ĐỖ LỆNH DŨNG - CHƯƠNG 12

Lê Thiệp

                 

CHƯƠNG 12

 

Tôi đến đất Bắc trong cơn mưa phùn lạnh gần bảy năm về trước, bảy năm của tù đày nhục nhã, bảy năm của cái buồn nhiều hơn vui, bảy năm của cố gắng sống còn.

Tôi sắp rời đất Bắc để trở lại nơi đã ấp ủ nuôi dưỡng tôi và trong cái niềm vui hồi đó, ông trời có lẽ cũng thông cảm nên nắng đẹp, không nóng quá như những ngày hè vừa qua.

Hình như dân Bắc, nhất là ở ga Yên Bái này, mọi người đã quen nhìn lũ tù cải tạo miền Nam gầy guộc, co rúm, nheo nhếch. Đã biết bao nhiêu đám tù tới và đi? Chẳng ai đếm và cũng chẳng ai buồn lý tới. Cơm áo hàng ngày, cuộc sống không bao giờ nghĩ tới tương lai, người dân Xã Hội Chủ Nghĩa chẳng ai có thời giờ cho lũ tù cải tạo.

Đứng ở sân ga chưa tới mười phút, tôi cố giương mắt lên nhìn lần cuối. Những người dân cũng vẫn trông không khác gì so với những ngày đất nước chưa thống nhất, trừ mấy chiếc Honda, Suzuki. Vẫn gồng vẫn gánh và những phụ nữ già nua trùm khăn mỏ quạ ngồi bên những chiếc thúng bán xôi, bán bánh kẹo trông ủ rũ như cuộc đời phía trước.

Những ông bạn tù – đợt này về hơn một trăm mạng – đều là những thứ “Ác ôn, ngoan cố, lý lịch hắc ám“. Nếu không thì đã được xuất trại từ lâu mới phải. Tiếng súng đã ngưng từ hơn bảy năm rồi mà! Trong cái suy nghĩ đó tôi quay sang hỏi ông đứng cạnh:

– Binh chủng nào mà giờ này vẫn còn dính với tụi tôi?

– Đâu có lính tráng gì. Công chức. Chủ sự

– Sao bóc nhiều lịch thế?

– Dân vận. Họ bảo tôi ác ôn, là bọn phun nọc độc vào quần chúng, là chiến tranh tâm lý xách động quần chúng, là tay sai CIA

– Lắm tội thế hẳn nào.

Cả hai cùng cười, nhưng là cái cười méo xệch, trông quả không giống con giáp nào.

May quá, khi xe lửa ngưng ở Hà Nội, chúng tôi không bị dân chào, ném đá như lần trước. Ga Hàng Cỏ đông, ồn ào như chợ vỡ, người ta chen nhau, huých nhau để leo lên con tàu Thống Nhất xuôi Nam. Cho dù tù được nhốt ở toa cuối nhưng tiếng chửi, tiếng la hét inh ỏi vẫn vọng vào qua cửa sổ đóng kín.

Vào khoảng nửa đêm gần sáng, ông bạn tù dân vận huých tôi:

– Ngửi thấy không?

Mùi biển. Gió từ ngoài đem vào cái mùi tanh ngọt của rong rêu, của cá, của nước mặn.

– Chắc bắt đầu qua khỏi Vinh, Thanh Hóa. Vậy mình sắp về đến nơi.

Tôi bật cười trong đêm. Về đến nơi! Có về đến nơi thì vẫn thân phận tù không án, ngày về đến nơi thật vẫn tít mù tắp không biết đến bao giờ. Đây có lẽ là con tàu tốc hành nên ngừng rất ít, đâu bốn năm chặng gì đó và tất nhiên không có chuyện chúng tôi được xuống ga đi lại cho dãn gân dãn cốt. Gần đến trạm là bộ đội, công an kéo sập hết cửa sổ lại. Toa cuối nên lắc dữ và lũ tù cũng chỉ còn biết ngồi chịu trận lắc lư theo tàu.

Khi tàu ngừng sau hơn môt ngày một đêm, chúng tôi được lệnh. Vừa đặt chân xuống lại miền Nam, chúng tôi nghe tiếng bà con gọi nhau:

– Cải tạo. Tù cải tạo.

Chỉ một loáng, những người dân Bình Tuy có mặt ở sân ga ồ lại phía chúng tôi. Công an áo vàng, trật tự viên và bộ đội chặn lại, họ xua. Một chiếc bánh lá được ném sang và sau đó là tới tấp đủ thứ. Những em bé quần đùi áo xốc xếch đặt cả cái thúng xuống và vung tay ném bất cứ thứ gì trong đó về phía tụi tôi. Bọn công an hò hét ngăn cản, lùa chúng tôi vào một góc, nhưng anh em tù ai nấy đều chộp, vồ được. Người thì trái bắp luộc, kẻ thì bánh ít, quả ổi, quả chuối hay một nắm xôi đậu.

Có cái gì dâng lên trong tôi.

Thế ra lòng người miền Nam vẫn ở với chúng tôi. Thế ra sau bảy năm cái tình vẫn còn nguyên đó, cái tình của những người dân buôn thúng bán bưng, của những em bé bán dạo. Tôi nheo mắt nhìn nắm xôi đậu đen gói trong lá chuối. Miếng xôi đã vỡ, văng xuống đất một nửa. Miếng xôi xộc xệch, mầu xôi hơi tim tím bao lấy những hột đỗ đen thẳm. Tôi cẩn thận nắm nó lại, bỏ vào túi.

Những chiếc xe GMC màu ô-liu nay đã cũ kỹ, chiến lợi phẩm của cuộc Đại Thắng Mùa Xuân, chờ sẵn và rất nhanh chúng tôi bị lùa lên. Các ông bạn tù vừa đi vừa ngoái lại coi đám đông cỡ hơn một trăm người dân vẫn đứng tụ trên sân ga. Họ vẫn đứng đó nhìn theo chúng tôi và biết đâu không có một em nhỏ đang ngóng cổ xem bố mình có mặt trong đám tù chăng?

o O o

Trại tù nào dưới chế độ thì cũng thế. Nhưng xem ra sau hơn bảy năm học tập, hết đợt này đến đợt khác, trại tù này trông có vẻ khang trang ngăn nắp. Khởi thủy đây có thể là rừng hoang, đất cứng như đá, đồng khô cỏ cháy nhưng để đổi lấy những dãy nhà tù ngang dọc, những căn nhà quản giáo, những hàng rào, vọng gác, bao nhiêu tù đã gục ngã. Họ trả giá bằng chính xương máu của mình để có được chỗ tự giam và giam bằng hữu đồng đội.

Khi chúng tôi xuống xe thì trại tù vắng vì tù còn đi lao động bên ngoài. Cái nắng của miền Nam khác cái nắng mạn ngược miền Bắc. Nó có vẻ nóng nhưng không gắt, mặt trời rạng rỡ nhưng không oi, người không lúc nào cũng rịn mồ hôi. Ít ra thì dù vẫn là tù, nay chúng tôi đang ở miền Nam và cái vụ thăm nuôi có vẻ sẽ dễ dàng hơn.

Tôi đã chuyển trại cả chục lần nên hiểu chuyện gì sẽ xẩy ra. Đối với anh em cùng cảnh là màn hỏi thăm tới tấp. Ai đã được thả, ai đã chết, kẻ nào còn lê lết trong những địa danh như Hoàng Liên Sơn, Thái Nguyên, Việt Bắc. Với tụi tôi là một vài ngày thích ứng. Không phải lao động nhưng lại cong người khai lý lịch.

Ai đã đi tù Cộng Sản đều biết cái màn khai lý lịch. Đã có ai khai dưới mười lần chăng? Tôi không chắc nhưng cá nhân tôi thì không đếm xuể. Tù cũng đã rút kinh nghiệm và bảo nhau. Càng viết dài càng tốt, nhưng càng khai ít càng tốt. Đây là cả một nghệ thuật. Bản lý lịch viết vỏn vẹn có hai ba trang thế nào cũng phải khai lại. Nhưng viết dài mà lại khai tứ tung ngũ hoành, dây mơ, rễ má là thế nào cũng được làm việc tiếp. Trước sau tôi không bao giờ nêu tên ông bác Đỗ Lệnh Tích của tôi trong lý lịch. Đây là quyết định của tôi ngay từ lúc đầu khi bị khai thác ở mặt trận. Trước hết tôi không nghĩ ông bác tôi muốn nhòm ngó gì đến thằng cháu Ngụy và nếu có muốn ông cũng không dại gì hy sinh sự nghiệp cách mạng, không thể để lý lịch có tì vết. Về phần tôi, tôi không muốn bị phiền hà. Với gia đình, tôi không thể dấu nên khai là đã đi Mỹ nhưng cố không ghi rõ thời gian, nhưng khi nhận được thùng quà từ Mỹ thì tôi phải khai rõ hơn. Từ đó, mỗi lần khai lý lịch, câu hỏi: “Bố anh đi Mỹ từ năm 1964 làm gì? Có phải là CIA không?” Người Cộng Sản nhìn đâu cũng ra CIA và luôn luôn đem con ngáo ộp CIA ra chụp lên đầu bất cứ ai. Trong một lần “làm việc” tôi đã thẳng thắn nói lại với ông quản giáo chấp cung rằng muốn làm việc cho CIA cũng không dễ gì đâu. CIA trả lương cao lắm. Nhưng ông ta cười khẩy mắng tôi như tạt nước vào mặt tôi vì bênh vực CIA. Điều mà mãi sau này cho đến đâu trước hôm mãn tù tôi mới biết rằng chính tôi đã bị kết tội có dính líu đến CIA, rằng gia đình bố mẹ anh chị em tôi đã có những liên hệ nguy hiểm với Mỹ và có thể CIA đã tìm đủ mọi cách cứu tôi. Chuyện gì xẩy ra ở bên Mỹ quả là tôi mù tịt vì tôi không hề nhận được thư từ của bố mẹ tôi và sau này tôi cũng mới biết là thư của ông cố vấn Mỹ cùng nhiều thư từ khác của cơ quan công quyền Hoa Kỳ để vận động cho tôi.

Ít nhất thì khi về đến miền Nam tôi cũng lại có cái vui là gặp lại ông già Thông. Ông vẫn chưa được thả mặc dù đã sống một cuộc đời tù gương mẫu – Gương mẫu theo kiểu nghĩa không phiền hà, luôn luôn ẩn trong đám đông không bao giờ đối đầu trực diện với cai tù. Tập họp, ông ngồi ở gần cuối. Đi đâu khi phải di chuyển, ngay cả khi phải đi lao động, ông cũng đi ở giữa. Có gì ăn nấy và khi có thăm nuôi thì đem ra chia hết cho mọi người. Ông không có tài sản riêng. Vâng, trong tù vẫn có thể tư hữu. Cái điếu cày chẳng hạn. Một cái vòng tiện ra từ vỏ đạn được khắc tỉ mỉ để làm quà cho vợ khi về. Một cái áo ấm gia đình gửi cho. Lỉnh kỉnh nhiều thứ lắm nhưng ông Thông thì chủ trương vô sản. Nhưng những điều khôn ngoan đó vẫn không giúp ông ra tù sớm.

Nói đến tư hữu phải công nhận tù miền Nam giầu hơn tù miền Bắc rất nhiều. Chế độ đã khoan hồng hơn lúc mới chiến thắng, đã cho phép thân nhân gia đình thăm nuôi thả giàn, càng thăm nuôi nhiều càng tốt. Có rất nhiều ông tù ăn riêng vì họ được thăm nuôi thừa bứa, bữa ăn nào cũng có cao lương mỹ vị như thịt heo kho khô, ruốc chà bông và đôi khi có cả lạp xường nữa. Vảng vất đâu đó cái xã hội của miền Nam lại đang tái diễn trong tù. Tất nhiên là các ông quản giáo không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để chấm mút.

Trong cái bối cảnh đó, đời tù của tôi lại vấp ngã ngay trong ngày lao động đầu tiên. Khi chia đội, anh em trong số vài ông cựu tù binh nhất định bầu tôi làm đội trưởng. Buổi sáng đầu tiên trước khi cuốc xẻng ra khỏi trại, tôi phải tập họp mọi người để bá cáo. Viên quản giáo nhìn đám tù mới tới tận mặt khó đăm đăm và ngay khi tôi vừa báo cáo nhân số xong thì ông ta gằn giọng:

– Anh báo cáo với cán bộ, tại sao anh lại đội mũ. Yêu cầu anh bỏ mũ ra bá cáo.

Tôi sững người nhưng tuân hành ngay. Báo cáo xong. Ông lại quát to hơn:

– Không phải chỉ có mình anh. Tất cả đội viên đều phải bỏ mũ. Bỏ hết mũ ra báo cáo lại.

Tôi quay lại yêu cầu anh em tuân hành và bá cáo lần nữa.

Hôm sau tôi bảo anh em. Không ai đem theo mũ. Khi tôi báo cáo xong, viên quản giáo cười gằn:

– Trời nắng tại sao các anh không đội mũ. Anh Dũng. Tại sao anh không cho anh em đội viên đội mũ. Anh định âm mưu chống đối gì đây. Tôi muốn anh lên chỗ tôi giặt cho tôi mấy cái chăn ngay lập tức.

Bỗng nhiên tôi ở thế chẳng đặng đừng. Tôi nhớ đến ông Thông và cố nghĩ xem nếu ông ở vị thế này thì sẽ đối phó ra sao. Tôi không suy nghĩ được lâu vì viên quản giáo nói từng tiếng như gằn:

– Anh Dũng, anh nghe rõ không? Anh lên phòng tôi lấy mấy cái chăn giặt ngay.

– Thưa cán bộ, tôi sẵn sàng chấp hành nội qui của trại, không làm điều gì sai trái. Nhưng xin cán bộ thông cảm. Tôi không từ chối những công tác nặng nhọc nhưng cái vụ giặt chăn…

– Được. Anh không phải nói nhiều. Các anh có ai muốn giặt chăn cho tôi không?

Không khí căng thẳng tột độ và một cánh tay giơ lên. Tôi không biết đây là một hành động cứu anh em hay là một bon chen cố ý. Lạy trời đây là một nghĩa cử. Viên quản giáo vẫy người đó ra tuyên bố ngắn gọn:

– Anh không phải giặt chăn. Từ nay anh là đội trưởng. Anh dẫn đội viên đi. Còn anh Dũng anh đứng đó chờ lệnh.

Đời tù không án nên hình phạt không có đoạn kết không có gì ngạc nhiên. Tôi bị phơi nắng đến cỡ gần hai giờ thì bị xỉu nằm lăn ra giữa sân. Người tôi khô kiệt, da tôi như bỏng và đầu óc tôi toàn những đốm tối và đốm sáng loé lên từng chặp.

Khi anh em đi lao động về tôi vẫn nằm đó cho đến lúc viên quản giáo khệnh khạng ra lệnh lôi tôi vào. Tôi bị sốt nóng, bị bỏng da nằm li bì cả tuần lễ.

o O o

Cuộc đụng độ của tôi ngay khi vừa tới trại với ông quản giáo đã gây tiếng dội ngay lập tức. Quản giáo Hùng nổi tiếng và có bí danh Hắc Ám với rất nhiều thủ thuật. Viên quản giáo này theo sát tù cải tạo, không hề nương tay , lúc nào cũng đôn đốc tù làm việc cật lực. Bộ mặt lạnh như tiền, sẵn sàng trở mặt, đang ngọt nhạt bỗng quát tháo, không có gì xảy ra trong phòng qua mắt được ông ta. Một ông tù cải tạo đã phải lắc đầu “Nó như con ma xó, động một tí là có chuyện liền”. Anh em xì xào về hệ thống ăng-ten của viên quản giáo này tinh vi đến độ không biết nên nghi ngờ ai nữa. Mọi người thấy tôi gân xì-mốc, mặt đối tay đôi với Hùng Hắc Ám trước đám đông đều lo lắng cho số phận tôi. Đến ông Thông tuy không ở cùng phòng cũng bò sang dặn dò phải cẩn thận, e rằng Hùng Hắc Ám sẽ còn dở nhiều thủ đoạn nữa. Trời đất, tôi là một thằng tù, đối phó với tôi thì quá dễ. Ông Hùng nếu muốn cứ vu cho tôi bất cứ tội danh nào chẳng được, và muốn hành hạ tôi kiểu gì chẳng xong.

Bẵng đi cỡ nửa tháng, vào một buổi chiều khi vừa ăn xong, tôi được gọi lên làm việc. Từ sau hôm bị phơi nắng đến phát sốt, da phỏng tôi lẳng lặng không hé một lời về chuyện xảy ra, ai hỏi chỉ cười và bảo:

– Cán bộ quản giáo có lý của ông ta. Tôi cố giữ tư cách của tôi. Thế thôi, vả chuyện qua rồi đừng để ý hơn.

Tôi chăm chỉ thi hành bổn phận tù, lao động như mọi người và tỉnh bơ không nói năng oán trách gì. Phải chăng kinh nghiệm và sự khôn ngoan của ông Thông đã thấm vào tôi?

Khi tôi bước vào, quản giáo Hùng Hắc Ám đang ngồi ở ghế xa lông gỗ, có lẽ là thành tích của mấy ông tù giỏi nghề mộc. Bộ ghế gọn gàng xinh xắn. Thấy tôi, quản giáo Hùng không nhúc nhích chỉ cái ghế đối diện:

– A, anh Dũng. Ngồi xuống đi.

Thế này là thế nào? Tôi lập tức thủ thế:

– Thưa cán bộ, tôi được gọi lên để làm việc.

Câu nói vô thưởng vô phạt nhưng rõ ràng. Tôi chờ đợi màn hỏi cung, màn viết tờ kiểm điểm hoặc có thể cả màn ăn đòn hội chợ. Quản giáo Hùng vẫn nhỏ nhẹ:

– Ngồi xuống làm một cốc trà đã. Thuốc ba số còn mấy điếu, làm một điếu đi.

Tôi tiến thối lưỡng nan, tôi lẳng lặng ngồi xuống nhận ly trà và điếu thuốc ngoại. Đâu cỡ nửa điếu thì ông quản giáo vào đề.

– Tại sao anh không giặt chăn cho tôi?

– Thưa cán bộ, tôi đã nói ngay từ hôm đó. Quả thật tôi không thể làm các việc cán bộ nhờ được. Có thế thôi, e giải thích thế nào cũng không xong…nhưng tôi chỉ muốn là tôi xin cán bộ thông cảm.

– Anh có biết họ gọi tôi là Hùng Hắc Ám không?

– Tôi có nghe. Tôi chỉ nghĩ mỗi người đều có bổn phận phải chu toàn. Cán bộ lo tròn bổn phận là đúng, còn nếu vì thế mà có biệt danh Hắc ám thì đã sao.

Ông quản giáo phá ra cười ha hả, và ông ta làm tôi sững người.

– Tôi thích anh. Tôi đã để ý xem thái độ của anh sau hôm đó. Tôi đã đọc kỹ lý lịch của anh. Tôi e sẽ còn ở lại trại lâu vì những liên hệ của anh và gia đình anh. Tôi khuyên anh điều này. Đôi khi mình muốn là mình cũng không được. Gió chiều nào mình che chiều nấy thì mới dễ sống. Ở trại hay ngay cả ở bên ngoài cũng vậy.

Khi trở về phòng tôi vẫn không tin những gì xảy ra, và nhất là những lời khuyên quí hóa của ông Hùng. Tôi ở tù sáu, bảy năm, chưa có ông cai tù nào nào lại ngọt nhạt như vậy với tôi, lại còn cho hút thuốc ba số. Ông Thông lại càng lo hơn bảo tôi phải coi chừng, nhưng quả không có chuyện gì xảy ra cho tôi. Cái liên hệ quản giáo – tù cải tạo tưởng đã cho qua đến cỡ hai tháng sau tôi lại được gọi lên.

Lần này tôi không biết ông ta sẽ dở võ gì nữa. Trông ông ta tươi tỉnh, tôi cũng đỡ lo.

– Ngồi xuống, ngồi xuống. Tôi có chuyện nói.

Tất nhiên là ngồi và im lặng.

– Tôi không trực tiếp coi phòng nữa nên gọi anh lên. Ngày mai tôi sẽ làm việc ở ban an ninh trại. Trước khi tôi đi tôi hỏi anh xem anh muốn gì tôi giúp.

Tôi ngồi ngây mặt ra, cầm ly trà, không biết nói sao cho đúng. Giúp gì mới được chứ ? Giúp tốt nhất là thả tôi ra, trả tôi về với xã hội bên ngoài. Ông Hùng hỏi:

– Anh muốn làm thư viện không? Anh muốn làm ở ban ẩm thực không?

Đây cũng là một chi tiết khó tin đối với những người dân bên ngoài vòng rào. Hầu như nhà tù nào cũng có một nơi được gọi là thư viện. Sách vở đương nhiên là sách tuyên truyền và sặc mùi chủ nghĩa. Coi thư viện thì nhàn quá, không phải đi lao động. Tôi hỏi một câu thật vô lý:

– Thế thư viện thiếu người sao cán bộ?

Ông Hùng cười khằng khặc:

– Sao lại thiếu được. Biết bao nhiêu người xung phong, xung phong đủ kiểu nữa là khác. Nếu anh muốn thì tôi cho cái anh đang coi thư viện xuống lao động lại. Dễ thôi.

Đầu óc tôi làm việc rất nhanh. Ông bạn tù đang coi thư viện chắc đã đút lót khẳm. Tôi chợt loé lên ý nghĩ và nói ngay:

– Tôi thấy hình như ở trạm y tế cần người. Tôi có một chút kinh nghiệm về y khoa. Nếu được, tôi xin lên đó có ích lợi hơn.

Đã đòi thì đòi cho đáng. Làm ý tá có nghĩa là ở riêng, không phải ở chung trong phòng giam tập thể. Còn cái vụ y khoa thì nhằm nhò gì. Cái trạm y tế cũng như cái thư viện. Chẳng qua là trang sức vậy thôi, thuốc thang đâu, dụng cụ y khoa đâu mà phí phạm để lo cho tù.

Ông quản giáo tử tế:

– Được, dễ thôi. Để tôi bảo các đồng chí. Tôi sẽ không còn trực tiếp coi cải tạo viên nữa nên anh cũng nên cẩn thận.

Tôi nhớ đến lá số tử vi của tôi. Hay người ta thực sự có số? Bởi khi ông Hùng quản giáo Hắc Ám lên làm phó trại đặc trách an ninh, vài ngày sau, tôi được điều lên làm việc ở trại y tế thật.

Bỗng dưng tôi trở thành tù quí phái. Không có danh từ nào đúng hơn chữ quí phái. Trại tù Hàm Tân hình như là một trong những trại tù lớn nhất ở miền Nam Quá trình xây dựng trại này nay đã khiến nơi này đôi chỗ có hoa có lá và cái trạm y tế khá khang trang. Cùng làm việc ở trạm là một ông tù cải tạo có vẻ biết tiêm chích còn khá trẻ. Ông Bương gọi tôi là anh xưng em. Hai đứa chia nhau một cái phòng có hai chiếc giường một làm bằng gỗ và trời đất, có mùng che muỗi nữa. Bệnh xá có tám cái giường, luôn luôn có bệnh nhân. Đủ thứ bệnh từ phù thủng cho đến những thứ bệnh tôi chẳng biết là bệnh gì nữa. Thuốc nhiều nhất là ký ninh và một ít aspirin. Nhưng nhiều ông tù được thăm nuôi có những thuốc quí như trụ sinh ngoại chẳng hạn. Lúc này đa số thuốc là từ bên Châu Âu gủi về có lẽ vì liên hệ với Mỹ còn khó khăn.

Ông Bương trọng tôi vì tôi đọc được lời chỉ dẫn bằng tiếng ngoại quốc và giảng cho ông cách dùng. Tôi mới đầu còn nhát nhưng rồi cũng có thể chích thịt, chích gân được. Dụng cụ y khoa duy nhất chỉ có cái ống nghe và một lô kim chích đã cùn. Tôi phải mài lại kim trên miếng đá rất mịn. Một hôm tôi đang ngủ thì có bệnh nhân khẩn cấp. Anh em khênh lên một người tù, bụng đã chướng lên. Họ cho hay ông ta ngầy ngật mấy ngày, chính trạm đã ký cho ông ta ở nhà không phải lao động. Tối hôm đó ông đã vật vã và người từ bên cạnh hô hoán lên vì thấy ông cứ trợn mắt và bụng to quá.

Ông Bương và tôi nhìn nhau. Chỉ có nước đem ra bệnh viện tỉnh thì mới mong có cơ cứu được. Mấy ông tù bảo nhau:

– Cổ chướng. Sưng gan cổ chướng.

Tôi nghĩ thầm chắc là Hepatitis tới lúc phát, giai đoạn cuối. Bụng bệnh nhân cứng ngắc, hai mắt vàng ươm. Tôi hỏi ông Bường:

– Có cách gì đưa lên bệnh viện tỉnh ngay không?

– Phải xin phép và chỉ còn cách khênh lên, đi đường bộ.

Tôi nói với viên cai tù áp tải:

– Xin phép cán bộ cho bệnh nhân lên tỉnh, ở đây không đủ thuốc men.

– Nguy ngập lắm, e không lên tỉnh thì khó qua.

– Để mai tính.

– Xin cán bộ thông cảm. Tụi tôi sẵn sàng khiêng bệnh nhân đi bộ. Còn nước còn tát.

– Phải xin phép ban an ninh.

– Xin cán bộ giúp, tôi sẵn sàng đi lên gặp an ninh.

Ngần ngừ một lát, có lẽ trông cảnh người bệnh và ánh mắt cầu khẩn của lũ tù, viên cai tù bảo:

– Được, tôi và anh lên ban an ninh, nhưng tôi bảo trước không được đâu mà mong.

May quá, ông phó trại an ninh đang có mặt, thấy tôi, ông Hùng chấp thuận liền, và vỗ vai tôi:

– Phải không anh Dũng. Tôi cho phép đi vì anh, đừng để có chuyện gì xảy ra. Xa lắm đó. Để tôi bảo một người đi theo các anh.

Lúc đó đã khoảng chín giờ tối. Chúng tôi biết từ đây ra bệnh viện rất xa nhưng thì thào bàn tán, hy vọng ra ngoài trại có thể quá giang xe của dân. Sáu anh em đều xung phong và chúng tôi thay phiên nhau cáng người bệnh trên chiếc băng ca cũ kỹ.

Đi áp tải là một bộ đội còn trẻ măng. Anh này xem ra dễ chịu, lẳng lặng đi cách chúng tôi mấy bước chân. Bình thường, một lũ tù sáu đứa phải có ít nhất hai bảo vệ đi kèm, nhất là tối tăm thế này. Nhưng có lẽ ai cũng xúc động trước cái chết chăng ? Cái chết đến thật. Khoảng mười hai giờ đêm khi đang đi thì bệnh nhân co giật dữ dội trên băng ca, gào lên những âm thanh rùng rợn. Tôi đã cột bệnh nhân khá kỹ, lòng ao ước giá có moóc phin thì đỡ biết mấy.

Bệnh nhân dãy dụa dữ quá, tụi tôi đành hạ cáng xuống bên quốc lộ. Giữa đêm trăng sáng, trên con đường nhựa, sáu người tù đứng quanh chiếc băng ca thúc thủ. Khi bệnh nhân ngoẹo đầu sang một bên, dãy dãy rồi bất động, tụi tôi chỉ còn biết nhìn nhau. Một ông bạn tù đưa tay lên làm dấu thánh giá. Tôi thấy hai ba người chấp tay niệm Phật. Tôi quì xuống vuốt mắt cho ông bạn tù giữa đêm trăng, lòng trống rỗng và đầu óc thì như ở đâu đâu.

Cả bọn không ai nói gì, đứng đó, bóng đổ nghiêng bên mặt đường cho đến khi bảo vệ viên lên tiếng:

– Đã bảo mà. Cứ để chết ở trại có phải đỡ mệt không?

Mọi người quay lại nhìn anh ta. Khuôn mặt trẻ bụ bẫm hơn dưới trăng. Tôi thở dài nói với mọi người:

– Nghĩa tử là nghĩa tận. Tụi mình cố hết sức rồi. Đành quay về vậy.

o O o

Bức thư ngắn chưa đầy một trang giấy nhưng đã làm tôi ngẩn ngơ suốt cả ngày. Thư của Lê Hiếu Trung mở đầu;:

“Tao tưởng mày tiêu ở Đồng Xoài rồi, đến lúc tao gặp Bác Chuyên mới biết mày còn sống nên nghuệch vài hàng. Tao báo mày tin vui trước; Tao đã có vợ và một đứa con – con gái xinh giống mẹ. Tin buồn – hay cũng là tin vui vì nhờ thế tao không phải đi cải tạo; tao cụt mẹ nó một giò, làm anh hùng độc cước. Bị ở Phú Giáo sau Đồng Xoài đâu hai tuần lễ…”

Lê Hiếu Trung cao to, cao hơn tôi cả một cái đầu, là một tay nhu đạo hạng cừ. Tôi không nhớ Trung có mấy đẳng, nhưng có một dạo làm huấn luyện viên lò nhu đạo của Thầy Thích Tâm Giác. Cả đời tôi cái gì cũng dở dang. Tôi cùng học nhu đạo với Trung với ông Watanabe nhưng ít tháng thì bỏ cuộc khi bị dập xương chân trong khi Trung vẫn miệt mài theo đuổi nhu đạo.

Vào Thủ Đức, hai đứa gặp lại và trở nên thân thích. Tôi nhớ tôi nằm giường trên, phía dưới là ông Bùi Dương Liêm, và bên cạnh phía trên là Lê Hiếu Trung. Trung đi Thiết Giáp và cũng chính pháo đội Trung ở Phú Giáo đã yểm trợ cho Đồng Xoài vào những lúc cuối.

Bức thư ngắn ngủi nhưng tôi đọc đi đọc lại. Mọi sự như mới hôm qua thì phải. Tôi thừ ra, mường tượng đến một trung úy Lê Hiếu Trung cao to nay tập tễnh với chiếc nạng gỗ. Nó phi lý đến cùng cực, không cách gì có thể chấp nhận được. Tối đó tôi ngồi viết một lá thư.

Trung ơi,

Tao chưa chết, xem ra chết cũng khó lắm. Mừng được tin mày nhưng tao xin phép viết thư này cho một người khác. Cho vợ mày.

Thưa Chị,

Tôi là Đỗ Lệnh Dũng, biết Trung từ lúc còn chưa học hết trung học, tức cũng đã gần hai chục năm. Hai đứa cùng vào Thủ Đức và Trung là một trong những người cuối cùng liên lạc với tôi trước khi bị bắt. Nay Trung lại là đứa bạn đầu tiên liên lạc với tôi. Cái giao tình giữa tôi và Trung khiến tôi có thư này tới chị.

Thưa Chị,

Đã bảy năm qua tôi học tập hết trại này tới trại khác, trải thiên ma bách chiết, nhìn thấy những người đàn ông nhếch nhác dưới đủ dạng. Tôi đã chứng kiến chết chóc nhiều, đã đào huyệt chôn cũng nhiều. Nhưng đối với tôi, đó là chuyện không tránh được của người đàn ông. Nhưng còn những người mẹ, người vợ thì sao ? Nhận được thư Trung, đọc xong đầu tôi vẳng câu hát – Anh trở về bại tướng cụt chân, bên người yêu tật nguyền chai đá – Trung đã trở về và tôi mường tượng trong đám cưới chú rể Lê Hiếu Trung đứng chào hai họ với cái nạng gỗ. Cái vết tích cạnh đó có một cô dâu tươi cười, hồn nhiên. Cái chân của Trung có thể văng đi đâu đó trong cảnh súng đạn ì ầm ở Phú Giáo nhưng nay hẳn Trung không còn lý đến cái phần mất mát đó vì bù lại, Trung có chị bên cạnh. Tình yêu của chị dành cho Trung chính là tình yêu của chị dành cho tất cả chúng tôi, những đứa bị đày đọa vì cuộc chiến dù muốn hay không. Nhưng người đàn bà Việt Nam đã chịu quá nhiều cay đắng, có phần hơn cả chúng tôi. Hối xưa chúng tôi cũng được xưng tụng. Bên này hay bên kia. Chúng tôi là anh hùng bởi lúc nào cũng cần có anh hùng.

Đằng sau cái huy chương là những giọt nước mắt của mẹ, của chị, của em gái và nhất là của những người vợ. Lúc ở Bắc, tôi đã từng xúc động đến ứa nước mắt khi thấy những người phụ nữ vượt rừng vượt suối vào thăm nuôi. Trông những đàn bà, những người vợ, người mẹ hy sinh, vượt qua hết để chỉ được nói với người đàn ông vài lời, tôi đã tự nhủ thầm rằng tôi may mắn. Mẹ tôi, các em tôi và nhất là người vợ sắp cưới đã ở xa tít mù tắp nên không phải chịu những cảnh éo le đó. Tôi có quá ích kỷ để nghĩ rằng thôi thì thà như tôi, đóng vai con bà phước, không thăm nuôi lại đỡ hơn.

Tôi viết thư này tới thay vì Trung bởi tôi nghĩ chúng tôi có món nợ ân tình với tất cả những người đàn bà mà chị là tiêu biểu. Tôi vẫn nghĩ rằng thiên hạ bất công khi không ai nói, không ai lý tới những đau khổ của người phụ nữ Việt Nam. Đối với tôi những người như chị dám cùng Trung xây dựng cuộc đời là một hình ảnh tuyệt vời. Tôi tin chị rất đẹp vì Trung viết con gái xinh giống mẹ. Xin chị hãy nuôi dưỡng cái tình yêu với Trung và với tôi, tôi xin đón nhận chị như người vợ của một người bạn, hay hơn nữa một người lính, một người lính bại trận.

Cuối thư, xin chị cho gửi lời chúc tới Trung và cháu gái, mong bình an cho cả nhà.

Kính thư

Tôi đã gửi bức thư theo dạng thư chui, nghĩa là nhờ những người thăm nuôi chuyển. Mỗi tháng tù được viết một lá thư về cho gia đình nhưng đó là những lá thư vô thưởng vô phạt vì thế nào cũng bị bóc ra đọc trước, bị công an kiểm duyệt.

Bức thư chui bỗng trở thành công khai. Trung liên lạc đều với tôi và lần nào cũng có câu dặn dò: “Mày phải viết thư dài một tí cho tao và Hà đọc.” Điều mà tôi không biết là chị Hà đã đem tất cả những bức thư của tôi với chị và Trung vào sở cho mấy cô bạn cùng xem.

Sau này Trung kể lại rằng lá thư đầu tiên, có một người con gái mượn và đọc đi đọc lại. Sở của chị Hà nhiều phụ nữ vì là Công Ty Hướng Dẫn Du Lịch đóng đô ở ngay khách sạn Majestic trên bến Bạch Đằng. Các cô đều khá ngoại ngữ hoặc Anh hoặc Pháp để có thể hướng dẫn và đôi khi thuyết trình với du khách. Thật ra thư tôi viết chỉ là những chuyện nhỏ nhặt. Tôi kể về cái chết của Hoàn và nhờ Trung tìm xem Trung úy Lễ ở đâu nhắn tin dùm. Tôi viết về cái chết bên bờ suối của Đại úy Bình và sau đó chính qua Trung tôi được biết vợ con ông đã vượt biên đi Mỹ. Tôi kể về những đêm đen thẫm ở mạn ngược miền Bắc. Tóm lại đó là những lời tâm sự vụn nhưng lại là khởi đầu cho một cuộc tình giữa một tên tù cải tạo và một cô gái tên Nguyễn Thị Song Thu.

o O o

Cái chức y tá của ông Bường cũng là một thứ không có cá thì lấy cua, một kiểu bắt cóc bỏ dĩa. Trước đây trại này có cơ man nào là bác sĩ, dược sĩ cũng như các chuyên viên thượng thặng của miền Nam về đủ mọi lãnh vực. Khi chiếm được miền Nam, điều đầu tiên là một sự lừa đảo trắng trợn. Chính quyền mới lúc đó là Ủy Ban Quân Quản, trên danh nghĩa là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, đã nhỏ nhẹ yêu cầu tất cả quân cán chính quyền miền Nam đi trình diện học tập về chính sách và đường lối mới của tân chế độ. Họ được khuyến cáo đem theo đồ tùy thân gọn nhẹ và thực phẩm đủ ăn trong khoảng mười ngày. Cái lắt léo lớn nhất là ở đó. Bản tính ngây thơ, mặc cảm thua trận và nhất là suy nghĩ nay đã hết bắn giết, đi mười ngày rồi về làm lại cuộc đời thì đáng gì. Trong cái sôi động của cuộc chiến vừa dứt, có những người tuy không thuộc thành phần phải trình diện học tập nhưng cũng xung phong đi để cho nó xong, nó nhẹ người. Ông Thẩm Phán yêu quí của tôi là một thí dụ điển hình. Mười ngày đó trở thành mười năm là thường. Miền Nam bỗng trở nên một xã hội rỗng tuyếch bởi tất cả khả năng của miền Bắc không đủ cung ứng với những như cầu cấp thiết nhất của đời sống mà y tế có lẽ là hàng đầu.

Ngày xưa khi còn lăn lộn ở Phước Long, đôi khi cùng ông Thiếu úy mai tỉ tê, có lần ông bảo tôi:

– Có lẽ miền Bắc họ nghiêm trang hơn mình trong việc giáo dục. Tôi ở trên núi đủ máy móc lúc rảnh vẫn nghe đài của miền Bắc. Họ cho hay số học sinh tốt nghiệp trung học cao lắm, lại còn gửi rất nhiều người sang Ba Lan, Tiệp Khắc, Nga Xô nhất là Đông Đức để huấn luyện kỹ thuật. Có lần nghe thống kê thấy cả hàng trăm ngàn người. Số phó tiến sĩ và tiến sĩ e vượt hẳn với bậc hậu cử nhân của mình. Mấy trường của ta như Kỹ sư Phú Thọ mỗi năm đào tạo chắc cỡ một trăm ông là cùng.

Thường sau mỗi lần nói về miền Bắc chúng tôi vẫn cứ băn khoăn là tại sao tù binh bắt được đều một loạt như nhau, chữ nghĩa ít ỏi đã đành, cách suy nghĩ thì rập khuôn và cái nhìn thì ngây ngô ngớ ngẩn.

Phải đến lúc thực sự va chạm vào thực tế mới biết rõ tuyên truyền thống kê và sự thực khác hẳn. Miền Bắc đã rút chương trình trung học còn mười năm – họ gọi là Hệ Mười Năm – tức trình độ của một học sinh học xong trung học của miền Bắc tương đương với lớp đệ tam đệ tứ của miền Nam và từ đó suy ra bậc cử nhân tương đương với tú tài, và xa hơn nữa tiến sĩ có lẽ là cử nhân. Đó là so sánh trên lý thuyết. Thực tế còn thê thảm hơn vì học sinh được tuyển theo lý lịch không phải dựa vào khả năng. Trong cái bối cảnh đó thành phần giảng huấn còn hạ cấp xuống thấp đến đỗi không thể tưởng tượng được. Một điều mà không người dân nào sống ngoài Xã Hội Chủ Nghĩa có thể mường tưởng được là chế độ bổ túc. Một quan chức chế độ leo dần lên lên bậc thang quyền lực bỗng một hôm thấy mình cần có thêm mảnh bằng để có thể ngoi cao hơn nữa và nhất là có thể tự dối mình và dối người về khả năng học vấn. Quan chức bèn ghi tên vào lớp học bổ túc ban đêm và chẳng bao lâu sau ông ta có thể có bằng phó tiến sĩ. Đây là thỏa hiệp giữa những người có quyền lực, một cách nâng đỡ hợp pháp và đôi khi đến trắng trợn của bè phái.

Nhưng nói nhăng nói cuội gì cũng được, nhất là khi có khẩu súng và quyền lực trong tay, nhưng khi đụng đến công việc chuyên môn thì khác. Những ông bác sĩ của miền Bắc nếu cứ tính học trình thì tốt nghiệp trung học vào cỡ 16 tuổi, học bác sĩ bốn năm thì mới 20 tuổi và vì nhu cầu chiến tranh được tung ra phục vụ ngay lập tức. Khi bị bại trận, cả một xã hội miền Nam vẫn còn nguyên đó và dù chủ quan đến thế nào, người thắng cũng không thể phủ nhận được hệ thống y tế khá tiến bộ của miền Nam. Những người bác sĩ giải phóng đã ú ớ trước hiện trạng và do đó họ bắt buộc phải tái sử dụng chuyên viên y tế được đào tạo theo đúng tiêu chuẩn ngành nghề của miền Nam. Phải nói rằng giới y khoa tương đối được thả ra sớm nhất – Câu chuyện về sau – tới 85% bác sĩ được đào tạo ở miền Nam đã vượt biên và nay đang hành nghề ở ngoại quốc. Trong bối cảnh đó ông Bường trở thành y tá trưởng và tôi do hoàn cảnh đưa đẩy trở thành phụ tá mặc dầu cả đời chưa cầm đến cây kim chích. Nhưng nhằm nhò gì ba cái chuyện lẻ tẻ. Sinh mạng của tù bất quá thì cũng như con sâu cái kiến và để giải quyết đã có khẩu hiệu “đói ăn rau, đau khắc phục”

Nhiệm vụ chính của chúng tôi là ký giấy chứng nhận tù được nghỉ không phải đi lao động. Ấy không phải cứ ký loạn, ký bừa bãi mà có tiêu chuẩn. Mỗi đội không quá hai người một ngày, nếu không là rầy rà to. Ông Bường và tôi đã nhiều lần hứng chịu những xỉ vả cả từ hai phía – anh em tù và quản giáo.

Thật khó mà không ký khi thấy một ông bạn gầy guộc rên khừ khừ nhưng lại còn những ông khác tệ hơn lết không nổi, phù thủng, tim yếu lúc nào cũng run lẩy bẩy, mặt xanh mướt.

Ông Hùng, nay là phó ban an ninh đã có lần cảnh cáo:

– Anh Dũng, anh phải cứng rắn hơn. Chỉ tiêu lao động đã được lên đề án và các kế hoạch phải được thanh toán trước thời hạn. Anh không nghiêm trang thi hành qui luật trại thì lấy ai đi lao động.

Phải nói thật, ông Hùng bao giờ cũng nhỏ nhẹ với cá nhân tôi. Một lần tôi ngồi nói chuyện với một vị Đại úy Tuyên úy Phật Giáo hỏi ông một câu ngớ ngẩn:

– Đạo Phật nói mỗi người có một cái nghiệp phải trả. Thế tại sao cùng một lúc cả triệu người cùng phải trả một cái nghiệp như nhau. Nghiệp Tù?

Vị sư ôn tồn bảo:

– Người ta có cái nghiệp riêng gọi là biệt nghiệp nhưng tất cả chúng sinh còn phải trả cái nghiệp chung là cộng nghiệp, cái duyên lớn liên kết giửa những biệt nghiệp của mỗi chúng ta.

Câu chuyện triết lý lúc nào cũng gây thêm những thắc mắc kế tiếp nhưng đá có lúc tôi tự hỏi phải chăng giữa tôi và ông Hùng có cái cộng nghiệp gì chăng? Tôi đã từng chút một tìm hiểu cái trái khoáy của hai số phận con người. Nếu miền Nam thắng và tôi là cai tù và ông Hùng là tù thì sao?

Ông Hùng dáng người bình thường, cao mảnh khảnh, da nâu và đặc biệt rất hiếm là không hút thuốc dù trong người lúc nào cũng có một bao ba số còn độ năm ba điếu. Ông cười khà khà giải thích:

– Cả nhà tôi không ai hút thuốc. Bố tôi nghiêm lắm. Nhưng có bao thuốc chìa ra, lại là thuốc ngoại, câu chuyện dễ lọt hơn.

Trò tiểu xảo này là trò vặt đối với một tay như ông Hùng, bởi chỉ mới ngoài ba mươi ông ta đã vượt hết những thử thách để trở thành con người cộng sản mặc dù quá khứ và lý lịch gia đình của ông không được trong sáng lắm. Ông nội Nguyễn Trí Thăng gốc nho học dính dáng đến phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và có liên hệ với Đề Thám. Ông bố là con út trong nhà xoay sang học Pháp văn đỗ đíp-lôm đi dạy học nhưng lại cũng không bỏ được nghiệp nhà, hoạt động cho Việt Nam Quốc Dân Đảng. Theo lời ông Hùng kể lại là gia đình ông đã có lúc là nơi gặp gỡ của các lãnh tụ VNQDĐ như Ký Con, Cô Giang và có khi cả đảng trưởng Nguyễn Thái Học. Cuộc khởi nghĩa thất bại và ông bố may thoát, vẫn lo việc dạy học, có lúc làm hiệu trưởng một trường tiểu học ở Thái Bình. Gia đình ông đông con, bốn bà chị gái và hai người anh trai. Năm 1945, ông Hùng đang học tiểu học thì Hà Nội sơ tán, ông theo ông anh cả lớn hơn ông gần 20 tuổi chạy lên Việt Bắc. Một sớm một chiều cậu bé Nguyễn Trí Hùng trở thành thiếu nhi cháu yêu của bác Hồ rồi trở thành đoàn viên Thanh Niên và sau đó là đảng viên.

Thỉnh thoảng tối tối ông Hùng hay tạt qua bệnh xá ngồi uống trà với tôi, loại trà đặc quánh và đắng chát uống vào mắt cứ cứng đơ không cách gì ngủ được. Mới đầu tôi rất ý tứ nghe nhiều hơn nói. đâu đó sâu thẳm trong đáy lòng, ông Hùng cũng cần tâm sự và trong cái cộng nghiệp của vị tuyên úy, biết đâu tôi và ông Hùng lại chẳng tự kiếp nào vướng vào cái nhân duyên nào đó, để ông phải tỉ tê.

Không bao giờ nói thẳng ra nhưng ông Hùng vẫn nghĩ cái quá khứ Đông Kinh Nghĩa Thục và VNQDĐ đã khiến ông không ngoi lên được trong cái thang Xã Hội Chủ Nghĩa.

– Cùng lứa tuổi với tôi khối đứa làm thủ trưởng cơ quan hái ra bạc, nhất là từ ngày hoà bình lập lại.

Có điều khi ông nói về quá khứ gia đình, giọng ông đầy những hoài niệm của một quá vãng hết sực thơ mộng.

– Ông nội tôi nghe nói nghiêm lắm, khi nào tiếp ai, dù là một người nhà quê cũng phải ăn mặc chững chạc. Khi cả nhà ngồi ăn, ai cũng phải chờ ông gắp xong thì mọi người mới dám bưng bát lên. Các anh chị tôi đi đâu về cũng phải “Thưa Thầy con về.” Bố tôi cũng vậy, ít nói với con cái nhưng khi ngồi với các đồng chí VNQDĐ thì sôi nổi, nói hết giờ này đến giờ khác. Tôi chịu ảnh hưởng của ông anh. Ông lên Việt Bắc đến năm 1953 thì bị ốm nặng qua đời, nhưng lúc nào khi đủ vắng vẻ và đúng lúc ông cũng chỉ bảo tôi có một câu chắc cả đời tôi không bao giờ quên “Em phải giữ nếp nhà.”

Cái nếp nhà nó thế nào thì ông không nói ra.

Nhiều lúc ngẫm nghĩ tôi thấy thằng tù là tôi và ông cai tù Hùng giống y như nhau và thật ra chưa chắc ai hạnh phúc hơn ai. Cái khoảng cách tù và cai tù vẫn còn đấy nhưng rồi ông cũng đã hiểu những gì tôi đã trải qua. Một lần ông Hùng bảo:

– Đôi khi tôi thấy tôi là hai người khác nhau.

Tôi đủ tế nhị để không hỏi tiếp bởi cái suy nghĩ rằng nếu bố tôi không đi Nam thì tôi có khác gì bất cứ ông cán bộ Cộng Sản đang hành hạ tôi chăng?

Một hôm ông Hùng tươi cười cầm theo một gói kẹo Chà Lam, một thứ bánh làm bằng bột nếp trộn gừng tôi đã từng được ăn hồi bé trước năm 1954 và một gói trà móc câu. Vừa uống và mới nhai được nửa miếng Chà Lam, ông ta hỏi tôi một câu làm tôi giật nẩy người:

– Cô Thu xinh đấy chứ. Được cái gốc người Nam và lý lịch không tỳ vết gì. Tôi có dịp ghé Bà Quẹo tuần rồi, tiện thể đi ngang xem cái nhà. Rộng ra phết. Mừng cho anh.

Thế này là thế nào? Câu chuyện của tôi và Thu làm gì để đến nỗi ông Phó trại an ninh phải thân chinh đi xem nhà xem cửa, lật hồ sơ lý lịch để điều tra. Những bức thư của hai đứa tôi có điều gì sai lập trường, có điều gì chống chế độ chăng?

Tôi sợ toát mồ hôi, miếng kẹo Chà Lam vốn vừa dai vừa dẻo như nghẹn trong họng. Tôi cầm chừng:

– Cô Thu cũng chỉ thư từ cho vui vậy thôi, có gì đâu thưa cán bộ.

Ông Hùng cười:

– Sự cảm thông giữa hai tâm hồn là điều đáng kể.

Ông ta lập lại nguyên văn một câu trong lá thư tôi viết cho Thu. Cái khôn ngoan của những năm tù đã khiến tôi phản ứng trung dung:

– Vâng. Tâm hồn đẹp thì mọi sự đều đẹp.

– Cô Thu đẹp lắm. Ước gì vợ tôi cũng được như cô ấy.

Tôi chưa thấy ông cán bộ phó ban an ninh nói về vợ và con nên không dám hỏi gì thêm, lẳng lặng nhót môt cục Chà Lam nhâm nhi tiếp.

Lời hỏi thăm bâng quơ của ông quản giáo Hùng bỗng như một đám mây đen kịt lơ lửng đe dọa sẽ trở thành cơn giông bão xóa tan mối tình mới chớm nở của tôi và người con gái chưa hề biết mặt.

Mọi sự khởi đầu một cách rất tự nhiên. Song Thu hay hỏi và lần nào đọc thư tôi viết cho Trung do bà vợ đem vào sở, thái độ cũng có vẻ tư lự khác thường và điều đó không qua khỏi cặp mắt của chị Hà. Một hôm chị hỏi Trung:

– Con Thu có vẻ để ý đến anh Dũng. Em tính hỏi nó có muốn thư từ đi lại với anh ấy không. Anh Dũng cô đơn ở trong đó, có người thư đi thư lại cho vui.

Tất nhiên là Trung ủng hộ hết mình. Sau khi được chị Hà ướm hỏi, Song Thu đã suy nghĩ, và mượn toàn bộ thư của tôi về đọc lại. Những bức thư của tôi cho gia đình Trung chỉ là những lời tâm sự vụn vặt, những giải tỏa của suy nghĩ sau bao thăng trầm của cuộc đời. Đôi khi khá vụn vặt nữa là đằng khác như thư tôi viết cho Trung để hỏi thăm quán bà Thái Chi còn không, ngõ Asam có đổi gì chăng, hay tiệm Ngân Đình dạo này ra sao. Hình như nó phản ánh cái hoài niệm nào đó về Dung. Sau này Thu nói với tôi:

– Nếu anh viết những chuyện to lớn, chuyện lý tưởng thì em đã không cầm bút. Đọc thư anh có cái ngậm ngùi làm em xúc động. Sau bao nhiêu năm tù đày nay viết thư chỉ để hỏi cái bà bán cà phê sống hay chết, nước mía và thịt bò khô Viễn Đông còn không thì lạ thiệt. Em mò đi tới chỗ bà Chi và ngồi uống một ly đá chanh để thỏa tính tò mò. Chính ở trong cái quán buồn cười đó em quyết định viết thư để xem anh chàng Dũng này ra sao.

Lá thư đầu vô thưởng vô phạt.

Anh Dũng,

So tuổi tác xin phép được gọi anh là anh. Em được chị Hà cho đọc ké thư ngay từ lá đầu anh viết riêng cho chị Hà. Mấy tuần trước chị Hà có ngỏ ý để em liên lạc với anh và còn nói rằng anh rất mong ở bên ngoài còn có người quan tâm đến những kẻ như anh. Qua thư anh và nhất là qua những lời của anh chị Trung Hà, em nghĩ là em có thể hiểu một phần nào những khổ đau mà anh và những người như anh đã gánh chịu. Như một chia sẻ với những gì đã xảy đến với các anh, anh cho phép thỉnh thoảng em sẽ viết thư để mong anh có thêm một chút niềm vui rằng các anh không hề bị quên lãng.

Xã hội bây giờ đi đâu, làm gì cũng phải khai lý lịch. Bắt chước thói quen mới đó, em xin khai như sau: Nguyễn thị Song Thu, sinh ngày 17-7 -1954 tại Hóc Môn. Học lực Đại Học Văn Khoa ban Sinh ngữ. Bố mẹ hoạt động trong ngành giáo dục. Đấy chỉ là sơ yếu lý lịch, nếu anh Dũng muốn tìm hiểu thêm thì chắc phải chờ thư sau. Mong anh vui và nhất là được khoẻ mạnh.

Song Thu

Họa hoằn trong tù khi được chuyển về đây tôi cũng có thư nhưng tất cả đều rất vắn tắt có tính cách thông tin. Thư của bố mẹ, có lẽ do cảnh giác, bao giờ cũng là lời rất đúng chính sách của nhà nước. Tôi được biết mọi người đều khoẻ mạnh và Dung đã đi ở riêng cùng đứa em trai. Mấy đứa nhỏ em tôi con chú Trung cũng đã sang được Mỹ hiện sống ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Tôi không thấy gia đình tôi nhắc nhở gì đến Dung và từ ở góc rừng này tôi hiểu, không cần ai nói trắng ra. Dung còn trẻ quá và cả một tương lai rực rỡ ở trước mặt. Tôi có quyền gì để bắt Dung chờ đợi, và nhất là chờ đợi cho đến bao giờ? Ngay chính bản thân tôi, tôi còn chưa biết đến thủa nghiệp lai nào mới ra khỏi tù và ngay cả có được tha thì đất Mỹ cũng xa vời quá.

Bởi vậy, khi Trung vào thăm và tủm tỉm cười đưa bức thư bảo: “Tao lo cho mày rồi. Thu nó dễ thương lắm” thì tôi ngỡ ngàng cho đến lúc Trung giải thích rõ hơn. Trung bảo:

– Tao không nói cho mày biết trước. Ngạc nhiên bao giờ cũng thú hơn.

Ngạc nhiên là cái chắc. Ngạc nhiên hơn nữa là lời lẽ trong thư. Tôi đọc đi đọc lại cả chục lần, gần như muốn thuộc lòng. Một niềm vui bâng quơ nhưng nhẹ nhàng dâng lên trong tôi. Tôi không có một ảo tưởng gì trong viễn ảnh có một liên lạc sâu xa bền vững mà chỉ là cái vui đầy lãng mạn của thủa học trò. Nhưng qua thư mỗi lúc tôi có cảm giác Thu hiểu tôi và thông cảm với tôi và hơn nữa có thể chia sẻ những suy nghĩ về cuộc đời. Trong những lần cùng ông quản giáo Hùng trò chuyện, ông ta đã chép miệng than dùm tôi: “Lý lịch của anh căng lắm, nhất là vì gia đình anh có liên lạc mật thiết với Mỹ”. Cái ẩn ý đằng sau là tôi còn học tập dài dài. Tôi minh định rõ điều này nhiều lần trong thơ với Thu nói thẳng rằng ngày ra tù của tôi còn xa lắm, có khi cả đời vẫn phải học tập.

Quy chế tù cho phép mỗi tháng thăm nuôi một lần và khi thì bà bác lọ mọ đem quà xuống lúc thì bà chị. Về vật chất tôi dễ chịu vì bố mẹ ở Mỹ chắc xót thương cậu con trưởng nên gởi quà về khá bộn. Tôi chắc bố mẹ và các em không bao giờ có thể tưởng tượng được khi đọc lá thơ của tôi. Tôi xin nhà gởi cho ít nước hoa và son phấn. Trời đất ơi, trong tù mà đòi những thứ kỳ cục này mà làm gì. Khoảng hai tháng sau bà chị tôi đi thăm nuôi hỏi:

– Chị đem nước hoa xuống đây cho chú này. Nhưng để làm gì vậy?

Tôi mỉm cười như tự nói với mình. Để tặng Thu chứ để đưa cho cán bộ gái chắc. Thơ đi thơ lại, chúng tôi càng ngày càng như gần nhau hơn và tôi muốn dành cho nàng một ngạc nghiên. Tôi cầm lọ Fleur de Rocaille lên hít. Mùi thơm như gần như xa, như quyện lấy hơi thở và nhất là nó như làm cái không khí của lều thăm nuôi tù trong lành hẳn ra. tôi nhỏ nhẹ nói với bà chị:

– Tháng tới chị khỏi xuống thăm em. Mấy người bạn cũ muốn thăm nuôi em hộ bác và chị. Đường xa vất vả…

– Chú không được nói thế. Ai lại nhờ người lạ bao giờ. Cả nhà có chú là thiệt thòi nhất. Cô cậu ở bên Mỹ cũng lo lắng không những cho chú mà còn cho bác và chị nữa…

– Em biết nhưng đây là bạn cũ, cùng đi lính cùng đơn vị, thân lắm.

Bà chị nhìn tôi hỏi bất ngờ:

– Thế ra nước hoa để cho ông bạn hả?

Fleur de Rocaille là nước hoa dành cho đàn bà và chắc chắn bà chị tôi biết như vậy. Tôi chỉ cười bởi Trung cho hay sẽ cùng Thu xuống đây vào kỳ thăm nuôi tới. Đời sống tù là những bế tắc triền miên và từ đó những người tù luôn chia sẻ với nhau những niềm vui nỗi buồn dù nhỏ dù lớn. dăm ba ông tù thân với tôi đã từng được tôi cho đọc ké thư đều hí hửng và hồi hộp khi được biết Song Thu sẽ đến trại. Tối tối nhưng hôm vô công rồi nghề chúng tôi hút thuốc lào vặt và bàn tán đủ kiểu. Ông này bảo cô Thu làm ở sở Hướng Dẫn Du Lịch thì phải đẹp lắm mới được tuyển. Ông khác bảo chắc gì. Chỉ cần lý lịch trong sáng, giỏi ngoại ngữ là được. Cô Song Thu tốt nghiệp Văn Khoa chắc giỏi tiếng Anh. Mỗi người vẽ cô Thu một khác và chính tôi, tôi cũng không mường tưởng người con gái có giọng văn lôi cuốn, có những đam mê tương tự như tôi, đã cùng tôi tâm tình trong suốt năm tháng qua là người cao hay thấp, mập hay gầy. Nhưng tôi thấy rõ là hai đứa có cùng luồng sóng, những sở thích đồng điệu và tâm hồn như sinh ra để hòa với nhau. Gần bốn mươi và đang ở tù, tôi đột nhiên trở thành cậu con trai mới lớn, đi đứng thẫn thờ, đầu óc lơ mơ chờ cái hẹn đầu đời với người khác phái. Tôi như một người khác, nhìn cái gì chung quanh thấy nó cũng đẹp hơn mọi ngày kể cả những chiếc cuốc, cái mai dụng cụ khổ sai của tù hàng ngày. Tôi lẩm bẩm câu được câu chăng bài thơ phổ nhạc của Đinh Hùng: “Chưa gặp em tôi đã nghĩ rằng. Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng. Mắt xanh là bóng dừa hoang dại. Âu yếm nhìn tôi không nói năng…”

Buổi tối trước ngày được thăm nuôi, sáu ông bạn tù xúm quanh tôi bàn tán đủ điều và xem ra họ còn hí hửng hơn cả tôi. Ông bạn Văn Chi vốn là ký giả trước năm 1975 bao giờ cũng cười đùa, gõ vào chiếc điếu cầy nhuôm làm nhịp và hát. Bài hát – hoặc là bài thơ – gần như tóm cuộc đời tôi nên tôi đã chép lại và thuộc lòng:

Dũng tù hề Dũng Tù
Thơ trao đã nghìn lá
Chữ chữ như trào ra
Ngày mai đi gặp mặt
Biết có nhìn cho ra.

Dũng tù hề Dũng tù
Thân trai vương tù tội
Trải trăm đắng nghìn cay
Xích Trường Sơn một giải
Lạnh Yên Bái nghìn ngày
Còng lưng trên sỏi đá
Quăn mình với tre gai.

Dũng tù hề Dũng tù
Nhớ Đồng Xoài khói lửa
Đạn tứ phía như mưa
Đúng trong hầm tử thủ
Không nghĩ đến sống thừa

Dũng tù hề Dũng tù
kéo tàn quân rừng thưa
Vừa băng rừng vừa bắn
Đến cùng vẫn chưa thua
Hổ đất lạnh chân không
Nằm co thân chiến bại
Tan nát mộng hải hồ
Trong lòng chiến khu Đ.

Dũng tù hề Dũng Tù
Người yêu coi như chết
Gia đình kể như tiêu
Bặt tăm trong khói lửa
Có anh hùng cũng xiêu
Có hào kiệt cũng gục
Huống hồ mi gầy guộc
Sức vóc có là bao
Sao giờ này vẫn vững
Sao giờ này lại yêu

Dũng tù hề Dũng Tù
Ngày mai ra thăm nuôi
Ngày mai đi gặp mặt
Liệu mi có ngày mai

Dũng tù hề Dũng Tù
Song Thu hề Song Thu.

Bài từ ứng khẩu đã khiến anh em cười bò lăn bò càng như những câu cuối làm tôi quặn lại. Cái điệp khúc “Ngày mai ôi ngày mai” nó vừa chua xót vừa mỉa mai trong cuộc tình vừa chớm nở giữa Dũng tù và Song Thu. Liệu mi có ngày mai?

o O o

Khi tan hàng để về ngủ, ông Văn Chi nhìn tôi lắc đầu:

– Trông cụ ăn mặc thế này, mất tiếng tù cải tạo. Để tôi cho cụ mượn cái áo cho tử tế kẻo cô Thu cô ấy cười cho.

Văn Chi lúc nào cũng vậy, xoay xở nhanh như cắt. Anh đưa cho tôi một chiếc áo ka-ki trông rất được, loại áo ka-ki giống như áo sĩ quan VNCH, có cầu vai và túi áo có nắp. Như một cậu học trò mới lớn, tôi cẩn thận gập chiếc áo và để ở dưới gối làm bằng bao cát với hy vọng trông nó thẳng thớm hơn.

Dậy rất sớm vào sáng hôm sau, tôi sửa soạn cho cuộc diện kiến đầu tiên. Đến lúc này tôi mới lo lo, liệu trông tôi có còn như xưa chăng? Tôi biết miệng mình hơi mom móm vì bị đánh bằng báng súng gẫy mất mấy cái răng. Tôi biết mình gầy guộc bởi những năm tháng tù đầy, ăn uống thiếu thốn. Tôi biết đầu tóc tôi không còn xanh như xưa bởi lâu lâu nhìn gương đã thấy có sợi bạc. Liệu tôi đi đứng có thẳng lưng hay đã hơi khòng khòng. Những câu hỏi tự giờ nào tới giờ không bao giờ tự hỏi, nay bỗng ào đến khiến tôi chợt có ý nghĩ mình đã già rồi. Chỉ người già mới tự tra vấn mình kiểu đó. Tôi hít một hơi thật dài, làm vài động tác co duỗi rồi tặc lưỡi: Tới đâu thì tới, nếu người con gái đó chê mình thì có điều gì là lạ. Trông chờ gì môt thằng tù, lại là loại tù không biết đến bao giờ mới có ngày ra.

Nhưng rồi khi nghe thấy mình được gọi có thăm nuôi, tim tôi nhảy thình thịch. Từ trại ra lều thăm nuôi dễ có cả gần một cây số. Tôi nửa muốn chạy ào ra cho nhanh, nửa thì lại muốn đi thật chậm. Được đâu hai phần đường, tôi gặp một ông khập khễnh và nhận ra ông tù bị trật mắt cá khi lao động lên xin nghỉ hôm trước. Chân ông sưng và tím ngắt, ông chống một cái gậy tre cà thọt từng bước một. Tôi bảo:

– Để tôi dìu anh, sao không xoay lấy cái nạng?

– Mẹ kiếp, ở tù chứ ở nhà thương đâu mà đòi có nạng?

Tôi cười và đỡ anh cùng đi.

– Ai thăm nuôi vậy? Vợ con hả?

– Vợ con vượt biên lâu rồi. Có bà chị lâu lâu mới thăm nuôi được, nhè đúng lúc chân cẳng thế này.

Khi hai đứa đến gần lều, tôi thấy lũ lượt những người thân nhân tù đứng ở hàng rào ngó ra chờ đợi. Đảo mắt tôi thấy Trung ngay, và cạnh Trung là một người phụ nữ to béo mặc áo bà ba. Người đàn bà dán mắt vào tôi cười. Tim tôi rụng rời. Song Thu của những lá thư đẫm ướt của tôi. Song Thu của Sở Du Lịch của Đại Học Văn Khoa, người con gái mà tôi mơ tưởng đứng phía sau hàng rào kẽm vẫn nhìn tôi cười tở mở. Tôi nhíu mày quan sát kỹ hơn. Nàng to có lẽ gấp rưỡi tôi. Trung cùng với nàng đưa tay vẫy gọi rối rít và cả hai cùng tiến ra phía cổng đón tôi. Tôi vẫn dìu ông bạn tù chậm chạp bởi tôi không muốn đi nhanh, bởi đầu óc tôi tràn trề thất vọng. Vừa gặp, Trung chộp vai tôi lắc lắc:

– Trông mày vẫn như xưa.

Nàng của tôi, Song Thu yêu dấu của tôi cũng đon đả tới và thay vì chào tôi, nàng đỡ lấy ông bạn tù:

– Chân em sao vậy?

Tôi đờ người và đẩy ông bạn tù sang người đàn bà to lớn, quay sang:

– Mày cũng vậy, y chang ngày xưa.

– Thiếu mất một cẳng

Tôi nhìn chiếc ống quần thõng giữa hai chiếc nạng lòng chùng đi. Nếu phải chọn gần mười cuốn lịch với hai chiếc nạng, nên chọn cái nào?

Tôi vỗ vỗ vào chiếc nạng nay đã lên màu gụ bảo Trung:

– Ít nhất thì cũng khỏi phải đi tù mút mùa.

– Thu xấu hổ, cô nàng ngồi ở cái góc kia kìa.

Có lẽ vì mừng gặp lại Trung, có lẽ vì mừng vì người đàn bà to béo không phải là nàng, tôi bẵng đi không nhớ là mình ra để gặp Song Thu cho đến lúc Trung nhắc. Tôi nhìn theo hướng chỉ. Nàng ngồi khép nép trên chiếc băng gỗ, giữa những người thân nhân tù, hơi nghiêng đầu về phía tôi, gương mặt sáng rực, miệng nửa như cười nửa như không. Tim tôi rộn rã. Trung thì liến thoắng:

– Vợ chồng tao chọn làm sao mà trật được. Thu hiền, thông minh và dễ thương, tụi tao coi như em. Tao bốc mày dữ lắm, mày làm sao cho ngon cho tao coi.

Thu đứng lên chào tôi. Dáng nàng mảnh khảnh, miệng chúm chím, quanh nàng như có hào quang tỏa ra. Tôi có cảm tưởng nàng cũng đang run như tôi. Thu nhỏ nhẹ:

– Thưa anh, em theo anh Trung xuống thăm anh.

Thú thật tôi chỉ nhớ lời Thu và không hề biết mình đã trả lời như thế nào. Luật lệ thăm nuôi buộc tù và thân nhân không được ngồi nói chuyện riêng tư, mà phải được quản giáo giám thị. Trong lều thăm nuôi có những chiếc bàn gỗ dài, hai đầu bàn là hai viên quản giáo, tù và thân nhân ngồi đối diện nhau nói chuyện. Hình như chỉ có Trung nói, Song Thu chỉ mỉm cười im lặng. Nhưng tôi thấy rõ nàng nhìn tôi với ánh mắt quan hoài, và lửng lơ đâu đó giữa hai chúng tôi là một cái gì lung linh nhẹ nhàng đầy những hứa hẹn. Mãi sau này tôi mới hỏi Thu: “Sao hôm gặp nhau đầu tiên em chỉ cười?” – “Biết nói gì nữa. Bộ đi thăm anh chưa đủ sao?”

Khi sắp hết giờ, tôi móc túi áo lôi lọ Fleur de Rocaille đưa cho Thu:

– Trời đất. Anh ở tù sao có cái này?

– Bí mật. Mong là Thu cũng thích mùi rocaille.

Nàng nheo mắt nhìn, hỏi tôi:

– Hoa Rocaille là hoa gì vậy anh?

Tôi hát nho nhỏ:

Ôi ngát hương thời gian mùi Thạch Thảo...Nước hoa của mẹ anh vẫn xức ngày xưa. Mẹ gửi để anh tặng Thu.

Nàng im lặng rồi từ tốn đưa hộp nước hoa lên ngang mặt:

– Thơm quá. Cảm ơn anh. Nếu anh có viết thư nói Thu cảm ơn mẹ.

Khi ấy quản giáo dồn đám tù hết giờ thăm nuôi ra khỏi lều, tôi đi ra nhưng đi giật lùi. Thu đứng đó bên hàng rào giữa đám thân nhân tù chen chúc. Tôi chỉ thấy có nàng, còn những khuôn mặt khác nhoè nhoẹt hẳn đi.

Từ đó Thu là người thăm nuôi tôi thay bà bác. Cũng từ đó tôi nhìn cuộc đời khác hẳn. Trước đây tôi không lý đến mọi sự, mặc cho sự đời đưa đẩy đến đâu thì đến. Không thể nói tôi không mong ra khỏi tù nhưng tôi không chờ không đợi không thắc mắc. Qua những lời kể, những tin tức thì có vẻ như ở ngoài hàng rào tù cũng không lấy gì làm sung sướng lắm, tự do lắm. Một ông tù về tội phục quốc đã có lần nói với tôi: “Đây là nhà tù nhỏ, ngoài kia là nhà tù lớn.” Tôi tứ cố vô thân ra ngoài liệu sẽ ra sao?

Bởi vậy tôi bất cần cho đến khi Song Thu xuất hiện. Lần thăm nuôi kế đó, một mình Thu lặn lội xuống khá sớm. Chúng tôi nói chuyện với nhau, toàn những chuyện trời ơi đất hỡi. Tay Thu để trên bàn. Nước da trắng muốn nổi bật trên bàn gỗ mốc thếch. Những ngón tay búp măng thon thả đều đặn. Tôi nhìn đăm đăm. Một thèm muốn như trào lên. Thu như linh cảm điều gì, hỏi:

– Anh có sao không?

Tôi nhìn vào mắt nàng như đi tìm sự cứu rỗi. Nhẹ nhàng tôi đưa tay qua bàn, úp bàn tay tôi sát tay Thu:

– Em có trông thấy nó lệch lạc không?

Bàn tay tôi đen xạm, những sợi gân nổi lên xù xì. Thu nhìn đăm đăm và lẳng lặng úp tay nàng lên tay tôi. Thu bóp nhè nhẹ, miệng cười:

– Em lấy tay em che đi thì hết lệch lạc.

Chúng tôi ngồi như vậy khá lâu, tay Thu úp lên tay tôi. Cả hai không nói năng gì. Một niềm hạnh phúc tươi mát lan khắp người, tôi như không còn là tôi nữa. Tôi quên hết những đoạ đày. Tôi coi thường những đau khổ đã trải. Từ bàn tay mát rượi của Thu tôi thấy mình đã thực sự hồi sinh, đang ngoi lên, trồi lên để sống lại.

Tôi nhớ rõ Giáng sinh năm đó, trong thư Thu đã cho tôi hay tôi sẽ có bánh Bûche de Noël do chính nàng làm, nhưng tôi đã không dấu nổi xúc động khi nhìn thấy hộp bánh. Thu cho hay nàng đã không dám rời, khư khư ôm hộp bánh trong lòng vì xô lệch nó sẽ hư, sẽ nát. Tôi nhắm mắt hình dung quãng đường từ Sài Gòn xuống đây với xe đò chen lấn. Chiếc bánh mấu sô cô la xinh xắn trên có viết bằng chữ kem “Một Giáng Sinh Bình An Tới Anh”. Thu cười bảo tôi:

– Làm bánh không cực bằng ôm bánh, nhất là mấy lúc xe đó ôm cua, em chỉ sợ mở ra nó thành mớ bùi nhùi.

Và bỗng nàng xuống giọng thì thầm:

– Em đang nhờ vả, vận động để anh ra. Ông anh con Dượng em hứa sẽ hết sức giúp.

Tôi trầm ngâm. Tù cải tạo là tù không án. Hễ không có án thì không có thời hạn nhất định. Tôi nhẫm tính. Tám năm và còn nữa. Tôi bảo Thu:

– Lý lịch anh coi bộ rắc rối, nhất là vụ bố anh làm việc với Mỹ.

– Ông anh em bảo nhiều hy vọng lắm. Anh yên tâm.

Bỗng tôi hỏi Thu một câu hỏi mà chính tôi cũng không ngờ:

– Nếu ra tù, em có can đảm làm vợ anh không?

Thật ra chúng tôi chưa hề chính thức tỏ tình với nhau dù cả hai cùng hiểu những gắn bó đã rất sâu, rất đậm. Thu chắp tay kẹp bàn tay tôi trên bàn nhỏ nhẹ:

– Nếu em không có can đảm, em đã không cùng anh Trung xuống thăm anh nửa năm về trước. Nhưng khi nào anh ra khỏi trại sẽ tính.

Tôi không biết ông anh con ông dượng của Thu là ai, có thực sự đủ sức lôi tôi ra khỏi cái địa ngục tù đày này chăng nhưng chừng hơn một tháng sau, ông quản giáo Hùng gọi tôi lên làm việc. Ông ta tươi cười:

– Mừng anh.

Tôi lặng lẽ chờ vì được ông Hùng mừng thì cũng nên cẩn thận.

– Đã có giấy cho anh xuất trại từ nửa tháng nay nhưng không có ai ký giấy bảo đảm nếu không thì anh đã được về từ lâu rồi.

– Thưa cán bộ, thế nay đã có người ký bảo đảm cho tôi rồi sao?

– Rồi. Tôi ký chứ ai nữa bây giờ!

Tôi ngây người nhìn ông Hùng Hắc Ám. Tôi không tin ở tai tôi. Tôi là gì để ông dám đem sự nghiệp chính trị ra bảo đảm? Cho dù thế nào đi chăng nữa tôi vẫn là một tên tù, một tên Ngụy và ông ta là một đảng viên, là công an, là thành đồng vách sắt của chế độ. Ông Hùng có vẻ đánh hơi thấy, từ tốn nói:

– Anh ra khỏi trại thì nhớ thằng Hùng Hắc Ám này liều mạng ký bảo đảm cho anh, đừng làm gì để liên lụy tới nó.

Tôi nhìn ông ta. Tôi muốn ôm lấy ông quản giáo mà hôn thắm thiết như thiếu nhi quàng khăn đỏ ôm hôn Bác Hồ. Nhưng tôi dừng được.

– Tôi không biết cảm ơn cán bộ cách nào cho phải. Cán bộ yên tâm bởi từ xưa đến nay tôi không dính dáng gì đến chính trị. Vả lại ra khỏi đây tôi lo sống còn chưa xong…

Ông Hùng vẫn cười:

– Anh Dũng ơi, anh lo gì. Gia đình anh ở bên Mỹ mà. Mai mốt anh có sang bên ấy nhớ gửi quà cho tôi.

Chỉ có điều khi tôi kể chuyện này cho Thu, Thu quắc mắt:

– Thằng cha nham nhở. Ông Toàn con ông Dượng em ký bảo lãnh, đâu phải thằng cha quản giáo khốn nạn. Hôm ký xong ông ấy còn dặn em nói anh đừng có chống đối vớ vẩn là chết cả nhà. Thiệt là nham nhở!

Lúc đó nghe Thu nổi sùng tôi chỉ im lặng nhưng thầm nghĩ chơi với mấy công an Cộng sản thiệt khó. Dẫu sao tôi vẫn cảm ơn ông Quản giáo đầy mưu lược này, nhất là khi tôi lại được biết trước hai ngày về vụ phóng thích. Tôi đem hết tài sản ra phân phát cho anh em, từ chiếc lon sắt đựng nước, cái gối làm bằng bao cát, chiếc chăn cũ mèm, cái gì cho ai được là tôi cho.

Buổi sáng hôm đó, tôi lên khung an ninh lãnh giấy tờ ra trại. Người cán bộ nhìn tôi lẳng lặng đưa ra một tờ giấy in không được đạt tiêu chuẩn lắm, giấy thì mầu đất xỉn, chữ đôi chỗ ăn không đủ mực, mờ mờ và tờ giấy mười đồng. Cầm lá bùa hộ mệnh tôi đi về phía cổng trại. Người bộ đội đứng canh trông bộ dạng tôi, đứng nhìn. Cứ thế tôi lững thững đi ra khỏi trại tù không ai chặn hỏi. Tôi bước qua chiếc cổng với một cảm giác trống vắng, một cảm giác ghê ghê như thiếu một cái gì. Tôi nhìn trái nhìn phải và chợt nhận ra cái phản ứng sợ sệt của một thằng tù khi đi ra khỏi trại giam mà không có bảo vệ viên, có bộ đội hay công an cầm AK đi kèm. Nó rờn rợn đến nổi gai ốc bởi tôi không tin ở chuyện đang xảy ra, không tin rằng mình lại có thể ra đi tự do, phơi phới, đi ra như thể đi chợ, đi chơi, đi như chưa bao giờ được đi cả. Tôi thấy mình lắng nghe xem có tiếng động gì sau lưng chăng? Nếu tụi nó đuổi theo bắt tôi trở lại thì sao? Tôi đi nhẹ gót như thể yên tâm hơn rằng hiện chỉ có mình tôi trên con lộ đất dẫn ra khỏi trại. Rồi tôi chạy. Chạy như ma đuổi, chạy vắt giò lên cổ. Ôm cái bọc xộc xệch trong đó quí giá nhất là cái áo len Thu đan, tôi chạy không ngưng nghỉ. Tim tôi đập thình thịch, mồ hôi nhễ nhại. Tôi chạy cho đến lúc trật chân, văng một chiếc dép râu sang vệ cỏ mới dừng lại. Người tôi hừng hực, mồ hôi túa ra, thở dốc từng hơi. Tôi ngồi phịch xuống lề và khóc. Khóc nức nở, khóc không duyên cớ. Tôi gục mặt ôm đầu, nước mắt và mồ hôi trộn lẫn nhạt nhòa trên mắt, trên mi. Tôi nấc lên từng cơn, người rung lên từng đợt theo tiếng nấc.

Mặt trời đã lên khá cao. Tôi ngồi đó nhìn quanh cảnh chung quanh. Không một bóng người. Tất cả là nỗi trống vắng hiu quạnh. Tôi mò mẫm xỏ lại chiếc dép râu và đứng dậy lững thững đi về phía trước.

o O o

Qua một quãng hai bên là ruộng, con đường trải nhựa hiện ra trước mặt. Có cái thèm muốn kỳ lạ dâng lên trong tôi. Tôi quì xuống lề, đưa tay sờ mặt đường. Một cảm giác đầm ấm tràn lên, và tôi biết chắc mình đã ra khỏi tù, đã rời khỏi cái địa ngục khổ sai, của quản giáo, của bảo vệ. Để đi về đâu?

Tôi hoàn toàn mất phương hướng, không biết phải đứng phía nào đón xe, đành đứng đợi. Mặt trời chiếu xiên, tôi nhìn bóng tôi đổ dài trên mặt đường. Cuộc chạy việt dã bây giờ mới thấm. Cơ thể tôi rã rời.

Không biết tôi có vẫy không nhưng chiếc xe đó thắng khá gấp phía bên kia đường. Người tài xế thò đầu ra hỏi lớn:

– Tù cải tạo phải không, lên đi.

Anh ta đưa tay vẫy vẫy và tôi chạy ào sang. Chiếc xe chở cồng kềnh đủ thứ trên mui. Một cô gái trông còn trẻ, mở cửa ra, bước xuống chỉ phía trong:

– Chú vào ngồi giữa đi.

– Từ đây về Sài Gòn bao nhiêu cô? Tôi chỉ có mười đồng.

Đó là khoản tiền đường được phát cùng với giấy ra trại. Ông lơ đến cạnh tôi lúc nào không biết, dục:

– Lẹ lên đi chú. Tiền bạc gì, ai tính tiền chú đâu mà lo. Tù mấy năm vậy ?

Tôi nhanh nhẩu trèo lên và chui vào trong, không kịp trả lời anh ta. Vừa êm chỗ, cô gái ngồi bên cạnh quay sang cười và cúi xuống lôi ra một trái quít đưa cho tôi:

– Chú ăn đi cho mát lòng dạ. Ở tù xót ruột chết.

Tôi phì cười, đưa tay nhận trái quít đỏ mỡ màng.

– Lâu quá mới thấy quít.

– Ối, về Sài Gòn lại thấy đủ thứ chú ơi. Chỉ sợ không có tiền.

Mọi người trong xe cùng cười. Xe đang chạy ngon trớn thì người con gái bên cạnh vỗ vào tôi:

– Chút xíu nữa tời trạm kiểm soát, chú cứ ngồi yên không phải xuống. Tù cải tạo ngồi đâu ngồi đó nhe chú. Chú giữ giùm cháu cái này không thôi tụi nó dẫm phải hư hết.

Cô lôi dưới ghế ra một bọc, để yên trên lòng tôi. Chiếc bọc cũng hơi nằng nặng. Ít phút sau xe ngừng ở trạm kiểm soát, tất cả khách phải xuống nhưng cô gái lại dặn tôi:

– Chú ngồi yên đó nhớ giữ cho cháu cái bị nhe.

Công an lố nhố ở trạm. Hai người trèo lên ngó ngang ngó dọc, trong khi người lơ xe đang thì thầm to nhỏ gì đó với một người công an ở đầu xe. Tôi nghe anh ta lớn tiếng:

– Thôi, lên xe lẹ đi bà con.

Từ chỗ tôi đón xe cho tới khi về đến xa cảng ở xa lộ Biên Hòa có lẽ có đến bốn trạm kiểm soát. Lần nào cô gái cũng dặn tôi ngồi yên trên xe và chả thấy ai nói năng gì, tôi cứ thế làm theo lời dặn. Khi xuống xe, cô gái toét miệng ra cười:

– Cám ơn chú nhiều. Cháu biếu chú.

Cô đưa cho tôi tờ năm đồng. Tôi khựng lại ngỡ ngàng. Tôi có làm gì đâu mà cô ta cám ơn tôi, lại còn đưa tiền nữa. Cô gái vẫn cười:

– Chú ơi, cái bọc chú giữ giùm cháu là cà phê đấy. Tụi nó thấy chú tù ra trại nên để yên. Cháu chuyên đi cà phê lậu mà chú. Chú cầm tiền này uống cà phê, tiền lời phải chia chác cho sòng phẳng.

Tôi lắc đầu nhất định không cầm. Cô gái vẫn cười vỗ vào cánh tay tôi:

– Ờ tại chú mới ở tù ra. Ở Sài Gòn bây giờ có ai chê tiền đâu chú. Giết nhau cũng giết chú ơi.

Tôi nhìn cô, cô còn trẻ quá chắc ngoài độ hai mươi. Mà cô buôn lậu gì kỳ cục, bởi tôi không mường tưởng được cà phê lại trở thành hàng lậu, hàng quốc cấm. Thấy vẻ mặt ngỡ ngàng của tôi cô gái vẫn cười:

– Chú ơi cái gì cũng quốc doanh. Cái gì nhà nước cũng quản lý hết. Cháu đi bảy ký cà phê mà nhiều khi phải đút lót năm lần mới lọt.

– Tôi mới ở tù ra chẳng hiểu mô tê gì cả.

Cô gái bọc hàng quày quả bỏ đi. Bến xe đông đảo. Tôi đi chậm chạp quan sát, chưa biết làm thế nào để về nhà thì một xe Honda xà tới:

– Bố. Bố lên đi con chở về. Nhà bố ở đâu?

Cả đời chưa ai gọi tôi bằng bố cả. Tôi nhìn ông xe ôm hỏi:

– Từ đây về ngã tư Công Lý Yên Đổ bao nhiêu ông?

– Một trăm. Nhưng bố chỉ có mười đồng thôi phải không ? Hồi tôi ra trại cũng được mười đồng. Bố ơi, bây giờ không còn Công Lý nữa. Đổi thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa rồi bố ơi.

Khi tôi móc tiền ra, ông ta cười:

– Cất đi bố ơi, cải tạo với nhau, ai lấy tiền bố.

Khi ông ta rú ga dọt đi, tôi đứng ở hè phố, lòng bâng khuâng về những gì xảy ra khi vừa chạm với xã hội bên ngoài. Tôi đi ngược phía Công Lý và vừa đến cổng nhà thì có tiếng la:

– Anh Dũng. Anh Dũng về.

Quyền từ phía trong chạy ra ôm ngang vai tôi, vừa ôm vừa lắc, vừa la:

– Anh Dũng về. Anh Dũng về.

Tôi như nghẹn, không nói được nửa lời, mặc cho Quyền vừa ôm vừa đẩy tôi vào. Chú thím Trung cũng chạy ra. Cả nhà vây lấy tôi. Tôi vẫn đứng ôm cái gói ngây ra không biết phải nói gì với những người thân cho đến khi chú Trung từ tốn:

– Để anh Dũng vào nhà đã.

Tôi nhìn ông. Ông dáng người vốn mảnh khảnh, sau bao năm không gặp vẫn thế, nhẹ nhàng từ tốn. Nhìn ông tôi biết chắc tôi đã về.

o O o

Bữa cơm tối quây quần chỉ có năm người – chú thím, vợ chồng Quyền và tôi. Tất cả các em trai gái trong nhà đều đi vượt biên và sống ở Mỹ vài ba năm rồi. Chú Trung cho hay nhà cũng có giấy tờ và có thể sẽ đi Mỹ đoàn tụ bất cứ lúc nào. Khi ăn gần xong ông nhỏ nhẹ:

– Dung có chồng rồi anh biết không?

Tôi đặt đũa xuống. Cả nhà nhìn tôi chờ đợi. Tôi chậm rãi:

– Bây giờ nghe chú thì cháu biết. Nhưng cháu không ngạc nhiên. Cháu đã tự hỏi cháu nhiều lần trong những đêm tù không ngủ được. Cháu nghĩ đó là giải pháp tốt đẹp nhất cho Dung. Dung còn trẻ và còn cả một tương lai dài ở trước mặt. Dung phải sống, thưa chú!

Bà thím cười tủm tỉm:

– Nhưng cô Thu xinh ghê đấy chứ. Chú thím gặp cô Thu một lần ở nhà bác Chuyên, hôm ấy cô đến nhận đồ để thăm nuôi Dũng. Bao giờ thì dẫn cô Thu về ra mắt thím đây?

Tôi đánh bài lảng:

– Thân cháu sợ cháu chưa lo nổi. Mới ở tù ra thấy như ở cung trăng rớt xuống, ngơ ngẩn không biết trời biết đất gì. Mọi thứ lạ hẳn so với ngày xưa.

Chú Trung mơ màng:

– Ngày xưa. Ngày xưa…

No comments: