Giữa niên khóa lớp đệ nhị trường trung học Pleiku tôi bắt đầu học võ Bình Định. Tôi không học trường lớp võ nghệ nào ngoài ông thầy võ bất đắc dĩ của tôi là anh Bảy. Vậy thôi. Mà cũng tại cái giọng Bình Định nghe “nẫu nẹt” lạ tai nên người ta gọi anh là Bảy Nẫu. Anh là lính trơn, từ tiểu khu Bình Định chuyển về đây thuê nhà ở sát vách nhà cô Tư tôi ở khu chợ mới trên đường Tăng Bạt Hổ. Hằng ngày Bảy Nẫu thấy tôi hay tập tạ có vẻ có “căn cơ con nhà võ” nên chiều chiều ở đơn vị về anh hay lôi tôi ra sau hè dạy võ. Nẫu nẹt vậy mà võ nghệ rất cao cường, mà cũng là đệ tử của lưu Linh, cái thùng rượu không đáy. Hễ dạy xong, cuối tuần anh hay dụ khị tôi xuống chợ cũ ăn nhậu. Tuy là thầy trò nhưng tôi quen miệng gọi Bảy Nẫu bằng anh. Lúc đầu tôi tưởng học võ để cường thân kiện thể chớ không nghĩ đến việc gì khác. Ai dè gần một năm sau đột nhiên Bảy Nẫu nghiêm mặt thông báo tháng tới sẽ dắt tôi xuống chợ cũ đi thi đấu, bắt tôi ra sức luyện tập ngày đêm bất kể nắng mưa.
Địa điểm đấu võ là một căn nhà tôn vách ván nằm sâu trong một con hẻm khúc khuỷu, quanh co, chằng chịt, tum húm ở cuối xóm lao động. Căn nhà giống cái kho ọp ẹp, ánh đèn dầu leo lét vừa đủ hắt ra chung quanh, tỏa xuống nền đất một thứ ánh sáng tù mù, im ỉm, trông thật buồn thảm. Nền đất thâm đen tương đối phẳng dùng làm sàn đấu. Giường chõng, bàn ghế trước đó đã dồn hết vô một góc bếp. Anh Bảy kéo tôi tới chào chú Mười Đẹt, chủ nhân căn nhà, bạn đồng môn ngày xưa với anh rồi giới thiệu Long Chột, đối thủ của tôi.
Tôi hơi ngạc nhiên: đó là một thanh niên trạc tuổi tôi, hơi thấp, trông nặng nề, cục mịch. Từ lúc thầy trò tôi bước chân vô nhà anh ta chỉ khẽ cúi đầu chào thầy Bảy mà chẳng thèm liếc mắt dòm tôi một cái. Lạnh lùng, lầm lì, ngồi im như tượng. Đặc biệt anh ta chột mắt trái nên có hỗn danh Long Chột. Anh Bảy cho biết Long Chột nổi tiếng về đòn “hầu quyền”, cảnh giác tôi nên đề phòng.
Để hâm nóng trận đấu, hai ông thầy võ Mười Đẹt và Bảy Nẫu mời nhau ra sân trao đổi nhau những đường quyền Bình Định trông thật uyển chuyển, đẹp mắt mà chắc nịch. Ở cái tuổi mấp mé “nghi bất hoặc”, cả hai bậc võ sư này lúc ra chiêu tuy mềm mại nhưng mau lẹ và mãnh liệt như hổ báo. Ánh mắt của họ như xuyên thấu tâm can đối thủ. Những đòn Tảo địa cước, Ngọa hổ phục lâm, Hùng kê quyền… được đôi bên thi triển triệt để.
Sau đó tôi và Long Chột ra sân. Sau vài hiệp giao hữu để dò xét thực lực đối phương, chúng tôi trở nên dè dặt từng bước chân, chéo qua, rụt lại, ập tới ăn miếng trả miếng. Ngay từ lúc nhập trận Long Chột đã tỏ ra nôn nóng muốn sớm kết thúc trận đấu nên anh ta ra đòn rất hiểm. Cuối cùng, như anh Bảy từng cảnh giác – vừa thấy đối thủ của tôi bắt đầu dùng độc chiêu tối hậu tôi vội lùi lại hai bước, đảo mắt tìm điểm tựa rồi nhanh nhẹn lắt mình ra đòn thủ thế. Lúc đó trước mắt tôi, vóc dáng, tướng mạo Long Chột đột nhiên hiện lên hình thù của một tên trùm phỉ hiếu chiến, dầy dạn chiến trận. Cái gương mặt gẫy gập ở sóng mũi như cố tình đẩy chiếc cằm bạnh ra hẳn phía trước, phần còn lại của gương mặt đều lọt thõm vào đám râu tóc rậm rịt, bù xù, trông bậm trợn như một thứ hung thần bạo liệt.
Nhứ một đòn hư chiêu buộc tôi phải thối lui thủ thế, Long Chột vội chấm chân xuống đất bật nhảy lùi ba bước liền gần sát vách. Đứng thẳng người anh ta hít vào một hơi thật sâu, cổ bành ra, đầu ngẩng cao, mắt trợn trừng quan sát đối thủ trong một thoáng xong khòm người xuống như con hầu tinh, hai bàn tay sàng qua sàng lại vỗ bành bạch trên nền đất tới lần thứ tư anh ta mới đứng bật dậy. Bằng tất cả sức mạnh mãnh thú cực kỳ hung hãn, Long Chột gầm lên một tiếng, hầm hập lao tới như cơn cuồng phong quyết tâm hạ độc thủ,
Rầm! Toàn thân tôi dội ngược vào vách nhà, nghe thật nặng. Dù đau điếng vì cú húc trời giáng tôi vẫn nhanh nhẹn áp sát vách nhà gượng người bước tới xuống tấn, hai tay cung lại thủ thế nghe tim đập loạn. Trong khi đó Long Chột bị cú phản công của tôi giơ cao giò đá thẳng vào mặt “bốp!” một tiếng chắc nổ đóm đóm khiến anh ta siểng niểng mất quân bình ngã huỵch xuống nền đất, nhưng nhanh như cắt khỉ độc đã đứng phắt dậy, lảo đảo dựt lùi vào góc nhà, tay bưng mặt, gườm gườm nhìn tôi, đứng thở dốc.
Sau trận đấu sanh tử lửa bên nửa cân người tám lạng tôi không còn có dịp trở lại căn nhà kho đó lần nào. Bảy Nẫu cho biết thầy trò Long Chột đã qui hồi cố hương Bình Định, nghe đâu họ mở trường dạy võ ở Hoài Ân. Phần tôi vừa xong tú tài toàn phần tôi cũng rời Pleiku về Sài Gòn ghi danh vào trường Đại học Khoa Học. Từ đó thầy trò chúng tôi không còn gặp lại nhau. Nghe nói về sau Bảy Nẫu theo đơn vị ra vùng tác chiến biệt tăm biệt tích.
* * *
Năm 1970, tôi trở lại Pleiku dưới hình thù của một viên sĩ quan thời chiến. Thành phố Pleiku, sau nhiều năm xa cách đã mau chóng phát triển, dù chiến cuộc đang trên đà leo thang. Nhìn đâu tôi cũng ngửi thấy không khí và màu sắc chiến tranh. Xe nhà binh, những người lính, súng đạn.. chạy đầy đường.
Rạp hát DIỆP KÍNH |
Bến xe PLEIKU |
Cái cảm giác đầu tiên của tôi khi đặt chân lên mảnh đất biên giới này là một cảm giác nhức nhối. Ngoài vọng gác lô cốt nhô lên để quan sát địa thế và tình hình chung quanh, toàn bộ phận cơ hữu đều nằm chìm dưới lòng đất trên một ngọn đồi trọc thoai thoải về hướng Tây Bắc. Phía ngoài công sự, hàng rào kẽm gai và concertina được giăng đầy. Chính cái tiền đồn đèo heo hút gió này, năm 1965 chỉ trong một đêm đã bị Việt Cộng úp đồn. Nhờ có nội tuyến nên địch quân nắm rất rõ tình hình và địa thế bên trong; chỉ trong một đêm trời mưa rả rích chúng đã đánh phá thật dữ dội, tàn bạo, ác liệt đến cùng.Tất cả từ vị chỉ huy đến binh sĩ các cấp trên dưới bốn chục tay súng đều bị tàn sát. Từ đó, đồn trở nên hoang phế như mộ địa. Ngót hai năm sau, công binh Mỹ mới trở lại, dùng hàng trăm tấn thuốc nổ phá lòng đồi, đào hầm dựng bộ chỉ huy mới và bổ sung quân số. Năm năm sau, chân tôi lại dẫm lên vùng đất chiến lược bầm dập, lở lói và nghiệt ngã này. Cái vùng đất u lên như một vết thương đã nhiều lần bị xới tung be bét ngổn ngang vì đạn pháo kích, vì những đợt tấn công của quân thù, kể cả ta gọi pháo binh dập. Dưới chân đồi mờ xa, con sông Sésan vốn to lớn và mạnh mẽ, cuồn cuộn chảy giữa hai bờ rậm rạp những rừng gộp, dầu, sao, gõ, có cả cẩm lai cổ thụ, đại ngàn.
Bây giờ tôi đứng giữa hiu quạnh đất trời, thở hít cái không khí nồng cháy mùi đất và mùi cỏ cây khô héo dưới vầng dương thiêu đốt để nhận ra cái gian khổ, hiểm nguy, đầy bất trắc sống còn đang rình rập phía trước.Trong cái không khí ấy, nơi địa đầu giới tuyến này bất ngờ đến kinh ngạc tôi gặp lại người bạn cố tri thất lạc đã nhiều năm.
Vừa dưới miệng hầm ngoi lên, đang lui cui phủi bụi tôi giật mình nghe có tiếng người thảng thốt gọi: – Tiến! (rồi ú ớ, lập cập) Ê! ê… Trung úy… Tiến!
Trời đất! Ở cái cõi khô cằn nghiệt ngã sống nay chết mai này mà cũng có người nhận ra mình thì kinh ngạc hết biết. Tay che mặt trời, tôi nheo mắt định thần nhìn kỹ thì trời phật ơi rõ ràng là… ông thầy võ của tôi: Bảy Nẫu!
Đúng là Bảy Nẫu “đơ- dèm cùi bắp”, độc thân kinh niên nay là Hạ sĩ nhất trinh sát của đại đội.: cao, gầy, rắn rỏi, da sạm nắng, tóc lơ thơ vài sợi bạc. Mừng đến quên cả ý tứ, quên cả cấp bậc, địa vị, hai thầy trò chúng tôi vừa la hét vừa ôm nhau nhảy tưng tửng như hai thằng khùng. Tất nhiên, trong buổi tri ngộ không thể thiếu cuộc nhậu lai rai: nguyên can rượu đế 20 lít, chục con khô cá sặc rằng được anh em binh sĩ săng sái mang ra đãi đằng. Phải rồi. Những người lính vô danh sống và chiến đấu trên ngọn đồi ma quỷ này hầu hết đều trẻ, khoẻ, phong trần, chịu chơi, đánh nhau nhất định là dũng mãnh, gan lì.
Vẫn ồ ạt lớn giọng, cái giọng nẫu cố hữu, Bảy Nẫu nâng cao ly rượu tuyên bố:
– Lên! Anh em cụng ly mừng thầy trò tụi tui cái coi. Mà khoan! Bẩy Nẫu chợt cao hứng triết lý vụn: Mà mình uống cho cái gì đây, vì cái gì đây? Vì “tha hương ngộ cố tri” hay vì những kỷ niệm thiêng liêng của một thời trai tráng. Ha ha… Nè cạn ly, một trăm phần trăm.
Bỗng có tiếng nhao nhao:
– Lúc trước anh Bảy là thầy của Trung úy Tiến. Còn bây giờ thì sao? Ai thầy ai trò đây, anh Bảy? Chữ Bảy bị anh nọ nhái giọng nẫu kéo dài ra muốn trẹo cả quai hàm làm mọi người ôm bụng cười phun cả nước miếng.
Ngồi bên cạnh tôi dưới hầm, trong căn phòng nhỏ, khiêm tốn gọi là câu lạc bộ, tôi nhận ra Bảy Nẫu dù đã hơn 50 tuổi vẫn còn rắn rỏi, khoẻ mạnh và nhanh nhẹn. Bản tính con nhà võ trước sau vẫn ào ạt, liều lĩnh, chai lì, bạt mạng. Sau này, trong những lần hành quân, những cuộc dọ thám, những pha đụng độ, những trận đánh, sự sống còn từng trải càng in đậm những nếp nhăn trên gương mặt rạm nắng, dãi dầu của anh.
* * *
Nhưng mà… Ở đời đố ai học được chữ ngờ. Như gặp lại Bảy Nẫu, thầy dạy võ của tôi năm xưa giữa ngọn đồi tử thần này đúng là một bất ngờ. Rồi cũng chính Bảy Nẫu, lính của tôi sau này đã ngã gục trước mắt tôi cũng là cái hết sức bất ngờ đến thương tâm.
Mùa mưa năm 1972, trong một trận đánh khốc liệt ở quận Lệ Trung, kẹp giữa Pleiku – Kontum, hạ sĩ nhất Bảy bị một viên đạn Aka cắm ngay giữa lồng ngực. Từng trải đến thế, nhanh nhẹn đến thế, mạnh mẽ đến thế, vẫn thua một viên đạn đồng vô tri, không có mắt.
Tờ mờ sáng, nhận được tin trinh sát báo địch càn vào thôn A, mục đích lùa dân làm bia đỡ đạn. Địch rất đông, hỏa lực mạnh. Cỡ tiểu đoàn. Dưới làn mưa, tôi dẫn một cánh quân men theo đường rừng tiến vào thôn A. Từ xa, cánh Tây Bắc của Đại úy Hổ đã chạm địch, nghe nhiều tiếng lựu đạn, M79 lẫn tràng súng của hai bên nổ giòn. Tôi ra lệnh cho anh em chia thành ba mũi giáp công, vừa nhử mũi chính diện vừa thọc hai bên sườn tiến thẳng vào thôn. Xe tăng bò vào, bộ binh trườn vô. Chúng tôi đánh một trận kịch liệt ở bìa rừng, ở từng mô đất, bụi cây. Địch tràn vào thì ta chận lại, đánh bật chúng ra. Lúc co, lúc giãn, lúc xáp- lá- cà. Đây là thế thượng phong của hạ sĩ nhất Bảy. Gặp địch trước mặt, cứ thế gầm lên dẫn đồng đội lao tới bắn sát rạt, thọc lưỡi lê, dọng báng súng, và Bảy Nẫu còn dùng cả bàn tay sắt chém thẳng vào mặt vào cổ quân thù. Võ sư mà. Trận đó, kéo dài hơn một tuần, chúng tôi diệt được hai T54 và hàng trăm tên. Tất nhiên vì ác liệt bên ta cũng hy sinh không ít, trong đó có hạ sĩ nhất Bảy, tức Bảy Nẫu.
Tảng sáng ngày thứ năm, thấy phe ta bị tổn thất khá nặng, nhất là thấy tôi vừa vượt tới đầu cầu đã bị đạn bắn sướt mảng da cổ, may mắn máu không chảy nhiều, chỉ ri rỉ nhưng cũng đủ làm hạ sĩ nhất Bảy nóng ruột. Tiếng đại liên của địch vẫn khạc liên tiếp về phía chúng tôi. Đang được anh y tá băng bó vết thương, chợt nghe thấy Bảy Nẫu gầm lên, tay cầm lựu đạn phóng tới. Tôi hốt hoảng chồm dậy la lên,: “Anh Bảy! Bảy, trở lại ngay!” nhưng Bảy không nghe, vẫn khom người lao về hướng mô đất cao phía trước. Biết không cản được lòng sôi sục của Bảy, tôi vội ra lệnh cho anh em theo sau xử dụng tối đa hỏa lực bắn yểm trợ cho anh.
Trước mắt tôi, hạ sĩ nhất Bảy vừa bám vào mô đất cao đã nhanh nhẹn ném liên tiếp bốn quả lựu đạn về phía địch. Mặc dù không nhìn thấy nhưng ai cũng nghe rất rõ tiếng gọi nhau ơi ới lẫn những tiếng rên rỉ đau đớn của Cộng quân. Hăng máu, hạ sĩ nhất Bảy lao mình tới đứng dậy ném tiếp quả lựu đạn thứ năm thì bất ngờ từ cánh rừng bên trái tiếng đạn đại liên bay chiu chíu qua đầu, vừa kịp thấy Bảy Nẫu bật ngửa.
Trước đó chỉ mới một phút thôi, thân hình con nhà võ vốn dẻo dai, chắc nịch, cứng như thép nguội trong tích tắc đã giãn ra, rũ xuống, vô hồn. Từ trên mô đất cao, cái đầu của Bảy Nẫu trượt xuống trước, kéo theo tấm thân oặt ẹo như một loại động vật không xương, mềm nhũn trượt dần xuống theo triền dốc của mô đất.
* * *
Hơn bốn mươi năm qua rồi, bây giờ, ngồi một mình ở đây, bên kia trái đất là quê nhà, không nghĩ tới thì thôi mà nghĩ tới, nhắm mắt lại tôi vẫn còn rõ mồn một hình ảnh ngọn đồi chết chóc ở Plei Buk và giây phút hạ sĩ nhất Bảy ngã xuống ở quận Lệ Trung. Mặt ngửa lên trời. Mắt mở trừng. Lồng ngực vỡ toang, nhầy nhụa những gân, xương và thịt. Từ trên gò đất cao, máu theo tử thi trôi xuống vẽ nên một vệt dài ngoằn ngoèo chảy đỏ bầm cả mặt đất. Cạnh cái xác là sợi dây ba chạc vẫn còn dính lại chùm lựu đạn.
Thời gian lặng lẽ trôi đi như dòng sông không bao giờ trở về nguồn cội, nhưng dư âm cuộc chiến tranh hai miền Nam Bắc vẫn không bao giờ phai nhòa trong tâm trí của những ai từng tham dự trận địa còn sống sót cho đến ngày nay.
Phan Ni Tấn
hình ảnh minh họa sưu tầm từ internet
No comments:
Post a Comment