ĐỖ LỆNH DŨNG - CHƯƠNG 5

  Lê Thiệp

                                             

 

CHƯƠNG 5

 

Đúng như định lệ của quân đội, sau hơn hai năm tôi được lên lon trung úy. Hình như chiến tranh cũng được lên lon theo tôi. Nửa triệu lính Mỹ nay đang có mặt ở Việt Nam và nếu tính người ra người vào, vì mỗi Tour of Duty một năm, thì số người Mỹ đến Việt Nam e có lẽ lên đến nhiều triệu người. Trong một lần tán gẫu, ông Thiếu Úy Mai hỏi tôi:

– Ông có biết tiếng Mỹ đầu tiên được Việt hóa là tiếng gì không? Chắc chắn là ông biết !

Tôi đờ người ra rồi buột miệng:

– Ô kê Sa-lem

– Tầm bậy, và nó không được Việt hóa. “Oẳn Tù Tì”, nhớ không? “One, Two Three”.

Tụi tôi cùng cười những bỗng đâu ngay trong quân đội, rất nhiều tiếng Mỹ đã được sử dụng một cách tự nhiên chẳng ai thắc mắc. TOC là Tactical Operation center, Trung Tâm Hành Quân. Cần một “lift” tức là cần trực thăng đến bốc. LZ là “Landing Zone”. Ration C là đồ hộp mang ra chiến trường. Field Jacket là cái áo lạnh của lính mặc ấm không thể tả được. Plastic không phải là thứ nhựa để chế bao ni lông mà là chất nổ. Nhất là đồ PX và Pink Dollar, những thứ gợi đến một cuộc sống khác, một xã hội khác ở xa tít mù tắp, nơi được thiên hạ coi là thiên đường hạ giới. Chỉ có điều không hiểu tại sao những người đang sống yên lành như vậy lại hùng hục rủ nhau sang cõi địa ngục này. Nhan nhản lính Mỹ mặc áo da thêu câu “when I die I will go to heaven because I’ve been living in Vietnam”

Cố vấn Mỹ đôi khi xuống tới cấp đại đội. Kè kè lúc nào bên Đại Tá Yểm cũng là một ông Đại Tá Mỹ. Khi thuyết trình hành quân cả tá cố vấh Hoa Kỳ và các ông thông dịch viên hiện diện. Càng ngày quân đội Việt Nam càng phụ thuộc vào hệ thống yểm trợ của Hoa Kỳ từ viên đạn đến đôi tất nhà binh mầu cứt ngựa rất dày.

Trong bối cảnh đó, một hôm vị Đại Úy trưởng phòng Ba Tiểu Khu yêu cầu tôi trình diện. Ông bảo:

– Trung Úy được biệt phái. Coi bộ Đại Tá Yểm không vui vì vụ này.

Tôi hỏi được biệt phái đi đâu thì ông lắc đầu:

– Trung Úy có gốc lớn, chắc biết biệt phái đi đâu rồi mà. Thôi cứ lên gặp ông thầy rồi xuống đây tôi làm thủ tục.

Đại Tá Yểm ngồi sau chiếc bàn giấy lớn nhìn tôi từ đầu tới cuối rồi chậm rãi nói:

– Bên Lữ Đoàn Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ xin đích danh yêu cầu biệt phái Trung Úy. Đây là sự vụ lệnh.

Ông không nói gì thêm, chỉ nhìn tôi lắc cái đầu và đưa tôi tờ giấy. Ông không biết rằng sự việc xẩy ra bất ngờ ngay cả đối với tôi, vì quả tình tôi không hiểu tại sao một đơn vị lớn như vậy lại xin tôi biệt phái sang, mà lại xin đích danh? Có thể Đại Tá Yểm nghĩ tôi bon chen, vận động. Ông khách sáo gọi tôi là Trung Úy đúng theo cấp bậc thay vì vẫn gọi tôi là “Cậu” hay đôi khi thân mật hơn là “Chú mày”. Tôi thì mù mờ chẳng hiểu gì nhưng nghĩ rằng như vậy là về được Biên Hòa, về gần Sài gòn hơn và nhất là gần Dung.

Trở về hậu cứ của đại đội, tôi vẫn lơ mơ chưa rõ đầu đuôi. Một tên Trung Úy vô danh tiểu tốt như tôi đâu đáng để một đơn vị lớn như Không Kỵ Hoa Kỳ để ý đến để yêu cầu biệt phái đích danh tôi? Bạn bè xúm lại hỏi thăm. Đại Úy Vậy ghé và nghe tôi nói tôi chẳng hiểu mô tê gì vụ này. Người đại úy đàn anh đoán có lẽ là ông chú Hà Bỉnh Trung, lúc đó đang làm ở Phủ Tổng Thống nhúng tay vào chăng? Tôi lắc đầu không tin vì đã có lần tôi nhăn nhó với ông về những chuyện như thế này. Tại sao là chuyên sau, mọi người xúm lại đãi tôi, đủ thứ bia rượu, đồ nhậu tới nỗi tôi say mèm không còn biết trời đất gì nữa.

Mấy ngày sau sau đó tôi cũng chưa rõ sẽ phải tới đâu để trình sự vụ lệnh thì được tin là sẽ có trực thăng tới đón tôi. Đây lại là một bất ngờ khác. Trực thăng đến đón một mình Trung Úy Dũng thì quả là vinh hạnh, ngạc nhiên hơn nữa tên phi công lại là thằng Thành cùng học một lớp từ hồi còn bé. Nó cũng ngạc nhiên không kém và toác miệng chửi thề:

– Mẹ kiếp, ông là ông nội tôi rồi còn gì. Tôi bay “phi vụ đặc biệt” tưởng là nhân vật lớn nào, ai dè lại là ông.

– Ha, Trung Úy Đỗ Lệnh Dũng của mày không đáng là nhân vật lớn hay sao?

Hai đứa cùng cười ngất và khi hạ cánh xuống, tôi thấy một rừng trực thăng đậu như ruồi trên bãi đáp của First Calvary Divison. Chưa ra khỏi phi cơ, tôi hiểu ngay Trung Úy Đỗ Lệnh Dũng lại được ưu ái đến thế.

Thiếu Tá Mc Donnell đứng tươi cười đón tôi trong bộ biệt kích rằn ri. Tôi nhớ đến cô em gái Quế Hương và mối tình Việt Mỹ dang dở.

Mẹ và hai đứa em tôi vẫn tiếp tục dậy tiếng Việt ở Fort Bragg hễ tiện khi những ông lính học trò sang Việt Nam, gia đình tôi lại gửi khi thì thư từ hình ảnh, lúc thì tí quà. Một trong những ông lính học trò này là Thiếu Tá Mike McDonnell. Khi ông đến Việt Nam ghé nhà để đưa thư từ đúng vào lúc tôi đang về Sài gòn. Chú Trung vui vẻ hẹn ông lại ăn tối và trong câu chuyện tôi nhờ ông chép lại lời bài Quốc Ca Mỹ vì nghe hoài mà không rõ nghĩa.

Thiếu Tá Mỹ cao to, đẹp trai, đầu húi ngắn, cử chỉ lanh lẹn và cũng bặp bẹ được vài câu tiếng Việt nên bữa cơm diễn ra ồn ào vui vẻ với chả giò, và tùm lum đồ ăn Việt Nam. Mike chinh phục tình cảm của mọi người dễ dàng vì cái gì ông ta cũng chơi tuốt, kể cả ớt hiểm và cà cuống. Sau này Mike cho tôi hay ông ta được huấn luyện để thích nghi với mọi hoàn cảnh sống, chuyện ớt hiểm hay cà cuống nhằm nhò gì. Ông ta từng ăn thịt rắn, thịt cóc trong những kỳ huấn luyện mưu sinh vì đã là quân nhân Lưc Lượng Đặc Biệt thì phải chấp nhận mọi thứ.

Ông đưa tôi lời bài hát Quốc Ca Mỹ và trước sự yêu cầu nồng nhiệt, ông đã cất cao giọng.

Cái không khí vui vẻ trong bữa ăn khiến Mike bạo dạn hơn và yêu cầu tôi hát Quốc Ca Việt Nam. Tôi đờ người, nhìn lũ em cầu cứu. Tụi nó đã không giúp, còn cổ võ vô bắt tôi hát. Tất nhiên tôi đã chào cờ nhiều lần, nhất là từ khi đi lính thì gần như mỗi ngày. Tôi chào cờ và lẩm nhẩm hát theo đám đông nhưng tôi biết chắc là không thuộc. Tôi nhớ lại hồi ở thủ đức có ông Thiếu Úy Định học ở Fort Benning về. Hồi đó tụi sinh viên sĩ quan chúng tôi đã đặt cho ông cái biệt hiệu “Nhất Định Nhì Quang” bởi ông đem toàn bộ cung cách đối sử ở quân trường Mỹ áp dụng trên đầu chúng tôi. Và ông Định bắt chúng tôi hát những bài hùng ca, vừa hát vừa ôm súng chạy mờ người. Tôi còn nhớ những bài như: “Mờ trong bóng chiều một đoàn quân thấp thoáng…” hay “Đường trường xa ta quyết đi cho đến cùng…”.

Nhưng, tôi chưa được ai dậy hát Quốc ca cả. Mỗi buổi sáng chào cờ tôi cũng hát nhưng đúng là hát theo. Thế bài Quốc Ca của mình tên gì vậy?

Rồi giữa phòng ăn của gia đình, trước mặt cô chú và lũ em cùng một ông lính Mỹ, tôi trịnh trọng: “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi. Đồng lòng cùng đi…” Tôi hát không hết vì tôi không thuộc hết, có những đoạn chỉ ậm ừ cho qua.

Mọi người cùng vỗ tay inh ỏi và khi đã bắt đầu cà phê, ông Mỹ rút bóp ra tìm cái carte visit đưa tôi. Một tấm hình nhỏ rơi ra – Hình Quế Hương, em gái tôi. Ông Thiếu Tá Mỹ ngượng chín người nhưng cuối cùng ai cũng biê’t mối tình của em gái tôi không thành vì mẹ không muốn con lấy chồng ngoại quốc. Ông ta không tâm sự nhiều và Quế Hương thì không kể gì cho tôi nghe trong những lá thư viết về từ Mỹ. Trong suốt gần một tháng chờ đợi nhận nhiệm sở , Mike hay ghé chú Trung, vừa để học hỏi thêm về đời sống, về chiến tranh, về người Việt Nam, và nhất là cố thực tập dăm ba câu tiếng Việt.

Chính ông em rể hụt này đã tìm cách lôi tôi sang làm việc với người Mỹ, với Lữ Đoàn Một Không Kỵ Hoa Kỳ – nơi mà ông được biệt phái sang phụ trách toán các “Toán Mầu”.

Kiểm lại cho mãi đến sau này tôi cũng không biết chắc vị trí đóng quân của Lữ Đoàn Một Không Kỵ vì tôi đến và đi tôi đều ngồi trực thăng. Nó nằm đâu đó ở gần phi trường Biên Hòa. Tôi được cung cấp một căn phòng khá lịch sự có giường đệm, có tivi, có một cái tủ lạnh nhỏ, có người dọn phòng, dọn giường, không khác gì tiêu chuẩn của sĩ quan Mỹ. Giữa lúc bom đạn tưng bừng, chết chóc diễn ra ở khắp mọi nơi, tôi sau những phi vụ hành quân, trở về căn phòng lịch sự, và có cái cảm tưởng mình đang ở trong một khách sạn. Cái cảm tưởng đó khiến tôi lạc lõng, khiến tôi nghĩ mình đang ăn nhờ ở đậu, nó tạm bợ và không thật. Tôi ăn uống như họ, sống như họ, và giải trí như họ. Đồ ăn thì thừa mứa ở cafeteria, muốn ăn bao nhiêu cũng có nhưng toàn những thứ khó nuốt như khoai tán, như rau brocoli nấu nhừ`, như rau bắp cải thái nhỏ trộn với nước chua chua nhờn nhờn. Thường thì tôi chỉ lấy một miếng gà, hay một cục thịt bò và ăn với rau sà lát tươi. Tối nào cũng có ciné, toàn phim mới chưa chiếu ở ngoài rạp Sài Gòn, hoặc không bao giờ được chiếu. Đây là mục tôi khoái nhất và cũng tại đây tôi được coi một số phim cao bồi ngày xưa như High Noon, như OK Coral, và nhất là những phim của Charlie Chaplin. Bên trong căn cứ Mỹ và bên ngoài hàng rào kẽm gai là hai thế giới khác biệt. Bên trong thì thừa mứa, bên ngoài thì có những em bé, cụ già đi lượm từng cái bao ny lông gom đem bán cho Ba Tầu Chợ Lớn. Tôi hiện đang ở phía trong với tất cả những tiện nghi xa lạ chính với tôi. Điều chính là nay tôi đánh nhau với Việt Cộng theo lối Mỹ, hay chính xác hơn, quan sát người Mỹ đánh bởi tôi không trực diện cầm súng và chỉ là một ông lính Việt Nam đóng vai trò bảo kê. Nhiệm vụ của tôi chỉ là “clear” chiến trường.

Trước hết, trực thăng ở đâu mà ra nhiều thế, đậu nhan nhản như ruồi. Kỵ binh hiểu nôm na là lính kỵ mã, cưỡi ngựa đánh trận. Quân đội các nước trên thế giới đâu còn xài ngựa như thời Quang Trung Đại Đế hay Nã Phá Luân nữa. Cuộc chiến lớn nhất hồi đầu thế kỷ Đệ Nhất Thế Chiến đã không có lính cưỡi ngựa bắn súng như các phim cao bồi. Calvary, Kỵ binh, vẫn được duy trì có lẽ vì truyền thống và rất nhiều sĩ quan, binh sĩ của Lữ Đoàn Một Không Kỵ vẫn đội chiếc mũ rộng vành trông giống mũ của hướng đạo sinh con cháu của BP, chỉ khác cái phù hiệu thêu hai thanh kiếm bắt chéo nhau, tiêu biểu cho tinh thần mã thượng.

Không cưỡi ngựa thì cưỡi trực thăng. Nhiệm vụ của tôi là ngồi trên chiếc UH1B còn được gọi à CNC- Command and control – cùng với một sĩ quan LLDB, một sĩ quan của First Calvary Divison và một chuyên viên truyền tin. Tôi ngồi đó để khi nào cần liên lạc với phía Việt Nam và yêu cầu “clear” để các Toán Mầu hành sự. Tôi dịch hẳn chữ Color Teams và chỉ có Lữ Đoàn Một là có Toán Mầu. Khi người Mỹ tham chiến, nhiều hình thái tổ chức được phát minh để đối phó với cuộc chiến vốn không được tuyên chiến và phi hình thái này. Không chữ nào đúng hơn là cuộc chiến toàn diện, vì vừa đánh bằng B52, bằng Phantom, Skyhawk, bằng T54, hỏa tiễn Sam, lại vừa đánh bằng bàn chông, Plastic nhồi trong sườn xe đạp. Gạo cũng được coi là vũ khí chiến thuật. Color Teams là một điển hình song song với những đơn vị có tên Mỹ như là Mike Force, tên Việt như Dân Sự Chiến Đấu, những đơn vị hoạt động độc lập và do người Mỹ huấn luyện, trả lương và chỉ huy. Toán Mầu thuộc hoạt động ở vùng ba chiến thuật, chủ yếu là ở cuối rặng trường sơn nơi đồi núi trùng điệp và rừng già phủ lấp.

Các cuộc hành quân của Toán Mầu rất chớp nhoáng, thường khởi sự vào sáng tinh mơ và kết thúc vào sẩm tối. Tôi ngồi cạnh viên chỉ huy trên chiếc CNC với tấm bản đồ khoanh khoanh xanh đỏ. Phía dưới cùng là một chiếc phi cơ trực thăng nhỏ còn được gọi là “Loach”, bé xíu và trong suốt vì phi cơ đa số bằng Plastic, bay ở giữa các phi cơ Cobra, được trang bị bốn mươi tám hỏa tiễn TOW chống chiến xa hoặc đại liên tám nòng. Trong số phi cơ bay ở giữa có một chiếc chở độ sáu đến tám người lính được huấn luyện đặc biệt để nhảy xuống nếu cần.

Trước hết tôi chỉ là một sĩ quan Việt Nam biệt phái, có lẽ để chứng tỏ có sự phối hợp giữa hai quân đội Việt Mỹ. Tôi chỉ là một thứ “căn bản pháp lý” để lỡ có chuyện gì trục trặc xảy ra người Mỹ có thể trưng bày bằng cớ đây là cuộc hành quân phối hợp và được sự đồng ý của phía Việt Nam. Với tư cách bù nhìn, tôi không rõ tin tức tình báo từ đâu tới, tại sao lại chọn mục tiêu này mà không phải mục tiêu khác, và nhất định là không bao giờ được tham dự những dự trù hay quyết định của các cuộc hành quân “cóc nhảy” này.

Tôi gọi nó là “cóc nhảy” vì có khi khoảng gần chục chiếc trực thăng đang bay bổng một chiếc sà xuống thật thấp rồi lại vọt lên cao. Khi vừa lên cao thì một chiếc khác lại sà xuống, lại vọt lên, như cảnh các con cóc nhảy lên, nhảy xuống. Chỉ cần một viên đạn từ dưới bắn lên là cả một phi đội xúm lại quần nát địa điểm tình nghi.

Chiếc “Loach” gồm một phi công và một xạ thủ đại liên. Người xạ thủ này áo giáp, mũ sắt ngồi thõng hai chân ra khỏi phi cơ, dán mình vào tấm bửng sắt che nòng khẩu súng đại liên. Loach bay thấp gần như sát ngọn cây, hoặc nếu địa thế quang đãng thì chỉ là là mặt đất. Nhiệm vụ của nó là quan sát, tìm dấu vết địch. Ngay khi phát hiện những dấu hiệu khả nghi, Viên phi công báo lên chiếc tầu chỉ huy và vào lúc đó là nhiệm vụ của tôi. Vị sĩ quan Mỹ cùng tôi chấm tọa độ. Tôi lập tức liên lạc với Trung Tâm Hành Quân Việt Nam để xem nơi đó có đơn vị bạn nào không, có dân cư gì không, có phải là vùng oanh kích tự do không, và xin “Clear”. Cái chữ “Clear” này không được dịch sang tiếng Việt và ngay khi tôi nghe đầu máy trả lời “Clear” tôi gật đầu, ký vào một tờ giấy. Đúng lúc đó là Cobra hành sự. Diễn tả có vẻ rắc rối, có vẻ như mất thời giờ, nhưng mọi sự diễn ra không quá một phút vì tôi luôn ở trên máy và cả một lực lượng phi cơ trực thăng võ trang hùng hậu chỉ chờ tôi gật đầu.

Trong suốt cuộc đời lính tráng, lúc nào tôi cũng bị ám ảnh về Toán Mầu và cách đánh trận của người Mỹ. Những cuộc hành quân đầy tổn phí và quá cơ giới đó có kết quả gì chăng? Chúng tôi bắn được khá nhiều xe Motova, đôi khi bắt được tù binh nữa.

Hiện diện trong số binh sĩ của Toán Mầu là một số những dân Mercanaries, lính đánh thuê. Khó mà tìm được những chữ khác để mô tả những người lính này. Họ không có quân số và không dính dáng gì đến tổ chức của quân đội của Việt Nam. Hơn phân nửa những người này là người này là người Miên, người Stieng và dù là người Việt, người kinh, người thiểu số, tất cả đều có một khuôn mặt lầm lì, ít nói. Họ sống biệt lập trong một khu riêng và tôi cũng chỉ ghé nơi họ có một hai lần. Đó là những căn lều vải khá rộng và đôi ba căn nhà tiền chế với hàng loạt những chiếc giường vải nhà binh.

Nhiệm vụ của những người lính này là cứu phi công và phá hủy máy bay hoặc bắt tù binh. Bắt tù binh? Quả vậy, đôi khi anh Khổng Lồ cũng chụp được chú bé David. Một lần khi đang bay quan sát dọc theo con đường mòn thì viên phi công lái chiếc Loach cho hay đã phát giác ra một căn hầm chữ A ở ven một rặng cây leo um tùm. Chiếc Loach đảo qua đảo lại sát mặt đất. Không thấy phản ứng gì mặc dù viên phi công cho hay anh ta thấy rõ ràng có người trong hầm. Quyết định chớp nhoáng được hình thành. Sáu người lính trên chiếc UH 1B nhảy xuống, ào tới, và lôi ra được một chú với khẩu AK47 cùng đồ tế nhuyễn có võng dù, một cái bị quần áo và một túi lương khô.

Ngay khi đáp xuống căn cứ, tôi phải thông dịch cuộc hỏi cung chớp nhoáng. Người tù binh trông cỡ độ hơn hai mươi tuổi, mặt ngơ ngác nói năng ú ớ. Ngồi gần anh ta, tôi ngửi thấy mùi xú uế, chợt hiểu ra và ra hiệu cho mấy người Mỹ lui ra. Tôi lôi anh ta ra một góc, đưa cho một lô giấy và một cái quần bảo thay đi. Sợ quá, anh ta đã bĩnh ra quần.

Tôi hỏi anh ta sợ gì, bộ sợ Ngụy mổ bụng moi gan ăn chắc? Sợ quận Mỹ xẻo tai? Khi đã hoàn hồn anh ta thú thực là liên lạc viên đang đi công tác. Đây là lần đầu anh ta trông thấy Mỹ, thấy nhiều phi cơ trực thăng Mỹ và nhất là gần đến nỗi tiếng phi cơ anh hồn phi phách tán, đờ người ra không phản ứng gì được, sợ đến nỗi bình ra quần.

Những người lính đặc biệt đi theo Toán Mầu được trang bị nhiều dụng cụ lỉnh kỉnh trong đó có một tấm lưới khá rộng đan bằng sợi dây dù. Một lần chiếc phi cơ tiền thám bay sát đất bị trúng đfạn. Chiếc phi cơ trực thăng bé tí tẹo sa xuống đất. Viên phi công và xạ thủ đại liên nhảy thoát ra ngoài. Khi vừa thấy chiếc Loach loạng quạng, bốn chiếc Cobra quần quanh bắn như mưa bấc. Đại liên, TOW bắn nát một khoảng quanh hai người lính Mỹ. Chiếc UH1B nhào xuống và như chớp những người lính đặc biệt quăng lưới. Tôi không hiểu bằng cách nào mà chưa đầy một giây họ đã kéo được cả hai người lính Mỹ to lớn lên khỏi mặt đất và lôi họ lên trong khi trực thăng vẫn đang bay và súng đạn nổ rầm rầm.

Những chiếc Cobra đảo vòng, tới tấp xả súng. Một loạt hỏa tiễn TOW nhắm vào chiếc phi cơ trong suốt và nó sụm đi như một cục plastic. Người Mỹ không muốn chiếc phi cơ này lọt vào tay Việt Cộng. Ngồi trên cao tôi không rõ đạn bắn ở dưới đất cỡ nào nhưng tôi tin rằng không một ai còn sống nổi. Bởi chỉ độ mươi phút sau, hai chiếc Phantom tới và tiếp đó là hai chiếc nữa. Bom nổ từng loạt, cây cối nghiêng ngả. Tổng cộng là tám đợt đánh bom. Các khoảng rừng ở dưới nay trông nham nhở với những hố bom khá rộng. E rằng nếu có con thỏ, chắc cũng chết thui.

Cái đáng nói nhất là phương tiện của người Mỹ và tinh thần trách nhiệm của họ. Khi tôi mới gật đầu chưa kịp ký thì những chiếc Cobra đã hành sự. Hỏa tiễn TOW trông nhỏ cỡ B40, những dài hơn và phụt ra những tên lửa. Đại liên nhiều nòng bắn ra nhưng một con rồng phun nước. Khi tôi hỏi tại sao phi cơ Phantom, Skyhawk có thể đáp ứng nhanh như vậy thì viên sĩ quan Mỹ cho hay đó là những phi cơ ứng trực. Hoặc là nó đang bay trên không phận gần đó. Nếu không, nó dẫu có đậu dưới đất, nhưng là ở ngay đầu phi đạo, phi công ngồi sẵn trên đó bất cứ lúc nào cần là cất cánh lên liền. Liệu quân đội Việt Nam có đủ phương tiện như vậy chăng?

Có một lần hành quân tôi không bao giờ quên được. Khi chiếc Loach bay là sát đất, bị trúng đạn. Ba chiếc UH1B sà xuống cũng lãnh phòng không rớt theo. Từ trên CNC viên sĩ quan Mỹ phản ứng rất nhanh, tất cả phi cơ còn lại bốc lên cao tránh né. Tôi không ước lượng nổi đơn vị địch dưới đất cỡ nào nhưng rõ ràng là đại đơn vị và phòng không khá dày. Ba chiếc UH1B còn lại xả hết hỏa lực và sau đó rời khỏi chiến trường, chỉ còn lại chiếc CNC của tụi tôi bay cao tít mù tắp. Chỉ một lúc sau Skyhawk và Phantom bay tới. Từng cặp hai chiếc một chúi xuống đánh bom.

Tôi thấy rõ hai chiếc phản lực này không xuống thấp nên thắc mắc. Viên Thiếu Tá Mỹ ngồi cạnh gục gặc cái đầu nói để chờ xem. Suốt gần nửa tiếng phản lực chỉ đánh lai rai và bỗng nhiên viên sĩ quan ra lệnh CNC rời khỏi chiến trường. Tôi đưa mắt ngạc nhiên nhìn. Ông ta lắc đầu:

– B52.

Lúc đó vào khoảng quá trưa. Tụi tôi trở về Landing Zone đổ xăng và ăn trưa sau đó được lệnh bay trở lại. Khi tôi nhìn xuống tất cả cháy rụi, không một cây nào đứng thẳng, và cả một khu rừng trông như một vệt xám lớn giữa rừng núi xanh rì. Tiếng lúc đó là “trải thảm”. B52 bay ở độ cao cả vài ngàn thước thả không biết cơ man nào bom xuống mục tiêu. Một lần hành quân tôi chỉ nằm cách chỗ B52 giội bom cỡ ba cây số nên hiểu thế nào là trải thảm. Bom nổ từng chập như sấm rền đến độ dù cách mục tiêu đến ba cây số tôi vẫn thấy trời đất rung rinh.

Lần đó một cuộc hành quân truy kích được thực hiện chớp nhoáng và tôi đọc được trong báo cáo rằng địch để lại nhiều xác chết đếm không xuể cùng với nhiều võ khí trong đó có bốn khẩu phòng không. Lúc đọc báo cáo tôi băn khoăn tự hỏi làm sao có thể đếm xác được? Tôi e không có cái gì còn sót lại sau những trận mưa bom B52.

Cũng phải công nhận tinh thần trách nhiệm của họ nữa. Đối với tôi, tôi thấy người Mỹ ngớ ngẩn, ngây thơ và không hiểu cuộc chiến và rất vô lý khi đem áp dụng cung cách hành sử của họ áp đặt lên phía Viẹt Nam. Nhưng khi làm việc họ làm tới nơi tới chốn. Khi leo lên phi cơ, mỗi người Mỹ đem theo một cái sandwich. Họ bay như vậy từ tảng sáng cho tới sẩm tối. Khi cần đáp xuống tiếp tế nhiên liệu xong là bay tiếp, không có vụ lè phè đi ăn mì, ăn hủ tíu ở quán chị Ba chị Tư.

Trung bình một tuần tôi phải bay ba đến bốn lần từ sáng đến chiều. Ngồi trên chiếc trực thăng lơ lửng giữa trời nhìn xuống rừng núi trùng điệp, đôi khi tôi thấy mọi sự vô lý cùng cực.

Cái ông sĩ quan Mỹ to dềnh dàng ngồi cạnh tôi tại sao từ đâu vác xác tới đây, ôm theo súng đạn. Cái ông du kích, bộ đội tại sao lại dép râu, gạo sống vượt Trường Sơn ôm AK, B40 bắn loạn lên? Tại sao những người như tôi phải ắc ê, phải áo giáp mũ sắt mờ người đi hành quân tối ngày sáng đêm? Cho đến giờ này sau bao năm tại ngũ, chết chóc đối với tôi vẫn là cái gì khó hiểu bởi toàn là những cái chết tức tưởi, không biện minh giải thích được?

Phía dưới tôi, trên đất nước này, bom rơi đạn nổ khắp nơi, từ trên cao nhìn xuống, những hố bom to như những chiếc ao nhỏ, hoặc trũng xuống sâu hoắm, hoặc đọng nước tù lên rêu xanh ngắt. Thật chẳng khác gì những khuôn mặt rỗ hoa.

No comments: