Hiện tại Gia đình Anh đang cư ngụ tại LITTLE SAIGON Nam CALIFORNIA.
Chuyện người vợ tù 32 năm nuôi chồng
Monday, March 14, 2011 6:27:19 PM
Chuyện Gần - Chuyện Xa
Huy Phương/Người Việt
6 năm trong tù và 26 năm liệt nửa người trên giường bệnh
Năm 1966, tại trường trung học tư thục Hưng Ðạo, Saigon có hai cô cậu học trò thương nhau. Cậu là Trần Chấn Thanh, người Long Mỹ, Cần Thơ, và cô là Huỳnh Thị Diệu, ở Hậu Nghĩa lên Saigon trọ học. Ba năm sau, tốt nghiệp trung học, họ cử hành hôn lễ và năm 1971, anh Thanh bị động viên vào khóa 1/71 trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức. Ra trường, nhờ có vóc dáng cao to, Thanh được tuyển vào binh chủng Quân Cảnh và được điều động ra trại tù binh Phú Quốc.
Trong những ngày cuối cùng trước khi miền Nam thất thủ, Trần Chấn Thanh mang cấp bậc thiếu úy làm việc tại Tiểu Ðoàn 7 Quân Cảnh đóng tại Saigon và Huỳnh Thị Diệu là nhân viên của Nha Thương Cảng. Gia đình này lúc đó đã có ba cô con gái.
Vợ chồng ông bà Trần Chấn Thành. (Hình: Huy Phương/
Sau tháng 4 năm 1975, là một sĩ quan miền Nam, Thiếu Úy Thanh đã bị tập trung qua các trại tù Katum, Trảng Bom, Suối Máu gần 6 năm. Ra tù được vài tháng, Thanh tham gia một tổ hợp xây dựng, làm thợ phụ hồ để phụ với gia đình kiếm sống. Vào tháng 10 năm 1985, trong khi đang đứng làm việc trên một giàn giáo cao 10 thước, giàn giáo gãy và Thanh bị rơi xuống mặt đất, bất tỉnh, đầu và xương sống bị chấn thương nặng. Thanh được chở đi cấp cứu tại bệnh viện Sàigòn, nhưng vì vết thương ở đầu, Thanh lại được chuyển qua bệnh viện Chợ Rẫy. Trong quá trình mang đi cấp cứu, thay vì phải bảo vệ phần xương sống cho bệnh nhân, Thanh lại được chở đi bằng xích lô nhiều chặng, khiến tủy sống bị tổn thương, nửa phần thân thể, từ bụng trở xuống bị tê liệt, không cứu vãn được. Gia đình nạn nhân không hề được một đồng bồi thường nào của chủ thầu, sau khi được biết tin anh liệt nửa người, y bỏ trốn qua làm ăn bên đất Miên.
Trong hoàn cảnh chồng liệt giường, ba con còn nhỏ, chị Thanh phải mở tiệm bán củi, bán gạo thêm tại nhà kiếm thêm lợi tức để lo thuốc men cho chồng. Với khí hậu nóng nực của Saigon, chỗ bị liệt không xoay trở được, anh Thanh bị hoại tử phần thịt ở mông, vết thương lở loét mà không có thuốc trụ sinh, không có băng bông. Phần khác, việc tiêu tiểu không kiểm soát được nên vấn đề săn sóc người bệnh trở thành một gánh nặng cho thân nhân anh Thanh. Không chỉ có người vợ tận tình săn sóc chồng, mà đến cả người em gái vợ, sống chung nhà, trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình người chị, cũng bỏ qua nỗi thẹn thùng, đem tấm lòng thương người ra để lo chuyện vệ sinh cho anh. Phần vợ anh Thanh, chi Diệu, thì mắc bệnh tim bẩm sinh, thường hay bị té xỉu.
Hoàn cảnh đen tối của gia đình Trần Chấn Thanh càng ngày càng đi sâu vào tuyệt vọng, nếu không có chương trình nhân đạo của chính phủ Mỹ cứu vớt những người tù VNCH trong các trại tập trung của Cộng Sản, sự sống của Trần Chấn Thanh sẽ ra sao? Mặc dù ở ngay tại Saigon, gia đình anh Trần Chấn Thanh, một phần không có khả năng chạy dịch vụ, một phần ngần ngại trước viễn ảnh cuộc sống ở Mỹ khi cả hai vợ chồng đang lâm vào hoàn cảnh đau yếu bệnh tật như thế, lại có một cháu gái đã lập gia đình, nên cho mãi đến năm 1996, gia đình cựu Thiếu Úy Trần Chấn Thanh mới lên đường đến Mỹ theo danh sách H.O.40.
Một bác sĩ của IOM đã tháp tùng săn sóc anh Trần Chấn Thanh trên chuyến bay từ Saigon đến San Francisco, rồi đến phi trường John Wayne. Ðến Mỹ, nhờ các tiện nghi về y tế, vết thương lớn sau lưng Trần Chấn Thanh đã được chữa khỏi. Anh có thuốc men đầy đủ, được cấp giường bệnh, xe lăn, tã lót, và mỗi ngày có 4 giờ cho người đến săn sóc tại nhà. Năm 2000, người vợ tù Trần Chấn Thanh cũng đã được mổ tim và điều trị hết căn bệnh ngất xỉu.
Từ một hoàn cảnh tuyệt vọng của một người bị liệt nửa người, vết thương rỉ máu, anh Trần Chấn Thanh đã bước đến một đời sống, tuy không bình phục như ngày chưa bị tai nạn, nhưng được an ủi vì nền y tế nhân đạo tại Mỹ dành cho những người kém may mắn như anh. Nước Mỹ đem anh Trần Chấn Thanh đến đây, không hy vọng gì ở sự đóng góp của anh cho nước Mỹ mà hoàn toàn vì chính sách nhân đạo, nếu không, anh đã không còn sống cho đến ngày hôm nay. Cũng chính vì vậy, mà cách đây ba năm, khi gặp gỡ bà Khúc Minh Thơ, một người vận động cho chương trình ra đi của những người tù chính trị, chị Huỳnh Thị Diệu đã không cầm được những giọt nước mắt tri ân của người vợ tù đã trải qua những ngày dài bất hạnh.
Ngày nay, gia đình cháu gái đầu lòng của chị đã được sang Mỹ sum họp với đại gia đình đang sống với anh chị Thanh, góp thêm phần săn sóc, gần gũi cha mẹ. Gia đình anh Trần Chấn Thanh may mắn có ba người con rể, tất cả đều hiếu thuận, những lúc cần đỡ anh Thanh lên xe đi bác sĩ đều nhờ các cháu, chứ phần chị không làm nổi. Mỗi tháng hai lần, các cháu rể cũng đẩy xe cho anh đi lễ chùa Hương Tích gần nhà.
Phần chị Diệu, một người vợ lính, một người vợ tù, chị đã bươn chải để nuôi anh trong 6 năm tù, lại vất vả lo nuôi anh, một người chồng chỉ còn hoạt động một nửa người phần trên với chiếc đầu và hai tay, trong 11 năm tại Việt Nam và 15 năm trên đất Mỹ. Sự hy sinh và chịu khổ của những người đàn bà Việt Nam như chị Diệu đáng cho chúng ta phải khâm phục. Chị mang tấm lòng hoan hỷ của một người hiểu Phật Pháp: “Ðây là nghiệp của anh phải trả, và là nợ của mình chưa hoàn tất, vui vẻ mà chấp nhận.”
Còn anh Trần Chấn Thanh, 6 năm tù đày và 26 năm nằm liệt trên giường, anh nghĩ sao? “Chúng tôi vẫn yêu nhau như những ngày còn đi học ở trường Hưng Ðạo, Saigon. Tôi chỉ biết cám ơn Diệu và cám ơn nước Mỹ!”
Cũng không thấy anh tỏ vẻ buồn phiền, anh nói thêm: “Người ta thường nói: Vợ chồng cùng tuổi (Kỷ Sửu), nằm duỗi mà ăn, tôi nằm duỗi tính đến nay đã 25 năm rồi, chỉ tội cho vợ tôi.”
Anh chị cầm tay nhau, cười với nhau mà không thấy ngượng ngùng như những đôi vợ chồng già khác. Ðúng vào lúc ấy, tôi bấm máy để chụp một tấm ảnh cho bài báo này.
NGUỒN : Báo Người Việt California
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=128145&zoneid=247
No comments:
Post a Comment