VŨ KHÍ QUYẾT ĐỊNH KẾT QUẢ CỦA CHIẾN TRƯỜNG




Sau này có nhiều nhà nghiên cứu quân sử đã thử đặt vấn đề là nếu 1975 Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ cho quân đội VNCH thì liệu quân VNCH có chống đỡ nổi hay không?  Câu trả lời là nếu Liên Xô không can thiệp thì quân CSVN trở lại thời kỳ đánh du kích, quân đội VNCH dư sức dẹp tan. 

Nhưng nếu quân CSVN có xe tăng và đại bác 130 ly của Liên Xô thì quân VNCH sẽ thua vì không có vũ khí chống tăng và không có đại bác nòng dài để phản pháo. Vấn đề là vũ khí quyết định chiến trường chứ không phải là chiến thuật chiến lược.

Súng đại bác 105 ly và súng đại bác 130 ly

Năm 1971, Đêm 21-2, căn cứ Ranger South của VNCH tại Hạ Lào bị pháo kích dữ dội, có cả đạn pháo nòng dài 130 ly. Đây là lần đầu tiên quân CSVN sử dụng loại pháo mới do Liên Xô chế tạo. Cho tới ngày nay đại bác 130 ly được các nhà vũ khí học đánh giá là tuyệt hảo, tầm bắn xa tới 27 cây số và rất chính xác.

Trong khi đó súng 175 ly của Hoa Kỳ bắn xa 32 cây số nhưng không chính xác và rất khó vận hành. Súng 175 ly được đặt trên một xe cơ giới chạy bằng bánh xích, mỗi khi tác xạ thì lực thối hậu rất lớn, thân xe có thể bị nhớm lên mặc dầu đã có ống thủy lực giảm chấn gắn giữa nòng súng và sàn xe cũng như 2 chân chống thủy lực ở sau xe.  Cho nên sau mỗi lần bắn thì thân xe đã lệch đi một ít; và như vậy viên đạn kế tiếp cần phải điều chỉnh lại.

Do đó pháo binh 175 ly chỉ tác xạ khu vực chứ không thể tác xạ tiếp cận khi hai bên ở thế cài răng lược.  Hồi ký của Tướng Westmoreland về trận Khe Sanh 1968 cho thấy súng 175 ly của HK cần phải đưa vào phế thải.  *( Đến 1979 quân đội HK phế thải toàn bộ đại bác 175 ly.  Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Do Thái đến 2010 mới phế thải ).

Còn súng đại bác tối tân nhất của quân đội VNCH vào năm 1975 là súng 105 ly, chỉ bắn xa được 10 cây số cho nên không thể “đọ súng” với đại bác 130 ly của CSVN.  Ngoài đại bác 105 ly, quân đội VNCH còn có đại bác 155 ly.  Cỡ nòng lớn hơn đại bác 130 ly của CSVN nhưng vì là súng nòng ngắn cho nên tầm tối đa là 15 cây số.  Và xoay trở cũng khó khăn hơn súng 105 ly, độ chính xác cũng kém hơn.

Trong trận chiến năm 1975 pháo binh Bắc Việt dùng toàn súng 130 ly, cho nên hễ họ đi tới đâu thì pháo binh VNCH chỉ có nước kéo súng chạy dài chứ không thể nào phản pháo vì pháo của địch ngoài tầm súng của họ đến 12 hoặc 17 cây số .

Hiện nay đại bác 130 ly của LX là súng hạng nhất của thế giới, nhưng ưu thế pháo binh của CSVN không phải là đại bác 130 ly, mà là hỏa tiễn chiến thuật 122 ly và 107 ly ( Katyusa ).  Nguyên thủy hỏa tiễn 122 được đặt trên xe tải với giàn phóng 16 trái;  nhưng khi sử dụng trên chiến trường VN thì dàn phóng “cải tiến” được đặt trên nền đất nện, đôi khi thiếu thiết bị thì giàn phóng được làm bằng các chạc tre.  Trái hỏa tiễn 107 ly có thể đi xa 6 cây số, trái hỏa tiễn 122 ly có thể đi xa 9 cây số.

Hỏa tiễn Katyusa rất tiện lợi đối với chiến tranh du kích, trái đạn được đặt tại một vị trí mật;  kích hỏa theo giờ gài sẵn; khi trái đạn được bắn đi thì người bắn đã rời xa điểm đặt giàn phóng.  Sau đó thì không còn gì nữa cả.  Trong trận mùa hè 1972, riêng tại An Lộc, quân CSVN có thể pháo 10.000 trái hỏa tiễn vào thành phố An Lộc trong một đêm.

Trận đánh cuối cùng năm 1975 tại Ban Mê Thuột, Khánh Dương và M’Drak  đã chứng minh quân Bộ binh VNCH chạy dài trước 1 trung đoàn tăng của CSVN.  Và Pháo binh VNCH tại Ban Mê Thuột, Khánh Dương cũng chạy dài trước 2 trung đoàn pháo 130 ly và 122 ly của CSVN.

Hỏa tiễn chống máy bay SA.7 của quân CSVN

Theo binh pháp của quân đội VNCH thì phi cơ sẽ dọn chiến trường trước khi quân bộ binh tấn công.  Nhưng kể từ trận Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 thì người ta phát hiện quân CSVN được trang bị hỏa tiễn tầm nhiệt SA.7.  Loại hỏa tiễn này rất gọn nhẹ, ống phóng có cỡ nòng 57 ly được người xạ thủ vác trên vai;  một khi xạ thủ bấm cò thì trái hỏa tiễn rời ống phóng đi với tốc độ 1,25 lần âm thanh.  Do đó tất cả các máy bay của VNCH với tốc độ dưới tốc độ của âm thanh sẽ bị hỏa tiễn dò theo luồng hơi nóng rượt kịp và phát nổ trong ống xả khói của máy bay.

Sau trận Mùa Hè 1972 tất cả các phi cơ trực thăng phải quay ống thoát khói lên trời để hạn chế bớt hiệu dụng của hỏa tiễn tầm nhiệt.  Ngoài ra Bộ tư lệnh Không Quân VNCH cũng chỉ dẫn đối phó bằng cách mỗi khi phát hiện bị hỏa tiễn rượt thì trên máy bay thả ra một trái chiếu sáng với nhiệt độ 2.500 độ C, hỏa tiễn bị đánh lừa bởi nhiệt độ của trái sáng.  Tuy nhiên vấn đề là phi công luôn luôn phát hiện hỏa tiễn chậm và thả trái sáng muộn cho nên cũng như không.

Vì vậy mới có chuyện phi cơ bay tít trên trời cao rồi bất thần nhào xuống thả đại với xác xuất một trúng hai trật, chấm dứt thời đại phi cơ làm chủ chiến trường.  Không phải tới năm 1974 mới có tình trạng này, mà từ 1972 Ngũ Giác Đài đã tiên đoán rồi đây sẽ không có một phi cơ nào với vận tốc dưới vận tốc âm thanh có thể hoạt động trên trời sau khi Liên Xô và Hoa Kỳ phát minh ra hỏa tiễn tầm nhiệt.

*( Sau này Hoa Kỳ đã trang bị cho quân kháng chiến Afganistan 730 chiếc hỏa tiễn tầm nhiệt tương tự như SA.7 để quân kháng chiến Afganistan chống lại Không quân của Liên Xô trong cuộc chiến giữa Liên Xô và Afganistan năm 1979-1989.  Sau trận chiến đó thì HK thu hồi lại tất cả số hỏa tiễn tầm nhiệt chưa sử dụng nhưng vẫn còn sót vài chục chiếc chưa thu hồi được, số hỏa tiễn này trở thành một quan ngại lớn cho phi cơ vận tải của quân đội HK vào năm 2001, khi HK quyết định tấn công Afganistan ).

Đây không phải là nhận xét chủ quan của người biên khảo tập tài liệu này, tài liệu của ông trùm CIA Frank Snepp cũng xác nhận lối thả bom của Không quân VN vào thời 1975 : “Nhưng cũng giống như trận Phước Long trước đó mấy tuần;  các cuộc dội bom trở thành nguy hiểm cho quân bạn hơn là cho quân địch,  phi công có thói quen hoạt động trên 10.000 bộ, ngoài tầm hỏa tiễn AAA của quân CSVN, họ nhắm từ trên xa và phóng bom hú họa xuống mục tiêu…” ( Decent Interval trang 181 ).

 Hồi ký The Final Collapse của Tướng Cao Văn Viên cũng xác nhận : “Trong những tháng cuối của cuộc chiến, Bộ TTM sử dụng phi cơ vận tải C.130A vào các cuộc dội bom chiến thuật để thay vào hỏa lực của phi cơ chiến đấu không hoạt động hữu hiệu vì hỏa lực phòng không của địch”…  “C.130 có thể chở 32 trái bom loại 250 cân và 500 cân; hay 21 bom 750 cân, trên 8 kiện hàng.  Bom cũng thả từ cao độ 15-20 ngàn bộ ( Tức là 5 đến 7 cây số, hỏa tiễn SA.7 không bắn tới;  bản dịch của Nguyễn Kỳ Phong trang 201 ).

Và tài liệu Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập của Nguyễn Tiến Hưng : “Không quân có chừng 400 trực thăng thì hơn 200 chiếc hoặc bị bắn rơi bởi hỏa tiển Strella mới của Nga, hoặc bất khiển dụng vì không có cơ phận thay thế ( trang 447 )”.

Vấn đề là cho dầu có cơ phận thay thế thì trực thăng võ trang hay máy bay thả bom cũng bất khiển dụng vì phải bay trên 10.000 bộ cho nên thả không trúng.  Một khi máy bay đã không can thiệp được thì chiến trường sẽ dành cho bên nào có pháo hữu hiệu hơn.  Nhưng pháo của CSVN bắn xa hơn pháo VNCH tới 12 cây số.

Tóm lại, nếu cuộc chiến tiếp tục bằng du kích chiến thì CSVN sẽ thua, nhưng nếu đánh trận địa chiến thì CSVN sẽ thắng.  Sở dĩ năm 1972 quân đội VNCH thắng trong trận địa chiến là nhờ B.52 của Hoa Kỳ, máy bay bay cao cho nên SA.7 bắn không tới.  Ngoài máy bay B.52, quân đội Hoa Kỳ còn yểm trợ cho bộ binh VNCH bằng máy bay Fantom ( F.4 ) và Thunderchiep ( F.105 ), hai loại này bay với vận tốc gấp hai lần âm thanh cho nên hỏa tiễn chống máy bay SA.7 không rượt kịp.  Còn các loại máy bay của VNCH đều bay dưới tốc độ của âm thanh cho nên sẽ trở thành vô dụng nếu quân CSVN có hỏa tiễn SA.7.

So sánh súng trường AK.47 và súng trường M.16

Lần đầu tiên súng trường M.16 được Sư đoàn 101 Dù Hoa Kỳ sử dụng thử nghiệm trong trận Ea Drang tháng 11 năm 1965.  Hồi ký của tướng Westmoreland :

“…M.16 là loại súng trường tốt nhất trong các loại súng trường được chế tạo cho bộ binh sử dụng.  Loại này mới đối đầu nổi với súng AK.47 của địch…”(  Bản dịch của Duy Nguyên trang 227 ).  Câu “mới đối đầu nổi” cho thấy là M16 chưa bằng AK.47.

Và sau đó thì : “Rất tiếc các viên chức tại Hoa Thịnh Đốn làm ngơ trước yêu cầu khẩn thiết của tôi…Mãi đến năm 1967 các đơn vị Hoa Kỳ mới được trang bị lại vũ khí này” ( Trang 227. Westmoreland không ngờ là sau trận đó M.16 được nghiên cứu lại do vì thường xuyên bị kẹt đạn do “thoi du cơ” không trở lại vị trí “khóa ngàm cơ bẩm”.  Sau này người ta phải chế lại súng M16 thành súng M16 A1 có khóa ngàm phụ để xạ thủ có thể dùng tay tống thoi du cơ về phía trước nếu cơ bẩm không khóa ngàm ).

 Cũng theo Westmoreland : “Từ trước tới nay quân đội VNCH chịu nhiều thất lợi trên chiến trường trước sức uy hiếp tinh thần của loại AK.47 vì họ chỉ được trang bị súng trường Garand M.1 bán tự động.  Ngoài M.1 họ còn được trang bị súng Cafbin, nếu so với AK.47 thì chằng khác nào súng tấn công với súng bắn chim” ( Bản dịch của Duy Nguyên trang 227 ).

“Một số ít báo chí và dân biểu trong Quốc hội chỉ trích việc dùng Garand M.1…thì một số khác chê loại súng mới chế (M.16) và cực lực chống lại việc chế tạo loại vũ khí này.  Đành rằng lúc ban đầu loại này có khuyết điểm là kén bảo trì ( rất dễ bị kẹt đạn do súng dơ ) nhưng về sau súng được cải tiến hơn nên không còn trở ngại nữa ( trang 227 )

“Mãi  đến tháng Sáu năm 1967 tôi phải ve vãn các nhà lập pháp cử một phài đoàn sang điều tra về loại súng này.  Tình hình quân đội VNCH lúc ấy trở thành đề tài cho báo giới Hoa Kỳ khi có người cản tôi rằng không nên giao súng M.16 cho họ.”(trang 228).

Đến tháng 1 năm 1968, hồi ký Westmoreland cho biết : “..tại Hoa Kỳ một đợt phê binh chỉ trích mới được bày ra nói về loại súng M.16.  Nhiều bài báo nói rằng TQLC Hoa Kỳ quẳng loại súng này không tiếc tay….tôi liền cử một toàn điều tra…” ( trang 294 ).

“Rõ ràng khi trang bị loại M.16 các binh sĩ TQLC không được chỉ dẫn cách bảo trì ( Thường xuyên lau chùi súng ), và các sĩ quan không tròn trách nhiệm theo dõi đúng mức ( Kiểm tra lau chùi súng ).  Từ đó TQLC không muốn bỏ loại súng cũ là Garand M.14…”…Ít lâu sau Tổng thống Johnson cử người bạn cũ người Texas là Frank W.Mayborn sang nghiên cứu thực trạng M.16 ( trang 294 ).

Sau trận Mậu Thân 1968 thì quân đội VNCH mới được trang bị M.16.  Đến năm 1969 thì các trung tâm huần luyện căn bản quân sự cho cấp binh sĩ tại các TTHL Đống Đa, Lam Sơn, Quang Trung bỏ các sân bắn bia tầm 400 mét, chỉ giữ lại sân bắn tầm 200 vì súng M.16 chỉ hiệu quả trong tầm 200 mét ( đạn gom trong 5 vòng tâm của tâm bia, còn trên 200 mét thì do vì viên đạn nhẹ quá nên thường đi bạt ra khỏi bia, không chính xác ).

Còn Trường Đồng Đế dành cho cấp Hạ sĩ quan, và Trường Thủ Đức, Đà Lạt dành cho cấp sĩ quan, vẫn còn duy trì bãi bắn tầm 400 mét cho tới 1971 để tập bắn đạn của súng Garand M.1, súng này có tầm bắn hiệu quả 400 mét.

Do vì trình độ hiểu biết về kỹ thuật của cấp binh sĩ bị gới hạn cho nên các quân trường Đống Đa, Lam Sơn, Quang Trung không giảng dạy về cơ hành vận chuyển của súng M.16 cho tân binh.  Cho nên dẫn tới tình trạng nhiều binh sĩ coi thường việc thường xuyên lau chùi súng;  đưa tới những cái chết đáng tiếc do bị kẹt đạn khi đối diện với địch quân.

BÙI ANH TRINH

No comments: