ĐỖ LỆNH DŨNG - CHƯƠNG 13

 Lê Thiệp

                                                         

CHƯƠNG 13

 

Người tôi bồng bềnh như mơ như tỉnh. Rõ ràng tôi biết tôi đang mở mắt nhưng đầu óc lơ mơ không biết mình đang ở đâu.

Một nửa tôi muốn choàng dậy, tôi muốn thoát ra cái mơ mộng êm ái, một nửa khác trong tôi ghìm tôi xuống, xúi tôi cứ nằm yên bởi đây chỉ là mộng vui. Tôi lắng nghe xem những tiếng động quen thuộc của những buổi sáng, tiếng người này gọi người kia, tiếng cuốc xẻng, tiếng tập họp báo cáo . Nó cứ chập chờn tiếng có tiếng không. Đầu óc tôi như chối bỏ sự thật. Tất cả chỉ là giấc mơ, phải dậy để ra sân, phải dậy để lao động, quản giáo đang hò hét ngoài kia. Cho tới một lúc tôi tưởng tôi đã tỉnh hẳn. Tôi tự nhủ: “Dũng ơi, mày đang ở nhà, mày đang ngủ trên giường nhà mày một mình.”

Rồi tôi lại ngài ngại, không muốn tỉnh hẳn vì sợ đây không phải là sự thật. Cơ thể trạng thái mềm thoải mái. Những thớ thịt, những sợi gân chùng xuống, dãn ra lơ tơ mơ. Tôi khẽ cựa mình. Tôi không nằm trên chiếc chiếu rách mà quả thật tôi đang nằm trên chiếc giường nệm. Tôi đưa tay cấu vào đùi để thực sự tin vào thực tại. A, tôi thấy đau. Tôi không ngủ mơ.

Tôi ngồi dậy vẫn chưa tin hẳn. Tôi bước xuống giường, mò ra cửa, lần xuống nhà dưới. Tôi bật đèn và và ngơ ngác nhìn. Tôi chậm chạp đi từ phòng khách vào nhà bếp rồi lại trở ra.

Tôi ngồi xuống chiếc ghế gỗ ở trong góc phòng đăm đăm nhìn bức tranh sơn mài. Bức tranh của ông Nguyễn Gia Trí vẽ ba cô gái tà áo tung bay. Bức tranh ở đó trên mảng tường này từ xửa từ xưa, từ lúc tôi còn là học trò trung học. Tôi vốn yêu nhiếp ảnh, đã cầm máy từ lâu và nhờ nhiếp ảnh tôi biết đến bố cục, biết đến góc độ ánh sáng, biết đến gam mầu. Lần nào nhìn bức tranh tôi cũng như bị nó hút vào, như chính mình đang tung tăng cùng các cô gái trong cái không khí xuân thì.

Đêm nay tôi ngồi nhìn lại bức tranh sau bao năm xa cách. Tôi nhìn vào mảng mầu vàng ươm, những khoảng nâu ánh hồng. Những tà áo dài lượn lờ như múa và từ đó tôi nhìn thấy Dung. Tôi ngây người như bị thôi miên. Tôi thấy bố mẹ và các em cười nói. Tôi thấy tôi đang ngồi ở hiên giảng đường Luật đông lúc nhúc lúi húi ghi cours. Tôi thấy cả ông khoa trưởng Vũ Văn Mẫu. Rồi nhòa đi như một cảnh phim câm, Dung lại ở đó đăm đăm nhìn tôi. Tôi mở to mắt. Không phải, không phải. Từ trong đó, từ trong cái long lanh của sơn mài Nguyễn Gia Trí là Thu, là Song Thu:

– Dũng sao vậy? Sao không ngủ, ngồi đây làm gì?

Bà dì đứng ở cửa bếp từ lúc nào, đang nhìn tôi lo lắng. Tiếng bà đầy quan ngại làm tôi sực tỉnh.

– Cháu khát nước, xuống tìm cái gì uống. Khuya rồi, sao dì còn thức.

– Thấy đèn sáng nên dì xuống.

Tôi đứng dậy ôm vai bà:

– Thôi dì cháu mình đi ngủ lại.

Hơn bảy năm lao tù để lại những vết hằn trên tôi. Suốt một tháng, cứ quá nửa đêm là tôi tỉnh và mười lần như một, mối ám ảnh mình không thực đang ngủ một mình trong chính căn phòng êm ấm vẫn đeo đuổi tôi. Nhiều năm sau, thỉnh thoảng tôi vẫn choàng dậy, ngồi bật lên ngơ ngác định ra tập họp để ra lao động theo nội qui trại.

Khách sạn Majestic ở bến Bạch Đằng trông vẫn cổ kính như xưa. Tôi còn nhớ hồi bé tí vừa vào Sài Gòn cùng bố, tôi đã có dịp ăn trưa ở đây. Hôm đó bố tôi có hẹn bạn và cho tôi đi theo. Tôi cũng nhớ cái bàn tròn trải khăn trắng kê sát cửa sổ nhìn qua bên đường là sông Sài Gòn. Tôi cẩn thận khóa chiếc xe đạp Trung Quốc hiệu Phượng Hoàng vào cột điện, khóa hai ba lần. Chú Trung biết tính tôi hay lơ đễnh, dặn đi dặn lại:

– Bây giờ khác ngày xưa, Dũng nhớ cẩn thận.

Tôi thấy chú Trung hay dùng chữ ngày xưa và bao giờ cũng có tí ngậm ngùi gì trong đó. Tôi vừa ở tù ra, chưa có định kiến gì về đời sống bên ngoài, nhưng cũng hình dung được giá trị của chiếc xe đạp. Hồi trong tù khi nghe tiêu chuẩn đánh giá của người miền Bắc là Đạp Đồng Đài, tôi ngơ ngác cho đến khi được giải thích. Kẻ nào có xe đạp, đồng hồ, và Radio mà người Bắc gọi là Đài, kẻ đó là người có máu mặt. Thang giá trị đó nay chắc đã lan vào miền Nam.

Tôi đứng bên này đường Tự Do nhìn sang. Buổi chiều nắng đã dịu, gió từ sông thổi lên khiến không khí như có đượm hơi ẩm. Nhân viên Hướng dẫn Du lịch từng nhóm líu ríu kéo nhau ra khỏi cửa. Họ ăn mặc khá bảnh bao khác hẳn người dân. Lẫn trong đám, Song Thu nổi lên trong chiếc áo dài mầu thiên thanh. Nàng cười nói với mấy cô bạn rồi tách ra đứng bên đường như chờ đợi. Tôi vừa chớm băng qua đường thì Thu nhìn sang. Như một mũi tên, nàng chạy ào qua suýt nữa té ở giữa đường có lẽ vì giày cao gót. Chạy sang vừa tới trước mặt tôi, Thu đứng sững lại như sợ lầm người. Vẻ người, gương mặt Thu như có cái e thẹn của người nữ khi bộc lộ tình cảm quá lộ liễu. Tôi bước tới đưa tay ra. Thu cũng đưa tay ra:

– Anh

Hai mắt Thu rưng rưng, một giọt nước từ từ đọng lại lăn xuống khoé mắt. Tôi cười nhẹ nhàng:

– Anh về tối hôm qua.

– Sao không báo trước cho em hay.

– Làm sao báo được. Nhưng bây giờ thì anh đang ở trước mặt Thu.

Đúng lúc đó chiếc xe gắn máy Bridgestone xà đến cạnh hai đứa. Thu nhìn, nói khẽ:

– Tuấn nó đến đón em.

Tuấn nhìn và gật đầu chào tôi:

– Anh Dũng phải không? Em là Tuấn, nghe chị Thu nói nhiều về anh.

– Chào Tuấn. Anh mới về tính rủ Thu đi uống nước.

Tuấn tủm tỉm cười nhanh nhẩu:

– Vậy lát anh đưa chị Thu về nhà nha. Để em về nói với ba má.

Mọi việc xảy ra êm đềm tự nhiên giống như thể mỗi ngày tôi và Thu vẫn gặp nhau, giống như cả nhà Thu đều biết tôi là ai, mày ngang mũi dọc ra sao, nhất là tôi được chấp nhận như người bình thường, một người đúng theo nghĩa con người, không phải một thằng tù, một công cụ sản xuất hay một con vật biết lao động.

Con đường Tự Do – nay có tên Đồng Khởi – vào giờ này vắng tanh. Hai đứa thong dong đi cạnh nhau. Sau những năm tù đày, đối với tôi, không có gì để phải ngạc nhiên về sự đổi thay của Sài Gòn. Tất cả chung quanh tôi là màu đỏ và mầu vàng. Mọi thứ dưới mắt chế độ đều được khoác mầu sắc đấu tranh và ý thức hệ. Tôi không nhìn thấy cửa hàng cửa tiệm nào có bảng sơn màu xanh cả. Thây kệ, đối với tôi, nay chỉ có Thu.

– Mình kiếm cái gì uống không?

– Anh ở trong ấy lâu rồi, bây giờ thèm gì?

Ôi thôi, cái gì cũng thèm nhưng có lẽ thèm nhất là tình yêu thương. Tôi giữ ý tưởng đó không nói ra.

– Mấy năm rồi chưa được uống bia.

Thế ra cái quán đó vẫn còn, chỉ đổi tên, tất nhiên phải đổi vì nó mang tên đầy phản động Imperial. Quán trông như một nhà quí tộc bị phá sản, nhưng vẫn cố duy trì vẻ quí phái đã tàn phai với tấm thực đơn bèo nhèo và nhất là tấm hình ông Hồ cầm can đánh nhịp cho dàn nhạc giao hưởng. Nó kệch cỡm lẻ loi trong cái quán nhỏ. Lâu quá mới lại được uống bia lạnh. Nó thấm vào đến chân tơ kẽ tóc. Tôi cười bảo Thu:

– Hồi xưa còn đi học, lâu lâu xin được tí tiền, anh hay ngồi đây một mình, ra điều mình là dân sang, dân chơi nhưng bao giờ cũng chỉ đủ tiền uống một chai 33.

– Hôm nay anh uống thả cửa. Em bao.

– Sợ một chai là say. Lâu quá không uống bia.

Hai đứa thủ thỉ đủ thứ chuyện. Tôi chợt nhận ra chưa bao giờ tôi nói yêu Thu dù ngay trong trại khi được thăm nuôi, tôi đã ngỏ ý xin cưới nàng.

– Thu biết anh yêu Thu?

– Không ai liều như anh. Đang ở tù mà xin cưới con gái nhà người ta.

– Tại vì anh yêu Thu. Khi yêu người ta không sợ.

Thu bóp nhẹ tay tôi như một kiểu đồng tình êm ái nhẹ nhàng. Chiều ngoài kia đang xuống hẳn, dăm ba ngọn đèn đường nhạt nhòa trong cái chạng vạng của đất trời. Hai đứa thả bộ dọc đường vắng.

– Anh thèm phở.

– Khu này đâu có tiệm phở nào ngon.

– Phở bà Dậu còn không?

Thu cười ngất:

– Em có biết phở bà Dậu ở đâu đâu.

Tôi cũng cười ngất:

– Ngày xưa phở bà Dậu ngon nhất Sài Gòn, sao em không biết.

– Mèng ơi, cái gì cũng ngày xưa. Hồi đó em còn bé tí và ở tuốt tận Hóc Môn, biết khỉ gì.

– Vậy mình đi ăn phở bà Dậu. Lạy trời còn phở bà Dậu. Để anh chở Thu đi.

Trong nỗi thèm phở, tôi liến thoắng kể cho Thu nghe về cái quán phở rất thân thuộc với tôi từ thủa thiếu thời. Bà Dậu hay lắm, lúc nào cũng nướng xương trước khi nấu. Một ông bạn đã học Dược, gật gù bảo bà Dậu có thể đậu thủ khoa trường Dược vì khi nướng xương bà đã phong tỏa khiến nước lèo không bị đục. Xương bò khi nướng hơi chín phía ngoài khiến vẩn protein không thoát ra được. Thu cứ nghiệm coi đúng không, khi Thu luộc thịt vẫn phải vớt bọt vì protein bị chín đóng thành vẩn khiến nước lèo vừa đục, vừa hôi. Bánh phở bà Dậu cũng hết xảy vừa đủ dai không nhão, có vị ngọt vị thơm của gạo. Tuyệt nhất là thịt chín. Thịt chín trong bát phở của bà Dậu bao giờ cũng vậy, vừa đủ to, đủ dầy. Nó không thô tục, không bèo nhèo ăn vừa thơm vừa ngọt. Thu biết không tô phở của bà Dậu lúc nào cũng vậy, mọi sự tương xứng, nước, bánh, thịt, không có gì quá đáng, không có gì thiếu hụt. Với anh, phở bà Dậu là nhất.

Nghe tôi huyên thuyên, Thu cười phì:

– Đúng là Bắc Kỳ. Nghe anh tả mà bắt thèm. Phở bà Dậu ở đâu?

Đến đây, tôi chạm vào thực tế của đời sống. Chiếc xe đạp Phượng Hoàng. May quá nó vẫn còn đó. Tôi vừa mở hai ba lần khóa nói với Thu:

– Chở em bằng xe đạp được không?

– Chở em bằng xe bò cũng được. Cả nhà em chỉ còn mỗi cái xe gắn máy, có chuyện gì mới dám đi, còn đi đâu cũng lô ca chân, hay xe lam.

Lọng cọng líu ríu, tôi mất một hồi mới quen được trò chở nhau trên xe đạp, phương tiện giao thông phổ biến nhất hiện nay. Đường Đồng Khởi cấm xe đạp và xe xích lô, tôi phải đi vòng khá xa nhưng khi quẹo vào cư xá Công Lý thì tiệm bà Dậu vẫn còn đó nhưng đóng cửa. Tôi nhìn cây trứng cá. Nó vẫn còn đó. Tôi nhìn mấy cái bàn gỗ, mấy chiếc ghế, tất cả vẫn còn đó. Tôi chợt nhớ. Phở bà Dậu chỉ bán đến cỡ hai, ba giờ trưa là hết. Thu cười:

– Xui dữ.

Thế đấy. Ngày đầu tiên của chúng tôi nó ngờ nghệch ngớ ngẩn nhưng nó thực, nó tự nhiên không gượng gạo, nó bình thường nhưng đầy tình, chan hòa lòng yêu thương.

Từ Thức khi trở về trần thấy quê hương bản quán mà ông hằng ấp ủ, nhớ nhung không còn nữa, kẻ thân người thuộc đều đã mất và ông thấy mình không còn lý do gì để vương vấn. Từ Thức bỏ vào núi không còn dấu vết. Ít ra là ông cũng hơn tôi để chọn lựa.

Tôi đã lang thang khắp Sài Gòn Chợ Lớn cả tuần nay. Bộ quần áo của Quyền cho mượn khá rộng nên trông tôi lùi xùi, giống y hệt như người dân từ các vùng quê đổ về Sài Gòn kiếm ăn.

Xanh xao, gầy guộc, hai mắt lúc nào cũng đờ đẫn, tôi bước thấp bước cao đi giữa làn sóng người, lòng dửng dưng. Y quan dị tích thì. Đỗ Phủ bảo với chế độ mới, mọi sự đều thay đổi, cả đến quần áo.

Nhưng ông thi sĩ đời Đường này chỉ nói đến quần áo và trang phục của các ông quan, các bậc vương giả, những người đang hưởng bổng lộc của tân Triều. Nay cái đổi thay không chỉ ở thượng tầng mà hiển hiện ngay trong đời sống hàng ngày. Tôi được cô gái buôn lậu cà phê và ông cựu tù lái xe ôm thương xót có lẽ vì cái chức “tù cải tạo”. Nay không ai coi tôi là tù nữa. Nay tôi là một người bình thường của xã hội nên được đối xử như một người bình thường.

REPORT THIS AD

Tôi nhớ buổi sáng sau khi lót lòng một đĩa xôi đậu đen chấm muối vừng, tôi lang thang và đi qua bùng binh, tôi nhẩn nha đi vào chợ Bến Thành. Hình như tôi chưa bước chân vào cái chợ nổi tiếng này lần nào, thỉnh thoảng lắm thì chỉ ghé thì chỉ ghé hàng trái cây ngay bên vệ đường Lê Thánh Tôn. Trời khá nóng nhưng khi bước vào bên trong, hơi người nồng nực hẳn lên. Tôi định kiếm một bộ quần áo và nghĩ mua ở chợ chắc rẻ hơn là vào tiệm. Còn đang lớ ngớ đứng ngó thì bà bán hàng nhìn tôi với ánh mắt đầy miệt thị:

– Mua gì?

Tôi chưa kịp nói năng gì thì một tràng, một dọc âm thanh chua như hất vào mặt:

– Mới sáng ra chưa mở hàng mà găp cái của này lại ế sưng cả ngày. Không mua đi chỗ khác. Đúng là cú nhìn nhà bệnh. Phỉ phui. Phỉ phui.

Tôi chết trân. Tôi là con cú đang rình người sắp chết! Tôi lớn lên ở Sài Gòn. Cả tuổi hoa niên của tôi là Sài Gòn. Tôi chưa bao giờ bị rủa xả như hôm nay. Tôi lủi ra, khi đi sang phía nhà ga lúc nhúc người và ngoái đầu nhìn lại cái chợ yêu dấu của Sài Gòn. Tôi nhắm mắt lại để nhớ mấy tấm quảng cáo kem đánh răng Hynos và vỏ xe Michelin màu tươi vui sống động. Mở mắt ra nay là mầu vàng, màu đỏ và là khẩu hiệu. Nổi nhất vẫn là câu: “Không có gì quí hơn độc lập tự do” của ông Hồ.

Tôi đi tới những nơi đầy ắp kỷ niệm, đầy những nhớ nhung. Tôi nhớ lại khi ở tù, tôi luôn tự nhủ nếu được trở về thế nào cũng đi tới chỗ này, góc kia của Sàigòn, nhưng tôi thấy mình lạc lõng bơ vơ. Tôi có cảm giác như đang lưu vong trên quê hương mình và tôi không có cùng suy nghĩ, cùng tiếng nói với đồng bào tôi nữa.

Khi ra đường tôi là một người như trăm vạn người khác nhưng khi trình diện công an phường, tôi lại hiện nguyên hình là một tên lính Ngụy, một tên tù. Trên nguyên tắc, tôi được ra trại nhưng vẫn là tù, đặt dưới sự quản chế của địa phương. Theo ngôn từ trước 75, tôi chỉ được tạm tha chứ không chứ không phải là công dân bình thường. Trước khi tới đồn công an, chú Trung đưa tôi gói thuốc lá Điện Biên.

– Cháu bỏ thuốc lá rồi.

Chú Trung cười nhẹ:

– Dũng cầm bao thuốc này để lên bàn công an. Bây giờ khác xưa. Hễ dính dáng đến cán bộ công an nhà nước là phải chè lá. Nhớ để lên bàn, lúc về làm như mình quên, không phải là đút lót.

Tôi ôm tờ giấy ra trại và cái sổ gia đình ngày xưa trên đó có tên tôi, chỉ có điều đã bị gạch bỏ với hàng chữ ghi “mất tích trước năm 1975“.

Hồi ở tù tôi đã được giảng nhiều về Xã Hội Chủ Nghĩa nhưng vẫn lơ mơ cho đến khi thực sự sống trong đó. Chế độ hộ khẩu là cái thòng lọng tròng vào cổ người dân, là cái gọng kềm siết họ lại không cách gì cục cựa được. Nó giúp chế độ kiểm soát chặt chẽ mọi người. Đi đến đâu ngủ qua đêm là phải trình tổ dân phố và đôi chỗ phải trình cả với đồn công an. Không ai dám chứa chấp người lạ. Không có hộ khẩu có nghĩa là mất quyền công dân, có nghĩa là bị loại ra ngoài rìa xã hội. Có hộ khẩu là có lá bùa hộ mệnh, là được phân phối các nhu yếu phẩm từ hạt gạo, hạt đường, bột ngọt cho đến vải vóc. Có hộ khẩu là được quyền mua hàng ở các cửa tiệm quốc doanh. Tôi thuộc quyền quản lý của công an có nghĩa là tôi vẫn là thành phần bị quản chế, bi theo dõi và hàng ngày phải lên báo cáo với công an phường về sinh hoạt.

Khi đưa tờ giấy ra trại và sổ gia đình, viên công an người Bắc lật đi lật lại rồi bảo:

– Trường hợp này căng lắm.

Tôi định hỏi “căng có đến độ đứt không?” nhưng kìm lại được. Tôi không nói năng gì vội, để gói thuốc Điện Biên lên bàn, rồi nhỏ nhẹ:

– Tôi có tên trong sổ gia đình từ trước ngày giải phóng. Trong giấy ra trại cũng đề rõ tôi về địa chỉ này.

– Tôi nói căng lắm vì tên anh đã bị gạch đi.

– Lúc đó gia đình tôi nghĩ là tôi đã chết, đã mất tích.

– Tôi nói căng lắm. Được, anh về ngày mai lên tôi giải quyết.

Không hề có chuyện giải quyết. Tôi như lãnh bản án treo, có lần viên công an đã nói xa nói gần đến chuyện tôi sẽ phải đi kinh tế mới mặc dù vào thời điểm này không ai nói đến kinh tế mới kinh tế cũ như hồi Cộng sản mới chiếm miền Nam.

Bà dì tôi là người nhạy cảm và nhìn thấy ngay lý do. Khi có giấy tờ từ Mỹ bảo lãnh, chú Trung đã ra phường làm giấy tờ sang nhượng căn nhà nhưng không được chấp thuận với nhiều lý do. Ông bà bán nhà, mai mốt con cái ông bà về đòi lại thì sao? Họ là người thừa kế tài sản, phải có sự đồng ý của họ.

Khi chú Trung viết thư và những đứa em tôi đồng loạt ký tên đồng ý để ông được quyền bán nhà thì công an bảo phải đích thân họ ký với nhà chức trách Việt Nam mới hợp lệ. Bà dì bảo tôi:

– Dũng ơi, chúng nó muốn chú dì hiến nhà cho nhà nước mới cho đi Mỹ. Đã có vài trường hợp tương tự rồi. Nó không cho Dũng vào hộ khẩu ở nhà này chỉ vì muốn nuốt không căn nhà.

Hàng ngày tôi phải lên phường báo cáo là đi những đâu, gặp ai, nói chuyện gì. Lăp đi lặp lại những lới khai nhàm chán đó cỡ một tuần lễ, viên công an bảo tôi:

– Anh phải tìm việc làm, không thể ăn bám vào xã hội được.

– Tôi rất muốn được phục vụ nhưng không nơi nào nhận vì mới ở trại cải tạo ra lại không có hộ khẩu.

– Chuyện đó là chuyện riêng của anh, nhà nước không đi kiếm việc làm cho anh được. Nếu không có việc thì anh nên đi kinh tế mói khai khẩn, lao động sản xuất.

Tôi kể lại lời đe dọa này, cả nhà dãy nảy:

– Dũng đừng nghe lời nó. Không đi đâu hết, Dũng đâu cần chúng nó. Cả tháng chưa được một lạng đường, một hộp sữa, cần gì. Cứ lì ra, đừng có làm đơn đi kinh tế mới. Đi để mà chết à?

Tôi nghe theo, cứ trân mặt ra, kệ viên công an lúc ngọt lúc sẵng dụ tôi làm đơn đi kinh tế mới. Ít nhất họ cũng không thể bắt tôi trở lại trại tù vì không có hộ khẩu.

Thật ra tôi không đến nỗi phải lo miếng ăn nhờ có tiếp tế từ nước ngoài, nên chuyện kiếm việc làm không phải là mối bận tâm của tôi.

Sau bữa cơm gia đình ấm cúng với tiếng cười đùa của mấy đứa em nhỏ, tôi ngồi nói chuyện với ba má Thu. Cả nhà vốn là nhà giáo nên ăn nói từ tốn rành mạch. Ba Thu hỏi tôi rất nhiều về quá khứ học hành, về gia đình. Ông nâng chén trà lên nhấp giọng rồi nhìn tôi dịu dàng:

– Hai bác biết chuyện của Thu và con ngay từ ngày đầu khi Thu đưa những lá thư con viết cho anh bạn. Bác hiểu những khốn đốn con trải qua và hết sức vui khi thấy con còn tin vào tình người. Hai bác đã lớn tuổi, sống qua đủ mọi biến đổi của đất nước. Bây giờ vào lúc cuối đời lại phải nhìn những nghịch cảnh đau thương. Hai bác buồn chán lắm nhưng biết sao.

Tôi ngồi im nghe. Giọng ông đều đều, rõ ràng nhưng đầy ngậm ngùi, không phải chỉ cho ông, cho tôi mà như cho tất cả mọi người. Bà má ngồi cạnh đó nhỏ nhẹ:

– Con đừng ngạc nhiên. Gia đình hai bác cởi mở và con cái bao giờ cũng trình thưa mọi chuyện dù là riêng tư. Khi Thu ngỏ ý đi thăm nuôi con, hai bác đồng ý liền. Ngay cả một lần đi thăm nuôi con về, Thu nó khác hẳn, lúng túng và khi hai mẹ con nói chuyện, Thu cho hay con hỏi nó làm vợ.

Tôi ngồi đó sượng trân nhìn Thu. Nàng cũng hơi đỏ mặt nhưng tủm tỉm cười. Tôi thu hết can đảm nói:

– Hai bác hiểu cho hoàn cảnh của con. Sống trong tù, con không ao ước gì hơn là một mái ấm gia đình, yêu thương và được yêu thương.

– Bác hiểu nhưng Thu là con gái lớn nhất. Cha mẹ nào cũng muốn con hạnh phúc. Lúc đó bác lo sợ vô cùng. Nhưng thôi, bây giờ khác, con cứ lại chơi với gia đình. Chuyện của hai đứa âu cũng là trời định. Các con cứ tìm hiểu nhau ít lâu. Bác nói thật, con đừng buồn. Hai bác lo sợ tuổi tác chênh lệch, biết đâu chỉ là bồng bột. Bởi vậy hai con nên suy nghĩ cho kỹ.

Khi ba má Thu rút vào phía trong, tôi và Thu ra vườn ngồi dưới gốc cây ổi.

– Anh thấy ba má dễ chịu không?

– Không những dễ chịu mà còn dễ thương nữa, chỉ sợ ba má chê anh già, chê anh không xứng với Thu.

– Em đâu thấy anh già.

Tôi xoay người sang ôm Thu. Trong bóng đêm tôi nhìn vào mắt nàng, đôi mắt long lanh, sâu thẳm. Chúng tôi hôn nhau, rồi ngồi đó tay trong tay. Tôi hát bài hát của ngày xưa “May mà có em đời còn dễ thương…”

Tình yêu cho thêm sức sống. Tình yêu giúp người ta vượt mọi sự. Tôi trở nên lạc quan hơn.

Giữa lúc đó tôi nhận được điện tín của gia đình ngắn và gọn: “ĐỂ VIỆC BẢO LÃNH ĐOÀN TỤ DỄ DÀNG KHOAN LẬP GIA ĐÌNH.” Đây là một ngạc nhiên lớn vì tôi chưa viết thư cho gia đình về chuyện tôi và Thu. Tôi hỏi chú dì thì được biết chưa ai kể chuyện này cho bên Mỹ cả. Ngoài cái điện tín tôi cũng nhận được bản sao giấy tờ đủ loại liên hệ đến chuyện gia đình tôi bảo lãnh, trong đó có cả những giấy của một số cơ quan công quyền Hoa Kỳ. Ông bạn Sam Graves của tôi cũng có thư cho hay đã vận động những cơ quan có thẩm quyền cao nhất để giúp tôi đi Mỹ càng sớm càng tốt.

Cầm cái điện tín trong tay, đọc đi đọc lại, tôi nhớ đến khẩu hiệu Ba Khoan – Khoan yêu Khoan cưới Khoan đẻ. Nhưng đó là khẩu hiệu do Trung ương Đảng đề ra cho cán bộ đảng viên trong thời gian cầm súng.

Từ lúc ra khỏi tù, tôi không tơ tưởng gì đến chuyện đi Mỹ bởi đối với tôi chuyện đó trở thành định mệnh. Tôi không tin số tôi có thể xuất ngoại. Lý do hơn nữa có lẽ vì Thu. Tôi đã đưa cho Thu tờ điện tín. Nàng đọc xong,im lặng. Tôi nói với Thu.

– Anh đã xin cưới Thu ngay khi còn là một thằng tù. Nay anh ra khỏi trại, anh lập lại với Thu. Anh muốn cùng Thu lập gia đình.

– Thế còn ba má ở bên Mỹ. Còn chuyện bảo lãnh?

– Ở Việt Nam có Thu. Anh không đi đâu cả.

– Ai cũng muốn đi Mỹ.

– Anh chỉ muốn ở cạnh Thu. Ngày mai anh sẽ xuống thưa ba má, mình làm đám cưới càng sớm càng tốt.

– Lấy em bỏ vụ đi Mỹ à nhe.

– Không những chỉ lấy em mà mình sẽ có cả đàn con. Khỏi đi đâu hết.

– Người ta bảo “cột đèn biết đi cũng vượt biên”, em thấy đâu đâu cũng toàn nói chuyện đi nước ngoài.

– Anh là cột đèn bị chôn sâu ở đất này. Thu là cái đèn soi sáng suốt đời anh.

– Bắc Kỳ ăn nói trơn tuột.

– Nam Kỳ dễ thương.

Tôi viết một thư dài cho bố mẹ và các em, gửi kèm hình ảnh của Thu và tôi. Một bức điện tín nữa viết: ĐỒNG Ý ĐÁM CƯỚI, CỐ GIỮ ĐỪNG CÓ CON ĐỂ BẢO LÃNH DỄ DÀNG. Tôi đọc xong vò bức điện tín vứt vào sọt rác và không nói gì với Thu.

Đúng lúc đó chú dì và Quyền em tôi có giấy tờ đi Mỹ. Vụ hộ khẩu của tôi trở nên gay go hơn. Sở nhà đất và công an phường viện đủ lý do tạo sức ép để rồi chú dì phải ký giấy hiến nhà cho nhà nước. Bà dì tôi cáu kỉnh:

– Chúng nó nhân nghĩa để bà Tú Đễ, bắt ký giấy hiến nhà mà còn đạo đức giả nói Nhà Nước chỉ giữ hộ, tạm quản lý khi nào ông bà sống ở Mỹ không nổi, về đây Nhà Nước trả lại.

Mất nhà thì tôi ở đâu? Trong cái hệ thống tham nhũng công khai từ trên xuống dưới tôi trở thành khúc xương khó nuốt. Bọn chúng muốn chiếm nhà nhưng trên một khía cạnh nào đó, tôi vẫn là người hợp pháp được quyền trú ngụ ở căn nhà này. Viên công an nói với tôi:

– Anh nên nhớ anh vẫn thuộc quyền quản lý của địa phương.

– Thưa cán bộ tôi biết nhưng trong sổ gia đình từ xưa đến giờ vẫn có tên và giấy ra trại cũng ghi rõ tôi về địa chỉ này.

– Anh thuộc thành phần ăn bám vào xã hội. Tôi đề nghị anh nên đi kinh tế mới.

Tôi im nhưng nhất định lỳ lợm cho đến hôm cuối thì công an nhượng bộ.

– Thôi được, Nhà Nước đồng ý cho anh ở lại địa phương này. Anh thuộc thành phần quản lý của phường. Tôi cho anh đi kiếm chỗ ở trong phường và đồng ý cho anh nhập hộ khẩu.

Khi ở tù, tôi không chú ý lắm nhưng khi ra ngoài, tôi thấy mình đối diện với một khuôn mặt vô hình, một bóng đen trùm ngợp lúc nào cũng muốn đè tôi xuống, lúc nào cũng sẵn sàng bóp nghẹt tôi. Những từ ngữ Nhân Dân, Tổ Quốc, Nhà Nước, Đảng và Xã Hội Chủ nghĩa luôn luôn trở thành chủ từ để nói với người dân. Không ai biết những thứ đó ở đâu, là ai bởi đó là Tập Thể. Một công an viên dấm dớ có thể nhân danh Chế Độ, nhân danh Nhân Dân để đày đọa đối tượng cần trấn áp hay để moi tiền, sang đoạt tài sản và cả những lúc cần ban ân huệ.

Viên công an đã nhân danh Nhà Nước để cho tôi nhập hộ khẩu ở Sài Gòn. Tôi thu xếp ở nhờ một gia đình người quen. Chính thức tôi không có công ăn việc làm nhưng thực tế tôi xoay sở làm đủ thứ việc. Tôi lăn vào giữa đời, đi buôn chợ trời, buôn từ viên thuốc trụ sinh cho tới vài thước vải, dăm hộp sữa. Tôi mua hàng ở đầu đường này bán hàng ở cuối đường kia. Tôi làm môi giới bán đồ cổ, đủ thứ từ choé cổ đời Khang Hi, Càn Long cho đến những của “gia bảo” như vòng ngọc, tượng đồng đen. Xin nói rõ tôi chả biết giá trị đích thực của các món đồ nhưng trong xã hội Việt Nam lúc này, giả và thực làm sao phân biệt. Dân, nhất là cán bộ miền Bắc nhiều tiền không thể tả, hẳn là tiền thu nhặt được từ Miền Nam. Cái gì họ cũng mua và cái gì càng nhỏ càng dễ giấu càng quí. Một lần tôi dược nhờ bán một viên ngọc Huyền Thiết. Đó là một miếng đá mầu đen lớn cỡ hai con tem và dày cỡ nửa bao diêm. Người bán bảo nó là ngọc Huyền Thiết – nôm na là sắt đen – quí và hiếm có một không hai, vốn là của Vua Tự Đức. Ông Vua này bẩm sinh yếu đuối bệnh hoạn, phải đeo ngọc này để kỵ phong kỵ hàn và có đủ sức khoẻ để hưởng tam cung lục viện. Tôi nghe để mà nghe nhưng rùng mình khi biết giá 40 cây vàng. Một lạng vàng lúc này là một gia sản. Tôi cũng đi rao tứ phía với các tay chạy hàng. Điều mà tôi không bao giờ tưởng đã xảy đến. Có người mua thật. Qua hai ba trung gian nữa, viên ngọc nghe nói được bán cho bà vợ ông Lê Duẩn với giá 50 lượng vàng. Đó là lần tôi trúng mánh lớn nhất, huê hồng tới một cây vàng.

Thu thì lắc đầu. Nàng không chấp nhận kiểu làm ăn này nhưng chúng tôi cũng chưa biết phải làm gì hơn.

Ngày ngày tôi đứng chờ Thu tan sở. Hai đứa lang thang đi ăn đủ chỗ. Sài Gòn nay đi hai bước là có chỗ ăn. Lề đường hễ có chỗ trống là có quán. Đủ thứ quán. Tạt vào đâu cũng có thể có một tô bún, một tô cháo . Quán cà phê và quán nhậu còn nhiều nữa. Tôi không hiểu tại sao thiên hạ ăn nhậu dữ vậy. Thu có vẻ hiểu biết hơn:

– Có ai có việc làm tử tế đâu, toàn buôn chợ trời buôn đồ ngoại. Rảnh quá chỉ ăn nhậu tối ngày. Anh không thấy ai cũng uống rượu đế à?

Cuối tuần tôi gần như ở Bà Quẹo suốt ngày. Gia đình Thu coi tôi như rể, như người trong gia đình.

Bốn tháng sau khi ra trại, chúng tôi thành hôn. Tôi đề nghị ông Trung và ông Vận làm phù rể. Mới đầu Thu ngần ngừ nói rằng hai ông bạn tôi đều đã có gia đình và nhất là ông Trung lại chống nạng e kỳ quá, còn ông Vận thì hom hem dễ sợ. Không hom hem sao được sau những gì ông Vận trải qua. Cựu Trung Úy Vận đặc trách truyền tin ở Đồng Xoài đã rớm nước mắt khi hai đứa tôi gặp lại nhau lần đầu và tôi kể rõ về cái chết của Hoàng. Ông Vân bao giờ cũng vậy, ôn tồn cam chịu:

– Bà già moa mất rồi. Đến lúc chết bà vẫn tin thằng Hoàng còn sống. Khi toa và ông Hùng rút đi chừng mươi phút sau thì tụi nó tràn vào như kiến. Moa vẫn nằm trên chiếc băng ca, cả người băng bó, máu me tùm lum. Miểng 82 dính đầy người mà sao moa không bị gãy xương bể gáo mới là lạ. Một tên cán bộ nhìn moa và phán “khênh cái thằng này đi”. Tên cán bộ nhíu mày không nói gì và hai người lính cúi xuống mỗi người một đầu khênh moa ra khỏi tiểu khu. Lúc đó tiếng súng vẫn đì đẹt nhưng chẳng ai hỏi han cản trở gì cả. Moa vẫn nhớ ơn hai người lính và liên lạc với họ đều đều. Đó là ông Tám và ông Sang, hai người nghĩa quân. Họ đem moa về nhà rồi chính họ lo lắng chăm sóc cho moa đến tận ngày 30 tháng tư.

Ông Vận không kể nhiều hơn, nhưng tôi thấm tận tâm can. Có lẽ quốc gia và cộng sản chỉ khác nhau duy nhất tình người. Ông Vận bị cải tạo bốn năm nhưng may không phải ra Bắc. Tôi nói với Thu chỉ muốn những người thực sự chia sẻ cuộc đời lính tráng xa xưa nay ở cùng bên tôi trong giờ phút trọng đại của đời tôi.

Cuối cùng nàng đồng ý.

Gia đình tôi nay ở Việt Nam chỉ còn bác Chuyên và bà chị gái góa chồng nên họ nhà trai rất ít người. Đám cưới dù giản dị nhưng vui. Không ai thấy cảnh ông phù rể Trung chống nạng tập tễnh là kỳ dị. Không ai thấy ông Vận hom hem là xấu cả. Bởi mọi người đều biết họ là ai, đều biết ba đứa tôi đã cùng sát cánh vào lúc thập tử nhất sinh trong ngày cuối của Đồng Xoài.

Cô dâu tươi cười. Chú rể thì rõ ràng đang hạnh phúc. Mọi người vui tíu tít. Khi lễ gia tiên, tôi nói khẽ với Thu: “Fleur de Racaille” thì nàng cười bảo nhỏ:

– Em đợi đến hôm nay mới xài.

Một cái gì dâng lên trong tôi. Tôi như người khác. Tôi nhìn đâu cũng chỉ có Thu. Tôi đi đâu, làm gì cũng chỉ nghĩ đến vợ.

o O o

Tôi đi tới đi lui trước cái tiệm bé tí bày đủ thứ máy. Phải nói ngay gần như tất cả đều là máy cũ nhưng rất tốt. Từ những thứ rẻ tiền như Kodak cho đến loại đắt vô cùng như Leica, hay Hasselblass

Tôi nhớ ngay cái phòng tối dã chiến của bố tôi ở Hà Nội. Bố quây quanh chân bàn thờ gia tiên bằng vải đen để có phòng tối nhưng mỗi lần rửa hình ông cụ còn cẩn thận đóng hết cửa lại cho thật tối, ánh sáng không lọt vào.

Lúc đó, tôi học lớp nhì thì phải, vẫn hay chui vào trong ngồi nhìn ông pha thuốc, nhìn những tấm hình từ từ hiện ra trong cái khay nông đựng nước hóa học màu nhờ nhờ. Tôi đã cầm những tấm ảnh còn ướt sũng đem trải ra nơi một tấm kính để chờ cho khô. Phải chăng bắt đầu từ cái gầm bàn thờ tối om đó, tôi đã được bố tôi nhen nhúm nỗi đam mê nhiếp ảnh. Ông cụ ngay cả sau này vào Sài Gòn vì làm việc cho USIS nên vẫn dính líu đến phim ảnh. Bố đã đóng góp rất nhiều trong các phim Chúng Tôi Muốn Sống và Đất Lành…Cũng như nhiều phim thời sự của VNCH thời ông Diệm vẫn được chiếu trong các rạp chớp bóng trước khi đi vào tuồng chính.

Vì vậy tôi bắt đầu cầm máy sớm. Khi còn là sinh viên, tôi theo học khóa đào tạo nhiếp ảnh viên tài tử của Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam tổ chức ở Hội Việt Mỹ với các bậc thầy như Cao Lĩnh, Nguyễn Ngọc Hạnh, Cao Đàm, Mạnh Đan… Tôi đã tí toáy gửi ảnh tham dự các cuộc thi và ảnh đã được triển lãm cũng như đôi lần được giấy khen, được giải khuyến khích.

Khi ở trong quân ngũ, lúc nào tôi cũng thủ một chiếc máy hình. Hơn mười năm qua tôi không tơ tưởng đến chuyện cầm máy nữa. Nay tôi là công nhân chuyên súc, rửa chai lọ cũ trong một hãng. Đây là một ân huệ lớn của các ông thuộc Sở Nhà Đất và Công An Phường. Họ đã bố trí cho tôi làm công nhân ở đây để có thể êm xuôi vụ bắt chú Trung hiến nhà. Tôi đã trở thành một người gương mẫu của chế độ, có đóng góp lao động và được hộ khẩu hợp pháp để mua nhu yếu phẩm.

Sau đám cưới, và nhất là sau khi được làm việc ở công ty rửa chai lọ, tôi coi như tạm yên. Tôi đi làm để mà đi làm bởi vì lương công nhân có lẽ chỉ vừa đủ để mua gạo cho hai đứa. May là gia đình bên Mỹ vẫn chu cấp đều nên cuộc sống cũng không đến nỗi nào. Tôi có cảm giác hồi phục trở lại. Sau những năm dài cô quạnh trong tù, sau những lao đao của kiếp người, tôi đã đi tìm được bình yên. Tôi được yêu thương, được ông bà nhạc coi tôi như con đẻ, đối xử với tôi như đứa anh cả trong nhà. Lũ em Thu quấn lấy tôi và nhất là tối tối tôi vẫn kèm bài vở cho tụi nó.

Thu hiền và dịu dàng. Thu trong sáng lúc nào cũng lo cho tôi. Tôi đang có một mái ấm gia đình.

Khi đứa con đầu biết bò, tôi muốn có hình chụp để gửi cho ông bà nội nó. Ông thợ chụp hình sau một hồi đắn đo, đồng ý đến tận nhà chụp nhưng đòi một khoản tiền lớn làm tôi khựng lại. Ông ta kể tràng giang đại hải rằng thuốc rửa rất đắt, phim khan hiếm. Ông ta cũng ra điều kiện là phải chụp nguyên cả cuộn thì mới bõ công đến nhà. Tôi nhẩm tính vào thấy nếu tôi có máy thì rẻ hơn nhiều. Bàn đi bàn lại, Thu đồng ý là nên có một chiếc máy chụp hình.

Mấy ngày qua tôi mò mẫm đi tìm một cái máy rẻ rẻ một chút. Thật ra máy ảnh bây giờ không quá đắt có lẽ vì chẳng ai có thì giờ tiền bạc để phí phạm vào nhiếp ảnh. Nó phù phiếm. Nó không thực tế. Những chổ bán máy hình không còn nhan nhản như trước 1975 và tất cả máy bày bán đều là máy cũ nhưng còn rất tốt, nhất là so với giá ngày xưa thì rất rẻ. Tôi loay hoay. Tôi đắn đo. Mua máy loại bết quá thì không có đủ những căn bản kỹ thuật như độ nhạy độ mở…Cuối cùng tôi cắn răng mua cái Nikon F3 ống kính normal.

o O o

Thỉnh thoảng Việt Nam cũng có những cuộc thi nhiếp ảnh. Một hôm vợ tôi về bảo tôi:

– Em vừa phải đi dự một vụ triển lãm nghệ thuật. Mấy tấm hình anh chụp đẹp hơn nhiều, sao anh không gửi dự thi.

Tôi cười ngất vì quả thật tôi không có ý định dự thi, đoạt giải. Sinh hoạt xã hội gần như xa lạ với tôi. Tôi chỉ biết cặm cụi ngày ngày rửa chai lọ, sắp vào những thùng lớn để ngày ngày công ty đem đi phân phối. Đủ thứ chai, thứ lọ được thu hồi bằng nhiều ngả, nhiều ngách, từ những người lượm chai cho đến những chai lọ được đem đổi như chai bia “33” chẳng hạn. Ngày đánh nhau với chai lọ, tối về vui với gia đình. Tôi cũng gần như không có bạn bè ngoài gia đình Trung. Tôi bỏ nhậu nhẹt vì không còn thích nữa một phần, phần khác là tiền bạc. Chiếc máy hình là trò vui duy nhất và tôi chỉ chụp Thu, chụp con cái và cảnh chung quanh nhà. Tôi rửa hình lấy nên tổn phí chẳng đáng bao nhiêu. Khi nghe Thu khuyến khích tôi cười:

– Ờ để coi. Nhung giải thưởng bằng tiền mặt mới gửi à nhe.

Hai vợ chồng tôi cùng cười về viễn ảnh kiếm tiền bằng ảnh nghệ thuật.

Vậy mà tôi đoạt giải thật, một lúc tới hai giải. Giải đầu là cuộc thi toàn quốc có trên 1000 ảnh gửi dự.

Bức tôi chụp hai đứa con ngồi cạnh nhau được chấm nhất, ngoài bằng khen và huy chương tôi còn nhận được một triệu đồng. Bức thứ hai cũng chụp hai đứa nhỏ được giải nhất trong cuộc thi nhiếp ảnh vùng Thái Bình Dương. Tôi không dám ký tên Đỗ Lệnh Dũng mà dùng tên con gái. Thiên hạ bắt đầu để ý đến nhiếp ảnh gia Mai Uyên.

Một ký giả của tờ báo Tân Gia Ba đến thăm Việt Nam viết bài và cần có hình ảnh đăng kèm. Ông ta tìm tới tôi nhờ giúp. Tôi không rõ tờ báo đó đã sử dụng bao nhiêu tấm hình, chỉ biết tôi kiếm được một số tiền quá lớn ngoài sức tưởng tượng khi mà lợi tức trung bình của dân Việt chưa tới 300 đô, tôi chỉ tốn chưa đầy 2 đô la vốn liếng và vài ngày làm việc mà kiếm tới 250 đô la thì quả là ghê gớm.

Thành quả đầu tiên trong đời cầm máy khiến tôi chú trọng hơn đến ý nghĩ trở thành một nhiếp ảnh gia nhà nghề.

Tình trạng kinh tế của Việt Nam vào thời điểm những năm cuối thập niên 80 chưa có gì khả quan nếu không nói là tồi tệ. Đâu đó tôi đọc thống kê của các cơ quan như Lương Nông Quốc Tế hay Ngân Hàng Thế Giới thì Việt Nam vẫn bị liệt vào nước nghèo nhất thế giới. Lương cán bộ công nhân là lương chết đói và trong bối cảnh đó thiên hạ tìm những nguồn lợi phụ nhưng đôi khi lại lớn hơn gấp nhiều lần như tham nhũng hối lộ, như buôn lậu.

Hình như cả Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung thoi thóp được là nhờ những thùng quà và tiền từ ngoại quốc gửi về. Mọi thứ càng ngày càng khan hiếm sau hơn mười năm ngưng tiếng súng. Mọi thứ ngày xưa tìm đâu cũng có nay trở thành quí hiếm. Thuốc và giấy rửa hình là thí dụ. Nó biến mất nhưng chỉ là bề mặt, nếu có móc nối, có tuy-ô thì vẫn tìm ra nhưng rất đắt.

Trong cái mơ mộng trở thành nhiếp ảnh gia nhà nghề, tôi cố trang bị thêm một ống kính 105 mm, một ống kính Wide-angle và cũng lập được một phòng tối dã chiến tạm dùng đủ. Điều may mắn là các hãng ngoại quốc -trừ Mỹ vì vẫn còn cấm vận – đang mon men nhảy vào khai thác thị trường Việt Nam. Họ vào là để hành sử theo đúng kinh tế thị trường là phải quảng cáo, giới thiệu món hàng trước. Một trong những đòn họ tung ra là bảo trợ các cuộc thi. Đủ mọi hình thái từ thể thao đến hội họa, từ văn chương đến nhiếp ảnh. Tôi dự tất cả những cuộc thi ảnh và như lần nào cũng hoặc chiếm giải hoặc ảnh được trưng bày. Điều may mắn hơn là những báo Tuổi Trẻ, Lao động đều đăng ảnh của Mai Uyên.

Khi sở Du Lịch đưa ra kế hoạch quảng cáo du lịch, họ cần một nhiếp ảnh và theo như sau này tôi nghe thuật lại thì người phó giám đốc đã nhớ đến tên tôi vì đọc báo Tuổi Trẻ

Khi Sở Du Lịch muốn tuyển nhiếp ảnh gia Mai Uyên, nhưng khi biết rõ tôi là sĩ quan Ngụy bị bắt tại chiến trường, bị tù dài dài và nhất là gia đình bố mẹ anh em đều ở Mỹ thì “coi bộ căng lắm”. Tôi khai có vợ cũng đang làm công nhân viên cho Sở Du Lịch thì mọi sự “bớt căng” đi một chút. Cuối cùng họ đồng ý mướn tôi theo từng kế hoạch, có nghĩa giản dị khi nào cần thì gọi. Tôi cũng thích như vậy hơn vì được rộng cẳng, không phải trói buộc với thủ tục hành chính lỉnh kỉnh, không phải chung đụng hàng ngày với công nhân viên cán bộ nhà nước và nhất là không phải đối phó với những tranh quyền đoạt lợi ở sở.

Khi tôi được biết là sẽ chịu trách nhiệm “bố trí một đội ngũ” nhiếp ảnh gia “có tay nghề cao và vững” để đi chụp thắng cảnh từ Nam ra Bắc, tôi thực sự xúc động bồi hồi dù viễn ảnh phải xa vợ con cả tháng có làm tôi thực sự băn khoăn. Nhưng cái ước mơ tự thủa thiếu thời nay bừng dậy trong tôi. Tôi ước mơ được thấy Hồ Ba Bể, ChùaTây Phương. Tôi sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để được xuống Thới Bình, Cà mau để nhìn những rặng dừa nước, cánh đồng Nọc Nạn, thăm Thất Sơn. Rồi còn Đèo Cả, Đèo Ngang. Rồi còn những cái tên tôi nghe từ thủa lọt lòng như núi Ba Vì, như Cha Pa.

Phải chăng khi tôi quyết định lập gia đình với Thu và vun vén cái tiểu gia đình mà tôi coi như mạng sống của mình, phải chăng khi lờ đi cái viễn ảnh Mỹ, còn có một lý do thầm kín khác ngấm ngầm trong tôi? Tôi yêu đất nước và tôi muốn đặt chân lên mọi nẻo đường Nam Bắc, tôi muốn thực sự nhìn thấy quê hương và đó là một trong những lý do khiến tôi không để ý gì đến vụ bảo lãnh? Tôi tâm sự với Thu điều này. Thu dịu dàng:

– Anh phải nhận đừng để lỡ cơ hội. Đừng lo cho em và các con vì ông ngoại bà ngoại và cậu dì ở trong nhà. Không phải lúc nào anh cũng có dịp đi một vòng Nam Bắc đâu. Nhớ là phải viết Nhật ký để em đọc và đừng mê gái Hà Nội là được.

Kế hoạch của Sở Du Lịch rất rõ ràng. Ảnh do đoàn công tác chụp sẽ được đem triển lãm ở các quốc gia khác trong nỗ lực quảng cáo nét đẹp của Việt Nam để giúp phát triển du lịch.

Tôi đề nghị và được chấp thuận danh sách có các tay nhiếp ảnh hạng nhất của Việt Nam: Cao Đàm, Trà Hoa Nữ, và hai người con của Cao Đàm là những người đang được chú ý như những ngôi sao của thế hệ đang lên.

Tôi đã chìm mình trong sương mù Cha Pa, đã ngẩn người nhìn tượng La Hán trong Chùa Tây Phương, đã chua xót nhìn Lăng Khải Định với kiến trúc ngô nghê, đã dầm mình trong Thác Bản Dốc. Núi cao trùng điệp, sông dài mênh mông của đất nước từ Nam ra Bắc khiến tôi thực sự khám phá ra mối liên hệ giữa người và thiên nhiên, giữa một cá nhân và dân tộc.

Chính nhờ cơ hội này mà tôi được nghe và đến tận nơi những địa danh như Cù Mông, Thạch Hãn, Cổ Loa, Đèo Ngang, Đèo Cả… Làm sao tôi kể hết ra được những nỗi xúc động khi đối diện với âm vang dội lại của cả một quá trình lịch sử dân tộc.

Đất nước mình đẹp quá. Lịch sử dân tộc có một bề dày với lịch sử Hán tộc. Dân mình hiền lành thông minh và cần cù.

Tôi không thể nào kể hết được những tình cảm dấy lên trong tôi ở mỗi nơi, từ cái giếng đến đến những cảnh chùa, nơi đâu cũng đều mang chứng tích của lịch sử.

Lớp sóng phế hưng đã phủ lên những danh tích như từ những mảnh vụn của đời sống, của cảnh vật, đâu đó tôi vẫn lờ mờ nhận ra gốc rễ của mình.

Thành Cổ Loa đã không còn nữa nhưng thật khó ngăn nổi những bồi hồi khi cầm trên tay mũi tên bằng sắt nay đã gỉ, lớp hoen ăn sâu vào trong và mũi không còn sắc như xưa. Câu chuyện Thần Kim Qui và chiếc Nỏ Thần chắc chỉ là huyền thoại nhưng chắc chắn đạo quân An Dương Vương đã trang bị cung tên rất hùng hậu mới chống trả được Triệu Đà. Tôi đã tần ngần khi thấy một rổ lớn những mũi tên được thu lượm. Nó là chứng tích của lịch sử. Lồng trong đó là truyện tình đẫm nước mắt Trọng Thủy Mỵ Châu. Nước trong cái giếng sấu thăm thẳm đó có thật sự rửa sáng những viên ngọc trai chăng? Tôi ngờ là không nhưng khi đứng nhìn vào lòng giếng, ít ai cầm nổi xúc động.

Rồi còn trụ đồng Mã Viện. Nó tượng trưng cho sức đề kháng của dân Nam trước áp lực Bắc phương. Mã Viện đã là thủ phạm vụ tịch thu trống đồng đem về Tàu nấu chảy đúc tiền và làm trụ đồng để yểm dân Nam. Không còn dấu tích trong cái vụ với lời yểm “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” nhưng họa Bắc Phương vẫn còn đó. Thác Bản Dốc đẹp vô cùng, đúng là một địa điểm du lịch đầy hấp dẫn. Tôi đã chụp rất nhiều ảnh nơi đây.

Tôi cũng đã trở lại Hà Nội của thời thơ ấu. Suốt mấy ngày một nỗi buồn day dứt ẩn hiện không lúc nào nguôi. Người dân Hà Nội của 1954 nay đâu mất. Hà Nội vẫn là thủ đô nhưng không còn vẻ thanh lịch ba sáu phố phường của Thăng Long. Nay là những lời nói sỗ sàng, là thái độ sẵn sàng ăn thua đủ, là những sống sượng đến phát lợm giọng. Nhà cửa vẫn tiêu điều dù tiếng súng đã ngưng trên một chục năm. Những mái ngói thấp lụp sụp xiêu lệch. Những mảng tường long lở và những cánh cửa gỗ mở ra, phía trong tối om. Lòng mong mỏi, nỗi háo hức của tôi khi vượt cầu Long Biên đã nhường cho nỗi ngán ngẩm của thực tế.

Nếp sống Bắc Nam thật khác. Khi tôi chụp hình một bà già ngồi ăn xin ở cổng chùa Thầy, lập tức hai ba viên công an ập đến.

– Anh định bêu xấu xã hội chủ nghĩa hay sao mà chụp ăn mày?

Họ đòi dẫn tôi vào trụ sở công an, đòi tịch thu phim và cả máy hình. Tôi cố giảng giải cho họ cái khía cạnh đẹp khi sự việc được lọc qua ống kính, họ mắng tôi là ngụy biện. Cùng đi để canh chừng và giám sát tụi tôi có viên Phó Giám Đốc Sở Du Lịch và ông này chắc chắn là công an cỡ bự, ông ta xuất trình giấy tờ đủ thứ họ mới tha cho tôi. Khi ở Rạch Giá, tôi chụp cảnh mấy đứa nhỏ gầy guộc xanh xao đang tắm trong một vũng nước thì chẳng ai để ý và viên công an áo vàng còn cười:

– Chụp làm chi mấy đứa nhỏ ở truồng?

Đây cũng là một cơ hội lớn cho tôi vì cũng được cầm máy với hai nhiếp ảnh gia đầy tay nghề là Cao Đàm và Trà Hoa Nữ. Từ họ, tôi học được rất nhiều về nhiếp ảnh. Nhưng có lẽ lời khuyên lớn nhất của ông Đàm “Ống kính là vật vô hồn. Mình có để hồn mình vô đó thì mới có tấm ảnh đẹp, mới đem lại sức sống cho ảnh, tránh nhàm chán, lập lại. Muốn thế phải mở to con mắt ra nhìn sao cho tìm được nét riêng do mình tạo ra.”

Toàn bộ tập ảnh được Sở Du Lịch in ra và đem đi triển lãm ở nhiều nơi để giới thiệu du lịch. Tôi thực sự không hiểu là ở những đâu vì đó không phải là điều đáng để ý. Điều đáng quý nhất là tôi đã được đi, được nhìn và cá nhân tôi, tôi cũng đã giữ được một bộ ảnh khá đồ sộ. Tôi bảo Thu khi hai đứa ngồi nhìn ảnh:

– Đây là tài sản quý nhất anh để lại cho em và các con.

o O o

“Bây giờ con đã có gia đình, đã có con cái nên con sẽ thông cảm với bố mẹ nhiều hơn. Mẹ vẫn cằn nhằn bố từ bao nhiêu năm qua vì đã không nỗ lực vận động xin xỏ để con đi cùng gia đình hồi 1964. Bố cũng đã suy nghĩ rất nhiều và đã có nhiều đêm không ngủ vì câu hỏi đặt ra. Liệu cái quyết định để con lại Việt Nam hồi đó có thuận lý hay chăng?

Bây giờ sau bao nhiêu năm trời, cái quyết định vào lúc này không phải là ở bố mẹ nữa mà là của chính con – đúng ra phải nói là của vợ chồng con. Bố chỉ muốn con chiêm nghiệm cái tình phụ tử của con đối với hai đứa cháu nội của bố. Lòng yêu thương của cha mẹ đối với con cái khó có thể đo lường so sánh được. Cái day dứt từ bao năm qua vẫn còn nguyên nơi bố mẹ. Bố chỉ mong con vì bố mẹ và hơn nữa vì tương lai của hai đứa nhỏ, sớm lo thủ tục để có thể nhập cảnh Hoa Kỳ. Bố mẹ đã làm hết sức. Ông Sam Grave cũng làm hết sức. Theo chỗ bố hiểu, Sở Di Trú Mỹ đã chấp nhận trường hợp của con…”

Ít khi bố tôi viết thư và nếu có thì cũng chỉ vài hàng ngắn. Đây là lần đầu ông cụ viết một lá thư dài “tâm sự” với tôi về chuyện xảy ra từ bao năm trước.

Thú thật ngay sau khi xảy ra vụ vì thuộc tài nguyên quốc gia, ở tuổi động viên, tôi phải ở lại Việt Nam, tôi có cáu kỉnh bực dọc nhưng có lẽ vì còn trẻ quá, tôi quên đi rất nhanh. Đời đẹp quá, ở Việt Nam hay Mỹ có khác gì nhau? Tôi có mọi thứ ở đây. Bạn bè, gia đình chú dì, và Dung. Cuộc sống theo đó cuốn tôi theo vận mệnh của miền Nam. Cơn lốc dữ của dân tộc đã đẩy cá nhân tôi vào những vòng xoáy lớn khiến tôi không còn thì giờ ngoái cổ lại mà thương tiếc dĩ vãng hay suy nghĩ về một sự việc để đặt câu hỏi “giá mà thế này, giá mà thế khác”

Sau bao nhiêu biến đổi, nay tôi đã định lại được, đã có một gia đình nhỏ, đời sống vật chất chẳng thể hơn ai nhưng cũng không đến nỗi phải than phiền. Tôi có tình yêu thương tràn trề của người vợ lúc nào cũng cười vui, cũng chiều chuộng. Tôi có một đứa con gái rất xinh, một đứa con trai rất ngoan. Có nên đánh đổi cái an bình này để đi Mỹ, để bắt lại từ đầu?

Ngay khi tôi ra khỏi tù, điện tín của bố mẹ là một thông điệp rõ ràng. Mọi sự xếp sang một bên lo đi Mỹ càng sớm càng tốt. Tiếp theo đó, tôi nhận đủ thứ giấy tờ từ những tờ giấy của nhà băng bảo đảm bố mẹ tôi có đủ tiền lo cho tôi, thư can thiệp của Thượng Nghị Sĩ Mỹ với Sở Di Trú yêu cầu Hoa Kỳ chấp nhận cho tôi dược nhập cư, cho đến cả thư của ông Phó Tống Thống Al Gore. Tôi biết ông bạn Sam Grave vẫn liên tục vận động cho tôi. Trong một thư, ông Sam viết:

“Những gì tôi được biết cho thấy ở Việt Nam hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn, Tôi tin rằng Hoa Kỳ sẽ cống hiến cho anh nhiều cơ hội hơn. Anh hãy tìm cách để qua sống ở nước này vì tương lai của anh, của gia đình anh, và nhất là của hai đứa con. Tôi tin rằng nền giáo dục của Hoa Kỳ sẽ giúp rất nhiều trong việc học hành của chúng nó…”

Sau những đợt vượt biên, người dân Việt Nam nay nói đến HO, đến đoàn tụ gia đình. Tin tức từ bên ngoài cho thấy thuyền nhân nay bị xua đuổi, bị từ chối và cũng có rất nhiều tin nói có thể những người đang kẹt lại các trại tị nạn ở Thái Lan, ở Mã Lai, Nam Dương sẽ bị hồi hương. Vả lại, vượt biên ngoài chuyện có thể bị bắt, bị tịch thu gia sản, sống bơ vơ cầu bơ cầu bất, còn nạn hải tặc, nạn bị bão chết cả tàu, cả thuyền. Bây giờ là chuyện HO và đoàn tụ. Thiên hạ bàn tán đủ kiểu, theo dõi tin tức về vụ này và loan truyền về đủ mọi mánh khoé, mưu mẹo, giấy tờ để có thể thuộc diện HO, diện con lai, diện đoàn tụ. Phải nói đó là cơn sốt của Sài Gòn.

Vợ chồng tôi cũng nói chuyện nhiều về vụ đi Mỹ. Thu rất thẳng thắn bảo nàng sợ đi Mỹ. Bố mẹ anh em Thu đều ở Sài Gòn. Cả đời nàng gắn bó với Sài Gòn. Sang đó nàng sẽ vô cùng cô đơn. Nhưng Thu bảo tùy tôi, đi đâu nàng cũng đi đó, vợ chồng sống chết có nhau, vui cùng hưởng, hoạn nạn cùng chia.

Tôi vẫn cứ dụ dự cho đến một hôm thấy đứa con trai đầu lòng hý hoáy vẽ. Tôi lẳng lặng đến phía sau cu cậu nhìn. Tôi giật bắn người. Con tôi đang vẽ hình ông Hồ Chí Minh. Đứa nhỏ ngoái lại nhìn bố, cười toe.

– Ba. Cô giáo bảo vẽ Bác, đứa nào vẽ đẹp nhất được thưởng kẹo.

Tôi cố dằn xuống để con tôi không thấy sự xúc động nơi tôi. Hình ảnh thiếu nhi khăn quàng đỏ “ôm hôn Bác thắm thiết” chợt hiện ra. Nếu con tôi cũng sẽ tôn thờ ông Hồ như nền giáo dục của chế độ cố uốn nắn thì sao? Tôi cố lấy giọng ngọt ngào bảo:

– Con vẽ hình ba đi, ba cho nhiều kẹo hơn cô giáo.

– Con phải vẽ hình bác chứ. Bác yêu nhi đồng lắm. Nhờ Bác mình mới thắng Pháp thắng Mỹ…

Tối hôm đó tôi kể lại cho Thu. Hai vợ chồng ngao ngán nhìn nhau. Hai đứa nhỏ sẽ ra sao nếu được nhồi sọ kiểu này? Quyết định đi Mỹ trở nên dứt khoát hoàn toàn.

o O o

Khi tôi ôm hồ sơ vào để phòng vấn, mọi sự xảy ra êm xuôi, trừ một câu hỏi làm tôi suy nghĩ. Người Mỹ phỏng vấn tôi từ đầu vẫn nói chuyện qua một thông dịch viên dù ông ta biết tôi hiểu tiếng Mỹ. Khi xếp đống giấy tờ lỉnh kỉnh – mà có lẽ quan trọng nhất là cái giấy ra trại, cái bùa hộ mạng của dân HO – ông ta bỗng nói bằng tiếng Việt rất sõi:

– Trường hợp của anh rõ rệt, lại có nhiều giấy tờ từ Mỹ bảo đảm, tại sao tới giờ anh mới lên gặp chúng tôi. Bộ anh không muốn đi Mỹ à?

– Tôi cũng không biết phải giải thích như thế nào nữa. Nhưng bỏ quê cha đất tổ ra đi thì cũng cần suy nghĩ cho chín.

Người phỏng vấn gật gù như học được một từ Việt Nam lạ tai:

– Suy nghĩ cho chín. Lần đầu tiên tôi nghe tiếng này.

– It’s an important decision

– Indeed. It’s important decision.

Khi gia đình tôi rời văn phòng ODP, tôi nhớ lại tòa nhà trắng cũ vẫn còn đó nhưng bỏ trống chơ vơ khác với hai lần trước tôi đến. Lịch sử đã lật qua trang và đang có tin Mỹ sẽ ủi sập cái bin-đinh đồ sộ đó để xây lại. Nhưng đó là phần của Mỹ. Phần của Việt Nam thì sao? Nhất là phần đời của những người người dân khốn cùng, của những kẻ đã chịu mọi hậu quả của súng đạn. Sau cuộc chiến, chuyện đổi thay nhưng vẫn còn nằm trong chờ đợi.

Tối hôm đó, khi cả nhà đã ngủ yên, tôi lẳng lặng ra ngồi ở gốc cây mận. Chung quanh yên tĩnh lạ thường. Tôi ngửi thấy mùi đất ẩm trộn lẫn trong lá cây đang ải trong vườn. Đất ấm như đang dâng lên trong cái oi nắng còn lại sau một ngày mệt mỏi. Lòng tôi trống rỗng, như một hiếu vắng. Tôi không suy nghĩ được gì, ngồi đó nhìn vào cái mờ ảo của khu vườn lâu nay vẫn là nơi tôi lui về, trốn chạy trước những ồn ào của cuộc sống. Tôi biết chắc tôi sẽ mất cái khu vườn thương yêu này, nơi bố con tôi hay thong dong, hay cười đùa. Rồi còn lại những trái ổi, trái mận ngọt ngào, trái khế chua dôn dốt. Rộng hơn nữa là Sài Gòn, là Việt Nam. Nhưng tôi có muốn con tôi trở thành đối tượng của Đoàn, của Đảng? Tôi có muốn con tôi tôn thờ thần tượng Hồ Chí Minh? Đổi chác nào cũng có giá trị của nó. Tôi ý thức rõ điều đó và băn khoăn tự hỏi rồi mai mốt đây, trong quãng đời còn lại, liệu tôi sẽ giống như bố tôi, loay hoay suy nghĩ, tự dằn vặt về một quyết định liên quan đến con cái chăng? Tôi không rõ và câu trả lời chắc chắn sẽ có trong tương lai, không phải của vợ chồng tôi mà có lẽ của hai đứa nhỏ.

Tôi quay vào nhìn con. Hai đứa nhỏ đã thiếp đi và lạy trời trong giấc ngủ chúng nó không mơ thấy Bác Hồ.

o O o

Suốt hơn ba tháng tôi không như còn là tôi nữa, lúc nào cũng thấp thỏm, lúc nào cũng đúng ngồi không yên. Mọi sinh hoạt cá nhân và gia đình đều quay quanh viễn ảnh sẽ rời khỏi Việt Nam. Tôi thăm hết người này đến người khác và điều đáng để ý nhất là mọi người đều chúc mừng tôi. Tôi không dám nói với ai về suy nghĩ của tôi vì có thể thiên hạ sẽ cho tôi là rởm, là làm bộ, hay hơn nữa là lên mặt đạo đức, yêu nước cái mẽ ngoài. Nhưng tại sao lại phải mừng rỡ khi rời quê hương bản quán, quê cha đất tổ. Cuộc đời tôi gần như gắn chặt với nhưng tang thương, những đen tối nhất trong lịch sử nhưng chính sự gắn bó lại khiến tôi day dứt. Dạo sau này lúc nào rảnh là tôi lại mò mẫm đọc lại lịch sử Việt Nam. Hồi bé tôi không có cơ hội để thực sự hiểu lịch sử dân tộc vì tôi được giáo dục trong một môi trường cách biệt với quảng đại quần chúng. Tôi nhớ và thương ông Mai Văn Khoa vô cùng bởi vì những gì ông nói với tôi về quá trình của dân tộc mình trong những ngày ở Phước Long. Từ đó lòng mong mỏi tìm hiểu đã thôi thúc tôi. Tôi đọc đi đọc lại sách của cụ Trần Trọng Kim. Tôi thủ kỹ cuốn Việt Nam Máu Lửa. Tôi mê ông Đào Duy Anh. Tôi đọc gần như nát cuốn của ông Lê Văn Siêu và Nguyễn Đăng Thục. Điều mà tôi cảm nhận lớn nhất là lòng yêu nơi chôn nhau cắt rốn, là sự gắn bó với làng với nước. Tôi ngẫm nghĩ về bài đọc trong cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Cái ông già đi khắp nơi để rồi cuối cùng về nói với con cháu :

– Quê hương là chốn đẹp hơn cả.

Tôi đã quên hẳn Malraux, Gide hay những tác giả cổ điển như Molière hoặc tân thời sau này như Sagan. Tôi quay về với Bướm Trắng, với Hồn Bướm Mơ Tiên. Qua Tắt Đèn của Ngô Tất Tố, tôi thương chị Dậu hoặc bất cứ phụ nữ Việt Nam nào mà Chị Dậu là điển hình. Một phần nào tôi hiểu cha tôi hơn qua Nguyễn Tuân, hiểu mẹ tôi qua Cô Mai trong Nửa Chừng Xuân. Tôi cũng yêu thơ của Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng và cả thơ của ông thầy triết học Nguyên Sa.

Sách vở miền Nam đã bị thiêu hủy, bị đốt từ sau năm 1975 nhưng nhờ lòng yêu quý sách vở của một số đông nên vẫn còn những cuốn được lưu truyền lén lút. Tôi đang ở trong trạng thái khám phá không những phía ngoài mà cả ở chính trong tôi qua văn học Việt Nam. Tôi tự nhủ tuy muộn nhưng chính từ sự muộn màng đó, tôi chiêm nghiệm được cái quá khứ nhỏ bé của tôi trong cái chúng lờn của dân mình. Đây có lẽ cũng là lý do khiến tôi chần chừ trong việc nộp đơn xin đi Mỹ.

Nhưng rồi cái gì đến phải đến. Chỉ còn ít lâu nữa tôi sẽ rời Việt Nam, một chọn lựa tưởng như dễ dàng nhưng khi xảy ra không khỏi có những day dứt dằn vặt.

Khi leo lên chiếc phi cơ ở Tân Sơn Nhất, tôi dắt Mai Uyên và nói nhỏ với nó:

– Mai mốt lớn lên con phải nhớ con là người Việt Nam.

Nó ngước mắt nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi bỗng thấy câu nói của tôi nửa có tính cách cải lương, nửa dối trá với chính mình nhưng tận cùng là nỗi chua xót ngậm ngùi.

o O o

Chuyến bay vất vả, chuyển từ Vọng các tới San Fancisco rồi mới bay đi Hoa Thịnh Đốn. Vợ con tôi đờ đẫn có lẽ vì mệt, vì mất ngủ, vì không quen với đố ăn trên phi cơ và có thể cũng vì căng thẳng.

Nhưng ở phi trường National Airport là cả một hội ngộ rất lớn. Bố mẹ con cái ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Bố tôi già hơn xưa nhưng vẫn tráng kiện. Ông ôm tôi nói nhỏ:

– Cám ơn con đã đem vợ con con qua đây với bố mẹ.

Nghe như một lời tạ lỗi làm tôi sững sờ. Mẹ tôi miệng thì cười tươi nhưng hai mắt đẫm lệ, hai tay ôm hai cháu. Mấy đứa em tôi quấn lấy Thu hỏi thăm. Sam Graves đứng cao vượt lên và khi bắt tay, ông nói với tôi:

– Welcome. Welcome to America.

Tôi biết cái chân tình của Sam đối với tôi. Ông đã xông vào mọi cửa, liên lạc mọi nơi để vận động cho tôi được Hoa Kỳ chấp nhận. Cảm động hơn nữa là ông đã bay lên tận Washington DC để đón tôi. Tình bằng hữu là một nối kết khi đã có thì mỗi ngày một thêm bền chặt.

Khi về đến nhà lại là một đại tiệc. Đồ ăn thức uống ê hề. Người ngạc nhiên nhất có lẽ là Thu vì đủ thứ mà nàng không ngờ như bún, chả giò, bánh tôm và cả cà cuống nữa. Cuối bữa, tôi thấy Diệp nháy nháy mắt rồi đi ra vườn. Tôi theo cô em gái con chú dì ra. Hai anh em ngồi ở cái ghế gỗ. Diệp hỏi:

– Anh có muốn gặp Dung không? Em chưa dám nói cho Dung biết vụ anh lấy vợ cũng như anh sẽ qua đây.

Tôi trầm ngâm. Quả tình hình bóng Dung đã khuất hẳn trong cái quá khứ dồn dập của đời tôi. Tôi nhìn Diệp, cô bé ngày xưa nay đã lớn, có gia đình trông chững chạc hẳn ra. Tôi thong thả:

– Anh cám ơn Diệp, nhưng thôi đừng nói gì nữa. Như vậy có lẽ tốt cho anh, tốt cho Dung. Mỗi đứa đều có gia đình, có đời sống phải lo. Let bygones be bygones

Đêm ở Virginia dịu dàng. Thảm cỏ xanh như thẫm hơn trong bóng đêm mờ nhạt. Diệp cầm tay tôi bóp nhẹ:

– Tụi em hiểu anh và khi gặp nhau tụi em tránh không nói đến quá khứ. anh nói cũng phải. Mọi sự bây giờ khác, không như ngày xưa nữa. Em đồng ý với anh sẽ không nói năng gì. Let’s bygone be bygone.

Diệp quay sang cười:

– Chị Thu xinh lắm, lại hiền nữa. Mừng anh. Hai bác chắc vui lắm.

– Anh cũng mong hai bác vui và mong Thu được các em thương. Thu không quen ai ở đây cả, chỉ có gia đình mình. Thôi, mình vào với cả nhà đi.

Hai anh em thong thả đi vào nhà. Diệp bảo tôi:

– Virginia dễ thương lắm vì là đất của tình yêu. Virginia is for lovers. Anh với chị Thu đang là “lovers” thế nào cũng yêu nơi đây, nhất là mùa thu.


No comments: