sửa được. Tôi nhớ mãi câu nói của người đàn bà:

– Trông hai ông này còn đỡ chứ ba người Mỹ trông phát sợ. Y như mấy con vượn đầu tóc bù xù!

Chính tại căn nhà này tụi tôi chia tay với Cam. Anh ta rớm nước mắt bảo:

– Thôi, đến đây là hết nhiệm vụ của em. Hai anh yên tâm không sao đâu.

Ngẫm nghĩ thế nào Cam lục ba lô lấy ra một cái quần xà loỏn đưa cho tôi:

– Em biếu anh cái này.

Tôi không khách sáo gật đầu cảm ơn. Cảm tình nảy nở giữa Cam và chúng tôi có thể do những buổi tối ngồi tỉ tê và ông Kiệt là người tinh ý phát giác tất cả những điều tụi tôi mô tả miền Nam đã được Cam tường trình đầy đủ với cấp trên, bởi suốt dọc đường người cán bộ gần như không trực tiếp nói năng gì với tụi tôi và hình như anh ta lờ đi cho Cam “liên hệ”.

Người áp tải mới của tụi tôi nói giọng miền Nam đặc và hơi láu táu. Anh ta bảo:

– Các anh phải đi nhanh lên mới kịp trước khi tối.

Tôi không bao giờ nghĩ là tối hôm đó tôi lại được gặp đông đảo bạn đồng ngũ, các chiến hữu của tôi cũng từ tối hôm đó, tôi chính thức sống một cuộc sống của một tù binh chiến tranh.

o O o

– Tù mới. Tù mới.

– Ê, đơn vị nào vậy?

– Ê, bị bắt ở đâu?

Cả chục người nhao nhao khi hai đứa tôi bước chân vào căn nhà tranh tối tranh sáng. Chữ đúng là cái láng . Đó là những căn láng được dựng sơ sài, mái lợp bằng lá trống quân. Như lời thuật lại thì lá trống quân bền, không cháy. Lá to khoảng hơn bàn tay được kết thành từng liếp lợp mái. Tôi không biết tại sao cái lá này có tên Trống Quân thơ mộng như vậy và cũng không biết có thật là lá đốt không cháy chăng. láng được che bốn phía bằng phên tre hoặc có khi là các tấm liếp lá trống quân rất đơn sơ và trống trải. Trong các láng có hai dãy giường lát tre khá thấp giống như chõng tre tôi đã thấy hồi còn nhỏ ở vùng quê Bắc Việt.

Buổi tối đầu tiên, tôi và chuẩn úy Kiệt đã kể lại đầy đủ chi tiết về cuộc đời quân ngũ và trường hợp bị bắt cho anh em. Khi tôi hỏi có ai trong trại từng ở chi khu Đồng Xoài không thì không thấy. Tôi thầm nhủ ít nhất thì Thiếu Tá Khoái và Trung Úy Hùng đã thoát – hoặc đã chết. Tôi được nhường một chỗ trên cái giường phên tre và đêm đó tôi ngủ thẳng giấc. Phải chăng vì tôi đang ở giữa anh em đồng đội của tôi.

Tuần lễ sau đó là tuần lễ làm việc. Ba ngày đầu người hỏi cung tôi là người miền Bắc, đến hôm thứ tư thì có diễn tiến mới. Người hỏi cung là một người miền Nam và trong suốt một buổi, ông ta rất cởi mở, toàn nói chuyện Saigon, y như hai người cùng quê gặp nhau. Thấy tôi có vẻ dè dặt, ông ta cười:

– Anh cứ gọi tôi là Thầy Hai cũng được. Tôi là giám thị trường Văn Học ở đường Phan Thanh Giản. Anh có biết giáo sư Trần Bích Lan không? Ông Lan làm thơ bút hiệu là Nguyên Sa.

Và ông thầy Hai nhịp gõ, hát nho nhỏ:

Nắng Sài Gòn anh đi mà anh chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Tôi vẫn yêu màu áo ấy vô cùng

rồi hỏi tôi:

– Anh có thích bài Áo Lụa Hà Đông không? Tôi thuộc nhiều thơ Nguyên Sa lắm, thích nhất là câu: “Sáng nay Nga buồn như con chó ốm, như con mèo ngủ gật trên tay anh”

Khó mà tưởng tượng được ở giữa trại tù Lộc Ninh lại được nghe Áo Lụa Hà Đông.

Tôi cười:

– Tôi dốt, biết rất ít về văn chương Việt Nam nhưng có nghe danh giáo sư Lan và biết ông ta làm thơ hay lắm.

– Tôi làm giám thị gặp ông Lan hoài. Trông ông không có vẻ thi sĩ mà sao làm thơ hay quá trời.

Câu chuyện – đúng ra là cuộc hỏi cung – kéo dài suốt buổi. Chúng tôi nói về tiệm phở, tiệm hủ tíu nào ngon, rạp ciné nào ngồi dễ chịu nhất, trường tư nào dạy giỏi và đứng đắn. Ông Thấy Hai cười rất tươi, cho hay:

– Tôi thuộc cục R chỉ công tác ít lâu rồi trở lại Sài Gòn. Anh yên tâm, người Cộng Sản không tàn ác như chính quyền Saigon tuyên truyền đâu.

Tôi nhận thấy ra rằng ông Thầy Hai này không gọi tôi là ngụy quân, không gọi Việt Nam Cộng Hòa là ngụy quyền và tôi cũng biết ông Thầy Hai như vậy là dân nằm vung, có lẽ được cấy từ lâu lắm.

Trước khi rời khỏi bàn hỏi cung, ông ta bảo:

– Anh chờ tôi một chút.

Sau đó, ông ta trở lại đưa cho tôi một đôi dép râu, chính đôi dép này đã cùng tôi trải gần chục năm hoạn nạn trong tù. Khi trở lại láng mọi người xúm lại và ai cũng ngạc nhiên khi nghe tôi kể về ông Thầy Hai!

Ba ngày sau đó, ông Thầy Hai liên tục “làm việc” và những điều ông ta hỏi làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Ông ta không hỏi han đề cập gì tới Phước Long, nơi tôi rành rẽ nhất mà hỏi về trường Bộ Binh Thủ Đức, hỏi trường có bao nhiêu trạm gác, ngoài sinh viên sĩ quan thì lực lượng hữu cơ bảo vệ quân số cỡ nào. Ông ta hỏi về Biên Hòa, về Bình Dương và về Tổng Tham Mưu. Khi tôi nói tôi không biết gì về Tổng Tham Mưu thì ông ta cố gặng, chẳng hạn bạn bè có ai nói về Tổng Tham Mưu chăng? Suốt ba ngày trời những câu hỏi tới tấp như vậy được đưa ra đến nỗi anh em tù binh khi bàn tán đều nghĩ đối phương đang cố khai thác tin tức để bao vây hoặc tấn công Saigon.

Sau này nghĩ lại, tôi thấy chúng tôi quả là ngây thơ vì có rất nhiều anh em bàn phải làm sao thông báo tin tức này về cho phe ta đề phòng! Hình như ai cũng nghĩ đến chuyện trốn trại nhưng không ai thực hiện cả. Mọi sự xem ra rất lỏng lẻo vì trại không có rào kiên cố nhưng xung quanh toàn là bộ đội. láng tuy không có cửa nhưng buổi tối chúng tôi được lệnh không được bước ra ngoài hè nếu có việc cần kíp thì phải hô to, chẳng hạn như:

– Báo cáo Giải Phóng tôi muốn đi cầu.

Lúc nào cũng vậy, có tiếng AK lách cách cùng tiếng đáp: “Ra đi“. Sau đó là một người lính võ trang áp tải đương sự đi ra phía cầu tiêu. Chúng tôi biết đây là tỉnh Lộc Ninh nhưng không rõ đích xác vị trí của trại tù. Một khía cạnh tâm lý nữa là có thể có trao đổi tù binh. Sau hiệp định Paris, báo chí đã đăng tải về các vụ trao đổi này và chúng tôi đều biết địa điểm trao đổi là Lộc Ninh. Anh em xầm xì bàn tán tụi tôi được tập trung ở đây có thể là tiện cho việc trao đổi tù binh chăng? Một sĩ quan cấp Đại Úy – tôi quên tên ông ta – đã từng ở Côn Sơn cho hay hiện Việt Nam Cộng Hòa còn giam giữ cả chục ngàn cán binh Cộng Sản và nếu một đổi mười phe ta vẫn có dư!

Khoảng một tuần sau, họ dẫn vào một tù binh và tôi bật ngửa khi nhìn thấy ông Chuẩn Úy Vân, người giữ một trung đội địa phương quân lo bảo vệ quận đường hồi đó ở Đồng Xoài. Vân nhìn thấy tôi và ông Kiệt cũng ngỡ ngàng không kém – “Tôi tưởng hai ông thoát“. Vân cho hay anh bị bắt ngay tại chợ khi bắn hết đạn. Anh được bắt giam cả tháng rồi bị dẫn về đây. Tôi hỏi thăm về Thiếu Tá Khoái và các sĩ quan khác thì Vân lắc đầu:

– Tôi bị giam một mình trong căn nhà không biết gì về ông quận và các sĩ quan khác. Lạy Trời họ thoát được.

Tôi cũng chỉ còn biết lạy Trời như ông Vân thôi. Tù binh chúng tôi được đối xử tử tế, ăn uống tất nhiên kham khổ nhưng không khác lắm so với bộ đội Cộng Sản. Trại có một lều nhỏ được gọi là bệnh xá nhưng thuốc men tất nhiên là không có và người phụ trách xem ra cũng rất lờ mờ về y khoa. Một người tù bị thương ở chân, vết thương làm mủ khi lên bệnh xá thì được đưa cho một bát muối để rửa và hai cuộn băng.

Hôm sau anh ta xin thêm băng thì bị mắng xối xả. Anh ta không hề được dặn trước là khi thay băng thì phải đem giặt cẩn thận để xài lại và theo tiêu chuẩn, mỗi người chỉ được phát hai cuộn mà thôi!

Cái đáng để ý nhất là cách xưng hô. Chúng tôi được lệnh gọi tất cả bộ đội là “Anh Giải Phóng”. Không lẽ đến giờ phút này của cuộc chiến họ vẫn muốn chúng tôi tin đây là cuộc nổi dậy của dân chúng miền Nam chống lại chính quyền miền Nam và Hà Nội không liên hệ gì đến những chuyện xảy ra ở miền Nam? Muốn hiểu sao thì hiểu, chúng tôi khi nói chuyện với họ bao giờ cũng bắt đầu bằng câu “Báo cáo Anh Giải Phóng” dù người đối diện già hay trẻ, Nam hay Bắc. Suốt gần hai tháng ở trại tù binh, có một lần báo động làm anh em chúng tôi mừng húm. Đang tự nhiên, chúng tôi bi lùa vào trong nhà, cấm ồn ào, cấm cả hút thuốc và có lệnh rõ ràng hễ ra khỏi láng là bị bắn. Cuộc báo động kéo dài suốt buổi chiều cho đến hết đêm nhưng sáng hôm sau lại sinh hoạt bình thường. Mỗi người một giả thuyết, chúng tôi bàn loạn cào cào và có lẽ chẳng lời bàn nào đúng cả!

Một hôm chúng tôi được lệnh đi chặt tre. Xung quanh nơi đây nhiều rừng tre, loại tre già đốt dài và lớn. Lệnh rõ ràng là chặt tre từng đốt, phải giữ hai mắt ở đầu. Không anh em nào hiểu tại sao. Vài hôm sau, mấy người khỏe mạnh nhất được gọi ra trước một đống các cuộn dây xích. Đủ loại, có cuộn thì mảnh và mắt rất nhỏ, có cuộn khá lớn mắt xích to và nặng. Họ được lệnh chặt các cuộn dây ra thành từng đoạn dài cỡ một sải tay. Anh em lại bàn tán um xùm trong đó tôi còn nhớ có anh bảo:

– Đây chắc là để làm mìn muỗi xử dụng khi tấn công Saigon!

Một lần nữa chúng tôi lại thấy rõ sự ngây thơ của mình, vì chúng tôi không bao giờ nghĩ được công dụng đích xác của các ống tre và sợi xích. Đó chính là những vật dụng để cho bản thân chúng tôi xử dụng trên con đường Trường Sơn ngút ngàn.

Tổng cộng số tù binh ở bốn láng xấp xỉ hai trăm, đều là sĩ quan cấp úy. Đa số chúng tôi thuộc Quân Đoàn Ba trú đóng ở các tỉnh Biên Hòa, Bình Dương, Tây Ninh, Phước Long, Bình Long… tức là những tỉnh ở phía Tây Saigon. Chúng tôi bàn tán đủ kiểu về số phận của mình. Những viễn ảnh vô cùng hoang tưởng cũng đã được vẽ ra như Biệt Kích Dù có thể nhảy xuống cứu. Có người còn bàn đến chuyện chúng tôi có thể chết vì không lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ dội bom ngay xuống trại tù. Giữa hai viễn ảnh cực đoan đó là niềm hy vọng trao đổi tù Binh.

Tôi ở trại hơn một tháng thì chuyện chặt tre thành đốt giữa hai mắt xảy ra. Các đốt tre được xếp thành đống ở giữa sân cùng những đoạn giây xích sắt đã được chặt ra thành từng khúc. Một buổi sáng khoảng mười giờ, hai chiếc xe tải lớn ì ạch chạy vào khu đất trồng ở sát trại. Chúng tôi được lệnh tập trung và mỗi người được phát một cái ruột tượng bằng vải khá dày, không hiểu để làm gì. Lính Bắc Việt đứng thành dãy, súng AK, mũ tai bèo, dép râu trông tề chỉnh hẳn so với mọi hôm. Tù binh được lệnh hai hàng xếp thành một dãy dài từ từ đi về phía hai chiếc xe tải.

Hai chiếc xe tải chở gạo bà con ơi. Những người lính đứng trên xe tỏ ra rất thạo việc. Họ dùng một cái phễu rất lớn, gạo được trút vào các ruột tượng, không một chút nào vương vãi ra đất. Từng người chúng tôi tiến đến, căng miệng cái túi vải dài thòng lòng đó ra hứng gạo. Gạo trắng tinh, thơm phức, có lẽ còn ngon hơn thứ bán ở các cửa hàng gạo Saigon. Tôi nghe một người lính Bắc Việt nói với một anh lính Bắc Việt khác “Tiên sư chúng nó. Gạo này ngoài Bắc khối mà có”. Phải đến vài tháng sau, khi đã thực sự sống trong cái nôi của xã hội chủ nghĩa miền Bắc tôi mới thực sự hiểu được câu chửi thề bâng quơ này.

Tôi ước lượng mỗi cái ruột tượng đầy gạo này nặng khoảng mười lăm ký. Việc phát gạo kéo dài khoảng hai tiếng thì xong. Chúng tôi lại được lệnh sắp hàng lần lượt trở về láng với cái ruột tượng đầy gạo choàng qua vai. Anh em xì xào bàn tán lờ mờ hiểu chắc sắp có chuyện xảy ra.

Sau đó chúng tôi được phát mỗi người một đôi dép râu, một tấm ni lông mỗi chiều độ hai mét, một bộ quần áo, một cái bát sắt và một đôi đũa. “Kiểm kê” đầy đủ xong lại có lệnh sắp hàng hai tiến ra sân. Lần này mỗi người tù lãnh một đốt tre do chính chúng tôi chặt từ mấy hôm trước, chỉ có một điều ở một ống tre đã được dùi một lỗ và được nút lại bằng một cái nút gỗ. Mỗi người được phát một khúc dây gai khá dài. Một cán bộ hướng dẫn chúng tôi cột ống tre để có thể đeo vào người ra sao. Sau đó, chúng tôi được lệnh ra suối lấy đầy nước vào ống tre. Đến đây thì không còn ai nghĩ đến công dụng ly kỳ của các đốt tre. Nó chỉ giản dị là cái ống đựng nước thay cho cái bi đông nhôm của lính Cộng Hòa. Vậy thôi!

Chúng tôi hôm đó được ăn cơm sớm và thức ăn hình như đậm đà, sởi lởi hơn mọi khi vì có thêm món canh có lõng bõng tí thịt heo. Phải công bằng mà nói suốt những ngày tù ở Lộc Ninh chúng tôi không bị đói, cơm gạo lúc nào cũng no đủ. Ngoài mấy ngày đầu bị thẩm vấn, chúng tôi không hề bị đánh đập ngược đãi và nhất là không bị chửi rủa, bị lên lớp và bị học tập chính trị. Nội quy của trại khá sơ sài, chỉ có một điều duy nhất là không nên tìm cách trốn trại. Tôi vẫn nghĩ người Cộng Sản ngay lúc đó cũng chưa quyết định nổi số phận của chúng tôi và chuyện trao đổi tù binh vẫn có thể xảy ra hoặc là có thể sẽ phải trình diện chúng tôi với Hồng Thập Tự Quốc Tế chẳng hạn. Tôi có cảm tưởng chúng tôi được đãi ngộ cỡ đó chẳng qua vì đây là chỗ chuyển tiếp và nhất là chúng tôi vẫn chịu sự cai quản của quân đội Bắc Việt, chứ không phải là công an nhân dân như sau này. Chính tai tôi đã nghe những người lính Bắc Việt than với nhau rằng “tù ngụy sướng quá!”

Xế chiều khi cơm nước xong, một cán bộ vào láng :

– Để động viên tình thần các anh, các anh sẽ được chuyển trại, đường đi xa phải chuẩn bị tinh thần, phải tôn trọng kỷ luật. Chính ra các anh là tội phạm chiến tranh nhưng do lượng khoan hồng của các mạng, các anh đã được đối xử theo đúng quy chế tù binh Han-sin-ki. Nhưng cách mạng sẽ không nương tay cho những thành phần ngoan cố, ương ngạnh bất tuân kỷ luật. Hình phạt dành cho những thành phần này là không thể nhân nhượng.

Ông cán bộ này ăn nói khá lưu loát, nói ngắn gọn để rồi ông ta khuyên tụi tôi:

Các anh nên mặc hết quần áo vào người đi vì có thể sẽ lạnh lắm.

Lời khuyên này chỉ dúng có một nửa. Nửa còn lại mà ông ta không nói ra là dọc đường chúng tôi không thể thay quần được!

Sau khi mặc bộ quần áo bộ đội tròng lên bộ đồ ngụy tơi tả hoa lá, mọi người đươc lệnh cuốn ruột tượng vòng qua vai, cột hai đầu vải lại, đeo ống nứa, tấm vải ni lông gập thành dải quấn ngang bụng. Lúng túng một hồi cũng xong, kể cả cái chuyện làm quen với đôi dép râu. Tôi bỗng nhận ra tôi là người được biệt đãi nhất vì đã được ông giám thị Thầy Hai nằm vùng tặng đôi dép quí hóa này từ ngày mới ra nhập trại hơn tháng trước đây!

Kỹ thuật đối phó với tù của người Cộng Sản rất giản dị, sơ khai – chữ của ông Thẩm phán già là “primitif” – nhưng rất hữu hiệu và rất đáng sợ. Tù được lệnh trang bị đầy đủ, không bỏ lại gì trong láng và lũ lượt tập trung ở sân thành ba nhóm. Giữa sân là các khúc xích sắt được chính tù cắt ra từ trước và hai chiếc sọt lớn. Một người một trong mỗi nhóm được chỉ ra giữa sân, như vậy là ba người một toán. Họ xích chân từng người và sau đó ba đoạn xích được khóa liền lại với nhau. Tôi không còn được tỉ tê với ông Kiệt nữa mà bị khóa chùm với ông Đai Úy Bình và Thiếu Úy Quyền, một bị bắt ở Bình Dương, một bị ở Bình Long. Đại Úy Bình vẫn to con tốt tướng dù đã ăn cơm tù ba tháng trong khi Thiếu Úy Quyền cao nhòng khẳng khiu. Nhưng bộ dạng bên ngoài đó không phản ánh sức chịu đựng của con người.

Cái đáng sợ đầu tiên của sự giản dị là dây xích và ống khóa. Những thứ này có thể mua từ nhiều chỗ khác nhau của Ba Tàu đâu đó trong Chợ Lớn, có khóa Yale trông vô cùng nhắc chắn, có khoá nội hóa trông rất mảnh mai, anh nào xui thì dây xích vừa to vừa nặng lết kéo ì ạch.

Khóa xong, họ cột bốn chiếc chìa khóa thành một chùm giao cho một người cán bộ giữ. Cứ như vậy từng chùm ba một, chúng tôi được lệnh chờ, và chẳng ai hiểu chờ gì cho đến khi nghe tiếng động cơ nổ. Một doàn công voa hơn chục chiếc xuất hiện, mui vải kín mít.

Ông Quyền nói nhỏ với tôi:

– Chắc trên xe có tù nữa chứ bọn mình cần đếch gì đến cả chục xe.

Ông lại sai bét. Lũ chúng tôi chỉ được nhồi nhét trên ba xe, chỉ đủ chỗ đứng, còn những xe kia không có tù nào cả mà chở gạo.

Khi đã nhồi tù lên, xe được phủ vải dày kín mít và chỉ chừng vài phút sau chúng tôi như ngộp thở. Tấm vải bố dày xem ra cũng trải qua nhiều trận mạc nên rách tả tơi, nhiều chỗ bị thủng nhưng không khí vẫn không lọt vào đủ cho tụi tôi thở. Sau này khi gặp tù cải tạo được nghe có một số được chở ra Bắc bằng tàu thủy và bị nhét dưới hầm tàu ngộp đến nỗi nhiều anh em bỏ mạng. Đối với người chiến thắng, sinh mạng của kẻ thua e không to hơn con sâu con kiến. Vả lại cuộc chiến đã khiến vài triệu người chết, thêm dăm ba tên ngụy nữa thì đã sao?

Cỡ nửa đêm, xe lăn bánh. Trời trong và qua những lỗ thủng, tôi thấy trăng lưỡi liềm. Quá độ nửa giờ lắc lư chắc vì băng đường rừng, bỗng chúng tôi thấy đang chạy trên quốc lộ. Một ông tù nói khá lớn cả xe cùng nghe:

– Trăng lưỡi liềm mặt lõm quay về Bắc vậy là mình đang đi về hướng Tây. Tụi nó chở mình sang Campuchia.

Vốn thiên văn học của ông bạn này không rõ đến cỡ nào nhưng không ai phản bác. Tôi cũng nghĩ nếu từ Lộc Ninh và đi trên đường nhựa thì chắc chắn đi sang Miên. Lắc lư hồi lâu, rồi chúng tôi cũng thu xếp để người này dựa vào người kia, mặc cho bánh xe đưa đẩy.

Trời hửng sáng, đoàn xe lại bắt đầu lắc, sóc dữ dội và chúng tôi hiểu quân ta lại vào rừng. Khi trời sáng hẳn, xe ngừng lại. Khi lên xe đã khó, lúc xuống xe còn khó hơn vì chúng tôi bị xích từng chùm ba người một. Tôi và ông Bình còn đang lóng ngóng thì ông Quyền đã nhảy tọt xuống làm hai đứa tôi nhủi theo ngã cong queo dưới đất. Tôi chợt nhận ra rằng số phận của tôi nay cột chặt với hai ông bạn này. Chúng tôi được lùa vào một khu rừng thưa. Đoàn công voa chui vào khoảng đất ở gần đó. Bộ đội Bắc Việt nhanh chóng lo ngụy trang đoàn xe bằng những cành cây nhỏ đầy lá. Ông Quyền có vẻ hay nói lại đưa ra lời bàn tán làm tôi cũng sờ sợ:

– Nếu phi cơ phe mình chơi bom giờ này chắc tôi với hai ông cũng tiêu theo.

Chẳng bao giờ có phi cơ phe mình léo hánh đến đây có lẽ vì còn bận đánh bom ở cả chục mặt trận khác chăng? Vả lại phe mình còn đủ phi cơ để chơi được chăng?

Tù được phát lương khô. Một cán bộ dõng dạc:

– Cấm đèn lửa, nấu nướng. Các anh mà để lộ mục tiêu là chúng tôi bắn.

Ngắn gọn rõ ràng và chúng tôi đều là lính trận nên hiểu rõ tiêu lệnh. Cả ngày hôm đó chúng tôi lại bó gồi nằm trong rừng nhăm nhi lương khô. Ba đứa tôi dụm lại dưới một gốc cây, bắt đầu cùng “khai lý lich” để hiểu nhau hơn.

Thiếu Úy Nguyễn Bá Quyền trẻ nhất trong cụm, tốt nghiệp võ bị Đà Lạt, đời binh nghiệp chưa qua hai năm. Anh xung phong vào Biệt Động Quân chỉ vì “nhà tôi đủ thứ lính. Ông anh đi Bộ Binh, ông anh thứ nhì lái Trực Thăng, ông anh con nhà bác thì Nhảy Dù nên tôi chọn Biệt Động Quân cho nó khác”. Quyền bị bắt ở chân núi Tống Lê Chân. Anh bùi ngùi nói:

– Tui bị bỏ rơi, ông ơi. Không phi pháo yểm trợ, và bị tụi nó chơi biển người. Ít nhất thì cũng một chọi năm bảy, hỏa lực tụi nó lai lấn mình nữa mới đau.

Cả trung đội của anh gần như chết và bị thương. Những người còn lại không ai còn lại một viên đạn.

Đại Úy Lương Văn Bình tiểu đoàn phó một tiểu đoàn Địa Phương Quân. Ông nguyên là lính Thiết Giáp lái xe tăng nhưng tính ngay thẳng không chịu bán xăng nên bị đì ghê quá bèn xin đổi và được chuyển qua coi địa phương quân ở Bình Dương. Cánh quân của ông bị phục kích và bình sĩ rối loạn. Ông Bình bị bắt khi cố thoát cùng hai người lính khác. Đại Uý Bình nhỏ nhẹ ít nói và sau này đã là gánh nặng cho cả hai đứa tụi tôi vốn nhỏ con hơn ông. Tôi còn nhớ khi được chặt cùm ở Yên Bái, ông rớm nước mắt, nắm tay hai đứa tôi nói:

– Trong tình anh em chiến hữu, tôi không cảm ơn hai ông nhưng nếu còn sống trở về, tôi sẽ kể lại cho vợ con tôi nghe những gì xảy ra để con cháu tôi hiểu thế nào là tình đồng đội. Không có hai ông chắc tôi bỏ xác giữa rừng rồi.

Lúc đó Quyền vẫn bông đùa:

– Ấy, Đại Úy sống thì em khiêng được chứ Đại Úy bỏ xác giữa rừng thì hai đứa em chắc suốt đời phải canh mồ đại úy.

Và Quyền cười cười chỉ mấy đoạn dây xích đã cột chặt quãng đời của chúng tôi trên “đường dây Ông Cụ”.

Khi nghe tôi khai về cuộc đời lính tráng, hai người đồng ngũ gật gù thông cảm. Đại Úy Bình bảo:

– Tụi mình thế cả, lúc nào cũng quân tử Tàu thối hoắc. Nếu tôi chịu đem xăng nhà binh bán vừa có tiền vừa yên thân, có khi còn lên lon nữa. Ông không chuồn đi Mỹ ngay nên mới ở đây. Tụi mình đúng là Ngụy.

Chúng tôi bàn đi bàn lại vẫn không đoán nổi được đưa đi đâu, nhưng giả thiết được đưa qua giấu đâu đó trên đất Miên có vẻ đúng hơn cả.

Sẩm tối, chúng tôi lại được lùa lên xe Molotova. Xe chạy rất chậm, toàn đi đường mòn, có những lúc xe nghiêng muốn đổ. Mỗi lần như vậy đám tù người này đè lên người kia, í a í ới. Quá nửa đêm xe ngừng cho đám tù xuống để “thư giãn tinh thần“. Chữ nghĩa của miền Bắc rất lạ tai đối với chúng tôi, và ông Quyền là người phiên dịch ngay cụm từ này sang ngôn ngữ ngụy. “Tụi nó cho mình xả xú bắp”.

Xin ghi lại một chuyện cười ra nước mắt. Trên xe tôi có một ông bệnh kiết lỵ. Sau một hồi, anh em đã phải dàn xếp, giúp anh ta tụt quần xuống và cứ tồng ngồng ngồi ghé cặp mông ra xe để muốn “xả” lúc nào thì xả. Phân và nước tiểu theo gió tạt vào xe dính hết người này đến người khác.

Mới đầu anh em còn xì nẹc nhưng chỉ môt hồi sau anh bạn kiết lỵ cũng phải phì cười vì những lời bông đùa diễu cợt của anh em. Chửi bới om xòm, diễu đủ kiểu nhưng quả không ai giận dù phân và nước tiểu của anh ta bắn cả vào quần áo mặt mũi người đúng gần.

Đoàn xe không bật đèn đang ì ạch lăn bánh trên con đường rừng khúc khuỷu thì dừng lại. Lính Bắc Việt leo lên xe chúng tôi cuốn chiếc mui vải lên. Đằng trước là một con sông lớn, trong cảnh mù mờ của rừng đêm, khó nhìn thấy bờ bên kia. Bộ họ muốn chúng tôi bơi qua sông à? Lính bắc Việt nhảy xuống đi tới đi lui và một người đứng ở càng xe phía trước nói to cho đám tù nghe:

– Các anh phải cẩn thận, đừng chen lấn xô đẩy, hễ anh nào ngã xuống không ai vớt được đâu.

Từng chiếc một xe chậm chậm bò xuống sông. Hai người lính đi bộ cầm hai bó đuốc giơ cao dẫn đường. Một con đường đá được xây ngầm dưới mặt nước. Trước đây tôi vẫn băn khoăn không hiểu bằng cách nào Hà Nội có thể tung vào chiến trường miền Nam những võ khí hạng nặng như xe tăng, đại pháo. Từ vĩ tuyến 17 vào đến Củ Chi chẳng hạn phải cỡ hơn ngàn cây số. Di chuyển một khẩu 122 ly, một cỗ 130 ly đâu phải dễ như một khẩu AK 47? Khi chen chúc lúc nhúc trên chiếc Motolova cà khập cà khiễng đến giữa sông, đám tù chúng tôi đều ngao ngán lắc đầu. Phi cơ Mỹ, phi cơ Việt Nam Cộng Hòa với những dụng cụ điện tử tối tân cũng khó phát hiện được cái cầu ngầm này.

Khi sang đến bên kia sông, cả một đoàn dài xe cộ đang chờ. Họ đi ngược đường với tụi tôi, vậy có nghĩa là họ đang chuyển quân vào Nam. Tôi đếm đoàn xe hơn hai chục chiếc bọc vải kín mít và đáng sợ nhất là một đầu chiếc hỏa tiễn Sam. Thú thật tôi chưa bao giờ nhìn thấy mà chỉ đọc báo về loại vũ khí này của Nga, thấy nói nó trang bị bộ phận tầm nhiệt và có thể bắn lên cao cả ba cây số. Rất nhiều phi cơ đã bị Sam hạ. Chiếc hỏa tiễn Sam dài lòng thòng được tháo làm hai đoạn đang chờ vượt sông và biết đâu nó sẽ được bắn lên đâu đó ở tận đồng bằng sông Cửu Long. Ý nghĩ đó làm tôi rùng mình quên đi cả cái lạnh của núi rừng.

Quãng xế trưa xe dừng lại. Họ lùa tù binh vào một bãi cỏ khá rộng. Trời trong xanh không vẩn mây và nắng chói chang. Lũ chúng tôi vẫn còn ngây ngất ngầy ngật vì bị nhồi xóc suốt đêm. Khi đang còn lao xao thì có lệnh tập hợp “hàng ngũ chỉnh tề” để nghe nội qui đường đi. Một cán bộ đứng trên một khúc gỗ cao lớn tiếng:

– Kể từ giờ phút này, các anh sẽ được hân hạnh đặt chân trên con đường nổi danh mang tên Bác. Đây là lúc các anh phải dấn thân. Các anh phải đi trong hàng ngũ, anh nào toan rẽ ngang rẽ dọc sẽ bị trừng phạt, sẽ bị xử tử. Tôi nói rõ không có khoan nhượng. Mọi sai lệch, toan tính, bất tuân kỷ luật đều không được tha thứ…

Ông ta nói rất dài nhưng đối với chúng tôi thì cái tin chúng tôi được “dấn thân trên con đường mang tên Bác” chỉ có nghĩa là chúng tôi sắp đi ngược đường mòn Hồ Chí Minh để ra Bắc. Thoáng từ đâu tôi nghe tiếng nói nho nhỏ trong đám tù – Xương Trắng Trường Sơn và Đường Đi Không Đến. Ông Xuân Vũ đi từ Bắc vào để viết hai cuốn ký sự vượt Trường Sơn nổi tiếng này.

Tôi và gần hai trăm anh em khác nay ngược Bắc, chỉ khác nhà văn là chúng tôi là tù và bị xích chùm ba. Liệu đường đi có đến chăng?

No comments: