Minh Lý
- 2 tháng 9, 2021
Má tôi nấu canh chua cá kho tộ ngon nhất đời… chúng tôi. Ăn gì ăn, đi đâu đi, rồi cũng lại thèm canh chua cá kho Má nấu. Má là “dân miền Nam” thứ thiệt, con gái Long An, lấy chồng Sài Gòn, sống nửa đời ở Sài Gòn rồi qua nửa vòng Trái đất đến Sài Gòn Nhỏ (Little Saigon) sống ở miền Nam California tới giờ.
Mà ở đâu Má cũng nấu canh chua.
Canh chua cũng là món Ba chúng tôi ưa thích. Hồi trước 1975, mỗi lần nghỉ phép về lại Sài Gòn, ông sĩ quan ấy chỉ mong sà vào mâm cơm của vợ với món canh chua nóng hổi ngào ngạt, sà vào cái tình gia đình chồng vợ ấm áp giữa tháng năm chiến tranh sống chết điêu linh. Tháng Tư năm 1975, ông đã từ chối những cơ hội di tản mà một sĩ quan cấp tá như ông có thể có được. Ông nghĩ đến cha mẹ anh em dòng họ, người Mỹ bỏ đi nhưng mình làm sao bỏ đi, nhà mình đây, vợ con mình đây, canh chua cá kho mình đây…
Ngày 30 Tháng Tư chúng tôi ngơ ngác trước những ồn ào thay đổi ngoài đường, nhưng trong nhà lại vui vì đã có Ba về. Ba về hẳn. Chúng tôi luôn thèm Ba, những đứa con của lính trận xa nhà luôn thèm có Ba. Tôi đi theo hít hà mùi áo Ba. Ba mặc áo sơ mi quần tây, đeo mắt kính, nhìn như thầy giáo, đó cũng là mơ ước lớn nhất của ông, sẽ có ngày được giảng dạy ở trường quốc gia hành chánh.
Ngày 30 Tháng Tư 1975 đó, chúng tôi đã không ra đi, khi người Mỹ cuối cùng rút khỏi Sài Gòn.
Ngày 30 Tháng Tám 2021 này, Má ngồi trước màn hình tivi ở nhà đứa con trai út ở North Carolina, như hàng tỷ người trên thế giới đang theo dõi những giờ phút cuối cuộc rút quân “khó khăn và đau đớn” của quân đội Mỹ ở sân bay Kabul. Chiến dịch quân sự kéo dài 20 năm của quân đội Mỹ tại Afghanistan đã kết thúc với hình ảnh Thiếu tướng Christopher Donahue trong quân phục dã chiến, xách súng carbine M4, bước lên chiếc vận tải cơ C-17 cuối cùng rời sân bay Kabul lúc 15:29 ngày 30 Tháng Tám.
Chín năm trước, con trai út của Má, Trung tá Nhựt Lý, cũng từ sân bay Kabul này rời Afghanistan, sau chín tháng đóng quân ở đây. Chín năm trước, má cũng tiễn con đi và đón con về từ chiến trường Afghanistan bằng bữa cơm canh chua cá kho của Má. Còn Má trong chín tháng con trai ở Afghanistan đó, bà chỉ ăn chay, và niệm Phật hàng đêm. Để cầu mong con và đồng đội của con được nguyên vẹn trở về.
Nên hôm nay khi nhìn những người lính Mỹ cuối cùng rời sân bay Kabul, Má nhớ ngay cái cảm giác của chín năm trước. Má đã mừng tủi thế nào khi nhận được tin Nhựt đã trở về Mỹ an toàn, vào cái năm thứ 12 của cuộc chiến đã lấy đi sinh mạng của 2,000 lính Mỹ ở thời điểm ấy. Ngày hôm đó, Má đến trước tấm ảnh Ba, thầm thì: Anh à, con đã về!
Ba chúng tôi đã vĩnh viễn không thể về ăn những tô canh chua Má nấu sau ngày hòa bình, khi tiếng súng đã ngưng. Ông nằm lại trong một gò đất hoang vu ở một nơi rất xa Sài Gòn, trên giải đất hình chữ S đã được nối liền. Bảy năm sau đó, má con tôi cũng phải ra đi khỏi giải đất hình chữ S thân thương ấy, vì không thể nào tiếp tục sống ở đó. Bởi tôi chắc chắn không bao giờ vào được đại học với cái lý lịch “nguỵ quân” xếp hạng tận cùng thứ 15, thằng út em tôi có những ngày bị đói đến lả người. Má tôi gầy gò như một nhánh cây khô trĩu nặng năm đứa con thơ tương lai mờ mịt. Nước Mỹ, sau cuộc chiến 20 năm ở Việt Nam, đã đón nhận chúng tôi, vợ con một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa.
Nước Mỹ hôm nay, một lần nữa, lại vừa rút ra khỏi cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan, cuộc chiến được coi là dài nhất lịch sử Mỹ. Cũng trong những ngày cuối Tháng Tám, chúng tôi nhìn lên màn ảnh tivi, nhìn những gương mặt người trong cơn di tản, những cột khói bốc lên, những chuyến bay cuối cùng rời khỏi đường băng,
nhớ 30/4,
nhớ Ba,
nhớ cả hành trình của gia đình,
nhớ cả oan khiên của dân tộc.
Má bây giờ vẫn nấu canh chua cho thằng Út, một trung tá quân đội, trong những bữa cơm chiều ở nhà nó. Thằng Út của Má ngày 30 Tháng Tư 1975 chỉ mới vừa ba tuổi. Lúc Ba chúng tôi mất, nó còn chưa kịp có ký ức nào về Ba ngoài cái trụ sở Ủy ban phường ngày nó theo Má lên đó nhận giấy báo tử. Thế rồi sang đây nó lại theo nghiệp nhà binh. Nó học rất giỏi, vừa đi lính vừa lấy bằng đại học về ngôn ngữ rồi lấy bằng bác sĩ. Nó hiền như củ khoai, chưa bao giờ nghe nó nói một lời thù hận nào, không biết nó có còn nhớ cái Ủy ban phường đó không, bởi không thấy nó nhắc gì trong những lần về Sài Gòn cùng đoàn thiện nguyện “Project Vietnam” có ghé thăm nhà cũ ở khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật…
Năm tháng qua đi, những cuộc chiến qua đi, chỉ còn lại Má tôi, với nồi canh chua, ngồi lại. Cuộc chiến Việt Nam, rồi cuộc chiến Afghanistan, bà đều tiễn chồng rồi tiễn con đi vào nơi khói lửa, với nồi canh chua ấy. Cái dáng cần mẫn gọt bạc hà, lặt ngò ôm, dằm me, rửa cá… chuẩn bị cho nồi canh chua trong bữa cơm đưa tiễn của một người vợ, một người mẹ – giá mà tôi có thể vẽ lại được, tạc lại được. Như tạc về một thân phận Việt Nam trong cơn biến loạn lịch sử từ cuối thế kỷ trước đến đầu thế kỷ này.
May mắn là tôi đã kịp lưu lại tấm ảnh chụp bữa cơm gia đình trong ngày tiễn Nhựt chuẩn bị sang Afghanistan (Tháng Ba 2012) từ Yahoo Blog. Tô canh chua giữa mâm, bàn tay cầm đũa của Nhựt, và mái tóc trắng phau của Má nơi góc bếp, ở đó, mãi đó.
Nguồn: https://saigonnhonews.com/muon-neo-duong-doi/sai-gon-kabul-va-noi-canh-chua-cua-ma/