ĐỖ LỆNH DŨNG - CHƯƠNG 2

   Lê Thiệp                                            

                                                          Chương 2

 

Hà Nội 11/1959 – Sài Gòn Mậu Thân 1968

 

Ngày 12-9-1959 bản tin của Việt Tấn Xã loan tải được đài phát thanh BBC trích thuật cho hay một cuộc đụng độ giữa quân đội Việt Nam và quân phiến loạn đã diễn ra tại ven rừng Đồng Tháp. Trận giao tranh giữa một tiểu đội quân chính phủ và một lưc lượng tương đương của quân phiến loạn kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ và không có thiệt hại nào được ghi nhận.

Không mấy ai để ý đến mẩu tin ngắn đó giữa những biến động lớn khác của thế giới. Nếu có để ý chăng nữa, khó ai hình dung nổi những tiếng nổ lẹt đẹt ở xó rừng hẻo lánh miền Nam lại báo hiệu cho một cuộc chiến tương tàn kéo dài suốt mấy chục năm sau đó kéo theo những hậu quả khốc hại không những chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà cả Hoa Kỳ.

Hiệp định Genève 1954 được triệu tập vội vã kết thúc mau chóng giữa các cường quốc trên thế giới – một bên là Cộng Sản, một bên là Thế Giới Tự Do – đã chặt Việt Nam thành hai, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Hậu quả tức thời của Hiệp Định là người Pháp hoàn toàn rút khỏi Việt Nam. Trong khi chờ đợi một cuộc tổng tuyển cử để thống nhất hai năm sau đó, tạm thời người dân Việt Nam được quyền chọn nơi cư trú. Hơn một triệu người đã di cư vào Nam và khoảng hơn một trăm ngàn cán binh bộ đội tập kết ra Bắc.

Dù thế nào đi nữa thì người dân Việt Nam cũng vui mừng vì “hòa bình lập lại” cho dẫu không ai nghĩ sẽ có tổng tuyển cử. Điều khoản này dự trù trong hiệp định Genève được viết ra để mà viết. Chính phủ Ngô Đình Diệm bác bỏ giải pháp tổng tuyển cử lấy cớ phe quốc gia không hề ký vào bản hiệp định này. Chính quyền của ông Hồ Chí Minh cũng không tha thiết gì vì chưa thật ổn định được miền Bắc do hậu quả của cuộc cải cách ruộng đất và vụ trấn áp trí thức đối với nhóm Nhân Văn Giai Phẩm khiến nếu thực sự có tổng tuyển cử với quốc tế giám sát, họ chưa chắc đã thắng.

Trên các phương diện xã hội, kinh tế và chính trị miền Bắc thuần nhất, không đa dạng như miền Nam. Đảng Cộng Sản của ông Hồ Chí Minh đã áp dụng một cách công thức và giáo điều, rập khuôn Trung Cộng và Nga Xô áp đặt một guồng máy công an trị sắt máu trên toàn miền Bắc. Sau hơn 4 năm kể từ ngày ngưng tiếng súng, đảng Cộng Sản tuy đã xây dựng xong chính thể chuyên chính, nhưng lại phải đối phó với những khó khăn nội bộ không có cách gì tháo gỡ được. Kinh tế suy sụp tới mức tối đa, thực phẩm thiếu hụt đến nỗi nếu không có viện trợ của khối Đông Âu, nạn đói chết người có thể xảy ra vì hậu quả của chính sách cải cách ruộng đất và hợp tác xã nông nghiệp. Thành phần tập kết từ miền Nam bất mãn vì không được trọng dụng, vì không thích nghi nổi với xã hội miền Bắc là một mối đe dọa lớn. Mặt khác, những người Cộng Sản Việt Nam vẫn nghĩ họ đã bị chèn ép quá đáng khi chỉ được chia non một nửa Việt Nam sau khi đã thắng Pháp. Mặc cảm chiến thắng và tâm lý kiêu hãnh tự coi là mũi xung kích của xã hội chủ nghĩa khiến họ không có chọn lựa nào khác ngoài giải pháp phát động chiến tranh. Ông Hồ Chí Minh coi nhiệm vụ của ông như một người Cộng Sản, kêu gọi, thúc đẩy và ép buộc toàn thể dân chúng miền Bắc hy sinh để hoàn thành cái ước mơ mà ông ghi lại trong di chúc rằng nếu chưa chiếm được miền Nam thì khi chết ông sẽ không thể nào nhìn mặt Karl Max được. Do đó, ông Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh cuộc chiến để hy vọng ngay trong đời mình, ông có thể thống nhất Việt Nam bằng súng đạn.

Tháng 1/195?, hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam công bố nghị quyết 15 đề ra hai mục tiêu chiếc lược: xây dựng xã hội chủ nghĩa tại miền Bắc và tiến hành chiến tranh cưỡng chiếm miền Nam bằng bạo lực. Sau này các nhà quân sử Hà Nội khi ca ngợi nghị quyết 15 đã viết rõ: “Dùng bạo lực, lấy sức mạnh của quần chúng kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, phong kiến”.

REPORT THIS AD

Ngay khi nghị quyết được công bố, Hà Nội đã bắt tay lập tức vào những hành động thực tiễn.

Không hề mơ tưởng dân chúng miền Nam sẽ nổi dậy để ủng hộ và cũng không tin rằng lực lượng vũ trang được gài lại nằm vùng sau năm 1954 có thể đơn phương đương đầu với quân đội miền Nam, Hà Nội đã lập tức tiến hành công tác xây dựng lộ trình xâm nhập người và vũ khí vào miền Nam. Bốn tháng trước cuộc chạm súng tại ven rừng Đồng Tháp, Thượng Tá Võ Bẩm, một đảng viên gốc người Liên Khu 5 được thành lập Đoàn Công Tác Quân Sự Đặc Biệt. Đoàn đặt trụ sở tại 61-63 Lý Nam Đế Hà Nội với nhiệm vụ nghiên cứu để mở đường mòn Hồ Chí Minh. Ngày 12/5/1959, tổng cộng 445 bộ đội đảng viên thuộc sư đoàn 324 đã bắt tay vào công tác mở lại con đường mòn xâm nhập miền Nam. Ba tháng sau đó, ngày 13/8/1959, chuyến vũ khí đầu tiên lên đường vào Nam.

Ban quân sử của Hà Nội ghi nhận chuyến đầu tiên tổng cộng có 60 trung liên, 549 tiểu liên, 400 súng trường, 100,000 viên đạn, 21 tiểu liên thanh, 107 carbin và 108 ký lô thuốc nỗ TNT. Chuyến xâm nhập vũ khí này đã được nhận tỉ mỉ, nhưng đến những năm sau, khi chiến tranh leo thang thì chỉ được tình bằng tấn. Năm 1966, con số được ghi nhận là 9,800 tấn và 1974 là 217 tấn, đến cuối năm 1975, con số đó là 413,000 tấn.

Song song với những chuẩn bị quy mô về quân sự, vào ngày 12/10/1959, Hà Nội thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, và cuộc chiến Việt Nam từng bước một leo thang.

Từ cuộc đụng độ giữa hai tiểu đội vào năm 1959, ba năm sau mức độ đã thay đổi hẳn. Tại Ấp Bắc thuộc quận Cai Lậy chỉ cách Saigon 56 cây số, trận đánh cấp tiểu đoàn diễn ra ngày 31/12/1962 với số thương vong của cả hai bên lên tới hàng trăm. Hà Nội đã dần dần chuyên cuộc chiến từ du kích sang qui ước.

Hai năm sau, vào ngày 28/12/1964, trận đánh cấp trung đoàn diễn ra tại Bình Giả. Binh sĩ Cộng Sản cho tới thời điểm này được trang bị bằng vũ khí hiện đại nhất của khối Cộng Sản như AK, B40.

Cường độ cuộc chiến tăng dần đẩy tới sự kiện Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến và ồ ạt viện trợ cho Việt nam Cộng Hòa. Không còn những trận đánh lẻ tẻ với Garant, Carbine, lựu đạn chày nữa. Trận Khe Sanh khởi sự vào ngày 24/4/1967 cho thấy cuộc chiến đã thay đổi như thế nào. Vũ khí được hai bên sử dụng có B52, có bom 200 cân Anh, có đại bác 175 ly và cả loại 400 ly bắn từ ngoài khơi Nam Hải, có xe tăng PT76 có hỏa tiễn 122 ly, đại pháo 130 ly. Hãy đọc vào con số thống kê chỉ trong trận Khe Sanh. Trung bình mỗi ngày Mỹ thực hiện 45 phi vụ B52, 3000 phi vụ yểm trợ chiến thuật sử dụng 1800 tấn bom các loại. Trong suốt trận đánh, Mỹ đã thả tổng cộng 96, 000 tấn bom xuống Khe Sanh, gấp đôi số bom Mỹ sử dụng trong hai năm 1942-1943 của Đệ Nhị Thế Chiến tại khu vực Thái Bình Dương. Tổn thất nhân mạng được ghi nhận: Mỹ chết 650, bị thương 2500, 7 mất tích. Phía Cộng Sản, có lẽ vì không chịu nổi hỏa lực của Mỹ, đã hốt hoảng tháo chạy để lại 182 hỏa tiễn, 260,000 đạn nhỏ các loại, 13,000 đạn súng cộng đồng, 8700 mìn cũng như hàng ngàn súng AK. Số thương vong của Bắc Việt được ước lượng khoảng 15,000 tức là gần 90% quân số tham chiến.

Khe Sanh là một vùng rừng núi hẻo lánh nằm trên quốc lộ 9 sát với biên giới Lào và vĩ tuyến 17. Cường độ dữ dội của trận đánh, tuy được chú ý như một so sánh với Điện Biên Phủ, nhưng chiến tranh Việt Nam chỉ thực sự bước sang một khúc quanh lớn vào ngày 30/1/1968 khi người dân miền Nam vốn sống êm ấm tại các đô thị lớn và thủ đô Saigon phải trực diện với chết chóc của chiến tranh.

Với ám danh TCK-TKN, trận Mậu Thân đã được Hà Nội soạn thảo dự trù từ giữa mùa hè 1967 có hai giai đoạn. TCK là Tổng Công Kích và giai đoạn hai là Tổng Khởi Nghĩa với hàm ý rằng dân miền Nam sẽ nổi dậy.

Trận Mậu Thân đã thay đổi toàn diện cuộc chiến.

Về phương diện quân sự, Hà Nội không đạt được thành quả nào. Trong cuộc phỏng vấn của ký giả Fallaci, tướng Võ Nguyên Giáp đã xác nhận tổn thất của Cộng Sản Bắc Việt lên tới nửa triệu lính.

Nhưng Hà Nội đã đạt được mục đích tuyên truyền, đặc biệt đối với dư luận Hoa Kỳ. Thế giới, nhất là người dân Mỹ đã liên tục hàng ngày phải chạm mặt với những hình ảnh khốc hại của chiến tranh. Phong trào phản chiến càng ngày càng lên cao khắp nơi.

Miền Nam cũng chịu những hậu quả tác động đến tận cùng của đời sống người dân về đủ phương diện. Đây là lần đầu tiên người dân thành phố và thị xã, từ trước đên nay vốn vẫn sống khá bình yên, đã chứng kiến tận mắt súng đạn và chết chóc. Một triệu người đã tan cửa nát nhà, phải bỏ gia cư mà di tản đến những nơi an ninh hơn. Xã hội miền Nam bị đảo lộn từ gốc rễ. Miền Nam cho đến giai đoạn này của cuộc chiến vẫn không hề vận động toàn bộ nhân lực, vật lực để sống còn. Chế độ quân dịch hai năm vẫn được duy trì như dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Trong khi Cộng Sản Bắc Việt dồn tất cả nhân lực, đẩy toàn bộ xã hội miền Bắc xuống vực thẳm của đời sống để đạt chiến thắng quân sự thì cho đến sau trận Mậu Thân, miền Nam mới áp dụng lệnh Tổng Động Viên.

Trong số thanh niên sinh viên bị buộc phải cầm súng theo lệnh Tổng Động Viên này có Đỗ Lệnh Dũng đang theo Đại Học Luật Khoa.

 

clip_image001

CHƯƠNG 2

 

Mặt tiền Tòa Đại Sứ Mỹ mầu trắng sáng rực trong nắng ban mai. Từ phía bên này đường Thống Nhất nhìn qua, tôi thấy trên nóc một chiếc trực thăng đang từ từ đáp xuống. Thấp thoáng phía đằng sau bức tường, những người TQLC ôm súng đứng. Kể từ tết Mậu Thân sau khi Việt Cộng toan đánh chiếm, Tòa Đại Sứ đã được bố trí lại như một pháo đài.

Khoảng ít lâu trước, tôi đã đến đây một lần. Đang là sĩ quan tùy viên cho Đại Tá Lưu Yểm tỉnh trưởng Phước Long, tôi đã nhận được thư Tòa Đại Sứ yêu cầu tôi tới để gặp chuyện riêng. Tôi đưa thư cho Tham Mưu Trưởng Tiểu Khu để xin phép, ông nhìn tôi rồi bảo chờ coi. Sau đó đơn được chuyển lên cho Đại Tá Yểm. Đại Tá Yểm coi tôi như người thân tín, ông lôi tôi về làm tùy viên vì cái giao tình với ông chú tôi, vả lại ông cũng khoái cái bộ dạng của tôi mỗi khi tới chơi với ông chú.

Đại Tá Yểm đưa tôi tờ giấy phép, dặn dò:

– Tao không biết tụi nó gặp mày để làm gì. Dây dưa với tụi nó chẳng hay ho gì đâu. Nếu nó đề nghị mày làm việc cho Xịa thì khôn hồn đừng có dính vào.

Người Mỹ không bao giờ có ý định tuyển tôi vào CIA. Họ mời tôi lên là bàn chuyện riêng tư, chuyện cá nhân thật.

REPORT THIS AD

Tôi còn nhớ người tiếp chuyện tôi là một phụ nữ trung niên nói tiếng Pháp giọng đầm rất hay. Bà hỏi tôi có quen ông Nghị Sĩ Mỹ gì đó tôi cũng không nhớ. Trời đất ! Một tên lính cà tàng như tôi làm sao quen lớn với Nghị Sĩ Mỹ. Bà lật đi lật lại mấy tờ giấy, hỏi tôi có biết ai tên Sam Graves không? Tôi trả lời bà:

– A, Ông Sam Graves là bạn tôi. Ông ấy là cố vấn cho đơn vị tôi. Chúng tôi đã cùng hành quân với nhau nhiều lần và là bạn rất thân.

– Ông cứu Đại Úy Graves thoát chết?

Tôi ngẩn người ra, rồi cười:

– Không cứu ông thì tụi tôi chết trước.

Bà người Mỹ cũng cười:

– Vậy thì tôi hiểu chuyện rồi.

Bà chăm chú lật một xấp thư từ, loáng thoáng tôi thấy toàn là thư có tiêu đề mầu xanh và cả hình quốc huy con ó của nước Mỹ. Bà gập hồ sơ chậm rãi nói:

– Do sự can thiệp của nhiều giới chức, chúng tôi đồng ý để ông đi Mỹ thăm gia đình, tất cả phương tiện đều do quân đội Hoa Kỳ đài thọ. Ông chỉ cần xin phép với phía chính phủ Việt Nam.

Tôi nhìn bà ta đăm đăm:

– Đáng lẽ tôi đã đi Mỹ cùng với gia đình từ mấy năm trước nhưng phải ở lại Việt Nam để đi lính. Bây giờ tôi đang cầm súng. Chính phủ Việt Nam chắc chắn sẽ không cho phép tôi đi.

– Vấn đề của Việt Nam không thuộc thẩm quyền của chúng tôi. Bất cứ khi nào ông có sự chuẩn nhận của chính phủ Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng mời ông sang thăm Hoa Kỳ.

Khi trở lại Phước Long, kể cho Đại Tá Lưu Yểm, ông cười ngất.

– Mẹ cha tụi nó. Đang đánh đấm mờ người, ai cho mày đi. Bộ mày là con Tổng Thống chắc?

Khi nhận được thư của Tòa Đại Sứ Mỹ lần thứ nhì, tôi đang lo Ban Ba cho chi khu Đồng Xoài. Tôi biết rõ cái “chuyện riêng” là chuyện gì, và cũng thẳng thắn nói hết đầu đuôi cho Thiếu tá Khoái. Ông có vẻ mừng.

– OK, tôi cho cậu đi phép liền. Nhớ điện thoại cho tôi biết nha.

Băng qua đường Thống Nhất tôi vào cổng Tòa Đại Sứ đưa bức thư. Người lính TQLC liếc qua, gật đầu dẫn tôi vào phòng chờ. Đúng thật là làm việc theo lối Mỹ. Chưa đầy năm phút sau, một cô gái trẻ đẹp người Việt Nam ra chào:

– Trung Úy Đỗ Lệnh Dũng phải không ạ?

– Thưa tôi.

– Mời Trung Úy vào gặp ông Phó Lãnh Sự.

Phó Lãnh sự là một người Mỹ cao to, nhất là bàn tay, y như bàn tay hộ pháp. Ông thân mật đón tôi tận cửa, và sau khi đã đâu đấy ông ta hỏi tôi rất lâu. Hình như ông ta đã đọc kỹ gia phả ba đời nhà tôi, kể cả cuộc đời lính tráng nữa. Chuyện ông muốn biết nhất là liên hệ của tôi với ông Đại Úy Cố Vấn Graves lúc tôi giữ chức vụ Đại Đội Phó Đại Đội Quyết Tử của Tiểu Khu Phước Long. Tôi thành thật kể mọi chuyện.

Cuối cùng ông ta bảo:

– Chính Phủ Hoa Kỳ quyết định để ông đi thăm Hoa Kỳ dưới hình thức R&R. Mọi chi phí đều do Hoa kỳ đài thọ. Đây là cơ hội để Hoa Kỳ tỏ lòng cảm ơn Trung Úy đã không nề nguy hiểm cứu một sĩ quan của chúng tôi.

– Thưa ông Lãnh Sự, tôi cũng đã được chính phủ Hoa Kỳ mời một lần. Đây là một hãnh diện lớn cho tôi và tôi mong ước được đến thăm Hoa Kỳ và nhân thể gặp lại gia đình, bố mẹ và anh em tôi. Nhưng thưa ông Lãnh Sự, hiện tôi là một quân nhân tại ngũ, tôi nghĩ tôi không thể rời Việt Nam khơi khơi để đi Mỹ chơi.

– Tôi hiểu. Trung Úy đừng lo, chúng tôi sẽ liên lạc với Bộ Quốc Phòng. Trung Úy cứ lo yên tâm trở về sắp xếp, hai tuần nữa trở lại đây để ra phi cơ.

Bước ra khỏi cái cửa pháo đài mầu trắng nguy nga đấy, tôi băng qua đường hướng về phía nhà thờ Đức Bà. Lòng tôi như mở hội. Đầu óc tôi sáng suốt, trí óc tôi minh mẫn nhưng tôi bước đi hụt hẫng. Thỉnh thoảng bố tôi viết thư có nhắc là ông Sam Graves đang ráo riết vận động để tôi sang Hoa kỳ. Bố tôi vẫn thế, ít nói và nói rất vắn tắt. Thư ông không bao giờ dài dòng nên tôi cũng chỉ biết có thế. Ông Đại Úy Mỹ cố vấn ngày xưa liệu có đủ thế lực để khiêng tôi ra khỏi Việt Nam, ra khỏi súng đạn chăng? Bản thân tôi, tôi không tin và coi đó giống như cái vụ tôi đã từng hụt đi Mỹ vì thuộc thành phần Tài Nguyên Quốc Gia.

Nhưng nay nay tôi sắp đi Mỹ thật. Tôi sắp gặp lại bố mẹ anh em thật. Lởn vởn trên toàn câu chuyện, hình như không ai nói ra nhưng ai cũng hiểu hễ đi là không về.

Đi qua nhà thờ Đức Bà, tôi ngẩng nhìn. Nhà thờ xây gạch đỏ, mái lợp mầu xanh tái im lìm trang nghiêm. Tôi thấy mình đọc nhỏ câu thơ vẫn hay nghe lính tráng ngâm nga:

Lạy Chúa con là người ngoại đạo

Nhưng con tin có Chúa ngự trên cao

Trong cuộc chiến tranh cái chết và cái sống chỉ cách nhau chưa đầy một phút, hi vọng nào dù mỏng manh vẫn là hi vọng. Lững thững dọc đường Tự Do, tôi tạt vào nhà sách Xuân Thu. Giờ này Dung có lớp, chắc đang ngồi trong giảng đường ghi cours. Loanh quanh trong nhà sách, tôi mua cuốn Le petit Prince, khổ nhỏ in rất đẹp. Đọc lại Ông Hoàng Nhỏ cũng đủ giết thì giờ cho đến khi Dung ra.

Kẹp mấy tờ báo và cuốn truyện, tôi đi về phía Givral. Những con ngựa gỗ sơn mầu trắng đỏ giăng ngang đường, vòng rào kẽm gai nhằng nhịt. Tôi gật đầu chào người cảnh sát dã chiến, chỉ về phía trước. Anh ta nhìn tôi, lẳng lặng nép sang bên nhường lối. Đoàn biểu tình rất đông đang đứng dưới trụ sở Hạ Nghị Viện la hét. Cảnh sát dã chiến dùi cui khiên mây dàn ngang đối diện đám biểu tình với cả chục biểu ngữ. Phong trào chống tham những của linh mục Trần Hữu Thanh. Mấy ngày nay ở Sài Gòn đọc báo, ngày nào cũng thấy tin về biểu tình đăng to ngang với tin chiến sự. Báo bị tịch thu liên miên. Nhìn những người đi biểu tình, lòng tôi chùng xuống chán nản và không muốn giống như mấy người ngoại quốc đang ngồi trong tiệm Givral máy lạnh uống bia nhìn ra ngoài. Tôi tự thấy chướng nghĩ đến cảnh một ông lính ngồi trong tiệm xem dân chúng biểu tình nên bỏ đi một nước và nhớ đến lời bố tôi từ mấy năm về trước

REPORT THIS AD

– Chắc tình hình còn lộn xộn lâu.

Bố tôi – Đỗ Lệnh Thông – hay ngày xửa ngày xưa là ông Tú Thông vì ông học trường Bưởi và đỗ Tú Tài, vốn là người ít nói, hiền lành nhưng rất nghiêm khắc với con cái. Lịch sử Việt Nam vào những năm 1940 đầy những biến động lớn, lôi kéo cả một dân tộc vào những đau thương khốn cùng. Mỗi cá nhân mỗi gia đình lại có những chuyện để kể cho con cháu. Chuyện của bố tôi cho thấy mỗi người không bao giờ làm chủ được số phận của mình.

Theo lời mẹ thì bố tôi học giỏi, đỗ Tú Tài hồi đó là một thành đạt. Mẹ tôi con nhà giầu, có cửa hàng lớn ở Hà Nội và đồn điền trồng cà phê nuôi cả mấy trăm con bò sữa trên mạn ngược gần núi Ba Vì. Bà kể và đối với lũ con chúng tôi thì Việt Trì Yên Bái Thái Nguyên là những địa danh xa vời, ngay cả những ý niệm về đồn điền cũng được nhìn với đầy vẻ lãng mạn. Gia đình mẹ chỉ có hai chị em gái. Người em gái của mẹ, dì tôi lấy ông Hà Bỉnh Trung. Suốt thời gian sau này gia đình ở Mỹ, tôi sống và coi chú dì như bố mẹ. Ông bà cũng coi tôi như con ruột vậy. Bố tôi có một ông anh. Ông Đỗ Lệnh Tích. Theo lời kể thì bố tôi và bác Tích tham gia phong trào sinh viên thanh niên yêu nước. Trong một buổi họp thì bị hiến binh Nhật vây kín tóm gọn cả ổ, chỉ mình bác tôi thoát. Ông đi một lèo không bao giờ trở về nhà. Sau này ông trở thành Cộng Sản, lên tới chức Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải của Hà Nội. Bố tôi thì bị bắt và bị giam vào đồn Hiến Binh Kempetai cho đến ngày Nhật đầu hàng Đồng Minh mới được thả ra. Bố tôi thỉnh thoảng trầm ngâm nói với lũ con:

– Nếu bố không bị hiến binh Nhật bắt hôm đó, rồi chắc cũng giống bác Tích, trở thành cán bộ Cộng Sản cao cấp.

Mẹ tôi thì nhìn dưới nhãn quan khác:

– Hay có khi chết mất xác vì bom Pháp.

Lũ con cũng đồng ý:

– Có khi chết vì bom Mỹ , B52

Bố tôi nghiêm mặt nói:

– Các con có biết tại sao bố đổi chữ lót nhà mình không? Gia đình từ xưa tên con trai bao giờ cũng lót bằng chữ Lệnh. Hồi đó bố củng bác Tích tham gia phong trào thanh niên nhưng không hề theo Cộng Sản. Bố thấy họ tàn ác quá, sát hại biết bao nhiêu đảng viên của các đảng quốc gia. Hễ không theo ông Hồ và Cộng Sản là họ coi như kẻ thù và bố thấy họ thù người quốc gia hơn cả Pháp nữa. Bởi vậy, khi vào Nam được biết bác Tích đi theo kháng chiến và là đảng viên Cộng Sản, bố quyết đinh đổi Lệnh thành Lịnh. Khi ra tòa hoà giải làm thế vì khai sinh bố đổi hết. Bố là Đỗ Lịnh Thông, thằng Dũng là Đỗ Lịnh Dũng. Lịnh tiếng Nam cũng như Lệnh tiếng Bắc nên bố nghĩ ông nội ở dưới ấy chắc không buồn. Có khi ông nội còn gật gù đồng ý nữa là đằng khác.

Tôi hiểu quyết định của bố như một thái độ quyết liệt không muốn dây mơ rễ má gì với phe bên kia, dù là anh mình, dù là ruột thịt. E rằng ông bác của tôi cũng chả muốn dây dưa gì với gia đình tôi nữa. Như vậy trên giấy tờ, tôi là Đỗ Lịnh Dũng, nhưng tên cúng cơm của tôi là Đỗ Lệnh Dũng. Trong thâm tâm thôi thích được goi là Đỗ Lệnh Dũng hơn.

Gia đình hai bên canh rất kỹ nên bố tôi không thể đi làm cách mạng được, đành quay sang học chữ Nho và Anh Văn. Sách vở tiếng Anh hồi đó hiếm hoi lắm. Trong khi mò mẫm ông gặp được một người Mỹ là phó Lãnh sự Donnell. Ông Mỹ muốn học tiếng Việt. Ông Việt muốn học tiếng Mỹ. Họ trở thành bạn. Nói về ông Donnell, bố tôi bảo :

– Hồi đó ở Hà Nội có chục người Mỹ là cùng. Dám là CIA hay OSS gì đó nhưng ông ta rất tốt, dễ chịu và vui tính.

Ông Mỹ tốt ấy đã tìm cho bố tôi một cái học bổng đi Mỹ vào năm 1952. Đa số trí thức hồi đó đều được đào tạo theo văn hóa Pháp, hiếm người thông thạo tiếng Anh. Về lại Việt Nam, bố tôi trở thành chủ sự Phòng Thông Tin Báo Chí Hoa Kỳ đầu tiên tại Hà Nội. Khi cuộc chiến tranh Việt Pháp đã đi đến giai đoạn cuối với Điện Biên Phủ và Hiệp Định Genève, bố tôi được điều động vào Sài Gòn. Ông đem tôi đi theo, cả nhà vẫn ở lại Hà Nội.

Tôi còn nhớ hai bố con được Tòa Đại Sứ mướn cho một phòng rộng mênh mông tại khách sạn Continental. Bố tôi đi làm còn tôi thì hết lên lại xuống cái cầu thang máy, một văn minh tiến bộ vượt bực đối với một đứa trẻ mười tuổi đầu như tôi. Và tôi vẫn còn nhớ những buổi sáng chủ nhật hai bố con ngồi ăn sáng với dao nĩa, bánh mì, trứng ốp la, bơ và mứt dâu trong cái vườn nội thất của khách sạn với những ông bồi nói tiếng Tây như sấm.

Sau Hiệp Định Genève, cả nhà tôi kéo vào Sài Gòn. Chúng tôi sống xa hẳn Hà Nội từ đó. Tôi choáng ngộp với Sài Gòn ngay từ ngày đầu, tôi quên hẳn Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm và những rặng sấu mọc dọc các phố Hànội. Sàigòn rộng hơn, bát ngát hơn, ồn ào hơn và nhất là có sirô đá nhận, năm cắc một ly, không có tiền thối lại thì a-lê, xé đôi đồng giấy bạc cũng được.

Cuộc sống trôi êm đềm như mặt hồ. Bố tôi đi làm, mẹ tôi lo cơm nước. Lũ con khá đông, chín đứa năm trai bốn gái, tíu tít suốt ngày. Tôi không nhớ trong khoảng trong khoảng thời gian nào, bố tôi chuyển sang làm việc cho Asia Foundation. Ông phải đi liên miên ra Trung, xuống đồng bằng, lên Cao Nguyên để thị sát các công trình viện trợ nhân đạo.

Có một dạo rất nhiều tài tử minh tinh đến nhà tôi trong đó đáng nhớ nhất là tài tử Lê Quỳnh và minh tinh Khánh Ngọc cùng các ông Đỗ Bá Thế, Vĩnh Noãn. Bố tôi đã đóng góp rất nhiều về việc viết đối thoại và phân cảnh cho phim “Chúng Tôi Muốn Sống”. Khi anh em ông Diệm bị bắn chết vào năm 1963 , một hôm bố tôi nói với cả nhà:

– Tình hình chắc không ổn. Chắc lộn xộn lâu, xáo trộn lớn. Có khi mình phải đi.

Trên tôi là bà chị Đỗ Thị Như Mai. Tôi là con trai trưởng. Lũ em nhỏ nhất là Đỗ Lệnh Kiên. Cả lũ chín đứa chẳng đứa nào chịu để ý đến lời bố tôi nói cho đến khoảng vài tháng sau. Mẹ tôi biết trước nên chẳng có lấy gì làm ngạc nhiên lắm, nhưng chúng tôi đều nhẩy cỡn lên trước lời tuyên bố của bố tôi:

– Nhà mình sẽ đi Mỹ

– Mình bố hay cả nhà

– Cả nhà.

REPORT THIS AD

Đó là năm 1964. Sài Gòn như một cái chảo dầu sôi sùng sục hết đảo chánh thì chỉnh lý. Sinh viên học sinh biểu tình tứ tung. Bố tôi theo dõi những biến chuyển chính trị, còn tụi tôi ngày ngày vẫn cắp sách đến trường hí hửng chờ ngày đi Mỹ. Bố sẽ được làm ngay tại Washington DC, tại Bộ Ngoại Giao Mỹ và tụi tôi tới tấp tìm đọc về White House, về Washington Monument và bàn tán loạn cào cào.

Một buổi tối đang ăn cơm, bố tôi chậm rãi bảo:

– Chắc thằng Dũng không đi được. Nó thuộc “tài nguyên Quốc Gia”, không đi được..

Thực tế là tôi đã 18 tuổi, đến tuổi cầm súng. Tôi xìu xuống như bong bóng hết hơi. Mẹ tôi thì làm dữ. Nhưng rồi không có gì thay đổi được bố tôi. Ông nhất định không xin xỏ gì để cho tôi đi. Trước áp lực của mẹ hoặc đi cả nhà hoặc ở lại, bố tôi nói:

– Tôi không thể mở miệng xin xỏ gì được với Bộ Quốc Phòng. Tôi cũng không thể nhờ người Mỹ can thiệp. Người ta cũng có con đi lính, tại sao con mình đòi đặc ân? Người Mỹ sẽ coi tôi ra sao nếu tôi mở miệng nhờ vả. Con cái họ cũng sang tận đây đánh nhau, tôi lại xin họ giúp cho thằng Dũng trốn đi Mỹ được sao?

Bố tôi vậy đó. Chuyện đi hay ở bỗng khựng lại vì tôi. Vấn đề được khai thông nhờ bà dì. Nguyên chú Hà Bỉnh Trung đã mãn giao kèo mang cả nhà về lại Việt Nam. Ông là phụ tá giảng viên tại Fort Benning, nơi người Mỹ huấn luyện sĩ quan Việt Nam đánh giặc theo kiểu Mỹ. Bà dì Đàm Thị Hiếu khuyên mẹ nên đi và bà kể lại về nước Mỹ, về những cơ hội học hành cho lũ nhỏ và nhất là đồng ý lo lắng chăm sóc “cho thằng Dũng”.

Vào năm 1964 tôi mất gia đình ruột thịt bố mẹ nhưng tôi tìm được một gia đình khác ấm cúng không kém, Gia đình chú dì và một lũ em sáu đứa, nhỏ nhất là Tâm và lớn nhất là Hà Chính Quyền. Cũng chính từ gia đình này tôi quen Dung.

Vậy đó, Tài Nguyên Quốc Gia nay đã trở thành Trung Úy khói lửa đầy người. Vậy đó, bố tôi không muốn tôi tôi trốn lính đi Mỹ nhưng nay tôi sắp đi sang đó để thăm ông. Không phải chỉ thăm mà có lẽ sẽ ở luôn với ông không chừng. Cho đến mãi về sau này tôi vẫn không hiểu khi Phó Lãnh Sự Mỹ nói rằng họ sẽ liên lạc với Chính Phủ Việt Nam là liên lạc thế nào? E rằng họ sẽ chẳng liên lạc quái gì. Họ chỉ việc bỏ tôi lên xe bus, chở thẳng tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất, đẩy tôi lên phi cơ quân sự thế là xong. Cách gì đối với tôi cũng được, miễn là tôi được đi, được rời xa súng đạn.

Bỏ đám biểu tình, lang thang một hồi tôi trở về nhà, nằm khểnh vừa đọc sách vừa nghe nhạc chờ Dung. Đang lơ mơ trong tiếng hát Thái Thanh, thì Dung tung cửa ào vào. Ánh nắng phía Tây chói chang ùa theo nàng làm sáng rực căn phòng khách. Như một con chim sẻ, nàng hất đôi guốc ra khỏi chân, tung tăng chạy xà tới tôi. Chúng tôi hôn nhau tới tấp.

Sau khi đã lấy lại hơi thở, Dung nép vào ngực tôi chờ đợi.

– Hai tuần nữa anh đi.

– Thật không? Sao lẹ dữ vậy?

– Mỹ mà. Cái gì cũng nhanh như chớp.

– Vậy còn đám cưới…

– Anh đã suy nghĩ kỹ. Em là con gái xin du học không khó khăn, nhất là có bố mẹ bên đó bảo lãnh. Em lại học giỏi, đại học Mỹ thế nào cũng nhận. Anh sang đó trước, em sẽ đi sau.

Dung im lặng trước viễn ảnh chúng tôi phải xa nhau và cái đám cưới dự trù vào GiángSinh này có thể không thành.

Tôi nói:

– Nếu muốn, tụi mình nói chú dì và ba má làm đám cưới tuần tới.

– Giỡn hoài. Cưới xin đâu có thể ào ào như vậy, ba má không chịu đâu.

Tôi kéo nàng đứng dậy:

– Chuyện đâu còn có đó, để thưa với ba má sau, bây giờ đi chơi. Ra Continental uống cà phê.

Nhìn tôi vẫn mặc đồ lính nàng nhăn mũi:

– Thay đồ đi anh. Cái áo lính ghê thấy mồ.

– Anh mặc đồ lính cho khỏi rắc rối. Cỡ này cảnh sát đầy đường, xét giấy tùm lum mất công. Mặc đồ lính để mai mốt đỡ nhớ. Giã từ vũ khí.

– Adieu aux armes.

Lựa một cái bàn gần bụi cây, nơi có nước chảy róc rách, tôi gọi cho Dung một ly cà phê Liègeois còn tôi chơi một ly Baby. Cà phê Liègeois là thứ có kem tôi chúa ghét nhưng lại là món tủ của Dung. Baby là một ly Johnny đỏ pha với soda trong cái ly bé bằng nửa ly thường, không ghi trong thực đơn nhưng anh bồi cũng hiểu tôi muốn gì.

So với hồi xưa lúc tôi còn bé, bề ngoài nơi đây không thay đổi gì. Nhưng với tôi mọi sự khác hẳn. Ông Tây Bà Đầm nhàn nhã ngồi đọc Journal d’Extrême Orient uống cà phê, trà đen trên đĩa bánh ngọt bé tí tẹo nay đâu mất. Thay vào đó là những ông Mỹ to dềnh dàng, uống bia cầm cả chai tu hoặc những ông nhà báo lỉnh kỉnh máy chụp máy quay. Họ ồn ào hơn người Pháp. Mấy ông bồi bàn ăn mặc đồng phục mầu trắng nay cũng xổ toàn tiếng Anh, không còn Monsieur Madame như ngày xưa khi tôi lần đầu tiên mới đến Sài gòn lúc mới 10 tuổi. Gần hai mươi năm nước chảy qua cầu, chiến tranh mỗi lúc một khốc liệt, chữ thời thượng là “leo thang” và bây giờ là “Việt Nam Hóa”.

Từ góc vườn nhìn ra, pho tượng TQLC đen sì đồ sộ đang ở thế lao tới. Những vòng rào, vòng kẽm gai vẫn còn đó nhưng dã được thu gọn lại. Có thể ngày mai lại được giăng ra để chặn biểu tình.

Mọi sự rối tung beng. Tôi nhớ một ông bạn của chú Trung đã lắc đầu nhìn thấy pho tượng. Ông bảo pho tượng không cân, lại ở thế xung phong chĩa súng, lưỡi lê vào ngay cửa Quốc Hội, e là điềm không lành. Một vị khác thì nói Công Trường Hồ Con Rùa được xây theo dạng cái đinh đóng xuống là do lệnh của Tổng Thống Thiệu. Nghe lời bàn của thầy phong thủy rằng đuôi của con rồng nằm ở đó e nó quẫy đi mất nên Tổng Thống sai kiến trúc sư vẽ kiểu xây Công Trường Tự Do nhưng kỳ thật nó là cái đinh đóng cho rồng không quẫy. Từ lúc nghe lời bàn, lần nào đi qua đó tôi cũng nhìn thấy cái đinh đóng cao nghệu tủm tỉm cười. Chú tôi thì bảo rằng khi cái thế nước nghiêng ngửa, những điềm gở hay xảy ra. Gở hay không tôi cũng sắp rời khỏi nơi đây.

Hai đứa thủ thỉ đủ thứ chuyện, nhất là chuyện Dung có thể xin du học Mỹ hay không? Hồi năm trước Dung đỗ Bac II Mention Très Bien được học bổng đi Pháp nhưng vì tình yêu Dung đã ở lại với tôi bất chấp sự giận dữ của gia đình. Tôi ngồi xoay xoay ly rượu nhỏ, ngắm khuôn mặt sáng, nghịch ngợm và mái tóc đen xõa ngang vai nhớ đến lần đầu chúng tôi hôn nhau.

Thật ra tôi xúc động ngay từ ngay lần đầu tiên nhìn thấy nàng. Khi sống với gia đình chú dì, tôi vẫn kèm mấy đứa em lúc đó đang học Marie Curie. Một hôm Mỹ Châu nói có đứa bạn học chung muốn hỏi bài vở. Tôi vốn chiều Mỹ Châu nên gật đầu ầm ừ. Hôm sau cô bé đến trong jupe trắng. Tôi như chết sững trước hình ảnh thiên thần. Hồn nhiên vô tư và rất bạo dạn, từ Dung tỏa ra niềm thánh thiện thanh khiết làm tôi choáng váng. Tôi đủ chững chạc để đóng vai ông anh kèm bài nhưng trong thâm tâm tôi biết chắc rằng Dung đã thuộc về tôi, Dung sẽ là của tôi.

Suốt hai năm, không một lời tán tỉnh, nhưng tôi biết Dung đã nhìn tôi khác. Vào mùa hè sau mùa thi Tú Tài một, Dì Chú Trung cho cả nhà đi Vũng Tàu chơi và Dung cũng được mời.

Bãi sau Vũng Tàu cát trắng phau. Cả nhà nô đùa, bơi lội và chiều chiều ngồi ăn cơm canh chua cá dứa, thịt kho tộ ở những quán lộ thiên dọc theo bờ biển. Chiến tranh vẫn khốc liệt ở khắp mọi nơi, nhưng riêng ở đây, không ai lý đến nó. Cái ám ảnh duy nhất là một vài anh lính Mỹ ô dề cặp kè với mấy người đàn bà Việt Nam son phấn loè loẹt. Hoặc là cảnh một hai người ăn mày què cụt đi xin tiền. Nhưng tiếng sóng biển át đi những hình ảnh gợi nhớ đến súng đạn. Quên được lúc nào quí lúc đó.

Tụi tôi tình trong nhưng đã nhưng hai đứa vẫn còn giữ ý tứ, giữ khoảng cách. Đây là lần đầu tôi thấy Dung thật sự là một thiếu nữ. Bộ đồ tắm làm nổi bật thân hình cân đối và nắng Vũng Tàu làm da nàng hồng lên. Tôi nhớ rõ tối hôm đó trời không trăng nhưng trong và nhiều sao. Cả nhà tản đi xuống bãi dạo dọc theo bờ biển. Cố ý hay vô tình tôi và Dung tách riêng ra hướng về phía Ô Quắn. Nàng vừa đi vừa đá những đợt sóng xô dạt vào bờ làm nước bắn tung toé. Đang đi nàng chạy, tôi đuổi theo, nhưng vẫn cố không vượt. Được một quãng, Dung ngừng lại thở.

– Mệt hả?

– Mệt thấy mồ.

Tôi đi song song, nắm lấy tay Dung. Nàng để yên. Đây là lần đầu tiên hai đứa nắm tay nhau. Một cảm giác êm ái nhẹ nhàng lan ra khắp người. Tôi nói:

– Mình tới mấy hòn đá ngồi nhìn biển.

Dung siết nhẹ tay tôi không nói năng gì. Tôi ngửi thấy mùi thơm của hơi thở. Tôi nghe thấy cả tiếng tim mình hay tiếng tim Dung đang đập. Đá ở bãi Ô Quắn nhiều và lớn. Hai đứa mò mẫm, tôi đưa tay cho Dung níu, kéo nàng lên.

Sóng biển rì rào đập vào đá, bọt tung trắng xóa. Đêm thẫm mầu ngoài xa. Khi tôi hôn nàng, mới đầu Dung như muốn đẩy tôi ra nhưng ngay sau đó, tay nàng vòng qua cổ tôi. Hai đứa hôn nhau như thể đã chờ đợi từ kiếp nào. Môi Dung nóng bỏng, đượm vị mặn của biển. Tôi lùa tay trong tóc nàng. Dung từ từ ngả người trên tảng đá, hai tay xỏa ra, ngực phập phồng trong chiếc áo pull xanh mầu lá chuối. Tôi chống tay cúi xuống. Mặt nàng lung linh trong đêm, như thật, như mơ, như từ cõi xa xăm nào hiện về, tôi nhẹ nhàng và rồi chúng tôi quấn lấy nhau.

Bỗng như thoát khỏi cơn mê, Dung đẩy tôi ra đứng dậy, nàng nhảy bước một ra khỏi tảng đá, rồi vừa đi vừa chạy về phía khách sạn. Suốt hai ngày cuối của kỳ nghỉ hè, Dung tránh tôi, cố ngồi riêng ra và luôn né không nhìn thẳng vào tôi. Mãi sau này nàng mới nói là sợ mọi người biết.

Nhưng rồi mọi người đều biết. Làm sao có thể dấu được tình yêu? Lũ em như Ngọc Diệp, Mỹ Châu thì ủng hộ hết mình, sẵn sàng nói dối để bao che cho Dung đi chơi với tôi. Đời tôi như mở hội. Tôi thấy ai cũng đáng yêu. Tôi thấy cuộc đời đẹp quá. Rồi chú dì cũng biết. Rồi ba má Dung cũng biết.

Trở ngại xuất hiện khi Dung đỗ tú tài. Nàng được học bổng đi Pháp. trong hoàn cảnh hỗn độn của chiến tranh, được đi du học là một vinh dự lớn và cũng là một lối thoát lớn. Bố mẹ Dung hãnh diện trước tương lai sáng lạn của con gái. Tôi còn nhớ khi Dung dùng dằng trước áp lực của gia đình, đẩy nàng tới chọn lựa giữa tôi và nước Pháp đầy quyễn rũ. Tối hôm đó, tôi nói với Dung:

– Đây là quyết định lớn nhất trong đời em. Điều duy nhất anh có thể nói là nếu em đi Pháp, chắc chắn là chúng ta sẽ xa nhau vĩnh viễn.

– Anh bắt em chọn anh hoặc tương lai của em.

– Không. Hai đứa mình hoặc có cùng tương lai hoặc không. Ngay khi nhìn thấy em lần đầu hồi đó, anh đã tự nhủ sẽ cùng em chia sẻ cuộc đời. Đến bây giờ anh vẫn tâm nguyện như vậy.

Dung yên lặng không nói năng gì. Nàng cầm tay tôi mơn man , ngả đầu dựa vào vai tôi. Nàng nhỏ nhẹ:

– Em yêu anh. Đời em là của anh.

Nàng đứng dậy kéo cái áo pull khỏi đầu. Tôi hiểu nàng muốn dâng hiến, muốn nói rõ với tôi là không có gì có thể chia lìa hai đứa.

– Anh yêu em.

Chúng tôi ôm nhau quấn quít. Chúng tôi bất chấp mọi sự. Chúng tôi chỉ biết có nhau. Chúng tôi làm tình lần đầu như mọi sự diễn ra tự nhiên như đã trao cho nhau tất cả từ lâu, từ lúc gặp nhau lần đầu.

Khi tôi viết thư xin phép bố mẹ làm đám cưới thì bà cụ không chấp nhận. Lý do là Dung “tây” quá, tự nhiên quá, “đầm” quá e sẽ không là một người con dâu hiền, một người vợ đảm. Tôi thì chết sững trước thái độ của mẹ. Tôi viết thư nói sẽ chiều mẹ, xa Dung và để có thể quên, tôi sẽ xin thuyên chuyển qua Biệt Kích Dù để dấn thân vào lửa đạn ngõ hầu lấp đi nỗi buồn. Đòn thấu cáy của tôi thành công vì mẹ gửi một chiếc nhẫn đính hôn cho con dâu tương lai.

Đời đẹp quá. Vài ngày nữa tôi sẽ có mặt ở Mỹ, ở Hoa Thịnh Đốn. Chậm lắm là vài tháng sau, Dung sẽ qua sum họp. Tôi nói với Dung:

– Ngày mai anh sẽ về Đồng Xoài từ giã anh em đồng đội.

– Em đi với anh. Thiếu Tá Khoái dễ thương, em cũng muốn chào ông lần cuối. Em muốn xem tiền đồn heo hút của anh ra sao.

– Đâu được. Đi đứng bây giờ khó khăn, lỡ có gì làm sao anh lo cho em được. Chỗ lính tráng súng đạn đâu phải chỗ em coi. Trông bộ dạng đầm của em mà xuống đó chắc cả Đồng xoài đổ ra ngắm. Không được đâu.

– Vậy để em gửi ít đồ cho mấy ông lính bạn anh.

– Giã từ vũ khí thì cũng nên chơi đẹp với người ở lại.

Rời khỏi Continental, tụi tôi lang thang trên Catinat và sau đó rẽ vào ngõ Asam. Tôi nghiệm ra một điều. Văn hóa văn hiến không chỉ là sách vở từ chương, không hẳn là những gì có tính cách nhất thời. Nó phải được truyền lại từ đời này sang đời khác. Người Pháp đã đô hộ Việt Nam cả trăm năm, tôi và Dung học trường Pháp, thuộc sử Pháp, thơ Tây nhưng chúng tôi là người Việt, suy nghĩ và hành sử như bất cứ người Việt Nam nào. Phải chăng là nhờ bún riêu, nhờ bánh tôm, bún ốc ở ngõ Asam? Cái suy nghĩ dấm dớ đó khiến tôi chơi hết một mẹt bún chả. Rau muống chẻ sao mà giòn thế. Miếng chả nướng sao mà thơm thế. Nước mắm sao mà mặn mòi thế. Dung thì chỉ bún ốc với nước mắm gừng. Thấy tôi ăn lấy ăn để, Dung cười:

– Sang Mỹ đâu có chỗ nào bán bún ốc ,bún chả .

– Em phải học nấu mấy món Việt Nam kẻo sang đấy thèm chết luôn.

– Ăn xong đi xinê không?

– Ăn xong xuống bà Thái Chi.

Bà Thái Chi là bà bán cà phê ở góc đường Hiền Vương và Nguyễn Phi Khanh. Quán cà phê của bà không có bảng hiệu và bé tí teo với vài chục cái ghế đẩu. Đặc biệt quán không có nhạc và nếu kỳ kèo thì bà chủ có thể chiên cho khách một hai trứng ốp la nhưng chịu khó đem theo bánh mì.

Dung hiểu ý tôi. Viễn ảnh xa hẳn Sài Gòn khiến tôi muốn lần cuối đi tới những chỗ thân tình để níu kéo kỷ niệm. Dung và tôi vẫn hay ngồi cả buổi ở quán và bà Thái Chi biết tên tuổi tụi tôi và cả nhà riêng nữa vì Dung cũng ở đường Hiền Vương.

Bà Thái Chi lanh chanh nhỏ nhẹ và ít nói nhưng cà phê của bà ngon nhất xứ. Thấy tụi tôi sà vào, bà nửa cau có nửa vui mừng:

– Đi đâu mà trễ thế. Uống lè lẹ cho tôi đóng cửa.

– Hà, đến uống cà phê của chị lần cuối. Tụi này đi xa.

– Cả cô Dung hay có mình chú?

– Em đi trước. Dung đi sau.

– Dọn đi đâu vậy? Thời buổi này chỉ có ở Sài Gòn là hơn cả.

– Dọn đi Mỹ

– Mỹ? Nó cho đi rồi à?

Bà Thái Chi cũng loáng thoáng biết chuyện của tôi. Tối đó bà khép cửa không tiếp khách và thân chinh ngồi uống cà phê với tôi và Dung đến khá khuya. Khi chia tay bà bảo:

– Lúc nào rảnh viết thư tả cà phê Mỹ cho chị.

Hôm sau cùng với một ba lô toàn đồ ăn, tôi leo lên phi cơ của đồn điền Đất Đỏ. Tôi sẽ nói lời ân tình với anh em đồng đội trước khi đi Mỹ. Đã được trui rèn nên gần suốt mười năm trong cái sống cái chết tôi hiểu thế nào là tình bằng hữu, là tình lính tráng. Nó không bao giờ được đề cập đến bằng những ngôn ngữ đầy vẻ tuyên truyền nhưng nó hiện thực trong cuộc đời của những chia sẻ ngọt bùi vào những lúc gian nan nhất.

Điều mà tôi không bao giờ nghĩ tới là tôi sắp xa Dung, xa Sài Gòn, giã từ anh em đồng đội thật, nhưng không phải là đi Mỹ mà để đi Bắc. Những địa danh Lào Cai Yên Bái ngày xưa nghe mẹ kể, rất nhanh không còn là những địa danh mơ hồ đầy vẻ lãng mạn của đồn điền cà phê, của đàn bò sữa. Bởi tôi đến đó trong tư thế của một tù binh

 

No comments: