XICH LÔ MỘT THUỞ

Tình cờ tôi nghe giai điệu trẻ trung trong bài hát “Xích lô” của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh: “Xích lô ai không hay ước mơ / cứ vui đùa nhé cứ mơ lặng lẽ cứ lom khom đi về… La la lá la…” Lời bài hát làm tôi nhớ đến một bài báo của ký giả Charles Sidilaire đăng trên tạp chí Đông Dương số tháng 4/1952 về nghề đạp xích lô từ xa xưa. Tác giả ghi nhận rằng, dường như người đạp xích lô không có một ước mơ lớn trong cuộc đời, chỉ mong kiếm sống qua ngày với đôi chân trên đường phố Sài Gòn-Chợ Lớn.
xich-lo-mot-thuo5Xích lô trên đường phố Sài Gòn năm 1961 – Nguồn: LIFE
Ðối với nhiều người trong đó có tôi, xích lô là phương tiện di chuyển quen thuộc. Vào những năm sáu mươi, nhiều tỉnh thành đã xuất hiện loại xe thô sơ này nhưng Sài Gòn vẫn là nơi để lại nhiều dấu ấn . Bởi Sài Gòn-Chợ Lớn trở thành nơi đầu tiên du nhập phương tiện xích lô thay cho hình ảnh người phu kéo xe lam lũ trước đó nhiều chục năm bằng một hình thức ít nhọc nhằn hơn. Theo bài báo “A look at the Pedi-Cab (Cyclo-Pousse) – King of Saigon streets”, Charles Sidilaire cho biết, Cyclo hay đơn giản là “Clo” là tiếng gọi phu xe quen thuộc của người Sài Gòn thuở xưa cách nay gần tám mươi năm.
xich-lo-mot-thuo4Xích lô đầu năm 1940 có hình dáng thấp và đường nét khác xe xích lô sau này -Nguồn: Southeast Asian Indochina
Ðó là thời chiến tranh Ðông Dương, sau khi Nhật rút quân về nước và quân đội Anh nhảy vào giúp người Pháp trở lại Việt Nam, cho đến năm 1952 thì dân số Sài Gòn-Chợ Lớn tăng vọt do tác động cuộc di dân từ nông thôn lên thành thị, lên đến một triệu bảy trăm ngàn người. Chính giai đoạn này là thời kỳ vàng son của nghề xích lô đạp. Và tiếp đến xích lô máy cũng bắt đầu xuất hiện khi dân số đô thành tiếp tục trên đà gia tăng trong cuộc di cư sau năm 1954 của hàng triệu người từ Bắc vào Nam.
Nhưng hãy từ từ chuyện xích lô máy để tôi tiếp tục chuyện xích lô đạp theo dòng lịch sữ, mặc dầu xích lô  máy chỉ xuất hiện sau  xích lô đạp chừng mười năm, tức là đầu thập niên bốn mươi. Thời gian trước đó, người Hà Thành và Sài Thành vẫn sử dụng xe kéo tay, khiến hai nhà văn Nguyễn Công Hoan viết cuốn “Ngựa người người ngựa” và Tam Lang Vũ Ðình Chí viết thiên phóng sự “Tôi kéo xe” để nói lên sự cùng cực của dân đen kiếm sống dưới thời thuộc địa.
xich-lo-mot-thuo3Xích lô máy đầu thập niên 50 có vè hai bên nhỏ – Nguồn: Southeast Asian Indochina
Xích lô đạp thay thế xe kéo, thịnh hành và phát triển mạnh nhất ở Sài Gòn. Ðầu thập niên năm mươi, Đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn có chừng 6,500 chiếc xích lô. Thời đó, người đạp xích lô phải có giấy phép lái xe do Sở cảnh sát cấp mới được phép hoạt động. Nhưng thực tế không phải ai cũng đi xin giấy phép trong khi số xe xích lô lên đến gần mười hai ngàn người. Một số người phải thuê xe xích lô đạp kiếm sống vì nghề này cực nhọc nhưng mỗi ngày trừ chi phí thuê xe chừng 20 đồng Ðông Dương ra thì có thể kiếm 30 – 40 đồng để nuôi sống được gia đình. Do đó, ở Sài Gòn-Chợ Lớn xuất hiện nhiều nhà giàu đầu tư cho người thuê xe hai ca sáng chiều. Tuy vậy, theo ký giả Charles Sidilaire thì hầu hết giới đạp xe xích lô vẫn nghèo và là giai tầng thấp trong xã hội. Không ít người đạp xe kiếm được đồng nào thì đem đi cờ bạc tại Ðại Thế Giới và sòng bạc Kim Chung để tìm vận may đổi đời.
Nhà cho thuê xe phải là người khá giả, giàu có. Có nhà đầu tư vài chiếc, hay quy mô hơn vài chục chiếc, vài trăm chiếc, kiếm vài trăm đến vài ngàn đồng bạc Ðông Dương bỏ túi mỗi ngày là chuyện dễ dàng. Vào thời Bảy Viễn làm thủ lĩnh Bình Xuyên kiêm Tổng trấn Sài Gòn-Chợ Lớn, ngoài việc thầu sòng bạc Ðại Thế Giới, ông còn làm chủ chừng 30 chiếc xích lô cho thuê. Ðến năm 1955, ông bị Thủ tướng Ngô Ðình Diệm dẹp tan vì chống đối chính phủ và sau đó lưu vong sang Pháp.
xich-lo-mot-thuo1Hình ảnh xe Triporteur hiệu Peugeot năm 1950 tại Pháp trước khi chế tạo lại làm xe xích lô máy Nguồn: hinhanhvietnam.com
Việc ký giả Charles Sidilaire nhắc đến ông trùm sòng bạc Bảy Viễn, là một nhà đầu tư cho thuê xe xích lô với số đầu xe ít ỏi cũng chỉ để thấy làm nghề cho thuê xe là công việc tay trái kiếm tiền một cách dễ dàng của người Sài Gòn giàu có. Mặt khác đó là cách viết đẩy đưa dẫn dắt trước đó gần mười năm, một nhà đầu tư công nghiệp người Pháp tên Pierre Coupeaus, người đầu tiên thành lập hãng Pedi-Cab ở Phnom-Penh vào cuối thập niên 30 và khoảng cuối thập niên 40, ông thành lập hãng Pedi-Cab ở số 6 đường Marne Wharf (Bến Vân Ðồn ngày nay). Chính tại đây, làm ra những chiếc xe xích lô đạp với phụ tùng sên líp nhập từ Pháp ; và đầu thập niên 50, nơi đây cũng là đầu mối nhập cảng cả ngàn chiếc xích lô máy cùng với xe taxi Renault chạy khắp Sài Gòn-Chợ Lớn. Theo bài báo, thời điểm 1952, Sài Gòn có đến 1,800 chiếc xích lô máy. Một cạnh tranh thương trường trong ngành giao thông bùng phát vì chiếc xe không còn dùng sức cơ bắp đôi chân, lại chạy nhanh, giá cả bình dân so với xe taxi chỉ dành cho giới thượng lưu đương thời.
Nói về chuyện cạnh tranh giữa xích lô đạp và xích lô máy, thằng bạn thân của tôi rất rành. Ba của hắn chạy xích lô máy vào thuở chúng tôi còn chưa ra đời. Vào những năm cuối thập niên 50, giá một chiếc xe xích lô máy khoảng tám cây vàng. Một số tiền không nhỏ nhưng một cuốc xe xích lô máy từ Sài Gòn vô Chợ Lớn chỉ mắc gấp đôi xích lô đạp. Vừa nhanh, chở nhiều khách, có khi cả gia đình bốn năm người chất lên xích lô máy đi Lăng Ông Bà Chiểu thì còn gì tiện lợi hơn. Vì thế, khách đi xích lô máy rất nhiều, có khi khách kêu không kịp ăn uống.
xich-lo-mot-thuo2Xích lô máy giữa năm 1955 có vè to bản hơn chạy trên đường Trần Hưng Đạo có xe điện Sài Gòn-Chợ Lớn – Nguồn: Southeast Asian Indochina
Bạn kể, nghe đâu xích lô máy của Ba bạn là loại xe được làm lại từ kiểu xe nguyên thủy mới nhất của xe Triporteur Peugeot hai thì chạy bằng xăng pha nhớt, sản xuất tại Pháp. Loại xe này nguyên là xe chở hàng hóa nông sản từ các vùng nông thôn đến các chợ hoặc siêu thị bên Pháp. Hình dáng của nó gần giống xe ba gác máy chở hàng. Dàn phía sau là của xe Triporteur, còn dàn phía trước rập khuôn xích lô đạp nên gọi là xích lô máy. Công việc chạy xích lô máy khấm khá, cho đến khi ông gom góp đủ tiền mua chiếc taxi chở khách nước ngoài ở khu vực gần phi trường Tân Sơn Nhất vào giữa thập niên sáu mươi. Và chính trong thời gian này, xe Lam (Lambro) du nhập vào Sài Gòn, một cuộc cạnh tranh khác mà chủ yếu với loại xe xích lô máy. Xe Lam chở nhiều khách, rẻ tiền và nhiều hàng hóa trên mui khiến cho nghề xích lô máy dần sa sút và biến mất sau năm 1975 do khan hiếm xăng dầu.
Tôi nhớ vào năm 1979, sau khi hồi phục từ ca mổ ruột thừa tại bệnh viện Nguyễn Trải, tôi đã đón xích lô máy về nhà. Xích lô máy lúc ấy không còn nhiều như thời trước và mãi cho đến năm 1985 mới có lệnh cấm xích lô máy hoạt động, khiến một số chủ bán xe, số khác chế tạo lại thành xe ba gác máy chở hàng ở các chợ đầu mối vùng ngoại thành rồi tuyệt tích “giang hồ” từ đó.
xich-lo-mot-thuoPhương tiện vận chuyển xe lam xuất hiện giữa thập niên 1960 làm cuộc cạnh tranh xe xích lô máy tàn lụi – Nguồn: hinhảnhvietnam.com
Thế nhưng, tôi vẫn nghe nhiều người nhớ tiếc xích lô máy hơn xích lô đạp, và xích lô đạp đang biến mất dần với những lệnh cấm hoạt động trên nhiều tuyến đường trong nội thành. Nghe nói, hiện nay còn chưa tới ba trăm chiếc xích lô, mà đa phần người đạp xe là người từ các vùng quê khác vào Sài Gòn mưu sinh, đạp xe ở các khu vực ngoại ô thành phố.

Xích lô Sài Gòn - Hình ảnh đẹp từ xưa đang "hấp hối"

 

 
 
 

Ðầu tiên, vào năm 1996, nhà nước VC ra quyết định hoàn toàn cấm xích lô đạp trên 34 tuyến đường tại trung tâm Sài Gòn, thuộc quận 1. Tới 2002, có 60 tuyến đường cấm xích lô đạp và 148 tuyến đường hạn chế lưu thông. Tới cuối 2007, quyết định cấm xích lô vào đầu năm 2008. 
Ngày 31 tháng 12 năm 2007, tại một cuộc họp khẩn cấp của thành phố, ông Lê Hiếu Ðằng (lúc đó là phó chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc VC) đã kiến nghị với chính phủ dời ngày quyết định cấm xích lô lại. Lý do vì ảnh hưởng tới đời sống của nhiều người dân nghèo. 

Vào thời điểm trên, theo thống kê chưa đầy đủ thì Sài Gòn có khoảng 60 ngàn chiếc xe ba gác , và xích lô đạp. 
Từ 2010 tới 2013 siết chặt những quy định về hành nghề xích lô đạp. Xích lô phải được cấp giấy của ngành GTVT, và phải được phường sở tại cấp phép cho chở hàng hóa. 
Ða số xích lô tại Sài Gòn do các “lò” sản xuất, không giấy tờ. Người hành nghề xích lô thì đa phần là dân nhập cư, hoặc dân đi kinh tế mới về. Tình trạng xe không giấy, người không giấy, với những quy định ngặt nghèo trên dẫn tới tình trạng đa số xích lô ở Sài Gòn trở thành đồ... ve chai. 
 

Một số ít xe còn lưu thông thì bị quy định giờ giấc nghiêm ngặt. Sáng cấm lưu thông từ 5 giờ tới 13 giờ. Chiều cấm lưu thông từ 16 giờ tới 22 giờ. Tuy nhiên nhiều người vẫn hành nghề xích lô “lậu” ở Sài Gòn. Ðó là những chiếc xích lô “mồ côi,” lặng lẽ lăn bánh trong những góc khuất của đời sống phồn hoa đô hội ở Sài Gòn. 
Trong một quán bia hơi bình dân vùng ven Sài Gòn, chúng tôi ngồi chung bàn với một người đàn ông đã lớn tuổi, nhưng tướng tá còn khá phong độ. Khi chúng tôi hỏi thăm công việc, người đàn ông chỉ ra cái bao bố bỏ ngoài cửa quán, nói: “Tôi làm nghề lượm ve chai.” Thấy chúng tôi tỏ ý ngạc nhiên. Người đàn ông cười buồn, cho biết trước kia ông ở khu Cầu Muối, có hai chiếc xích lô, một chiếc chạy, một chiếc cho thuê. 

Ông kể với chúng tôi về ngày “khai tử” của giới xích lô là một ngày tháng 5 năm 1997, khi cấm xích lô ở quận Nhứt ( 1). Ðời ông xuống luôn kể từ...dạo ấy. 
Vợ bỏ theo trai, nhà bị giải tỏa. Ông ra đường hồi nào cũng... không hay. Hỏi thăm cuộc sống hiện tại. Ông cho biết lượm ve chai bán cũng không được bao nhiêu tiền. Nhưng mỗi ngày ra quán quen, anh em người ta cho uống “chùa,” có người lại cho thêm chút tiền nên cũng sống... lai rai. 

Một đêm trời lạnh, cuối năm. Chạy xe ngang một cổng trường Đại học, gặp một ông già gầy gò, phong phanh áo mỏng, quần xà lỏn ngồi dưới ánh đèn đường. Chúng tôi ghé lại hỏi thăm. 
Ông cho biết, quê Bình Dương lên Sài Gòn hành nghề đạp xích lô này đã hơn 30 năm.
Hỏi thăm người thân nơi quê nhà, ông lắc đầu, buồn bã: “Cũng chẳng còn ai!” 
Hỏi có về quê ăn Tết? Ông bảo quê ông bây giờ là đường phố Sài Gòn, nhà là nơi vỉa hè còn “tạm dung” ông với chiếc xích lô đậu ngủ qua đêm. Gặp mỗi người đi đường ghé lại, đôi mắt ông lại sáng lên: “Kêu xích lô hả? Ði đâu?” Khi người ta lắc đầu, gương mặt ông chợt buồn thiu. 
 

Anh T., là một trường hợp khác. Anh quê Bình Ðịnh, làm ruộng nhưng hoa màu chẳng bao nhiêu. Nên giao hết việc ở quê cho vợ, rồi vô Sài Gòn hành nghề đạp xích lô. Anh chạy xe cho một vựa vật liệu xây dựng. Chạy “cuốc” nào, chủ trả tiền cuốc đó. Khi hết giờ bán hàng của vựa, anh bắt mối chạy ngoài để kiếm thêm. 
Anh kể, có lần có mối kêu anh chở hàng đi Củ Chi (cách Sài Gòn chừng 40 cây số), họ trả anh 400 ngàn đồng. Thế là trong đêm anh “giong” xe xích lô đạp đi Củ Chi giao hàng, chở nặng nhưng được cái ban đêm trời cũng mát. Giao hàng xong lại đạp xe ngược về Sài Gòn, chưa tới 9 giờ sáng. Ra quán quen, anh chỉ dám “tự thưởng” cho mình hai chai bia Sài Gòn ướp lạnh và một dĩa đậu phộng rang muối. 
Anh khoe, đời anh cực khổ như vậy, nhưng nuôi con ăn học rất đàng hoàng. Thằng con lớn anh đang học năm thứ 4 đại học. Ngoài tiền học phí, sách vở anh còn mua xe Honda cho con đi học. Thuê nhà trọ và lo tiền cho con ăn uống đàng hoàng. 
Anh nói: “Mình làm hết sức mình, để con nó không thể đổ thừa tại sống cực khổ quá mà nó học không được.” Nhưng anh cũng giao rõ với con, là ngoài 5 năm đại học, cộng với 6 tháng cho con đi xin việc làm là anh hết trách nhiệm. 
Người đàn ông ngoài 40, siêng năng lanh lẹn như anh T., có lẽ cũng là những người hiếm hoi sống bằng nghề lao động cực nhọc này nhưng còn có niềm hy vọng nơi phía trước bởi những đứa con. 
 

Trong khi nghề xích lô ở Sài Gòn đã tới thời “mạt” thì nhiều “lò” sản xuất xe xích lô đã nhanh nhạy sản xuất ra loại xích lô mini để kinh doanh thêm, đó là xích lô cho trẻ em và “xích lô gia đình”. Hai loại xe này kích cỡ chỉ bằng chừng 50 tới 60 % của xe xích lô thật. 
Xe trẻ em (cho con nít đạp chơi) được cho thuê với giá 30 ngàn đồng/1 giờ. Trong khi xe “xích lô gia đình” được gắn đèn chớp chóa và nhạc hiệu vui tai được cho thuê với giá 15 ngàn đồng/1 giờ. Một ông bố có thể “chất” hiền thê và hai quý tử lên xe rồi đạp xe vòng vòng quanh vùng ven Sài Gòn. 
Bên ngành du lịch Sài Gòn đã từng kiến nghị xin xây dựng “mô hình” xích lô du lịch ở Sài Gòn. Nhưng không được ngành GTVT chấp nhận, lý do là đường phố Sài Gòn quá đông mà xe xích lô thì lại quá cồng kềnh, chậm chạp. 
Theo tìm hiểu, thì đa phần xích lô còn đón khách ở khu vực chợ Bến Thành hiện nay đều “núp bóng” công ty du lịch. Hoặc được “bảo kê” bởi... ai đó. 
Một vị họa sĩ già, có lần nói chuyện với chúng tôi đã ví những chiếc xe xích lô già như những giọt lệ buồn chầm chậm lăn trên đường phố Sài Gòn. Nếu không có một giải pháp mới cho xích lô Sài Gòn, thì e rằng “giọt lệ buồn” ấy cũng đã đến hồi cạn kiệt cho những kiếp người-ngựa nản chân bon ! 
 
  

Xích lô đạp & Xích lô máy một thời.


Ảnh 1, xích lô đạp và xích lô máy trên đường phố, phía sau là Thương xá TAX. 
Ảnh Internet.

- Xích lô đạp:

Theo sách vở, xích lô đạp xuất hiện ở Sài Gòn vào khoảng cuối thập niên 30 của thế kỷ trước, có lẽ là sự kết hợp giữa chiếc xe kéo và... xe đạp. Xích lô đạp vẫn chạy bằng "nhân lực" nhưng thay vì xe do người kéo trực tiếp chạy bộ phía trước, thì cải tiến thành người đạp ngồi phía sau, thông qua một hệ thống máy móc thô sơ là nhông, sên, bánh xe. Thoạt đầu xích lô đạp được gọi là xích lô, xe xích lô, bắt nguồn bởi tiếng Pháp Cyclopousse, sau gọi là xích lô đạp để phân biệt với chiếc xích lô máy (tiếng Pháp Cyclomoteur), thay vì đạp bằng đôi chân thì xe xích lô máy chạy bằng máy xăng.

Ảnh 2, Xích lô đạp chở khách. Ảnh Internet.

 Ảnh 3, xích lô đạp chở người buôn bán. Ảnh Internet.


Ảnh 4, xích lô đạp chở khách và... vịt. Ảnh Internet.


Ảnh 5, xích lô đạp chở hàng hóa. Ảnh Internet.
Xích lô đạp có 3 bánh bơm hơi, tuy chạy bằng sức người nhưng nhờ có máy móc thô sơ nên chạy nhanh và xa hơn xe kéo, người đạp xe xích lô trông cũng văn minh, thấy đỡ bị... bóc lột hơn. Có lẽ xích lô đạp thoạt đầu chủ yếu chở khách trung lưu đi lại (ảnh 2), sau phổ biến chở luôn khách buôn bán cùng thúng mủng và cả hàng hóa (ảnh 3, 4, 5).
Ảnh 6, xích lô đạp trong cơn mưa. Ảnh Internet.
Xích lô đạp có mui che mưa nắng, nhưng bình thường thì mui này được xếp lại để bớt cản gió, thường thì chỉ khi nào xe chở khách có tuổi yêu cầu, hoặc trời nắng quá hay gặp mưa thì mui xe mới được giương lên, cùng một tấm bạt quây kín thùng xe tránh mưa tạt (ảnh 6). Về mục che mưa nắng này thì chiếc xích lô đạp và xích lô máy giống nhau.




Ảnh 7, Xích lô máy chờ đón khách giữa trung tâm thành phố (phía sau Quốc Hội cũ). Ảnh Internet.

-  Xích lô máy:

Xe xích lô máy (ảnh 7) có nguồn gốc từ nước Lang Sa (Pháp - France), như đã nói được gọi là Cyclomoteur của hãng xe lừng danh nước Pháp Peugeot, du nhập vào Sài Gòn khoảng giữa thập niên 1940, từ chiếc xe 3 bánh chở hàng 125 phân khối (125 cc, ảnh 8). Được sửa đổi thành xe chở khách, máy xe là động cơ 2 thì chạy bằng xăng pha nhớt. Xích lô máy cũng có 3 bánh, 2 bánh phía trước và 1 bánh phía sau như xích lô đạp, sức chở khách tương đương , thường chở được 2 người lớn, và một vài đứa trẻ con ngồi trong lòng người lớn hoặc ngồi bệt xuống nơi chỗ để chân của người lớn. Nhưng về sức mạnh, sức bền thì xích lô máy hơn xích lô đạp gấp nhiều lần, chạy nhanh hơn, xa hơn, không thua gì xe hơi.

Ảnh 8, xe 3 bánh hiệu Peugeot chở hàng hóa của Pháp. Ảnh Internet.
Nếu chiếc xích lô đạp chạy êm ru, thì chiếc xích lô máy ngày xưa thật ồn ào, khi chạy tiếng máy nổ nghe "phành phạch" (do bộ phận giảm thanh trong ống bô bị gỡ bỏ) ầm ĩ cả phố phường, như anh bạn trẻ Huy Trường nhận xét. Ngoài mức độ ô nhiễm về tiếng ồn, thì chiếc xích lô máy cũng là vua ô nhiễm về khí thải, vì là máy 2 thì chạy xăng pha nhớt, và "thâm niên công vụ" cũng đã cao. Tương đương về mức độ ô nhiễm thì chiếc xích lô máy có một địch thủ đáng gờm là chiếc xe lam 3 bánh chở khách một thời, đây là một cặp "kỳ phùng địch thủ".
Chiếc xích lô máy ngày xưa rất nổi tiếng cho nên thời trước năm 1975 có hẳn một loại tập (vở) của học sinh ngoài bìa in hình chiếc xích lô máy, và mang nhãn hiệu Cyclo Máy, các bạn ở Sài Gòn chắc còn nhớ.


Ảnh 9, xích lô máy thời Tây ở Sài Gòn. Ảnh Internet.


Ảnh 10, Xích lô máy thời Mỹ, phía sau bên phải là chiếc Jeep "cao" của quân đội. Ảnh Internet.
Hồi tôi còn nhỏ thỉnh thoảng được đi chơi đâu cùng người lớn bằng chiếc xích lô đạp hoặc xích lô máy thì mê tơi, tuy thường chỉ được ngồi dưới chân của người lớn, chồm hổm như con cóc, mà cũng chỉ thích ngồi như thế. Chiếc xích lô đạp và xích lô máy có thùng xe chở khách phía trước, tài xế ngồi sau, cho nên "có chuyện" thì khách đi xe thường lãnh đủ trước rồi mới đến tài xế, Ngày xưa đường xá còn vắng vẻ chưa đông đúc như sau này, leo lên chiếc xích lô máy chẳng may gặp bác tài có máu cao bồi thì đứng tim, ngoài tài lạng lách khi cua quẹo cao hứng lên bác ta vặn ga phóng với tốc độ năm, sáu mươi cây số giờ thì thật kinh hãi, gió thổi ù ù, chiếc xe cứ thế mà lao tới cho ta cái cảm tưởng sắp sửa tông vào xe khác tới nơi, người bệnh tim, tăng xông mà ngồi xích lô máy thì thật tổn thọ.
Đối với loại xích lô đạp thì cũng chẳng kém gì, khi đụng phải bác tài có máu ẩu, xe này tuy chạy chậm, nhưng cũng chính vì chạy chậm mà khi thấy nguy cơ sắp đụng xe khác, thì bác tài có đủ thời gian bỏ... của (và khách) để chạy lấy người. Xưa tôi đã nhiều lần thấy cảnh bác tài... trổ tài phi thân nhảy khỏi xe khi nhắm không còn điều khiển được, để mặc xe tự do lao vào xe khác, hoặc sau khi phi thân thì chiếc xe chở khách không còn người điều khiển, lảo đảo như người say rượu rồi đổ kềnh ra đường, dĩ nhiên là cùng với khách trên đó.


Ảnh 11, Xích lô máy chở khách. Ảnh Internet.


Ảnh 12, xích lô máy chở khách và hàng hóa. Ảnh Internet.

Xích lô đạp và xích lô máy tại Sài Gòn thuở trước khi mới xuất hiện, hoặc mới du nhập là loại xe chuyên chở khách thường dành cho khách từ trung lưu chở lên, người ngoại quốc đến Sài Gòn rất thích đi (ảnh 9, 10, 11). Là loại xe chở hành khách không thể thiếu từ thời Tây qua thời Mỹ, sau xã hội hiện đại, nhiều loại xe khác xuất hiện, cuộc sống của người dân khá lên, thì hai loại xe này xuống cấp, trở thành bình dân, từ chỗ chuyên chở khách "lai" thêm cả chở hàng hóa (ảnh 3, 4, 5, 12). Sau năm 1975 gắng gượng thêm một thời gian , rồi dần dần bị thay thế bằng các loại xe khác. Xích lô đạp hiện nay thỉnh thoảng còn thấy vài chiếc chở du khách (ảnh 13, 14), còn chiếc xích lô máy thì hầu như đã tuyệt tích giang hồ.


Ảnh 13.

Ảnh 14.
Du khách ngồi xe xích lô đạp trên đường phố Sài Gòn. 
Ảnh Internet.

Cuộc sống luôn thay đổi, phát triển, cái gì có sinh rồi cũng có diệt. Âu cũng là ký ức một thời của người Sài Gòn cố cựu...

No comments: