ĐỖ LỆNH DŨNG - CHƯƠNG 11

 Lê Thiệp

                                                 

CHƯƠNG 11

 

Những người được chế độ gọi một cách rất văn vẻ là Học Viên Học Tập Cải Tạo với hàm ý rằng họ không phải là tù, nhưng trên thực tế từ người dân cho ngay cả đến cán bộ đều gọi họ là tù. Tù Cải Tạo. Chữ nghĩa dù có đẹp đến đâu cũng không thể đánh lận con đen bởi cảnh sống thực tế cho thấy họ đang ở tù mà không hề được xử và nhất là không có tội danh. Đảng và Nhà Nước thì luôn luôn biện minh rằng đây là chính sách khoan hồng nhất. Cải tạo ít lâu trở thành người tốt thì về. Chỉ có điều thế nào là người tốt thì hoàn toàn do quyết định của Đảng, của Trung Ương, của Nhà Nước hay đôi khi chỉ là của ông cán bộ dấm dớ nào đó.

Tù binh chúng tôi sau những ngày tháng miệt mài đi xây trại cho đến khi coi như xong, đã đến lúc được tập trung lại. Lần cuối đó cỡ ba chục người được thả về, số còn lại “đáng lẽ cũng đã về nhưng vì tình hình địa phương chưa cho phép. Đảng và Nhà Nước có để các anh về ngay bây giờ thì khi về đến địa phương các anh sẽ bơ vơ, không có hộ khẩu là có thể nguy đến tính mạng vì phản ứng của dân chúng. Các anh biết các anh vẫn là tội phạm chiến tranh.”

Trời đất ơi, dân miền Nam căm thù chúng tôi đến vậy sao? Nếu là tội phạm chiến tranh thì sao không lập phiên tòa xử ?

Ông Sáu trại trưởng bảo vì đó là Đảng và Nhà Nước khoan hồng và từ nay không còn tù binh nữa và ông Sáu và những người bộ đội canh tù nay hết nhiệm vụ. Không phải là tù binh nữa, chúng tôi được cải tội danh và trở thành Học Viên Học Tập Cải Tạo đặt dưới quyền quản lý của Bộ Nội Vụ, của Công An Nhân Dân. Như vậy cuộc đời tù tội của tôi từ nay sẽ rẽ sang một ngã khác, cái đoạn đường tăm tối nhất mà tôi sẽ phải trải qua.

Đầu tiên, vì không còn trại giữ tù binh nữa nên chúng tôi được phân tán mỏng thành từng nhóm độ hai ba chục người. Mỗi toán đến một trại. Tôi nhẩm tính chỉ riêng số trại tù mới do tù binh khởi lập đã trên một chục, chưa kể đến những trại đã có sẵn. Hẳn nhiên là con số tù phải lớn lắm.

Những anh em tù cải tạo được lũ lượt chuyển ra Bắc sum họp với tụi tôi. Ngay lần hội ngộ đầu tiên đã có rất nhiều khác biệt. Những người tù cải tạo vẫn còn đượm nét “thư sinh”. Họ được nhà nước hứa đưa đi học tập mười ngày rồi sẽ trở về với gia đình vợ con. Sáu bảy tháng sau họ bị lùa xuống tầu, vào trong các toa xe lửa chở một lèo ra Bắc. Đã có những người chết ngộp trong các khoang tầu. Đã có người bỏ xác trong các toa xe. Họ bỗng bị vứt vào trong các trại tù với những căn láng sơ sệch sơ sịa, nền đất ẩm ướt.

Nước sông công tù. Nước sông vốn từ trên núi chảy tụ xuống hoặc từ mương rãnh đổ ra. Chẳng ai mất tiền để mua và hơn nữa biết bao giờ mới hết, mới cạn. Công tù cũng y chang. Họ bị đẩy vào cảnh tự dựng, tự xây lấy nhà từ để tự nhốt. Vào những năm 1976, 1977 Việt Nam lâm vào cảnh suy kiệt kinh tế. Người dân còn phải ăn độn khoai, độn bobo, ăn mì luộc viện trợ thay cơm. Dân đã vậy, tù còn khổ gấp vạn lần. Miếng ăn trở thành vô cùng vĩ đại và cái đói ám ảnh mỗi một con người. Tôi đã chạm mặt tử thần chỉ vì miếng ăn. Một lần cả đội tôi được lệnh đi đào đá ong ở khá xa. Mặc dù ăn đói, chúng tôi vẫn phải lo đào chặt những viên đá ong cho đủ tiêu chuẩn. Hôm đó khi trở về một làng gần, chúng tôi được gửi ở nhà dân. Bà cụ già đầy lòng nhân đã ái ngại nhìn chúng tôi:

– Sắn mới rỡ ở nương về, các ông cứ ăn thoải mái.

Sắn mới nhổ tươi rói, nướng thơm lừng và ăn ngọt lịm. Tôi ăn lấy ăn để, ăn không kịp nhai, mỗi miếng sắn vừa dẻo vừa bùi như quện với nhau thi đua trôi vào bao tử. Vừa ăn xong là tôi vật ra ngủ thẳng cẳng không biết trời biết đất gì nữa. Nhưng chỉ đến nửa đêm, tôi choàng tỉnh, người nóng bừng bừng. Tôi bắt đầu nôn. Nôn thốc nôn tháo, nôn tới mật xanh mật vàng. Tôi nằm không yên, ngồi không được, cả người nóng như cục than. Anh em đồng đội xúm vào và may mắn gia đình bà cụ là dân địa phương biết ngay tôi bị say sắn. Mãi sau này tôi tìm hỏi được biết trong sắn có những hóa chất gì đó nhất là sắn tươi, rất độc, nếu ăn nhiều quá lại không hợp có thể chết như chơi. Người con bà cụ cho tôi uống một hơi ba bốn bát nước nấu với một ít lá cây gì đó tôi cũng chẳng hiểu. Đầu óc tôi lơ mơ như say như tỉnh, tứ phía quay cuồng. Bát nước đầu chưa xuống đến dạ dày lại ói ra. Người nhà nông vẫn ép. Tới bát thứ ba thứ tư gì đó, anh ta vỗ vỗ vào lưng tôi:

– Không sao đâu. Không chết được đâu. Lá này chuyên trị say sắn tài lắm.

Và thật là nhân đức. Anh ta ngồi cạnh tôi kiên nhẫn bắt tôi uống thứ nước lá gia truyền, ói lại uống, cho đến gần sáng, tôi lả người đi, nằm xoải ra trên nền đất.

Tôi bị liệt giường liệt chiếu gần một tháng, lúc gượng dậy soi gương thấy mình là một người khác.

Đó là đối với tôi, một thanh niên đang độ cường tráng và đã trải qua hơn một năm quen cảnh tù đầy. Nhưng đối với tù cải tạo từ Nam ra, đối phó với cái đói cái rét khó khăn hơn nhiều. Tập thể tù cải tạo khác hẳn tù binh. Tương đối tù binh vốn là sĩ quan nên khá đồng dạng và có thể vì chúng tôi bị bắt tại trận trong lúc cuộc chiến chưa thật tình ngã ngũ nên niềm kiêu hãnh vẫn được duy trì. Tù binh đã bảo bọc nhau, đoàn kết và giữ phẩm cách để ngay chính những người cai tù cũng có phần e dè kính nể. Nhưng tập thể Quân Cán Chính miền Nam bị dồn đi học tập lại khác. Có vẻ như trại tù là phản ánh của một xã hội miền Nam thu hẹp lại. Khó mà tưởng tượng được một ông thứ trưởng, một ông dân biểu, một vị đốc phủ sứ cả đời nhung lụa nay bỗng đói, bỗng khát và bỗng bị khổ sai. Người Cộng Sản có biệt tài tha hóa con người, đẩy mọi cá nhân vào tận cùng của đáy vực khổ đau, sử dụng miếng ăn như một võ khí để bẻ gãy mọi đề kháng. Tôi đã chứng kiến cảnh những tai to mặt lớn cãi nhau vì bát cơm này đầy hơn bát cơm kia, cảnh tố cáo nhau, làm ăng ten để bớt khổ bớt đói.

Tôi nhớ mãi ông thẩm phán già, ông Nguyễn Văn Thông. Ông vốn là sĩ quan Quân Pháp đã về hưu nhưng dại dột đi trình diện học tập vì tưởng “đi cho xong, cho nó nhẹ người.” Ông bị gán cho đủ thứ tội và phải đi Bắc vì thuộc thành phần ác ôn. Trầm tĩnh, ít nói, chịu đựng nhưng từ ông là một cái gì nhân ái, tình người luôn tỏa ra. Ông bảo với tôi:

– Môn võ trong tù là ít ăn ít nói. Càng ít nói càng tốt. Càng ít ăn còn tốt hơn nữa. Và nhất là muốn trở về thì đừng làm anh hùng.

Tôi không bao giờ muốn làm anh hùng. Tôi vốn là đứa ít nói nhưng cái ăn không lúc nào không ám ảnh tôi. Bản tính tôi khảnh, nhưng từ xưa lại hay ăn vặt, lúc đi lính, ngay cả khi hành quân, lúc nào ba lô cũng có ô mai, kẹo để buồn mồm thì nhai. Có những đêm trời lạnh như cắt, gió núi lùa vào như những mũi gai, tôi sực tỉnh để thấy mình vừa mơ đang nhai kẹo lạc.

Tôi gọi ông Thông là Bác vì trọng nể tư cách và trọng nể tuổi tác. Tôi và ông Thông đã bị gọi lên làm việc một buổi vì chuyện này.

Viên quản giáo vừa thấy tôi và ông Thông là đập bàn:

– Hai anh đã học thông suốt nội qui trại chưa?

– Chúng tôi lúc nào cũng chấp hành nội qui của trại.

– Láo. Các anh láo. Các anh vẫn còn duy trì tác phong Ngụy. Vẫn đặc sệt đầu óc quan lại.

Tôi và ông Thông lúng túng chờ đòn tiếp:

– Các anh biết nội qui trại yêu cầu mọi người phải cư xử bình đẳng. Anh Dũng, anh gọi anh kia là gì?

Tôi chột dạ nhìn người quản giáo tóc bù xù và mặt thì đen quắt lại, giả lả:

– Ông Thông là bạn với gia đình từ lâu tôi vẫn gọi là bác nên quen miệng.

– Láo. Cả nước chỉ có bác là Bác Hồ. Anh định dụng tâm gì vậy? Anh định bôi nhọ chế độ hay sao? Nội qui nói rõ phải sưng hô là anh, không có cái kiểu rởm ông này bà nọ, không có cái thói quan liêu chú cháu gì nữa.

Tôi và ông Thông đã phải viết tờ kiểm điểm tới bốn tối liền. Lần đó ông Thông thì thầm trong đêm:

– Họ thế cả. Họ muốn phạt ngang phạt dọc để chặt bằng mọi thứ, cây già cây non, cổ thụ hay giây leo, cứ phạt cho ngang nhau là khu rừng trở thành đẹp đẽ lý tưởng và ta có một xã hội chủ nghĩa lý tưởng.

Cái so sánh của bác Thông làm tôi tủm tỉm cười trong đêm, nhưng quả là khó cho tôi khi phải gọi ông là anh. Đối với tôi đó là một sự bất kính, và là một băng hoại của nếp sống của dân tộc.

o O o

Lịch sử sau này chắc chắn phải đưa ra những lý do khiến miền Nam sụp đổ. Những lý do tất phải nhiều nhưng có những lý do phải là người đương thời, những kẻ trực tiếp can dự, sống trong cuộc chiến mới cảm nhận được. Với cá nhân tôi, tôi vẫn nghĩ là quân dân miền Nam diễu cợt, thiếu nghiêm chỉnh và thờ ơ. Tôi nhớ mãi khoảng một thời gian sau khi bị động viên, lúc còn đang ngu ngơ ở tiểu khu Phước Long, Trong một lần về phép được hầu chuyện với các vị thức giả ngồi xoa mạt chược ở nhà chú Trung. Tôi không nhớ ai vì tới sáu vị – phải đánh tới gió xồi – nhưng dù xoa, mọi người vẫn bàn chuyện nước. Vừa xoa vừa nói chuyện chính trị, thời cuộc, càng hào hứng. Một vị đã phát biểu:

– Cái thế tất yếu là miền Nam sẽ thắng vì chúng ta vừa đánh vừa dưỡng. Hà Nội dốc toàn lực, nay hết đáng sợ không còn sức dể kéo dài. Quí vị thấy bộ đội Bắc Việt bị bắt trong trận Mậu Thân mặt mũi non choẹt, có khi mới 16, 17 tuổi. Phải sử dụng đến con nít, tôi e miền Bắc kiệt quệ, hết nhân lực rồi.

Cái quan điểm rất lãng mạn và đầy lạc quan đó đôi khi còn được phản ánh nơi cung cách ăn nói. Phản chiến thế giới um sùm về vụ chuồng cọp và cán bộ nằm vùng đã giật giây để có được “Ủy Ban Cải Thiện Chế Độ Lao Tù”. Chuồng cọp bỗng trở thành biểu tượng cho miền Nam với tất cả xấu xa được gán ghép.

Thế Chuồng Cọp có đáng sợ như Kiên Giam không? Đối với lính tráng miền Nam, Chuồng Cọp chẳng qua chỉ là một sự ví von, diễu cợt. Đơn vị nào ở hậu cứ cũng đều có Chuồng Cọp để phạt những binh sĩ ba gai, ba đồ, thiếu kỷ luật. Đi phép mười ngày nhưng một tháng sau mới lò dò về trình diện thì phải ngồi chuồng cọp. Say rượu đánh nhau thì phải ngồi chuồng cọp. Đó là một khoảng đất trống rộng độ năm sáu mét vuông, được quây bằng giây thép gai. Kẻ bị phạt ngồi trong đó nhưng đa số đều chấp nhận trong cái suy nghĩ của mình – làm bậy nên cấp chỉ huy phạt. Họ vẫn được ăn uống tử tế và ngay cả những nhu cầu vệ sinh tối thiểu cũng vẫn được hưởng. Nhưng bỗng nhiên mấy ông nhà báo, mấy ông quay phim ngoại quốc thổi phồng lên, khiến cả thế giới nói đến Chuồng Cọp và vẽ vời rằng Chuồng Cọp là một hình thái đầy ải tù binh, hành hạ cán binh Cộng Sản bị giam giữ ở Côn Sơn, ở Phú Quốc, một biểu tượng đầy tàn ác, thiếu văn minh, không có dân chủ, độc tài quân phiệt của miền Nam. Người ngoại quốc nhìn thấy cái Chuồng Cọp với một kẻ ngồi thu lu trong đó hẳn phải rùng mình. Nhưng họ có bao giờ được biết rằng ngồi Chuồng Cọp đôi khi lại là lúc phè nhất. Nhưng nội nghe cái tên Chuồng Cọp đã rởn tóc gáy. Hỡi ơi, thế giới không nói đến Kiên Giam. Phải chăng Kiên Giam – chữ của Cộng Sản Trung Quốc – nghe nó nghiêm chỉnh hơn cái ví von Chuồng Cọp của binh sĩ miền Nam? Và khi cả triệu quân cán chính miền Nam bị đầy đọa, tại sao báo chí thế giới không ghé mắt vào xem Kiên Giam? Đã có bao nhiêu tù chết trong những lò Kiên Giam?

Suy nghĩ trên có lý do của nó. Tôi đã bị Kiên Giam và nếu không nhờ có sức thì e đã đi tàu suốt.

Mọi sự bắt đầu từ kỹ thuật khai thác sức lao động của tù. Tù nhân được lao động theo chế độ khoán, làm xong là nghỉ. Một ngày chặt 50 cây tre, đủ tiêu chuẩn thì đạt, và những người cai tù, những bảo vệ lúc nào cũng rêu rao: “Các anh cố làm nhanh nghỉ sớm.” Nhưng đến tối về học tập kiểm thảo thì tiêu chuẩn lại được đưa ra thảo luận. Tại sao anh A làm có nửa buổi là xong mà những người khác cố tình bê trễ để đến tận chiều tối chưa rồi? Ý kiến lên ý kiến xuống để cuối cùng phải nâng cao tiêu chuẩn, mỗi ngày thay vì 50 nay nâng lên 60 cây tre. Tù được khuyến khích để tự mình đẩy mình vào cái thòng lọng xiết cổ.

Toán tôi lúc đó cỡ gần năm chục nhân mạng trong đó có độ mười anh em tù binh, còn lại là tù cải tạo từ miền Nam ra. Chúng tôi được điều đi nhổ mạ, khoán mỗi người mười mét vuông. Đứng ngoài nhìn vào nhà nông làm sao dễ thế nhưng khi chính mình phải cong lưng giữa đồng mới thấy công việc không dễ, không nhẹ nhàng gì cả. Nhổ một nắm mạ phải rũ hết đất bùn ở rễ, sau đó gom lại thành từng bó lớn. Lá mạ tuy non nhưng rất sắc cứa vào bàn tay đôi khi rớm máu. Cái đáng sợ nhất là ruộng mạ non thường là hơi sấp sấp nước, chân lúc nào cũng phải ngập dưới bùn và để nhổ mạ, luôn phải ở thế cúi lom khom.

Mười mét vuông không phải nhỏ, và nếu được lứa, mạ rất dày. Lưng tôi như còng đi, gập xuống và mỗi lần đứng thẳng dậy phải rất từ từ vì bắp thịt và xương sống như dãn ra, như co lại mỏi nhừ. Chúng tôi đã rỉ tai với nhau để ì à ì ạch, làm thật chậm để mong ngày mai bớt tiêu chuẩn. Nhưng một ông bạn tù to lớn làm rất nhanh, vèo một cái đến tầm trưa là xong. Người bảo vệ cho anh ta nghỉ để linh tinh. Cái chữ linh tinh đúng là linh tinh vì anh ta có dịp đi bồi dưỡng lẻ. Anh ta mò mẫm đi tìm con cua, con ốc, kiếm thêm tí rau tăng khẩu phần. Cả đội vẫn lui cui nhổ mạ và đã có tiếng xì xào. Trên đường về anh bạn tù nhơn nhơn bảo anh ta đói quá, to con lớn xác nên cần ăn nhiều. Ô kìa ai chẳng đói? Sống trong trại tù – nhất là tù Bắc trong những năm 78, 79 – không đói thì chỉ có là thánh. Mười sáu ký lô tiêu chuẩn giấy tờ nhưng thực tế bị ăn đầu ăn đuôi e còn được mười hai ký. Chữ thực phẩm cũng mù mờ, có thể là gạo nhưng đa phần là bột mì, đôi khi là sắn. Lao động khổ sai và học tập liên miên, tù trông như những bộ xương biết đi. Đâu phải chỉ có mình anh đói?

Cuộc kiểm thảo tối đó sôi nổi và anh chàng to khoẻ ăn nhiều được tuyên dương và để noi gương anh hùng của anh ta, tiêu chuẩn nhổ mạ tăng lên mười lăm mét vuông. Hôm sau người hùng làm còn hăng hơn nữa trong khi cả đội lệt bệt hẳn so với hôm đầu. Hai tù binh – Trung úy Ngọc và Thiếu úy Lâm – cùng nhóm với tôi từ ngày đầu khi trại tù binh giải tán – đâm lì, nhất định không chịu lao động nữa, ngồi trên bờ ruộng. Ngay khi về đến trại, họ bị tách riêng ra và bị kiên giam ngay lập tức vì có “lập trường ngoan cố“.

Trước đây tù binh được giữ riêng nhưng kể từ khi tù cải tạo được chuyển ra Bắc, các trại từ đều có thường phạm. Những người tù thường phạm được giam ở những căn láng chen lẫn với tù cải tạo, đôi khi có những bức tường thấp ngăn ra. Nội qui trại nào cũng cấm đoán những liên hệ giữa hai loại tù nhưng trên thực tế, tù thường phạm là một nguồn cung cấp cho tù cải tạo. Cái gì cũng có thể mua bán đổi chác được hết. Một điều lạ là đa số tù thường phạm còn rất trẻ. Họ đều mang những án tích nghe đến rợn người, từ trộm cắp, hiếp dâm cho đến cướp của giết người. Họ như những con thú hoang sống bất cần đời, tù ngục đối với họ trở thành nhà. Chính những người bị Xã Hội Chủ Nghĩa ruồng bỏ lại là những người đầy nhân tính, đầy óc giang hồ chi nghĩa, sẵn sàng sống chết vì bạn bè, vì những điều mà họ cho là phải, là đúng. Họ cũng là những người tò mò muốn tìm hiểu về miền Nam, về những cảnh sống mà như Sáu Sẹo nói với tôi:

– Em tin là anh kể chuyện thật. Nhưng như vậy thì tụi em bị lừa, lừa từ lúc mới đẻ ra cho đến khi lớn, bị lừa cho đến già. Cả đời bị lừa, cả nước bị lừa.

Không hiểu vì sao Sáu Sẹo lại thân với tôi. Bắt đầu Sáu làm thân trước, thấy tôi ngồi một mình thơ thẩn, Sáu đến chào và đưa thuốc mời. Sau này Sáu bảo trông tôi giống người anh bị chết ở Lào. Tỉ tê đử thứ. Tôi kể chuyện miền Nam. Sáu Sẹo kể chuyện miền Bắc. Bố của Sáu là liệt sĩ, là bộ đội được điều đi Nam và tử trận. Sáu có một bà mẹ mù lòa và một cô em:

– Ở đâu bây giờ chả biết. Nó lấy chồng mạn ngược, không liên lạc thư từ gì nữa. Chắc sợ rắc rối lý lịch.

Sáu có bí danh Sáu Sẹo vì bị thương trong một trận hỗn chiến với công an. Viên đạn xuyên qua mặt trổ từ má phải sang má trái. Sáu bảo:

– Nhích lên nhích xuống một li là ông cụ làm em chết thẳng cẳng. Vậy mà không gẫy răng. Thằng bác sĩ bảo may mà viên đạn xuyên qua không chạm vào răng, vào hàm, không thì cũng đi đứt.

Không chết nhưng hai bên má Sáu lõm xuống thành hai vết sẹo và giọng nói cũng hơi ngọng đi. Sáu Sẹo học hết lớp bẩy thì bắt đầu sống bờ sống bụi và án tích chồng chất vì đủ thứ tội cho đến khi chém chết một viên công an thì bị chung thân. “Em chết trong tù không sao nhưng cứ thương mẹ em.” Bất cần đời, sẵn sàng ăn thua đủ, Sáu sẹo trở thành trùm của một đám tù lau nhau.

– Chúng em phải dựa vào nhau mà sống. Lơ mơ là chúng nó đè lên đầu.

Ông Thông thấy tôi kể chuyện bảo:

– Những hình ảnh như vậy thấy nhan nhản trước mắt. Ông cứ nhìn mấy anh em tù hình sự thì thấy ngay. Nhưng họ khác mình khác, không đồng thì không hòa được. Tôi nghĩ là ông nên đề phòng nên lơi lơi tránh xa xa một tí.

Người già và có kinh nghiệm sống lúc nào chẳng dè dặt.

Khi hai người bạn tôi bị kiên giam, cả đám tù binh như xìu xuống và đội thì ít lao xao hẳn đi. Tôi đã chứng kiến những người bị kiên giam lúc thả ra, có người đi không được chỉ bò, có người thần trí lẫn lộn cả tháng sau vẫn còn ngu ngơ. Cái đáng sợ hơn nữa là hai ông Ngọc và Lâm bị giam mà không có thời án, không rõ bị đến bao giờ.

Khoảng ba bốn ngày sau tôi xoay sở được mấy chục viên vitamin C. Tôi nghĩ đây là cách hay nhất để giúp hai ông Ngọc và Lâm. Nhưng làm sao để chuyển cho họ?

Dãy xà lim kiên giam được xây ở rìa trại, cách li với tù bằng một hàng tường thấp nhưng phía trên có rào kẽm gai. Dò hỏi lân la tôi được biết là họ ở xà lim số 6 và số 7.

Chủ nhật đó, tôi đánh tiếng Sáu Sẹo tới ngay. Nghe xong, Sáu bảo:

– Được, để em lo vụ này cho, anh yên tâm. Quăng vào cái gói tí xíu này dễ mà. Tưởng cái gì to lớn mới sợ.

Đêm hôm đó Sáu Sẹo vượt tường vào. Xà lim số 6, số 7 trống không không có ai. Sau này tôi mới rõ buổi chiều không hiểu vì lý do gì hai ông Lâm và Ngọc bị đổi sang xà lim số 1 và số 8. Sáu Sẹo đâm lao thì phải theo lao, thò miệng qua lỗ thông hơi hỏi từng phòng và cuối cùng thì cũng vứt hai gói vitamin vào đúng chỗ đúng người.

Nhưng không hiểu sao, hôm sau đàn em của Sáu Sẹo báo cho hay Sáu bị gọi lên làm việc cả ngày đến tối cũng chả thấy về. Tôi vừa lo vừa sợ, lòng như lửa đốt. Quả nhiên ngay sau đó tôi được lệnh không phải ra ngoài lao động và khi lên làm việc, tôi bị dội ngay một loạt những lời quát tháo. Tôi suy nghĩ kỹ, nhất định phải cứu Sáu Sẹo. Cách hay nhất là chối phăng để trì hoãn. Làm việc – tức hỏi cung – cả buổi, tôi vẫn khăng khăng chối coi như không biết chuyện gì xảy ra. Nhưng đến lúc được trả về, vừa đứng dậy, viên công an cười khẩy:

– Từ sáng đến giờ anh vẫn không nhận chủ mưu phá rào liên lạc với tù bị kỷ luật kiên giam. Tôi cho anh về suy nghĩ nhưng thằng Sáu Sẹo nó khai hết cả rồi.

Tôi chết lặng. Từ đầu tôi không nói và công an cũng không nhắc đến tên Sáu cho đến lúc này. Tôi thất thểu ra về, phía sau còn vẳng tiếng cười gằn của viên công an

Cách hay nhất là làm cho mọi chuyện nhẹ đi. Hôm sau tôi nhận, tôi khai giản dị:

– Tôi không làm điều gì quá đáng. Chỉ gửi cho mấy anh vài viên vitamin C.

– Vitamin ở đâu ra?

– Cán bộ cũng rõ, xin anh em mỗi người một viên.

– Anh đừng có láo. Tôi đố anh xin được nửa viên. Ngữ anh ai mà cho?

Tôi mắc đủ thứ tội. Liên hệ trái phép với tù thường phạm. Mua bán trái phép ngược nội qui, âm mưu thông đồng với tù thường phạm để phá vỡ kỷ luật trại. Liên lạc trái phép với tù bị kiên giam. Tụ tập, toa rập lập bè đảng để chống phá trại. Tôi thú thật cũng không còn minh mẫn để nhớ hết tội danh. Tối hôm đó, một đàn em của Sáu liên lạc với tôi:

– Anh khai tên Sáu Sẹo rồi phải không? Anh bị tụi Công An nó lừa rồi. Sáu Sẹo bị đánh thừa sống thiếu chết nhưng cắn răng không khai. Nhưng công an chìa cho coi lời khai của anh và nó bị điệu đi rồi.

Tôi phát hoảng:

– Điệu đi đâu?

– Có trời mà biết. Tụi em thấy chúng nó lôi thằng Sáu Sẹo xềnh xệch ra khỏi trại, e bị dần mềm xương, dám gẫy chân rồi.

– Liệu có bắn không?

– Cần gì bắn tốn đạn. Chúng nó kiên giam ở trại khác ít lâu sau thì cũng chết.

Tối hôm đó tôi chập chờn trong giấc ngủ ma quái và sáng hôm sau vừa bước vào phòng làm việc, viên công an nhìn tôi tủm tỉm cười nhẹ nhàng:

– Anh lo lắng cho hai anh Ngọc Lâm. Để chứng tỏ lượng khoan hồng, hai anh ấy được tha về đội. Nhưng trại không thể không duy trì kỷ luật với những đứa ngoan cố như thằng Sáu Sẹo. Nó cứng đầu ra cái điều hảo hán giang hồ, từ nay nó không gặp lại anh nữa đâu.

Nói xong viên công an nheo mắt nhìn tôi từ đầu đến chân. Tôi chợt thấy trước mặt tôi không phải là khuôn mặt của một con người. Nó méo mó dị dạng không ra hình thù gì nữa. Cái khuôn mặt có cái mồm rộng hoác và hàm răng nhô ra thụt vào đó hắt vào mặt tôi lời kết án chung thẩm:

– Anh cũng giống thằng Sáu. Tội anh còn to hơn vì anh chủ mưu. Anh bị phạt kiên giam hai tháng để suy nghĩ và cải hối.

Ngay lập tức hai viên công an từ phía sau có AK kè tôi đi. Trước khi đạp tôi vào căn xà lim tối om, họ lục xoát, moi hết của tôi mọi thứ vất đi, cả đôi dép râu cũng bị lột. Trời cuối tháng mười một ta bên ngoài lạnh cắt nhưng chưa thấm gì so với phía trong xà lim, bởi cảm nhận đầu tiên khi cánh cửa sập lại đối với tôi là cái lạnh buốt cả từ ngoài vào lẫn trong tâm can ra. Tôi ngồi bệt xuống sân xi măng tê tái.

Độ mươi mười lăm phút sau khi cánh cửa sập lại, tôi nghe tiếng thét từ phòng bên trái:

– Tên gì?

– Dũng.

– Tù gì?

– Tù binh.

– A ! Bao lâu?

– Biệt giam hai tháng

– Ăn thua mẹ gì.

Sau đó là im lặng.

Tôi lớn tiếng hỏi lại theo đúng ngôn ngữ của ông bạn bên kia:

– Tên gì?

– Đồng.

– Tù gì?

– Thường phạm.

– Bao lâu?

– Không thời hạn. Ở đây bốn tháng rồi.

Cuộc nói chuyện ngắn ngủi và phải hét rất to mới nghe rõ vì dãy biệt giam được xây bằng xi măng khá dầy. Căn phòng bề ngang độ một thước rưỡi, bề sau khoảng hơn hai thước. Cái khe thông hơi khá cao rộng cỡ nửa gang tay được xây xéo để ánh sáng hắt lên phía trên. Đó là nguồn ánh sáng duy nhất vì phía trước là tấm cửa gỗ dày và cửa sổ có xong sắt cũng kín mít. Tôi đưa tay sờ. Tường láp nháp sần sùi, những cục xi măng nhô ra như những chiếc gai. Mùi xú uế xông lên nồng nực. Tôi rùng mình trước cái viễn ảnh sẽ ở trong cái địa ngục này hai tháng.

Bên tai tôi vẳng tiếng ông Thông: “Muốn sống sót trở về thì đừng làm anh hùng”. Liệu cái hành động gửi mấy viên thuốc vitamin C vào cho bạn bè có phải là hành động anh hùng không? Nếu tôi không thoát nổi căn hầm tối này, thì đó có phải là cái chết anh hùng không? Liệu trường hợp tương tự xảy ra vào ngày mai, ngày mốt, tôi có lại gửi thuốc cho bạn bè không?

Tôi không suy nghĩ gì được nhiều vì có tiếng lách cách mở cửa sổ chấn song. Một bát lưng cơm được chuồn vào. Người đưa cơm chẳng nói chẳng rằng, bỏ đi. Từ sáng tới giờ tôi chưa ăn gì nhưng không thấy đói, dạ dày chắc co thắt lại, không tiết chất chua để đòi hỏi. Tôi đã có dịp nhìn những người tù ra khỏi phòng kiên giam. Có người đi không nổi chỉ còn bò lê. Có người ngơ ngơ ngác ngác như mất hồn. Tôi để bát cơm trên nền xi măng ngắm nghía. Cái bát sắt dầy dặn có lẽ được sản xuất ở Trung Quốc, nhiều chỗ sơn đã long trơ cái cốt sắt phía trong. Tặc lưỡi, tôi bốc từng nhúm những hột cơm mầu vàng ệch bỏ vào miệng nhai kỹ. Đừng để quỵ. Đừng chết. Không thể thua được.

Tôi không biết đó là bữa cơm duy nhất trong ngày. Tù biệt giam ở trại này chỉ có một lưng bát cơm một ngày. Tôi nói ở trại này vì mỗi trại có cách đối xử khác nhau, tùy nơi. Sau này tôi được nghe có trại hễ kiên giam là bị xiềng ngồi, ngồi giống kiểu đóng gông thời Pháp, có nơi bị khóa hai chân, có nơi khóa cả chân lẫn tay, có nơi một ngày được ăn tới hai lần. Một ông bạn tù còn kể rằng có những tù được nuôi bằng cơm trộn muối, lượng muối nhiều hơn cơm để cho mau chết. Riêng ở đây là một bát một ngày.

Tôi quyết định phải tự duy trì sức khoẻ và bắt đầu ngay lập tức. Tôi đi vòng quanh đếm. Nếu đi bước ngắn là hai mươi hai bước, đi sãi chân bước dài thì chỉ mười bước. Tôi đi không biết bao lâu, cắm cúi đi, đầu óc trống rỗng. Tôi chợt khám phá cái dụng tâm của bưc tường xi măng xù xì gai gốc. Tôi không thể ngồi dựa lưng vào bức tường được. Tôi mệt quá ngồi bệt xuống sàn láp nháp, ôm đầu gối gục đầu trong thế ngủ ngồi.

Trời tối từ lúc nào tôi cũng không rõ. Tôi sực tỉnh vì lạnh quá. Gió lùa qua khe thông hơi như rít lên trong đêm âm u. Chung quanh tôi là bóng tối dày đặc, là cái im lặng đến rợn người. Tôi mò mẫm đến góc phòng cầm cái ca nước lên nhấp một chút. Nước lạnh điếng. Nhất định không để cái buồn chán xâm nhập, tôi bèn vừa đi quanh vừa hát. Câu đầu tiên buộc ra khỏi miệng là “này công dân ơi, quốc gia đến ngày giải phóng…”. Mới đến đó tôi khựng lại. Phải chăng là phản xạ tự nhiên? Phải chăng là tự tiềm thức? Tại sao lại là bài hát tôi đã từng lúng búng trong miệng bao nhiêu năm trời không thuộc hết bài đó lại bật ra vào lúc này. Tôi lắc đầu xua đuổi những hình ảnh tới tấp trở về trong ký ức. Tôi hát một lèo hết bài quốc ca, hát đầy đủ và hát đi hát lại cả chục lần. Cái lạnh rừng núi vẫn không giảm. Tôi hét:

– Tên gì?

Và tự trả lời:

– Tên Dũng. Đỗ Lệnh Dũng. Trung úy Đỗ Lệnh Dũng, số quân 66-168-330

Loay hoay mãi mệt phờ, tôi lại ôm gối ngủ ngồi cho đến khi có tiếng mở cửa. Ba người đứng đó, một tù và hai cai tù. Người tù xách vào một xô nước. Chắc nhận ra tôi là ma mới, anh ta nói rất nhanh;

– Một tuần một lần vào thứ sáu. Nước để vệ sinh. Mười lăm phút thôi.

Anh ta nói chưa dứt thì đã có tiếng quát:

– Không được nói chuyện với tù kỷ luật.

Cánh cửa sập lại rất nhanh. Từ lúc vào đây tôi đi tiểu hai lần nơi cái lỗ cống thông ra ngoài. Tôi nhìn xô nước lưng lưng, nhẩm tính và quyết định. Gia tài duy nhất của tôi là một cái bát sắt và một cái lon sắt đựng nước uống. Tôi lấy đầy nước vào đó, cẩn thận để ở đầu phòng phía trước. Sau đó là vục tay lấy nước rửa mặt. Nước lạnh buốt nhưng tôi rửa đi rửa lại, cúi xuống vốc từng vốc lên đầu lên cổ. Tôi cố gắng để nước không văng ra ngoài. Xong tôi thọc từng chân vào ngâm, rửa. Phải nói lại là nước lạnh vô cùng nhưng tôi cảm thấy như mình hẳn khoẻ ra, mình là một người khác. Cuối cùng tôi đổ nước ra sàn, dùng chân di đẩy nước ra chỗ cống.

Tiểu thuyết viết về tù tôi đọc khá nhiều từ những cuốn phải đọc khi đi học như Le Conte de Monte Cristo cho đến những cuốn tả cảnh tù của dân Do Thái và cả cuốn sau cùng Le Papillon. Hỡi ơi làm gì có con rệp để làm bạn. Làm gì có cảnh bớt cơm ra nuôi con chuột. Óc tưởng tượng của nhà văn quả là phong phú. Tôi chỉ đối diện với tôi và bóng tối. Cái ông tù hình sự bên cạnh sau mẩu đối thoại chớp nhoáng đã không hề lên tiếng tiếp.

Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Nhưng với tù biệt giam thì một ngày dài hơn cả thiên thu. Tôi xoay trở, bày đủ thứ trò cho hết ngày. Tôi tập võ. Tất cả các thứ võ đều là tự chế, múa loạn đả quyền, nhớ ông Lý Tiểu Long, ông La Liệt và múa theo các ông ấy. Tôi hát không chỉ là quốc ca mà còn những bài học của ông Thiếu úy Định trong quân trường Thủ Đức. Tôi quay sang niệm phật. Câu danh ngôn của Mao Chủ Tịch: “Tôn giáo là thuốc phiện“. Tôi rất cần thuốc phiện vào lúc này. Nhưng dù gia đình theo đạo Phật, có bàn thờ Phật ở nhà nhưng tôi không biết tí ti gì về Phật Giáo cả. Cả đời tôi, tôi đi chùa không đến một chục lần và cũng không bao giờ đọc xuôi một bài kinh, bài chú trong các khóa lễ. Nhưng tôi đang cần thuốc phiện. Tôi cần một niềm tin nào đó, tôi chân thành quì xuống, trang trọng chấp tay và khấn Nam Mô Bổn Sư Thích Cà Mâu Ni Phật. Nam Mô A Di Đà Phật. Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát. Đó là tất cả vốn liếng tôn giáo của tôi. Tôi không rõ Phật Tổ, Phật A Di Đà và Phật Quan Âm có nghe tôi niệm tên các vị không nhưng tự đáy trong lòng tôi thấy một niềm tin thành tín và từ đó một cảm nhận đầy yên ổn. Nhưng cũng kể từ đó cho đến nay, tối tối tôi vẫn chấp tay niệm ba vị Phật một cách chân thành.

Hai ngày trôi qua và giữa đêm thứ ba thì tôi nghe tiếng thét tiếng gầm vọng ra từ phòng ông bạn thường phạm. Có lúc thì quát tháo. Có lúc thì gầm gừ nhưng âm thanh nghe tắc nghẹn, tức tưởi không thành tiếng. Tôi vươn người rướn cổ qua khe thông hơi:

– Tỉnh đi. Tỉnh đi. Đừng có sợ.

Ông bạn đang lên cơn điên? Ông bạn đang mơ gặp cơn ác mộng? Tôi không biết và chính tôi, tôi ngạc nhiên vì lời nói của mình. Đừng có sợ. Hay tôi đang nói với chính tôi.

Ăn uống, ngủ nghê, tiểu tiện, đại tiện, thế giới của tôi lúc nào cũng là ánh sáng lờ mờ hắt vào trên trần từ khe thông hơi hoặc tối âm u trong đêm. Mỗi ngày một bát lưng cơm, một ca nước. Đến một ngày đầu óc tôi mụ đi, người như muốn quỵ xuống. Có những lúc tôi lịm đi, vật ra trên sàn nhưng rất nhanh cái lạnh đẩy tôi bật dậy. Những quyết tâm lúc đầu như tập tành, đi bộ, hát hò, mỗi lúc một trở nên thưa thớt. Tôi đuối dần. Tôi gục xuống là mơ thấy Dung, là mơ đến bố mẹ, các em. Hễ lịm đi là thấy Sài Gòn, thấy Phước Long. Có lần tôi nhổm cả người để nhảy khỏi giao thông hào ở chi khu Đôn Luân vì mơ thấy cả chục chiến binh Cộng Sản cầm lưỡi lê xối xả đâm. Râu tôi đâm tua tủa, râu mép dài che cả mồm miệng. Tóc tôi phủ gáy. Tôi ngửi thấy mùi xú uế ngay từ người tôi tỏa ra. Tôi đứng lên nhưng hai đầu gối run lập cập như muốn khuỵu xuống. Tôi mất hẳn ý niệm về thời gian.

Tôi nhớ mãi buổi sáng hôm đó, chắc chắn là ngày thứ sáu. Khi cái xô nước được để lại, tôi không còn sức để ngóc đầu lên. Tôi co quắp dưới sàn ngước nhìn. Khi trở lại để lấy cái xô, người tù xách nước nhìn tôi và quay sang nói với viên cai tù:

– Chắc chết rồi.

Viên cai tù bước vào, bên vai vẫn xệ khẩu AK. Gã cúi xuống nhìn. Tôi ngước lên nhìn lại. Gã đá vào chân tôi rồi cầm cả xô nước tưới lên đầu lên cổ tôi rồi quẩy quả bỏ ra, xập cửa lại, không nói một lời.

Nước lạnh đẫm người làm tôi tỉnh hẳn. Niềm tủi hổ, nỗi nhọc nhằn và tôi uất lên như nghẹn giọng. Tôi chồm dậy thừ người. Không lẽ tôi chết như một con chó hoang?

Tôi cởi hết quần áo ra vắt cho ráo nước. Tôi di cho nước trên sàn chẩy vào đống phân tụ ở góc phòng. Một sức mạnh từ đâu kéo về, tôi gượng được và bắt đầu men theo tường đi từng bước. Tôi cố gắng không chết như một con chó. Tôi tự nắn và thấy xương tôi nhô ra, nhưng không thể chết như thế này. Từ từ, từng chút một tôi lại tập, lại hát, lại niệm Phật. Tôi nhai từng hột – đúng là từng hột – để có việc làm cả ngày. Đúng khoảng một tuần sau, khi xô nước được mang tới, viên cai ngục bảo:

– Rửa cho sạch sàn nhà rồi đi ra.

Tôi ngớ người chưa hiểu, thì gã quát:

– Mày muốn ở luôn trong này à? Mau lên. Thối quá. Thối quá.

Tôi mãn hạn biệt giam, thất thểu đi khỏi cái địa ngục mà chỉ chút nữa tôi đã bỏ mạng trong đó. Buổi tối khi mọi người lao động về, ông Thông đỡ tôi dậy, nghiêng bát cháo cho tôi húp, giọng thì thào:

– Lạy trời, ông chưa đến nỗi nào. Tuần trước tụi nó xì xào ông sắp chết ở trong đó.

– Cũng chỉ sắp chết chứ chưa chết.

Và tôi nhắc lại câu của ông từng nói nhiều lần:

– Thì vẫn phải nhớ muốn sống sót đừng làm anh hùng. Và có lẽ phải nói muốn sống sót thì phải làm sao để đừng gục ngã.

Đói triền miên. Đói tả tơi. Đói đến nỗi đầu óc chỉ nghĩ đến cái ăn, đêm đang ngủ bỗng bật người dậy vì mơ đang ăn chè xôi nước của bà già vẫn quang gánh bán rong với tiếng rao lanh lảnh xa… Ai… xôi.. nước. Nhà nước – với đại diện là những ông quản giáo, những ông bảo vệ – luôn luôn sử dụng miếng ăn như một thứ vũ khí trấn áp tù. Cắt khẩu phần là hình phạt phổ thông nhất. Dù đang ở trong tù nhưng qua những lần đi lao động, qua những gì tù thường phạm kể, lũ tù chúng tôi từ Miền Nam vẫn không ý thức rõ ràng về cái đói cái khổ, nghèo nàn của Xã Hội Chủ nghĩa. Trong đám tù thường phạm có rất nhiều em nhỏ đã phạm tội đại hình chỉ vì đói quá đâm liều. Khi đói – phải nói rõ là đói đến tận cùng – không ai có thể chia xẻ cho ai. Đã biết bao nhiêu cảnh đau lòng xảy ra khi chia cơm để rồi có một toán chế ra cái cân bằng tre để cân từng bát cơm cho đều. Toán tôi bốn người đều là tù binh nên tương đối nhường nhịn nhau và cái óc tếu, cái tinh thần lãng mạn khiến chúng tôi bày trò chơi hụi.

Vào những năm 1977 – 1978, kinh tế suy sụp đến đáy đen, mỗi sáng trước khi đi khổ sai, tù được phát mỗi người một nắm bột luộc to cỡ nắm tay. Có lần tôi ngớ ngẩn hỏi: “Sao không nướng có phải là ngon hơn không?” thì một ông bạn tù trợn mắt mắng:

– Ông là tù hay là cách mạng? Mẹ kiếp nướng thì phải có lò, tốn củi, phải trộn bột, phải có bột nổi. Luộc vừa nhanh, vừa gọn, ăn lại no lâu.”

Một hôm một ông ngốn nhanh quá, xơi hết cục bột luộc và thèm thuồng nhìn cục của tôi đề nghị:

– Ông cho tôi ăn cục này đi. Ngày mai tôi nhịn, ông ăn phần tôi.

Tôi nhịn ông ăn. Ông nhịn tôi ăn. Hai ông bạn kia thấy cái trò hay cũng bắt chước. Độ một tuần sau thì chế độ hụi thay đổi vì không ai nhịn được. Mỗi người cấu một phần tư cục bột để nhường cho một ông ăn cho đã, và ít ra ba phần tư còn lại cũng đủ cầm cự cho đến gần trưa.

o O o

Nhà nước có chủ trương rõ rệt là tù nuôi tù và nếu tốt hơn nữa thì gia đình tù nuôi tù. Nuôi quan trọng hơn thăm. Nhưng cái gì cũng phải được quản lý chặt. Mười ký. Sau đó mười lăm ký. Những người vợ, người mẹ, vất vả chen lấn để mua được vé tàu từ Nam ra Bắc, rồi phải lặn lội đường rừng đường đất để tiếp tế được cho người tù ít thực phẩm, quả thật là “của mười ký công nghìn vàng“, cái nghìn vàng có lẽ cũng không đủ so với cái vất vả, lo sợ và cái tình của những người đàn bà Việt Nam. Trong giai đoạn đen tối nhất của 77- 78, Đôi khi các ông quản giáo áp dụng đúng đắn quy luật của trại, và đã có rất nhiều gia đình phải đem thực phẩm nuôi tù trở về vì quá qui định.

Tôi biết thân biết phận, không chờ đợi ai thăm nuôi. Tôi biết chắc chú Hà Bỉnh Trung đang gặp khó khăn với chế độ vì quá khứ của ông. Tôi không mong gì nơi bà bác già nua sống cô đơn ở Sài Gòn. Tôi không nghĩ là ông bác cách mạng Đỗ Lệnh Tích lại dòm ngó đến thằng cháu Ngụy quân. Tiến trình cách mạng của ông không thể bị hoan ố vì một chuyện dấm dớ như vậy. Còn gia đình tôi, bố mẹ và các em tôi? Sự việc xảy ra đến chính tôi cũng không dám mơ tới. Tôi được gọi lên văn phòng và ông quản giáo nhìn tôi:

– Anh có quà của Hồng Thập Tự Quốc Tế. Bố anh gửi từ Mỹ.

Tôi lặng người vì mừng rỡ nhưng vẫn giữ thái độ cảnh giác, trả lời vô thưởng vô phạt.

– Vâng, gia đình tôi hiện cư ngụ tại Mỹ.

– Đây là giấy báo. Thùng quà còn ở phi trường Nội Bài, Gia Lâm.

Ông quản giáo chìa cho tôi một mẩu giấy mầu nâu in chữ đen. Tôi ấp úng:

– Làm sao tôi lãnh được. Chắc chắn phải nhờ cán bộ giúp – Và tôi đánh dứ một đòn – Không bao giờ tôi quên ơn cán bộ.

Chúng mình rõ nhau quá . Lãnh dùm thì phải có đi có lại. Ông quản giáo tủm tỉm cười:

– Tôi có thể ký giấy nhờ lãnh thùng quà nhưng ai đem nó từ Hà Nội về đây cho anh?

– Trăm sự lại cũng nhờ cán bộ. Tôi là học viên cải tạo…

Tôi thấy mình sáng suốt quá, không nói tù mà là học viên.

Ông quản giáo cân nhắc:

– Đảng và Nhà Nước không bao giờ ngăn chặn tình cảm gia đình và tôi thông cảm cho anh nên đã điều nghiên. Muốn chở thùng quà về thì tốn khoảng 50 đồng.

Trời đất ơi, tôi lấy đâu ra 50 đồng? Tôi nhìn ông quản giáo suy nghĩ:

– Tôi làm gì có tiền? Nội qui trại…

– Tôi biết anh không có tiền trong túi nhưng tôi đã đọc hồ sơ lý lịch anh rồi. Khi anh bị bắt có một số tiền Ngụy. Đảng và nhà nước không bao giờ tham lam, tiền đó trại vẫn giữ với cái đồng hồ của anh.

Có đem dao kề cổ tôi, tôi cũng không tin những gì ông quản giáo vừa nói. Sao trông ông ta đáng yêu đến thế. Tôi nói:

– Tất cả nhờ cán bộ thu xếp dùm.

-Anh ký vào giấy này, ủy quyền cho tụi tôi lãnh quà. Mọi chi phí tính vào khoản tiền trại còn giữ của anh, nếu thiếu thì có khi phải bán cả cái đồng hồ đi.

Tôi ký. Tôi nhắm mắt ký và nếu bán cái đồng hồ không đủ thì bán luôn tôi cũng được. Ông Thông già có lần bảo tôi rằng trên một cách nhìn nào đó, người Cộng Sản vô cùng đồng bóng. Vụ tiền và cái đồng hồ có lẽ là một thí dụ điển hình. Nhưng đối với tôi thì đây là lần duy nhất trong gần một thập niên tù tội, người Cộng Sản cũng có những qui luật chơi được.

Có lẽ ông quản giáo cũng sốt ruột về thùng quà không kém gì tôi, chỉ ba ngày sau tôi được gọi lên văn phòng. Thùng quà bằng giấy cạc tông tuy có hơi méo mó xộc xệch có lẽ vì vạn lý trường trinh nhưng rõ ràng là nguyên vẹn, chưa bị xé, bị cắt bị đục khoét. Những mảnh tape dán chằng chịt và tôi còn thấy tên tôi với chức vụ nữa, một mỉa mai khôi hài đến khó chịu:

Trung Úy Đỗ Lệnh Dũng
Trại Z23D

– Anh ký vào đây. Đây là phí khoản tiền phi trường, tiền thuê người mang về Hà Nội, tiền trả công cho người tải thùng đồ về đây…

Tôi ký ngay, và vừa xong thì ông quản giáo trưởng trại yêu cầu tôi khui thùng để kiểm soát với sự chứng kiến của hai người cán bộ.

Một mùi thơm ngào ngạt tỏa ra, mùi xà bông Dove không lẫn vào đâu được. Tôi lôi từng thứ bầy ra bàn. Vi phạm qui luật là chiếc cắt móng tay to tướng và một lô dao cạo râu. Tôi thầm nghĩ bố mẹ tôi đâu có biết tôi lao động đến cùn cả móng tay. Xà bông, kẹo cao su, áo lót, quần lót, hai hộp kẹo sô-cô-la. Lớn kềnh càng nhất là hai cái quần jean Lee xanh đậm. Tôi nhìn đống quà và liếc mắt. Những con mắt khác cũng đang hau háu nhìn. Một chiếc quần bò bằng vài tháng lương công nhân, nhất là quần bó chính hiệu của Mỹ. Tôi biết chắc mình không có quyền hưởng trọn mà phải có đi có lại.

Tôi nuốt nước bọt, rồi ngập ngừng:

– Tôi xin cảm ơn cán bộ và toàn ban quản giáo đã có ý giúp tôi nhận thùng quà. Đây không phải là đút lót và đền ơn vì cán bộ quản giáo không bao giờ hành xử sai sót như vậy. Nhưng đây là tấm lòng thành của tôi.

Tôi cầm một chiếc quần jean để về phía ông trưởng trại một hộp sô-cô-la về một ông nhân chứng, một phong ba cục xà bông dove và một cái áo thung cổ lọ về phía ông nhân chứng thứ nhì.

Có tiếng tằng hắng:

– Anh sống ở trại hẳn rõ nội qui. Quần áo mặc lót thì được…

Mẹ kiếp, nó muốn vồ luôn chiếc quần bò thứ nhì chắc? Tôi phản ứng nhanh:

– Xin cán bộ thông cảm. Đêm ở đây lạnh lắm, có đêm tôi rét run cầm cập.

Tôi chỉ mặc chiếc quần bò khi đi ngủ, vả lại để nhớ đến bố mẹ tôi nữa. Mấy chục năm rồi bố mẹ con cái chưa nhìn thấy mặt nhau.

Tôi không hiểu những lời tôi nói có đánh động đến lương tri của ba ông cán bộ chăng nhưng cuối cùng ông trưởng trại lên tiếng:

– Về vụ phí khoản, số tiền anh gửi không đủ nên trại với sự đồng ý của anh đã bán cái đồng hồ. Anh có khiếu nại gì không?

– Không. Tôi không khiếu nại.

– Vậy thì anh ký vào đây.

Tôi ký ngay. Thế là họ nuốt trọn cái đồng hồ và tôi được phép khuân đống quà về phòng. Căn phòng mênh mông vắng lặng vì mọi người còn đang lao động. Việc đầu tiên là tôi mở hộp sô-cô-la. Kẹo bên trong có lẽ đã chu du quá lâu nên chảy ra đóng cục nhưng sao vẫn ngon thế. Tôi làm một lèo hết gần nửa hộp xong mới dở đến thư bố mẹ. Thư đề ngày 30-7-1975 tức chỉ ba tháng sau khi miền Nam sụp đổ và bố mẹ cho hay nhận được thư từ Sài Gòn nên biết tôi còn sống và đã lập tức gửi quà qua Hồng Thập Tự. Thùng quà đến được tay tôi sau hơn một năm rưỡi!

Tôi gập số áo quần và chiếc jean cẩn thận dúi vào tay nải, và suy nghĩ về cách xử trí đống quà. Có tất cả chín cục xà bông Dove, tôi đã đút mất ba còn sáu. Xài hay bán? Tôi cầm cục xà bông lên hít. Mùi thơm như đánh thức cả một dĩ vãng chắc chẳng có ngày trở lại. Tụi em tôi khá thông minh, không gửi cho tôi thuốc lá bao mà cho một túi lớn thuốc pipe và có cả cái tẩu hút bằng lõi ngô – thứ tẩu vàng vàng nhẹ hều ngày xưa đầy rẫy ở các khu chợ đồ Mỹ và hồi còn sống với kỵ binh Mỹ, tôi nhớ giá một cái đâu cỡ hai đô la. Thuốc pipe đựng trong bao ni lông lớn thấy cân lượng một lb và tôi nhớ như vậy là khoảng nửa ký.

Khi quân ta đi lao động về, mọi người xúm lại quanh tôi hít hà ngắm nghía. Tôi nghe một ông bạn phát biểu:

– Khi nào ông bóc cục xà bông, cho tôi cái giấy gói.

Tôi ngạc nhiên:

– Để làm gì vậy?

– Để lót ở đầu giường, ngửi mùi ngày xưa cho đỡ nhớ.

Tất cả cùng cười. Tôi đẩy nguyên cả ba phong kẹo cao su ra mời:

– Anh em mỗi người một cục. Mong có đủ cho mọi người.

Bố mẹ chắc không bao giờ nghĩ rằng những chiếc áo thung, khăn mặt gửi cho tôi lại biến thành đường thành kẹo, thành nhiều thứ linh tinh khác – miễn là có thể nhai được nuốt được. Trong cái hệ thống nhà tù chằng chịt, nhan nhản của người Cộng Sản, những người tù không những phải tự nuôi – và đóng góp sức lao động của mình để tạo ra sản phẩm, một hình thức lao động không lương – những người tù còn xoay sở đủ cách để làm thăng hoa cuộc sống tù. Rất nhanh, và thú thật tôi cũng không rõ làm sao họ đánh hơi nhanh như thế, tôi được những người tù thường phạm tiếp xúc để gạ gẫm. Tôi hy sinh cái khăn phu la ngay lập tức vì trông nó chướng quá. Chiếc khăn mầu sặc sỡ kẻ ca rô xanh đỏ dệt không dầy lắm đó đã nuôi tôi và mấy ông bạn tù cố tri cả tuần. Tối nào chúng tôi cũng nấu chè! Luật lệ vô cùng rõ ràng là cấm đèn lửa nhưng rồi lịch kịch chúng tôi cũng nấu được nước đường và sau đó là bỏ một hai củ khoai lang hay tí sắn và xì xụp với nhau. Những món quà từ Mỹ cứ thế ra đi và cuối cùng, món đáng giá nhất, chiếc quần bò, cũng lên đường để đổi lấy trụ sinh.

Năm 1979 xảy ra cuộc chiến giữa “răng” và “môi”. Nước Cộng Sản anh em Trung Quốc tấn công qua biên giới! Đám tù Ngụy xôn xao gỉ tai nhau và từ đó là những âm mưu trốn trại để vượt biên sang Tàu. Cái ý tưởng trốn tại vẫn lảng vảng trong đầu mỗi người tù, và trong câu chuyện thì thào, ai cũng có lần bàn đến chuyện này. Quả tình mà nói, muốn vượt ngục không khó. Khi đi lao động, cứ lừng lững dọt là xong nhưng thoát được lại là chuyện đội đá vá trời!

Không phải tự nhiên mà cứ độ một vài tháng lại có vụ đổi phòng, chuyển trại. Để tù ở một nơi lâu quá dễ nảy sinh ra âm mưu. Tụi nó có thể kết bè kết nhóm, nghiên cứ đường đi lối lại, địa hình địa vật. Sau đó là muối. Chưa bao giờ tù nhìn thấy một hạt muối. Muối được bỏ vào một cái ang lớn, đổ nước quậy cho tan rồi mới múc cho mỗi đội một hai bát chia nhau. Đó là những biện pháp giản dị nhưng vô cùng hữu hiệu. Nhưng đối với Ngụy thì có trốn lên trời vì hệ thống an ninh, công an chằng chịt trong dân chúng và chưa có người dân Bắc nào lại mở rộng vòng tay chứa chấp hay giúp đỡ Ngụy vượt ngục. Dây vào vụ này dám bị tru di tam tộc, lý lịch đen xì, con cháu ba đời còn liên lụy.

Trong khoảng thời gian có cuộc chiến tranh Tàu Việt 1979, tôi đã chứng kiến hai vụ vượt ngục và tham dự vào một âm mưu may mà bất thành!

Vụ đầu tiên gây xôn xao nhất. Ba sĩ quan VNCH trốn trại. Báo động tùm lum, và ngạc nhiên nữa là thấy bộ đội có chó Béc-dê đi lùng. Hai ngày trôi qua, ai nấy dù đi lao động hay thì thầm trong đêm ở trại, đều trông ngóng và cầu nguyện. Bọn cai tù mặt lầm lì, lúc nào cũng như sắp sửa bắn tụi tôi và luôn mồm dọa dẫm – “mấy thằng vượt ngục không thoát đâu. Rồi các anh sẽ thấy.” Chúng tôi thấy thật. Vào một buổi chiều ngày thứ ba, ba cái xác được quăng còng queo ngay trước cổng trại, máu đã khô trộn với đất cát trông rợn người. Đáng buồn nhất là những xác này được bêu ở đó tới hai ngày sau, ruồi bu, kiến đậu và biết đâu ban đêm chả có chuột nữa, cho đến khi mùi xú uế bốc lên mới được tù thường phạm dọn đi.

Vụ thứ nhì thê thảm hơn nữa. Cuộc vượt thoát lần này không có bè đảng. Một ông Trung úy phi công thoát được bốn ngày thì bị lôi trở lại trại. Anh bị đánh gẫy xương vai, bị kéo xềnh xệch về và quăng ở giữa sân trại để thị uy. Cho đến giờ này tôi vẫn không hiểu tại sao anh sống sót trước những đòn hội chợ và sau đó là màn biệt giam. Anh thoát và nhắm hướng Bắc với cái ý niệm giản dị là biên giới ở phía Bắc. Đến ngày thứ ba thì đói quá, anh mò mẫm vào làng ăn trộm khoai sắn, và lạc đường bị dân tóm cổ giao cho công an.

Vào khoảng thời gian này tôi có quen với một ông đại úy phi công lái F-5.. Ông Hưng to con, ăn nói chững chạc và hồi nhỏ đi hướng đạo có bằng Rừng. Tổng cộng năm người trong đó có hai ông Biệt Động Quân và một ông nữa thuộc Chiến Tranh Chính Trị. Năm đứa toan tính bắt đầu tìm cách dấu thực phẩm. Mỗi ngày một nhúm cơm được cấu ra để khô. Ông Hưng kiên nhẫn tối tối khi thì cầm cục nến, lúc chỉ là một thanh tre nhỏ đốt dưới một cái lon sữa bò, cô nước muối lại. Ông bạn tù nhỏ nhất ở Chiến Tranh Chính Trị, ông Quang, đã mò mẫm và tìm ra được một chỗ có thể bò ra khỏi trại vào ban đêm. Khoảng ba tháng sau thì số gạo khô cũng kha khá được dấu ở nhiều chỗ khác nhau, số muối cũng đã cô đặc được hơn nửa lon sữa bò và chúng tôi quyết định đào thoát.

Trong những cuộc họp thì thào to nhỏ, tôi đã khẳng định với anh em rằng tôi đủ sức chịu đựng gian nan và cam đoan sẽ không gây phiền lụy gì cho mọi người. Anh em cũng đã thoả thuận, nếu bất khả kháng thì cố, ai thoát được thì cứ thoát, đừng bận tâm đến người khác. Đây là âm mưu chín phần chết, một phần sống và mọi người đều phải tự hiểu, không có quyền chờ đợi gì. Đúng còn một tuần vào cuối tháng khi trăng không tỏ là ngày khởi hành thì ông Hưng lăn ra ốm. Tôi không rõ ông bị bệnh gì nhưng ôm đầu vật vã lăn lộn. Tiền bán cái quần bò tôi mang hết ra mua trụ sinh – toàn những chai trụ sinh của Tàu đã quá hạn cả năm trời, có chai bột trụ sinh đóng thành cục lắc cả mười phút mới tan. Nhưng trụ sinh cũng chẳng ăn thua gì. Đúng lúc đó có vụ chuyển trại và tôi cùng hai ông trong nhóm phải rời.

Tôi không rõ số phận của người Đại úy Không Quân Cựu Hướng Đạo Sinh ra sao. Lạy trời ông tai qua nạn khỏi. Và tôi cũng không rõ nếu kế hoạch vượt ngục được thực hiện, liệu chúng tôi có đứa nào đến được biên giới Việt Hoa chăng? Hay cũng như những anh em khác, xác được bày ra ở cổng trại để thị uy?

o O o

Kể từ khi được thăm nuôi, tù Ngụy đón nhận cùng lúc những gói quà và đôi khi đi kèm theo đó là những tin đau lòng. Có ông chờ mãi mới được báo có thăm nuôi, hí hửng tưởng được gặp vợ ai ngờ đó chỉ là bà chị ruột, vợ con đi vượt biên Mỹ. Ông khác thì vợ đi lấy chồng. Còn ông nữa thì cả nhà bị đi kinh tế mới, đứa con gái lễ mễ đem vào cho bố tí mắm kho quẹt và ít đậu phộng rang. Tôi biết thân biết phận không chờ không đợi gì. Lần duy nhất nhận quà qua Hồng Thập Tự Quốc Tế, từ đó cho đến khi rời đất Bắc tôi làm con bà Phước.

Kinh nghiệm tù cho tôi vài điều khôn ngoan. Hễ có thể thì xung phong ngay lập tức và cái gì cũng sẵn sàng nhận nhưng phải là việc tứ đại công khai. Sở dĩ như vậy vì làm việc lẻ – có nghĩa là cá nhân trực tiếp kín đáo với quản giáo chí có nghĩa là làm ăng ten, báo cáo anh em.

Ngoài ra, xung phong thường là những công việc cực nhọc hơn nhưng bù lại thế nào cũng có chút tự do và nhất là có dịp nhìn ngó nhiều hơn. Chả để làm gì nhưng cũng thú hơn cái trò lao động tập thể. Khi ông quản giáo bảo có ai biết nghề mộc thì tôi giơ tay ngay cho dù chưa bao giờ cầm đến cái búa, nhưng tự tin mình có con mắt và khéo tay. Bốn người được tách ra để làm công tác đặc biệt về mộc gì đó. Chúng tôi vẫn quần áo tù được chở thẳng ra thị xã Yên Bái, một điều bất ngờ. Bất ngờ hơn nữa là người đàn bà đón chúng tôi là một phụ nữ trông tươm tất dù đã trọng tuổi. Bà ăn nói đon đả, có phần phúc hậu và gọi chúng tôi là các ông. Câu đầu tiên là câu nói mà chúng tôi không bao giờ chờ đợi:

– Các ông vào đây ăn đã. Tôi làm cơm rồi, biết các ông đói lắm.

Hỡi ơi, tôi cũng biết tôi đói bà ơi. Cơm tươm tất, có một nồi canh rau ngót nấu với tôm khô, một dĩa dưa chua, và – lạy Chúa – có thịt gà luộc rắc lá chanh. Bốn tên tù ăn không ngượng, ăn hết bát này đến bát khác và khi ăn xong thì không đứa nào đứng dậy nổi. Người vợ ông quản giáo hét ra lửa chỉ đứng nhìn tủm tỉm cười. Bốn đứa phải sửa cái nhà ngang bị sạt một bên mái vì quá cũ kỹ. Tôi không có nghề nhưng may quá ba ông kia là thứ thiệt. Khoảng gần chiều thiếu đinh, ông quản giáo lấy xe đạp kèm tôi ra phố chợ. Quen thói miền Nam, tôi phốc lên phía sau ngồi dạng hai bên. Vừa đi được một quãng, thiên hạ ai cũng nhìn và cười khiến ông quản giáo phanh lại ngó ra phía sau và nổi giận quát khẽ:

– Anh ngồi kiểu gì thiếu văn minh thế. Ngồi lại đi.

Lúc đầu tôi hơi ngỡ ngàng nhưng hiểu ngay. Nếp sống văn minh là phải ngồi hai chân để về một bên.

Tôi cứ nhớ câu chuyện này mãi không phải vì đã học được nếp sống văn minh của miền Bắc mà là thái độ của người đàn bà vợ ông cai tù. Phải chăng bà đã tự ý dọn cơm có thịt gà cho bốn thằng tù Ngụy chỉ vì họ sẽ sửa nhà cho gia đình bà hay vì lòng thương cảm của một người đàn bà Việt Nam trước những kiếp sống tù đầy ? Tôi vẫn nghĩ điều sau đúng hơn.

Trong cái đáy địa ngục tù đày, có những điều cần nhớ và có những điều quên đi càng nhanh càng tốt. Tôi đã cố để quên đi những cái cần quên và có thể nhờ đó tôi còn sống sót đến ngày nay.

Năm 1982, vào lúc vừa chớm xuân, tôi được lệnh chuyển trại. Vốn quá quen với những vụ này tôi thản nhiên tóm mấy cái áo cuộn lại, thủ theo những đồ tùy thân như cái ca, cái bát, đôi đũa để sẵn sàng ra đi.

Đến khi leo lên xe thì có tiếng xì xào và lúc được dồn lên toa xe lửa thì tôi mới biết được chuyển về Nam. Bảy năm trên đất Bắc, lăn lộn hết trại tù này đến trại tù khác, nay tôi lại leo lên xe lửa để trở về nơi tôi đã gục ngã.


No comments: