ĐỖ LỆNH DŨNG - CHƯƠNG 7

Lê Thiệp

                                                                                   

CHƯƠNG 7

 

Tôi tỉnh dậy bắt đầu từ quai hàm dưới. Cái đau rất nhẹ, nhè nhẹ như lay động hệ thần kinh có lẽ đã tê liệt của tôi. Đầu óc lơ mơ tôi chỉ thấy niềm đau từ từ, từ từ lấn dần và đầu óc tôi cũng một lúc tỉnh hơn để ý thức rõ tôi đang ở đâu. Cái lạnh thấm vào tận xương tủy khiến tôi ngồi dậy, chống tay lên nền đất.

Cái hố con voi vậy mà khá khô ráo và được che bằng một cái liếp lá từ lúc nào tôi cũng không rõ. Nỗi đau, niềm tuyệt vọng cơ thể dã rời sau hơn nửa tháng dầm mình trong cuộc rút chạy đã khiến tôi vật ra ngay từ tối qua không còn biết gì xảy ra ở chung quanh. Cái liếp chắc chắn không cốt để ngăn tôi trốn khỏi cái hố nông quèn quẹt này. Vậy thì chỉ để che sương và có thể che mưa chăng? Cũng còn có thể che gió, chống lạnh. Một người lính Bắc Việt nào đó chắc đi qua trông thấy tình trạng thê thảm của tôi, đã động mối thương tâm, đậy cái liếp lên miệng hố chăng? Lạy trời là như vậy. Ít ra thì còn có cái tình người vảng vất đâu đó giữa súng và đạn.

Tôi tỉnh hẳn, miệng quai ra và nước dãi ứa đầy mồm. Một vị nhờn nhờn mằm mặn. Chắc máu từ chiếc răng hàm bị gẫy vẫn còn âm ỉ ứa ra. Trời bên trên đang rạng sáng, tôi nghe tiếng người lao xao vọng vào. Tôi đi trận nhiều nên biết rõ sinh hoạt của chỗ đóng quân gần như sinh động 24/24. Có thể giờ này là giờ lính Bắc Việt đang lo bữa sáng, lo nấu trà – biết đâu chả là tí cà phê? Tôi lắc lắc cái đầu xua hình ảnh ly cà phê nóng giữa rừng, cái xa xỉ phẩm ngay cả đối với sĩ quan VNCH như tôi trong lúc hành quân.

Toàn thân tôi rã rời, lạnh cóng. Họ sẽ đối xử với tôi ra sao? Hẳn là họ không bắn tôi để phí thêm một viên đạn. Liệu họ có tra tấn? Liệu họ có nhồi tôi, hành hạ tôi? Tôi chợt nhớ trên túi áo trên còn có lá thư bỏ trong phong bì của Tòa Đại Sứ Mỹ. Khi bị bắt tôi đã móc mọi thứ ra giao cho người “chính trị viên” từ bản đồ đến tiền bạc. Có gì móc nấy nhưng không hiểu sao cái phong bì vẫn còn trong túi áo tôi? Nếu không thì làm sao phi tang? Tôi thoáng tính xé vụn rồi nhai nuốt hết cái thư nhưng lại thôi. Răng tôi đau quá, không biết có đủ sức để nhai và nuốt hết cả tờ giấy dầy khổ 8×11 và cái phong bì không? Dựa lưng vào vách hố những ý nghĩ vớ vẩn liên tục, những hình ảnh thoáng hiện lên rồi mất tăm trong tâm khảm. Dung đang làm gì giờ này? Liệu bố mẹ và các em tôi có biết tôi đang trong cảnh bi đát này chăng? Thiếu Tá Khoái có thoát chăng? Lơ mơ, tê dại, cánh liếp phía trên được kéo đi và có tiếng gọi:

– Anh kia.

Tôi ngó lên. Một người lính Bắc Việt nhìn tôi, lặp lại:

– Anh kia.

Tôi cố chống tay đứng dậy, dựa lưng vào vách, người như muốn đổ xuống. Hai bàn chân tôi buốt nhói lên tận tim. Quả thật tôi không biết phải nói năng ra sao, chỉ giương mắt nhìn. Người lính ngẫm nghĩ thế nào, cúi xuống đưa tay cho tôi nắm và gần như lôi tôi khỏi cái hố. Anh ta bảo:

– Theo tôi.

Anh ta dẫn tôi vào một cái lều và bảo:

– Chờ đấy.

Mãi đến sau này tôi mới quen được với cách nói cộc lốc, thiếu chủ từ này. Tôi im lặng ngồi xuống, chưa rõ chuyện gì sẽ xảy ra. Một người lính khác mang cho tôi một bát cơm và một bát canh nóng. Ôi quả là một biệt đãi. Tôi chẳng biết canh gì, chỉ thấy lỏng bỏng tí rau. Cơ thể người ta có những phản ứng kỳ lạ. Vừa trông thấy bát cơm mầu nâu nâu vàng vàng và chén canh rau, tôi cồn lên vì đói.

Nhớ rằng dù thế nào đi nữa, tôi cũng là sĩ quan và đang ở trước những người lính phía bên kia, tôi chậm rãi, từ tốn ăn một cách nhỏ nhẹ. Người lính Bắc Việt đứng ở một góc quan sát và không nói gì. Khi thấy cơm canh đã hết, anh ta thu dọn đem đi. Tôi hỏi:

– Tôi muốn làm vệ sinh.

– Làm cái gì?

– Thưa tôi muốn đi cầu.

– Đi đâu? Giờ này mà muốn đi đâu?

Tôi hiểu ngay cái bất đồng ngôn ngữ, bèn nói thẳng:

– Tôi muốn đi ỉa đi đái !

Người lính trẻ bỗng dịu mặt lại, nhìn tôi và bảo:

– Từ nay muốn gì thì phải báo cáo rõ ràng. Đi ỉa đi đái thì nói đi ỉa đi đái, sao lại bảo làm vệ sinh?

Kể từ đó “báo cáo” trở thành câu đầu môi chót lưỡi của tôi – và sau này là của bạn đồng tù – khi cần nói với người phía bên kia…

Khoảng hai tiếng sau, người chính trị viên ôm một xấp giấy tờ bước vào:

– Chúng ta bắt đầu làm việc.

Lần này tôi hiểu làm việc là hỏi cung. Bộ dạng người chính trị viên thật ra tôi không biết ông ta giữ chức vụ gì và quân hàm ra sao vì họ đều giống nhau, quần áo bèo nhèo không lon lá, chân đi dép râu và khuôn mặt xanh xao. Tôi biết ông ta quan trọng vì ngang hông có khẩu súng 9 ly và lớn tuổi hơn những người bộ đội. Cái ngạc nhiên nhất nữa là cái bút, cái bút mà tôi đã nhìn thấy từ lúc còn bé, cái bút Stylo. Tôi còn nhớ bố tôi có một cây, khi xoay thì ngòi bút nhô lên, cái ống mực phía dưới kẻ sọc ca rô mờ mờ có thể nhìn thấy phần mực ở phía trong. Ngay 1950 ở Hà Nội hồi đó bút máy Stylo là một biểu tượng sang cả, đi đôi với xe đạp nhôm và giầy da hai mầu cùng với cái cà vạt nhỏ tí là những món thời thượng.

Ông ta trịnh trọng xoáy cái bút ra, mắt nhìn tôi quan sát. Cuộc hỏi cung rất ngắn và sau chừng nửa tiếng, ông ta đưa cho tôi một xấp giấy:

– Anh viết lại lý lịch và những đơn vị Ngụy. Càng nhiều chi tiết càng tốt và phải rõ ràng.

Ông ta ngừng lại, nhìn tôi, không hiểu sao lại hỏi một câu không ăn nhập gì đến chuyện làm việc:

– Anh muốn gì không?

Tôi muốn gì bây giờ? Tôi muốn về Sài Gòn. Tôi muốn có Dung bên cạnh. Tôi muốn gặp lại bố mẹ và các em. Tôi nhìn ông:

– Tôi muốn được tắm một cái.

REPORT THIS AD

Câu trả lời bất ngờ không chỉ với ông ta và cả với tôi. Tự nhiên toàn thân tôi ngứa ngáy và chính tôi cũng ngửi thấy mùi hôi hám bốc ra từ thân thể. Lần cuối cùng tôi tắm rửa thay quần áo có lẽ từ cả nửa tháng trước. Tóc tôi dài bệt từng mảng ở sau gáy. Râu tôi tua tủa. Ông chính trị viên cười:

– Anh khai lý lịch cẩn thận rồi tôi cho anh ra sông tắm.

Tập giấy kẻ ca rô khá dầy. tôi ngây người ra nhìn, tay mân mê cái bút. Hà, thế là trò chơi dụ khị, ra cái giọng tử tế để khai thác. Suốt bao nhiêu năm lính tôi không được quân đội dạy dỗ gì về vụ khai lý lịch cho địch trong trường hợp bị bắt. Nhớ lại những lần tôi ở thế thượng phong hỏi cung mấy ông lính Bắc, mấy ông du kích. Thường điều tôi muốn biết ngay lập tức là đơn vị, là liệu có thể có những cuộc tấn công dự trù, quân số địch… Nhưng Đồng Xoài tan nát, còn gì để họ khai thác?

Độ hai tiếng đồng hồ sau,người chính trị viên trở lại. Coi vậy mà tôi cũng bôi ra được gần ba trang giấy. Ông ta cầm lên lật qua lật lại, đọc rất nhanh.

– Thôi được, tôi cho người dẫn anh ra sông tắm, rồi mình sẽ làm việc tiếp.

Sông không rộng lắm, nước chảy chậm và khá trong. Người lính trông hiền lành nhìn tôi và hất hàm:

– Xuống chỗ ấy mà tắm.

Tôi nhìn quanh lính Bắc Việt đi đi lại lại, gọi nhau í ới. Bạt, lều giăng kín cả một khu rừng. Tặc lưỡi tôi từ từ cởi áo, và sau một lúc ngập ngừng, cởi luôn quần. Sông không sâu, chỉ độ ngang đùi, lòng sông chỗ này lại có đá nên dễ chịu vô cùng. Tôi tính hỏi người lính xin xà bông nhưng thấy đời hỏi như vậy có vẻ Ngụy quá, tiểu tư sản quá. Vả lại trông bộ dạng anh ta, chắc cả vài tháng nay anh ta cũng chưa rờ đến cục xà bông. Tôi rũ cái áo trước, và vò rất kỹ cái túi áo bên trên. Cái thư nát bấy, nhưng tôi vẫn cẩn thận, sau một hồi, lén lút lôi từng mảnh nhỏ ra vo lại để trôi theo dòng nước.

Tôi kỳ cọ, tôi dìm đầu xuống nước. Tôi thấy mình như được lột xác. Cái cảm giác nhẹ nhàng như xua đuổi cái tương lai u ám ở trước mặt. Tôi ngụp lặn khá lâu đến nỗi người lính canh sốt ruột:

– Anh kia tắm mau còn đi lên.

Chân tôi vẫn đau nhói, nhất là nay ngâm lâu dưới nước. Hàm dưới có vẻ bị tấy lên. Tôi lẳng lặng cố vắt thật khô bộ đồ trận dày cui và xỏ tay vào. Khó khăn lắm tôi mới mới mặc lại được bộ quần áo còn sũng nước.

Người lính nhìn tôi, không nói năng gì, lẳng lặng vẫy tay ra hiệu. Anh ta dẫn tôi trở lại lều, chỉ tay vào chiếc ghế tre, rồi bỏ ra ngoài.

Người chính trị viên kéo ghế ngồi xuống trước mặt tôi. Hẳn trông tôi không giống con giáp nào, người vẫn ướt sũng, nước từ tóc và râu vẫn tí tách nhỏ xuống thành vũng. Tôi luôn nhớ dù sao tôi cũng là sĩ quan VNCH, nên sửa ngay bộ dạng ngay ngắn và nhìn thẳng vào người đối diện. Một quá khứ mù mờ nào đó hiện ra rất nhanh. Tôi nhớ Hà Nội và bố tôi. Tôi nhớ bạn bè của ông ta. Người chính trị viên này có cây bút Stylo từ bao giờ? Làm sao ông ta có thể sài một cây bút lâu như vậy?

Lần làm việc này diễn ra ngoài dự tưởng của tôi. Trước hết ông ta cho tôi uống trà – tất nhiên là trà tươi – có lẽ được hái từ một cây trà nào đó lạc lõng giữa rừng. Nước trà rất nóng nhưng chát đến độ tê lưỡi. Ông ta chỉ hỏi tôi về Đồng Xoài. Mọi thứ, nhất là dân tình. Ông hỏi tôi về sinh hoạt hàng ngày, về ông phó quận hành chánh hành hạ dân như thế nào, về trưởng ty cảnh sát… Tôi nói rất rõ với ông ta rằng tôi không để ý đến chuyện Thiếu tá Khoái có tham nhũng hay không – và tôi tin rằng không. Tôi bảo Thiếu Tá Khoái xứng đáng là cấp chỉ huy của tôi thì ông ta chỉ gật gù.

Trong suốt đời tù, đây là lần làm việc dễ chịu nhất, và mãi đến sau này tôi mới hiểu. Quân Đội Nhân Dân và Công An Nhân Dân là hai guồng máy làm việc khác hẳn nhau. Đó là mãi về sau này, nhưng ngay hiện tại, người chính trị viên tỏ ra lịch sự, nhỏ nhẹ và ăn nói chững chạc. Cuộc hỏi cung kéo dài đến lúc gần sẩm tối. Khi đứng dậy, ông ta bỗng quay ra phía sau hỏi:

– Anh nào còn thuốc lá không?

Một người lính đưa đưa cho ông ta bao thuốc lá nhàu nát. Ông ta rút hai điếu đưa tôi, và trả lại bao thuốc cho người lính:

– Tôi không hút thuốc. Đây là thuốc Điện Biên của miền Bắc chúng tôi. Ngon lắm.

Để hai điếu thuốc lên bàn, ông ta ôm xấp hồ sơ bỏ đi. Hai điếu thuốc quăn queo, sợi thuốc xộc xệch. Điếu thuốc cuối cùng, điếu lucky không đầu lọc, tôi đã rít đến hơi cuối cùng trên ngọn đồi ở gần chợ Đồng Xoài. Hơn nửa tháng, không lúc nào tôi nghĩ đến thuốc lá vì thật không còn đầu óc nào để nghĩ đến. Cái cơ thể mỗi ngày hơn một gói thuốc của tôi, cái cơ thể lúc trước không có thuốc thì bồn chồn, ngứa ngáy, cơ thể đó tại sao lại không đòi thuốc trong những ngày qua?

Tôi nhìn hai điếu Điện Biên lòng dửng dưng. Người lính đứng đó hỏi:

– Hút không?

Tôi ngước lên nhìn. Anh ta cầm cái bật lửa, cái bật lửa nhỏ bằng nhôm trắng rất thông dụng ở ngoài Bắc ngày xưa. Mỗi lúc miền Bắc lại kéo tôi xa Sài Gòn và trở lại quá khứ thời thơ ấu hơn. Nổi tính tinh nghịch, tôi chìa tay:

– Anh cho tôi mượn cái hộp quẹt.

– Cái gì?

– Anh cho tôi mượn cái bật lửa.

Nó mỏng tanh, bánh xe quẹt đá cũng nhỏ tí so với bật lửa Ronson. Tôi ngắm nghía và bật thử. Lần đầu không được. Lần thứ hai cũng không được. Người lính bỗng cười, nói:

– Chắc hết xăng.

Anh ta rút bỏ cái nắp ở cuối bật lửa và đưa lên mồm thổi phì phì. Sau đó rất nhanh anh ta bật và lửa toé ra bắt vào cái bấc nhỏ như hạt đậu. Tôi cười và cầm điếu thuốc lên.

Hơi thuốc Điện Biên đầu đời, tôi nuốt trọn khói. Nicotin tan mau khiến khiến cả người tôi ngây ngây. Tôi rít hết điếu thuốc và ngồi thừ ra đó đầu óc lơ mơ trống rỗng.

Cuộc hỏi cung và cung cách đối xử của bộ đội Bắc Việt ngay tại chiến trường xem ra không đến nỗi nào, chỉ có điều tôi chưa nhận ra rằng đây mới chỉ là phần mào đầu, phần dẫn nhập cho một đoạn đời khổ nhục mà tôi sẽ chia sẻ với hàng trăm ngàn đồng đội khác trong những năm về sau.

o O o

Suốt ngày hôm sau không ai làm việc với tôi nữa và khi vừa ăn sáng xong, một người lính Bắc Việt nói:

– Anh kia theo tôi.

Ra đến bờ sông tôi thấy Chuẩn Úy Kiệt đứng ở đó cùng với hai người bộ đội. Ông Kiệt thê thảm không khác gì tôi và cũng chân không giầy. Trong hai người lính, một có lẽ là cán bộ, còn một trẻ măng có lẽ là bảo vệ viên. Họ khoác AK và ba lô.

– Số phận các anh trong tay nhân dân. Nếu có tội nhân dân sẽ bắt các anh đền tội. Bây giờ các anh đi theo tôi.

Đó là lời duy nhất của viên cán bộ nói với tôi và ông Kiệt. Thật là những lời đe dọa bí hiểm. Đền tội? Nhân dân? Nếu bảo phải đền tội thì bắn cái đùng là xong. Nhân dân là ai? Ở đâu ra nhân dân trong cái xó rừng thăm thẳm này. Biết hỏi cũng không được trả lời, chúng tôi chỉ biết lẳng lặng đi.

Ba ngày trời chúng tôi bị áp giải băng rừng. Chân tôi đỏ như hòn gạch nung. Mỗi bước đi là một cực hình. Cái đau lấn át mọi sự. Tôi không thấy đói thấy khát, chỉ thấy buốt lên tận óc. Tôi đã bắt chước Kiệt xé hai tay áo quấn quanh bàn chân nhưng chỉ được nửa buổi và mảnh vải sờn mỏng, rách tả tơi. Rồi tụi tôi xin cắt hai ống quần. Tôi chỉ muốn khụyu xuống nhưng vẫn cố gồng. Ông Kiệt rũ ra vừa đi vừa lết. Buổi tối họ trói chúng tôi lại và cho dựa vào gốc cây lớn ngủ. Tôi vẫn cố quan sát và khi nhận ra rừng cao su thì tôi biết đang trở lại chốn cũ.

Tôi bước vào con lộ đất xuyên quận lỵ Đôn Luân vào quãng giữa trưa. Ánh nắng vẫn chói chang. Nhà cửa chung quanh mang vết tích bom đạn tả tơi. Tôi nhìn cờ vàng ba sọc đỏ sơn trước cửa những căn nhà vẫn còn tươi roi rói. Tôi nhớ vụ “Sơn Cờ Xí Đất “này lắm. Khi hội nghị Ba lê còn đang họp có lời xì sầm rằng Miền Nam có thể được chia thành từng khu vực – một hình thức da beo – chỗ nào Mặt trận Giải Phóng kiểm soát thì sẽ là của mặt trận, chỗ nào của VNCH thì VNCH giữ. Ào ào nơi đâu cũng được lịnh phải sơn trước cửa nhà.

Hồi đó ông Thượng Sĩ già ở phòng tài chính đã phát biểu:

– Cứ như là vụ Phật với Ma Vương tranh đất vậy.

Tôi không hiểu thì ông ta giải thích quê ông ta ngoài Bắc và có tục lệ gần tết đem rắc vôi ở xung quanh nhà để Ma Vương Quỉ Sứ biết chỗ đó là đất Phật không được vào. Tôi đã bật cười vì cách ví von đó. Tôi không tin hễ rắc vôi thì Ma Vương Quỉ Sứ sợ chạy và tôi cũng không nghĩ vụ Sơn Cờ Xí Đất này là một điều hay. Cộng Sản đâu có cần cắm cờ sơn cờ gì đâu. Họ xài Ak và T54 nhanh hơn nhiều và bây giờ nhà nào cũng cắm hai lá cờ Mặt Trận và cờ Đỏ Sao Vàng. Mỗi nhà lúc này có tới ba cờ. Người Cộng Sản có lẽ còn nhiều việc quá nên chưa hạ lệnh bôi bỏ cờ vàng ba sọc đỏ. Người dân thì có lẽ cũng chưa nỡ xóa đi chăng. Trong khi đang nghĩ vớ vẩn như vậy thì tôi nghe có tiếng:

– Thầy Dũng, thầy Dũng.

Tôi ngó về phía có tiếng gọi. Một nhóm năm bảy bé gái đang đứng ở hiên nhà khuất tối tôi không nhận ra là những em nào nhưng chắc đó là mấy em học sinh của trường trung học Đôn Luân. Đầu tóc tôi dài như Tarzan, râu thì tua tủa, và hẳn là mặt mày trông phải hốc hác. Tôi nay áo cộc không còn hai ống tay, quần thì đã cắt chỉ còn ngang đầu gối, chân quấn vải. Tôi chắc chắn không còn giống thầy Dũng của các em ngày xưa, nhưng các em vẫn nhìn ra thầy. Một niềm vui tự đáy lòng dâng lên. Các em quen tôi, biết tôi như một ông thầy, không phải một ông lính.

Tôi cười nhìn các em. Một đôi dép Nhật được quăng ra phía trước tôi. Tôi dừng lại ngần ngừ thì có tiếng quát khẽ nhưng gằn: “Anh kia” và người cán bộ lấn tới nhặt đôi dép ném trả về phía vệ đường. Tôi quay hẳn đầu lại gật gật tỏ ý cảm ơn các em học trò, chân vẫn tiếp tục lê sau khi bị người cán bộ đẩy chúi về phía trước.

Hai đứa tôi được dẫn đi về phía ngã ba gần quán hủ tíu của ông Ba Tàu. Rải rác là những khẩu hiệu mà sau này đi đâu tôi cũng gặp “Chủ nghĩa Mac-lênin bách chiến bách thắng “- “Không có gì quí hơn độc lập tự do” – “sự nghiệp Bác Hồ sống mãi trong quần chúng“. Những người dân Đồng Xoài trông thấy hai đứa tôi, nhìn rồi quay mặt đi. Tôi thấy họ trông cũng ngơ ngác, dật dờ. Cái không khí của Đồng Xoài cách đây chưa đầy một tháng đã biến mất. Thay vào đó là những di động không lời, mọi sự như một phim ciné câm. Cuộc đổi thay xem ra không dễ dàng.

Người cán bộ dẫn tôi vào một căn nhà trống và bảo chờ. Tôi cũng chẳng hiểu chờ gì. Hai ba ngày qua tôi và ông Kiệt đã được thưởng thức lương khô bộ đội. Đó là phong bánh có lẽ là đậu xanh. Ăn nó cũng vui vui nhưng sau đó uống nước như điên và no lâu không thể tả được. Ông Kiệt nói cái thứ lương khô này có trộn thêm nhiều thứ vitamin, vì là bột ép, khi vào bao tử nở ra nên no lâu.

Hai đứa tôi ngồi bó gối trong căn nhà trống trơn, có lẽ thuộc gia đình một người lính chi khu. Ông Kiệt hỏi tôi:

– Tụi nó dẫn mình về Đồng Xoài làm gì vậy?

– Ông nội tôi cũng không biết. Dám đem mình ra xử bắn cho dân chúng coi chơi.

Câu nói bông lơn của tôi làm chính tôi cũng rùng mình. Nghĩ đến hình ảnh bị trói giật cánh khủyu vào chiếc cọc chờ phát súng ân huệ làm tôi sở ngáy, gai ốc nổi đầy mình. Tôi chưa bao giờ thấy tận mắt nhưng chỉ được nhìn trên màn ảnh và đó là những cảnh không đẹp tí nào, nhất là khi tử tội nghẹo đầu gục sang một bên, mồm rỉ máu.

Khi trời vừa sập tối thì ngoài đường vọng vào những tiếng người ồn ào, tiếng chân bước. Loáng thoáng lọt vào trong căn nhà là ánh đuốc và đôi khi loé lên ánh đèn pin. Hình ảnh tên tử tội gục xuống lại hiện ra trong đầu tôi.

Cửa mở, người cán bộ bước vào.

– Hai anh này đứng lên đi theo tôi.

Bước ra đường tôi nhìn về phía chợ. Khu đó sáng trưng và rất đông người. Tôi nhủ thầm những giây phút cuối của cuộc đời Trung Úy Đỗ Lệnh Dũng đang điểm.

Khi được dẫn vào căn nhà khác gần chợ, tôi thấy ít ra không chỉ có tôi và ông Kiệt. Lố nhố phía trong cỡ hơn mười người nữa trông bộ dạng chẳng khác gì tôi. Định thần tôi nhìn thấy một sĩ quan khác, Chuẩn Úy Nguyễn Văn Đức. Nhiều khuôn mặt quen thuộc khác của chi khu nhưng tôi không nhớ tên. Họ đều nhận ra chúng tôi ngay lập tức vì tôi nghe tiếng xì xào “Trung Úy Dũng“.

Một cán bộ Bắc Việt lên tiếng:

– Các anh là ngụy quân. Các anh đã quen bóc lột ức hiếp đồng bào, hiếp dâm, đốt nhà. Hôm nay là ngày các anh sẽ phải trả lời trước nhân dân về những tội ác tày trời đó.

Không một ai trong chúng tôi lên tiếng. Quả đúng chúng tôi là quân nhân VNCH – là Ngụy Quân theo cách gọi của người cán bộ Cộng Sản – nhưng còn những tội ác tày trời? Trả lời nhân dân?

Khi chúng tôi bị lôi ra khỏi căn nhà, tiếng loa vang rè rè vọng ra từ phía chợ. Bóng người lố nhố khá đông từ ánh đuốc chập chùng. Tôi quan sát lượng định. Tôi có cấp bậc cao nhất trong đám tù binh, vậy tôi là đầu sỏ, có nghĩa là tôi bị bắn trước tiên. Hình ảnh của Trung Úy Đỗ Lệnh Dũng ngoẹo đầu miệng ứa máu xem ra không đẹp tí nào. Nhất là với đầu râu rối mù, quần áo tả tơi.

Trong căn nhà trống rộng lợp tôn vẫn làm nơi họp chợ trước kia, ba chiếc đèn manchon tuy sáng rực nhưng cũng không đủ chiếu rọi khoảng trống khá lớn. Quanh đó là những bó đuốc không hiểu được đốt bằng thứ gì nhưng tỏa khói dày đặc. Một chiếc bàn dài phủ khăn đỏ tôi nhìn đâu thấy bốn năm người ngồi, trong đó có hai người mặc quần áo bộ đội, còn ba người kia mặc đồ thường dân. Đằng sau là một tấm vải lớn làm phông có hình ông Hồ Chí Minh dưới lá cờ đỏ sao vàng và khẩu hiệu khá lớn “Không có gì quí hơn độc lập tự do” với chữ nhỏ ở dưới viết “lời Hồ Chủ Tịch”.

Đám đông tụ tập phía trước có lẽ đến vài ba trăm người đứng lố nhố trong cái tranh tối tranh sáng của ánh đuốc lập loè. Tôi rùng mình nhớ đến bố tôi và cuốn phim CHÚNG TÔI MUỐN SỐNG.

Tòa Án Nhân Dân! Lời nói úp mở của chính trị viên thẩm vấn tôi nay đã rõ nghĩa. Có thể ông ta thấy trước số phận của tôi nên không truy lý lịch kỹ lưỡng và cuộc hỏi cung cũng đầy vẻ thân thiện, lại còn cho hút thuốc lá Điện Biên của miền Bắc. Tôi rùng mình nhớ đến những câu chuyện được nghe hồi nhỏ khi đồng bào miền Bắc lũ lượt di cư vào Nam năm 1954. Tôi cũng đã xem phim Chúng Tôi Muốn Sống. Nhưng suốt từ bao năm qua cái hình ảnh đó đã tan biến trong trí não tôi và tôi cũng nghĩ Tòa Án Nhân Dân chỉ có trong thời kỳ cải cách ruộng đất , chứ miền Bắc chắc không có tòa án nhân dân nữa.

Tụi tôi bị xếp ngồi ở một góc ngay phía dưới chiếc bàn phủ khăn và kẻ bị gọi tên đầu tiên không phải là đầu sỏ Đỗ Lệnh Dũng mà là một trung sĩ. Tôi nhớ tên anh ta không những chỉ vì bản án tròng vào cổ mà là cái tên nữa. Trung Sĩ Trần Văn Tửng, một cái tên rất miền Nam. Anh ta làm phát ngân viên cho một đơn vị trong chi khu. Đồng Xoài có một quán hủ tíu và hai ba quán nhỏ khác chuyên bán đồ nhậu, cùng đâu vài ba cửa hàng tạp hóa trong đó tiệm Phúc Đường của một gia đình người Tàu là lớn nhất. Những người lính khi hết tiền thường nhậu ghi sổ hay mua chịu. Trung sĩ Trần Văn Tửng đã ăn cánh với các ông chủ quán, chủ cửa tiệm này để trừ thẳng tiền thiếu vào lương cuối tháng. Tôi cũng đã thấy một đôi lần những bà vợ lính la hét chửi bới viên trung sĩ này nhưng ông ta chìa ra biên nhận ăn chịu mua thiếu có chữ ký làm bằng.

Khi Trung sĩ Trần Văn Tửng lủi thủi bước ra trước khoảng trống thì tiếng la ó nổi lên. Trên bàn “quan tòa” một người mặc sắc phục bộ đội nói giọng bắc cầm cái loa- cái loa pin có lẽ tịch thu được từ ty sở nào đó của Đôn Luân – lớn tiếng nói:

– Như tôi đã nói vừa rồi, từ nay đồng bào không còn sợ gì nữa. Đảng và nhà nước ta sẽ dẫn tổ quốc ta trên con đường chiến thắng vinh quang. Đế quốc Mỹ đang tháo chạy. Ngụy quân đang tan hàng rã ngũ trước các mũi tấn công dồn dập của quân đội Nhân Dân anh hùng. Ngày giải phóng toàn bộ miền Nam không còn xa nữa. Bọn Thiệu Kỳ sẽ phải đền tội trước nhân dân. Đồng bào hãy mạnh dạn tố cáo những tên ác ôn từng hút máu mủ của đồng bào, những tên ngụy quân từng mổ bụng lấy gan người, những tên ngụy quân xẻo tai người đeo thành vòng trên cổ. Những tên ngụy quân ngụy quyền đã cướp bóc từ miếng cơm manh áo của đồng bào. Đồng bào hãy mạnh dạn tiếp tay chính quyền giải phóng để vạch mặt chỉ tên bọn chúng.

Ông ta nói khá dài, trong khi ở phía dưới những người bộ đội đeo AK đi đi lại lại hối thúc mọi người lên tố giác tội ác, vạch mặt chỉ tên ngụy quân ngụy quyền.

Một người đàn bà trung niên tiến ra nói:

– Thưa cách mạng, tên này tháng nào cũng ăn chặn tiền lương của chồng tôi.

Có tiếng đập bàn:

– Trần Văn Tửng đã nhận tội chưa?

Trung sĩ Tửng lí nhí nói:

– Chồng bà ta mua thiếu chịu, yêu cầu tôi trừ vào lương, lúc nào cũng có biên nhận.

– Ngoan cố. Trong đồng bào đây, ai từng bị tên Tửng trừ lương mạnh dạn giơ tay lên. Mày thấy không? Mày ăn chặn tiền lương của biết bao nhiêu người. Mày nhìn xem có biết bao nhiêu cánh tay giơ lên. Đồng bào có đồng ý phải dành cho tên trung sĩ ngụy Trần Văn Tửng một bản án đích đáng để làm gương không?

– Đồng ý. Đồng ý.

Ông cán bộ ngồi xuống quay sang nói với ba bốn ông đang ngồi cạnh rồi đứng dậy dõng dạc:

– Chiếu theo nguyện vọng của toàn thể đồng bào huyện Đôn Luân, chiếu theo nghị quyết của tòa án nhân dân huyện Đôn Luân:

– Xét rằng tên Trung sĩ Trần Văn Tửng đã âm mưu toa rập với bọn gian thương bóc lột hút máu mủ đồng bào.

– Xét rằng tên Trung sĩ ngụy Trần Văn Tửng đã sống trên xương máu của đồng bào,

– Nay tuyên án tử hình.

Bản án tử hình làm tôi rùng mình, một cảm giác lạnh buốt chạy dọc xương sống. Một viên Trung sĩ chỉ vì thu góp tiền mua chịu ăn thiếu mà bị tử hình thì tôi lãnh án cỡ nào? Khi hai người bộ đội lôi xềnh xệch trung sĩ Trần Văn Tửng vào phía sân khấu thì tôi nghe tiếng nói lớn:

– Điệu tên Trung Úy Đỗ Lệnh Dũng ra.

Tôi chưa kịp đứng thì hai người có lẽ là du kích mỗi người chộp lấy một bên vai đẩy tôi chúi ra phía trước. Tôi nghe tiếng lào xào từ phía dân chúng. Họ vẫn chưa hết bàng hoàng về cái án tử hình “Trời đất có dzậy mà tử hình” “Mạng người chứ bộ…” “Tui nói là cách mạng dữ lắm mà, nghiêm lắm mà…”

Viên cán bộ đập tay xuống bàn và phía sau đám đông một tràng AK nổ ròn như muốn thị uy khiến mọi người không dám bàn tán nữa. Tôi đứng đối diên với các “quan tòa”. Ánh đèn măng sông khiến mặt họ tái nhợt. Không hiểu động lực gì – Có thể là từ suy nghĩ cầm chắc cái chết trong tay – Tôi bình tĩnh lạ lùng, tâm hồn thư thản và thầm nhủ dầu sao tôi cũng là sĩ quan, là cấp chỉ huy không thể để kẻ thù uy hiếp ! Mãi về sau này kiểm điểm lại về thái độ “tiểu tư sản” đó, tôi vẫn tự cười mình. Nhưng lúc đó là như vậy. Viên cán bộ nói tràng giang đại hải những gì là “đầu sỏ ngụy quân” là “tay đã nhúng vào máu” là “tay sai của đế quốc Mỹ”. Nhưng khi dân chúng được yêu cầu lên tố khổ thì mọi người yên lặng. Những gì xảy ra cho trung sĩ Trần văn Tửng vẫn còn làm cho người dân Đồng Xoài bàng hoàng. Người đàn bà lên tố khổ hẳn không bao giờ biết đến bạo lực cách mạng. Chỉ vì tức giận ông chồng ăn nhậu ghi sổ, bà ta đã khiến một người lãnh án tử hình, một chuyện không thể xảy ra dưới thời Ngụy, dưới chế độ cũ. Viên chánh án vẫn lớn tiếng kêu gọi và tôi nghe loáng thoáng ở phía sau là lời hối thúc của du kích, bộ đội, động viên tinh thần dân chúng.

Một người đàn ông bước ra. Tôi không biết đã gặp ông ta ở đâu, chỉ nhớ mài mại. Ông ta khúm núm nói:

– Ông Trung Úy này không hại đồng bào. Ông ta dậy học và lo lắng cho học trò nhiều lắm.

Từ trong đám đông mấy em nhỏ có lẽ là học trò tôi la lên:

– “Thầy Dũng tử tế lắm,” “Thầy Dũng phát sách bút cho tụi em“.

Những tiếng thầy Dũng làm tôi xúc động đến tận tâm can và tôi chợt nhớ người đàn ông đứng trước mặt là phụ huynh của cô học trò có lần mếu máo không được đi học vì phải ở nhà giúp cày cấy. Tôi đã phải nhờ một nghĩa quân đến giúp gia đình này để em có thể đến trường. Tôi đứng đó yên lặng nhìn người đàn ông can đảm và thấy lòng mình ấm lại.

Viên cán bộ đứng day sau cái bàn phủ khăn giơ hai tay ra hiệu cho mọi người im lặng. Anh ta nói:

– Cách mạng luôn công bằng. Nhân dân luôn sáng suốt. Xét rằng tên trung úy ngụy Đỗ Lệnh Dũng tuy đã lầm đường lạc lối nhưng còn có thể giáo dục để hắn trở lại với hàng ngũ nhân dân, tôi đề nghị đưa tên này đi học tập cải tạo để có thể trở thành một con người tốt.

Màn bi hài kịch Tòa Án Nhân Dân là như vậy. Trần Văn Tửng bị xử chưa quá mười phút. Đỗ Lệnh Dũng cũng chỉ độ mười lăm phút là cùng. Sau này trong trại tù, tôi kể lại câu chuyện khó tin này với vị thẩm phán già và ông cụ gật gù:

– Ông may mà thoát chết chứ nếu họ sửa soạn kỹ hơn, có bài bản hơn, e rằng xương ông đã mục từ lâu rồi. Nếu đúng là phiên tòa Nhân Dân như trong phong trào đấu tố 1954, họ sửa soạn kỹ lắm, từ cáo trạng, từ người lên đấu tố để được học tập kỹ càng. Phiên tòa có lớp lang và có khi kéo dài cả tuần lễ. Nghe ông tả thì không khí đấu tranh trong phiên tòa hời hợt quá. Một là họ vội vàng trong việc thị oai, biểu diễn với dân chúng. Họ chỉ mới chiếm Đồng Xoài chưa đầy một tháng. Hai là mấy anh ngồi bàn chánh án không phải là công an thứ thiệt, công an chuyên ngành mà là mấy ông lính, ông bộ đội. Ba nữa là dân Đồng Xoài chưa quên chế độ cũ của Miền Nam…

Tôi không rõ lời bình giải của người bạn tù già có đúng chăng nhưng đối với tôi phiên tòa đúng là một màn kịch dở. Cái màn kịch dở này đã khiến trung sĩ Trần Văn Tửng trở thành vật hy sinh tế thần, và tôi được hứa sẽ cho đi học tập để được giáo dục thành người tốt.

Tôi bị lôi ra khỏi đám đông và người du kích dẫn tôi trở về ngôi nhà trống bảo ngồi đó chờ. Chờ quái gì đây? Chỗ đó khá xa với chợ, tôi chỉ nghe tiếng ồn ào vọng lại. Khoảng một giờ sau tôi thấy họ dẫn Chuẩn úy Kiệt vào. Nhìn thấy ông Kiệt tôi thật mừng, hỏi khẽ

– Nó xử ông làm sao?

– Nó bảo gửi tôi đi học tập.

– Gửi đi học tập gì, ở đâu?

– Ông nội ai dám hỏi. Mẹ kiếp, đến đâu thì đến.

– Ông Đức bị gì?

– Ông ta bị giao cho công an xử lý!

– Tức là đi tù à, bị giam à?

– Đâu biết

– Có ai bị tử hình chăng?

– Chỉ mới có ông Trung sĩ Tửng. Sau này có ai bị nữa không thì không biết.

Và ông Kiệt hỏi lại tôi câu hỏi tôi đã hỏi ông:

– Học tập cải tạo là cái gì vậy?

Đây là lần đầu tiên chúng tôi nghe đến danh từ Học Tập Cải Tạo. Nhưng tôi và ông Kiệt không được cái hân hạnh đi học tập cải tạo ngay mà phải chờ đến một năm sau. Chỉ có điều tôi không bao giờ nghĩ là tôi đã học tập trên một thập niên mà vẫn không trở thành người tốt của chế độ như lòng kỳ vọng của các chánh án trong phiên Toà Án Nhân Dân ngắn ngủi ở chợ Đồng Xoài.

No comments: