Lê Vĩnh
Hai mươi năm trước, trong một bài viết về tranh chấp ở Biển Đông đăng trên
báo Far Eastern Economic Review ngày 10/2/1994 (1), ký giả Frank Ching đã
thuật lại lời khẳng định của nhiều quan chức cao cấp Cộng Sản Việt Nam
(CSVN) vào thập niên 50 của thế kỷ trước rằng: “Hoàng Sa – Trường Sa, theo
quan điểm lịch sử, là thuộc về Trung Quốc”, cùng với dẫn chứng bức công
hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng. Frank Ching cũng nhận xét: “Trong
những ngày đó, chế độ Hà Nội rất hăng hái trong việc lên án chính quyền
miền Nam, cho họ là những con rối của Mỹ, là những kẻ đã bán đứng quyền
lợi của nhân dân Việt Nam. Ngay cả lúc đó, một điều rõ ràng là những lời
cáo buộc này đã không có căn cứ. Bây giờ, 20 năm sau -1994-, cũng lại một
điều rõ ràng là đã có những lúc mà chính quyền Sài Gòn đã thật sự đứng lên
cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam, một cách vô cùng mạnh mẽ, hơn xa chính
quyền tại Hà Nội.”
Ký giả Frank Ching kết luận bài viết đó như sau: “Những gì xảy ra ngày hôm
nay liên hệ đến hai quần đảo này (HS-TS) chỉ là hậu quả của sự trí trá của
hai người cộng sản anh em trong qúa khứ. Không một ai trong cộng đồng thế
giới muốn bước vào để dàn xếp sự bất đồng giữa Cộng sản Việt Nam và Trung
Quốc. Lý do rất rõ ràng: cái công hàm ngoại giao và sự nhìn nhận của Cộng
sản Việt Nam không thể nào xoá bỏ được bởi một nước nhỏ như Việt Nam, kẻ
đã muốn chơi đểu để lừa dối Trung Quốc. Hơn nữa, Cộng sản Việt Nam không
thể nào tránh được Trung Quốc trong khi họ phải bắt chước theo chính sách
’đổi mới’ của Trung Quốc để tiến lên chủ nghĩa xã hội.”
Trở về hiện tại, năm 2014, với biến cố giàn khoan HD981 của Trung Cộng vẫn
còn đang nóng hổi, tất cả những gì Frank Ching đã viết từ 20 năm trước lại
đang được lập lại. Điều khác biệt duy nhất lần này là: 20 năm trước, với
sự bưng bít thông tin vô cùng chặt chẽ của nhà nước CSVN rất ít người biết
đến những bằng chứng như bức công hàm Phạm Văn Đồng dù những điều này đã
được truyền thông bên ngoài Việt Nam đề cập đến nhiều lần; nhưng với thời
đại Internet ngày nay, CSVN không thể nào che giấu được nữa nên đã phải
chính thức công bố công hàm Phạm Văn Đồng. Từ đó, họ cũng phải đưa ra luận
điểm HS-TS không thuộc quyền quản lý của Miền Bắc. Và vì thế bắt buộc phải
nhìn nhận Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) — một chính thể mà suốt 60 năm qua Hà
Nội đã không ngớt mạ lỵ bằng đủ mọi ngôn từ hạ cấp. Những người lãnh đạo
VNCH bị Hà Nội gọi là “thằng này thằng nọ”, “tên này tên kia”.
Nhân diễn biến mới này cùng với nhiều dữ kiện lịch sử khác đã lộ ra ánh
sáng, thiết tưởng đã đến lúc cần đặt câu hỏi toàn diện cho các thế hệ mai
sau.
VNCH: chính thể hay ngụy quyền?
Trước hết, nhìn từ mắt thế giới bên ngoài, khó ai có thể phủ nhận một thực
tế lịch sử là đã từng có một chính thể đại diện cho một nửa nhân dân và tổ
quốc Việt Nam ở phía Nam vĩ tuyến 17. Chính thể này được phần lớn các quốc
gia không cộng sản trên thế giới công nhận. Thật vậy, tính đến năm 1975
chính thể này đã được 87 quốc gia trên thế giới công nhận và lập bang giao
chính thức (2), 6 quốc gia ở cấp bán chính thức (3). Trong khi đó, chế độ
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) tại miền Bắc, tính đến năm 1972 chỉ
được 49 quốc gia thừa nhận (4) và không thay đổi gì tính đến 1975.
Ngay cả nếu xét theo chính định nghĩa của đảng CSVN về một chính thể thì
càng vô cùng khó phủ nhận vai trò của VNCH. Một trong những tài liệu học
tập lâu năm cho cán bộ cấp cao CSVN là quyển giáo trình lý luận về nhà
nước và pháp luật của nhà xuất bản Công An Nhân Dân (5). Theo họ các điều
kiện đủ để gọi một quốc gia, một chính thể là: 1/ Có lãnh thổ, quản lý
trên một vùng lãnh thổ; 2/ có dân cư; 3/ có pháp luật; 4/ Thu thuế; 5/ Có
bộ máy, chính quyền, tổ chức quân đội….; 6/ Có chủ quyền quốc gia (tham
gia đàm phán quốc tế, và được quốc tế công nhận). Cả 5 điều kiện đầu đã
quá rõ. Riêng điều kiện thứ 6 thì VNCH còn vượt xa VNDCCH. Lúc đó chính
quyền ở miền bắc chỉ là thành viên của các cơ chế thuộc phe xã hội chủ
nghĩa gồm 11 quốc gia, mà đến nay gần như tất cả đều đã biến mất; còn VNCH
đã là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực (6) Chỉ sau khi
chiếm được miền Nam nhiều năm, chính quyền cộng sản mới gia nhập những tổ
chức quốc tế đó thay chân VNCH.
Còn câu hỏi về bản chất “ngụy quyền” thì sao? Hiển nhiên khi dùng từ ngữ mang tính phỉ báng này, giới lãnh đạo CSVN muốn nói rằng VNCH chỉ là một chính phủ bình phong, tay sai, hay ngay cả bán nước cho “đế quốc Mỹ” hay thế giới tư bản. Nhưng thực tế đã ngày càng rõ. Rất nhiều người trong nhiều năm lục lọi khắp nơi, kể cả các văn khố buộc phải giải mật theo đúng qui định của luật Tự Do Thông Tin (Freedom of Information Act) tại Mỹ, đều không có chứng cớ phản quốc nào. Khi thế giới Internet nở rộ, mấy năm trước đây một diễn đàn nổi tiếng là X-Càphê đã mở một chiến dịch khá lâu để tìm kiếm những bằng chứng xem VNCH có một văn bản “bán nước” nào tương tự như công hàm Phạm Văn Đồng không. Sau nhiều tháng cố gắng, không ai tìm được văn bản nào cả. Và trong suốt 20 năm hiện hữu, một dữ kiện lịch sử hiển nhiên là VNCH đã không để mất bất kỳ phần lãnh thổ nào của đất nước ngoại trừ quần đảo Hoàng Sa sau khi chống cự mãnh liệt. Trong thời VNCH không hề có chuyện dâng nhượng đất biên giới trên bộ, dâng nhượng hải phận ngoài khơi, cho “mướn” các khu rừng biên giới 50 năm, v.v…
Nhưng những điểm nêu trên chỉ mang tính định nghĩa. Điều còn quan trọng hơn nữa là chính thể VNCH đã làm được gì cho đất nước và xã hội.
VNCH: có làm đúng trách nhiệm của một chính phủ không?
Trách nhiệm lớn nhất của một chính quyền là phải bảo vệ đất nước và người
dân. Trong suốt thời gian hiện hữu, chính phủ VNCH đã xem trách nhiệm này
như thế nào? Hiển nhiên một bài viết ngắn ngủi loại này không thể liệt kê
các nỗ lực suốt 20 năm, dù chỉ viết tổng quát, nhưng có lẽ một thí dụ sau
đây có thể minh họa phần nào ý thức của chính thể VNCH về nhiệm vụ bảo vệ
đất nước:
Với sức mạnh quân đội dồn hầu hết vào không quân và bộ binh, Hải quân VNCH
chỉ có một số chiến hạm chiến đỉnh khiêm tốn, nhưng tất cả đã được trưng
dụng vào mục tiêu bảo vệ từ sông đến biển của tổ quốc ngày đêm, chứ không
“bám bờ” hay thỉnh thoảng khoe đã đi “tuần tiễu chung” với hải quân (kẻ
thù) Trung Cộng như ngày nay. Trong số những vòng canh từ biển khơi vào
bờ, chỉ có vòng viễn dương do đệ thất hạm đội Hoa Kỳ phụ trách; còn các
vòng khác từ viễn duyên, cận duyên, đến sông lạch chằng chịt đều do Hải
quân VNCH trách nhiệm. Hệ thống radar của các vòng canh trên kèm với các
đài kiểm báo, không tuần (của Hải quân VNCH) đan chen nhau chặt chẽ nên
rất hiếm có trường hợp tàu lạ xâm nhập qua được mạng lưới này. Việc bảo vệ
chủ quyền cũng vượt trên mọi lý do khác. Các tàu đánh cá Thái Lan vi phạm
hải phận Việt Nam đều bị bắt đưa về Phú Quốc hay Kiên Giang (7) bất kể
Thái Lan đang là một đồng minh quan trọng.
Về trách nhiệm phát triển đất nước, mặc dù chính phủ VNCH hàng ngày phải
đối diện với cuộc chiến tranh tàn khốc suốt 15 năm (từ 1960 đến 1975),
nhưng các nỗ lực phát triển đã khá thành công trong mọi phương diện, từ
giáo dục đến kinh tế, nông-lâm-ngư nghiệp, công kỹ nghệ, thương mại, v.v..
Những điều này đã được các học giả cả Việt Nam lẫn quốc tế thu thập để so
sánh sức phát triển giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam khi họ làm các khảo
sát tương tự để so Tây Đức và Đông Đức, Nam Hàn và Bắc Hàn, Đài Loan và
Trung Cộng. Trong bài viết ngắn ngủi này, tác giả chỉ xin nhắc lại một vài
lãnh vực đặc sắc nhất.
Với định hướng “nhân bản, dân tộc và khai phóng”, nền giáo dục VNCH cho
đến nay vẫn tiếp tục là niềm nuối tiếc của nhiều người, đặc biệt khi nhớ
lại những chiến dịch tập trung đốt sách của nhà cầm quyền CSVN trong thời
gian ngay sau tháng 4/1975. Ông Mai Thái Lĩnh, cựu sinh viên Viện Đại học
Đà Lạt, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Lạt đã kể lại
rằng: “Tôi là con của một cán bộ Việt Minh – tham gia Cách mạng tháng Tám
tại Lâm Đồng sau đó tập kết ra miền Bắc [...] Chế độ Việt Nam Cộng hòa lúc
đó biết lý lịch của tôi, nhưng vẫn không phân biệt đối xử, cho nên tôi vẫn
có thể học hành đến nơi đến chốn. Tính chất tốt đẹp của nền giáo dục cũ
của miền Nam là điều tôi công khai thừa nhận, vì vậy suốt 14 năm phục vụ
trong ngành giáo dục “xã hội chủ nghĩa” tôi bị người ta gán cho đủ thứ
nhãn hiệu, chụp cho nhiều thứ mũ chỉ vì tôi nêu rõ những ưu điểm của nền
giáo dục cũ cần phải học hỏi.”
Kỷ luật học đường, vai trò của thầy cô, tinh thần ham học của cả nước,
trình độ của sách giáo khoa, và giá trị của các bằng cấp thời VNCH đều
được cả xã hội duy trì và đòi hỏi chính phủ phải duy trì. Tuy là nước nhỏ,
nghèo và chiến tranh triền miên, các bằng cấp của trường lớp Việt Nam được
các đại học lớn trên thế giới công nhận. Những sinh viên được tuyển chọn
đi du học thời đó thực sự là những tinh hoa tương lai của đất nước.
Và cũng trong những ngày tháng liên tục khói lửa đó, chính thể VNCH đã ra
sức xây dựng nền tảng pháp quyền. Dù có bị hạn chế ít nhiều bởi chiến
tranh nhưng các quyền căn bản của con người đều có, từ tự do báo chí, tự
do tôn giáo, đến tự do lập hội. Ngay cả quyền của các cá nhân và đảng phái
đối lập cũng được luật pháp bảo vệ. Trong thời gian gần đây, ông Lê Hiếu
Đằng kể lại việc ông được học luyện thi tú tài trong tù và được cảnh sát
chở từ phòng tù đến phòng thi như thế nào. Bức hình chụp cảnh bà Ngô Bá
Thành tuyệt thực sau đây cũng giúp mọi người hình dung được những người
đối lập với chính quyền VNCH vẫn được luật pháp bảo vệ như thế nào.
Các cuộc bầu cử ở mọi cấp, từ tổng thống đến xã trưởng, đã được liên tục thực hiện khá tự do, trong sáng, và công bằng bất kể “quân giải phóng” luôn cố gắng gài mìn các phòng phiếu để răn đe người đi bầu. Đặc biệt sự độc lập giữa 3 ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp là một thực tế chứ không phải bánh vẽ trong các bộ luật. Tác giả Hạ Đình Nguyên trong một bài viết cách đây khoảng một năm đã thuật lại một chuyện có thật và có nhiều người biết. Đó là chính tổng thống VNCH đến trụ sở Tối Cao Pháp Viện yêu cầu toà án kết án những nghi can “thân cộng” (mà sau 1975 các nghi can đó đều lộ dạng là cộng sản thật) nhưng đã bị từ chối. Hơn thế nữa, cơ chế Tối Cao Pháp Viện của thể chế VNCH còn có thẩm quyền truất phế Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng, Tổng trưởng, Bộ trưởng, v.v. khi chứng minh được các nhân sự đó phạm tội phản quốc, tức tương đương với những vụ như ký công hàm Phạm Văn Đồng hay đi dự Hội nghị Thành Đô, v.v.
Về mặt xã hội, dù nay đã bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21 nhưng
nhà cầm quyền Hà Nội vẫn sợ hãi sinh hoạt xã hội dân sự. Trong khi đó thì
60 năm trước, dưới thời VNCH các đoàn thể xã hội dân sự đã phát triển rất
đa dạng (một cách tổng quát, xã hội dân sự bao gồm các đoàn thể không
thuộc chính phủ mà cũng không thuộc giới kinh doanh). Những đoàn thể xã
hội dân sự này đã đóng góp rất lớn cho xã hội từ văn hoá đến giáo dục, y
tế, tương trợ, giúp đỡ nạn nhân thiên tai, nạn nhân chiến cuộc. Nhiều
người còn nhớ những đoàn thể có tên tuổi trong ngành công tác xã hội như
Cô nhi viện Dục Anh, Cô nhi viện Quách Thị Trang, Trại giáo hóa thanh
thiếu niên phạm pháp Thủ Đức, Viện dưỡng lão Thị Nghè, Trung tâm hướng
nghiệp Vườn Lài, Quán cơm xã hội Anh Vũ (phát cơm cho người nghèo). Những
đoàn thể tiêu biểu khác là Hội Hồng Thập Tự, Hướng đạo Việt Nam, Trường
Bách khoa Bình dân, nhóm Thanh niên Phụng sự Xã hội và Gia đình Phật tử
của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Thiếu nhi Thánh thể và Thanh
Sinh Công của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Phong trào Du ca Việt Nam, Hội
Thanh niên Thiện chí, v.v.
Trước các vấn nạn lớn của đất nước, người dân tự động tham gia góp phần
cùng lo lắng, cùng báo động, cùng góp ý giải quyết chứ không chờ xin phép
ai. Một trường hợp điển hình là Tập San Sử Địa thời đó. Đây là một tập san
sưu tầm, khảo cứu chuyên ngành do nhóm giáo sư, sinh viên Trường Đại học
Sư phạm Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn tự đứng ra thực hiện, phát hành
mỗi 3 tháng. Toàn bộ Tập San Sử Địa gồm 29 số, được phát hành từ năm 1966
cho tới tháng 4 năm 1975 thì bị cấm (8). Số cuối cùng “Đặc Khảo về Trường
Sa và Hoàng Sa”, thu thập và trình bày nhiều tài liệu lịch sử chứng minh
chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo này mà hiện nay nhà nước CSVN
đang phải dùng tới.
VNCH: Thêm một tiến thoái lưỡng nan cho lãnh đạo đảng CSVN
Đối diện với các bước xâm lấn ngày một trắng trợn của Bắc Kinh và trước
các chứng tích bảo vệ đất nước không thể chối cãi của các chiến sĩ VNCH,
lãnh đạo đảng CSVN đã thấy quá khó để tiếp tục gọi họ là “ngụy quyền bán
nước”, đặc biệt sau khi mấy đời lãnh đạo CSVN liên tục ký nhượng đủ loại
chủ quyền cho Bắc Kinh suốt từ Hội Nghị Thành Đô 1990 đến nay. Loại bài
bản “ngụy quyền bán nước” nay cũng trơ trẽn và tác dụng ngược như việc nhà
cầm quyền này tống người biểu tình phản đối Trung Cộng vào trại phục hồi
nhân phẩm để “giáo dục họ về lòng yêu nước”.
Hơn thế nữa, khi quá kẹt vụ công hàm Phạm Văn Đồng, không còn cách chối
tội nào khác, lãnh đạo Đảng đành dùng luận điểm chống chế: 2 quần đảo HS
-TS lúc đó thuộc quyền cai quản của “chính thể VNCH”. Đây là điều mà đảng
CSVN đã cố tránh suốt gần 4 thập niên qua vì những hệ lụy sau đây:
Khi đã công nhận VNCH là một chính thể với đầy đủ thẩm quyền trước thế
giới và lại xử dụng cả những chứng tích bảo vệ chủ quyền đất nước bằng
xương máu của họ thì nhà cầm quyền CSVN cũng đương nhiên đã thừa nhận
những luận điệu bôi nhọ VNCH “tay sai bán nước” là hoàn toàn dối trá. Và
nếu VNCH không “bán nước” thì Hoa Kỳ cũng không thể là “đế quốc” tại Việt
Nam.
Khi đã công nhận VNCH là một chính thể thì không thể tiếp tục phủ nhận cơ
chế, sinh hoạt cũng như mức phát triển của xã hội bên dưới thể chế này. Và
với những chi tiết đó, ai cũng có thể thấy đời sống của người dân tại miền
Nam trong mọi lãnh vực từ nhân phẩm, nhân quyền đến các lợi ích giáo dục,
kinh tế đều diễm phúc hơn đồng bào của họ tại miền Bắc. Do đó luận điệu
“giải phóng miền Nam” cũng đương nhiên được thừa nhận là hoàn toàn dối
trá.
Với 2 sự thừa nhận nêu trên thì lý do duy nhất còn lại của lãnh đạo CSVN
khi nhất định đốt cả dãy Trường Sơn để “giải phóng” miền Nam chỉ có thể
là: dùng máu người Việt cùng với súng Nga và đạn Tàu để mở rộng thế giới
đỏ. Đúng như lời Tổng Bí Thư Lê Duẫn buột miệng nói ra trong một phút quá
cao hứng sau ngày chiến thắng: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung
Quốc!”
Cái công trạng “lãnh đạo toàn dân đánh Mỹ cứu nước” không những lập tức
biến mất mà còn hiện ra một món nợ máu kinh hồn của hàng triệu sinh mạng
người Việt Nam chỉ vì vài lãnh đạo Đảng thích cầm cờ đầu cho Mátxcơva và
Bắc Kinh.
Chính từ sự giằng co giữa nhu cầu phải công nhận chính thể VNCH để thoát vụ công hàm Phạm Văn Đồng và nỗi sợ các hệ lụy của sự công nhận đó mà người ta thấy trong lúc báo chí công cụ nhắc đến “chính thể VNCH” và trận chiến Hoàng Sa nhưng công an lại được tung ra để phá hoại những buổi lễ của dân tưởng nhớ những người con anh dũng đó của đất nước. Công an sẵn sàng giở cả những trò hèn kém như đóng kịch cắt đá hay xông vào giật nhang, giật hoa, và gây sự để bắt bớ tại các buổi lễ tưởng niệm. Lãnh đạo đảng còn sợ đến độ tìm đủ loại lý cớ để bắt giam những người như blogger Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm) để không chỉ đóng trang tổng hợp tin tức của anh mà còn để đóng cả trang Viết Sử Việt do anh chủ trương.
Nhưng có lẽ nhà cầm quyền CSVN đã quá chậm và quá trễ trong thời đại
Internet hiện nay. Một xã hội nhân bản, một chính phủ có khả năng, và một
thể chế yêu nước như thời VNCH đang là ước vọng của rất nhiều người Việt
Nam thuộc đủ mọi lứa tuổi và thành phần. Chính vì vậy mà trong mấy năm qua
đã có những buổi biết ơn thương phế binh VNCH tại chùa Liên Trì, tại dòng
Chúa Cứu Thế, và buổi lễ thành kính tưởng niệm những lãnh tụ và tướng lãnh
VNCH đã hy sinh vì nước vì dân.
Với tình hình hiện nay, dù tìm đủ cách vặn vẹo, thoái thác, và trấn áp
đảng CSVN vẫn ngày càng nhích gần tới lằn mức phải thừa nhận những hành
động phản lại đất nước và những núi nợ xương máu dân tộc mà các thế hệ
lãnh đạo đảng đã gây ra từ ngày thành lập cho đến nay — giống như tất cả
các đảng cộng sản khác trên thế giới mà nhân loại đã ghi chi tiết trong
cuốn Sách Đen Cộng Sản: Tội ác, Khủng bố, Đàn áp (The Black Book of
Communism: Crimes, Terror, Repression).
Liệu hàng ngũ đảng viên và thế hệ lãnh đạo đảng CSVN kế tiếp có muốn thừa
kế cái di sản tội lỗi và các món nợ đó không? Nếu không thì phải làm gì?
--------------------------------------------------
Ghi chú:
(1) Paracels
Islands Dispute By Frank Ching, Far Eastern Economic Review, Feb 10, 1994.
(6) Viet Nam
Cộng hòa là thành viên trong một số tổ chức quốc tế như Tổ chức Hiệp ước
Đông Nam Á (SEATO), Ủy ban Kinh tế của Liên hiệp quốc về Á châu và Viễn
Đông ECAFE, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực FAO (1950); Cơ quan Năng
lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA (1957); Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế
ICAO (1954); Hiệp hội Phát triển Quốc tế IDA; Tổ chức Lao động Quốc tế ILO
(1950); Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF (1956)[25]; Liên hiệp Viễn thông Quốc tế
ITU (1951); Tổ chức Giáo dục, Khoa học, và Văn hóa Liên hiệp quốc UNESCO
(1951); Quỹ Thiếu nhi Liên hiệp quốc UNICEF, Liên hiệp Bưu chính Quốc tế
UPU (1951); Tổ chức Y tế Quốc tế WHO (1950); Tổ chức Khí tượng Thế giới
WMO (1955),[26] Ngân hàng Thế giới (1956),[27] và Ngân hàng Phát triển
châu Á (1966).
Năm 1957,
Việt Nam Cộng hòa đứng đơn gia nhập Liên hiệp quốc do Hoa Kỳ đề cử. Đại
Hội đồng (General Assembly) bỏ phiếu 40 thuận, 8 chống. Việc này chuyển
lên Hội đồng Bảo an chung quyết. Liên Xô thì muốn Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa cùng gia nhập nhưng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bác bỏ việc này nên cuối
cùng Liên Xô phủ quyết đơn của Việt Nam Cộng hòa
(7) Một thì
dụ điển hình về việc bảo vệ tài nguyên quốc gia của Hải Quân VNCH là một
tin đồn lan rộng vào khoảng mùa hè năm 1974. Tin đồn này cho rằng có một
ngư trường (đàn cá) dài 30 cây số ở ngoài khơi Phan Thiết bị tàu đánh cá
nước ngoài chặn bắt và báo chí (tương đối có tự do) đã thống trách chính
phủ và hải quân VNCH rất nhiều. Cho đến khi có những nguồn tin độc lập xác
nhận đó chỉ là tin đồn vô căn cứ thì sự thống trách này mới chấm dứt.
NGUỒN : https://hon-viet.co.uk/LeVinh_VietNamCongHoaChinhTheHayNguyQuyen.htm