ĐỖ LỆNH DŨNG - CHƯƠNG 10

 Lê Thiệp

                                             

CHƯƠNG 10

 

Ông ngồi trên chiếc ghế đẩu, chung quanh la liệt những nẹp nứa và ở góc phòng một lô rổ đã đan xong, nhưng chưa có cạp. Ánh nắng quái vàng lọt chiếu qua khung cửa tạo thành một vệt trên nền đất. Ông ngồi yên, ngước nhìn tôi đang ở thế chào kính, mỉm cười độ lượng.

– Anh không cần giữ quân phong quân kỷ nữa. Bây giờ chúng ta cùng là tù binh cả. Nội qui trại nói rõ mọi người đều gọi nhau bằng anh, không có chuyện cấp trưởng, không có chuyện Lữ Đoàn Trưởng, Sư Đoàn Trưởng, tá tiếc gì nữa. Anh ngồi xuống đi.

Đại Tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù là tù binh cao cấp nhất đã bị bắt khi ông bị thương ở chân và bộ chỉ huy của Lữ Đoàn bị tràn ngập ở Nam Lào trong cuộc hành quân Lam Sơn 719. Tôi lúng túng không biết nói năng gì với một vị sĩ quan của binh chủng tinh nhuệ nhất miền Nam. Ông và toàn bộ chỉ huy trong đó có Trung Tá Trần Văn Bé, Trưởng Phòng Nhì Sư Đoàn Dù đã bị vây khốn vì quân số chênh lệch giữa ta và địch, vì không có đủ tiếp tế đạn dược, tải thương. Tôi đã nghe bạn bè ca ngợi ông và tuy dù chưa một lần diện kiến, tôi luôn hình dung ông đội mũ đỏ có cánh dù, quần áo mầu huyết dụ cầm cây can chỉ huy đứng trước hàng quân. Nhưng nay ông ngồi đó trong căn lều lá nền đất ngồi đan rổ. Ông đang nghĩ gì? Thấy tôi vẫn đứng đó, tay vẫn còn ở thế chào, ông lắc đầu:

– Cám ơn anh. Trung Úy Đỗ Lệnh Dũng phải không? Anh em mới tới cho biết là Đồng Xoài đã mất, Bố Đức cũng mất, e rằng Phước Long cũng nguy đến nơi. Cái vận nước nó thế, biết làm sao hơn. Anh ngồi xuống nói chuyện miền Nam cho tôi nghe đi.

Lòng tôi nhũn xuống. Ông vừa nói vừa tiếp tục bẻ những cây nan nứa cong xuống, lồng vào nhau. Chiếc rổ ông đang đan đã hơi có dạng cong. Khuôn mặt ông bình thản một cách lạ lùng. Mọi thứ từ con người ông là một cam chịu nhưng không khuất phục. Ông nói năng từ tốn, không hề ngưng tay đan lát như thể cả cuộc đời còn lại của ông chỉ để đan kết những mảnh lạt, những nẹp nứa. Tôi ngồi xuống chiếc ghế con cạnh ông thong thả kể tất cả những gì xảy ra ở Đồng Xoài. Ông chăm chú nghe, và cuối cùng thở dài:

– Tôi đã nhiều đêm khóc một mình. Tôi thương những người lính như người nghĩa quân cố chạy ra để rồi chết bên lá cờ ở Đồng Xoài. Nhảy dù có nhiều anh hùng lắm, nhất là những người lính bình thường, lương không đủ nuôi vợ con. Nhưng cái vận nước nó thế biết làm sao hơn.

Tôi nói:

– Thưa Đại Tá, cuộc hành quân 719…

Ông ngẩng đầu nhìn tôi, đôi mày nhíu lại khiến tôi khựng, không nói năng thêm được. Nhưng ông lấy lại cái dáng yên nghỉ của một thiền sư, vững vàng ngay lập tức. Lưng ông vẫn thẳng và cái áo tù sọc đỏ như hơi chật khiến vai ông như rộng hơn ra. Cái dĩ vãng 719 Hạ Lào chỉ thoáng qua trong xúc động cùng cực nhưng rồi ông chậm rãi:

– Trung Úy Dũng, từ nay mình gọi nhau bằng anh em, được không? Không phải vì nội qui của trại. Cũng không phải vì là tù mà phải bỏ cái cấp bậc quân đội của mình sang một bên. Không phải như vậy. Anh còn trẻ, trông anh khoẻ mạnh, người doi doi như anh chắc sẽ vượt qua mọi gian truân của tù tội. Tôi có điều này để nói với anh như một người lính nói với một người lính. Chúng ta đã không hổ thẹn với việc làm của chúng ta, dù ai nói gì thì nói.

Lam Sơn 719 được tung ra với hai mục tiêu. Mục tiêu đầu là phá vỡ hệ thống tiếp liệu của địch mà trọng tâm là ở vùng Tchéphone, Hạ Lào, tìm cách kiểm soát con lộ số 9 để chặn đường tiếp tế của địch từ Bắc. Tất cả những anh em Dù, anh em Sư đoàn 1, anh em Thiết Giáp Pháo Binh, anh em bên Không Quân, tôi nói về tất cả những anh em mình đã tham dự 791 Hạ Lào hồi đó đều biết chắc giai đoạn đầu của cuộc hành quân đã đạt được mục tiêu của nó. Khó mà đưa ra tổn thất chính xác của địch nhưng tôi cam đoan một đổi mười là ít. Nhìn những kho xăng địch cháy, những kho lương thực bị phá hủy, và nhất là nhìn cảnh bộ đội Bắc Việt chết sắp lớp, tôi có thể xác định mục tiêu đầu của ta đã đạt.

– Thưa Đại… – Vâng, thưa anh, nhưng…

Ông giơ tay chận ngang, ngắt lời tôi:

– Tôi ở trong hầm chỉ huy. Hai chiến xa địch sập hầm bít hết lối và tôi đã gọi pháo bắn chụp lên đầu tụi tôi. Hồi đó tôi cứ thắc mắc tại sao các cấp chỉ huy địch lại phí phạm sinh mạng thuộc cấp đến như vậy. Có một hai sĩ quan khi khai thác tù binh tại mặt trận bảo họ được uống cường lực hay an thần gì đó của Trung Cộng. Tôi không tin hẳn chuyện này. Nhưng trong suốt những ngày tù đày ngồi đan rổ rá, tôi vẫn không hiểu tại sao họ phí phạm sinh mạng binh lính đến thế? Thế nào rồi anh cũng có dịp ra ngoài để thấy hậu phương miền Bắc không còn thanh niên nữa. Họ đem nướng không thương tiếc. Chỉ tội cho dân mình, Bắc cũng như Nam. Tôi hiểu các thắc mắc của anh. Tôi không trả lời được tại sao Lam Sơn 719 đã không được đẩy tới trong giai đoạn hai là chiếm giữ các cứ địa 604 và 611 trên đường xâm nhập của địch. Hồi 1970 mình đã phá tan hệ thống tiếp liệu của địch ở Miên. Nếu chúng ta tiến hành đúng, chiếm giữ 604 và 611 trong vòng ba tháng nữa mùa khô thì địch sẽ không còn cách gì tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Tôi không trả lời anh được vì tôi bị cầm tù từ hồi đó. Anh ở miền Nam chắc anh có đọc báo hay nghe tin tức, anh có biết tại sao không?

Tôi lắc đầu trầm ngâm. Hẳn là Đại Tá Thọ cũng không chờ một lời giải thích nơi một viên sĩ quan hạng bét như tôi. Nhưng cái thắc mắc của ông hẳn đã dày vò ông nhiều hơn là cảnh tù đày mà ông đang gánh chịu. Mong rằng sau này những nhà quân sử sẽ trả lời được cho người tù đã coi ngày bị bắt là ngày giỗ của mình.

Ông là sĩ quan cao cấp nhất và được ở riêng một căn lều lá, không phải lao động nặng nhọc nhưng cũng phải chịu chế độ khoán. Đây là một chính sách hẳn hòi được rút tỉa kinh nghiệm của các trại tù Nga Xô, Trung Cộng. Nó đẩy người tù đến tận chân tường, không có cách gì cục cựa nổi. Tôi không rõ một ngày Đại Tá Thọ phải nộp mấy cái rổ nhưng trông đống tre, nứa chất đống ở một góc nhà, tôi biết là ông đã phải lao động cật lực để đạt chỉ tiêu. Cuối cuộc trình diện, ông trầm ngâm rồi bảo tôi:

– Cám ơn anh vẫn còn nghĩ đến tình đồng đội để đến thăm tôi – Ông không dùng chữ trình diện – Điều duy nhất tôi mong mỏi ở tất cả các anh em là phải thương yêu đùm bọc nhau, cố giữ lấy tinh thần của một người lính quốc gia. Chỉ có thế, anh em mình mới chứng minh được mình khác họ. Và chỉ có thế mới minh giải được những điều anh em mình đeo đuổi là đúng. Anh cho tôi gửi lời thăm tất cả anh em mới tới và bảo họ không cần tới thăm tôi nữa. Anh nói dùm với anh em là tôi luôn cầu Trời Phật để mọi người mạnh khoẻ.

Mở đầu cuộc đời tù tội của tôi không bắt đầu với Đại Tá Thọ vì đến hai ngày sau do sự dàn xếp của một anh em Dù tôi mới có dịp gặp ông. Vâng, tôi đã khởi đầu kể về đời tù với một sĩ quan huynh trưởng vì đối với tôi, trước sau ông vẫn là một vị chỉ huy trong quân đội miền Nam mà tôi hằng kính trọng.

Cái sợi xích oan nghiệt buộc ba đứa chúng tôi nay đã được tháo ra, nhưng chân phải tôi đã thâm tím thành một vòng nơi cổ chân. Tình đồng đội thể hiện ngay khi một ông “cựu tù” đưa cho tôi một ít muối bảo:

– Bóp cho nó tan máu bầm, coi chừng sâu quảng, có khi phải cưa chân.

Suốt gần một tháng sau ngày nhập trại tù Yên Bái, chúng tôi được học tập liên miên. Họ chia chúng tôi ra thành từng tổ tam tam – ba người một – và độ ba bốn tổ thành một đội. Ba người sinh hoạt chung. Nghe thì chả có gì để bàn nhưng trên thực tế, họ muốn chúng tôi kiểm soát lẫn nhau, báo cáo lẫn nhau. Càng ở tù lâu tôi càng thấy kỹ thuật “cai trị” tù của Cộng Sản đã lên mức tinh vi cực độ có lẽ nhờ rút tỉa kinh nghiệm của các nước Cộng Sản đàn anh. Họ chia để trị, họ khai thác những yếu đuối thể chất cũng như tinh thần để đàn áp tù. Họ đẩy tù vào chân tường, tìm đủ mọi phương thức để bẻ gãy sức đề kháng của tù nhân, quên đi những giá trị căn bản của con người. Họ muốn tù trở thành con vật hai chân, không còn suy nghĩ và chỉ là môt công cụ lao động sản xuất.

Mở đầu là những cuộc nhồi sọ liên tu bất tận. Họ bắt chúng tôi học lý thuyết Mác-Lê, tư tưởng Mao, chủ nghĩa Mác xít Lê Nin Nít bách chiến bách thắng. Họ nói đến ông Hồ như một ông thánh toàn diện toàn mỹ, một cứu tinh của dân tộc Việt Nam. Họ giảng cho chúng tôi nghe về lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam và những thành quả rực rỡ như đã thắng cả ba thế lực lớn nhất hoàn vũ, Thực Dân Pháp, Phát Xít Nhật và nay là Đế Quốc Mỹ.

Đám tù vượt Trường Sơn mới đầu còn tò mò nghe và càng nghe càng thấy khó lọt lỗ tai. Nhưng càng ở tù lâu tôi càng thấy những buổi sinh hoạt học tập ở thời điểm này là thời điểm vàng son nhất vì chúng tôi chưa phải lao động, chưa phải khoán đào đất, đục đá, vác nứa, chặt tre hoặc những việc lao động cực nhọc khác.

Chúng tôi được tập trung ở hội trường một ngày hai lần để học tập và buổi tối thì sinh hoạt nhóm, sinh hoạt tổ. Trong những buổi như vậy một cán bộ nói: – nói dai nói nhiều – và chúng tôi chỉ biết nghe. Họ nói tràng giang đại hải, chữ nghĩa kêu lốp cốp nhưng toàn là những bài học thuộc lòng được lập đi lập lại đến nhàm chán và khô khốc. Những bài giảng được giảng để mà giảng, nói để mà nói, không cần người học người nghe có hiểu và có chấp nhận hay không. Do đó tên cán bộ Cộng Sản thao thao bất tuyệt về thành quả rực rỡ của Đảng và Bác Hồ thì ở dưới chúng tôi ngủ gà ngủ gật và đôi khi còn xầm xì to nhỏ.

Đó là về tinh thần. Về thực tế đời sống, lũ tù mới bị dội ngay ngày hôm sau khi bắt đầu chế độ ăn uống của trại. Khi di chuyển từ Nam ra Bắc tù được ăn uống tuy kham khổ nhưng không đến nỗi nào, có nghĩa là chúng tôi vẫn có cơm trắng đủ no và còn thêm tí thức ăn. Nhưng ngay khi lần đầu lãnh cơm của trại, không ai ăn được một miếng. Thật ra không phải là cơm mà là mì sợi, không hiểu mì được chế bằng loại bột gì, mầu nâu đen và nát bét, có mùi hôi mốc. Cộng vào đó là một tí canh rau lõng bõng. Tất nhiên là canh chay không cá thịt. Bài học đầu tiên của cuộc sống tù đầy thật đau đớn. Phần ăn bỏ lại của tù mới đã được tù cũ chiếu cố tận lực. Một vị tù cũ thản nhiên bảo tôi:

– Có mì, có cái ăn là quí rồi. Mai mốt các anh sẽ thấy những thứ các anh nuốt không trôi đó chính là cao lương mỹ vị. Người dân ở ngoài, người dân của xã hội chủ nghĩa đôi khi không có cả những thứ các anh vừa chê.

Tôi nghe mà chỉ bán tín bán nghi. Có thể vì tôi chỉ mới rời khỏi đời sống của miền Nam chưa quá hai tháng chăng? Nhưng rồi thực tế vẫn là thực tế. Khi được sai đi chặt tre ở xa trại, chúng tôi được “gửi ” ở nhà dân và nhìn mâm cơm của họ, tôi chợt thấy mức chênh lệch đến rợn người giữa cuộc sống miền Nam và miền Bắc.

Ông Bình ở cùng lán và cùng tổ với tôi đã dạy tôi bài học vỡ lòng về cái nhìn của Đảng Cộng Sản đối với miếng ăn. Ông bảo:

– Đối với Cộng Sản, gạo là vũ khí chiến lược. Vũ khí này không chỉ để đương đầu với địch mà chính là để “đánh nhau” với dân chúng. Họ kiểm soát bao tử của dân bởi đói thì phải quị lụy, phải nghe lời. Đói thì dễ kiểm soát.

Một người như Đại Úy Bình cương trực tiết độ và lúc nào cũng chừng mực nhưng chính ông đã là nạn nhân của “vũ khí chiến lược”. Ông đã xọp đi đến quá nửa người vì sốt rét trên đường Trường Sơn. Đến trại ông vẫn khật khà khật khưỡng, người vẫn như đi không vững. Bỗng như phép lạ, khoảng hai tháng sau, ông hồi sức lại, hồi sức một cách quá vội vàng. Những bữa cơm tù đầu ông chỉ nhấm nháp cố nuốt nhưng bao giờ cũng còn dư đẩy bớt sang cho tôi. Một hôm ông ăn hết sạch bát mì bát nháo trộn với gạo đã gần như mục, và cười bảo tôi:

– Vẫn còn ăn được nữa. Chưa no.

Tôi cũng chỉ biết cười

– Ráng ăn cho lại sức

Lũ tù mới nay đã trở thành tù cũ, nghĩa là đã phải lao động cật lực. Mỗi sáng tù được chia thành từng đội sắp hàng đi chặt tre. Tre ở xung quanh trại đã bị đốn từ lâu nên chúng tôi đã phải lội cỡ gần ba cây số mới tới chỗ. Rừng tre lâu đời chằng chịt, cành nọ quấn, giằng lấy cành kia. Tre cao nghều nghệu, cao vút và gốc rất to. Chặt tre nguy hiểm vì lơ mơ có thể chết như bỡn. Theo lời kể thì đã có dăm ba tù nhân chết không kịp ngáp vì tre. Khi chặt một nhát cắt sâu được nửa thân thì do sức kéo từ trên ngọn, thận tre bật ngược búng lên như một lưỡi đao. Lơ mơ trúng có thể đổ ruột chết tại chỗ. Một người tù bị tre quật vào cánh tay đã phải cưa vì xương dập nát nhừ không cách gì nối lại được. Họ khoán mỗi tù nhân phải chặt mỗi ngày môt số tre nhất định. Nếu chỉ chặt và lôi xuống róc cành rồi bỏ đó thì mỗi ngày cỡ ba mươi cây. Nhưng đôi khi chặt xuống, tù phải cong lưng vác tre về nộp. Đem được một cây tre về đến trại không phải nhàn nhã gì. Đôi khi nó quá dài, hai đầu cứ nhịp lên nhịp xuống, lơ mơ ngã chúi xuống như chơi. Lao động nhưng ăn uống quá kham khổ, quá đói, lũ tù mới chúng tôi rạc thấy rõ, và rất nhanh. Ai nấy rốc hẳn người. Đói triền miên. Lúc nào cũng thấy đói. Rất nhanh chúng tôi được trao kinh nghiệm “bồi dưỡng linh tinh”, có nghĩa là phải tìm thêm cái ăn, tìm ở đâu thì tìm, tìm cách nào thì tùy. Một đọt măng bé tí tẹo chưa kịp nhú lên đã bị cắt. Vồ được một con nhái, con ễnh ương là có thêm chất thịt. Trên con đường đi lao động mắt chúng tôi láo liên và nhất là khi bảo vệ lơ là thì nhiệm vụ chính không còn là chặt tre nữa mà là kiếm xem có cái gì có thể nhai được không.

Đại Úy Bình kể từ khi hồi sức đã chăm chỉ linh tinh hơn hẳn anh em. Khi tôi tìm được thì ông đã sùi bọt mép, miệng cứng và mắt trợn trừng. Đại Úy Bình đã chết bên bờ suối, trong tay còn cầm một ít nấm mầu nâu. Trong khi được huấn luyện ở trường bộ binh Thủ Đức, tôi đã được dạy rằng có nhiều loại nấm rất độc, ăn vào có thể chết ngay và thường những loại nấm này có mùi thơm và vị rất ngon. Không bao giờ tôi có thể nghĩ có ngày nhìn thấy một đồng đội đã chia ngọt sẻ bùi, một vị huynh trưởng đáng kính như ông lại có kết thúc oái oăm và bất ngờ như vậy. Đại Úy Bình nằm đó trong bộ áo tù sọc đỏ, hai chân vẫn còn trong con suối cạn, người thì lật ngửa, hai tay co quắp. Tôi chợt nhớ đến những lần ông thản nhiên nói đến cái chết ở núi rừng Trường Sơn và hôm đầu khi đến trại tù Yên Bái. Tôi nghe để mà nghe nhưng không bao giờ nghĩ ra được cái kết thúc vô lý đến như vậy xảy ra cho một người vốn tin vào cuộc đời như ông.

Tôi nhắn ông Quyền và phải đến mấy ngày sau tôi và ông Quyền mới tìm được dịp cùng nhau đặt bó hoa dại trên nấm mộ đất bên rìa trại tù, nơi Đại Úy thiết giáp Lương Văn Bình được vùi xuống vội vàng.

o O o

Tôi không có cách gì để nhớ hết tên các trại tù tôi đã trải qua. Mọi thứ dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa đều được coi là bí mật quốc gia. Các trại tù đều mang bí số lúc thì C, lúc thì T, Z. Như T42 chẳng hạn. Nhưng cứ như sự hiểu biết của tôi thì trại tù binh Yên Bái là nơi duy nhất giam giữ sĩ quan của miền Nam bị bắt giữ ở mặt trận.

Nhưng một hôm chủ nhật vì thiếu tiếp liệu, chúng tôi được điều động để đi lấy thực phẩm. Sáu người tù được giao cho hai chiếc xe cải tiến và khi chúng tôi đến chỗ để lấy lương thực cách trại khoảng hai cây số thì quả là một bất ngờ. Ngay khi vừa lọt vào trong hàng rào thì có tiếng hô hoán:

– Đơn vị nào? Cấp bậc? Lâu chưa…

Giọng nói hoàn toàn miền Nam khiến sáu đứa tụi tôi sửng sốt. Phe mình. Từ trong các căn nhà mọi người đổ túa ra hỏi tíu tít. Ngay khi biết tông tích tụi tôi, cách xưng hô khác hẳn. Họ gọi chúng tôi bằng “Ông Thầy“.

Đây là trại giam giữ tù cấp Hạ Sĩ Quan của miền Nam. Quan sát rất nhanh, tôi thấy họ được đối xử khác hẳn với chúng tôi. Họ không ở trong những cái lán chứa cả trăm người mà ở trong những căn nhà lá nho nhỏ, có lẽ độ mươi mười lăm người một, và họ có một tí đất để trồng rau. Những người lính ở đây không bao giờ biết được cách họ chưa đầy hai cây số lại có một trại giam sĩ quan. Bởi vậy, trại bỗng như một cái chợ vỡ, mọi người túa ra bao vây lấy sáu đứa tụi tôi. Họ hỏi tới tấp không kịp trả lời. Trông họ khác hẳn tụi tôi. Họ không mặc đồ tù mà là quần áo giống như lính Bắc Việt. Bỗng một người hô:

– Có cái gì đem cho mấy Ông Thầy đi, bà con ơi.

Tôi nghĩ dáng dấp bệ rạc trong bộ đồ tù với chữ số ở phía sau lưng đủ tố cáo cảnh sống của chúng tôi. Chỉ trong vòng vài phút sau đó, đồ tới tấp quẳng lên hai chiếc xe cải tiến, cảm động nhất là có cả mấy cái áo trấn thủ được kết lại từ những mảnh chăn và mấy cái mũ cũng được khâu vá từ những mảnh vụn. Rất nhiều rau và có cả mấy cây mía. Một người chạy ra dúi vào tay tôi một cái lon sắt – không rõ anh ta gò lấy hay tự nó đã như vậy – và bảo tôi:

– Ông Thầy, cái này xài đỡ lắm.

Cái lon sắt ân tình đó khá dầy dặn lớn hơn lon sữa đặc một chút, đã là vật tùy thân của tôi trong suốt mười năm lao đao. Quả thật là “đỡ lắm” vì nó vừa là lon uống nước, vừa là cái để đựng đồ ăn, để đun nấu, pha trà. Nó đeo đẳng tôi như chính cái tình đồng đội không bao giờ phai nhạt giữa những người lính với nhau. Trong số chiến lợi phẩm, tôi nhớ có khá nhiều thuốc lá. Mấy người bảo vệ đi theo hình như cũng ngó lơ cho tụi tôi để “thoải mái” với những anh em Hạ Sĩ Quan. Có người cho hay họ bị bắt từ năm 1968 – tức tết Mậu Thân – tôi nhẩm tính. Bảy năm. Họ hỏi những câu hỏi như: “Tình hình Sài Gòn ra sao?” “Ông Thầy có biết tiểu đoàn TQLC Trâu Điên không?” “Liệu mình có thắng không?” “Chính phủ mình có biết số phận của tù nhân không?”… Hơn một trăm con người bu chung quanh tụi tôi với cả nghìn câu hỏi không có câu trả lời. Nhưng cái tình của họ đối với chúng tôi có lẽ là niềm an ủi lớn nhất, nó không chỉ là tình đồng đội mà còn chan chứa tình người. Khi về, chúng tôi chia chiến lợi phẩm cho cả trại. Tôi ngồi nhai một khúc mía. Nước mía ngọt lịm, thấm vào từng đường gân sớ thịt và tôi có cảm tưởng như mình đang hồi sinh.

o O o

Trại tù Yên Bái khi chúng tôi tới thì đã có khoảng hai trăm anh em bị bắt từ trước. Họ ở trong ba cái lán và cũng chính họ dựng sẵn chỗ cho chúng tôi. Những anh em này đã giúp chúng tôi rất nhiều để đương đầu với những nhọc nhằn của đời tù. Câu khuyên đầu tiên là cố giữ sức khoẻ để chờ ngày về. Ngày về diệu vợi và xem ra không tưởng đối với tôi, nhưng khi nghe họ thuật lại, tôi cũng bán tín bán nghi. Một số anh em cho hay khoảng hơn một năm về trước họ đã được thả một lần. Họ được tập trung lại học tập hai ngày với một cái tin sốt dẻo rằng họ sẽ được đưa trở lại miền Nam để trao đổi tù binh. Họ được phát hai bộ đồ công nhân màu xanh, cùng với những xa xỉ phẩm như thuốc đánh răng, bàn chải, khăn lông, xà bông, và hách nhất là một cái ba lô mà theo lời họ thì rất đẹp, có quai da hẳn hoi và thấy đề là sản xuất tại Tiệp Khắc. Khi lãnh những thứ đó, ai nấy đều mừng và trong cái nỗi mừng tủi sẽ được về miền Nam đó, anh em vẫn kháo với nhau rằng Bắc Việt dẫu sao cũng còn cố muốn chứng tỏ họ đối đãi với tù binh đúng theo qui ước quốc tế. Ít nhất thì cũng có kem đánh răng hẳn hoi. Những người tù xúng xính trong bộ quần áo công nhân đó được đưa đi một vòng Hà Nội bằng xe Molotova và sau đó chở đi về Nam. Nhưng khi đến Vĩnh Linh họ được giữ lại không đi tiếp. Cho đến cỡ một tuần sau, họ được thông báo một cái tin rất khó tin:

– Chính quyền miền Nam không nhận các anh.

Theo lời của viên cán bộ thì miền Nam đã không thừa nhận là đã đánh sang Lào, là Quân Đội Miền Nam không bao giờ vượt biên giới qua quốc gia lân cận và do đó không hề có chuyện Cộng Sản Bắc Việt bắt được sĩ quan VNCH ở Lào. Chính quyền miền Nam hoàn toàn phủ nhận lời cáo buộc của Cộng Sản Hà Nội về những tố cáo không bằng chứng này. Kết quả là họ được chở trả lại trại và tất cả các đồ tế nhuyễn trong đó có cái ba lô Tiệp Khắc đều phải nộp vào kho.

Xin ghi lại đây sự kiện trên và mong mỏi anh em nào ở trại Yên Bái còn sống đâu đó, Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới, nếu có dịp xin lên tiếng xác minh.

o O o

Đời sống tù là một đời sống biệt lập. Chúng tôi không hề được biết chuyện gì đang xảy ra ở bên ngoài. Sáng ra sắp hàng từng đội đi lao động khổ sai, về đến trại thân thể rã rời, và ít nhất thì một tuần ba bốn buổi tối phải sinh hoạt học tập. Chúng tôi sống như những đơn vị lao động không được suy nghĩ. Chúng tôi sống với một bức tường im lặng phủ lên đầu vì không được biết ngoài trại này cuộc sống diễn tiến ra sao. Dật dờ, không biết số phận ra sao có lẽ là nỗi đau khổ lớn nhất. Hơn cả ngay cái việc bị hành hạ lao động khổ sai.

Cho đến một hôm bỗng cán bộ cho chúng tôi nghe đài – chữ của ngoài Bắc gọi tắt Đài Phát Thanh. Tiếng của các xướng ngôn viên đài phát thanh Hà Nội được tiếp vận lên tận đây có cái cung bậc cao, the thé như muốn xoáy vào tai người nghe. Những tin tức loan tải làm mọi người choáng váng và không ai tin đó là sự thật. Đài Hà Nội loan tin quân đội giải phóng đã chiếm được Ban Mê Thuột, đã lấy được Phước Long làm thủ đô của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Hôm sau đi lao động về, một tấm bản đồ lớn được dựng trước cửa trại. Trên đó là những lá cờ đỏ sao vàng được cắm để đánh dấu những vùng đã được giải phóng. Trên đài phát thanh, Hà Nội luôn luôn nói một điều quân đội giải phóng, hai điều quân đội giải phóng nhưng trên tấm bản đồ họ không cắm cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam mà là cờ đỏ sao vàng. Trước những tin tức tới tấp rằng vùng này đã được giải phóng, vùng kia đã được giải phóng, chúng tôi vẫn cười khẩy, không một ai tin. Tôi nhớ một ông bạn đồng tù đã kể lại vụ Tết Mậu Thân. Theo lời ông thì khi dốc toàn lực để Tổng Tấn Công Nổi Dậy vào năm 1968, ngay tại Hà Nội, Ông Hồ Chí Minh cũng cho dựng một tấm bản đồ lớn, và chính ông cũng có lần ra tận đó chiêm ngưỡng thành tích của quân đội giải phóng. Ngay mấy ngày đầu cờ nhỏ cũng được cắm và còn cẩn thận, sơn mầu đỏ những vùng đã được giải phóng, khởi đầu là vùng Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng. Nhưng chỉ độ mười ngày sau thì tấm bản đồ chỉ rõ từng bước tiến của quân đội giải phóng bị dẹp mất tiêu. Ông bạn kết luận:

– Bổn cũ soạn lại, chắc nó sắp dẹp đến nơi.

Đôi ba người còn bàn rằng đây là một đòn chí tử, một sai lầm lớn về chiến thuật của Hà Nội. Họ đã dốc toàn lực vào cuộc tiến công này và trực diện đánh theo chiến tranh qui ước chứ không còn là du kích chiến nữa. Và như vậy e rằng họ sẽ lãnh đủ vì hỏa lực của Cộng Sản không thể so được với bom đạn của Mỹ. Mậu Thân cho thấy tất cả những đơn vị, cán bộ nằm vùng bị lộ diện, bị tiêu diệt và lần này thì chính quân chính qui Bắc Việt cũng sẽ lãnh đòn.

Bàn kiểu gì cũng được, nhưng càng ngày bản đồ ở trước trại càng thấy nhiều cờ đỏ ở phía Nam. Sau Đà Nẵng, Đà Lạt. Vùng Ba Chiến Thuật chỉ còn có Biên Hòa chưa thấy cắm cờ. Đài Phát Thanh Hà Nội phát toàn nhạc quân hành, và tin tức thì liên miên thuật lại những bước tiến vũ bão của quân đội giải phóng và những thảm bại của Ngụy quân.

Mọi sự diễn ra như chuyện không có thật, chuyện giả tưởng và chúng tôi nhất định không tin. Bộ quân lực Việt Nam Cộng Hòa là đồ bỏ chắc? Chúng tôi đã từng đối mặt với đối phương giữa những lằn lửa đạn. Chúng tôi biết rõ tinh thần của những người lính, dù là Nghĩa quân, Địa Phương quân hay những binh chủng nổi tiếng như TQLC, Dù, Biệt Động Quân. Dẫu có đem chém, những người tù binh ở trại Yên Bái vẫn không tin những tin tức của đài Hà Nội. Cuộc chiến đã có những lúc lên cao độ nhưng quân lực VNCH chưa bao giờ nhượng bộ. Tết Mậu Thân, chỉ những đơn vị chủ lực như Dù mới có carbine còn đa số là Thompson vậy mà dù bị tấn công bất ngờ, chúng tôi đã đẩy lui cả một đạo quân Bắc Việt với AK 47, với B40, B41 và hỏa tiễn 122 ly. Mùa hè đỏ lửa ở Huế, ở Quảng Trị, ở Cao Nguyên. An Lộc nhỏ bé đã đứng vững dù quân số chênh lệch một chọi bảy tám và hỏa lực của địch đã được vận động tới mức tối đa. Ngay một cái quận lỵ bé tí của tôi, quận Đôn Luân, với một số quân ít oi và hỗn tạp đã chống trả với công trường 7 trong gần nửa tháng. Bộ quân lực VNCH là đồ dởm chắc?

Chúng tôi ngày ngày vẫn phải đi lao động, kẻ chặt tre, người cày ruộng, đứa đào đất, đục đá nhưng tối về là tụm năm tụm ba vừa nghe đài vừa diễu cợt.

Tôi nhớ mãi vào ngày 30/4/1975 khi về đến trại thì đài oang oang loan tin xe tăng quân giải phóng đã húc sập cổng Dinh Độc Lập và Tổng Thống Dương Văn Minh đã đầu hàng và miền Nam đã hoàn toàn giải phóng.

Quan chức cán bộ cho hay ngày mai chúng tôi không phải lao động, được nghỉ để ăn mừng ngày tổ quốc thống nhất và đặc biệt sẽ là mổ một con trâu để liên hoan.

Thế này là thế nào? Ông Quyền vừa nhai miếng thịt trâu nửa sống nửa chín bảo tôi:

– Ông Thầy có tin không? Tướng Patton cũng không thể đánh nhanh được như vậy. Cái ông Võ Nguyên Giáp thắng ở Điện Biên Phủ vì Mỹ từ chối không xài B 57 đánh bom giúp Pháp và ông Giáp có cả một đống cố vấn Tàu và vũ khí chở xuống từ Bắc Kinh, Mạc Tư Khoa. Nhưng đó là trận đánh công đồn, thật ra cũng không có gì ghê gớm lắm. Tôi không tin Tướng Giáp đủ bản lĩnh để trong hơn một tháng đánh tan quân đội mình. E có cái gì khúc mắc !

Một ông bạn khác hỏi tôi:

– Lúc ông bị bắt ai làm Tổng Thống ?

– Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu.

– Còn ông Dương Văn Minh?

– Đại tướng Dương Văn Minh đã hồi hưu từ lâu, đâu có giữ chức vụ gì.

– Thế tại sao lại có chuyện tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng? Tôi nhớ độ nửa tháng trước tụi nó vẫn ra rả Thiệu Kỳ Khiêm cơ mà!

Thái độ của tù binh không có gì lọt qua mắt cán bộ nhưng có lẽ chính họ cũng choáng váng trước những sự việc xảy ra. Họ không hề có biện pháp trấn áp gì, vẫn lo liên hoan cười nói và luôn mồm câu: “đất nước thống nhất – hòa bình lập lại” hoặc “chúng ta đánh bại ba đế quốc Nhật Pháp Mỹ…” Không khí của kẻ thắng được thể hiện không chỉ nơi những người lính canh tù mà khi đi ra ngoài lao động chúng tôi thấy cờ xí và biểu ngữ giăng khắp nơi.

Vài hôm sau ngày 30/4, chúng tôi được đọc báo! Một chồng báo Nhân Dân cũ cả tuần được phân phát tứ tung, trên trang nhất là tấm hình xe tăng Cộng Sản ủi sập cổng dinh Độc Lập. Lời nói không có sức thuyết phục như hình ảnh. Tôi nhìn đi nhìn lại tấm hình trên tờ báo. Báo của Hà Nội lúc đó vẫn còn in typo và giấy rất xấu. Đang chăm chú nhìn cái cổng Dinh Độc Lập bị xệ một bên và cái họng súng 100 ly trên pháo tháp của chiếc xe tăng, tôi nghe tiếng một ông bạn tù:

– Mẹ kiếp. Nó vào đến Dinh Độc Lập thật.

– Ghép hình mấy hồi. Tôi chơi ảnh từ thủa bé, cỡ này ăn thua gì. Nếu muốn tôi cũng có thể dùng kỹ thuật phòng tối cho cụ Diệm đi duyệt binh ở ngay Hà Nội.

Tôi không ngờ cái câu phát biểu này lại được anh em tù loan truyền rất nhanh. Trong cái sững sờ của sự việc, trong nỗi tuyệt vọng đến tận cùng, một vạt bèo trên mặt nước có thể trở thành cả một cái bè hoặc hơn nữa. Người này rỉ tai người kia:

– Thằng Dũng là photographer thứ thiệt. Nó tinh lắm nhìn ngay được vụ ghép hình.

Sáng hôm sau tôi không phải làm lao động và quãng mười giờ sáng hai viên cai tù súng ống hẳn hòi tiến vào phòng. Đây cũng là thói quen rất đặc biệt của những người Cộng Sản. Bất cứ khi nào đi vào phòng tù cũng võ trang cẩn thận và luôn luôn đi hai ba người dù họ biết chắc trong phòng chỉ có một ông tù ốm đói. Tôi bị dẫn lên văn phòng trưởng trại để làm việc.

Khi tôi vừa bước vào đến cửa thì đã có tiếng đập bàn, quát tháo:

– Tại sao anh bôi nhọ chế độ? Tại sao anh ngoan cố, tung tin đồn xuyên tạc láo lếu?

Thấy tôi ngây mặt nhìn, ông trưởng trại – tôi không bao giờ biết ông ta cấp bậc gì và tên thật ra sao, bởi lúc nào cũng chỉ biết ông ta là anh Sáu – đập bàn quát tiếp:

– Ngoan cố. Đến giờ phút này anh vẫn còn ngoan cố không tin vào chế độ. Mỹ đã cút chạy anh còn vọng tưởng gì? Thằng Dương Văn Minh đã đầu hàng quân giải phóng. Ngụy quân Ngụy quyền các anh lúc nào cũng cứng đầu ương ngạnh ngoan cố không chịu giác ngộ. Đến giờ này anh còn suy tưởng gì?

– Thưa cán bộ…

– Anh còn cãi nữa à? Anh bảo là báo Nhân Dân ghép hình là thế nào?

Ngay khi bị giữ lại ở phòng, tôi biết ngay lý do và đã suy nghĩ cách trả lời:

– Tôi đâu có nói báo của nhà nước ghép hình. Tôi có nói là ông phóng viên chụp vội quá nên hình không rõ nét. Vả lại tấm hình in cũng mờ quá.

– Ngoan cố! Ngoan cố!

Và ông trưởng trại bỗng cười sằng sặc, chỉ vào mặt tôi:

– Sự thật sờ sờ mà anh vẫn còn mơ ngủ…

Sự thật sờ sờ ông trưởng trại tù hất vào mặt tôi phải chờ đến gần một tháng sau mới đúng là sự thật không chối cãi được. Tôi nhớ chúng tôi sáng ra không phải đi khổ sai mà được lùa vào phòng lớn của trại vì có Trung Ương xuống. Nếu quen thuộc với nếp sống ở miền Nam thì sẽ bực mình vì ở Xã Hội Chủ Nghĩa Miền Bắc không có gì minh bạch cả, cái gì cũng úp úp mở mở. Nhưng nếu hiểu rằng nhà cầm quyền chủ trương chỉ cho người dân biết những gì họ muốn người dân biết thì sẽ hiểu cái ngôn ngữ như Trung Ương ở trên. Những thằng tù như tụi tôi chỉ được biết “Trung Ương” mà không hề được giới thiệu đó là nhân vật cỡ nào, chức vụ gì và ngay cả đến tên tuổi cũng không, dù chỉ là bí danh đầy “màu đỏ, mầu hồng” như Nguyễn Chiến Thắng, Trần Gia Tăng !

Nhưng Trung Ương có khác thật vì ông ta đến với một phái đoàn tới năm người và trông cái cung cách đón tiếp trọng vọng và đầy vẻ khúm núm của ông Sáu trưởng trại và mấy ông cán bộ, tụi tù đều hiểu ông ta phải quan trọng lắm. Điều khác nữa nổi bật hẳn là ông Trung Ương và mấy người tùy tùng đều mặc áo sơ mi trắng dài tay. Dù áo không ủi và bỏ ngoài quần nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên trên cái nôi của Xã Hội Chủ Nghĩa, chúng tôi được mát mắt vì từ trước đến nay chỉ thấy hoặc là áo sọc tù đỏ, hoặc là quần áo màu xám xịt, mầu nâu u tối của lính, của cán bộ và của dân chúng.

Tôi đã nhớ rất kỹ cái vụ này không hẳn chỉ là cái bề ngoài mát mắt mà chính những gì Trung Ương nói với tù binh chúng tôi.

Đó là một người trung niên, da trắng và ăn nói khác hẳn ngay từ câu mở đầu:

– Tôi được Trung Ương cử xuống để tường trình với anh em rằng hòa bình đã lập lại, đất nước nay đã thống nhất và ngày sum họp với gia đình của anh em không còn xa nữa.

Tôi nhìn sang bạn tù bên cạnh. Ông bạn tù nhìn tôi. Ơ ! Thế bây giờ chúng ta là anh em với Trung Ương rồi. Từ trước tới ngày hôm nay, nếu không phải là những mỹ từ đầy thóa mạ, lịch sự lắm họ gọi chúng tôi là “các anh”. Nay là anh em cùng một cha một mẹ Việt Nam thì còn gì bằng, và điều này cũng chưa mừng bằng lời hứa là chúng tôi sắp được về sum họp với gia đình. Riêng cá nhân tôi, “sắp” có nghĩa là gần một thập niên.

Sau lời mào đầu đầy tình cảm, Trung Ương đi thẳng vào vấn đề:

– Hiện anh em còn bán tín bán nghi, không tin rằng dân tộc chúng ta đã đánh tan, đuổi toàn bộ bọn Mỹ cút khỏi Việt Nam. Tên đại sứ Mỹ đã phải cuốn cờ rút chạy bằng phi cơ trực thăng. Tổng thống Dương Văn Minh của miền Nam đã ký giấy đầu hàng vô điều kiện…

Hội trường không một tiếng động.

Lũ tù ngồi xổm thành từng hàng ngũ chong tai nghe như muốn nuốt lấy từng lời của Trung Ương. Ở bên cạnh chiếc bàn trải khăn đỏ có một cái giá. Sau lời mào đầu đầy vẻ anh em đó là màn tường trình Đại Thắng Mùa Xuân. Cứ theo lời Trung Ương thì có tới hai ý kiến để tấn công miền Nam vào mùa xuân 1975. Một là của tướng Trần Văn Trà muốn tấn công dọ đường mở các trận đánh ở phía Tây Bắc Sài Gòn nhằm vào các tỉnh Tây Ninh, Bình Long và Phước Long để làm áp lực với Sài Gòn và để đo lường phản ứng của Mỹ. Ý kiến thứ hai của tướng Võ Nguyên Giáp dùng trận địa chiến đánh thẳng từ Quảng Trị xuống và tấn công vùng Ban Mê Thuột, Pleiku, Komtum ở Cao Nguyên Trung Phần vì các địa bàn này gần với hậu cứ, dễ tiếp liệu từ ngoài Bắc vào.

Trung Ương dõng dạc:

– Đồng chí Lê Duẩn và Bộ Chính Trị vô cùng sáng suốt nên đã chấp nhận cả hai ý kiến là chính đáng. Quân đội nhân dân anh hùng bắt đầu bằng mục tiêu Phước Long, mở đầu bằng các trận công đồn chung quanh tỉnh lỵ này…

Tim tôi nhói lên. Tôi không bao giờ tưởng tượng được cái quận lỵ nhỏ tí teo của Phước Long lại trở thành con chốt thí đầu tiên trong cả một chiến dịch lớn nhằm xóa Việt Nam Cộng Hòa. Tôi ngồi chết dí trong hội trường của trại tù, tai lùng bùng, mắt như mờ đi. Những hình ảnh bi hùng của Đồng Xoài hiện ra như một cuốn phim quay chậm. Những người Nghĩa Quân, những người lính Thám Báo… Thiếu tá Quận Trưởng, ông Khoát, sống hay chết? tôi nhớ đến cảnh người lính trúng đạn 100 ly của T54, người và áo giáp tung ra như những tràng bông đỏ. Ở góc kia, tôi vẫn thấy ông Chuẩn úy Kiệt và Chuẩn úy Văn.

Tiếng của Trung Ương vẫn rõ ràng và âm vang:

– Trận Phước Long cho thấy Bộ Chính Trị của ta sáng suốt. Bọn Mỹ đã không dám can thiệp. Mỹ đã bỏ rơi bọn đàn em, bọn bù nhìn tay sai Thiệu Kỳ Khiêm. Nhưng Bộ Chính Trị luôn luôn dự trù những bất ngờ có thể xẩy ra. Hạm đội 7 của Mỹ vẫn còn lảng vảng ngoài biển Nam Hải. Bọn chúng còn những cứ điểm quân sự lợi hại ở Thái Lan, ở Phi Luật Tân, ở Guam. Bộ Chính Trị của ta dự trù có thể Mỹ lại điên cuồng nhảy trở vào Việt Nam và có thể bọn chúng sẽ huy động 600,000 lính từ những nơi trên bất thần trở cờ. Bộ Chính Trị do đó đã huy động toàn thể lực lượng vũ trang nhân dân, cả phụ nữ lẫn thiếu nhi. Bốn triệu tay súng đã sẵn sàng để đương đầu nếu Mỹ vẫn tiếp tục mưu đồ, ôm mộng đế quốc…

Ông Trung Ương cầm cái gậy chỉ vào những tấm carton trên giấy trắng vẽ xanh vẽ đỏ, mũi tên ngang mũi tên dọc. Trận Ban Mê Thuột, Ngụy quân đã thua như thế nào. Cuộc tiến chiếm Pleiku diễn tiến ra sao…Và cuối cùng là xe tăng T54 ủi sập cổng dinh Độc Lập, Tổng thống Dương Văn Minh đã phải đầu hàng.

Phải nhận rằng ông Trung Ương này có khả năng thuyết trình vì rõ ràng tù nhân với quá khứ bom đạn đã ngồi im thin thít nghe và không thể bàn tán gì được trước sự thật sờ sờ trước mắt. Miền Nam không còn nữa. Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa.

Cuối cùng, ông Trung Ương cười tươi như hoa, dõng dạc:

– Trước cái vui lớn của tổ quốc, tôi cũng xin báo một tin vui nhỏ dành riêng cho anh em. Anh em sẽ được viết thư về thăm gia đình. Tôi hứa sẽ đích thân đưa những lá thư của anh em vào tận Miền Nam và sau đó theo dõi để thư được đưa đến từng gia đình. Anh em sẽ có thư trả lời ngay trong ít ngày sắp tới.

Nói tới đây ông Trung Ương quay sang bên cạnh:

– Anh Sáu phát cho anh em giấy bút, phong bì và chỉ dẫn anh em viết cho mau. Sáng mai gom, góp lại rồi chuyển cho tôi.

Như vậy là tù chúng tôi được báo hai tin vui một lúc. Không biết có anh em nào vui cái niềm vui lớn của Trung Ương là đã đuổi được Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào không nhưng tin vui nho nhỏ là được liên lạc về gia đình xem ra có vẻ lớn hơn.

Chúng tôi được phát một phong bì có chữ Par Avion và một tờ giấy pelure mầu trắng nhờ nhờ rất mỏng. Ấy, không phải cứ phăng phăng mà viết. Phải học tập cho thông suốt trước. Anh Sáu trưởng trại đích thân đứng ra hướng dẫn nội dung thư.

Thứ nhất không được tiết lộ vị trí trại.

Thứ nhì phải nêu rõ quyết tâm học tập và đề cao chính sách khoan hồng của đảng và nhà nước.

Nội dung thư chỉ để cho gia đình thấy rõ mọi tù nhân đều khoẻ mạnh, được đối xử tử tế và đang cố gắng để thông suốt đường lối cách mạng. Những ai đã đi tù, tù kiểu gì cũng vẫn là tù, tù binh, tù cải tạo, tù vượt biên, tù phục quốc hay cả tù hình sự đều đã có kinh nghiệm khi được viết thư lần đầu về nhà. Mở đầu là cám ơn đảng, cám ơn nhà nước và cưối cùng là nêu quyết tâm học tập. Đoạn giữa là chuyện riêng. Mặc dầu đã dặn dò kỹ, nhưng trước khi dứt lời anh Sáu còn cẩn thận nhắc mọi người đừng dán thư lại.

Tôi bó gối ngồi suy nghĩ. Viết thư cho ai bây giờ? Chú Hà Bỉnh Trung là sĩ quan cao cấp e rằng cũng đang ở trại tù nào đó. Liệu gia đình Dung có còn ở chỗ cũ không? Liệu gia đình ông bà nhạc tương lai có bị liệt vào tư sản mại bản không? Kể từ hôm trại tù được nghe đài, cái loa phóng thanh the thé suốt ngày và qua đó những tin tức về chiến dịch đánh tư sản mại bản đã khiến tôi lo lắng rất nhiều vì gia đình Dung có cửa tiệm chuyên về máy lạnh rất lớn. Cuối cùng tôi lựa bà bác chị của bố tôi. Bác tôi Đỗ Thị Mùi đã già rồi chắc không có vấn đề gì. Tôi viết rất ngắn gọn, nhờ Bác cho gia đình tôi hay tôi vẫn còn sống và khoẻ mạnh, nhờ thông báo cho gia đình Dung biết tin tức của tôi.

Lá thư của tôi trót lọt dễ dàng nhưng có những bạn tù khác phải viết lại thư, trong đó buồn cười nhất là một người đã bị gọi lên mắng mỏ vì nhắc nhà gửi áo len. Bộ đảng và nhà nước không cho anh ăn mặc ấm áp hay sao?

Trung Ương giữ đúng lời hứa và có lẽ đây là lần duy nhất xảy ra trong cuộc đời tù tội của tôi. Khoảng hơn một tuần sau chúng tôi nhận được hồi âm của gia đình. Bao thư của miền Nam trắng tinh và dầy dặn không thấy dán tem, có lẽ được chuyển theo dạng đặc biệt. Thư tôi nhận được do chú Trung viết. Không rõ ông có được học tập trước hay không nhưng cũng mở đầu bằng giọng hồ hởi phấn khởi đầy những từ ngữ mới mẻ ca tụng Đảng và Nhà Nước và đoạn kết ông cũng khuyên bảo tôi cố gắng học tập để trở thành người tốt. Ông cho hay cả nhà bình yên nhưng Dung và gia đình đã đi xa.

Trại có cái không khí khác hẳn khi mọi người được thư nhà. Nỗi niềm tâm sự được trải ra với nhau trước những tin tức mới đến. Nhiều người được báo là gia đình đã đi kinh tế mới. Người khác thì vợ con không còn ở chỗ cũ và úp úp mở mở để hiểu đã di tản sang Guam, sang Mỹ.

Tôi bó gối ngồi một mình trong đêm. Như vậy là chú Trung còn ở Sài Gòn nhưng Dung đã cùng gia đình di tản. Ngay hôm bị vứt vào cái hố ở chiến khu Dương Minh Châu tôi đã nghĩ mọi sự kể như xong, tôi sẽ không bao giờ gặp lại nàng nữa. Nhưng không thể tự dối mình bởi cái hy vọng mong manh sẽ có ngày tái ngộ với nàng vẫn vương vấn trong suy nghĩ của tôi ngay cả lúc lê cùm trên đường Trường Sơn. Nhưng hôm nay giữa đêm trong núi rừng Việt Bắc tôi thật sự hiểu là không còn hi vọng gì nữa. Gió lạnh đầu xuân lùa qua những bức liếp lá như xoáy vào cái tê buốt của cuộc đời. Tôi bật người dũi xuống nằm sấp trên chiếc sạp tù lịm đi.

o O o

Sinh hoạt của trại tù binh bên ngoài vẫn như vậy, sáng ra lao động khổ sai cho đến xẩm tối thì bị lùa về trại, cơm nước xong là học tập, là kiểm thảo. Nhưng tận cùng ở phía trong, mọi sự khác hẳn kể từ ngày nhận được thư nhà. Cái vui nhỏ của Trung Ương chỉ tác động đến từng cá nhân. Mỗi người mỗi cảnh chẳng ai giống ai, cũng chẳng ai an ủi ai được ai. Có người từ cả gia đình đã đi xa – ai ở đây cũng hiểu là đã đi Guam, đi Mỹ. Có người băn khoăn vợ dại con thơ, đổi đời làm sao sống? Nhưng trùm lên đó vẫn là cái “sốc” lớn. Tại sao lại thua? Tại sao lại thua kỳ cục như vậy?

Chúng tôi bàn tán, đưa từ giả thuyết này đến giả thuyết khác, ngẫm lại toàn là những chuyện không tưởng. Trong khi đó cái phấn khởi, nỗi vui mừng của quản giáo, của binh lính và đôi khi chúng tôi thấy ở cả nơi người dân hiện rõ ra.

Khoảng một tháng sau 30/4, chúng tôi được xem phim quay những chiến tích của quân đội nhân dân và ảnh dân chúng miền Nam chào đón đoàn quân giải phóng ở đại lộ Thống Nhất. Anh em từ nơi đây toàn là sĩ quan, có những người cũng đã từng nện gót trên đại lộ Thống Nhất dẫn đơn vị diễn hành trong ngày lễ lớn như Lễ Quốc Khánh, Ngày Quân Lực,nhưng khi nhìn lính Bắc Việt mặt mũi non choẹt, quần áo thốc thếch, dép râu, mũ tai bèo ôm AK 47 ngơ ngác ngồi trên những chiếc Molotova, mọi người như đau quặn lên. Chúng tôi vừa thất trận và khi nhìn người chiến thắng, không ai tin đó là kẻ thắng.

Tôi nhớ vụ chiếu phim này vì một chuyện khác nữa. Vài người tù được gọi lên trước để dọn dẹp hội trường. Trong khi các anh em lo quét, lo xắp xếp để cho quang, tôi lui hui cùng một ông khác dọn dẹp bàn thờ. Không thể dùng chữ gì khác vì đó quả là bàn thờ với bức tượng bán thân ông Hồ Chí Minh bằng thạch cao trắng và cạnh đó lúc nào cũng có hoa. Khi tôi vừa ôm bức tượng toan rời đi chỗ khác thì có tiếng quát:

– Anh kia ! Để bức tượng Bác xuống.

Tôi ngơ ngác chưa hiểu thì một viên cán bộ hầm hầm xấn tới:

– Ai cho phép anh đụng đến tượng Bác? Ngữ anh mà được sờ đến tượng Bác à? Bộ anh định làm ô uế Bác à?

Anh ta gằn ở tiếng “à” đầy thịnh nộ và đỡ tượng ông Hồ từ tay tôi, nhẹ nhàng trang trọng bê đi như đang ôm một cái gì linh thiêng.

Nhìn anh ta lòng tôi chùng xuống. Nếu gia đình không vào Nam chắc chắn tôi sẽ lớn lên và trưởng thành trong Xã Hội Chủ Nghĩa miền Bắc và rồi có lẽ tôi cũng giống như anh ta và bao nhiêu thanh niên khác được giáo dục để rồi sùng tín ông Hồ như tín đồ tin vào đấng cứu rỗi.

Nhìn trở lại hơn chín năm trôi dạt từ trại tù này sang trại tù khác, ký ức bỗng hiện ra một người Mỹ. Khi tụi tôi đang cong người đẩy một chiếc xe cải tiến chất đầy đá ong thì có tiếng lơ lớ:

– Ê, ê, mấy anh kia.

Ba đứa tôi ngưng lại. Phía đầu dốc con đường đất bùn lầy là một người Mỹ mắt xanh. Anh ta cũng đi dép râu và quần áo cũng đen xỉn như bất cứ ai. chiếc xe jeep nhà binh rõ ràng là chiến lợi phẩm từ miền Nam, sa hố nằm nghiêng bên lộ. Trong khi tôi còn đang ngạc nhiên thì ông bạn tù thâm niên hơn tôi chửi thề:

– Đù má thằng phản bội.

Và anh ta sấn sổ bước tới cái xe jeep tay thủ cây gậy gỗ. Tôi và ông bạn kia lín nhín chạy theo. Người Mỹ lùi vào phía bên kia chiếc xe dơ tay chỉ:

– Tên gì? Tên gì? Tôi báo cáo cán bộ.

– Đù má mày. Tao đánh thấy mẹ mày.

Người Mỹ bỏ chạy. Người bạn tù quay sang phía hai đứa tôi:

– Thằng khốn nạn. Nó là tù binh Mỹ nhưng hèn mạt, lạy lục tụi nó xin tha. Nó lấy tên Việt là Nguyễn Việt Nam được phong cho cái chức là chuyên viên gì đó, chuyên lo sửa cái máy điện ở thị xã. Nó đến trại mấy lần nói chuyện, toàn là giọng hèn hạ chịu không thấu. Hồi trước nó cũng đạp xe thấy mẹ, chắc mới được cấp xe jeep.

Tôi đứng bên bờ đường đất nhìn người Mỹ cao lênh khênh vẫn còn nắm đấm cung tay dọa dẫm tụi tôi. Không hiểu anh ta có trở về Mỹ hay thật sự muốn ở lại Xã Hội Chủ Nghĩa với cái tên mới Nguyễn Việt Nam.

Cái gì rồi cũng phải trải qua. Chuyện miền Nam tan hàng, miền Nam rã ngũ, Tổng thống Dương Văn Minh và thái độ của Hoa Kỳ mới đầu còn là đề tài sôi nổi nhưng rồi câu hỏi lớn hiện ra rất đỗi thực tế. Hòa bình lập lại rồi tai sao còn giam giữ tù binh? Chúng tôi vẫn sống đời khổ sai nhưng câu hỏi không qua mắt được ban quản giáo. Lời giải thích rất giản dị. Còn nhiều vấn đề nên tạm giữ các anh, Đảng và Nhà Nước đâu có muốn tốn cơm nuôi các anh, phí sức người sức của chăm lo cho các anh. Nhưng đất nước vừa thống nhất, còn nhiều phức tạp trước mắt.

Đến gần cuối năm, chúng tôi được một tin mừng:”các anh sửa soạn đoàn tụ với gia đình trong ngày rất gần đây” Trong khi chờ đợi, chúng tôi sẽ không phải đi lao động. Khoảng ba bốn ngày sau khi được nghỉ lấy sức thì ông Sáu trưởng trại họp tù lại:

– Đề án lớn là giúp các anh về lại với gia đình càng sớm càng hay. Nhưng hiện công tác đòi hỏi phải động viên tới các anh, cần sự đóng góp của các anh. Xong sớm các anh về sớm…

Thế này thì còn gì bằng. Làm sớm nghỉ sớm. Mấy trăm anh tù được huy động phát quang một khu rừng thưa. Chúng tôi chặt cây, dựng những căn nhà sơ sài và đặc biệt là làm hàng rào khá chắc chắn. Cái không khí thoải mái hẳn đi. Mấy anh lính đi bảo vệ cũng không cần hối thúc gì, kiếm chỗ mát ngồi hút thuốc lào. Quang cảnh gợi nhớ đến thời sinh viên của tôi sau thời ông Diệm bị giết. Lúc đó tôi đang học Luật và cô bạn Nguyễn Thị Bình Minh có lần rủ tôi đi trại hè sinh viên. Chị Minh có người chồng chưa cưới là thi sĩ. Lần duy nhất trong đời tôi dự trại hè, đi xuống đâu đó ở Vĩnh Long để đào giếng, làm vệ sinh, cắt tóc cho các em bé… Sở dĩ tôi nhớ chị Bình Minh và anh Trần Đại chỉ vì một câu thơ. Khi đang lo đào đất và xây một nhà vệ sinh công cộng, anh Trần Đại ứng khẩu đọc bốn câu thơ mà mỗi lần nhớ đến tôi lại tủm tỉm cười:

Tôi đi xây cầu tiêu
Cho người dân đến ị
Tôi đi sơn cuộc đời
Mong một ngày mai mới.

Cái cảnh tôi đang dự phảng phất như một trại hè. Cái khác biệt duy nhất mà chúng tôi nhận ra rất nhanh cho chúng tôi đang đi dựng trại tù. Không phải là một trại mà liên miên hết trại này qua trại khác. Nhu cầu rất rõ. Càng làm nhanh càng tốt. Và càng rào cao càng chắc chắn là đạt yêu cầu. Thật là giản dị. Tù xây nhà cho tù, tù tự nuôi tù và nếu cần tù sẽ đóng góp sức người sức của để cùng phục vụ chung. Ngay khi đó chúng tôi không ai đặt câu hỏi là tre nứa, đá ong chúng tôi đôi khi phải đổi cả mạng sống, được chở đi đâu, bán cho ai và lợi tức thu nhập ai hưởng?

Liên miên trong mấy tháng, chúng tôi bị điều đi dựng trại cho đến một hôm tù chịu không thấu thì tin mừng đến. khoảng độ mười người được gọi lên khung làm việc. Sau đó họ trở về với một bộ quần áo khác – quần áo dân – để về xum họp với gia đình. Tại sao chỉ có mười người? Ông Sáu trại trưởng đã họp mọi người lại làm lễ “phóng thích” và nhân tiện trấn an:

– Các anh không bao giờ thấu triệt được những khó khăn mà Đảng và Nhà Nước phải đối phó. Bọn tàn dư của chế độ cũ vẫn chưa chịu nằm yên. Bọn đế quốc vẫn lăm le. Kẻ thù trong, kẻ thù ngoài vẫn muốn đẩy dân vào vòng nô lệ. Tuy nhiên Đảng và nhà nước lúc nào cũng nghĩ đến các anh, ngay khi tình hình an ninh địa phương cho phép, các anh sẽ về với gia đình.

Tù lại lo đi xây trại hăng hái hơn bởi quả là ở cuối đường hầm có ánh sáng le lói. Đã có người về đấy thôi. Và sau đợt đầu có có vài ba đợt nữa, mỗi đợt thường không quá mười người. Thường thì thấy tù mỏi mệt quá, căng thẳng quá là lại có một đợt phóng thích. Nó như cái bó cỏ trước mũi con ngựa. Lâu lâu người xà ích lại hạ bó cỏ cho con ngựa giựt vài cọng để cố rướn lên kéo xe.

Bao giờ cũng là một lời hứa mơ hồ.“khi nào tình hình an ninh địa phương cho phép các anh sẽ về.” Hoặc “địa phương chưa có điều kiện để tiếp đón các anh “.

Cứ thế chúng tôi di chuyển từ địa điểm này qua địa điểm khác lo xây dựng những cái nền cho nhà tù với hàng rào, những căn lán sơ sịa và những hệ thống nhà cầu lộ thiên. Chỉ là căn bản bởi chúng tôi không có nhiều thì giờ. Mãi đến sau này tìm hiểu tôi mới biết cả triệu người tù cải tạo ở miền Nam đang được dự trù để đưa ra Bắc. Và điều không ngờ là những trại tù đó lại để dành cho chính tôi và một số tù binh khác khi “chuyển diện” từ tù binh thành tù cải tạo.

Khi thuộc diện tù binh, chúng tôi chịu sự quản chế của quân đội miền Bắc. Dù từng đối mặt với nhau trên chiến tuyến nhưng cách gì nữa lính vẫn là lính. Khi chuyển sang tù cải tạo, chúng tôi chịu sự quản lý của Công An Nhân Dân.

So với chế độ tù cải tạo thì tù binh là thiên đường.

No comments: