ĐỖ LỆNH DŨNG - CHƯƠNG 4

  Lê Thiệp

                                                  

 

CHƯƠNG 4

 

Những thùng quà của gia đình vẫn gửi từ Mỹ cho tôi đa số là quần áo và đôi khi là thuốc là. Ông Thiếu Úy Mai bảo tôi rằng Lucky quấn ở Mỹ, nhất là ở Virginia, bao giờ cũng đậm đà hơn, thơm hơn. Tôi không chú ý gì đến sự cách biệt đó, Lucky trong hộp Ration C cũng chẳng khác thứ ghi sản xuất ở Richmond, Virginia. Bởi thế thỉnh thoảng hễ có Lucky Mỹ thứ thiệt tôi lại đem chia với ông Mai.

Những thùng quà gửi về đột nhiên có những thứ vô lý phản ảnh một cái nhìn khác về chiến tranh. Khi Đại Úy Graves đưa thùng quà gửi qua APO, San Francisco, mở ra tôi thấy có thuốc trị hôi nách, thuốc xoa trừ muỗi, thuốc chống sốt rét, có dao cạo râu kiểu Mỹ xài một lần rồi vứt đi bằng nhựa, có nước hoa xoa sau khi cạo râu, và đặc biệt có một cái lưới trùm đầu để khi ngủ không bị muỗi đốt cùng một lô đồ lót rất dầy, may kiểu người nhái, mặc vào độ năm phút ngứa ngáy, mồ hôi ra như tắm.

Ông Sam hí hửng cho hay má ông đã cố vấn bố mẹ tôi mua những của lạ này.

Chiến cuộc mỗi lúc một một khốc liệt và quân số Mỹ tham chiến ở Việt Nam cũng mỗi lúc một gia tăng, theo báo chí thì lên đến nửa triệu lính. Khẩu hiệu của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị là: “Hậu phương vững mạnh ủng hộ tiền tuyến anh hùng”. Hậu phương có vững hay không chưa rõ nhưng hậu phương nay tràn ngập đồ Mỹ. Đi lang thang ở Saigon, hoặc ngay tại Phước Long, tôi có thể mua bất cứ thứ lỉnh kỉnh gì trong thùng quà bố mẹ tôi được cố vấn mua gửi cho tôi. Nhu cầu đẻ ra nhu cầu, và khi nhu cầu lính Mỹ qua Việt Nam gia tăng thì thầy giáo dạy tiếng Việt ở Mỹ đâm ra có giá. Bởi vậy, mẹ tôi và mấy đứa em trở thành cô giáo ở Fort Bragg và học trò phần lớn là binh sĩ Lực Lượng Đặc Biệt. Theo thư của mấy đứa em thì những khóa tiếng Việt rất chớp nhoáng, nội dung là dạy những câu chào hỏi thông thường và một số câu cần trong những trường hợp nguy khốn như “Tôi đói quá” hoặc là “Có đơn vị Mỹ gần đây không?

Mẹ tôi hẳn cũng sốt ruột vì cậu con trai trưởng đang cầm súng và ám ảnh bởi những hình ảnh chiến tranh được chiếu liên tu bất tận trên tivi Mỹ. Khi ông Sam viết thư chắc có kể về tôi nên hai gia đình bắt liên lạc với nhau. Trong thư, mẹ tôi bảo bắt chước bố mẹ ông Sam mua các thứ đặc Mỹ này gửi về vì “Mẹ biết con cần những thứ này hơn cả. Mấy gia đình có con đi lính ở đây đều gửi cho con cái họ vì ở Việt Nam không có“.

Hà, nếu bố mẹ tôi biết có thể ra ngay chợ Phước Long để mua thì ông bà sẽ nghĩ sao?

Đấy là chuyện cố vấn nhau ở bên Mỹ. Chuyện cố vấn nhau ở Việt Nam cũng có những điều phải suy nghĩ. Bản thân tôi chỉ là sĩ quan cấp thấp trong quân đội nên không rõ ở cấp cao hơn, quân đội Việt Nam được cố vấn những gì. Có thể về chiến lược, chiến thuật hành quân phối hợp nhiều đơn vị lớn cỡ sư đoàn với thiết giáp, phi cơ, pháo binh yểm trợ như cuộc hành quân Lam Sơn 719 chẳng hạn. Một ông bạn cùng khóa có mặt trên con đường 9 dẫn vào Tchepone Nam Lào thoát chết trở về kể cho tôi nghe rằng cuộc hành quân vĩ đại này do tướng Lãm chỉ huy không đạt được thành quả như dự trù. Ở nhà chú tôi, khi chầu rìa mạt chược, tôi nghe các vị lớn tuổi bảo người Mỹ đã sai lầm khi cố vấn cho Quân Đội VNCH tung ra cuộc hành quân này.

Nhưng đó là chuyện trên cao, chuyện của các vị tướng lãnh. Chuyện của tôi là chuyện ông cố vấn đơn vị. Khi tôi về với Đại Úy Cảnh, ông cố vấn Mỹ của tụi tôi là một ông Đại Úy to lớn, năng nổ và nhậu rất giỏi, nhưng tôi chưa có dịp cụng ly thì ông mãn nhiệm kỳ về Mỹ. Thay thế là một ông Đại Úy khá đẹp trai, cao lòng khòng. Đại Úy Cảnh bảo tôi:

REPORT THIS AD

– Thằng cha cố vấn mới này có vẻ được, không đến nỗi cổ cày vai bừa như thằng cũ.

Ngôn ngữ phần nào phản ánh cái nhìn sự việc. Tôi chưa thấy sĩ quan Việt Nam nào – và cả ngay binh sĩ – gọi cố vấn Mỹ là ông, trừ những trường hợp long trọng hoặc trước công chúng.

Các ông Mỹ có mặt ở những đơn vị nhỏ như đại đội của tôi cố vấn để làm gì? Thú thật là họ không cố vấn cái quái gì mà chỉ đóng vai liên lạc, truyền tin, xin tiếp liệu, yêu cầu tải thương, xin phi cơ Mỹ yểm trợ.

Sam Graves là lính trừ bị, lính tài tử. Quê nhà ông ta ở tiểu bang Indiana, tôi mò bản đồ thì thấy nó ở đâu đó giữa nước Mỹ và không có một điều gì để thiên hạ phải nhớ như kiểu nhắc San Francisco thì nghĩ đến Golden Gate hay New York là tượng Nữ Thần Tự Do. Tôi tự nhủ Indiana chắc cũng như Phước Long vậy thôi. Nhưng ngay ngày đầu tiên gặp, tôi đã có cảm tình với ông cố vấn Mỹ này. Có thể là đồng điệu tương lân. Trước hết, trông Sam Graves không gợi vẻ của GI, lúc nào cũng có cái dáng tự tin đến ngông nghênh của những người lính Mỹ to dềnh dàng. Dáng Sam cao thon đầy nghệ sĩ tính và nhất là ít nói. Tôi rất sợ những ông lính Mỹ nhan nhản ở TOC, ở Trung Tâm Hành Quân. Họ nói nhiều quá và đôi khi họ chẳng hiểu họ nói gì cả. Cái uy lực của họ là uy lực của ông anh chi tiền và đôi khi họ chi tiền – dưới đủ dạng như quân trang quân dụng hoặc phi pháo yểm trợ hoặc ngay cả những đồ PX – một cách vô lý, bừa bãi.

Ông Đại Úy Lê Tấn Vậy có lần tâm sự với tôi:

– Mẹ kiếp mấy thằng cha Mỹ đếch cần gì đến suy nghĩ của thiên hạ, tụi nó chỉ muốn ai cũng làm việc y chang như chúng nó. Mỗi nước có một lề lối sinh hoạt khác, nó lại muốn đem lề lối của nó chụp lên đầu thiên hạ ai mà chịu nổi.

Tôi không đủ tuổi tác để bàn loại chuyện này nhưng thâm tâm thì phải gật gù đồng ý. Từ những thành kiến đó, tôi hay nhìn cố vấn Mỹ dưới một nhãn quan khá chủ quan cho đến khi gặp Đại Úy Sam Graves.

Ông Mỹ này khác, không đem ba cái đồ PX ra nhử như một lợi khí để làm thân, để tìm gái. Ông ta tò mò hỏi đủ thứ về xã hội Việt Nam, về lịch sử. Vui nhất là ông nói tiếng Pháp khá sõi đủ để khi nào bí quá, không đủ chữ Ăng Lê, tôi xổ tiếng Tây với ông. Riêng ông rất muốn thực tập mớ tiếng Tây, mà theo ông, ông đã học từ trung học và sau đó đeo đuổi thêm ở đại học với cái ước mơ sẽ trở thành một phóng viên đài phát thanh. Giao tình trở nên đậm đà hơn, khi Sam viết thư về gia đình ông ta liên lạc với bố mẹ tôi để rồi qua họ, bố mẹ gửi thư, quà cáp tới tôi rất nhanh nhờ APO – Quân Bưu Chính – của Mỹ.

Đây cũng là điều đáng để ý. Thư từ, quà cáp của gia đình binh sĩ Mỹ gửi sang Việt nam chưa đầy một tuần lễ . Cái khẩu hiệu “Hậu phương vững mạnh ủng hộ tiền tuyến anh hùng” rất đúng trong vụ thư từ này, nhưng là hậu phương của Mỹ, không phải là của Việt Nam. Vì tôi đã thấy những lá thư của gia đình binh lính Việt Nam gửi từ Cần Thơ lên Phước Long mất cả tháng chưa tới. Nhưng cũng chả nên so sánh vì so với Mỹ chỉ có thua, trừ vụ thịt gà. Sam Graves rất khoái thịt gà Việt Nam, bảo thơm và ngon hơn thịt gà Mỹ và cũng đã biết ăn gà luộc với lá chanh. Đơn vị tôi là nhiệm sở thứ ba của Sam. Trước đó ông theo một tiểu đoàn của Sư Đoàn 5 Bộ Binh, rồi là cố vấn cho một ông quận trưởng. Ông đã xin được làm cố vấn cho một đơn vị tác chiến thứ thiệt và vì vậy ông đến với Quyết Tử. Sam bảo tôi rằng cho dù là lính bất đắc dĩ, ông ta muốn là một người lính đúng nghĩa, cầm súng chiến đấu trực diện với chiến tranh và cố gắng để hiểu thế nào là chiến tranh ở chỗ tận cùng nhất.

REPORT THIS AD

Chúng tôi không nói về chính trị, không bàn về ý nghĩa cuộc chiến. Hai đứa đều đồng ý mỗi cá nhân muốn hiểu chiến tranh thì cách tốt nhất là sống với nó và chỉ khi trực diện với cái chết, mọi điều sẽ được giải đáp. Tôi và Sam bỗng trở thành cặp bài trùng khác hẳn những sĩ quan Việt Mỹ quanh tôi. Tôi đã ngồi hàng giờ nghe ông ta kể về cảnh thơ mộng của Indiana, cố hiểu môn football, baseball mà vẫn mù tịt. Ngược lại, ông cũng nghệt mặt nghe tôi kể về Dung, về mối tình thiêng liêng của tôi và không bao giờ thông cảm được với trò đá bóng.

Nhưng trên hết, Sam Graves là một người tận tụy với công việc và sòng phẳng với mọi người. Cùng toán của ông có hai người hạ sĩ Mỹ chuyên về truyền tin và tiếp liệu. Tôi quan sát và thấy ông đối xử với hai người lính dưới quyền khác hẳn so với sĩ quan và lính Việt Nam. Ông tôn trọng họ và chia sẻ với họ trong mọi tình huống, nhất là khi làm việc.

Đại Úy Cảnh cũng có cảm tình với Sam và dặn dò tôi lo cho ông cố vấn đàng hoàng, đừng để có chuyện đáng tiếc xảy ra.

Chuyện đáng tiếc vẫn xảy ra như thường và chỉ một chút nữa thì Sam Graves đã trở thành “cố Đại Úy”. Tôi đã lên lon, trở thành Trung Úy lúc nào không biết. Khi Đại Úy Cảnh đi phép, tôi trở thành quyền đại đội trưởng Quyết Tử và bỗng nhiên với hơn hai mươi tuổi đầu, tôi trở thành người có trách nhiệm về cả trăm sinh mạng của binh sĩ và rộng hơn nữa là sinh mạng của nhiều người khác trong đó có cả những người dân và luôn cả binh lính Cộng Sản. Có lần chúng tôi bắt được hai tù binh từ Bắc xâm nhập. Họ trẻ quá, hiền quá như những cậu học trò trung học. Tôi có thể làm tình làm tội họ, hoặc nữa là bắn họ. Tôi đã rùng mình trong suy nghĩ rằng mình có quyền định đoạt cái chết của người khác

Lần đó vì vắng mặt Đại Úy Cảnh, tôi phải dẫn đại đội đi giải tỏa cho một tiền đồn xa. Tôi cho đổ quân cách cỡ hơn hai cây số vì tin tức cho biết địch bố trí nhiều súng phòng không. Trực thăng bay chậm là một mục tiêu dễ ăn phòng không nhất. Khu vực Bù Gia Mập nổi tiếng dữ và địa thế hóc hiểm, nhiều rừng và đồi. Tôi chia quân thành hai cánh tiến theo đội hình chữ V ngược. Vừa vượt qua hai ngọn đồi trọc thì chạm địch. Thú thật, tôi không rõ có phải bị phục kích hay tình cờ chúng tôi phát giác ra có địch. Nếu phục kích, địch sẽ không chọn địa thế bất lợi như vậy vì chúng tôi tuy di quân ở triền đồi trống trải nhưng lại ở trên cao. Địch rải dọc phía đồng cỏ tranh phía dưới, dù được cỏ che lấp nhưng nhiều chướng ngại vật đủ to và vững để che chở. Cách nào đi nữa thì súng đã nổ khi mũi nhọn vừa xuống tới chân đồi. Tôi lăn người nằm xuống quan sát. Tôi giữa cánh mặt, ông Thiếu Úy Ngọc và Chuẩn Úy Sao giữ cánh trái. Địch bố trí theo hình cánh cung và hỏa lực khá mạnh, tôi ước lượng quân số hai bên ngang ngửa. Lính Quyết Tử rất quen những trận đụng độ kiểu này, dàn trận rất nhanh. Tôi gọi ông Ngọc qua PRC được biết bên đó có vẻ nặng hơn.

Đúng lúc đó viên hạ sĩ truyền tin hét lớn:

– Trung Úy, Trung Úy!

Và lính quýnh đưa tay chỉ. Tôi chết điếng vì sợ. Sam Graves nổi bật giữa trận địa, vì cao lênh khênh lại thêm khẩu M14 dài trên tay rất dễ nhận ra là một tên Mỹ xâm lược, là cố vấn ác ôn.

Trận mạc đã dạy tôi nhiều thứ, trong đó có một mục tiêu ưu tiên của địch là nhắm vào truyền tin, nhắm vào sĩ quan chỉ huy và nhất là nhắm vào cố vấn Mỹ. Phá được truyền tin là cắt đứt liên lạc. Hạ được chỉ huy là rắn mất đầu. Bởi vậy trong những cuộc đụng như đang diễn ra, mọi quan sát có thể trong tầm nhìn, hỏa lực địch thường tập trung vào truyền tin và sĩ quan. Đó là lý do tại sao lon của sĩ quan khi hành quân thường thêu bằng chỉ đen và ăng ten luôn luôn là loại ăn ten lá lúa rất ngắn. Nhưng những mục tiêu đó là hạng bét so với cố vấn Mỹ. Hạ được một cố vấn Mỹ là một đòn chí tử giáng xuống bọn xâm lược. Vồ được một cố vấn Mỹ thì chiến công còn lớn hơn, vì có thể dùng để đổi chác ở bàn hội nghị. Đó có thể là lý do Đại Úy Cảnh luôn luôn bắt ba ông cố vấn Mỹ đi sát với Đại đội trưởng và dặn dò tôi “đừng để chuyện gì đáng tiếc xảy ra”.

Chuyện đáng tiếc xảy ra vì hỏa lực địch đổi hướng tập trung hết vào giữa, nơi ông Đại Úy cố vấn nay nằm bẹp dí dưới đất. Từ bên này quan sát, tôi thấy cạnh ông còn một người lính Quyết Tử. Đạn cày quanh họ, tôi nhìn thấy những viên sỏi tung lên. Chết là cái chắc vì tôi không thấy họ động đậy gì nữa.

Tôi quyết định chớp nhoáng, gọi PRC yêu cầu Thiếu Úy Ngọc giữ vững tuyến, gia tăng hỏa lực. Tôi ra hiệu và Trung sĩ Hải hiểu ý, vẫy tay. Hơn một nửa trung đội ào lên, lợi dụng địch chuyển hướng, xông tới. Đạn nổ ròn. Tôi vẫy tay và khoảng hơn nửa trung đội còn lại vừa trườn trên đất vừa bắn xối xả.

Địch phải quay lại bảo vệ sườn phía trái và thiếu uý Ngọc dẫn cánh quân của ông lấn dần lên. Khi tôi bò được tới chỗ Sam thì địch có lẽ bị tổn thất nặng đang vừa bắn vừa rút.

– Dammed it, stupid American!

Đại Úy cố vấn Sam Graves nghệt ra trước câu chửi thề của tôi, lắc lắc giơ tay chỉ người lính Quyết Tử bị thương máu me đầy mình.

Hỡi ơi, khi thấy anh ta bị trúng đạn chới với, Sam không suy nghĩ gì, đã phóng lên toan dìu anh ta lùi lại.

Điều ngạc nhiên nhất trong trận này là phía ta không bị thiệt hại gì ngoài người lính duy nhất bị thương trong khi địch để lại hai xác và khá nhiều vết máu.

Tôi tiếp tục chửi thề, giận dữ trong khi Sam không hiểu tại sao. Cho đến khi tiếng súng ngưng hẳn, báo cáo với hậu cứ xong xuôi, ông đến cạnh tôi hỏi nhỏ nhẹ:

– Nếu có một người lính bị thương, anh có lên cứu họ không?

– Tôi khác, ông khác. Ông là cố vấn Mỹ, không có ông ai xin phi pháo yểm trợ tụi tôi. Ông đến đây để cố vấn, không phải để làm anh hùng. Mà ông chết thì tôi cũng bỏ mẹ.

– Chúng ta đang cầm súng ở mặt trận…

– Tôi lập lại, ông là cố vấn, là tiếp tế, là phi pháo. Tôi là Việt Nam, tôi là đứa bắn súng, là đứa bóp cò.

Bỗng đâu một nỗi buồn vô cớ dâng lên trong lòng tôi. Tôi nhớ đến những tấm hình nước Mỹ thanh bình mà bố mẹ và các em gửi cho tôi. Tôi nghĩ cảnh êm đềm ở Indiana mà Sam vẫn kể cho tôi nghe. Tôi thấy trước mặt tôi là cảnh bố mẹ Sam đang tưới cỏ trước nhà họ, một căn nhà gỗ màu trắng. Tôi rùng mình khi nghĩ đến người vợ của ông lính Mỹ này ra sân bay đón xác chồng. Người lính Mỹ này ăn nhập gì đến tôi, đến chúng tôi và cái cuộc chiến này. Cái trái ngược hiện ra ngay giữa cảnh êm ấm thanh bình của những tấm hình và cảnh tượng nheo nhếch, chết chóc ngay tại đây, ngay tại núi đồi Bù Gia Mập.

Tôi vỗ vai Sam nhỏ nhẹ:

– Tôi xin lỗi đã nặng lời với ông. Tôi cảm ơn lòng hào hiệp của ông đã cố gắng cứu một người lính Việt Nam. Nhưng như một người bạn, tôi xin nhắc đây là cuộc chiến của chúng tôi, không phải của ông.

REPORT THIS AD

Khó mà tưởng tượng được hai ông sĩ quan Việt Mỹ đốp chát với nhau như vậy giữa trận mạc. Nhưng sau đó, Sam Graves đã cẩn thận hơn, luôn luôn đi sát với bộ chỉ huy và thường làm gì cũng hỏi ý chúng tôi trước. Đại Úy Cảnh rất tinh, nhìn ra ngay và khen tôi:

– Chú mày giỏi, dạy dỗ sao mà ông cố vấn đâm ra khá hẳn đi.

Chuyện xảy ra là như vậy và tôi cũng đã trình bày sự việc với nhân viên Tòa Đại Sứ Mỹ rằng chuyện cứu viên sĩ quan Mỹ không có gì ghê gớm vì đó là bổn phận của tôi, và hơn nữa chính vì mạng sống của tôi và binh sĩ dưới quyền. Nhưng với Sam thì khác. Sau lần cãi lộn chửi thề, ông thân với tôi hơn, đi hành quân lúc nào cũng đi sát tôi và chính ông đã bắn che cho tôi trong trận Phước Lộc khi tôi bị thương ở cổ tay. Điều đáng để ý nhất có lẽ là Sam Graves trầm ngâm hẳn đi. Tôi thấy có những lần đi hành quân, khi nghỉ, Sam ngồi một mình tư lự, ngó vào khoảng không như muốn tìm gì đó. Tôi luôn tôn trọng những giây phút như vậy, lòng thầm mong Sam Graves khám phá được ý nghĩa của những gì đang xảy ra ở quanh ông, ở một nơi xa lạ như cái xứ Việt Nam khốn khổ này.

Tôi nằm ở Cộng Hòa độ một tuần sau trận Phước Lộc thì Sam ghé thăm với một thùng cam Sunkist vàng ươm. Sam Graves báo tin ông đã mãn nhiễm kỳ, sẽ về Mỹ trong vài ngày tới. Chúng tôi ngồi nói chuyện khá lâu, tôi chúc ông mọi điều may mắn và Sam lại nói với tôi vụ tôi cứu ông. Tôi cười ngất:

– Đến giờ này mà ông vẫn chả hiểu gì cả. Dẫu thế nào ngoài việc chúng ta cầm súng, tôi nghĩ chúng ta còn là bằng hữu. Chuyện tôi cứu ông không nên thổi phồng lên khiến tôi ngượng.

Tôi lấy lá cờ giật được ở Phước Lộc đưa cho Sam:

– Rời khỏi đây, ông sẽ sống một cuộc đời êm ả hơn ở xứ của ông. Đây là lá cờ khiến tôi suýt chết và ông cũng có mặt ở đó bắn che cho tôi. Máu trên lá cờ là máu tôi. Nhớ nhau ông nhìn nó và nghĩ đến Việt nam là đủ.

Tôi không mường tưởng được là Sam Graves đã tìm đủ mọi cách đưa tôi sang Mỹ. Ông ta đã viết thư đi khắp các cơ quan, liên lạc với dân biểu nghị sĩ Mỹ để yêu cầu cho phép tôi sang Hoa Kỳ thăm gia đình.

Đó là lý do tại sao tôi được tòa đại sứ Mỹ triệu lên tới hai lần. Nhưng phải đợi tới gần hai mươi năm sau, cũng chính nhờ Sam Graves, tôi lại lên – lần này là văn phòng ODP – để làm giấy tờ.

Quá tam ba bận, cuối cùng tôi cũng được đi và gặp lại Sam Graves ở phi trường Dulles, Virgina.

 

No comments: